"Thầy tôi và nghề cầm bút". Tác giả: Hoàng Văn Kính
Thầy tôi và nghề cầm bút
(Kính tặng thầy Thiệp nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam)
Làng tôi có đến hơn ngàn hộ, nhiều nhà con cái được học hành tử tế. Giáo sư, Tiến sỹ, Tướng tá đếm mười đầu ngón tay không hết ấy vậy mà ai cũng phải kính nể ông đồ Thiệp. Hồi còn bé đầu những năm sáu mươi của thế kỉ trước tôi được học Thầy trong những tháng hè không phải đến lớp. Phương pháp dậy của thầy rất đơn giản nhưng hiệu quả, đấy là kết hợp cả cương và nhu, có thưởng và có phạt. Phần thưởng là cuối tuần được một cái kẹo còn hình phạt là roi vọt. Viết chữ xấu là ăn roi vào năm ngón tay, làm bẩn vở là roi vào mu bàn tay còn không làm bài tập, mất trật tự, nhỡ có hỗn láo là nằm sấp trên một cái bàn để sẵn ở cuối lớp và nếm đòn vào mông - nhẹ cũng ba cái, thường thì năm có lần tôi phải chịu bẩy cái vì đùa quá trớn với bạn. Mu bàn tay, mông đít dẫu có đỏ, lằn vết roi nhưng bố mẹ không bao giờ kiện cáo, trách cứ Thầy mà còn lấy đó để tiếp tục răn dậy con cái. Thậm chí còn thêm vài con lươn nữa cho chừa thói nghịch ngợm, hỗn láo, không chịu nghe lời thầy.
Chúng tôi vừa sợ, vùa kính trọng Thầy. Mỗi khi đến lớp và cả sau này khi đã học đến cấp II, cấp III, mỗi lần gặp Thầy chúng tôi đều lễ phép khoanh tay, cúi đầu: Con chào Thầy ạ. Và Thầy cũng rất ôn tồn, đôn hậu bao giờ cũng xoa đầu, vỗ vai hỏi lại, động viên chúng tôi.
Cũng nhờ sự dậy bảo nghiêm khắc ấy mà mỗi chúng tôi trưởng thành như hôm nay. Lớp có bẩy đứa, bốn trai thì có hai là Cán bộ cao cấp trong Quân đội, một là Thương binh hạng 4/4, một là Sỹ quan Quân đội chuyển ngành công tác trên Bộ Giao thông Vận tải. Có ba nữ thì một là Phó Giáo sư Tiến sỹ giảng viên tại một trường đại học, một là giáo viên dậy cấp 3 và một là Bác sỹ Thầy thuốc ưu tú.
Vì kính trọng nên cả làng từ già đến trẻ đều gọi Thầy với danh xưng là Thầy Thiệp. Thầy Thiệp tuy đã cao tuổi nhưng còn khỏe lắm. Nước da đỏ au, tóc để dài búi tó phía sau gáy, chòm râu dài bạc trắng, dáng người khoan thai, ung dung tự tại. Chuyện lớn bé hễ nhà ai có công to việc lớn gì đều tìm đến Thầy. Có lẽ cũng vì sự uyên thâm, đức độ và cái uy trong con người thầy.
(Tranh minh họa)
Hơn 30 năm tôi mới có dịp về thăm Thầy. Bên chén trà Thầy bảo: các anh còn nhớ đến Thầy là quý rồi, lần sau không phải quà cáp gì cả. Thầy rất vui khi thấy các anh chị trưởng thành như ngày hôm nay. Mặc dù thời gian Thầy dậy không nhiều nhưng Thầy vẫn dõi theo từng bước đi và tự hào về các anh chị…
Một hôm sau khi hoàn thành cái bản thảo “ Chuyện nhặt ” tôi mang đến nhà xin sự chỉ bảo của Thầy. Vui vẻ cầm tập giấy, Thầy bảo: Thế anh muốn thầy góp ý về cái gì.
-Dạ thưa tất tần tật ạ. Em cũng mới tập tọe viết, cứ thấy chỗ nào ngang ngang, trái trái, điêu điêu, câu cú siêu vẹo, vần vèo ngúc ngoắc thì Thầy gạch đít chỉ bảo cho.
- Nghe nói anh còn viết cả báo làm cả thơ nữa, gửi cả cho Thầy kể cả những bài đã được sử dụng…
Khoảng hơn tháng sau Thầy nhắn tôi đến nhà: Thầy đã đọc xong cái bản thảo của anh rồi. Tại sao lại gọi “ Truyện nhặt ”.
-Dạ, toàn truyện lượm lặt, lặt vặt xẩy ra hàng ngày quanh cuộc sống mà em thấy.
-Có cái được, có cái chưa được lắm – Thầy nói - Văn phong thì tạm ổn, mang được phong cách riêng của tác giả. Mỗi cái truyện tưởng là vặt vãnh ấy nhưng nó đều mang được hơi thở về một khía cạnh nào đó trong cuộc sống đương đại, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục tốt nhưng thầy thấy có hai điểm cần lưu ý. Một là: còn sai ngữ pháp, chính tả: dấu chấm, phẩy, ngắt câu, xuống hàng, chữ nặng nhẹ… Cái đó có khi người viết không chú ý nhưng nó có thể làm sai lệch, tạo sự hiểu lầm. Hai là: có một số tư liệu không biết anh lấy ở đâu nhưng thầy thấy ngờ ngợ, nếu không chắc chắn, chưa được kiểm chứng thì bỏ đi. Riêng bài viết cho báo thì cần ngắn gọn, xúc tích, ít rằng thì là mà, dẫn dắt vòng vèo ít thôi, đừng cái gì cũng chung chung, cần cụ thể, phải có dẫn chứng minh họa, đi thẳng vào bản chất vấn đề, của sự kiện, đúng sai cần làm rõ.
-Dạ xin Thầy chỉ cụ thể ạ.
-Có nhiều đoạn văn còn kể lể rườm rà như ở cái hồi ức “ Đêm vượt trọng điểm ATP” hoặc ở cái truyện ngắn “ Ân tình của những đứa con” Có một số thông tin cần phải kiểm tra lại độ sát thực như số người bị ngộ độc thức ăn, bị thương vong do tai nạn giao thông...Có số liệu mâu thuẫn với thông tin trên các phương tiện truyền thông. Có cái chỉ là cá biệt nhưng cách viết lại làm cho người đọc có cảm giác nó mang tính phổ biến... Thế những tư liệu ấy anh thường lấy ở đâu ?
-Dạ thưa một phần em nhặt nhạnh được xung quanh mình, một phần từ bạn bè, còn một phần em khai thác trên mạng xã hội. Sự bùng nổ của Công nghệ thông tin làm cho cuộc sống phong phú và hiện đại hơn nhiều. Cần gì cứ vào đấy tìm có hết Thầy ạ.
-Phải đứng ở đâu để có một góc nhìn chuẩn mới là quan trọng. Tiện ích của Internet thì không ai phủ nhận. Nhưng phải luôn nhớ nó là cái chợ, ở đấy có đủ mọi thứ, tạp pí lù lắm. Có đúng, có sai; có thông tin chính thống và không chính thống; có cái bịa đặt và lừa lọc; cũng có cái tin thất thiệt do bọn xấu tung lên lập lờ trắng đen, một phần thật chín phần giả… nghĩa là đủ cả, chẳng thiếu loại tin gì. Nên xem cái gì đáng xem, nhặt cái gì phải có chọn lọc, phải có phê phán và phải luôn kiên định bản lĩnh của người cầm bút: “ Viết cho ai, viết cái gì và viết như thế nào”. Thế từ trước anh có hay viết không ?
-Vì là Cán bộ tuyên truyền thi đua nên thi thoảng em cũng có viết tin, viết bài gửi cho mấy tờ báo, mấy cái Tạp chí ngành. Thưa Thầy những năm gần đây em có làm thơ, viết hồi ức, chuyện ngắn nhớ lại những kỉ niệm một thời đánh Mĩ, mấy bài báo về thế sự. Nhưng em coi nó chỉ là nghề chơi, không phải để kiếm cơm, viết cho vui cho đầu óc không bị trì trệ. Với lại những năm tháng chiến tranh có nhiều cái để viết, nên viết để tri ân đồng đội đã hy sinh cho mình được sống đến hôm nay, để nhắc nhở về một thời kì hào hùng của cả dân tộc trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Thế mà từ những bài viết được đăng tải một số anh em đồng đội cũ lại kết nối được với nhau đấy Thầy ạ. Mới tháng trước mấy anh em cùng đơn vị tề tựu ở nhà em, vui lắm. Kí ức về một thời đánh Mĩ ở Trường Sơn cứ ùa về. Mọi người cũng động viên em phải cố gắng viết cái gì đó về con đường Trường Sơn huyền thoại. Về những năm tháng gian khổ, hy sinh giữ đường thông tuyến. Về những đồng đội đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Khi em đào sâu thêm một chút vào cái nghề này mới thấy cuộc chơi chẳng dễ chơi chút nào. Trước mỗi sự kiện xẩy ra có cả đống thông tin, đôi khi cũng thấy ngợp. Chẳng phải đâu xa, ngay cả những sự kiện xẩy ra ở chính nơi mình đã từng sống, chiến đấu thế mà bây giờ mới sau có mấy chục năm thật giả cứ lộn tùng phèo. Có người chẳng biết gì cũng nói cũng viết, chiến công có một thì khoe mười. Có kẻ công thần vỗ ngực đổi trắng thay đen, cũng có đứa cơ hội xuyên tạc sự thật, xuyên tạc Lịch sử để đánh bóng tên tuổi… Đâu là phải, đâu là trái; đâu là đúng, đâu là sai cứ hoa cả mắt, loạn cả óc và khi cầm bút viết thì phải lựa chọn nội dung gì, hành văn ra sao để thuyết phục người đọc… Đúng là nghề chơi, công phu lắm Thầy ạ.
Tôi đưa biếu thầy mấy số báo, tạp chí và bản tin: Em biếu thầy, trong số này có những bài của em.
Thầy cầm lấy trân trọng nâng niu. Cử chỉ ấy làm tôi xúc động, nhắc nhở tôi phải biết quý trọng công sức lao động của người khác. Thầy bảo: Không thể nói một vài câu là đủ, vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Đã coi là một cái nghề thì dù chính hay phụ, tay phải hay tay trái đều phải tuân theo luật của nghề chơi, dù hay hoặc dở thì đấy cũng là tâm huyết của người cầm bút, cố gắng lên. Mỗi thể loại thơ, văn, truyện,kí…ngoài cái chung lại có cái riêng, có bút pháp, cách thể hiện, cách viết riêng… Thầy động viên – rồi có ngày em sẽ thành công. Cái nghiệp viết lách này nó đòi hỏi phải có tâm, phải động não, phải thật khách quan trung thực và tỉnh táo khi đưa tin, phải thật chín chắn đến từng câu, từng chữ khi viết. Đừng quá mê mẩn với câu “ Văn mình, vợ người”. Không phải tất cả những bài viết của các cây đa, cây đề đều là đa, là đề cả đâu. Dễ dãi, cẩu thả có khi mang vạ vào thân. Viết và lách cơ mà…
Rồi thầy nói: Thầy không phải Nhà văn, Nhà thơ, cũng không phải là Chuyên gia trong lĩnh vực văn chương, ngôn ngữ, chỉ bằng kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống biết đến đâu thì trao đổi đến đấy, có chỗ nào… anh thông cảm nhé.
Vẫn như ngày nào thầy khiêm nhường, ân cần dậy bảo tôi như cậu học trò bé bỏng hồi học lớp 2 thủa đầu những năm sáu mươi của thế kỉ trước, chỉ khác là không có cái bàn và cái roi mây ở phía cuối lớp. Có lẽ cũng vì thời thế đã thay đổi, nhưng mặc dù đã sang tuổi “ Thất thập” nó vẫn là kí ức không phai mờ, dậy dỗ mỗi chúng tôi nên người…
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN