ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ: “Khi chiếc cầu ở lại" của Nguyễn Văn Khải

Ngày đăng: 09:02 18/01/2020 Lượt xem: 644
                        
 
   ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ:
                        
Khi chiếc cầu ở lại" của Nguyễn Văn Khải
 

     Đọc bài thơ “Khi chiếc cầu ở lại” của Nguyễn Văn Khải (xin không chép lại bài thơ). Trong tôi có cảm nhận về bài thơ như sau: Nhà thơ Nguyễn Văn Khải đã toát lên nỗi lòng của một nữ tân binh còn rất trẻ nhập ngũ sau năm 1975 làm nhiệm vụ kiến thiết xây dựng lại đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh tại núi rừng Trường Sơn Tây Nguyên. Những năm tháng ấy máy móc hiện đại chưa có, để xây dựng những công trình mà ở đây là một cây cầu trên đường Trường Sơn nơi núi rừng hiểm trở. Đúng như bài thơ đã nói lên sự gian khổ khó khăn của một công trình nơi rừng sâu núi thẳm. Nơi mới đến là một vùng đất hoang vu, đơn vị khi đến phải khai phá mặt bằng kiến thiết lán trại, hội trường, nhà kho, sân thể thao, khu tăng gia cải thiện... để bộ đội sẵn sàng đóng quân lâu dài hoàn thành công trình được giao. Công việc xây dựng một cây cầu những năm tháng mới giải phóng còn khó khăn trăm bề máy móc hiện đại chưa có phải tự tạo lên bằng hai bàn tay người lính. Nào là khai thác cát đá, chặt cây, xẻ gỗ làm cốp pha công trình, dựng nhà cửa, lán ở, kho  tàng... Có một nhà thơ nào đó đã viết: “Em đi xây dựng những công trình/ Ngày lại qua ngày ở mái tranh/ Những lúc tưng vôi hay ngói đỏ/ Là lúc ba lô lại lên đường...”. Vì vậy người nữ chiến sĩ tân binh trong thơ chỉ sau một năm đã thành thợ xây, thợ mộc, trồng rau trồng mía… đa năng đa tài. Để khi công trình hoàn thành, đơn vị lại phải dời đi xây dựng những cây cầu mới nên tâm trạng người nữ chiến sĩ ấy không cầm lòng tiếc nuối, được tác giả nêu trong những câu thơ đầu: “Nhà con gái chỉ còn nền đất vắng/ Dưới cầu con cá ngẩn ngơ bơi/ Gốc khế chua không một bóng người ngồi/ Khế nhớ ai mà khế rơi xuống đất/ Mía đã vươn cây tháng ngày vào mật...”. Hay là những khó khăn vất vả các chiến sĩ đã vượt qua trong những tháng năm để xây cầu: “Lũ tháng chín mưa về ngập móng/ Máy bơm gào khản cổ suốt đêm mưa/ Bưng bát cơm nửa sắn nửa ngô/ Có giọt mồ hôi rơi trong lòng bát/ Tay xúc cát bàn tay phồng rát/ Xe vữa lên cầu, vữa lấm áo ai...”. Gian khổ là thế đấy, tôi cũng là người lính mở đường Trường Sơn những năm 1968 – 1973, cũng đã từng trải qua bao khó khăn thử thách lại còn dưới tầm bom rơi của bom đạn Mĩ. Sau ngày thống nhất về xây dựng quê hương, tôi tham gia Đội Thủy lợi 202. Năm 1977 – 1978 hai năm liền tham gia xây dựng cống Trà Linh II ở Thái Thụy, Thái Bình. Năm đó để xây dựng công trình cống Trà Linh II, tỉnh Thái Bình huy động hơn 3000 dân công đội đất cát 6 tháng trời khuân đi hàng chục vạn khối đất đá chỉ bằng đôi bàn tay thô sơ. Công nhân công trình cũng vất vả không kém. Để đổ Bê tông 2 trụ cống giữa sông mới đào cao hơn hai mươi mét, người ta phải dựng dàn giáo bắc thành cây cầu tạm ghép bàng tre, bằng gỗ nối cao hơn 20 mét, cao chênh vênh dưới công trình. Vậy mà mặc trời mưa hay nắng chúng tôi ba bốn người đẩy một xe cải tiến Bê tông nặng khoảng 300 kg leo ngược dốc cây cầu tạm lênh khênh ấy liên tục đổ tới gần cả ngàn khối bê tông nên tôi hiểu các chiến sĩ ta những năm tháng ấy xây dựng cầu ở  đường Trường Sơn vất vả như thế nào. Và đã được nhà thơ Nguyễn Văn Khải tả trong mấy câu sau: “Cũng có người muốn xa lánh Trường Sơn/ Nhưng với em thì em nghĩ khác/ Đất nước mình bao nhiêu năm đuổi giặc/ Gian khổ trăm bề có quản chi đâu...” . “.. Em hiểu cầu như hiểu tấm lòng ai/ Đêm trăng lên cầu thường hát đấy/ Đôi bờ nắm tay nhau qua dòng sông chảy/ Có tiếng tâm tình của nước và trăng...”. Thế đấy, có ai đó đã viết: “Khi ta đến đất là nơi ta ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn..”. Người nữ chiến sĩ tân binh ấy sau một năm đã tự hào khoe với mẹ mình là con gái mẹ đã thành chiến sĩ xây cầu đường, biết cầm bay như thợ xây và biết kéo cưa xẻ gỗ như thợ mộc được biểu hiện trong 2 câu thơ: “Xa mẹ một năm em biết cầm bay/ Biết làm thợ xây, biết làm thợ xẻ”. Tôi hiểu điều đó vì tôi có đứa con đầu năm 18 tuổi chưa biết gì về xây dựng, cháu nhập ngũ năm 1993, cháu là Bộ đội công binh Trung Đoàn 99 thuộc Binh Đoàn Trường Sơn. Sau 3 năm nghĩa vụ cũng tham gia xây dựng mấy cây cầu 2 vòm, 3 vòm ở Lạng Sơn. Hết nghĩa vụ, ra quân cháu đã tự mình đứng cái lập một đội  xây dựng và là nghề kiếm sống tại quê hương cho đến nay.
     Nhân dịp đầu năm mới được đọc bài thơ hay của tác giả Nguyễn Văn Khải viết từ năm 1979 đăng trên Trang Điện tử Trường Sơn tôi cũng có đôi điều cảm nhận của riêng mình, xin mọi người lượng thứ vì dám múa rìu tí nhé.
 
Hà Đỗ Tú
Hội Viên Hội VHNT TS. CTV Hội Cựu TNXPVN.

tin tức liên quan