Họa sĩ Trường Sơn "Dụ Toét" - Ký của Phạm Thành Long

Ngày đăng: 10:06 30/04/2021 Lượt xem: 328
 HỌA SĨ TRƯỜNG SƠN “DỤ TOÉT”
 
            Ký của Phạm Thành Long
 
       Ngày còn ở Trường Sơn tiếng tăm về họa sĩ Nguyễn Đức Dụ đã nổi như cồn rồi. Cánh lính tuyên huấn sư đoàn bọn tôi họa hoằn lắm mới có dịp ra Cơ quan Bộ Tư lệnh công tác. Mà có ra thì dễ gì gặp được những văn nghệ sĩ “có số má” như họa sĩ Đức Dụ. Nhưng cái món “truyền tai nhau” thì ở Trường Sơn nhanh còn hơn tin tức truyền qua đường dây tải ba Trường Sơn đấy. Hoạt động của khu vực Tàvenoọc và Saravan, cách rất xa ngoài Bộ Tư lệnh nhưng cánh tuyên huấn chúng tôi ngày ấy đã khá rành rọt nhiều chuyện về những văn nghệ sĩ nổi tiếng ở Cục Chính trị. Chuyện đại loại như: Nhà văn Lê Lựu nghiện thuốc lào nhưng trí nhớ thì thôi rồi – có thể ngang với cụ Lê Quý Đôn ngày xưa. Ông Lê Quý Đôn một lần đi xứ Trung Quốc dừng chân ngủ lại tại một nhà trọ. Buồn quá, Lê Quý Đôn hỏi ông chủ nhà trọ có cuốn sách gì cho mình mượn đọc cho đỡ buồn. Chủ nhà trọ chẳng có cuốn sách nào. Thấy trên bàn có cuốn sổ ghi tiền nợ, Lê Quý Đôn bèn cầm đọc. Ông tò mò đọc hết cuốn sổ ghi nợ của ông chủ trọ. Đến khi quay trở về, Lê Quý Đôn dừng chân ở vị trí quán trọ ngày trước thì chỉ thấy một dống tro tàn. Ông chủ quán trọ đang khóc lóc bên nền nhà cháy đen thui. Lê Quý Đôn bèn hỏi thăm sự tình. Nước mắt lưng tròng, ông chủ quán trọ kể: Quán trọ của ông mới bị hỏa hoạn thiêu cháy toàn bộ cơ ngơi. Ông là chủ nợ của rất nhiều người vay nợ. Nhưng bây giờ, cuốn sổ ghi nợ cũng đã bị cháy. Không biết đâu mà đòi nợ…Nghe xong, Lê Quý Đôn bèn nói với ông chủ quán trọ kiếm cho mình giấy bút. Bằng trí nhớ tuyệt vời, Lê Quý Đôn đã ghi ra đầy đủ họ tên, số tiền từng người nợ tiền mà ông đã đọc từ cuốn sổ ghi nợ ngày trước của ông chủ quán! Cầm những tờ giấy Lê Quý Đôn “chép từ cuốn sổ nợ” trước đây của mình, ông chủ quán trọ vô cùng kinh ngạc trước trí nhớ tuyệt vời của một vị quan nước Nam!... Nhà văn của Trường Sơn Lê Lựu có trí không thể sánh bằng cụ Lê Quý Đôn ngày xưa nhưng cũng tuyệt vời lắm! Những đêm mùa mưa Trường Sơn, nằm trong hầm, Lê Lựu vẫn đọc từng chương không sai một dấu chấm, dấu phảy cuốn tiểu thuyết “Người về đồng cói” của anh cho nhiều đồng đội nghe; Chúng tôi cũng còn biết “chuyện lạ” về nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ấy là anh chả bao giờ gọi Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên là Thủ trưởng, là Tư lệnh cả. Anh thường xuyên dùng đại từ  “Anh” xưng “Em” với Tư lệnh; Chúng tôi biết họa sĩ Đức Dụ vốn là một chiến sĩ công binh mê vẽ. Ngày còn ở đơn vị công binh, mở đường vất vả và gian khổ là thế mà Nguyễn Đức Dụ vẫn say mê tranh thủ những giờ phút ngừng nghỉ quý giá để ký họa cảnh vật và đồng đội Trường Sơn. Anh đã từng tổ chức nhiều cuộc “trưng bày” ngay tại mặt đường, tại nơi đóng quân của đơn vị. Những bức ký họa gấp gáp về đồng đội, về cuộc chiến đấu trên những cung đường mà đơn vị anh phụ trách làm mê say những chàng lính công binh Trường Sơn. Anh em trong đơn vị rất khoái. Anh mang tới những tiếng cười, những niềm vui nho nhỏ cho đồng chí, đồng đội khi xem tranh ký họa sống động của anh về cuộc sống gian khổ, ác liệt của đơn vị. Cái tên “Nguyễn Đức Dụ - Lính công binh mê vẽ” đã đồn đến tai những nhà Tuyên huấn Trường Sơn. Anh được Cục Chính trị Bộ Tư lệnh “gọi về” Cục công tác. Thế là Nguyễn Đức Dụ trở thành họa sĩ Trường Sơn từ ngày ấy… Còn cả chuyện họa sĩ Đức Dụ ngày ấy chả mấy khi anh em tuyên huấn gọi anh bằng cái tên nghiêm chỉnh Nguyễn Đức Dụ. Thay vào đó họ quen mồn gọi anh bằng cái tên “Dụ toét”. Chả là ở Trường Sơn ngày đó thuốc men đâu có sẵn. Anh bị đau mắt nhưng thuộc thang thiếu thốn. Cái mắt của anh Dụ thường xuyên bị kèm nhèm nên anh sớm bị cận. Không có kính cận nên mắt anh nhìn càng kém. Vì thế mà cái tên “Dụ toét” ra đời! Mỗi khi tôi nhắc lại cái tên “húy” của anh, anh vẫn “lườn nguýt”, “cằm nhằn, rồi ra một câu trách cứ: - “Cái ông này thật rách việc!” Tôi cười trêu tiếp:
     -Thì thỉnh thoảng cũng phải nhắc lại một thời Trường Sơn chứ anh. Mấy ai có được cái tên kép đặc biệt như anh. Cái tên ấy của anh ẩn chứa trong đó  lịch sử về một thời khốn khó đầy tự hào đấy! Nếu ở Trường Sơn ngày ấy có đầy đủ thuốc men như bây giờ thì đôi mắt của anh chả bao giờ bị kèm nhèm cả. Thế thì làm gì có cái tên kép hay như thế để mà gọi!
      Anh Dụ cười rồi mắng yêu:
      -Đúng là nhà văn chỉ rách chuyện!
 
***
      Cách đây mấy tháng, anh Nguyễn Đức Dụ điện thoại mời tôi đến nhà riêng của anh ở làng Ngọc Hà, (Ba Đình, Hà Nội).
       - Mời ông đến “lườm” tác phẩm mới hoàn thành của tôi nhé!
       - Tác phẩm gì vậy, anh? Tôi hỏi nhưng anh Dụ cứ lấp lửng:
       - Thì ông cứ đến sẽ biết. Đến đi. Hữu Ước cũng hẹn tôi đến xem tranh đấy. Rồi anh cúp máy.
 
      …Anh đưa tôi lên tầng hai nơi có cái phòng vẽ của anh. Bức tranh sơn dầu khổ lớn vẽ Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp với câu nói nổi tiếng “Dù có phaỉ đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì cũng phải quyết giành cho được độc lập!”. Bức tranh được để ngay ngắn ngay ở cửa ra vào.
Tôi ngắm khá kỹ. Phải nói là bức tranh anh vẽ khá đẹp và có hồn. Nhưng khi xem kỹ bức tranh mới, tôi hơi băn khoăn.
      - Câu nói nổi tiếng của Bác với đồng chí Võ Nguyên Giáp không phải trong hoàn cảnh này, anh ạ. Bối cảnh trong tranh anh vẽ là Bác và Đại tướng dừng chân trên đường đi thị sát chiến dịch biên giới năm 1950 đấy. Còn Bác nói với Đại tướng, câu nói: “Dù có phaỉ đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì cũng phải quyết giành cho được độc lập!” là trong lán Nà Lưa, Tân Trào, Tuyên Quang trước cách mạng Tháng Tám 1945 cơ. Ngày ấy, Bác bị ốm thập tử nhất sinh. Biết mình khó qua khỏi nên Người cho gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp đến bên căn dặn nhiều điều, trong đó có câu nói nổi tiếng ấy. Vì thế, theo em, anh nên vẽ  bàn tay của Bác đang nắm tay đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đôi bàn tay ấy được đặc tả bởi ánh sáng chiếu qua cửa sổ của lán. Còn hình ảnh Bác (đang nằm) và đồng chí Võ Nguyên Giáp (đang ngồi bên Bác) thì mờ tối bởi ánh sáng yếu ớt trong lán…Nghe tôi nói chưa hết câu, anh Đức Dụ đã lấy bức ảnh mà anh chụp qua tivi, đưa ra trước mặt tôi.
      -Đây, ông xem. Tôi chụp bức ảnh này trong phim tài liệu mà Truyền hình Quốc phòng chiếu trên tivi đấy. Họ còn cho chạy chữ câu nói nổi tiếng của Bác ở bên dưới nữa. Đây, ông nhìn kỹ xem.
      - Em khẳng định với anh về hoàn cảnh và suất sứ câu nói nổi tiếng của Bác đúng như em vừa nói với anh. Đấy là tư liệu lịch sử. Anh đừng tin vào truyền hình. Đôi lúc họ cũng sai đấy!
      - Cái ông này rách việc nhỉ! Nhưng mà này, tớ hỏi thật nhé: Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn nhận xét bức tranh này thế nào?
        - Thì em đã bảo là anh vẽ đẹp, có hồn mà lỵ. Màu sắc có điểm nhấn…
        - Nếu thế thì được! Thôi bàn sang chuyện khác.
       Thế là tôi và anh chuyển sang đàm đạo về đề tài ký ức Trường Sơn và tranh Trường Sơn. Chợt nhớ chuyện anh khoe Tướng Hữu Ước có hẹn đến xem tranh, tôi hỏi:
       - Sao anh bảo Hữu Ước cũng tới xem tranh sao giờ này vẫn chưa thấy tới?
      - À à. Ước nó đến đây trước ông. Ngồi một lúc thì cậu ấy có điện thoại phải đi giải quyết gấp một chuyện gì đó. Đây này. Nói rồi anh xòe ra trước mặt tôi bốn tờ năm trăm ngàn.
       -Hữu Ước nó dúi vào tay tớ hai triệu rồi phán: “Ngay hôm nay anh thuê người dọn dẹp cái phòng vẽ của anh cho gọn gàng, sạch sẽ nhé! Phòng vẽ gì mà nhìn như cái ổ chuột thế mà bao lâu nay anh vẫn ngồi vẽ được nhỉ? Tài thật! Không được! Dọn dẹp ngay đi”. Nó đưa tiền cho tớ là nó bỉ mặt mình thật ông ạ! Nghe anh kể, tôi bỗng phá lên cười.
       - Ông cười gì thế?
      - Em cười Hữu Ước nó nói trúng phoóc đấy! Từ ngoài cửa bước chân vào phòng vẽ của anh mùi khai của nước điếu thuốc lào nồng nặc. Mùi hôi của các loại tuýp vẽ anh quăng la liệt trên sàn nhà, rồi giấy vẽ, toan, chả biết lách chân vào đâu được. Hữu Ước nó nói “ổ chuột” là còn nhẹ đấy! Phải gọi là “ổ lợn” mới đúng!
      - Thì thằng họa sĩ nào mà chả như tôi hả ông. Sạch sẽ mà chả vẽ được bức tranh đếch nào ra hồn thì cũng vứt! Của đáng tội, ngẫm ra Hữu Ước nó nói cũng khí phải ông ạ. Cái phòng tranh này nhìn lại lộn xộn quá ông nhỉ!
       Đúng lúc ấy, cô con dâu của anh từ dưới nhà đi lên. Anh Đức Dụ liền gọi với vào:
      -Này con. Chú Hữu Ước đưa tiền nhờ con dọn cái phòng vẽ của bố cho gọn gàng. Đây, tiền của con đấy, cầm lấy! Hôm sau chú ấy đến kiểm tra mà thấy “nguyễn y vân” là chú ấy cuốc mặt bố lên đấy! Chiều nay con dọn luôn nhé! Cô con dâu quay sang phân trần với tôi:
      - Chú ạ. Mấy lần cháu xin dọn cái phòng vẽ cho gọn gàng mà bố cháu đâu có cho dọn. Bố cháu cứ gạt đi: “Chị cứ mặc tôi”! May mà hôm nay có hai chú nói,  bố cháu mới đồng ý đấy.
     - Thôi thôi, con không phải tranh thủ nói xấu bố nhé! Nói rồi, anh với tay lấy cái điếu cày để trong vỏ chiếc thùng đựng sơn vê thuốc lào, châm lửa. Khói thuốc lào phả ra mù mịt. Anh nói trong khi thở khói thuốc:
     - Bố xin nhận khuyết điểm! Rồi anh ngửa mặt cười khà khà. Tiếng cười khà khà vang lên sảng khoái ấy lâu nay đã tạo nên “thương hiệu Nguyễn Đức Dụ” không thể trộn lẫn với ai. Nhìn anh rít thuốc lào, tôi lại nhớ đến hình ảnh người công binh rít thuốc lào trong bài thơ “Tiếng bom ở Sieng Phan” mà Phạm Tiến Duật tả: “Tiếng điếu cày rít lên thong thả…” . Không biết có phải Phạm Tiến Duật đã “bắt” được hình ảnh và phong thái bình tĩnh, ung dung tự tại khi rít thuốc lào trên trọng điểm nổi tiếng Trường Sơn của những chiến sĩ công binh như Nguyễn Đức Dụ năm xưa hay không nhỉ? Nhưng nhìn hình ảnh người lính cựu công binh – họa sĩ Trường Sơn Đức Dụ hôm nay khoan khoái với điếu thuốc lào trong một không gian thật khác… Tôi lặng đi lúc lâu trong cảm xúc ấy.
     - Này! Ông nghĩ gì thế. Tôi có tin vui báo cáo Chủ tịch Hội Văn học đây này.
     - Chuyện gì vậy anh? Khuôn mặt anh rạng lên:
     - Vingroup họ có ý định trưng bày toàn bộ gia tài của tôi vẽ về Trường Sơn ở Hà Nội đấy ông ạ.
     - Thế họ mua tranh của anh à? Thế thì anh sẽ có một gia tài khổng lồ đấy?
Nghe tôi nói thế, anh Dụ chuẩn bị châm điếu thuốc lào đã rãy nảy lên:
     - Bán là bán thế nào!
     - Thế họ mượn tranh của anh à? Tôi hỏi tiếp.
    - Không! Nhưng cũng có thể cho là như thế…Nhưng thôi, không nói về chuyện này nữa. Khi nào chắc chắn chuyện này, tôi sẽ thông báo chi tiết với Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn nhé…
 
                        ***
      Trên đường về, trong đầu tôi cứ luẩn quẩn về câu chuyện số phận những bức tranh Trường Sơn của anh. Anh là họa sĩ Việt Nam có số lượng tranh vẽ về Trường Sơn nhiều nhất, với hơn 400 bức ký họa và tranh màu, tranh đen trắng. Những bức tranh về Trường Sơn đã làm nên “thương hiệu” họa sĩ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ. Và tranh của Nguyễn Đức Dụ cũng đã góp phần làm cho Trường Sơn sâu đậm hơn cho lòng công chúng yêu nghệ thuật và xã hội. Từ lâu, đồng đội và những người yêu tranh đã gọi anh là họa sĩ của Trường Sơn – họa sĩ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ.
     Tôi vô cùng cảm phục về những việc anh đã làm vì Trường Sơn suốt mấy chục năm qua. Anh đã dành tâm sức, trí tuệ, sức sáng tạo và tiền bạc để tiếp tục sáng tác, để thể hiện những bức tranh ký họa vội vàng ngày nào ở Trường Sơn thành những bức tranh sơn dầu khổ lớn. Gần bốn mươi bức tranh sơn dầu về Trường Sơn khổ lớn đã được anh hoàn thành sau khi nghỉ hưu. Một kết quả lao động nghệ thuật thật đáng kinh ngạc! Anh chỉ vẽ bốn, năm bức tranh sơn dầu nhỏ khổ 0,9 x 0,7 mét thôi. Còn lại toàn là những bức tranh sơn dầu khổ lớn. Phần lớn những bức tranh có khuôn khổ 2,4 x 1,5 cm. Mới đây tại triển lãm tranh Trường Sơn tại Thành phố Nam Định, anh đã cho ra mắt một bức tranh lớn kỷ lục: 6 mét vuông! Chưa kể việc đầu tư vải toan, rồi khung gỗ tốt, sơn dầu…Tất cả là một khoản đầu tư tiền bạc không nhỏ. “Có lẽ lương Thiếu tá về hưu của anh đã dồn hết vào việc vẽ tranh?”. Tôi nghĩ thế. Rồi chuyện anh tổ chức 21 cuộc triển lãm tranh tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tại Hải Dương quê hương anh và tỉnh Nam Định…Để tổ chức 21 cuộc triển lãm tranh cá nhân về Trường Sơn phải cần một khoản kinh phí khổng lồ! Vì Trường Sơn, Nguyễn Đức Dụ đã không tiếc chuyện gì trong suốt mấy chục năm qua…
      Một phòng trưng bày gần một ngàn mét vuông giữa Thủ đô là một khoản đầu tư không nhỏ? Rồi chuyện treo tranh, bảo quản tranh, rồi còn tiền trả cho nhân viên bảo vệ, hướng dẫn xem tranh…Cả một đống kinh phí chứ đâu phải chuyện nhỏ. Liệu Vingroup có sẵn sàng làm chuyện đầu tư không sinh lợi ấy không nhỉ?... Tôi có chút hoài nghi…
 
***
      Thế rồi chiều muộn hôm chủ nhật đầu tháng 9 năm 2020, anh Dụ lại gọi điện cho tôi. Giọng anh rất vui:
      -A lô, có phải ông Thành Long đấy không? Tôi Đức Dụ đây.
      -Ghớm, không phải giới thiệu đâu. Nghe giọng ông anh thì ai mà lẫn được với anh Dụ “toét” cơ chứ!
     -Cái ông phải gió này, nhắc tên “húy” Trường Sơn làm gì nữa. Này, tôi chính thức thông báo với ông: Ngày kia, 8/9/2020, đại diện Vingroup họ tới làm biên bản, thẩm định và bàn giao 300 bức tranh Trường Sơn của tôi cho họ đấy. Họ cam kết với tôi sẽ dành ra một ngàn mét vuông để treo 300 bức tranh sơn dầu và ký họa của tôi vẽ về Trường Sơn, ông ạ.
      - Họ làm bảo tàng tranh về Trường Sơn, hả anh?
      - Bảo tàng thì còn nhiều chuyện phải đầu tư cho nó lắm ông ạ. Nhưng trước mắt họ dùng diện tích ấy để treo tất cả tranh của tôi, nhằm giới thiệu với công chúng. Nó như một địa chỉ văn hóa nghệ thuật giữa Thủ đô, ông ạ.
       -Thế thì tốt quá rồi anh. Xin chúc mừng ông anh!
       - Này tôi hỏi thật nhé! Theo ông chuyện này có nên không?
Không cần phải suy nghĩ, tôi nói luôn:
       - Rất nên, anh ạ. Riêng việc quảng bá cho những bức tranh Trường Sơn của anh thì cũng đã quá tốt rồi!
       - Ông nói thế thì tôi yên tâm rồi.
       - Chúc anh nhiều thuận lợi trong việc lớn này nhé!...
 
***
        Chiều muộn ngày 7/9/2020, anh Nguyễn Đức Dụ lại gọi cho tôi.
       -Chắc chắn 10 giờ sáng mai Vingroup họ đến ký biên bản với tôi ông ạ. Mấy ngày nay tôi suy nghĩ lắm. Mừng thì mừng đấy nhưng buồn và bịn rịn lắm…
       Tôi hiểu tâm trạng của anh lúc này. Với các nghệ sĩ thì mỗi tác phẩm là đứa con tinh thần thực sự của họ. Bởi nó được người sinh ra nó dồn hết tâm sức, trí tuệ và sự sáng tạo cho những “đứa con” của họ. Bây giờ phải xa chúng, nhớ lắm, bịn rịn lắm chứ…
      -Em xin chia sẻ cùng anh. Mấy ngày qua, em chưa thật tin chuyện anh thông báo đâu. Bây giờ thì em đánh giá cao tầm nhìn của Vingroup, anh ạ. Không phải một doanh nghiệp nào cũng dám đầu tư một số kinh phí lớn cho việc làm phi lợi nhuận này đâu anh ạ. Nhưng cách làm văn hóa độc đáo của Vingroup là bước đi chiến lược đặc biệt của họ, anh ạ. Rồi đây phòng tranh của anh sẽ là một địa chỉ văn hóa, du lịch độc đáo vừa có ý nghĩa về văn hóa nghệ thuật, vừa có giá trị về lịch sử. Chính vì tầm vóc của Trường Sơn và giá trị nghệ thuật và lịch sử của những bức tranh của anh đã khiến Vingroup đi đến một quyết định độc đáo này anh ạ. Đấy là em chưa nói về sự khôn ngoan có tính chiến lược của anh. Anh đã có một quyết định và bước đi thật dài hơi. Khi anh “đi Văn Điển” thì số phận những bức tranh quý về Trường Sơn của anh sẽ ra sao? Chắc gì con cháu anh đã giữ nó đúng cách? Ngần ấy bức tranh chả mấy mà lại “theo anh ở Văn Điển” thôi. Đúng không nào?
      - Ông chỉ được cái nói đúng! Thú thật với ông là tôi suy nghĩ ghê lắm cho việc này. Gia tài tranh về Trường Sơn là máu thịt cả một đời của tôi ông ạ… Bây giờ thì tôi yêu tâm rồi. Có nhắm mắt xuôi tay cũng yên tâm! Thú thật với ông, tôi phải biết ơn cô Phó Tổng Giám đốc Phạm Thúy Hằng, ông ạ. Trong một lần nói chuyện, cô ấy hỏi tôi:
       - Những bức tranh Trường Sơn của chú, sau này chú bảo quản và sử dụng nó như thế nào?
       - Thì mình sẽ tự bảo quản nó thôi!..
      - Nếu thế thì cháu e không ổn. Vì theo cháu biết, hiện chỉ có Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là cơ quan chuyên ngành bảo quản tốt nhất những tác phẩm nghệ thuật trong đó có những bức tranh mà thôi. Nếu bên cháu có ý định trưng bày toàn bộ tranh của chú thì chú tính sao?
      - Chuyển nhượng toàn bộ tranh cho Vingroups ư? Mình hỏi lại?
     - Không! Bên cháu chỉ mượn toàn bộ tranh về Trường Sơn của chú để trưng bày lâu dài thôi. Tất nhiên bên cháu sẽ có trách nhiệm bảo quản tốt nhất tranh của chú. Tập đoàn cháu sẽ chọn một địa điểm ở trung tâm Thủ đô, dành riêng ít nhất diện tích khoảng một ngàn mét vuông để trưng bày những bức tranh của chú. Xem đó là một địa chỉ nghệ thuật về Trường Sơn chú ạ!
      - Đột ngột quá. Để mình suy nghĩ đã nhé!
      - Chú cứ nghĩ đi. Nếu chú OK thì cháu sẽ bàn kỹ với chú về chuyện này…
     Thế đấy ông ạ! Một ý tưởng tuyệt vời của cô ấy!... Giờ thì những “đứa con” của tớ đã có “ngôi nhà” ấm áp, bền chắc lâu dài rồi. Bên Vingroups họ làm chuyên nghiệp lắm ông ạ. Lần đầu họ cử cán bộ có chuyên môn tới kiểm đếm và chọn những bức tranh của tôi. Sau đó họ mới làm biên bản nghiệm thu. Nhưng có chuyện này thì họ làm mình vô cùng ngạc nhiên. Ấy là chuyện họ bắt mình lập bản quyền cho những bức tranh của mình. Phía sau mỗi bức tranh, có chữ ký của mình. Bên cạnh đấy là chữ ký và con dấu xác nhận của lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họ bảo đây là việc quan trọng phải làm để tránh chuyện tranh cãi bản quyền những bức tranh của chú sau này. Rồi họ làm một bản hợp đồng giữa mình và họ. Mình ủy quyền để họ bảo quản, sử dụng và trưng bày toàn bộ 300 bức tranh Trường Sơn của mình…Hai hôm sau họ mới cho người tới đóng gói từng bức tranh rồi mới chuyển tranh đi ông ạ. Mình học được ở họ nhiều điều chuyên nghiệp lắm…Nhìn họ làm mình mới thấy lâu nay di chuyển những bức tranh để đưa đi triển lãm, mình làm ẩu lắm ông ạ. Nhìn họ làm, mình mới càng thêm quý những bức tranh của chính mình. Đúng là mình còn phải học người khác nhiều điều lắm ông ạ. Ngẫm lại mình càng thấy câu nói của Lênin thật ý nghĩa: “Học! Học nữa! Học mãi!”… Nhìn những chiếc xe chở tranh đi khuất mà mình thấy bịn rịn lắm ông ạ. Đành rằng mình vẫn là chủ sở hữu của 300 bức tranh ấy, nhưng suốt mấy chục năm qua tôi đã sống với “chúng nó” rồi. Giờ phải xa “chúng nó”, mình nhớ lắm chứ, ông!
       - Nhưng anh phải nghĩ xa hơn một chút: Cái phòng vẽ bé tí, với hầm bà làng đủ thứ của anh, chỉ sơ xẩy là hỏa hoạn. Mà điều đó thì hiện hữu khi anh luôn rít thuốc lào ngay trong phòng để tranh. Và anh để tranh trong môi trường ấy rất vừa không an toàn, vừa làm hỏng tranh… Giờ được họ bảo quản giúp anh, lại quảng bá tranh cho anh, anh chả mất một đồng xu nào. Quá tốt rồi! Rất nên, rất nên anh ạ. Đừng chần chừ nữa! Đây còn là cơ hội không chỉ của riêng anh đâu mà còn cho cả Trường Sơn của chúng ta nữa đấy. Dễ gì ở giữa Thủ đô mà có một địa chỉ văn hóa nghệ thuật, lịch sử về Trường Sơn như thế đâu anh!
      - Ngày mai mình mới ký chính thức “hợp đồng” với họ, ông ạ. Ký nhé! Sáng mai tôi chính thức ký nhé!
     - Ký ngay, ký liền đi. Chúc mừng anh! Em sẽ thông báo lên zalo của Hội về tin vui này và sẽ viết bài đưa lên Trường Sơn điện tử, anh ạ.
      - Ông nói thế, tôi yên tâm rồi. Nhớ thông báo cho các cụ lãnh đạo Hội biết nhé. Chào ông!
 
***
      Anh cúp máy rồi mà tôi vẫn chưa hết mừng! Đây không chỉ là tin vui riêng của họa sĩ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ mà còn là tin vui với Hội Trường Sơn Việt Nam. Một cơ hội quảng bá về Trường Sơn mà không tốn một đồng xu. Có lẽ đây là một sự kiện, một cơ hội đặc biệt để có một địa chỉ văn hóa – nghệ thuật và lịch sử Trường Sơn giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến trong tương lai gần.
       Tôi vẫn áp chiếc điện thoại mãi bên tai, dù anh Dụ đã cúp máy từ lâu. Tôi cứ nghĩ về anh – một họa sĩ của đại ngàn Trường Sơn năm nào. Có lẽ anh là họa sĩ của Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh đi xuống các đơn vị nhiều nhất. Gần như các binh chủng, các lực lượng hùng hậu hơn mười một vạn người của chiến trường Trường Sơn đã có mặt trong tranh của Nguyễn Đức Dụ. Những trọng điểm ác liệt nhất của Trường Sơn gần như đã “chui” và tranh của Đức Dụ. Cùng với hai nhiếp ảnh gia Trường Sơn nổi tiếng là nghệ sĩ Vương Khánh Hồng, nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng thì họa sĩ Nguyễn Đức Dụ là ba người lưu giữ cả một kho tàng đồ sộ hình ảnh quý về Trường Sơn…
       Năm 1965, khi tiễn chàng trai tuổi Tuất của thôn Vinh Duệ (xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, Hải Dương) lên đường nhập ngũ, chắc chắn không một ai ở quê hương anh nghĩ rằng mình đang tiễn một họa sĩ tài hoa của Trường Sơn sau này. Ba năm làm lính công binh, anh và đơn vị đã tham gia mở con đường 20 Quyết Thắng Trường Sơn; bàn chân anh đã in dấu trên các cung đường trọng điểm Ta Lê, Phu La Nhích cùng nhiều con đường phía tây Trị Thiên…Năm 1968, người lính công binh mê vẽ Nguyễn Đức Dụ mới chính thức rời tay cuốc, tay choòng của công binh để cầm bút vẽ chuyên nghiệp. Từ đấy, niềm đam mê vẽ trong anh mới có điều kiện thực hiện. Anh đi nhiều, vẽ và vẽ. Anh vẽ tất cả những gì anh thấy, anh gặp, anh từng sống cùng trên mọi nẻo Trường Sơn. Trường Sơn đã tạo cho Nguyễn Đức Dụ nguồn cảm hứng và đề tài nghệ thuật vô giá. Nét bút của Đức Dụ ngày càng có hồn, ngày càng sắc nét. Anh đã “chộp” được nhiều khuôn mặt, nhiều góc vẽ, nhiều cảnh vật, sự kiện của cuộc sống chiến đấu ác liệt và gian khổ của các binh chủng trên đại ngàn Trường Sơn vào tranh. Do điều kiện chiến trường, Đức Dụ tranh thủ ký họa, ký họa thật nhiều. Bởi thế mà sau này, anh là họa sĩ có nhiều tranh ký họa về Trường Sơn nhiều nhất với đủ mọi kích cỡ và chất liệu: Màu nước, mực nho và bút sắt…
       Cũng nhờ có cái “kho” quý này mà sau khi rời Bảo tàng Hậu cần để nghỉ hưu, Nguyễn Đức Dụ đã dồn hết tâm sức, thời gian và tiền bạc để thể hiện những phác thác, ký họa vội vàng năm xưa ở Trường Sơn thể hiện thành những bức tranh sơn dầu đủ mọi kích cỡ. Đã có gần 40 bức tranh được anh chuyển thể thành tranh sơn dầu như thế. Trọng điểm Văng Mu, trọng điểm Tha Mé, Làng Ho, Vượt Cổng Trời, Trạm giao liên Trường Sơn, Trọng điểm A.T.P…đã được “tái hiện’ từ những bức ký họa nhỏ thành những bức tranh sơn dầu khổ lớn hoàng tráng.
       Trong những bức ký họa vội vàng ở Trường Sơn ngày ấy chứa trong nó bao câu chuyện cảm động và bất ngờ. Một lần nói chuyện với doanh nhân Trần Thị Chung, anh bất ngờ biết chị là tiểu đội trưởng nuôi quân Binh trạm bộ 44, Sư đoàn 471. Hồi ức khiến anh nhớ lại, hình như mình có ký họa về tổ nuôi quân này rồi. Thế là anh về lục tìm trong cái kho ký họa của mình. Anh đã “bắt gặp” bức ký họa năm xưa. Thế là anh lao vào thể hiện thành bức tranh sơn dầu lớn về “Trần Thị Chung, Tiểu đội trưởng nuôi quân Binh trạm bộ 44 Trường Sơn”. Bức tranh ấy lần đầu tiên được trưng bày trong triển lãm tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam năm 2014 nhân kỷ niệm 55 năm Bộ đội Trường Sơn của anh. Sau đó, anh đã tặng lại cho Trần Thị Chung bức tranh này. Mới đây, chị Trần Thị Chung đã tặng lại bức tranh ấy cho Bảo tàng Tổng cục Hậu cần…
       Đôi mắt kèm nhèm ngày nào ở Trường Sơn giờ khiến anh nhìn càng kém. Lâu nay anh phải đeo chiếc kính dày mấy di-op. Đấy là chưa kể anh còn bị bệnh tiểu đường nặng. Mấy năm nay anh phải chuyển sang tự tiêm thuốc vào bụng mỗi ngày. Ấy vậy mà ngày đêm anh vẫn miệt mài vẽ. Trường Sơn luôn câu thúc anh. Đề tài duy nhất lâu nay anh vẽ là Trường Sơn. Có khá nhiều bức tranh từ ký ức Trường Sơn được anh thể hiện mới.
        Tôi còn nhớ, đầu năm 2010, lúc ấy còn là Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh”. Phó trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đã gợi ý Nguyễn Đức Dụ thể hiện một bức tranh tiêu biểu nhất về Trường Sơn để Ban Liên lạc làm quà tặng Hà Nội nhân kỷ niệm Một nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.
        Anh đã phác thảo một bức tranh toàn cảnh về Trường Sơn nhìn từ trên cao  xuống trọng điểm liên hoàn A.T.P trên đường 20 Quyết Thắng cùng các trận địa cao xạ, con đường giao liên ẩn hiện dưới tán cây đại ngàn là bộ đội hành quân xuyên Trường Sơn vào các chiến trường…Trường Sơn lồng lộng mây trời và mịt mùi khói lửa bom đạn Mỹ. Màu chủ đạo của bức tranh là màu đỏ của đất đá bị bom cày đạn xới, màu của lửa, của khói đạn bom…Bức tranh đã hoàn thành từ nhiều tư liệu Trường Sơn năm xưa của anh. Sau mấy lần được các anh trong Ban Liên lạc góp ý chỉnh sửa, bức tranh đã hoàn thành. Nhưng việc đặt tên cho bức tranh này là cả một câu chuyện thú vị. Ban đầu, anh Hoàng Anh Tuấn đã đề xuất cái tên cho bức tranh:“Chiến trường Trường Sơn - khát vọng vì độc lập và thống nhất đất nước”. Tướng Hoàng Anh TuấnBan Liên lạc đã báo cáo và tham khảo ý kiến của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Sau một đêm suy nghĩ, Cụ góp ý cần phải bổ sung thêm cụm từ “và Chủ nghĩa Xã hội” vào sau cái tên mà Ban Liên lạc đề xuất. Thế là bức tranh chính thức được mang tên:“Chiến trường Trường Sơn - khát vọng vì độc lập, thống nhất và Chủ nghĩa Xã hội”. Bức tranh ấy đã được Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh trao tặng Thành ủy, UBND Hà Nội đúng dịp kỷ niệm Một nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Bức tranh sau đó được Thành ủy, UBND Hà Nội cho treo trang trọng tại Bảo tàng Hà Nội. Và sau này được Hội Trường Sơn Việt Nam cho nhân bản để tặng Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, tặng đồng chí Tổng Bí thư-Chủ tịch nước CHDCND Lào và nhiều cơ quan, đơn vị trong cả nước. Có thể nói: Bức tranh “thu nhỏ” cả chiến trường Trường Sơn ấy là bức tranh ấn tượng, hoành tráng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đức Dụ.
 
       Vẽ! Vẽ! Và tìm mọi nguồn lực để triển lãm tranh. Anh đã 21 lần tổ chức triển lãm tranh cá nhân mà chủ yếu là tranh về Trường Sơn. Mới đây, anh lại khoe với tôi sắp tổ chức cuộc triển lãm tranh lần thứ 22 về Trường Sơn tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Thật đáng kinh ngạc! Tôi cứ thắc mắc là tại sao Kỷ lục Ghi-nét Việt Nam lại chưa tìm đến anh để cấp chứng nhận Kỷ lực ghi nét Việt Nam cho anh - người Việt Nam có nhiều tranh vẽ nhất về Trường Sơn và tổ chức nhiều triển lãm tranh nhất về Trường Sơn? Làm báo chuyên nghiệp 32 năm, tôi đã từng chủ trì cùng Tòa soạn báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức khá nhiều triển lãm tranh và ảnh. Tôi thấu hiểu sự cực nhọc của việc tổ chức cho một cuộc triển lãm. Chưa kể tiền bạc đổ vào cho việc tổ chức triển lãm, chỉ riêng công sức bỏ ra cho ngần ấy cuộc triển lãm tranh đã ghê ghớm lắm rồi! Tôi vô cùng cảm phục họa sĩ Nguyễn Đức Dụ!
       Và, chiều 27/4/2021, chúng tôi được dự khai mạc Triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ. Lần này do Tổng cục Chính trị và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đứng ra tổ chức. Triển lãm mang tên “Còn lại với Trường Sơn”. Có rất nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp và những đồng chí, đồng đội Trường Sơn năm xưa với anh đến dự. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi được thấy có rất nhiều bức tranh sơn dầu khổ lớn anh mới vẽ. Trong số ấy có những bức: Chiều Trường Sơn; Một đoạn đường giao liên Trường Sơn; Vận chuyển đường sông trên Sê Băng Hiêng; Kết nạp Đảng ở Trường Sơn… Vô cùng ấn tượng. Quả thật là sức làm việc của anh ghê ghớm quá! Khai mạc tranh, anh đã phải nhờ đồng đội dìu đi vì cái chân của anh không còn được khỏe như trước. Chắc là do bệnh tiểu đường nhiều năm tàn phá cơ thể anh. Nhìn anh bước đi khó nhọc mà thương quá!
       Một cô gái trẻ xem tranh biết tôi là Bộ đội Trường Sơn khi nhìn tôi đeo Huy hiệu Trường Sơn, đã hỏi tôi:
       -Rừng Trường Sơn ngày trước có đẹp như trong những bức tranh này không hả chú?
      -Đại ngàn Trường Sơn đẹp lắm cháu ạ, nhất là mùa cây rừng thay lá. Có những khu rừng nguyên thủy, đẹp vô cùng. Khó có hoạ sĩ nào diễn tả hết vẻ đẹp của nó đâu bạn ạ. Tại nhiều trọng điểm ác liệt của bom đạn Mỹ, Trường Sơn vẫn đẹp và vĩ đại lắm! Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ đã thể hiện một phần vẻ đẹp bi tráng của Trường Sơn vào tranh thôi, bạn ạ.
       Cô gái ấy gật gật đầu:
     -Những bức tranh trong triển lãm này thật sự cuốn hút cháu, chú ạ. Cháu thấy đẹp mà ý nghĩa lắm. Xem những bức tranh vẽ về đường giao liên, trạm giao liên, về buổi chiều ở Trường Sơn, về bộ đội điều khiển những con thuyền đầy ắp hàng trên dòng sông rất đẹp…Cháu càng thấy Trường Sơn kỳ vĩ quá, chú ạ. Xem phòng tranh này của chú Dụ, cháu càng thêm hiểu về Trường Sơn…
      -Lính Trường Sơn các chú coi Phạm Tiến Duật là người số 1 thành công khi nói về Trường Sơn bằng thơ. Còn nói về Trường Sơn bằng tranh thì Nguyễn Đức Dụ là số 1, cháu ạ.
       Nghe tôi nói, cô gái im lặng và gật gật đầu…
 
      Tôi còn biết họa sĩ Nguyễn Đức Dụ là họa sĩ xuất bản nhiều cuốn sách tranh nhất Việt Nam. Năm 2009, anh cho xuất bản lần đầu tiên cuốn sách tranh “Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ qua thời gian và lịch sử” (104 trang bìa cứng, khổ 25 x 25 cm). Năm 2014 anh lại cho tái bản có bổ sung thêm nhiều tranh cuốn sách tranh “Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ qua thời gian và lịch sử” (128 trang, khổ 25x25cm). Và năm 2019, anh lại cho tái bản và bổ sung cuốn sách tranh “Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ qua thời gian và lịch sử”, dày 148 trang! Chỉ qua 3 lần xuất bản và tái bản (có bổ sung thêm nhiều tranh) cuốn sách tranh đã ngốn của anh không dưới 200 triệu đồng. Đấy là số tiền mơ ước của nhiều họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh khi muốn xuất bản tác phẩm của mình! Nhưng để quảng bá cho Trường Sơn thì Nguyễn Đức Dụ không tiếc tiền!
 
      Nguyễn Đức Dụ là một người giản dị, giản dị đến xuề xòa và hiền lành nữa. Một lần vui chuyện với tôi và anh Đức Dụ, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đã nhắc lại chuyện Trường Sơn:
     -Ngày ở Trường Sơn, ông Dụ cùng sinh hoạt chi đoàn Cục Chính trị Trường Sơn với bà Minh Cử nhà tôi. Dụ tuổi Tuất, còn nhà tôi tuổi Tý, tức là kém Dụ hai tuổi. Ấy thế mà bố Dụ luôn bị bà Cử nhà tôi coi là em, thế mới lạ! Ông này hiền quá nên thường bị bắt nạt ấy mà”... Anh Dụ nghe xong, cười, phân chần:
     -Bà Cử nhà ông thì kể làm gì. Sắc xảo nhưng cũng đáo để lắm. Tôi bảo bà ấy: - Này, bà kém tôi hai tuổi đấy nhé! Bà ấy liền bảo: - Ông thấp bé, lại trắng trẻo, thư sinh. Làm em là phải rồi! Thế là mình chỉ cười chừ chứ biết làm sao! Chả lẽ đi cãi nhau với con gái!?...
     Có người tâm sự với tôi: “Ông Nguyễn Đức Dụ lao tâm khổ tứ và mất nhiều tiền bạc để tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh về Trường Sơn như thế để làm gì nhỉ?” Những ai biết anh, hiểu anh đều thấy anh đâu phải là một người háo danh! Anh làm những việc ấy chỉ vì Trường Sơn mà thôi. Trường Sơn đã làm nên tên tuổi của Nguyễn Đức Dụ. Vì thế anh đã làm không biết mệt mỏi để trả nghĩa cho Trường Sơn mà thôi. Tôi nghĩ vậy.
      Thế rồi, một lần anh bộc bạch: “Năm tháng đã lùi xa. Thế hệ trẻ và xã hội hôm nay làm sao biết và hiểu Trường Sơn đầy đủ một thời như thế, ông ạ. Trường Sơn có vị trí và tầm vóc lớn lao lắm. Sự đóng góp của Trường Sơn với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là vô cùng to lớn. Nói và viết về Trường Sơn bao nhiêu cũng chưa đủ. Những cuộc triển lãm của tôi chỉ góp một phần rất nhỏ để hôm nay người ta biết về Trường Sơn hôm qua, ông ạ. Sức tôi chỉ làm được có thế thôi. Được lãnh đạo Hội và các ông chia sẻ, ủng hộ là tôi vui lắm rồi!...”
       Nghe tâm sự của anh, tôi càng cảm phục phẩm chất của một người lính Trường Sơn trong Nguyễn Đức Dụ. Tôi là một người tôn trọng những vấn đề tâm linh, nên tôi nghĩ, anh làm được nhiều việc vì Trường Sơn như thế, ngoài cái tâm và cái tài của anh, tôi nghĩ có lẽ Anh Linh Trường Sơn đã phù trợ rất nhiều để họa sĩ Nguyễn Đức Dụ thực hiện được những việc cho Trường Sơn, vì Trường Sơn, như thế. Việc Tập đoàn Vingroups sẵn sàng tạo cho những bức tranh Trường Sơn của Đức Dụ được lưu giữ và được trưng bày lâu dài tại một nơi xứng đáng giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến, là một minh chứng cho nhận định ấy.
       Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ là một trong những người đã và đang làm nhiều việc vì Trường Sơn, cho Trường Sơn hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau.
 
Hà Nội những ngày Covid 2020-2021
P.T.L


 
 
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan