CÓ MỘT MỐI TÌNH NHƯ THẾ
Nhân kỷ niệm 88 năm ngày phụ nữ Việt Nam (20/10/1930- 20/102018), kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/2018). Tôi xin gửi tới các độc giả của bản tin Trường Sơn bài viết “Có một mối tình như thế”. Đây là những nhân vật có thật, anh chị đã nghỉ hưu hiện đang công tác tại Hội cựu TNXP huyện Lý Nhân
tỉnh Hà Nam
Ánh trăng mùa thu thật dịu dàng, những làn gió nhẹ thổi từ con sông Long Xuyên mơn man trên da thịt tôi mới dễ chịu làm sao. Ngồi trên con đê chắn giữ khu dân cư trù phú đang nửa tỉnh nửa say sau một ngày bộn bề công việc … Tôi thả hồn theo những con sóng nhỏ lấp lánh dưới ánh trăng thu và lạc vào thiên đường của tình đất, tình người nơi đây…Bên tai tôi ùa về giọng nói trầm ấm của chị- một cán bộ nữ TNXP- một nhà giáo TNXP - một người thợ tài năng trồng người đã có một thiên tình ca được thai ghén trong bọm đan, trong khó khăn gian khổ, mất mát hi sinh trên con đường Trường Sơn huyền thoại.
Chị là Trần Thiên Lý quê ở xã Đức Lý, Lý Nhân.
Tháng 6/1965 vừa bước sang tuổi 18 nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Đoàn chị cùng bao người con gái ham học, hay lam, hay làm của vùng đồng chiêm trũng tạm biệt mẹ già , hai em nhỏ lên đường gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước chị là A Phó, A6 đơn vị C459 đội Trần Văn Chuông tỉnh Hà Nam.
Anh là Lê Văn Định cùng quê, cùng nhập ngũ với chị, khác với chị anh là giáo viên được cử đi dạy BTVH cho các đội viên TNXP.
Anh chị có duyên với nhau ngay từ những ngày đầu nhập ngũ những ngày hành quân vào tuyến lửa.
Anh được biên chế vào sinh hoạt cùng A6 của chị, anh đã có 2 năm dạy cấp II, với nước da trắng (rất trí thức) đôi mắt trong sáng lanh lợi, khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú cùng với những cử chỉ rất đàn ông trên đường hành quân lúc dừng lại cuối đoàn quân động viên chị (cô A Phó phụ trách đời sống), lúc thì dừng bên các đồng đội của chị, nói cười, khi mang đỡ cho họ lúc thì bao tượng gạo, khi những chiếc chòong, chiếc búa và những dụng cụ làm đường… Trong con mắt của chị anh là người đàn ông đa tài đây.
Còn chị với nước da con gái trắng hồng, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn khuôn mặt tròn có đôi mắt to đen, giọng nói dễ thương. Cô con gái mới bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời với một thế giới đầy mới mẻ, huyền bí và hấp dẫn. Cái hồn nhiên trong trắng của chị thể hiện trong từng câu nói, cử chỉ, sự chăm sóc từng bữa ăn, từng giấc ngủ, cho đồng đội cũng rất dễ có cảm tình với anh, sau một thời gian công tác biết chị, anh đã đề nghị lãnh đạo đơn vị để chị được làm giáo viên bán chuyên, vì thế mỗi tuần chị đã được nghỉ 2 buổi không phải ra mặt đường để được anh bồi dưỡng giáo án dạy lớp 2, lớp 3, cho đơn vị.
- Em ạ! Cái gì đến thì nó cũng sẽ đến, chị nói với tôi như thế rồi kể tiếp.
…..Một buổi tối, sau khi thông qua giáo án anh đột ngột hỏi chị:
- Lý à! Sau 3 năm hết nhiệm kỳ TNXP em sẽ làm gì?
- Em sẽ làm công nhân trong nhà máy cơ khí để sản xuất ra máy móc, góp phần đưa cơ khí vào phục vụ nông nghiệp cho dân quê mình đỡ cực khổ bởi chiêm khê, mùa úng…. (không đắn đo chị nhanh nhảu trả lời anh)
- Còn anh chắc sẽ đi học Đại học, anh ước mơ Trường Đại học ngay trước cổng nhà máy của em để mỗi buổi tan ca anh được gặp em, đón em.
Đối với chị, lời nói đó của anh là một lời tỏ tình đầu tiên, đẹp nhất, thiêng liêng nhất, nó chân thật từ tấm lòng anh, và chị tin rằng nó sẽ được lớn lên được vun trồng trong khói lửa chiến tranh…
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ sửa đường Goong số 4 đoạn đường Thọ Tường Đức Thọ Hà Tĩnh, đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp cùng đội cơ giới của Công ty 4 Bộ giao thông Vận tải mở rộng và hạ thấp độ cao đèo 4, đèo 5, đèo 6, đèo 7 đường 21 (tuyến đường đi La Khê Tân Ấp nối với đường 12 qua đỉnh Trường Sơn sang đất bạn Lào). Gọi là đèo nhưng thực chất là một dãy núi đá cao chót vót chắn ngang đường hai bên là vực sâu thăm thẳm. Việc phá núi và hạ độ cao đèo 7 để mở đường là nhiệm vụ trọng yếu của cả công trường . Đơn vị C459 đảm nhiệm nhiệm vụ đánh mìn mở rộng ta luy trên vách đá và phải làm việc quên mình dưới mưa bom bão đạn của địch với thời tiết khắc nghiệt: Gió Lào và mưa rào bất chập.
Để đảm bảo nhiệm vụ thi công được tốt chị được phân công làm nhiệm vụ trực chiến cảnh giới máy bay địch. Đứng trên núi cao quan sát phát hiện máy bay từ xa gõ kẻng báo động cho đồng đội rút về nơi trú ẩn. Khi máy bay địch bay xa thì gõ kẻng báo yên để đồng đội tiếp tục thi công...
Ngày 20/6/1966 chị được phân công trực cảnh giới nhưng chị Đỗ Kim Dung quê ở Văn Lý- Lý Nhân vừa trải qua cơn sốt rét dừng đang nghỉ ốm, sức khỏe còn rất yếu cứ nằng nặc đòi thay làm nhiệm vụ cảnh giới. Trước sự nhiệt tình của chị Dung ban lãnh đạo buộc phải chấp nhận.
Thường ngày máy bay Mỹ bay từ biển đông vào lượn vài vòng rồi mới ném bom, bắn dốc két nhưng lần này chúng bất ngờ lao từ phía Lào sang oanh kích ngay. Từng tốp, từng tốp máy bay địch đánh phá giữ dội liên tục gần 1h đồng hồ suốt đoạn đường từ đèo 5 đến đèo 7 (đèo 7 là trọng điểm đánh phá của chúng). Bị đánh bất ngờ nên đồng chí Dung chưa kịp đánh hết hồi kẻng thì bị 1 mảnh bom phạt ngay sườn bên phải, máu ra nhiều chị hy sinh trong tư thế nửa nằm, nửa ngồi trên vách đá 1 tay ôm vết thương, 1 tay vẫn nắm chắc chiếc dùi gõ kẻng. Đồng chí Bùi Quang Khiết lái máy ủi bị bom dập lát đùi đang nằm thoi thót và nhiều đồng đội bị thương nằm rải rác trên mặt đường. Anh đảo mắt tìm chị song chẳng thấy chị đâu anh hốt hoảng hỏi A trưởng mới biết chị cũng bị thương khi trên đường về đơn vị đang được y tá sơ cứu...
Ngày 20/6/1966 là ngày anh chị và đồng đội C459 không bao giờ quên. Có lần chị tâm sự với anh: “Trận bom ngày 20/6 Dung đã hy sinh thay cho chị, suốt đời này chị sẽ nhớ mãi em không dám chắc rằng hôm nay Dung ngã xuống còn ngày mai, ngày kia có thể là chị và nhiều đồng đội của chị. Nếu chẳng may chị hy sinh trong trận chiến này anh có dám vượt qua bom đạn để tìm đủ 18 bông hoa lan trắng kết thành vành hoa trắng đặt trước mộ chị để kỷ niệm mối tình đầu trong trắng và nguyên vẹn của anh và chị không...”.
Nghe chị tâm sự anh nắm chặt bàn tay nhỏ ngắn của chị và đặt nhẹ lên môi chị một nụ hôn nóng bỏng- nụ hôn đầu đời.
Năm 1967 đơn vị lại hành quân tiếp viện cho Đường 22. Không sợ gian khổ, hy sinh, thiếu thốn cùng đồng đội anh chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và cả 2 cùng được đi học lớp đối tượng Đảng, trong lớp học anh được giao nhiệm vụ là lớp trưởng, chị là lớp phó (thật song hành đó) tình yêu cứ ngày càng được củng cố bền chặt thêm...
Chiến tranh, nhiệm vụ cơ động của chiến trường, rồi một vài lý do khách quan nên chị phải xa anh; chị buồn và hoang mang lắm nỗi hoang mang nhất là xa anh chị sợ mất anh - một người con trai ham mê sự nghiệp, giỏi giang và đa tài. Chị thầm đặt phương hướng cho mình: Tình yêu sẽ giúp chị vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và cả hy sinh mất mát chị phải hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà tổ chức giao cho đợi ngày thống nhất về với anh.
Cuối năm 1968 khi kết thúc nhiệm vụ nhiệm kỳ 1 chị vào học trường Trung cấp Sư phạm TW. Giữa năm 1969 anh cũng được chuyển về học ở trường Đại học tổng hợp ở Hà Nội (khoa nghiên cứu lịch sử Đảng). Anh đến trường thăm chị, họ được gặp nhau vào những buổi chiều thứ 7, chủ nhật anh chị cùng sánh vai bên nhau đi trên hè phố Hà Nội hưởng mùi thơm của hương hoa sữa, hưởng không khí yên bình của hậu phương miền bắc... anh khe khẽ hát bài : “Mùa xuân bên cửa sổ” chị nắm chặt tay anh và khúc khích cười...
Thế là sau 3 năm phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp TNXP chống Mỹ cứu nước và 4 năm học tập ở Hà Nội, anh chị đã vượt qua bom đạn, thử thách bỏ qua mọi cám dỗ đời thường để gìn giữ tình yêu lành mạnh, trong sáng, thủy chung (một tình yêu đôi lứa của thế hệ TNXP Việt Nam, thế hệ chiến sĩ Trường Sơn), đại diện cho các thế hệ trẻ Việt Nam (hiện nay ở Hà Nam có gần 200 cặp vợ chồng là TNXP, và là TNXP với bộ đội) các anh các chị đang có nguyện vọng xây dựng các CLB ở các huyện thành phố để chia sẻ, học tập, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ công dân, nhiệm vụ của các cấp hội.
Tháng 8/1972 anh chị được gia đình hai bên và chính quyền địa phương cho phép làm đám cưới tại quê.
Tháng 12/1973 chị sinh cô con gái đầu lòng, anh chị đặt tên cháu là Giang Xuân (nghĩa là mãi mãi tuổi 20). Để nhớ những cung đường tuổi 20 mà mình và bao đồng đội đã mở, đã bảo vệ và chiến đấu cùng nó.
Sau khi tốt nghiệp Đại học anh được phân công công tác làm giáo viên khoa nghiên cứu lịch sử Đảng tại trường. Đại Học ở Hà Nội, chị dạy học ở quê cách nhà 11km; chị là con dâu hiếu thảo chăm sóc mẹ già, là chị gái nuôi em nhỏ và là mẹ của đứa con thơ một lần nữa việc nước, việc nhà chị lại đảm đang lo tròn.
Tháng 10/1075 cô con gái thứ 2 ra đời anh chị đặt tên cháu là Thanh Bình (kỷ niệm đất nước đã khải hoàn).
***
“Có một mối tình như thế” chị lấy nó là tiêu đề về mẩu chuyện tình yêu của đời mình.
60 năm qua thế hệ TNXP, bộ độ, dân công hỏa tuyến, tự hào về truyền thống hào hùng của con đường Trường Sơn đã đi vào lịch sử, đi vào huyền thoại của dân tộc.
Chúng ta cũng rất tự hào khi có hàng triệu, hàng vạn mối tình như của chị Lý và anh Định quê tôi. Những mối tình nảy nở trên đỉnh Trường Sơn, nảy nở trong bom đạn, trong mất mát hy sinh có rất nhiều mối tình đã ra hoa kết trái sau ngày Hòa Bình, song có rất nhiều mối tình còn dang dở vì mất mát, hy sinh song nó thật đẹp, thật trong sáng, thủy chung vẹn tròn mãi mãi chẳng có một chút hen ố nào hiện diện được ở đây như một số người đã từng nghĩ.
Hiện nay anh đang là Ủy viên BCH Tỉnh hội, Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Lý Nhân. Chị là ủy viên BCH huyện Lý Nhân, Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Đức Lý- Lý Nhân, là ủy viên Ban công tác nữ TNXP, nữ chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Hà Nam. Đã 13 năm qua anh chị là nhân chứng lịch sử hoạt động hết lòng vì nghĩa tình đồng đội được nhận nhiều bằng khen, giấy khen và nhiều phần thưởng của các cấp hội, của UBND tỉnh, UBND huyện Lý Nhân trao tặng.
Tôi tham lam không muốn rời xa hơi ấm tỏa ra từ con người chị khi ôm chào tạm biệt chị để được tận hưởng lâu hơn cái hương thơm của hoa thiên lý (dạ lý hương- dạ lài hương) một loài hoa có từ mùa hè, mùa thu và sang mãi tới mùa đông. Hương thơm, màu lục nhạt và sự bền lâu của nó thật trong sáng, thủy chung như chính con người chị./.
Tạ Thị Hoán
Chủ tịch Hội TNXP, Chủ tịch Hội TS huyện Kim Bàng