VÀI KỶ NIỆM KHÔNG QUÊN VỀ PHẠM HOA
NB-NV Phạm Thành Long
Ngày 11/7/2013, Phạm Hoa (Thứ 2 bên phải) cùng nhà báo Xuân Ba và các Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Bá Tòng, Trần Danh Bích đến thăm nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại nhà riêng để thông tin về Đề án Công viên Đồi Hoa Trắng. - Ảnh: Trần Văn Phúc.
Ngày ở Trường Sơn, thú thật là tôi chưa biết gì về Phạm Hoa. Cũng đúng thôi. Ngày ấy Phạm Hoa đã “có gì đâu” mà bọn tôi biết tiếng. Anh chỉ là một chiến sĩ lái xe của trung đoàn 11, Sư đoàn 571. Một chàng thư sinh tốt nghiệp 10 rồi vào Trường Sơn đầu năm 1971…Một chàng lính lái xe bắt đầu tập toạng viết truyện ngắn…
Mãi đến khi gặp nhau và hoạt động trong Ban Liên lạc Toàn quốc Bộ đội Trường Sơn, tôi mới biết Phạm Hoa. Lúc này Phạm Hoa vừa nghỉ chức Cục phó Cục Tuyên huấn.
Sau một lần họp ở cái hội trường nhỏ trước nhà Anh hùng Trường Sơn Nguyễn Ngọc Quỳnh, tôi và Phạm Hoa đứng lại hỏi chuyện về nhau. Đây là cuộc trò chuyện điều tiên giữa tôi và Phạm Hoa.
-Anh trước ở đâu?
-Mình làm tuyên huấn Sư đoàn 471 rồi chuyển ngành làm báo Thiếu niên Tiền phong đầu năm 1977 cho tới khi nghỉ hưu.
-À, nếu tôi không nhầm thì anh làm Tổng Biên tập báo TNTP, phải không?
-Vâng.
-Bác tuổi gì?
-Mình tuổi Sửu - 1949.
-Thế bác hơn chú 3 tuổi rồi. Bác là ông anh.
-Phân ngôi tuổi tác mà làm gì. Đồng đội Trường Sơn cả ấy mà!
Cả hai anh em tôi sau Đại hội thành lập Hội, tháng 5/2011 đều được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Hội. Sau Đại hội, Phạm Hoa bảo tôi:
-Bác làm Trưởng ban Tuyên truyền – Thi đua đi. Em làm phó cho bác. Tôi vội dãy nảy lên:
-Không, Phạm Hoa làm đi. Tớ chỉ là một Trung úy quèn ấy mà. Tớ cởi áo lính lâu rồi. Phạm Hoa là Đại tá, lại đã làm Cục phó Cục Tuyên huấn. Ông xứng đáng hơn tớ. Đối ngoại với quân đội oách hơn tớ.
-Thượng tá hay Đại tá có quan trọng gì đâu bác. Bác ra ngoài làm Tổng Biên tập cũng to lắm mà.
-Nhưng ông thông cảm: Bây giờ thiên hạ còn nặng về sao vạch lắm. Hoa làm Trưởng ban, tới làm Phó cho. Thuận hơn nhiều. Đừng ngại. Tớ sẽ ghé vai cùng Hoa, không lo đâu. Vả lại tớ còn đang làm cố vấn cho ông Nguyễn Trọng Hỷ, Thứ trưởng Bộ Văn Hóa – Thể thao và Du lịch kiêm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Sáng thứ 2 và sáng thứ 6 hằng tuần, mình phải lên VFF nữa. Phạm Hoa làm Trưởng ban là hợp lý rồi. Thế nhé!
Ra hội nghị, Phạm Hoa lại đề nghị nhưng tôi kiên quyết làm Phó cho anh. Thế là Phạm Hoa là Trưởng ban Tuyên truyền – Thi đua đầu tiên của Hội từ khóa I.
Từ đấy, hai anh em tôi luôn sát cánh bên nhau. Có gì tôi và Phạm Hoa đều bàn bạc với nhau vô cùng ăn ý.
Cuối tháng 3 năm 2012, tôi tham gia đoàn cán bộ Hội Trường Sơn Việt Nam đi thăm chiến trường xưa do “Chương trình nghĩa tình Trường Sơn”, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Hội tổ chức. Nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, là khách mời. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội dẫn đầu đoàn cán bộ Hội Trường Sơn Việt Nam. Tham gia đoàn còn có Thiếu tướng Trần Danh Bích, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, Đại tá Đinh Công Ty, Đại tá Thái Sầm, Trưởng ban Kiểm tra, Đại tá Trần Văn Phúc, Chánh Văn phòng Hội, Đại tá Thái Khắc Thế, anh Lê Hồng Huân… và nhiều anh em khác. Lần ấy, Phạm Hoa bận việc nên không đi cùng chúng tôi. Đây là lần đầu tiên tôi đến các địa danh Trường Sơn ở khu vực cửa khẩu Trường Sơn phía Tây Quảng Bình. Với tôi, chuyến đi để lại thật nhiều ấn tượng. Tôi thật sự được khám phá Trường Sơn qua chuyến đi “điền giã” vô cùng lý thú này. Với đầu óc quan sát nhanh nhạy của một nhà báo, tôi cố ghi chép nhanh những cảm nhận, những diễn biến, đặc biệt là những tìm hiểu nhanh qua những câu chuyện của những người trong cuộc, nhất là những lính cựu Trường Sơn từng hoạt động quen thuộc tại đây…Thú thật là những người lính Trường Sơn chúng tôi qua chuyến đi này lại được sống bên nhau, cùng trở lại Trường Sơn trong một hoàn cảnh rất khác xưa…
Đại tá - Nhà văn Phạm Hoa, trưởng ban Tuyên truyền - Thi đua, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi báo cáo tổng kết về 2 cuộc thi "Lục bát Trường Sơn" và "Gương sáng Trường Sơn", 15/5/2015. Ảnh Hồng Huân.
Mấy ngày sau chuyến đi, tôi đã viết xong truyện ký dài mấy chục trang A4 . Tôi đặt tên cho truyện ký của mình là “Trở lại Trường Sơn để khám phá”. Tôi in ra và đưa một bản cho Phạm Hoa đọc, một bản đưa anh Hoàng Anh Tuấn đọc, trước khi tôi cho công bố trên Trang báo điện tử Trường Sơn.
Mấy ngày sau, Phạm Hoa điện cho tôi:
-Em đã đọc truyện ký của bác rồi. Bác viết được lắm! Chỉ có lính Trường Sơn mới đưa được những chi tiết thú vị, đời thường ấy vào trong truyện ký thôi. Truyện ký của anh ngồn ngồn sự việc và hình ảnh ấn tượng…
Hôm sau, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn thông tin cho tôi: Mình đã đọc một lèo hết truyện ký của Thành Long. Chú viết hấp dẫn đấy. Mình có đưa cho bà Cử nhà mình đọc. Bà ấy bảo tôi: “Anh nói anh Thành Long cho in sách đi. Đọc thú vị lắm!”. Đầu năm 2014, tôi đã đưa in truyện ký “Trở lại Trường Sơn để khám phá” trong tập Truyện và ký “Chiếc nhẫn đính hôn” (NXB Thanh Niên).
Cũng mấy tháng sau, tôi lại đưa tập bản thảo truyện dài “Đêm cuối cùng ở Trường Sơn” nhờ Phạm Hoa đọc. Bản thảo truyện này của tôi đã đưa nhà văn Tạ Duy Anh – biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn thẩm định để xuất bản.
Mấy hôm sau, tôi nhận được nhận xét của Phạm Hoa: Truyện bác viết cảm động và hấp dẫn. Rất được anh ạ. Anh định xuất bản ở đâu?
-Tạ Duy Anh, NXB Hội Nhà văn đang đọc.
-Tạ Duy Anh đọc thì tốt rồi! Chúc mừng bác.
Một ngày giữa tháng 5 năm 2020, tôi đến nhà Phạm Hoa ở Ngõ 8 Hoa Lư nhưng không gặp. Hôm ấy chủ nhật, nên tôi chủ quan không gọi điện trước. Cửa đóng. Tôi rút điện thoại. Phạm Hoa giọng mệt mỏi thông báo: “Chú mới được vợ mới đưa vào Viện 108 ông anh ạ. Độ này sức khỏe của chú kém lắm rồi. Mệt lắm ông anh ạ!”.
Tôi động viên Phạm Hoa cố quên bật tật đi thì mới khỏe được. Như tớ gần 10 năm nay mình quên có bệnh trong người và chỉ chăm luyện tập thôi. Trời thương nên cho tớ mạnh khỏe. Định qua nhờ Phạm Hoa thẩm định hộ tập tiểu thuyết mình mới viết “Tám ngày định mệnh” của mình. Mình có gửi bản thảo chỗ vợ anh Vương Trọng. Nhờ chị ấy đưa cho Nga mang vào viện cho Phạm Hoa. Nhưng thôi, yên tâm chữa bệnh đi nhé. Phạm Hoa không cần đọc nữa nhé.
Đại tá - Nhà văn Phạm Hoa tại Phủ Chủ tịch khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Hội Trường Sơn Việt Nam, ngày 22/4/2014. Ảnh Hồng Huân.
Anh Hoàng Anh Tuấn lại được tôi quấy rầy khi đưa cho anh tập makets bản thảo 250 trang của cuốn “Tám ngày định mệnh”. Nhà xuất bản Hội Nhà văn chưa có phản hồi thì anh Hoàng Anh Tuấn, đưa lại cho tôi tập bản thảo và nhận xét:
-Hấp dẫn đấy Thành Long ạ! Cuốn này hay không kém “Đêm cuối cùng ở Trường Sơn” đâu. Mỗi truyện anh khai thác ở khía cạnh và một mối tình Trường Sơn khác nhau nhưng đều hay! Mình thích “Tám ngày định mệnh” hơn.
***
Trước Tết, sau mấy lần hẹn, hôm ấy tôi mới đến thăm Phạm Hoa được. Anh ra viện, vợ chồng cô gái thứ hai đón cả hai vợ chồng Phạm Hoa lên nhà ở tận Mỹ Đình ở để tiện cho việc chăm sóc. Phạm Hoa gầy rộc đi và da tái mét. Anh mệt mỏi, thở dài:
- Người yếu lắm bác ạ. Chân tay buồn bã chẳng làm được việc gì. Cấm bút bây giờ khó khăn lắm. Chả viết được. Nhìn bác khỏe thế chú mừng lắm. Em chả theo được bác chuyện luyện tập đâu.
Tôi nhìn Phạm Hoa mà ái ngại cho bạn. Nhìn bạn hôm nay, tôi lại nhớ những ngày anh còn khỏe. Thỉnh thoảng anh em còn gặp nhau ở giao ban ở Văn phòng Hội. Phạm Hoa rất thích uống rượu. Mà ngày ấy với Văn phòng Hội, rượu khá sẵn. Tôi nhớ, có lần họp xong, mấy anh em còn ngồi lại với nhau bàn công việc. Phạm Hoa kêu nhạt miệng. Anh ngẩng lên vẫy tay kêu Thiếu tá Dục, cán bộ Văn phòng lại:
- Này ông em. Có món rượu nào không?
- Anh thích loại gì? Rượu Lào, rượu ngâm, rượu táo mèo. Thích loại nào em chiều. Phạm Hoa cười.
- Cám ơn ông em nhé. Rượu nào anh cũng thích. Thấy thế, tôi liều trêu:
- Tửu lượng của Phạm Hoa được bao nhiêu đâu mà?
- Thèm thì nhấm nháp tý chút cho đỡ nhạt miệng ấy mà ông anh. Dạo này chú cai bớt rượu rồi, bác ạ… Tôi nói với Phạm Hoa.
-Vì nhà tớ có bụi, dịp Tết không dám tới. Hôm nay mang tặng cuốn tiểu thuyết “Tám ngày định mệnh” Nhà Xuất bản Hội Nhà văn mới in. Tặng Phạm Hoa đọc cho vui.
-Sách bác viết là em phải đọc rồi. Nếu khỏe, chú sẽ viết giới thiệu cho bác.
-Cám ơn. Nhưng đừng cố. Cứ nghỉ cho khỏe. Tôi khuyên. Nói rồi tôi đưa phong bì hỏi thăm của Hội, phong bì của Ban và của Hội VHNT, của anh em và của tớ đây. Chúc Phạm Hoa mau khỏe. Ngồi với nhau một lúc, tôi chợt nhớ.
- Thông báo với Phạm Hoa vui nhé. Cái trang web Trường Sơn mà tháng 2 năm 2012, anh Hoàng Anh Tuấn, Phạm Hoa, anh Nguyễn Văn Ninh và mình còn ngồi bàn với Công ty Trí Tuệ Việt về nội dung ký hợp đồng thiết kế trang web: hoitruongson.vn ấy, Phạm Hoa nhớ không?
- Em quên làm sao được bác. Ngày ấy làm trang web thì biết bác vất vả rồi. Chứ cái khoản vi tính là em đầu hàng…
-9 giờ sáng ngày 18/3/2012, tại Văn phòng đầu tiên Binh đoàn 12 bố trí cho Hội một cái phòng chưa được 20 mét vuông ở tầng 5, Phạm Hoa nhớ không? Cụ Võ Sở nhấn chuột khai mở Trang web đầu tiên của Hội. Thế mà cách đây có mấy hôm thôi nó đã cán mốc 49 triệu lượt truy cập rồi đấy.
- Bác nói bao nhiêu: 49 triệu lượt cơ à? Khủng khiếp quá nhỉ? Mừng cho bác!
- Sao lại mừng cho tớ. Mừng Hội ta chứ!
- Em nhớ mấy năm đầu chỉ mỗi mình bác kẽo kẹt với nó. Giờ nó phát triển được như thế này là mừng quá rồi.
-Thôi không nói chuyện oét iếc gì nữa. Thế bà Nga đi đâu rồi?
- Nhà em chạy xuống siêu thị bác ạ. Để em lấy nước bác uống. Tôi vội xua đi.
- Cứ ngồi nói chuyện đi, không nước nôi gì thất. Thế nhà 22 ngõ Hoa Lư khóa cửa à?
- Đành thế chứ biết làm sao hả bác! Em có 2 cháu gái chúng nó thương bố mẹ lắm bác ạ. Kể cũng mừng.
- Thì anh cũng như vợ chồng Phạm Hoa. Đẻ con gái thế mà lành Phạm Hoa à. Vừa nói tôi vừa vỗ nhẹ lên đùi người bạn viết.
- Số anh em mình nó thế mà bác…
Đại tá - Nhà văn Phạm Hoa nhận Bằng khen của Lãnh đạo Hội TSVN trao tặng tại Lễ kỷ niệm 55 năm Bộ đội Trường Sơn, ngày 19/5/2014. Ảnh Lê Hồng Huân.
***
Đầu năm 2013, tôi và Phạm Hoa ngồi bàn tính: Hội cần tổ chức một cuộc thi viết. Nhưng đặt cho nó cái tên gì đây? Phạm Hoa bỗng đập nhẹn lên mặt bàn:
-Ra rồi bác. “Ký ức Trường Sơn”, được không anh? Vừa nghe qua, tôi đã thấy ổn.
-Được đấy! Tên chung cho cả 2 thể loại: Thơ và ký ức, hồi ức đều ổn! Hay! Duyệt tên này nhé. Nói rồi tôi chìa tay ra bắt chặt lấy tay Phạm Hoa.
Không ngờ ngồi chưa ấm chỗ. Nhoằng một cái đã ra đề tài. Tớ và Phạm Hoa xem ra ăn ý nhau đáo để đấy.
-Chú hy vọng hai anh em mình còn làm được nhiều việc cho Trường Sơn đấy, bác ạ. Cám ơn bác!
-Cám ơn tớ cái gì kia chứ? Cái tên là Phạm Hoa nghĩ ra đấy chứ?
-Nhưng có ngồi bên bác chú mới nghĩ ra được. Cả tối qua chú cứ nghĩ mãi mà chưa ra. Thế mà chỉ vừa ngồi với bác chưa kịp ấm chỗ là bật ngay ra được. Thế mới lạ. Tại ngồi với bác đấy! Rồi chợt Phạm Hoa chau mày: Còn kinh phí cho cuộc thi thế nào hả bác?
-Theo kinh nghiệm của tới thì cần chừng 200 triệu mới tổ chức được cuộc thi này đấy!
-Vậy tiền đâu, bác?
-Thì đi xin! Tôi nói thẳng tưng?
-Xin tiền thì khó nhỉ? Chú không quen làm chuyện này bác ạ? Phạm Hoa băn khoăn nhìn tôi thăm dò.
-Được. Khoản này để tới lo.
-Xin được chứ bác?
-Có khả năng. Tôi nhìn Phạm Hoa gật gật đầu.
-Thế thì OK rồi bác. Bác mà gật đầu khoản này là chú tin rồi.
Tôi cũng liều. Vì mấy hôm trước Thường trực Hội kêu gọi cơ quan tìm kinh phí chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 55 năm truyền thống Bộ đội Trường Sơn Anh hùng, tôi hăng hái đăng ký xin nửa tỷ kinh phí cho Lễ kỷ niệm này của Hội. Tôi cũng đã nhắm được một số địa chỉ để nhờ cậy rồi nên bắt tay với Phạm Hoa có phần vững tin hơn.
Sau đó, hai chúng tôi báo cáo anh Hoàng Anh Tuấn – người trực tiếp phụ trách mảng công việc của Ban Tuyên truyền – Thi đua. Anh Tuấn rất đồng tình.
-Kinh phí, mình tin không lo đâu. Ta đi xin mà. Thực ra số kinh phí ấy cũng không lớn. Lo được. Thấy anh Tuấn nói thế, chúng tôi càng tự tin.
Hôm sau đến VFF làm việc, tôi đem chuyện xin kinh phí cho việc tổ chức cuộc thi, và gợi ý anh Nguyễn Trọng Hỷ xin ngân hàng Eximbank của Lê Hùng Dùng, Phó Chủ tịch VFF phụ trách ngân hàng này. Tôi cũng khởi động mấy địa chỉ nữa cũng có tín hiệu ủng hộ.
Cuối năm 2013, con số mà Ban Tuyên truyền – Thi đua cam kết với lãnh đạo Hội chỉ tiêu tiền tài trợ đã vượt mức. Trước Tết 2014, chúng tôi đã mang về hơn 650 triệu đồng. Tôi khoe với Phạm Hoa: -Thừa tiền tổ chức cuộc thi “Ký ức Trường Sơn” rồi, nhé!
Cuộc thi ấy, chúng tôi hợp tác với Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân để xuất bản 2 tập sách “Ký ức Trường Sơn”. Được cái nhàn trong khâu biên tập nhưng nếu để Nhà xuất bản in sách thì chắc chắn họ “luộc” giá cao ngất ngưởng. Phạm Hoa an ủi tôi:
-Bác yên tâm đi. Nhà xuất bản Quân đội toàn là người nhà của chú. Họ không dám lấy đắt đâu.
- Tớ có kinh nghiệm làm sách rồi. Nếu mình chỉ xin giấy phép rồi tự lo khâu in thì sẽ tiết kiệm ít nhất 1/3 kinh phí nếu phải mua sách qua Nhà xuất bản đấy.
- Bác yên tâm. Không đến nỗi nào đâu. Tôi nhìn Phạm Hoa rồi chấp nhận.
Kết thúc cuộc thi, 2 tập sách về các tác phẩm đoạt giải và vào chung khảo của cuộc thi được chúng tôi nhà Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản. Khi sách in ra, mỗi tập sách dày 320 trang mà Hội đã phải bỏ tiền ra mua mỗi cuốn 67.000 đồng để tặng các tác giả. Tôi đưa Phạm Hoa dự toán của tôi về cuốn sách gồm tiền giấy, công in, tiền giấy phép mà chỉ hết xấp xỉ 40 ngàn đồng. Phạm Hoa vô cùng ngạc nhiên.
-Tay tớ tự tổ chức xuất bản rất nhiều cuốn sách cho Tòa soạn của tớ rồi. Tớ đã cảnh báo với Phạm Hoa mà. Nhà xuất bản họ phải tính toán mọi khâu kinh doanh của họ đưa vào giá thành hết. Chẳng có hữu nghị hữu em gì sất đâu? Phạm Hoa cầm tờ dự toán của tôi mà thần người ra. Tôi phải động viên:
- Thôi, đững nghĩ ngợi nữa. May mà chúng ta xin được tài trợ. Rút kinh nghiệm. Từ lần sau hãy để tớ làm theo kiểu con nhà nghèo, sẽ rất tiết kiệm đấy. Mua sách từ Nhà xuất bản phải chịu đắt thôi.
-Cũng may là theo kế hoạch, Thư viện Quân đội đặt mua cho thư hiện các đơn vị trong toàn quân mỗi tập 600 cuốn. Mình lợi ở khâu không tốn một đồng nào cho việc phổ biến sách của mình trong toàn quân, bác ạ. Thế là lãi rồi!
Tôi nhìn Phạm Hoa, thú nhận:
-Nếu tính cái khoản này thì mình chịu rồi!
Hai đứa tôi nhìn nhau cùng cười.
***
Thế rồi một lần ngồi bàn công việc, Phạm Hoa tâm sự với tôi:
-Em đang nghiền ngẫm về đề án xây dựng Công viên Đồi Hoa Trắng ở Trường Sơn, anh ạ.
-Mục đích? Tôi hỏi lại.
- Công viên Đồi Hoa Trắng để tưởng niệm những chàng trai, cô gái từ mọi miền Tổ quốc đã đi qua Trường Sơn và mãi mãi nằm lại ở đâu đó trên mảnh đất của 3 nước Đông Dương vì khát vọng thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội.
-Tức là có nhiều người không phải hy sinh trên Trường Sơn?
-Đúng rồi bác. Chúng ta đã có hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ để tưởng nhớ, ghi công anh hùng – Liệt sĩ cả nước rồi. Nhưng ý tưởng của chúng ta là những liệt sĩ chưa lập gia đình mà mãi mãi nằm xuống. Hãy tạo ra một nơi tâm linh riêng để tưởng nhớ, ghi công riêng cho họ…Tất cả những chàng trai, cô gái của Tổ quốc đều lên đường vượt qua Trường Sơn để vào các chiến trường và sau đó hy sinh ở nhiều chiến trường khác nhau. Họ là những người trẻ, chưa có gia đình riêng. Dự án Công viên Đồi Hoa Trắng của Hội mình sau này chọn xây dựng ở đầu đường 20 Quyết Thắng. Ta cho xây ở đó một ngôi đền thờ các anh linh trong trắng của cả nước. Đền làm bằng đá cẩm thạch. Toàn bộ quả đồi cho trồng một loại cây có hoa màu trắng. Vườn cây cảnh trang trí trên đồi được trồng các loại hoa mầu trắng tinh khiết như hoa nhài, hoa huệ, hoa hồng trắng… Tức là tạo ra một màu trắng tinh khiết trùm lên ngọn đồi mà nó mang tên Công viên Đồi Hoa Trắng, bác ạ…
-Ý tưởng về một Công viên Đồi Hoa Trắng của Phạm Hoa đẹp như cổ tích ấy. Dự án nếu được thực hiện thì thật tuyệt vời! Nhưng ta cũng sẽ hình dung ra được những khó khăn của việc đầu tư xây dựng Công viên Đồi Hoa Trắng này.
-Chú cũng lường hết chuyện ấy. Nhưng chú tin vấn đề tâm linh đầy ý nghĩa nhân văn này sẽ được xã hội ủng hộ, bác ạ.
-Nhưng theo mình, điều khó khăn nhất không nằm ở kinh phí mà là cấp có thẩm quyền có cho phép Hội chúng ta thực hiện Dự án đầy ý nghĩa này không?
Và tôi được biết, khi Phạm Hoa trình bày Dự án với Thường trực Hội, các cụ đều gật đầu đồng tình. Dự án do Phạm Hoa đề xuất ấy nhưng chóng trở thành Đề án của Hội. Hôi đã tận dụng nhiều cơ hội để có thể thông tin đến nhiều cơ quan, nhiều yếu nhân biết và ủng hộ Đề án đầy ý nghĩa này của Hội. Ngày 11/7/2013, Phạm Hoa và nhà báo Xuân Ba (Người bạn học thân thiết cùng quê với Phạm Hoa) đã cùng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Thiếu tướng Trần Danh Bích, Nguyễn Bác Tòng, đã tới thăm xã giao nguyên Tổng Bí thư Lê Khẳ Phiêu. Nguyên Tổng Bí thư đã chăm chú lắng nghe lãnh đạo Hội và Phạm Hoa trình bày ý tưởng về Đề án. Nguyên Tổng Bí thư rất tâm đắc về Đề án. Ông hứa, với trách nhiệm của mình, ông sẽ thông tin đến các đồng chí có trách nhiệm ủng hộ Đề án này.
Rồi Hội Trường Sơn Việt Nam có có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình về Đề án, dự kiến đầu tư xây dựng tại khu vực Bảo tàng ngoài trời về đường Trường Sơn tại đầu đường 20 Quyết Thắng, tây Quảng Bình. Hội cũng nhanh chóng nhận được phản hồi đồng tình ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Rồi trong những buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và ngày 10/8/2016, trong buổi gặp và làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đoàn cán bộ lãnh đạo Hội Trường Sơn Việt Nam đã mạnh dạn kiến nghị 7 điểm với Thủ tướng, trong đó có mội dung về Đề án Công viên Đồi Hoa Trắng… Nghĩa là bất cứ thời điểm tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo, Hội TSVN, các đồng chí Võ Sở, Hoàng Anh Tuấn đều tranh thủ giới thiệu về Đề án đầy nghĩa này…Nhưng cho tới khi phải vào nằm viện 108 những đợt dài ngày, Phạm Hoa vẫn không hết hy vọng về Đề án mà anh đã dành nhiều tâm huyết cho nó. Nhưng cho tới lúc này, khi chủ nhân khai sinh ra Công viên Đồi Hoa Trắng đã ra đi thì Đề án thì vẫn chưa được “được bung ra” từ văn bản giấy để đi vào cuộc sống!
Nhớ đến đây, tôi lại không thể nào quên khi anh em chúng tôi hợp tác với nhau tổ chức phát động của thi viết lần thứ 2 của Hội. Tôi đã làm đề cương tổ chức cuộc thi viết “Lục bát Trường Sơn” và “Gương sáng Trường Sơn”. Phạm Hoa rất khoái cái tên của cuộc thi thơ “Lục bát Trường Sơn” mà tôi đề xuất. Tôi và Phạm Hoa nhanh chóng ô kê với nhau về kế hoạch tổ chức cuộc thi viết lần này. Đặc biệt là tôi thông báo Công ty ECO đã đồng ý tài trợ 200 triệu đồng cho 2 cuộc thi này. Thú thật là để tiếp cận với anh Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Giám đốc Công ty ECO, tôi phải nhờ em trai Phạm Việt Tiến ở Đài Truyền hình Việt Nam giúp sức. Vì Tổng Giám đốc ECO khá thân với em trai tôi. Sau nghe tôi trình bày, Dũng ô kê luôn: -Anh gửi cho em công văn của các anh nhé. Tuy nhiên kinh phí không vượt quá 200 triệu đâu. Anh thông cảm…
Tôi thông báo có nhà tài trợ với Phạm Hoa. Phạm Hoa bắt tay tôi:
-Thế thì báo cáo Hội để triển khai thôi bác!
Vâng, sau đó tôi và Phạm Hoa báo cáo cụ Võ Sở và anh Hoàng Anh Tuấn, đều được hai cụ ủng hộ. Cuộc thi “Lục bát Trường Sơn” và “Gương sáng Trường Sơn” có sức lan tỏa bất ngờ. Gần 5000 bài thơ gửi về dự thi. Chúng tôi đã giới thiệu gần 4000 bài thơ dự thi trên Trang báo điện tử Trường Sơn.
Nhà thơ Vương Trọng và Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý vô cùng ngạc về số lượng thơ dự thi và đặc biệt là chất lượng thơ dự thi. Anh Vương Trọng, nguyên Trưởng ban Thơ của Tập chí Văn nghệ quân đội đã phải thốt lên: “Với số lượng gần 5000 bài thơ dự thi, tôi có thể khẳng định cuộc thi của chúng ta có thể sáng ngang bất cứ cuộc thi tầm cỡ quốc gia nào. Đặc biệt tôi đánh giá cao chất lương thơ từ cuộc thi này. Chất lượng của những tác phẩm đoạt giải có thể sáng ngang với nhiều cuộc thi thơ có tên tưởi được tổ chức tại Việt Nam. Nhiều bài thơ ngoài giá trị nội dung, rất nhiều bài thơ, khổ thơ, câu thơ hay và khá chuyên nghiệp…”
Tập sách “Tỏa sáng Trường Sơn” – công bố 174 tác phẩm đoạt Giải và những tác phẩm lọt vào vòng chấm chung khảo từ 2 cuộc thi “Lục bát Trường Sơn” và “Gương sáng Trường Sơn”.
Là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức và Thường trực Ban Giám khảo, tôi đã viết tổng kết đánh giá về 2 cuộc thi. Tôi đưa cho Phạm Hoa xem và sửa bản thảo. Phạm Hoa rất ngạc nhiên khi thấy tôi đề trong bản thảo “Kết quả ấn tượng từ cuộc thi “Lục bát Trường Sơn” và “Gương sáng Trường Sơn” – Đại tá – Nhà văn Phạm Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên truyền – Thi đua, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi”.
Phạm Hoa bảo tôi:
-Tổng kết này bác viết thì bác đọc đi.
-Ông buồn cười nhỉ! Tôi làm Phó cho ông, tôi trực nên tôi viết tổng kết là hoàn toàn đúng. Ông là Trưởng ban Giám khảo, ông phải đọc tổng kết.
-Chú cứ thấy nó cứ thế nào ấy! Nhưng thôi, bác đã chỉ thị thế, chú chỉ biết thực hiện thôi! Tính Phạm Hoa là thế, anh muốn mọi việc đều rõ ràng.
Cuộc thi “Lục bát Trường Sơn” và “Gương sáng Trường Sơn” là cuộc thi cuối cùng mà tôi và Phạm Hoa cùng sát cánh bên nhau. Về sau này, sức khỏe hạn chế nên Phạm Hoa chỉ còn đảm nhận là Ủy viên Ban Thường vụ Hội, “Tư vấn” về mảng Văn hóa Văn nghệ của Hội mà thôi và trực tiếp cùng tôi lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn. Sức khỏe không cho phép anh hoạt động như ngày xưa nữa. Nhưng tôi biết, Phạm Hoa vẫn đọc và viết thẩm định các tác phẩm văn xuôi ở Hội Nhà văn. Tôi biết Phạm Hoa còn ấp ủ nhiều điều mà chưa kịp thực hiện. Những trang viết vẫn ngồn ngộn trong anh, nhưng Trời không cho anh cầm bút được nữa! Người cầm bút có tâm như anh phải bỏ bút giữa chừng thì đau lắm! Nhưng biết làm sao được. Trời cho mỗi người một số phận… Phạm Hoa đã ra đi đột ngột giữa chừng.
Trường Sơn vẫn cần người cầm bút như anh!