NGƯỜI CON LÀNG CỔ DU- MỘT CUỐN SÁCH ĐÁNG ĐỌC

Ngày đăng: 08:53 12/04/2021 Lượt xem: 367
NGƯỜI CON LÀNG CỔ DU- MỘT CUỐN SÁCH ĐÁNG ĐỌC

                                 Nhà văn Hồ Sỹ Hậu

      Tôi được Đại tá Vũ Trình Tường (Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Lịch sử Hội TT Trường Sơn-Đường HCM VN, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn) tặng cuốn NGƯỜI CON LÀNG CỔ DU. Theo thói quen, tôi liếc qua Lời đầu sách. Câu trong Lời đầu sách “Quê mình ngày ấy, nghĩa là cách đây sáu bảy mươi năm, bọn Ma Qủy cũng nổi tiếng chẳng kém gì Thánh Thần, những người bản địa nghèo khó, cổ hủ thì khập khễnh chung sống cùng những vị khách ngoại lai: Chú Khách, cô Mán, bọn Tây trắng, Tây đen…”, đã gây cho tôi sự tò mò. Đây chắc là cuốn sách tái hiện ký ức của một người con về quê hương thời thơ ấu. Một quê hương đa dạng như vậy thì rất nên đọc để hiểu thêm nước mình ngày xưa. Tuy vậy, phải đến gần đây, trong một chuyến du lịch, tôi mới có thời gian đọc kỹ cuốn sách. Tôi dự cảm đúng…mà cũng không hoàn toàn đúng.
          Cuốn sách có cốt chuyện hấp dẫn hẳn hoi: Một người con trai mười hai tuổi cha mất sớm, gia đình nghèo khó phải theo mẹ lần mò ra vùng mỏ than kiếm sống, trên đường đi, một trận cuồng phong đã cướp mất mẹ của cậu. May mắn vượt qua tai họa, nhưng đã mất người mẹ thân yêu nhất, cậu căm thù làng Cổ Du quê hương đã bạc ác đẩy mẹ con cậu đến bần cùng, căm thù Thần Biển (ông Hà Bá) đã cướp mất mẹ cậu. Cậu nguyền rằng không bao giờ trở về làng Cổ Du; và rằng dù từ bé ngâm mình trong nước biển, nhưng từ nay không bao giờ chạm tay vào nước biển nữa. Cậu trở nên cô độc giữa đời và được những người lạ cưu mang giúp đỡ. Cậu đã sống cuộc đời phiêu dạt: Làm con nuôi trong một gia đình người Mán, trốn theo bộ đội, sang Trung Quốc học và trở thành một chuyên gia địa chất. Sáu mươi năm sau, người con trai, giờ đã là ông già, mới trở lại làng Cổ Du quê hương. Lá đã rụng về cội, lời nguyền năm xưa được hóa giải.
Trong ngót 400 trang của cuốn sách thì khoảng 300 trang kể chuyện quê xưa, chỉ có hơn 50 trang cuối thực sự là cốt truyện, nhưng dù như vậy, giữa chúng vẫn có sợi tơ liên kết khiến người đọc không thể buông sách giữa chừng.
       Với tư cách là người đọc, cái tôi cảm thấy lắng đọng nhất là những gì tác giả kể về quê hương. Nhân vật chính là “tôi”, nhưng chắc tác giả mượn cuộc đời của người khác để giãi bày tình cảm với quê hương. Quê anh, tôi hình dung có lẽ ở cửa sông Bạch Đằng, nơi có nhà máy đóng tàu Phà Rừng. Đó là nơi giao giữa rừng núi và biển, gần mỏ than, gần Hải Phòng, Một địa thế có vị trí chiến lược nên có đồn Tây. Vị trí ấy của làng Cổ Du đã tạo nên làng quê đặc biệt: Dân nghèo khó sống cạnh đồn Tây, những người Mán bán thuốc dạo, những chú “Khách” làm thày Lang…. Và cũng chính mảnh đất dặc biệt ấy mới có những điều đặc biệt: Gò Ma với những đống xương của quân Trung Quốc xâm lược ngày xưa, những kho báu bí ẩn mà “chú Khách” bỏ công đi tìm, rồi giếng thiêng của làng… Tuổi thơ thấm đẫm tình quê hương của một đứa con xa xứ được tái hiện rất cảm động, từ những sự kiện như: Thả diều sáo, hát đúm, chơi trận giả, chơi đu, lễ cầu mưa, làm muối lậu, lặn bắt hà…, đến những con người sống ở quê hương: Ông Đồ nhiều chữ - ông ngoại “tôi”; cô Va - cô Mán bán thuốc dạo tốt bụng; cô Lan - mẹ “tôi”- Dì Lút- mẹ Tàng là những người phụ nữ lam lũ lương thiện, giàu tình người; Ông Phó Cang- một người sống bí ẩn, quyết từ mặt thằng con trai làm tay sai cho giặc, ông đã chuẩn bị chu đáo đến từng chi tiết để khỏi phiền đến dân làng khi ông chết; Lý Bân quyền thế nhưng gia trung thối nát, thằng Tàng con dì Lút “da đen, tóc xoăn”- bạn tốt của “tôi”…; Cuốn sách cũng trân trọng kể những quang cảnh, đồ dùng, thậm chí món ăn của quê hương. Lo người đọc không hiểu, tác giả ghi chú rất cẩn thận từ các loại cây, con, đồ vật…Những ghi chú ấy có thể nhiều hơn mức cần thiết, làm cho cuốn sách có lúc như mang tính khảo cứu.
     Tôi rất nhớ một câu trong tùy bút của Ilia Erenbua: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: Yêu cái cây trồng ở trước vườn, yêu phố nhr đổ ra bờ sông…”. Đọc cuốn sách này, ta mới hiểu hết tình yêu quê hương của tác giả sâu đậm thế nào. Người khác quê hiểu thêm một vùng đất đặc biệt, người cùng quê thì tự hào vì có một người con đi xa đã giới thiệu được miền quê thiêng liêng của mình.
Xin cảm ơn tác giả. Gấp sách lại, tôi tự nhủ: Đây là một cuốn sách đáng đọc!
 
            H.S.H

tin tức liên quan