"Cảm hoài ký ức Trường Sơn và lần gặp lại" - Ký ức của Nguyễn Ngọc Hải
CẢM HOÀI KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN
VÀ LẦN GẶP LẠI
Nguyễn Ngọc Hải
Chân dung tác giả
LỜI TÁC GIẢ
Lần đầu tiên tôi viết một "STATUT"quá dài đăng trên facebook. Tôi cũng "cảnh báo" là những ai không thích đọc stt dài, không thích đọc về những "ông bà già Cựu chiến binh" về những câu chuyện của một thời bom đạn, một thời hoa đỏ của bạn bè, cha chú xưa nơi rừng thiêng nước độc ở Trường Sơn thì không nên đọc stt này. Nói như vậy và với những trang viết này, có gì chưa đúng, chưa hài lòng mong mọi người châm chước thứ lỗi, bởi tôi chỉ muốn nói thật lòng mình, viết về những gì chúng tôi đã đi qua trong những ngày tháng đầy gian khó ấy!
Từ buổi tối gặp lại Bình, người nữ Cựu chiến binh, chiến sĩ Trường Sơn Sư đoàn 473 năm xưa tại buổi giao lưu văn nghệ mang tên “Tỏa sáng Trường Sơn”. Chương trình do Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn Việt Nam tổ chức tại Nhà Văn hóa quận Cầu Giấy, Hà Nội, tự nhiên bao kỉ niệm về những ngày tháng là chiến sĩ mở đường Trường Sơn trong tôi bừng trỗi dậy...Một cảm giác bâng khuâng, bồi hồi nhung nhớ xen lẫn những hình ảnh mờ ảo của tháng năm quân ngũ ấy như đang tái hiện. Đặc biệt khi đọc xong cuốn sách "NỮ CHIẾN SĨ TRƯỜNG SƠN, NGÀY ẤY - BÂY GIỜ'' tôi xúc động vô cùng... Một điều gì đó thôi thúc tôi viết về họ, về những Nữ Chiến sĩ Trường Sơn năm xưa tôi đã gặp, quen biết và đã từng cùng sống, cùng làm nhiệm vụ trong một đơn vị Công binh mở đường ở núi rừng phía đông Trường Sơn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị bây giờ. Để viết về họ lại liên quan đến toàn bộ diễn biến quá trình cuộc hành quân của tôi và đồng đội vào chiến trường, vào Trường Sơn... Tôi không định viết về mình nhưng những chuỗi sự kiện ở Trường Sơn gắn kết trong khung cảnh ấy nên tôi chỉ biết kể lại theo trình tự thời gian mà mình hồi tưởng. Bởi thế, với tất cả tâm huyết, tôi đã viết theo dòng suy nghĩ và tâm tư của một người lính Trường Sơn năm xưa .
KÍ ỨC HÀNH QUÂN VÀ NỮ CHIẾN SĨ TRƯỜNG SƠN
Giờ này, ngày này chắc em - người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đang bận rộn cùng chồng con sửa sang lại ngôi nhà cho cậu con trai đang tham gia nghiên cứu khoa học mãi tận một quốc gia xa xôi nơi nửa bên kia bán cầu...Còn ở Việt Nam mưa vẫn giăng đầy trời Hà Nội, mưa nhiều làm cho buổi cuối tuần thêm buồn. Cầm trên tay cuốn sách em tặng tôi trong một buổi tối bất ngờ gặp em khi cùng dự chương trình giao lưu Văn nghệ “Tỏa sáng Trường Sơn” hôm ấy, tôi ngồi lặng im suy nghĩ...
"Nữ chiến sĩ Trường Sơn, ngày ấy - bây giờ". Tên cuốn sách gợi nhớ trong tôi bao kỷ niệm về những năm tháng cùng bạn bè là lính mở đường Trường Sơn tại Hương Hóa Quảng Trị. Tôi đọc ngấu nghiến những trang sách viết về em, về những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa mà tưởng như mới hôm nào gặp gỡ...
Ngày ấy - mùa mưa năm 1974, những chàng lình mới chúng tôi đang huấn luyện tại một huyện thuộc tỉnh Quảng Bình (bên dòng sông Nhật Lệ, gần bến phà Long Đại) thì nhận lệnh hành quân gấp. Trên những chiếc xe nhà binh mui bạt bịt kín chúng tôi đi trong mưa ...Sau một chặng đường dài xe dừng lại và chúng tôi được lệnh dừng chân trên một vùng đồi thoai thoải rộng mênh mông...Xa xa phía tây là những dãy đồi núi nhấp nhô mây mờ giăng kín mà tôi nghĩ là dãy núi Trường Sơn hùng vĩ trong những cuốn sách, vần thơ đã học đã đọc. Sau này chúng tôi được biết nơi chúng tôi dừng chân là địa bàn một huyện thuộc Dốc Miếu, Gio Linh, Cam Lộ gì đó, một địa bàn mới được giải phóng với những khu đồi gianh cháy nham nhở, những mầm gianh non nhú lên như những cây lúa mới cấy đang vươn bừng sức sống. Trên mặt đồi, phía xa còn xót lại là những hàng rào dây thép gai bùng nhùng, xác xe pháo cháy rụi nằm rải rác với vô số các loại vỏ đạn, vũ khí quân trang đã sử dụng han rỉ hỏng hóc gãy nát...vương vãi khắp nơi. Trong đầu tôi còn nhớ được là con đường số 42 lầy lội sỏi đá bùn đất đỏ quạch với cây cầu "Bến tắt" mà lần đầu tiên chúng tôi đi qua ở phía thượng nguồn sông Bến Hải.
Hơn một tháng trời dầm mưa, đêm nằm trong mái lều căng bằng những chiếc "tăng" ni lông, giường là nền đất đồi bạt phẳng rải cỏ tranh khô, quấn màn đắp võng cho đỡ lạnh những đêm mưa rừng; ngày trèo đèo lội suối vào rừng chặt gỗ cắt tranh để làm lán trại...ăn lương khô, cơm nắm với mắm tôm khô, ruốc mặn của Trung Quốc...
Khi những dãy lán bằng cây rừng lợp tranh đã hoàn thành, chỉ cần những chiếc giường (cũng bằng cây que rừng được ghép lại thành sạp) đang làm dở dang thì lại lệnh hành quân.... Bỏ lại tất cả, thu gọn quân tư trang vào chiếc ba lô con cóc, chúng tôi lại lên đường!
Ấn tượng trong tôi mãi mãi không quên là những chiến sĩ lái xe, phụ xe toàn là nữ rất trẻ xinh đẹp mà tôi đoán tuổi đời cũng chỉ hơn chúng tôi chút ít. Nhìn "các chị" ngồi trong Ca bin thoăn thoắt điều khiển chiếc chiếc xe "Gat 69" bốn bánh cao lênh khênh thật thích thú. Thú thật, trông "các chị" ngồi sau tay lái điều khiển những chiếc "gát" như thằng say rượu, tôi thán phục vô cùng. Hình ảnh những nữ chiế sĩ lái xe Trường Sơn thật đẹp. Tôi thầm nghĩ giá mình cũng được ngồi sau tay lái như họ...
Xe chạy như bò trên những con đường đất đỏ ba zan ngoằn ngoèo nhỏ xíu, lúc qua ngầm, lúc vào cua, chiếc xe như gã say rượu lúc nghiêng bên này, lúc lắc bên kia chỉ chực đổ kềnh trên đường hoặc rớt xuống vực sâu. Tất cả lính tráng chúng tôi đều ngồi im thót tim mỗi lần xe nghiêng nghiêng như oằn mình chống đỡ trước những đoạn đường trơn trượt nguy hiểm ấy.
Nguy hiểm rồi cũng qua...một đoạn đường dài bằng phẳng êm thuận làm chúng tôi thở phào. Nhìn qua khe bạt phía trên đầu xe, tiểu đội trưởng reo lên"đường nhựa". Đường nhựa à.... Tất cả chiến sĩ trong xe đều nhỏm dậy...! Cô chiến sĩ phụ xe mở cửa cabin nhẹ nhàng nói với chúng tôi giọng trầm ấm nhưng rất nghiêm nghị: "Đến đường 9 rồi, các đồng chí ngồi cho cẩn thận, xe chạy nhanh đó".
Phải một ngày đêm hành quân, chiều muộn hôm sau đơn vị chúng tôi dừng quân ở một trạm giao liên tại địa bàn Khe Sanh, ngã ba Đông Dương (sau này tôi mới được biết) để nghỉ và nấu cơm. (suốt thời gian hành quân chúng tôi toàn gặm lương khô rồi). Mong được một bát cơm nóng và chút rau tươi..... Vậy mà khi nghe kẻng báo giờ ăn, thằng bạn nhanh nhảu xuống "bếp" bê về đúng một xoong cơm nát bét nửa sống nửa chín cùng với một đĩa ruốc mặn vón cục của TQ viện trợ. Nhắm mắt nhai, nuốt cho xong, xúc miệng ngụm nước suối trong bi đông đã thả mấy viên lọc nước, mấy chiến sĩ trong Tiểu đội tôi ai nấy trèo lên võng ngêu ngao những câu vọng cổ, nhạc vàng...Ngoài trời mưa rừng vẫn sập sùi không ngớt...Con đường chênh chếch phía trước trạm giao liên không một tiếng xe qua lại. Nhìn đồng hồ mới hơn năm giờ chiều mà trời đã tối đen.. Le lói mỗi cây đèn bão treo phía đầu lán đủ soi tỏ khuôn cửa và hình thù mấy cái cột nhà bằng những cây gỗ rừng sù sì để các chiến sĩ mắc võng ngủ qua đêm...
Khoảng nửa giờ sau đó nghe tiếng Tiểu đội trưởng thông báo: Đường hành quân bị tắc chưa thông do mưa rừng làm sập taluy ...Đơn vị tạm nghỉ tại trạm Giao liên Khe Sanh chờ thông đường...! À như vậy là mình đã đang nằm tại đất Khe Sanh rồi. Tôi nhỏm dậy định với chiếc ba lô treo trên đầu võng lấy quyển nhật kí ghi vài dòng, chợt nghĩ trời tối bưng viết làm sao được lại thôi. Tiếng hát của cậu Thủy, cây văn nghệ của Đại đội, người xã Đại An: "xe ta bon bon trên chặng đường....làng quê ta băng qua bao suối đèo đồi nương"...cứ nhỏ dần và tắt hẳn. Tiếng thì thầm trò chuyện của mấy tay to mồm lắm lời nhất Trung đội cũng nhỏ dần...Một không khí im lìm bao trùm khắp lán. Chắc mọi người đều đã ngủ sau những giờ hành quân vất vả...Tôi nằm trằn trọc mãi không sao ngủ được. Mới chưa đầy 5 tháng xa nhà mà sao nhớ quá. Bố mẹ, các em, bạn bè phố xá...tất cả hiện lên trong trí nhớ như mơ như tỉnh... " Tắc kè...tắc kè.." Chợt giật mình nghe tiếng con tắc kè kêu ở phía bên kia con đường vọng lại. Lại cười với mình: lần đầu tiên nghe tiếng con tắc kè rừng kêu mà nào đã biết hình thù nó ra sao... Cứ nằm nghĩ miên man tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết....
Những ngày sau đó mưa vẫn rơi, đường vẫn chưa thông... Nằm dài trên võng nghe tiếng mưa rơi mà sốt ruột, buồn nhớ nhà vô cùng. Ngày chỉ chờ 2 bữa ăn....Hôm đầu còn có măng rừng, rau chuối và canh lá lốt...
Những ngày sau đó măng cũng hết, rau không còn...bởi các chiến sĩ Trạm giao liên không thể phục vụ cho cả một đơn vị mấy trăm quân trong bốn năm ngày liên tục khi mưa rừng rền rĩ làm tắc nhiều ngả đường tiếp lương thực hậu cần cho Binh trạm. Sang ngày thứ 4 nằm ở trạm giao liên lính tráng bắt đầu mệt mỏi, sốt ruột. Buổi trưa mỗi chiến sĩ được phát 2 phong lương khô 701. (Trạm không còn củi để nấu cơm). Nước mưa tự hứng bằng ni lông và rót vào bi đông mà uống. Anh nào lười thì ra suối hoặc " đánh chịn" Tôi chợt nghĩ: bắt đầu những ngày gian khổ rồi đây....
May sao buổi chiều hôm đó mưa bắt đầu ngớt và tạnh hẳn. Những vệt sáng le lói từ những ngọn núi xa xa cũng làm cho chúng tôi cảm thấy phấn chấn. Tất cả các chiến sĩ trong đơn vị đều ào ra phía trước sân Binh trạm và tràn ra con đường vẫn loang lổ những vũng nước mưa như những tù nhân được ra sân hít thở không khí trong lành vậy.
Tôi và Hùng (thằng bạn cùng lớp học cấp 3 Lê Hồng Phong) lững thững dạo bước trên con đường và ngắm nhìn xuống phía cuối con dốc ...Một anh lính vai khoác ba lô đang đi ngược lên phía chúng tôi. Chợt thằng Hùng reo lên và đi như chạy xuống phía đồng chí Bộ đội. Nó dừng lại trước mặt anh Bộ đội tay chỉ, tay vẫy và như hỏi chuyện gì đó có vẻ thân tình lắm. Một lát sau khi đồng chí Bộ đội vừa lên đến đầu dốc, nó hối hả chạy lại chỗ tôi và nói :" đi Hải ơi. Vào Sư 473 tìm chị Vân đi"
Sau nửa tiếng mò mẫm từ con đường chính rẽ sang một con đường nhỏ dốc hơn, sỏi đá gồ ghề và những rãnh nước dọc ngang như bàn cờ chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Một chiếc cổng chào đơn giản dựng bằng những thân cây gỗ rừng rất thẳng và cao. Một chiếc barie cũng bằng cây rừng được sơn khúc đỏ khúc trắng, một trạm gác nho nhỏ, mái lợp lá cọ...Đó là cổng vào Sư đoàn bộ, Sư đoàn 473 thuộc Bộ đội Trường Sơn.
Đang vui chuyện bỗng tôi giật mình nghe tiếng quát từ phía trước: "Đứng lại, hai đồng chí kia đi đâu? Đứng lại ngay...''
Tôi vội sững lại, hai chân líu díu, còn thằng Hùng theo đà bước loạng choạng suýt ngã. Nó gượng đứng lên chân vẫn bước tiếp miệng nhanh nhảu: Chào anh ạ...chúng em...chúng em...
Thoáng cái đã thấy đồng chí Cảnh vệ súng AK lăm lăm trong tay, quần áo, thắt lưng gọn gàng nghiêm chỉnh đứng chặn trước mặt hai chúng tôi. Tôi vội vàng nói: Chúng em muốn hỏi thăm bạn học đóng quân ở đây ạ.
Nhìn dáng vẻ ngơ ngác, quần áo xộc xệch, đầu không mũ nón, tay không súng ống của chúng tôi, đồng chí Cảnh vệ bật cười hạ giọng ôn tồn nói: Các đồng chí ở đơn vị nào, muốn hỏi thăm ai?
Được lời như mở tấm lòng, thằng Hùng nhanh nhảu nói: Dạ bọn em là lính mới vào đây, em hỏi chị Hồng Vân ở Sư đoàn bộ 473 ạ...
Chắc nghe đến cái tên rất thân quen đồng chí Cảnh vệ cười cười bảo chúng tôi: Thôi được rồi, 2 đồng chí vào đây trình bầy rõ xem nào!
Chúng tôi được dẫn vào một căn nhà lá vách lửng thưng bằng tre luồng có một dãy bàn ghế làm bằng những tấm gỗ thông (chắc là những vỏ thùng đạn) ghép lại. Đây là nhà Trực ban của Sư đoàn.
Sau khi nghe chúng tôi trình bầy đồng chí cảnh vệ nhấc chiếc máy điện thoại (kiểu cũ số tròn) quay mấy vòng... Chúng tôi hồi hộp ngồi im lắng nghe nhưng chẳng thể nghe gì được ở đầu dây bên kia. Quay lại phía chúng tôi anh nói: hai cậu chờ một lát nhé!
Khoảng mười phút sau chúng tôi thấy bóng một cô gái thấp đậm mặc quân phục, tóc dầy ngang vai, dáng đi vội vã như chạy đang tiến lại phía cổng Sư đoàn. Tự nhiên do cảm giác hay linh tính, tôi thấy hồi hộp vô cùng...chẳng hiểu vì sao nữa! Tôi nhìn sang thằng Hùng, đôi mắt nó như không hề chớp chăm chú nhìn theo cái dáng đi của người nữ Chiến sĩ và rồi bỗng nhiên nó reo lên như đứa trẻ con gặp mẹ: Đúng rồi, đúng rồi... Chị Vân, chị Vân ơi....Tôi vẫn đứng trân trân nhìn thằng Hùng lao ra cửa và khựng lại trước người nữ chiến sĩ Trường Sơn mà nó gọi là chị. Thoáng chút bỡ ngỡ trước vẻ lôi thôi của cậu lính trẻ, chị Vân kêu lên: Ôi! Hùng sao cũng vào đây à....
(Ảnh minh họa)
Đến lúc đó thì tôi đã nhận ra Vân, người bạn gái cùng lớp hồi học cấp 3 những năm trước đó. Tôi lao ra chỗ Hùng lạc giọng hét toáng lên: Hải đây này, Hải lớp E đây này Vân ơi....
Thật không sao kể hết mừng vui khi chúng tôi gặp lại cô bạn học, người nữ chiến sỹ giữa đất rừng Trường Sơn lúc này. Mừng mừng tủi tủi tôi nhìn thấy những giọt nước mắt xúc động trào dâng của cô bạn học long lanh trên khóe mắt...
Anh cảnh vệ nãy giờ chứng kiến cuộc hội ngộ vui vẻ của ba chúng tôi giờ mới lên tiếng: Kìa Vân sao không dẫn các bạn vào nhà khách, cứ đứng đấy mãi à!
Chúng tôi quay lại chào đồng chí Cảnh vệ và theo Vân men theo một con đường nhỏ tới một căn nhà khách nằm ở cuối con dốc. Một chiếc bàn nhỏ trên phủ ni lông, một bộ ấm chén và hai chiếc giường cá nhân cũ kĩ nhưng gọn gàng sạch sẽ. Những lời hỏi thăm, những câu chuyện về bạn bè trường lớp phố sá quê hương cứ cuốn hút chúng tôi...Một cuộc hội ngộ bất ngờ vô cùng đặc biệt.
Đang vui chuyện chợt tôi thấy một cô gái dáng nhỏ nhắn gọn gàng trong bộ quân phục, quần sắn cao để lộ bắp chán trần trắng mịn bước vào. Nét mặt tươi tắn tóc dài buông lửng, thái độ có vẻ hơi dè dặt cô gật đầu chào chúng tôi và ào vào ôm lấy Hồng Vân, miệng thỏ thẻ: Chị Vân, chị Vân, khách của chị thật à?
Quay lại phía chúng tôi, vẫn để cho cô bạn ôm chặt lấy mình Vân giới thiệu: Đây là em Bình, cùng ở Ban Hành chính với Vân, đồng ngũ và là đồng hương Nam Hà quê bọn mình đấy.
Nhìn ánh mắt trong sáng hồn nhiên pha chút hãnh diện của cô gái đồng hương, tôi mạnh dạn bước đến định bắt tay làm quen...cô gái lúng túng một lát rồi cũng giơ tay cho tôi nắm giọng khe khẽ nhỏ nhẹ: Em tên Bình, quê Bình Lục; chúng em vui quá các anh ạ, lâu lắm rồi mới gặp được các anh cùng quê Nam Hà mà. Cô quay sang Vân thủ thỉ gì đó rồi vội vã chào chúng tôi...thoắt cái đã thấy bóng dáng cô mãi tận chân dốc rồi.
Chiều tối hôm đó chúng tôi có một cuộc vui mà suốt đời tôi không thể quên được tại mảnh đất tận Ngã ba Đường 9, Khe Sanh mới giải phóng...
Mải hàn huyên, khi tiếng kẻng báo giờ ăn chiều chưa dứt, tôi và Hùng định đứng dậy chào Hồng Vân ra về thì đã thấy trước cửa ba cô Bộ đội tay xoong tay bát đĩa ùa vào. Một tờ báo được trải ra giữa bàn và loáng cái một "mâm cơm thịnh soạn" đã được bày ra với những món ăn như từ trên trời rơi xuống. Bụng réo sôi ùng ục bởi từ trưa chỉ có mấy thanh lương khô "mù"...tôi và Hùng đứng như chôn chân tại chỗ.
Đợi ba cô gái sắp xong mâm bát, Hồng Vân nhỏ nhẹ cất giọng như một người chị cả: Hùng, Hải ạ, đây là em Thúy người Ý Yên, còn đây là em Mận quê dưới huyện Nam Ninh và Bình quê Bình Lục đều là đồng ngũ, đồng hương Nam Hà mà. Các bạn còn hành quân vào sâu tuyến trong, chẳng biết bao giờ mới có dịp gặp lại nhau...(giọng Vân như nghẹn lại, mắt rơm rớm); hôm nay mấy chị em thay mặt đơn vị mời Hùng, Hải bữa cơm chung vui gặp mặt này, mong các bạn chân cứng đá mềm, chiến thắng trở về....Vân còn nói gì nữa sau đó mà tai tôi như ù đi chẳng nghe chẳng nói được gì...chỉ biết rằng tôi và Hùng cứ đứng trân trân như trời trồng cho đến lúc Bình phải giục: Ơ kìa các anh các chị ngồi vào mâm đi chứ, cơm canh nguội hết cả rồi....
Ngồi vào bàn, mắt tôi sáng lên như người buồn ngủ gặp chiếu manh. Trước mặt tôi là một mẫm cỗ đầy đủ các món: nào là giò hộp, thịt hộp, nào là măng tươi xào, cá suối rán giòn, một đĩa trứng tráng và một bát canh cá nấu rau chua rừng váng mỡ thơm ngậy như ngày nào ở nhà mẹ vẫn nấu cho cả nhà ăn vậy. Vừa đủ một mâm sáu anh em đồng hương chúng tôi...!
Thú thực là từ ngày bước chân vào quân ngũ tôi chưa bao giờ được ăn một bữa cơm ngon như thế, no đến thế, thân mật ấm áp tình đồng đội bạn bè đến thế. Giữa rừng Trường Sơn mà tôi ngỡ như được trở về quây quần cùng gia đình trong bữa cơm xum họp đầu xuân vậy. Tôi thầm cám ơn người bạn gái đi trước và nhìn Vân với ánh mắt thân tình như người chị ruột của mình.
Trong bữa cơm thân mật ấy, có cảm giác tôi và Hùng không những là khách đặc biệt mà hơn thế nữa còn như những cậu em trai non nớt đi xa lâu ngày trở về, được các "chị" các nữ chiến sĩ Trường Sơn cưng chiều hết mức. Những thức ăn ngon luôn được các chị, các em gắp đầy vào bát của hai đứa chúng tôi. Chưa kịp ăn xong miếng giò đã có một miếng cá rán bổ sung....Trong khi tôi chẳng biết ứng xử nói năng thế nào thì thằng Hùng cứ thản nhiên chén và chuyện như chưa bao giờ được nói. Nào tập luyện suốt ngày đêm, nào là ở Gio Linh Dốc Miếu ăn uống kham khổ quá chẳng có tí rau nào, nào là không có hộp thuốc đánh răng mà phải dùng bột đánh răng, rồi chuyện nhớ nhà, chưa kịp thi Đại học, chuyện bố mẹ nó muốn vào thăm khi còn đóng quân ở Quảng Bình mà không kịp....Đôi lúc tôi phải xen vào để ngắt lời nó: "Thôi nào ăn đi để cho các chị còn ăn chứ cứ nghe chuyện của mày thì cả ngày không hết đâu". Thế nhưng ngược lại với ý nghĩ của tôi, Vân bảo: Hải cứ để cho Hùng kể, bọn này còn muốn nghe nhiều chuyện lắm. Và Bình, Mận, Thúy cũng vun vào: Chúng em thích nghe chuyện quê nhà của anh Hùng mà. Anh cứ kể tiếp đi. Tôi lặng im chầm chậm ngồi ăn vừa nghe Hùng liếng thoắng vừa đưa mắt quan sát mọi người....Hầu như cả bốn chị em đều không ăn gì cứ chống đũa ngồi nghe chuyện và gắp thức ăn cho chúng tôi. Một cảm giác được thương yêu chiều chuộng quá mức làm tôi xúc động ngồi thừ người trước mâm cơm. Nước mắt chỉ trực trào ra trên khóe mi. (vốn bản tinh tôi mềm yếu hay xúc động mà). Tôi vội vàng quay đi tránh những cặp mắt thương yêu trìu mến của các chị, các em đang như trùm lên che chở chúng tôi..Chưa bao giờ tôi thấy mình nhỏ bé, yếu đuối đến thế!!!
Bữa cơm đầm ấm đáng nhớ ấy rồi cũng trôi đi. Nhìn ra ngoài, trời đã tối hẳn, tôi giục Hùng uống nước và xin phép về đơn vị kẻo muộn. Mấy chị em ngẩng lên ngỡ ngàng nhìn tôi...Phải về rồi sao? Cảm giác tĩnh lặng bao trùm bởi giờ phút chia tay...Thấy không khí trầm lặng quá tôi chủ động nói: Thôi chào mấy chị em nhé. Cám ơn cả nhà đã tiếp đón nồng hậu. Về thôi Hùng ơi!
Chưa nói hết câu, chẳng dám giơ tay bắt chào mọi người tôi vội vàng quay ra cửa định bước đi thì bỗng nghe tiếng Hồng Vân gọi giật giọng: Hải ơi, chờ đã, sao vội thế?
Câu nói của Hồng Vân nghe như một lời trách cứ nhẹ nhàng. Tự tôi bỗng cảm thấy mình khách sáo, vô tình quá. Tôi quay lại đứng sững nhìn Vân...Có thể tôi chưa cảm nhận hết tình thương mến của các chị em bè bạn, những người lính Trường Sơn nơi đây chăng....Bởi lẽ chúng tôi còn trẻ quá, non nớt quá trước người bạn, người chị và những nữ chiến sỹ Trường Sơn đã có mấy năm trời công tác tại nơi này, chịu đựng khó khăn gian khổ thiếu thốn tình cảm và tinh thần, họ đã vượt qua mọi gian khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao....và bây giờ là lúc họ mong muốn được sẻ chia, được thể hiện tình cảm của mình, mong muốn được nói những lời yêu thương cùng bạn hữu, đồng ngũ, được gọi, cưng chiều đón nhận tình cảm của "các anh" dẫu chúng tôi là những cậu lính mới mặt còn đầy lông tơ và mụn trứng cá!!! Nhưng lúc đó làm sao tôi có thế hiểu hết về họ...
Đứng lặng một lúc, tôi và Hùng cùng tiến lại chỗ Hồng Vân chào chị, quay về phía các em Mận, Thúy bắt tay từ biệt. Chẳng thấy Bình đâu, tôi đưa mắt dõi tìm thì đã thấy Bình hớt hải chạy từ cuối dốc lên. Các anh ơi chờ em với ...và khi đến chỗ chúng tôi Bình dúi vào tay tôi một bọc to gói bằng giấy báo, miệng hổn hển nói: Các anh cầm lấy đi đường mà dùng., đường hành quân còn xa lắm....!
Biết không thể từ chối, tôi cầm đưa cho Hùng và không quên bắt tay, nói lời cám ơn Bình. Quay sang Hồng Vân tôi định chào cô bạn hơn tuổi một lần nữa thì đã thấy Vân đưa cho tôi một chiếc đèn pin và nói: Thôi hai bạn về đi kẻo muộn, đi đường cẩn thận nhé, nhớ viết thư cho chúng mình.
Tôi gật đầu chào Vân và các nữ chiến sỹ Trường Sơn Sư đoàn 473 mà lòng xốn xang lạ thường. Một cảm giác chia ly thật khó tả. Thiếu chút nữa là tôi bật khóc. Tôi vội kéo Hùng bước nhanh ra phía cổng Sư đoàn. Gần đến Barie, tôi và Hùng đều quay nhìn lại, lờ mờ vẫn thấy bóng dáng bốn chị em đang vẫy tay tiễn biệt chúng tôi....
Ra khỏi cổng Sư đoàn vượt hết con dốc lên con đường lớn, trời tối đen không một bóng xe qua lại. Linh tính như mách bảo, tôi nói với Hùng: Chạy thôi Hùng ơi. Thằng Hùng như hiểu ý tôi, nó co chân chạy tay vẫn ôm khư khư cái gói quà bọc giấy báo. Tôi chạy đắng sau nó tay lia quét đèn pin soi đường. Với sức lực trai trẻ lại vừa được nạp năng lượng đầy đủ, khoảng mười lăm phút sau chúng tôi đã nhìn thấy ánh đèn bão le lói ở khoảng sân Trạm giao liên. Vừa chạy vào đến đầu sân chưa kịp tắt đèn pin, tôi đã nghe tiếng Trung đội trưởng đang điểm danh... Nguyễn Đức Hùng... và rồi cái giọng hổn hển của Hùng cất lên: C..o..co ...có..có!
Thật hú vía. Tôi nhẹ nhàng tiến vào đứng cuối hàng của Tiểu đội mình. May mà tôi biên chế ở Tiểu đội 3 nên chưa đến lượt gọi tên.
Chỉ một giờ sau đó, khi tôi còn đang nằm trên võng, mồm ngậm viên kẹo "tăng lực" mà thằng Hùng lấy trong gói quà ban nãy dúi cho (kẹo trong phong lương khô 702 để cấp cho các Cán bộ Trung cao cấp trong Quân đội - sau này tôi mới được biết ) mắt mơ màng, đầu nghĩ về cuộc gặp gỡ ban chiều thì nghe tiếng Trung đội trưởng dõng dạc. " Báo động di chuyển, hành quân cấp tốc." Toàn Trung đội sau 10 phút tập hợp tại sân trước Trạm giao liên, kiểm tra vũ khí, quân tư trang, lên xe hành quân!
Và ngay tối hôm ấy đơn vị chúng tôi lên thùng những chiếc xe "Zin ba cầu" hướng theo con đường số 14 phía rừng núi Đông dãy Trường Sơn thuộc huyện Hướng Hóa Quảng Trị đi tiếp...
Lần này chúng tôi hành quân bằng xe ''Zin-ba- cầu'' bởi con đường 14 rất khó đi, nhiều ngầm suối, cua vòng tay áo dốc cao, nền đường mấp mô khe rãnh do những cơn mưa , nước chảy mạnh bị sói mòn... Mưa đã tạnh nhưng mặt đường vẫn lầy lội bởi bùn đất từ "Ta luy dương" đổ xuống mới được máy san ủi san gạt tạm nền đường để thông tuyến. Nhiều đoạn đường vẫn thấy TNXP và Bộ đội Công binh thắp đuốc để san xúc thủ công bằng xẻng cuốc, xe cải tiến. Một vài đoạn đường dốc có rất nhiều cây gỗ rừng xếp trên hai vệt bánh xe để xe có độ bám mà leo lẻn đỉnh dốc. Những anh lính mới chúng tôi lần đầu tiên hành quân trên trục đường này bằng xe cơ giới cũng thấy ngán ngẩm hoang mang. Thế nhưng cũng chỉ vài cây số đầu chúng tôi hồi hộp, lo sợ và có lúc thót tim khi xe leo dốc, thả trôi xuống dốc, vào cua hoặc lán ra tận nép đường phía bên bờ vực sâu thẳm để tránh những ổ trâu to như miệng hố bom rồi lại từ từ bò vào tim đường đi tiếp. Rồi sau đó cánh lính trẻ chúng tôi chuyển sang khâm phục tin tưởng vào những tay lái lụa, những anh lính lái xe Trường Sơn già dặn kinh nghiệm gan góc lỳ lợm và tràn đầy niềm tin khi ngồi trong buồng lái. Một anh lính lái xe trong lúc chờ xe trước vượt dốc đã nói với cánh lính trẻ chúng tôi, mặt tỉnh bơ: "Các chú em cứ ngủ đi, cung đường này bọn tớ nhắm mắt cũng lái xe đến đích mà". Anh nhìn đồng hồ và nói : Ờ đã hơn chín rưỡi rồi đấy.
Lên đến đỉnh con dốc xe lại lao xuống dốc vào một vòng cua tay áo. Bất chợt tôi nhìn sang phía ta ly âm bên trái những ánh đèn xe ô tô sáng lòa dọi chiếu những vệt dài đang di chuyển cách đều...ngước lên chếch về bên phải taly dương tôi cũng thấy ánh đèn xe như vậy. Thật tài tình và tôi cảm nhận đoàn xe của chúng tôi như một con rồng khổng lồ đang trườn di trên những sườn núi nhấp nhô của dải Trường Sơn hùng vĩ này.
Gần trưa ngày hôm sau đoàn xe chở chúng tôi dừng lại trên một bãi đất rộng bằng phẳng mà sau đó tôi nhận ra là sân bóng đá của một đơn vị Bộ đội bởi hai đầu có những cột gỗ tròn dựng lên làm khung thành. Phía giữa sân có mấy chiếc bàn gỗ cũ kĩ và một nhóm các đồng chí Bộ đội ăn mặc chỉnh tề, khuôn mặt già dặn đen nhẻm cũ kĩ, vai đeo xà cột, quân hàm từ Thiếu úy đến Đại úy đang làm việc với những giấy tờ sổ sách trên bàn. Chúng tôi được lệnh xuống xe và xếp hàng đứng chờ. Một lát sau một đồng chí cấp hàm Trung úy mà tôi đoán chừng 38-40 tuổi đến trước đoàn quân phổ biến nhiệm vụ. Qua đồng chí trợ lý quân lực này tôi được biết chúng tôi đã đến đơn vị mới: Trung đoàn Công binh 509 thuộc Bộ đội Trường Sơn. Tôi, Hùng, Khánh (10C chuyên toán Lê Hồng Phong) mỗi đứa được biên chế về một Trung đội khác nhau cùng với một số chiến sĩ mới khác. Đó là Đại đội 32 Công binh chuyên mở tuyến mới và đường công vụ phía đông Trường Sơn. Chúng tôi theo ba đồng chí Bộ đội (khuôn mặt khắc khổ trông rất già dặn, không đeo quân hàm đi bộ chừng 2 cây số trên đường 14 cũ để về đơn vị mới). Và đó cũng là ba đồng chí Trung đội trưởng của chúng tôi sau này.
Khoảng quá trưa chúng tôi về đến Đại đội. Hai dãy lán bán mái được dựng bằng những cây gỗ rừng mái lợp lá cọ thấp lè tè chạy dài dọc theo con đường 14 cũ, một khoảng sân rộng chừng sáu bảy mét cũng chạy dọc theo hai dãy lán. Phía đối diện bên kia cổng ra vào đơn vị là một căn nhà lợp là cọ trông như một cái bếp xinh xinh ở quê vậy. Đó là nhà Ban chỉ huy Đại đội. Sau lưng nhà Ban chỉ huy qua một con dốc gần như thẳng đứng là một bãi cát rộng lổn nhổn những hòn đá cuội to nhỏ khác nhau và những hàng cây lúp súp thấp lè tè trông như những cây nấm. Xa xa chút nữa là một con suối rộng nước đục ngầu vẫn đang cuồn cuộn chảy.
Chúng tôi được dẫn thẳng xuống dãy lán nằm vuông góc với khoảng sân. Trong lán có những dãy bàn ghế được ghép bằng những mảnh gỗ thông chạy dài . Đó là nhà ăn liền khu bếp của Đại đội. Trên bàn mấy mâm cơm đã dọn sẵn chờ đón chúng tôi. Vừa đói vừa mệt không ai bảo ai tất cả chúng tôi lặng lẽ ngồi vào bàn ăn....Tôi lơ đãng ngắm nhìn khung cảnh đơn vị mà trong đầu vẫn nghĩ miên man, bắt đầu một chặng đường mới rồi đây...
Chúng tôi kết thúc cuộc hành quân "Đi chiến trường B" vào mùa mưa một ngày cuối thu năm 1974 và dừng chân làm nhiệm vụ mở đường tại con đường số 14 phía Đông Trường Sơn thuộc huyện Hướng Hóa Quảng Trị.
Thời gian làm nhiệm vụ "phát tuyến mở đường công vụ" tại C32 Trung đoàn 509 Công binh Trường Sơn chỉ chừng vài bốn tháng. Một điều như có thể động viên an ủi chúng tôi là Đại đội có hẳn một Trung đội chiến sĩ nữ mà tuổi đời cũng chỉ sàn sàn như cánh lính trẻ chúng tôi. Họ là những chị em nhập ngũ năm 73-74 quê ở các tỉnh Nghệ An, Hà Bắc, Hải Hưng...Dẫu sao có nếp có tẻ cũng vui hơn. Tôi nhớ một câu nói của các cụ xưa là vậy.
Một ngày cuối tháng 3 năm 1975 cánh lính trẻ Hà Nam Ninh chúng tôi cùng một số Cán bộ Chiến sĩ (Đại đội trưởng, B trưởng, B phó, A trưởng, A phó) của Đại đội được lệnh di chuyển đơn vị. Một chiếc xe Zin ba cầu chở anh em chúng tôi lên Trung đoàn bộ. Ở đó đã thấy có năm sáu chiếc xe giống xe của chúng tôi trên thùng có các chiến sĩ trẻ, già như xe của chúng tôi xếp thành hàng ngang chờ sẵn. Rất đông cán bộ chiến sĩ ( có cả các nữ chiến sĩ) của các đơn vị thuộc Trung đoàn đang chờ sẵn ở đó. Chúng tôi được phát thêm quân tư trang, súng AK, RPD mới, đạn, lựu đạn, những hòm thuốc nổ TNT, kíp mìn, dây cháy chậm xẻng cuốc xà beng... ( những dụng cụ mở đường không thể thiếu được của lính công binh mở đường). Tất cả đều sẵn sàng cho một nhiệm vụ mới mà cánh chiến sĩ trẻ chúng tôi không hề được biết.
Một cuộc đưa tiễn diễn ra chóng vánh: Chính ủy Trung đoàn đọc quyết định thành lập Đại đội Công binh tuyến trước, trợ lý quân lực đọc danh sách biên chế Cán bộ Chiến sĩ của đơn vị mới, lệnh hành quân....Khi đoàn xe bắt đầu nổ máy từ từ lăn bánh tôi như chợt tỉnh đưa mắt nhìn xuống sân...Rất đông những bàn tay đưa tiễn vẫy chào, rất nhiều chị em nữ chiến sĩ òa khóc hoặc lấy khăn lau nước mắt....Trong tôi lúc đó vẫn chỉ lờ mờ về một cuộc hành quân đi xa mà không hề biết mình và đồng đội đang chuẩn bị đi vào một cuộc chiến rất ác liệt giữa sự sống cái chết sẽ, có thể xảy ra bất cứ lúc nào (mở đường tránh trên đèo Hải Vân để xe pháo, quân ta triển khai một mũi tiến công theo kế hoạch của chiến dich Hồ Chí Minh sẽ được triển khai sau đó - mà điều này chỉ sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc Đại đội trưởng đơn vị tôi mới thổ lộ)
Một điều may mắn bất ngờ mà mãi sau này cánh lính tráng chúng tôi mới được biết. Đó là khi đơn vị chúng tôi hành quân đến cách chân đèo Hải Vân khoảng 2-3km, lẽ ra đoàn xe phải rẽ sang hướng tây để tiếp cận chân đèo, trinh sát lên phương án kế hoạch thực hiện nhiệm vụ mở đường công vụ cho xe pháo ta vượt đèo thì nhận được lệnh cứ tiến thẳng và vượt đèo Hải Vân theo chính trục đường số 1. Lúc đó khoảng 8 h20 phút ngày 30 tháng 3 năm 1975, đúng một ngày đêm sau khi Bộ đội ta đánh chiếm đèo Hải Vân giải phóng Huế và TP Đà Nẵng. Chỉ có các anh lính lái xe là biết rõ điều này. Chúng tôi chỉ cảm nhận là xe của đơn vị đi qua một đoạn đèo dài, nhiều cua, dốc vòng vèo, có đoạn men theo sát bờ biển bởi tôi nhìn rõ mặt biển nước xanh xanh và những con sóng lô xô vào bờ...Và cũng trên đoạn đèo này còn vương vãi rất nhiều quân trang quân dụng, ba lô quần áo, xe zep, xe " đốt" cháy hỏng xịt lốp ...nắm rải rác hai bên đường. Nhìn xuống phía trái, dưới những sườn núi (ta ly âm) thi thoảng có những cái xác quần áo rằn ri nằm ngang dọc đủ các tư thế bên những khẩu tiểu liên cực nhanh AR15 , M79...Trên xe cánh lính trẻ chúng tôi xì xào bàn tán nhưng cũng chẳng hiểu chiến sự đang diễn ra đến đâu.
Khoảng 10 h ngày 30 tháng 3 Trung đội tôi dừng chân tại một ngôi làng nhỏ phía nam đèo Hải Vân, ven đường 1 để nấu ăn và triển khai nhiệm vụ mới. Lúc đó qua những thông tin từ Đại đội, chúng tôi mới biết rõ quân ta đã giải phóng Đà Nẵng, đang tiếp tục tiến vào giải phóng các tỉnh phía nam và nhiệm vụ của Đại đội tôi là bảo vệ, đảm bảo an toàn thông xe trên tuyến đường 1 suốt từ phía Nam đèo Hải Vân đến hết địa phận thành phố Đà Nẵng mới được giải phóng mà công việc cụ thể là: Sửa chữa bảo vệ, bắc lại những nhịp cầu trên trục đường 1 bị địch phá hỏng trên đường rút chạy hòng chặn đường tiến công của quân ta, mở ngầm, đường tránh cho xe pháo quân đội ta tiếp tục tiến vào giải phóng miền Nam. Qua tiếp xúc với dân làng ở đây tôi được biết nơi chúng tôi dừng chân chính là thị trấn Nam Ô, một cái làng nhỏ nằm sát dọc bãi biển phía nam đèo Hải Vân và nổi tiếng với nghề làm nước mắm.
"Đường hành quân dừng chân miền đất ấy
Anh gặp em bên Thị trấn Nam Ô
Đất quê em nay đã rợp bóng cờ
Anh vẫn đi nối những nhịp cầu Nam Bắc"
Trong một bài thơ tôi đã viết như vậy.
Cứ theo nhiệm vụ trên giao lần lượt Đại đội tôi hoàn thành sửa chữa cầu Nam Ô, cầu Truồi (Huế) cầu Bà Bầu (Tam Kì) và nhiều cây cầu, đường tránh, ngầm vượt trên những con sông khác mà chúng tôi chẳng kịp nhớ đến tên hay địa danh nơi đó nữa.
Thế nhưng trong những ngày tháng tham gia " Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc táo bạo" đó có một ngày mà tất cả Cán bộ Chiến sĩ Trung đội chúng tôi không bao giờ quên được, ngày 30-4-1975. Buổi trưa hôm đó khi các chiến sỹ đang tranh thủ những bóng râm ở khoảng sân rộng trước bếp ăn Trung đội để ăn xong bữa cơm trưa trong cái nóng nắng của mùa hè xứ Quảng thì thấy Trung đội phó Cổ tay cầm chiếc đài bán dẫn nhỏ cũ kĩ (chút tài sản quý nhất của anh) khua khua như múa, từ ngõ bên kia chạy vào miệng hét toáng lên: "Sống rồi, sống rồi các cậu ơi...Giải phóng Sài Gòn rồi, giải phóng Sài Gòn rồi..." Nghe này, nghe này, tin nóng hổi đây.....!!!!
Tất cả anh em chiến sĩ chúng tôi sững lại ngơ ngác nhưng chỉ mấy giây sau đều đứng bật dậy, có người còn cầm cả bát cơm trên tay chạy lại và im lặng lắng nghe. Một không khí yên tĩnh trang nghiêm hồi hộp nhưng có lẽ vô cùng trọng đại với chúng tôi khi nghe bản phát thanh của đài phát thanh Sài Gòn giải phóng: "Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện...quân giải phóng đã tiến vào giải phóng Sài Gòn và đang tiếp tục tiến quân xuống phía Nam. ..." Sau những phút lặng im, cả Trung đội bỗng như một quả pháo hoa vừa nổ bung ra muôn vàn sắc màu rực rỡ...Tất cả đều bỏ bát đũa hò hét chạy nhảy hỗn loạn như những đứa trẻ chơi trò ú tim!
Đang đứng bần thần ngắm nhìn đồng đội quay cuồng nhảy múa hò reo bỗng tôi thấy một vòng tay ôm chặt sau lưng và tiếng thằng Hùng thì thầm như con gái: Hải ơi, sắp được về nhà với bố mẹ rồi, sắp được về thành Nam rồi. Ôi tao nhớ bố mẹ, và bà nội và các em tao quá....Bao giờ được về nhà nhỉ? Bất chợt tôi quay lại nhìn thằng bạn mà cay cay khóe mắt, cảm kích sung sướng nghĩ đến ngày trở lại thành phố quê hương, được về với sống trong tình thương yêu đầm ấm của gia đình, bè bạn...!
Sau ngày 30 tháng 4 lịch sử ấy, đơn vị chúng tôi tiếp tục làm nhiệm vụ phục vụ và đảm bảo chiến đấu trên dọc tuyến đường 1A từ phía nam đèo Hải Vân đến hết địa phận tỉnh Quảng Ngãi một thời gian nữa..Giữa tháng 6 năm ấy đơn vị được lệnh rút quân trở về Trung đoàn 509. Trên thực tế đơn vị lại bị xé lẻ; tôi Hùng và Khánh may mắn lại được điều về cùng một đơn vị: Đại đội 21 thuộc Trung đoàn 8 sư đoàn 384 Bộ đội Trường Sơn, chấm dứt những ngày tháng hành quân dong duối trên những nẻo đường chiến dịch; mở đường bạt núi, bắc cầu làm ngầm phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn Miền Nam và để lại trong tôi bao kỉ niệm không thể nào quên!...
Nguyễn Ngọc Hải
Hội viên Trường Sơn - Quận Cầu Giấy, Hà Nội
(Còn nữa)