Giới thiệu tác phẩm mới xuất bản của tác giả Hồ Văn Chi

Ngày đăng: 10:32 08/11/2019 Lượt xem: 818
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VĂN HỌC MỚI XUẤT BẢN
CỦA TÁC GIẢ HỒ VĂN CHI
 
         Hồ Văn Chi - Bút danh: Hữu Chí. Anh là Kỹ sư xây dựng và nguyên Phó Tổng GĐ Cienco5, Bộ Giao thông Vận tải. Hiện nay anh là Ủy viên BCH Hội Trường Sơn thành phố Đà Nẵng; Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam; Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng; Phó Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam thành phố Đà Nẵng; Thành viên TT UNESCO NCVC VN và là Hội viên CLB Thơ Hàn Giang, Đà Nẵng. 
        Tính đến thời điểm này Hồ Văn Chi đã xuất bản 04 tác phẩm Văn học - bao gồm: “Mùi rơm quê nhà. NXB Văn học 2014”; “Cánh võng Trường Sơn. NXB Văn học 2015”; “Nhật ký Wold Cup 21 Nga-2018. NXB Đà Nẵng 2018” và “Đọc Kiều. NXB Hội Nhà văn 2019”. Ngoài ra anh còn có nhiều thơ đăng chung trên các tập thơ, tạp chí TW và địa phương. Hồ Văn Chi là điển hình trong số các tác giả thường xuyên có bài chất lượng cao đóng góp cho Trang Thông tin Điện tử Hội Trường Sơn Việt Nam.
         Ban Biên tập Trang Điện tử Trường Sơn vừa nhận được quà tặng từ tác giả Hồ Văn Chi với cuốn tác phẩm “Đọc Kiều. NXB Hội Nhà văn 2019”. Từ cuốn truyện Kiều với 3.254 câu Lục bát của Đại Thi hào Nguyễn Du. Hồ Văn Chi đã cảm nhận và thể hiện góc nhìn riêng của anh về nó bằng 100 bài thơ Đường luật..
         Thay vì việc giới thiệu tác phẩm như thường lệ - Chúng tôi xin được trích toàn văn lời giới thiệu của ông Nguyễn Văn Thụ - Phó Chủ tịch Hội Thơ Đường luật Việt Nam trong cuốn tác phẩm “Đọc Kiều. NXB Hội Nhà văn 2019” để gửi đến các đồng chí và bạn đọc. Theo đó trong một thời gian phù hợp Ban Biên tập Trang Điện tử Trường Sơn sẽ lần lượt giới thiệu 100 bài thơ Đường luật nói trên đến các đồng chí và bạn đọc Trang Điện tử Trường Sơn.
         Xin trân trọng giới thiệu.   
Tập thơ "Đọc Kiều" - Tác giả Hồ Văn Chi. Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2019
 
ĐỌC KIỀU - NIỀM TÂM CẢM GỬI VÀO ĐƯỜNG THI
Nguyễn Văn Thụ
 
       Truyện Kiều của Nguyễn Du là một thiên tuyệt bút, một kiệt tác văn học của Việt Nam.
       Đã hơn hai trăm năm nay, Truyện Kiều luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều hình thức sáng tạo văn hoá như bình giảng Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều, lẫy Kiều, bói Kiều, đối đáp Kiều, sân khấu hóa Kiều...và, thật lạ lùng cứ càng lùi xa thời gian, Truyện Kiều càng được người đời sau có thêm nhiều cảm nhận, cách tiếp cận với những góc nhìn mới lạ, phong phú và sáng tạo.
        Với nhà thơ Hồ Văn Chi, Truyện Kiều đã để lại trong anh cảm xúc vô cùng lớn lao, đã trở thành niềm say đắm mãnh liệt đeo đẳng. Từ áng thơ ca bất hủ thấm đẫm lòng yêu thương con người ấy đã đánh thức nơi anh lòng khát khao sáng tạo. Hồ công đã dồn hết tâm sức để viết trọn 100 bài thơ xung quanh một cuộc đời đầy truân chuyên chìm nổi đau đớn trước những bất công của xã hội đã vùi dập đời Kiều suốt mười lăm năm đoạn trường...
       Sự xuất hiện của “Đọc Kiều” cũng nằm trong sự tiếp nối lấy cảm hứng từ Truyện Kiều để cảm tác. Hồ Văn Chi đã chọn thể thơ cổ Đường thi, với 100 bài thơ thất ngôn bát cú nhằm thể hiện một góc nhìn riêng của anh về truyện Kiều bằng nỗi lo âu thế sự của một người đời nay để góp thêm một tiếng nói vô cùng khiêm tốn về Truyện Kiều của nhà thơ thiên tài Nguyễn Du.
      Tôi là người được anh yêu mến và đặt niềm tin để giới thiệu tập thơ “Đọc Kiều” với bạn đọc. Chúng ta thử đi sâu tìm hiểu thêm về tập thơ này.
      ​Tập thơ có 100 bài thất ngôn bát cú, được tác giả chia làm bốn phần:
     Phần I:    Mở đầu, có 3 bài.
     Phần II:   Nàng Kiều, có 31 bài
     Phần III:  Thiện, ác quanh Kiều, có 42 bài
     Phần IV: Cảm tác từ những câu Kiều, có 24 bài
    Đọc xong tập bản thảo, tôi khá ngạc nhiên vì anh Chi, người họ Hồ Nghệ An, vốn là một Kỹ sư xây dựng suốt đời công tác trong ngành Giao thông, chỉ quen với đất đá, bê tông, nhân công, kinh phí...mà sao khi anh đến với văn chương lại giàu ngôn ngữ thơ đến thế. 
     Nội dung tập thơ cùng một chủ đề nhưng trong sử dụng nghệ thuật của ngôn từ rất ít sự trùng lặp, không lặp lại ý, cách gieo vần không cưỡng ép. Thơ Đường luật lại khắt khe với hệ thống quy tắc, phức tạp về Luật, Niêm, Vần cùng với nguyên tắc đối âm đối ý...nhưng với “Đọc Kiều” tác giả đã luôn ý thức tuân thủ với những nguyên tắc của thơ Đường đã đặt ra một cách khá nhuần nhuyễn.
        Ngôn ngữ của “Đọc Kiều” nghe rất bình  dị, gần gũi, ít dùng những từ cổ. Tác giả đã có sự đồng điệu, thấu cảm về nỗi lòng của Nguyễn Du.
    Phần “Mở đầu” có 3 bài, nổi bật nhất là bài “Cụ Tố Như”
    Với hai câu mở đề, tác giả đã khẳng định giá trị vĩnh hằng của tập đại thành Truyện Kiều đã vượt ra ngoài biên giới của nước ta:
             Từng trang sách rạng mãi ngàn sau
             Tỏa ngát hương thơm khắp địa cầu
    Đến hai câu thực, đề cập đến một điều rất cốt lõi của khúc đoạn trường về nỗi lòng của Thuý Kiều chính là nỗi lòng của Nguyễn Du. Nhà thơ đã đau với nỗi đau của nhân vật:
           Xót phận tài hoa, đàn rỏ huyết
          Thương người bạc mệnh, bút hoà châu
     Với hai câu luận, tác giả đã nêu bật phẩm chất, lòng vị tha của Tố Như:
             Bình sinh chẳng lụy thăng quan tước
             Thế sự hằng mong bớt hận sầu
     Hai câu kết tác giả thể hiện sự dâng hiến cả trái tim yêu thương của mình cho Nguyễn Du:
             Gửi cả tâm tình vào tuyệt phẩm
             Từng trang sách rạng mãi ngàn sau.
    Bài thơ đã dùng thủ pháp “Thủ vĩ ngâm” để khẳng định lại một lần nữa, rằng kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ trường cửu với thời gian. Rõ ràng đây là một bài thơ mẫu về thể thơ Đường luật, nó khúc chiết, rành mạch...
     Trong phần “ Nàng Kiều” có 31 bài, đầu tiên là bài “Tài sắc Thuý Kiều”, tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp của nàng Kiều bằng hai câu luận với lời lẽ nhã nhặn, dịu dàng như chính nàng Kiều vậy:
             Ánh mắt thu ba, vời vợi sóng
             Chân mày lá liễu, thẹn thùng hoa
    Hai câu kết bài thơ đề cập đến tư tưởng  “Tài sắc tương đố”, “Tài mệnh tương đố” của Nguyễn Du trong một cái nhìn đầy tính nhân văn:
           Cầm kỳ thi họa... nào ai sánh
           Bạc mệnh hồng nhan, thật xót là!..
     Chỉ cần hai câu thơ thôi gói lại cả một số phận bi thương đời Kiều.
        Từ hơn hai trăm năm nay, các học giả, các thi nhân ngày trước đã có nhiều bài tổng vịnh nàng Kiều như Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Trứ...bằng nhiều thương cảm. Hồ Văn Chi, cũng có một bài kể về chuyện oái ăm cay nghiệt “những đời chồng” của Kiều. Đó là một góc nhìn của tác giả nhằm xoáy sâu vào cái bị kịch của những đời chồng đa đoan khắc nghiệt, hẳn ta phải biết nỗi “hồng nhan đa truân” đến mức nào của nàng!          
       Chẳng biết đâu là bến đục, trong...
       Kiều nương mang tiếng lắm đời chồng!
       Giám Sinh đoạt tiết, ôi dơ dáng
       Chàng Thúc si tình, chả phí công?
       Một bến Châu Thai thêm phận bạc
       Năm năm Từ Hải thắm duyên nồng
       Thổ quan mới chỉ trên danh nghĩa
       Kim Trọng hai lần... vẫn cứ không!
       Xét cho cùng, phàm là con gái nhà tử tế, ai mà chẳng mong muốn được yên bề gia thất. Thế mà ở đây, trong vòng có mười lăm năm Kiều đã phải sa cơ bao bận, hết tên Mã trơ tráo lại đến anh chàng Thúc chỉ biết bó tay cam phận làm cây cột mục; rồi gã thổ quan bù nhìn! Cũng may thay, cuộc đời đau khổ ấy lại gặp được Từ Hải. Nhưng thuyền quyên sánh với anh hùng chưa được bao lâu thì đã bị “bậc trọng thần” Hồ Tôn Hiến tráo trở, lừa giết vị anh hùng của đời Kiều thì cũng như đã giết chết đời nàng vậy!
     Và "kỳ thủy chí chung" đến với Kiều lúc ban đầu là Kim Trọng, lúc sau cùng cũng vẫn là Kim Trọng; nhưng Kiều vì ngại mình đã hoa tàn nhị rữa nên cái duyên chồng vợ Kim - Kiều không vẫn hoàn không! Đây cũng là cái cảnh phải nuốt nước mắt vào trong!
     Cả bài thơ, ta tuyệt nhiên không nghe thấy một câu thở than, oán trách nhưng ta vẫn phải rơi nước mắt trước sự trôi nổi, luân lạc, truân chuyên bán mua “lắm đời chồng” của một người con gái tài sắc, vốn thuộc con nhà tử tế. Đây mới chính là thơ “tâm tại ngôn ngoại” giàu cảm xúc!
 
     Phần “Thiện ác quanh Kiều”
     Phần này có 42 bài thơ. Tôi nghĩ, đây mới chính là cái tâm của nhà thơ Hồ Văn Chi. Vâng! Người này thiện, kẻ kia ác; việc này là thiện, việc kia là ác...ấy mới là điều chúng ta cần mổ xẻ để thấy rõ nỗi đau thương của Kiều nữ.
     Gia đình họ Vương có năm người, trừ Thuý Kiều ra, xem chừng toàn là người “vô sự” cả!
     Vương ông thì khi gia biến, chỉ biết: “Trẻ quyết bán mình còn lặng lẽ/ Vàng trao đủ lượng mới bàng hoàng”; một trụ cột gia đình mà ta thấy như không phải là trụ cột vậy!
     Vương bà thì “Trong cơn biến họa không lên tiếng/ Giữa tiệc đoàn viên mới tỏ lời”. Một bà mẹ quá ư hiền lành, không thể làm một nội tướng đảm đang của gia đình!
      Với cô em “Thuý Vân vô tâm” đến mức gần như vô cảm. Trong hoàn cảnh “Chị quyết bán mình, im tiếng nói/Cha liều đập trốc, vắng lời khuyên”; và “Gia cảnh tơi bời vẫn ngủ yên”!
      Còn cậu út Vương Quan. “Sinh ra đã được gọi là Quan/ Chắc hẳn Vương gia quý tựa vàng...”. Thuở gia biến, cậu còn quá thơ ngây, khi trưởng thành cậu mới trở thành một trụ cột cho cuộc phục hưng nhà Kiều.
      Xét về gia cảnh như vậy thì trang tài sắc như Kiều, chỉ một mình làm sao chống chọi được với một hệ thống bất công của xã hội đương thời!
      Trong 42 bài ở phần này, tôi thấy bài vịnh “Chung lão” rất đáng cho bạn đọc suy nghĩ “nói chuyện xưa mà nghĩ chuyện ngày nay”
      Vậy, Chung lão là ai? Chung lão làm nha lại chốn công đường. Ông ta đã săn sóc hoàn cảnh nhà Kiều, cầm vàng Kiều bán thân đi lót đó luồn đây, nói thẳng ra là đi chạy án cho nhà Kiều!
      Tôi đã đọc nhiều bài bình Kiều, vịnh Kiều của các cụ xưa, nhưng chưa thấy tác giả nào bình, cảm, vịnh nhân vật Chung lão, mà Hồ Văn Chi đã chú ý đến nhân vật phụ này theo một nhãn quan rất tinh tế, và cũng rất thời sự hiện nay.
            ... Trên hô dưới ứng sao tài thế
                 Kẻ đánh người xoa thật khéo là
                 Lót đó luồn đây mà tỏ cả
                 Đền kia đáp nọ chẳng...thừa a?...
 
       Và Hồ Văn Chi đã nghi ngờ Chung lão ngay từ hai câu đầu:
               Có thật từ tâm trước cảnh nhà
               Hay là vở diễn của quan nha?!
      Vâng, sự nghi ngờ này có lẽ là có cơ sở vì cái nạn tham nhũng vốn nó là sản phẩm của xã hội có cường quyền từ xưa cho đến nay. Cách bình luận của Hồ Văn Chi đã bổ sung vào Truyện Kiều thêm chi tiết “tố cáo” rất cần thiết trong xã hội còn nhiều tiêu cực của nạn chạy chọt, tham ô như hiện nay.
      Nếu nói cả 42 bài cảm vịnh về nhân vật, về sự việc của Truyện Kiều thì dài lắm, tôi xin phép chuyển sang phần 24 bài “Cảm tác từ những câu Kiều”.
      Tác giả Hồ Văn Chi đã đọc Kiều rất kỹ, anh đã lấy 24 câu Kiều để khoán thủ cho 24 bài thơ thất ngôn bát cú.
       Với câu “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” (1306), Hồ Văn Chi đã viết bài “Quan tham”.
       Hai câu mở đầu đã vẽ ra chân dung bọn quan tham:
              Máu chuyện làm ăn với đỏ đen
              Tham quyền cố vị, trí nông quèn
      Bốn câu tiếp theo, vừa tả thực vừa bình luận tính cách bọn quan tham:
              Hễ người lắm lộc liền vui vẻ
              Thấy bạn hơn tài lại ghét ghen
              Hơi bạc xông mờ đôi mắt hám
              Đồng đô chọc thủng trái tim hèn
 
      Đấy đúng là tính cách và phẩm chất bọn sâu mọt xưa nay và sẽ có ngày chúng phải chịu quả báo:
              Thì ra lắm kẻ còn như thế
              Mê muội... vào lò hẳn có phen!...
 
     Nhà thơ Hồ Văn Chi đã dụng công rất  nhiều để viết lên 100 bài thơ về Kiều với suy nghĩ rất khiêm tốn “mua vui cũng được một vài trống canh” nhưng tôi lại thấy cái kỳ công to lớn của anh. 
      Anh đã huy động 5 ngàn 600 từ để diễn tả lên 100 lời tâm sự, lời cảm thân, lời bình luận về nhân tình thế thái của đời Kiều, của xã hội phong kiến ngày trước, trong mối liên hệ với xã hội đời nay.
      Đại thi hào Nguyễn Du mất ngày 16 tháng 9 năm 1820.
         Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du, nhà thơ Hồ Văn Chi rất mong muốn với tập thơ “Đọc Kiều” sẽ là nén tâm nhang để tỏ lòng tôn kính và ngưỡng vọng đối với nhà thơ thiên tài Nguyễn Du.      
     Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm “Đọc Kiều” cùng các bạn đọc.
 
Nguyễn Văn Thụ
Phó chủ tịch
Hội thơ Đường luật Việt Nam.

tin tức liên quan