Thi Hương ở thành Nam: Ghi chép của Toàn quyền Paul Doumer

Ngày đăng: 07:44 12/09/2019 Lượt xem: 579

Thi Hương ở thành Nam: Ghi chép của Toàn quyền Paul Doumer

11/09/2019, 08:55 (GMT+7)

Paul Doumer nhậm chức Toàn quyền Đông Dương từ 1897 và kết thúc nhiệm kỳ vào 1902. Đối với khoa cử Nho học của Việt Nam, Paul Doumer đã đứng chủ trì 2 khoa thi Hương ở Nam Định vào năm 1897 và 1900.

8-doumer144455357
Những "quan Pháp" gồm Toàn quyền Paul Doumer (thứ hai, từ phải sang), Thống sứ Bắc Kỳ Fourès (thứ ba, từ phải sang), Công sứ Nam Định Lenormand (đội mũ, ngoài cùng) và Tổng đốc Cao Xuân Dục (mặc áo dài, ngoài cùng bên trái) đến dự lễ xướng danh Khoa thi Hương năm Đinh Dậu trường Hà Nam, diễn ra vào ngày 27/12/1897.  Ảnh: Andre Salles (Nguồn: Flickr.com).

Năm 1905, sau khi đã kết thúc nhiệm kì, tại Paris, Paul Doumer viết hồi kí “Xứ Đông Dương” để ghi lại những ngày tháng làm Toàn quyền ở đây. Bạn đọc Việt Nam ngày nay được tiếp cận bản dịch tiếng Việt cuốn sách qua bản in của NXB Thế giới (2017). Tại hồi kí này, khoa thi năm 1897 và 1900 được tác giả Paul Doumer dành nhiều trang biểu thị sự trân trọng một nền khoa cử.

Những hiểu biết và cảm nhận ban đầu của Doumer về khoa thi này khá chi tiết: “Các sĩ tử đến Nam Định trước đó vài ngày, họ tận dụng thời gian để chiếm chỗ và ổn định trong lều thi dành cho họ. Người ta cho họ khoảnh đất trống và chỉ có vậy. Họ phải tự lo liệu để ăn ở và làm bài thi trong nhiều ngày liền ở đó. Họ dựng lên, hay chính xác là người nhà của họ dựng lên cho họ - bởi với tư cách nho sĩ, họ chẳng đụng tay vào bất cứ cái gì hết - một chiếc lều nhỏ xíu lợp chiếu cói hoặc tranh.

Ta có thể ngồi trong đó, nằm hoặc quỳ, nhưng đứng thẳng thì không thể. Trong lều có vài tấm chiếu, chăn, bút lông, mực giấy và một cái bếp nhỏ, vài dụng cụ để nấu ăn, để pha chè mà những người ở đây uống bất kì giờ nào trong ngày. Trong căn lều bé tẹo và bừa bộn ấy, chừng một mét vuông nền đất, thì có sĩ tử dự thi và tên đầy tớ của anh ta ở. Người đầy tớ này thường là họ hàng hoặc hàng xóm tự nguyện đi phục vụ sĩ tử khi anh ta không đủ giàu để trả tiền thuê một thư đồng.

Trong trường hợp vinh quy bái tổ, ân lộc sẽ rót xuống gia đình và cả làng anh ta khá nhiều để người đầy tớ tự nguyện kia sẽ nhận được tiền lương của mình. Khi tôi đến Nam Định dự Lễ khai mạc trọng thể, đám đông chen chúc trên bến cảng rất đông. Lòng họ chẳng có gì khác ngoài sự bình yên”.

Đánh giá về Ban giám khảo ở Nam Định, Doumer đặt niềm tin tưởng: “Họ thực thi chức phận của mình với vẻ trang trọng và nghiêm khắc tối thượng, và với ý thức rất cao”, và “không có điều gì cho phép ta tin rằng có sự thiên vị trong những quyết định của họ đối với tất cả các sĩ tử. Tôi đã chứng kiến các công tử của các viên quan quyền thế, mà bài thi của họ tốt, nhưng bị đánh hỏng một cách không thương tiếc, chỉ bởi trong bài thiếu chút gì đó, trong khi con những nhà bần nông thân cô thế cô, bài của họ chẳng hơn là mấy, lại đỗ”.

Paul Doumer chứng kiến cảnh các sĩ tử vào vị trí khai mạc và bắt đầu thi đã không khỏi ngạc nhiên và cho rằng rất “kì cục”, “có đến 10 nghìn hoặc 12 nghìn chiếc lều nhỏ xíu, dựng san sát nhau, cạnh đó chỗ này chỗ kia có một thằng hầu nhàn rỗi hoặc một nho sinh tò mò hơn hay bồn chồn hơn các đồng bạn của mình, tạo thành một vẻ kì lạ nhất. Ở đó có sự quy củ của một doanh trại quân đội mà không có sinh khí, không sôi động. Đó là cái gì đó nhỏ nhoi, lặng lẽ, cứng nhắc hệt như thế giới Á châu già nua hiện thời đang biến mất khi tiếp xúc với nền văn minh chung của chúng ta”.

Sự so sánh trường thi Hương như một doanh trại quân đội của Doumer có điểm tương đồng với nhận xét của Henri Emmanuel Souvignet viết trong cuốn “Bắc Kì tạp lục” năm 1903 rằng: “Các nhà truyền giáo không hề sai lầm khi đặt tên cho địa điểm này cái tên tràng thi, Bởi nó đúng là khu trại thực sự” (Bắc Kì tạp lục. NXB Hội nhà văn. HN 2019).

Tổng đốc Cao Xuân Dục đến dự kì thi 1897. Ảnh: Andre Salles (Nguồn: Flickr.com).
Cùng đi với Paul Doumer năm 1897 có nhiếp ảnh gia người Pháp Firmin Andre Salles. Nhiều bức ảnh về trường thi của nền Nho học Việt Nam phần lớn do Salles chụp trong dịp này. Đó cũng là một tư liệu lịch sử vô cùng quý giá khi tìm hiểu về khoa cử Nho học.

Lối quan sát sĩ tử đang thi của Doumer là lối tả thực phương Tây, không hoa mĩ nên những đoạn này như một tư liệu lịch sử về không gian và hoạt động của sĩ tử trong trường thi: “Nếu ta theo những lối đi hẹp giữa các lều, ta liếc vào cái khoảnh bé tý bên trong mà các quan giám khảo mở ra bằng cách nhấc tấm mành cửa, vốn đang buông kín, ta sẽ thấy sĩ tử đang ngồi phủ phục, xung quanh là những đồ dùng phức tạp của khóa sinh, những thỏi mực, những nghiên mài mực nhỏ, những ống quyển sơn thếp hoặc lọ sành đựng bút lông, một xấp giấy bản… Họ chấm bút vào nghiên mực và cố gắng nắn nót vẽ chữ, từng nét một, mà vẻ đẹp của chúng khi kết hợp với nhau có thể sẽ cho thấy phong cách thư pháp.

Khi đầy tớ đang duỗi chân, duỗi tay không xa đó, gà gật, sẵn sàng thưa bất cứ lúc nào bị gọi; hoặc hắn sẽ pha chè, chè sẽ làm sĩ tử tỉnh táo trong khoảng thời gian làm bài rất dài và anh ta sẽ uống chè trong suốt cả ngày.”

Doumer ước lượng: “Có khoảng 50 đến 60 bằng Cử nhân, 250 đến 300 bằng Tú tài, điều này cho thấy tỉ lệ đỗ là 1 chọi 30 hoặc 40. Số sĩ tử đỗ quả thật không nhiều; nhưng thế là tương đối đủ, nếu không nói là quá nhiều so với số lượng việc làm mà chính quyền bản xứ có thể bố trí.”. Tuy vậy trên thực tế, theo “Quốc triều Hương khoa lục” của Cao Xuân Dục- Thượng thư Bộ học thì năm đó ở Nam Định lấy đậu 80 người (Nguyên ngạch 53 người, khoa giáp Ngọ 1894 quan trường thấy số người dự thi tăng nhiều xin lấy thêm 17 người, sau là 60 người. Đến nay vì số người dự thi lại tăng nhiều nên lấy thêm 18 người, đến ngày xướng danh lại thêm 2 người, cộng thành 80 người). (Quốc triều Hương khoa lục. NXB Lao động. HN 2011, trang 554)

Tả đoạn xướng danh, Paul Doumer cũng giống như Henri Emmanuel Souvigne, họ quan tâm đến vị trí của người công bố kết quả thi và công cụ (chiếc loa) khi công bố: “Việc xướng danh các sĩ tử thi đỗ được thực hiện trên một khán đài cũng được dựng cao y như những chiếc ghế của các quan giám khảo. Một ông quan đọc tên của người thi đỗ, nguyên quán của người ấy, và một ông quan xướng danh trong bộ trang phục màu đỏ cầm một chiếc loa dài, hô to lại những lời của vị quan nọ về tất cả các hướng. Một Cử nhân hoặc một Tú tài, ngoài tấm bằng còn nhận được một bộ lễ phục, kiểu cách giống như của các quan lại nhưng giản dị hơn và đồng một màu xanh lam”. 

Khoa thi năm Đinh Dậu 1897, trong thơ ca Việt Nam cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX nổi bật lên có bài thơ của nhà thơ Tú Xương, người Nam Định. Từng là anh khóa hỏng thi ở khoa thi này, từng là người có tư tưởng yêu nước, chống thực dân xâm lược, nên bài thơ "Vịnh khoa thi hương" (1897) của Tú Xương nói rất đúng hiện thực, được bạn đọc Việt Nam nhiều thế hệ yêu thích: “Nhà nước ba năm mở một khoa / Trường Nam thi lẫn với trường Hà / Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ / Ậm oẹ quan trường miệng thét loa / Lọng cắm rợp trời, quan sứ đến / Váy lê quét đất, mụ đầm ra / Nhân tài đất Bắc nào ai đó? / Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà!”.
LÍ HỌC
PS st Theo Nông nghiệp Việt Nam

(Còn nữa)

tin tức liên quan