HOÀNG KIỀN – MỘT “MAYAKOVSKY” CỦA HỘI TRƯỜNG SƠN VIỆT NAM
Ngày đăng:
11:27 14/03/2020
Lượt xem:
2.671
HOÀNG KIỀN – MỘT “MAYAKOVSKY”
CỦA HỘI TRƯỜNG SƠN VIỆT NAM
Phạm Thành Long
Nhà thơ Hoàng Kiền đang viết thơ.
Tôi mạn phép Thiếu tướng Hoàng Kiền (Anh hùng LLVTND) – một đồng đội Trường Sơn, một người bạn quý của tôi về sự ví von này.
Tôi có thể mạnh dạn khẳng định rằng: riêng về tốc độ viết thơ và viết nhiều thì nhà thơ Hoàng Kiền của Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn có thể sánh ngang với nhà thơ nổi tiếng Mayakovsky của nước Nga Xô Viết.
Tôi biết, chỉ trong thời gian 6 năm trở lại đây, anh Hoàng Kiền đã viết cả ngàn bài thơ. Ngày nào anh cũng viết. Anh viết khá nhanh. Có thể nói nhiều bài thơ anh vừa dự họp vừa viết để kịp tặng cho đối tượng mà anh tham dự. Trang báo điện tử Trường Sơn của Hội đã công bố hàng trăm bài thơ của anh. Bất cứ sự kiện nào của Hội Trường Sơn Việt Nam, anh đều có thơ. Mới nhất đây, anh nhận lời Chánh Văn phòng Hội Trần Văn Phúc sẽ có bài thơ tặng cơ quan ngày gặp mặt đầu xuân Mồng 6 Tết 2020. Mồng năm Tết, vì có việc đột suất ở quê nên 12 giờ đêm anh mới từ Nam Định lên Hà Nội. Sáng hôm sau, anh vừa đi xe buýt vừa viết. Mọi người đã yên vị, bài thơ anh mới viết gần xong. Ngoại cảnh đã không ảnh hưởng mấy đến nguồn cảm hứng trong anh. Ý thơ, lời thơ vẫn cứ tuôn trào. Điều này thì ngay cả những nhà thơ chuyên nghiệp cũng chưa chắc làm được như anh. Gặp bất cứ điều gì anh cũng có thể tìm được cảm hứng để viết ra. Dường như tất cả từ ngữ, ý thơ, ngôn từ thơ đã đầy ắp trong đầu anh, chỉ cần anh “mở van” là chúng ào ào tuôn ra. Không phải bài thơ nào của anh cũng hay. Nhưng trong số ấy có nhiều bài đọc rất thích, bởi nó chân thật, dung dị như cuộc sống vậy... Bài thơ lục bát "Trọn đời chiến sĩ Trường Sơn" anh viết khá cảm động. Đây là bài thơ anh viết về cuộc đời 75 năm cách mạng trong đó có 55 năm gắn bó với Trường Sơn và Hội Trường Sơn Việt Nam của Thiếu tướng Võ Sở. Bài thơ dài tới 320 câu... Đấy là chưa kể anh còn viết xuất bản 2 cuốn về kinh nghiệm chữa bệnh dân gian được diễn giải bằng thơ, dày hơn 400 trang và cuốn sách "Huyền thoại Trường Sơn" (dày hơn 200 trang, mới xuất bản đầu xuân 2020). Ngày nào trên facebook anh cũng viết. Anh còn “bút chiến” mỗi lần hàng ngàn từ phản bác lại những sai trái của nhóm biên soạn cuốn sách “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” với những lập luận và chứng cứ lịch sử đanh thép; hay anh tranh luận về lý tưởng và bản chất cuộc chiến tranh giải phóng đất nước với những người lính bên kia chiến tuyến cùng mang họ Hoàng với anh... Với cái “I-pát” trên tay, chả lúc nào thấy anh ngơi nghỉ viết. Quỹ thời gian 24 tiếng trong ngày với anh dường như quá ít. Đấy là chưa kể anh còn bôn ba vào Nam, ra Bắc (tất nhiên là bằng tiền túi cá nhân) để gõ cửa nhiều cơ quan, đơn vị mà anh có mối quen biết tìm kiếm kinh phí tài trợ cho Hội. Một nhà giáo làm xây dựng ở TP. Đà Nẵng chỉ vì sự mến mộ danh tiếng của anh, thấy anh giới thiệu về Quỹ Nghĩa tình Trường Sơn trên Facebook 'Hoàng Kiền" đã gọi điện xin anh tài khoản để “Gửi tặng Quỹ nghĩa tình Trường Sơn của Hội Trường Sơn Việt Nam 500 triệu đồng nhằm tri ân các chiến sĩ Trường Sơn”...
Tốt nghiệp Trung cấp sư phạm, rồi trở thành một anh giáo làng dạy cấp 2, Hoàng Kiền nhập ngũ vào Trường Sơn chiến đấu từ tháng 8 năm 1970. Gần 6 năm làm lính Trường Sơn, 8 năm được đào tạo tại Đại học Kỹ thuật Quân sự và Trường Sĩ quan Lục quân 2, 8 năm làm Trung đoàn trưởng công binh 83 Hải quân xây dựng các công trình ở Trường Sa, 7 năm làm Phó Tư lệnh rồi Tư lệnh Binh chủng Công binh, rồi hơn 6 năm làm Giám đốc Ban quản lý dự án 47 (xây dựng Đường tuần tra biên giới)… Bàn chân của một người lính – một vị tướng Hoàng Kiền đã đặt lên mọi miền của Tổ quốc và nhiều vùng đất của nước bạn Lào và Campuchia anh em... Những năm tháng lăn lộn gian khổ trong màu áo lính có thể ví, vốn sống trong anh đầy ắp như suối nguồn Trường Sơn mùa lũ. Có lẽ vốn sống ấy là nguồn cội của cảm hứng cho những ý thơ, tứ thơ trong anh hôm nay… Anh đã từng có “tuyên ngôn” rất hay của một người lính làm thơ như thế này:“Hãy cho lửa vào thơ/ Đừng có nói hững hờ / Nếu không thì hãy nhớ/ Đốt lửa bỏ thơ vào”.
Tôi nhớ, Đại tướng Phạm Văn Trà đã từng đánh giá: “Hoàng Kiền là con người của công việc, là một trong số những tướng lĩnh rất đáng tự hào của quân đội ta…”…Quả thật, những người lính Trường Sơn chúng ta rất tự hào về Hoàng Kiền - một vị tướng khá đặc biệt: vừa là Anh hùng LLVT, vừa được Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình khoa học Quân sự, lại vừa là một người say mê làm thơ, viết khỏe, viết nhiều, viết nhanh… như anh.
Đầu xuân Canh Tý 2020, anh em đồng đội Trường Sơn chúng tôi ở Cơ quan Trung ương Hội vừa được chúc mừng tuổi 70 của anh. Dù đang ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng dường như năng lượng trong anh vẫn tràn trề như người đang độ 50 vậy. Thật mừng! Thơ và sự thôi thúc viết ra những dòng thơ trong anh dường như làm cho "sức vóc" và tâm hồn anh trẻ hơn so với tuổi tác. Khoa học Phương Đông khẳng định rằng: nếu các kinh lạc trong một con người mà cân bằng thì người ấy luôn khỏe mạnh và không bị tật bệnh. Người ta cũng hay nói về sự cân bằng năng lượng trong mỗi con người. Người nào tạo được sự cân bằng năng lượng một cách khoa học thì người đó có sự thăng hoa trong cuộc sống. Phải chăng viết là để giải tỏa năng lượng dồi dào trong anh Hoàng Kiền? Viết để cân bằng năng lượng? Tất cả đều có thể. Là người có chung nghiệp viết lách như anh, tôi thấy nhu cầu viết đối với anh Hoàng Kiền là một sự giải tỏa? Viết không chỉ là cái nghiệp đã quyện vào anh mà viết với anh còn là trách nhiệm của một người lính - Người lính Trường Sơn...
Về nhà thơ Mayakovsky, tôi xin giới thiệu đôi nét “tương đồng” của ông với anh Hoàng Kiền - Nhà thơ của Hội chúng ta. (Xin tiết lộ với bạn đọc, anh Hoàng Kiền là một trong 87 hội viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn, thành lập ngày 23/3/2017).
Trong giáo trình khoa Văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy, chúng tôi đã có nhiều tiết học về Thân thế và sự nghiệp sáng tác của Nhà thơ Mayakovsky của nước Nga Xô Viết.
Đánh giá về vai trò lớn lao của nhà thơ Mayakovsky, lãnh tụ Xô Viết Stalin đã từng nói: “Mayakovsky là nhà thơ ưu tú nhất của Chủ nghĩa xã hội”. Quả thật như vậy, sự nghiệp thơ ca của Mayakovsky vô cùng đồ sộ. Ông chính là một pho biên niên sử của nước Nga thời đại Cách mạng Tháng Mười và những thập niên đầu tiên của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ông được xem là một cây bút sống với công chúng, vì công chúng và nhờ công chúng.
Vladimir Vladimirovich Mayakovsky sinh ngày 19/7/1893 tại làng Bagdadi ở Gruzia, trong gia đình một người gác rừng. Thời thơ ấu của ông trôi qua ở Gruzia, nhưng sau khi cha ông qua đời, Mayakovsky cùng gia đình chuyển về Moskva. Tuổi 15, ông đã rời bỏ ghế nhà trường để tham gia cách mạng và ba lần bị bắt. Trong thời gian bị biệt giam trong nhà tù Butyrskaya, Mayakovsky bắt đầu làm thơ và đây chính là dấu mốc mở đầu cho sự nghiệp sáng tác thơ ca của ông.
Tiếng nói trong thơ của Mayakovsky luôn bao trùm thời đại, nóng hổi như một điệu kèn xuất trận, thúc giục người ta tiến lên, phấn đấu cho Chủ nghĩa xã hội. Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga “long trời lở đất” ấy, thì thơ Mayakovsky xuất hiện như "một cơn động đất" làm vụn nát những quan niệm tư sản cũ kỹ còn nặng nề trong thi ca Nga.
Cách mạng Tháng Mười giành thắng lợi năm 1917. Mayakovsky đã dứt khoát đi với chính quyền Xô Viết, toàn tâm phục vụ sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản. Thời kỳ này, ông bám sát các sự kiện diễn ra hằng ngày để viết những bài thơ phản ánh kịp thời, sinh động khí thế tiến công cách mạng của nhân dân Xô Viết. Ông viết khỏe và viết rất nhanh. Ngày nào, thơ của ông cũng xuất hiện trên báo chí để cổ vũ công cuộc kiến thiết xã hội mới và cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù của Nhà nước Xô Viết. Nhiều người thời ấy đã gọi Mayakovsky là “Nhà thơ thời sự”, “Nhà thơ cổ động”...
Những tác phẩm thơ của ông mang đầy tính tuyên truyền, cổ động mạnh mẽ. Đặc biệt, Mayakovsky còn sáng tác cả một bản trường ca để ca ngợi vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Liên Xô - Trường ca “Vladimir Ilich Lenin”. Người ta đánh giá, đến nay, trong văn học Nga và thế giới, chưa có bản trường ca nào lại có tầm vóc về Lênin như bản trường ca Vladimir Ilich Lenin” của Mayakovsky.
Nhưng thật đáng tiếc, ông đã kết thúc cuộc đời ở tuổi 37 bằng phát súng tự sát. Mayakovsky đã vô tình phủ lên cuộc đời mình một màn đen bí ẩn.
Theo tường thuật của báo chí ngày ấy, đám tang Mayakovsky được tổ chức trọng thể trong ba ngày 15, 16, 17/4/1930. Đã có gần hai chục vạn người đến nghiêng mình trước linh cữu ông. Đặc biệt hơn, trong số các vòng hoa viếng Nhà thơ, có một vòng hoa được kết nối bằng đinh ốc, búa, ổ trục, với dòng băng tang "Vòng hoa thép viếng Nhà thơ thép"...
Tuy chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng sự nghiệp sáng tác của ông là một khối lượng đồ sộ, cả về thơ, kịch, các bài chính luận, tiểu luận, hàng ngàn bức tranh áp phích, và rất nhiều công việc khác. Nhiều thi hào trên thế giới như Aragon (Pháp), Neruda (Chile), Tuvim (Ba Lan)… đều từng ca ngợi những công lao to lớn và sự ảnh hưởng của Mayakovsky đối với sự nghiệp thơ ca của mình…
Thơ của Mayakovsky đến Việt Nam từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939). Và từ Cách mạng tháng Tám đến nay, nhiều tác phẩm của ông đã được dịch, giới thiệu ở Việt Nam.
Đến nay, Mayakovsky vẫn luôn được coi là nhà thơ vĩ đại của văn học Xô Viết, ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ lớn trong nước và trên thế giới. Di sản thi ca của Mayakovsky rất đồ sộ và sự cách tân hình thức thơ của ông đã có ảnh hưởng không chỉ đến nền thơ ca Nga mà còn đối với thơ ca của cả thế giới...
Tôi mong anh Hoàng Kiền - Nhà thơ Hoàng Kiền tiếp tục viết nhanh, viết khỏe và viết nhiều thơ hơn nữa. Mong rằng nguồn cảm hứng thơ trong anh vẫn luôn đầy ắp. Dù khía cạnh nghệ thuật và giá trị tư tưởng về ngôn từ, thơ Hoàng Kiền không thể sánh ngang với thơ của Mayakovsky của nước Nga. Nhưng sự nhiệt tình, viết nhanh, viết khỏe, viết nhiều thì tôi không do dự mà khẳng định lại một lần nữa: Nhà thơ Hoàng Kiền của Hội TSVN chúng ta có thể sánh ngang với Nhà thơ Mayakovsky của nước Nga.
Chúc nhà thơ Hoàng kiền – một Mayakovsky của Hội Trường Sơn Việt Nam tiếp tục có thêm nhiều bài thơ hay về Trường Sơn, về Hội Trường Sơn Việt Nam chúng ta, về cuộc sống nhiều màu sắc, nhiều biến động, nhiều sự kiện sôi động hôm nay.
PTL
(Bài viết có Tham khảo tư liệu của Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN)
MỘT SỐ HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ THƠ TRƯỜNG SƠN HOÀNG KIỀN
Đồng chí Hoàng Kiền với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 10/8/2016 tại Văn phòng Chính phủ.
Đồng chí Hoàng Kiền tại một triển lãm Trường Sơn.
Đồng chí Hoàng Kiền tặng quà các con cháu chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Quảng Trị.
Chúc mừng họa sĩ Nguyễn Đức Dụ tổ chức triển lãm tranh Trường Sơn tại TP. Nam Định, tháng 12/2019.
Nhà thơ Hoàng Kiền đọc thơ tặng cơ quan Hội Trường Sơn Việt Nam tại cuộc gặp mặt đầu xuân Canh Tý 2020.
Đồng chí Hoàng Kiền và đồng đội Lê Hồng Huân tại Lễ trao tặng sách tại Thư viên Quân đội đầu năm 2029.
Ảnh: Tư liệu Hội TSVN
tin tức liên quan