Liều mình cứu nguy - Truyện của Vương Văn Kiểm

Ngày đăng: 04:35 18/05/2020 Lượt xem: 442
Lời Tòa soạn:
     Trường Sơn trân trọng giới thiệu truyện “Liều mình cứu nguy’ của đồng chí Vương Văn Kiểm, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam, hiện đang sống tại TP Nam Định. Đây là truyện viết về đồng chí Hà Đông – một trinh sát dũng cảm mưu trí, anh dũng tuyệt vời trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước trên đất lửa Quảng Nam – mảnh đất “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Truyện viết cô đọng, đi thẳng vào sự việc, không mô tả rườm rà. Vì thế tiết tấu của truyện nhanh.
     Trân trọng cám ơn nhà văn Vương Văn Kiểm và giới thiệu cùng bạn đọc.
 
LIỀU  MÌNH  CỨU  NGUY
    (Trên đất lửa Quảng Nam)
 

Vương Văn Kiểm
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

 
                  Hồi 1
 
Một chiều mùa hè năm 1955, Lê Quang Bửu đang luyện võ cho đồng đội thì nghe tiếng mõ khua vang, anh liền cho mọi người lui vào rừng rậm. Lê Quang Bửu dặn người em họ- Lê Quang Tập:
    - Chú cho anh em bảo vệ đồng chí Bí thư Huyện ủy chạy vào phía sau núi, tôi chạy hướng khác, đánh lạc hướng quân địch
      Dặn dò xong, Lê Quang Bửu bất ngờ vụt chạy qua mặt bọn địch đang tiến đến, cố ý để lộ tông tích. Bọn chúng hô hoán: “Việt cộng! Việt cộng!”. Lập tức chúng tập trung hỏa lực bắn và đuổi theo. Đã “Liều mình cứu Chúa” thì anh xá chi chuyện chết chóc. Lúc ẩn, lúc hiện, anh nhử địch, như một con mồi. Khi địch ra xa khu vực Huyện ủy đang đóng quân, Quang Bửu nhanh chóng biến vào rừng, chui tọt vào một hang đá hẹp mà chỉ có mình anh biết. Ở phía sau núi, các đồng chí Huyện ủy nhanh chóng thoát hiểm.
      Sau trận bị lộ căn cứ này, Lê Quang Bửu đề xuất với lãnh đạo Huyện ủy rời cơ quan về vùng đông Quế Sơn. Vì ở đó các đồng chí Huyện ủy nắm được cơ sở, thuộc địa hình hơn và hình thành đường dây liên lạc với Tỉnh ủy dễ dàng. Ở nơi cũ (Trung Lộc) có núi non hiểm trở, nhưng tình hình chính trị không thuận. Sau khi về địa điểm mới, Đảng lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi địch thực hiện hiệp định Genève- thống nhất đất nước được đẩy mạnh hơn nhiều. Về đây Lê Quang Bửu thay tên đổi họ thành Hà Đông để tiếp tục nằm vùng hoạt động bí mật tại quê nhà.            
 
                    Hồi 2
 
… Qua thử thách, Hà Đông được Huyện ủy Quế Sơn phân công làm Đội trưởng Đội Công tác vùng Đông Quế Sơn. Anh cùng với đồng đội kiên cường bám trụ, nằm vùng, xây dựng hàng trăm cơ sở Cách mạng. Phải bí mật hoạt động trong vùng địch sau hiệp định Genève theo đường lối đấu tranh bất bạo động, nhưng Hà Đông tâm sự với đồng đội rằng: “ Đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị mới có thể thống nhất đất nước được”. Vì vậy anh chăm lo việc lập căn cứ và luyện tập võ thuật, kỹ chiến thuật quân sự cho Đội Công tác. Hà Đông thường kéo cả đội công tác đến chỗ bí mật để luyện tập. Anh nhắc nhở mọi người: “Chúng ta không khoanh tay để địch bắt sống, phải tìm mọi cách chống trả”
      Hà Đông lên núi tìm hang động để giấu gạo, muối do cơ sở tiếp tế, nhằm bảo đảm hoạt động lâu dài. Anh dành cho mình cái hang tuyệt mật, để phòng thân.
      Sau hiệp định Genève, chỉ vài năm, địch thiết lập hoàn chỉnh bộ máy chính quyền tay sai, đàn áp trả thù người kháng chiến cũ. Nhiều cán bộ bị địch bắt tra tấn đến chết, Cơ sở bị vỡ hàng loạt. Hà Đông vẫn dựa vào lòng dân trung kiên tiếp tục nuôi mầm Cách mạng. Bọn địch phát hiện manh mối Đội Công tác, chúng treo giải thưởng “Ai bắt được tên Việt cộng nguy hiểm Hà Đông thì sẽ được thưởng 2 triệu rưỡi đồng” với giá trị tương đương cả trăm cây vàng. Hà Đông ẩn hiện trong làng quê. Một hôm Hà Đông bị bọn dân vệ Phú Hương vây ráp. Anh nhanh trí chạy vụt vào nhà tên Khuê cảnh sát. Vừa thuyết phục, vừa khống chế, buộc tên Khuê phải đưa Hà Đông ra đồng để trốn thoát khỏi vòng vây của địch.
      Anh hóa trang khéo léo, xuất quỷ nhập thần. Địch suốt ngày lùng sực, không bắt được anh. Ban đêm, anh lại đến các nhà dân, vận động phong trào.
      Năm 1959 địch khủng bố vô cùng khốc liệt, cơ sở cách mạng 6 xã vùng Đông bị đánh trốc gần hết, Huyện ủy Quế Sơn lên vùng núi cao thuộc huyện Phước Sơn. Tỉnh ủy cũng phải di rời. Hà Đông mất liên lạc với cấp trên, anh len lỏi băng rừng lên Phước Sơn. Dân tộc Cơ Dong, Dẻ Triêng là chỗ dựa tin cậy của cách mạng. Đồng bào rất cảnh giác, cho nên khi gặp anh, tưởng anh là người xấu, họ bắt anh, tra hỏi. Anh vừa chân thành, vừa mưu trí, thuyết phục được đồng bào dẫn đường đến căn cứ huyện ủy Quế Sơn.                     
 
                    Hồi 3
 
   … Được nghị quyết 15 của Trung ương soi sáng. Hà Đông như mở cờ trong bụng, anh nhận nhiệm vụ quay trở lại đồng bằng tiếp tục dấn thân vào cuộc chiến đấu mới. Đội Công tác của anh được bổ xung mấy đồng chí tập kết miền Bắc, trở lại miền Nam. Các anh triển khai bắt nối lại các cơ sở Cách mạng và rút một số thanh niên địa phương  tăng cường cho Đội Công tác tiến hành đấu tranh võ trang.
      Vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, Đội Công tác diệt ác, phá kềm, thành lập căn cứ lõm tại vùng đông Quế Sơn. Nhiều lần Hà Đông lãnh đạo Đội đánh thẳng vào sào huyệt của địch
       Năm 1960, Hà Đông chấp hành lệnh trên, phối hợp với các đồng chí ở Duy Xuyên, rút lên căn cứ một số thanh niên. Trên đường về căn cứ, anh cho quân nghỉ đêm tại một hang động ở đèo Đá Mái, ngay chân phía bắc Hòn Tầu (Nay là đập thủy điện Duy Sơn). Không hiểu nguyên nhân gì mà bị lộ. Địch huy động cả trăm người gồm lính Bảo an, Dân vệ và bắt ép cả nhân dân, dùng đèn gió, mõ, cây gậy vây ráp tất cả các ngõ ra vào hang động. Địa hình rừng núi khá thuận lợi, nhưng Hà Đông không đánh mở đường máu. Vì bọn chúng đẩy dân áp sát phía trước, nổ súng thì dân chết. các anh bàn nhau quyết định nằm riết trong hang, chờ cơ hội. Hà Đông biết trong dân thường và cả trong đám dân vệ có người là cơ sở của ta. Anh cho những thanh niên vừa thoát ly, lẻn ra khỏi hang, lẫn vào đám đông để bắt nối và trao đổi kế hoạch của các anh với họ. Đêm ấy, những người dân thường là cơ sở của ta đột nhiên “nổi máu nóng” xông lên vây ép “Việt cộng” hỗ trợ đắc lực cho nghĩa quân tiêu diệt Việt cộng, nhưng không thành. Khi rút ra khỏi hang, họ để lại rất nhiều đèn gió, mõ, gậy. Tối hôm sau, họ cũng hăng máu như vậy, xông vào hang mở đường cho bọn nghĩa quân, thì ta bất ngờ nổ súng đe dọa, “Đám dân đen” hoảng loạn chạy thoát. Cùng lúc toàn bộ các đồng chí của ta cũng tay cầm đèn gió, tay cầm mõ, lẫn vào đám người kia, chạy ra khỏi hang biến mất.
 
                    Hồi 4
 
      Để hỗ trợ nhân dân nổi dậy, trước tiên phải tiêu diệt những tên ác ôn, dùng lực lượng sẵn có đánh những trận gây thiệt hại lớn cho địch, tạo tiếng vang, khiến kẻ địch khiếp sợ, mới phá kềm cho dân được. Hà Đông lên kế hoạch và trực tiếp chỉ huy thực hiện các trận đánh.
      Giữa năm 1962, theo tin tình báo từ trên cung cấp, Đội Công tác vùng đông Quế Sơn lập phương án đánh đoàn tầu quân sự từ Đà Nẵng chạy vào chi viện cho Tỉnh đường Quảng Tín mở cuộc hành quân lớn vào chiến khu Quảng Nam, Hà Đông cho khảo sát địa thế đoạn đường sắt chạy qua các vùng Đông Quế Sơn, tìm chỗ tối ưu để đặt mìn. Dây điện giăng bấm mìn quá ngắn, anh em trong đội Công tác đề nghị chỉ dùng khối thuốc nổ 8 kg. Hà Đông không đồng ý, vì cỡ mìn như vậy không đủ sức làm lật tầu. Dù có nguy hiểm đến tính mạng cũng phải đánh khối thuốc 20 kg, ông kên quyết:
      - Có chết vì khối bộc phá này cũng phải đánh. Tôi là người trực tiếp bấm mìn, các đồng chí hãy làm tốt công tác hỗ trợ chiến đấu
      Cái khó là khối thuốc nổ quá lớn, dây điện lại quá ngắn, có thể sẽ giết chết người bấm mìn. Hà Đông chọn một nơi bấm mìn là cống Xã Diễn cho đồng đội đặt mìn bên đường ray, các cống độ 10 mét, ngụy trang lại thật khéo. Chỉ có thể thực hiện trận đánh như vậy, may đâu còn sống sót. Ông bấm mìn, đoàn tầu lật, gây cho địch thương vong lớn, làm vỡ kế hoạch hành quân của địch xuất phát từ tỉnh lỵ Quảng Tín. Hà Đông bị sức ép tức, muốn trào máu, nhưng anh nhanh chóng gượng dậy, vọt khỏi cống cùng đồng đội rút êm vào rừng còi, nằm ven đường sắt, để lại tiếng la ó thất thanh của bọn lính bị lật tầu
 
                    Hồi 5
 
      Sau khi đánh đoàn tầu vận chuyển vũ khí, tiếp đến Hà Đông lên sa bàn đánh Chi khu 1, cảnh sát Mộc Bài và và Hội đồng 2 xã Phú Phong Phú Hương. Hà Đông chịu trách nhiệm đánh thọc vào mũi chính, nằm ở trung tâm. Lê Quang Tập đánh vào Hội đồng xã Phú Phong. Ba đồng chí khác đánh vào hội đồng xã Phú Hương. Hà Đông cùng anh Thành, anh, anh Bảy cải trang thành lính biệt kích, thản nhiên vào cổng chính Chi khu. Qua khỏi cổng, ba đồng chí nhanh chóng chia thành 3 hướng xông thẳng vào mục tiêu. Hà Đông tiếp cận ngay phòng làm việc của tên Bích- Phó Cục trưởng cảnh sát Quế Sơn, Trưởng Chi khu Lộc Bài. Chỉ một phát súng ngắn nổ gần, anh hạ gục ngay tên Bích. Hai đồng chí Thành và Bảy cùng áp sát các mục tiêu vạch trước, tiêu diệt bọn tay chân tên Bích. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng giữa ban ngày, bọn địch quá bất ngờ, không kịp trở tay. Ba đồng chí lập tức rút lui. Khi rút quân chẳng may anh Bảy hy sinh. Cùng lúc đó, 2 mũi kia tuân thủ kế hoạch, nổ súng tiêu diệt nhiều tên ác ôn trong mâm Hội đồng. Tiếp theo người hùng Hà Đông tả xung hữu đột, khi trực tiếp, lúc chỉ huy tiêu diệt hàng chục tên ác ôn, khiến Ngụy quân Ngụy quyền tại Đông Quế Sơn khiếp vía, mở cơ hội cho nhân dân vùng lên, phá ấp chiến lược, giải phóng gần như toàn bộ các thôn ấp vào cuối năm 1964, đầu năm 1965.
      Cùng với lòng quả cảm, Hà Đông còn là chiến sĩ cách mạng đầy thao lược về quân sự và chính trị. Ông rất có tài nhận định tình hình, vận động và tổ chức các phong trào quần chúng. Vì vậy đầu năm 1966, anh được Đảng bộ Quế Sơn bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy, rồi kinh qua nhiều chức vụ quan trọng khác, tiếp tục chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.
      Bây giờ, ông Hà Đông- Lê Quang Bửu đã thành người thiên cổ. Nhưng hình ảnh trung kiên cùng với những câu chuyện đầy mưu lược như huyền thoại của ông trong suốt 20 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn đọng trong tâm trí đồng đội, đồng chí, trong lòng mỗi người dân vùng Đông Quế Sơn. Ông xứng đáng cho thế hệ chúng ta và sau này tôn vinh là người anh hùng./.            
 
V V K 
                                                                                                   
      (*) Bài dựa theo đồng đội Phạm Thông
      Tài liệu tham khảo: Quế Sơn- đất và người (Ban Thường vụ Huyện ủy
 Quế Sơn ấn hành năm 2014)                         
Địa chỉ: Vương Văn Kiểm 47 Tràng Thi, phường Trần Đăng Ninh Nam Định.
 

tin tức liên quan