Bốn mươi năm sức lan tỏa của bài thơ "Khi chiếc cầu ở lại"

Ngày đăng: 07:15 28/01/2020 Lượt xem: 1.957

----------------------------------------------------------

40 NĂM SỨC LAN TỎA CỦA  BÀI THƠ “KHI CHIẾC CẦU Ở LẠI”
Chu Công Dâu

 
         Có một thời gian dài làm đường, xây dựng cầu trên Trường Sơn trong chiến tranh và sau ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Đại tá Nguyễn Văn Khải, bút danh Nguyễn Khải, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 99 Công binh cầu đã viết bài thơ “ Khi chiếc cầu ở lại” . Từ khi ra đời đến nay bài thơ đã đi một chặng đường 40 năm ( 30 – 11 – 1979 * 30 – 11- 2019 ) mà sức lan tỏa của bài thơ vẫn sâu lắng trong lòng nhiều lớp Chiến sĩ ở Trường Sơn.Vì sao vậy? Bạn hãy cùng tôi đọc lại bài thơ này nhé.

Ngày mai đơn vị chuyển đi rồi
Cái sân bóng  trở thành im lặng
Nhà con gái chỉ còn nền đất vắng
Dưới cầu con cá ngẩn ngơ bơi
 
Gốc khế chua không một bóng người ngồi
Khế nhớ ai mà khế rơi xuống đất
Mía đã vươn cây tháng ngày vào mật
Thân tím la đà như nhớ, như mong.
 
Cầu bắc xong rồi cầu ở lại với dòng sông
Ghi kỷ niệm những ngày gian khổ nhất
Lũ tháng 9 mưa về móng ngập
Máy bơm gào khản tiếng suốt đêm mưa
 
Bưng bát cơm nửa sắn, nửa ngô
Có giọt mồ hôi rơi trong lòng bát
Tay xúc cát bàn tay phồng rát
Xe vữa lên cầu vữa lấm áo ai.
 
Xa mẹ một năm em biết cầm bay
Biết làm thợ xây, biết làm thợ xẻ
Biết tin yêu trong tình yêu đồng chí
Con mắn chia đều đêm lạnh chung chăn
 
Có những người muốn xa lánh Trường Sơn
Nhưng với em thì em nghĩ khác
Đất nước mình bao nhiêu năm đuổi giặc
Gian khổ trăm bề có ngại chi đâu
 
Cái khó hôm nay là cái khó ban đầu
Em biết vậy nên quên đi khó nhọc
Em hiểu vậy nên thấy mình hạnh phúc
Dầu da có đen và mái tóc thôi dài
 
Em hiểu cầu như hiểu tấm lòng ai
Đêm trăng lên, cầu thường hát đấy
Đôi bờ nắm tay nhau qua dòng nước chảy
Có tiếng tâm tình giữa nước và trăng.
 
Anh mến yêu ơi có đến đây thăm
Qua cầu đừng để bay mất nón
Đừng vội mang cau trầu đến đón
Em đi làm cầu chứ chẳng về đâu !

30.11.1979
 
Đại tá Nguyễn Văn Khải - Tác giả  Bài thơ "Khi chiếc cầu ở lại"
(Ảnh chụp năm 2017 tại quê nhà)



         Năm 2018 lần về dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ của 1250 Chiến sĩ gái quê Nghệ An và Hà Tĩnh tại thành phố Vinh . Tôi lại thấy vang lên lời ngâm bài thơ tâm tình này. Vâng, tôi xin được gọi bài thơ là một lời tâm tình của một lớp Chiến sĩ gái ở Trường Sơn.
         Tháng 8 năm 1979, tôi, một lần may mắn được đi theo Trung đoàn trưởng Nguyễn Khải về  đại đội 9 khi đơn vị đã xây dựng xong cầu  km309 . Một khung cảnh bình dị hiện ra trước cửa sổ của nhà Ban chỉ huy Đại đội . Sân bóng chuyền quá 5 giờ chiều mà vắng lặng. Mọi hôm, giờ này đang ầm ĩ tiếng reo hò, cổ vũ.  Vườn mía tím phía trước nhà đã cao hơn đầu người lao xao trước gió chắc chỉ mai, kia là chặt hết. Rồi, trên dòng suối chảy qua cửa nhà Đại đội, một chiếc cầu nhỏ bắc qua sang khu nấu ăn. Cạnh suối ,  cây khế chua lúc lỉu quả, đang thả những cánh hoa tím trên dòng nước trong ,lững lờ chảy. Vài con cá quen ăn cơm thừa của lính nhởn nhơ bơi dưới chân cầu. Cái khung cảnh ấy lọt vào mắt nhà thơ sao mà tình vậy và nó đã chiếm trọn hai khổ thơ ( tám dòng ) trong nỗi nhớ buồn mang mác.
“ Ngày mai đơn vị chuyển đi rồi
Cái sân bóng bỗng trở thành im lặng
Nhà con gái chỉ còn nền  đất vắng
Dưới cầu con cá ngẩn ngơ bơi
 
Gốc khế chua không một bóng người ngồi
Khế nhớ ai mà khế rơi xuống đất
Mía đã vươn cây tháng ngày vào mật
Thân tím la đà như nhớ như mong”
          Bỗng dưng hai câu thơ của Chế Lan Viên thì thầm trong tâm trí tôi:
“ Khi ta đến, đất là nơi ta ở
 Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”
         Cái nơi đất ở ấy hóa tâm hồn thật rồi ư ? Tôi đã thấy, năm 2018 một ông già tóc bạc trở lại thăm chiến trường xưa. Trên xe, ông có nói với anh lái xe và hành khách cùng chuyến cho ông xuống mảnh đất ven đường 14 phía tây tỉnh Quảng Nam, chỉ 5 phút thôi để nhìn và chụp ảnh nơi này. Vì nơi ấy ông đã ở gần năm trời để xây cầu . Dẫu rằng xe đang chạy mải anh lái xe và mọi người cũng “ chiều” ông . Ông nói trong nước mắt : “ Không biết đến cuối đời ông có qua đây lần nữa không ?” Ông già  xưa là một Chiến sĩ xây cầu trên Trường Sơn.
         Trong bài thơ tác giả vẽ lại những nơi vốn vui nhộn như sân bóng chuyền, nhà con gái rộn tiếng cười. Có điều , niềm vui của người đi( chuyển đến địa điểm khác )  để lại nỗi buồn cho cây cỏ, con vật nơi đã có một thời gắn bó:
Với cây khế :“ Khế nhớ ai mà khế rơi xuống đất”
Với cây mía thì :“ Thân tím la đà như nhớ, như mong”
Và con cá : “ Dưới cầu con cá ngẩn ngơ bơi”
         Tôi giật mình khi tác giả hạ ba chữ “ ngẩn ngơ bơi”.Đến con vật còn nhớ nhau đến vậy huống chi là chúng ta. Tôi cho rằng những cây cỏ nơi đất này  cũng nặng tình với các Chiến  sĩ gái . Con gái thèm của chua như khế, còn cây mía tím thủy chung nặng nhớ mong. Và con cá dưới suối bơi sao mà mền mại vậy! Nhớ mà đến nỗi“ ngẩn ngơ bơi” Đây là lời tâm tình về nơi đất ở. Còn cây cầu ở lại thì sao ?
“ Cầu bắc xong rồi cầu ở lại với dòng sông
Ghi kỷ niệm những ngày gian khổ nhất
Lũ tháng chín mưa về móng ngập
 Máy bơm gào khản tiếng suốt đêm mưa
 
Bưng bát cơm nửa sắn nửa ngô
Có giọt mồ hôi rơi trong lòng bát
Tay xúc cát bàn tay phồng rát
Xe vữa lên cầu, vữa lấm áo ai”
         Đất nước mình vừa qua cuộc chiến tranh chống Mỹ còn nhiều vất vả gian lao nhưng lại tiếp hai cuộc chiến tranh phía Tây Nam, phía Bắc “ Máu đầm biên giới” ( Tố Hữu ) . Hạt gạo quê nhà vẫn xẻ làm ba. Do vây các đơn vị làm kinh tế cũng phải tự túc một phần lương thực. Cho nên “ Bưng bát cơm nửa sắn nửa ngô” cũng là một phần chia sẻ khó khăn cùng đất nước, cùng nhân dân.
          Trong một bài thơ khác, cũng thời kỳ này,  tác giả Nguyễn Khải viết về những người thợ hàn :
“ Có những đêm thấy anh cầm củ sắn
Thay bữa cơm đạm bạc giữa ca ba”
Hay “ Ở đơn vị hàn chỉ thấy có con trai
Khéo đường hàn nhưng vụng đường kim chỉ
Sao cái vai áo anh rách thế ?
Ngày lại ngày cứ để chúng em thương”
                          ( Nói với người thợ hàn )
         Cũng là nói cái gian khổ của những người lính xây cầu trên Trường Sơn. Bài thơ tiếp tục nỗi niềm cùng sự lớn lên và trưởng thành của  em  người Chiến sĩ gái của Trường Sơn:
“ Xa mẹ một năm em biết cầm bay
 Biết làm thợ xây, biết làm thợ xẻ
 Biết tin yêu trong tình yêu đồng chí
 Con mắm chia đều, đêm lạnh chung chăn
 
Có những người muốn xa lánh Trường Sơn
Nhưng với em thì em nghĩ khác
Đất nước mình bao nhiêu năm đuổi giặc
Gian khổ trăm bề có ngại chi đâu
 
Cái khó hôm nay là cái khó ban đầu
Em biết vậy nên quên đi khó nhọc
Em hiểu vậy nên thấy mình hạnh phúc
Dầu da có đen và mái tóc thôi dài”
        Với ba khổ thơ này tác giả nhắc ta rằng . Ngày ở quê nhà, em  là cô học sinh bé nhỏ, chỉ mới làm quen với ruộng đồng . Mười tám tuổi em vào Trường Sơn và em đã làm được nhiều việc tưởng không thể làm được như xúc cát, làm thợ xây, thợ xẻ, thợ đổ bê tông. Khi đại đội 10 tổ chức cho một số nữ chiến sĩ xẻ gỗ. Công việc vất vả song chị em vẫn hoàn thành. Là thủ trưởng đơn vị, khi  biết điều đó, ông Nguyễn Khải bảo : Khó nhọc quá, công việc xẻ gỗ không phù hợp với nữ giới. Đơn vị nào phân công việc này cho nữ giới làm, phải dừng ngay.
         Đúng là em đã lớn lên rất nhiều. Vào Trường Sơn em biết làm nhiều việc. Em biết “Cái khó hôm nay là cái khó ban đầu”, để từ đó em càng “tin yêu vào tình  đồng chí” . Em biết “ Dầu da có đen và mái tóc thôi dài” Từ “ Biết” đến “ Hiểu” là một chặng đường dài. Bây giờ “ Em hiểu vậy nên thấy mình hạnh phúc” Điều quan trọng là em đã vượt qua gian khổ và em đã trưởng thành.  Em, là hiện thân của lớp Chiến sĩ gái Trường Sơn có  nhiều người đứng trong hàng ngũ của Đảng, là cán bộ Tiểu đội, Trung đội. Sau ngày rời quân ngũ về địa phương, cơ quan, đơn vị. Một số  đã trưởng thành làm cán bộ chủ chốt vững vàng, là doanh nhân tài năng, uy tín.
          Theo bài thơ là hai khổ thơ cuối:
“ Em hiểu cầu như hiểu tấm lòng ai
Đêm trăng lên, cầu thường hát đấy
Đôi bờ nắm tay nhau qua dòng sông chảy
Có tiếng tâm tình của nước và trăng
 
Anh mến yêu ơi có đến đây thăm
Qua cầu đừng để bay mất nón
Đừng vội mang cau trầu đến đón
Em đi làm cầu chứ chẳng về đâu !”
 
         Khi chiếc cầu đã làm xong. Em đã lớn lên và trưởng  thành, thì tình yêu đến . Cái tình yêu ấy trải qua gian khó như ngày xây dựng cầu : nước lụt ngập móng, nắng cháy đen da. Như anh  ngày mới về đơn vị : hiền lành , rụt rè. Bây giờ thì em đã “ hiểu”. Đôi bờ đã nắm tay nhau bằng một cây cầu. Và trăng. Và nước. Hình như có tiếng thì thầm . Thì thầm thôi nhé. Họ tâm tình đấy : “ Có tiếng tâm tình của nước và trăng” ( Theo Quy định của Quân đội trong thời gian làm nghĩa vụ quân sự Chiến sĩ gái chưa được kết hôn )
         Khi đọc bốn câu thơ cuối  của bài thơ tôi như lọt vào âm hưởng của lời ca Quan họ  quê hương của tác giả . Ông Nguyễn Khải quê ở một làng Quan họ gốc của Bắc Ninh. Lời ca “ qua cầu ngả nón”  cứ dập dờn “ Tình tình, tình gió bay”
         Tôi biết , lần đầu khi ra đời,  hai câu thơ của khổ thơ này tác giả viết :
 “ Anh mến yêu ơi có đến đây thăm
    Qua cầu xin đừng ngả nón”
        Sau này bài thơ đã đi vào lòng nhiều người và ai cũng cho rằng nó là nhân chứng của một thời gian khổ trong xây dựng cầu trên Trường Sơn. Khi được chọn in trong cuốn lịch sử của Trung đoàn ( Hiện nay là Lữ đoàn 99 Công binh ) Năm 2012 hai câu này được sửa :
“ Anh mến yêu ơi có đến đây thăm
Qua cầu đừng để bay mất nón ”
         Tôi hỏi lý do . Ông Nguyễn Khải bảo : Cho nó duyên với Quan họ hơn.
         Xuyên suốt bài thơ tác giả đã nói hộ nỗi niềm của lớp Chiến sĩ gái xây dựng cầu đường trên Trường Sơn. Từ khi mới biết Trường Sơn, chưa biết nhiều công việc xây cầu đến khi hiểu công việc, hiểu Trường Sơn, yêu Trường Sơn nên em đã có hành động cụ thể. Từ suy nghĩ đến hành động  mà hành động của em mới đẹp và đáng phục làm sao. Em tạm gác tình riêng làm nhiệm vụ. Tạm gác hạnh phúc riêng tư để phục vụ cái chung là khôi phục và xây dựng đất nước: 
“Đừng vội mang cau trầu đến đón
 Em đi làm cầu chứ chẳng về đâu”
         Tôi càng thấm thía câu thơ trong “ Nước non ngàn dặm ” của nhà thơ Tố Hữu:
“ Trường Sơn, đông nắng, tây mưa
 Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”
         Trong cái sắc xanh của Trường Sơn các em  đã đến và hiển hiện rõ lòng yêu  nước thông qua hành động cụ thể của mình. Các em đã hiểu rõ giá trị  của đời mình, thật đáng ca ngợi biết bao.
        Bằng ngôn ngữ giản dị bài thơ đi vào lòng người đọc tự nhiên như những công việc xây dựng cầu đường trên Trường Sơn. Chỉ 9 khổ thơ  với 36 dòng  mà câu thơ cứ lấp lánh hình ảnh và nhạc điệu. Sức hấp dẫn của bài thơ không chỉ ở nội dung được khắc họa mà còn ở chỗ lời thơ nhẹ nhàng , câu chữ dễ thuộc, nhạc điệu dễ nghe.
Người ngâm bài thơ này lần đầu tiên là Hoàng Thị Tuyết nữ Chiến sĩ đội Tuyên văn Trung đoàn 99 quê Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An, tại Hội diễn Văn nghệ Sư đoàn 472 năm 1979 . Bài thơ đạt giải A. Trong lần Bộ trưởng Quốc phòng Văn Tiến Dũng trở lại thăm Sư đoàn vào mùa xuân năm 1981. Đêm ba mươi tết ông xem văn nghệ Sư đoàn 472 biểu diễn và ông khen ngợi bài thơ này .
          Xin dừng lại bài viết  cùng bao nhiêu kỷ niệm với bài thơ . Đúng là “ Khi chiếc cầu ở lại ” với dòng sông lại mở ra bao câu chuyện của những người làm ra nó. Tôi gặp nhiều Chiến sĩ gái trong Sư đoàn , khi nói chuyện về bài thơ ai cũng bảo “ Hình như Thủ trưởng  Khải viết về đơn vị em, chúng em luôn thấy mình trong đó . Có thể nhiều người không thuộc hết bài thơ nhưng một vài câu  thì chúng em vẫn nhớ”.
         Vân Khánh, Chiến sĩ Tuyên văn của Sư đoàn 472 người ngâm nhiều lần bài thơ  trong các buổi  biểu diễn phục vụ  đơn vị. Gần đây cô gọi điện cho tác giả Nguyễn Khải  “ Bài thơ đã  cùng em đi suốt cuộc đời. Bây giờ , em vẫn thường xuyên ngâm bài thơ này trong các buổi sinh hoạt văn nghệ của Cựu chiến binh Trường Sơn ở quê đấy Thủ trưởng ạ  ”
Nữ chiến sĩ TS Vân Khánh đang ngâm bài thơ
tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ 8 .2018 tại thành phố Vinh – Nghệ An
 
          Vâng, lời tâm tình từ Trường Sơn cứ còn lan tỏa mãi...
 
CHU CÔNG DÂU
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

 

 
tin tức liên quan