"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 04)

Ngày đăng: 09:48 15/08/2021 Lượt xem: 357
Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 04)
Bài số 6

NHỮNG CHUYẾN Ô TÔ TÂY TRƯỜNG SƠN
       Chuyến Ô Tô - "Thần tốc, thần tốc hơn nữa...."
       Chuẩn bị đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
       Cuối năm 1974, đầu năm 1975, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng thuận lợi, Hội nghị Bộ Chính trị (từ 30/9/1974 - 7/10/1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 - 8/01/1975) hạ quyết tâm: Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976; nếu thời cơ đến sớm hơn, thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
       Thực hiện quyết tâm Bộ Chính trị đề ra, Bộ Tổng Tư lệnh sớm chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu xây dựng hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Dự thảo này đã được Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 - 8/01/1975) đồng ý thông qua (sau 8 lần xin ý kiến chỉnh sửa), chính thức trở thành “Kế hoạch tác chiến chiến lược”, gồm hai phương án. Phương án cơ bản, có hai bước: Bước 1 (năm 1975), mở nhiều đợt tiến công và nổi dậy, làm cho lực lượng địch suy yếu nhanh chóng, mở ra thời cơ thuận lợi mới có lợi nhất cho cách mạng. Bước 2 (năm 1976), tiến hành tổng tiến công và nổi dậy đánh chiếm Sài Gòn, giành toàn thắng. Phương án thời cơ: khi ta đánh mạnh, địch suy yếu nhanh có thể tạo ra thời cơ phát triển “đột biến”, lập tức tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy giành toàn thắng trong năm 1975.
       Để bảo đảm vận chuyển cho chiến trường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ đạo tập trung xây dựng cơ bản đường Đông Trường Sơn. Tháng 8 năm 1974 Sư đoàn 472 rút về nước để tập trung cả 3 sư đoàn Công binh: 470, 472, 473 xây dựng đường Đông Trường Sơn. Sư đoàn 472 về nước để lại một bộ phận thành lập Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây. Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh Sư đoàn làm Trưởng ban, Trung tá Nguyễn Văn Hiểu - Chủ nhiệm Chính trị làm Phó ban và một bộ phận cơ quan. Đơn vị có trung đoàn Công binh 34 đảm nhiệm cải tạo toàn bộ tuyến đường Tây Trường Sơn từ Bản Đông - Đường 9 đến Phi Hà ( ngã ba biên giới).
Tình hình chiến trường.
       Trên thực tế, chính nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, Chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi quan trọng bước đầu, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị đã họp bàn bổ sung quyết tâm chiến lược, quyết định chuyển từ phương án cơ bản sang phương án thời cơ, thực hiện giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay năm 1975.
       Do đường xây dựng cơ bản tuyến Đông Trường Sơn đang thi công, mới hoàn thành từng đoạn, phải chuyển hướng bảo đảm cầu đường bên Tây Trường Sơn.Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm vận chuyển cho cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, cuối năm 1974, Sư đoàn công binh 565 được thành lập. Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây phát triển lên thành Bộ Tư lệnh Sư đoàn Công binh 565. Do yêu cầu cấp bách nên lấy con dấu của Đoàn chuyên gia quân sự 565 đã kết thúc nhiệm vụ, làm con dấu của Đoàn 565 mới thực tế là Sư đoàn Công binh 565.
       Bộ tư lệnh Sư đoàn gồm:
       Trung tá Đào Kim Sơn - Tư lệnh Sư đoàn 472 bên Đông Trường Sơn chuyển sang làm Tư lệnh Sư đoàn 565.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn - Chính uỷ Sư đoàn bộ binh 968 chuyển sang làm chính ủy Sư đoàn.Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Trưởng ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây chuyển sang làm Phó tư lệnh Sư đoàn. Trung tá Nguyễn Văn Hiểu - Phó ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây chuyển sang làm Phó chính uỷ Sư đoàn. Các trợ lý của Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây chuyển sang làm trợ lý các cơ quan sư đoàn, nhiều cán bộ được điều động từ sư đoàn 472 và các đơn vị phía đông sang.
       Lực lượng gồm Trung đoàn Công binh 34 do thiếu tá Đào Minh Trình làm Trung đoàn trưởng , thành lập Trung đoàn Công binh 576 do Thiếu tá Nguyễn Đình Xường làm Trung đoàn trưởng, bao gồm cắt 1 Tiểu đoàn của Trung đoàn Công binh 34 sáng, nhận hai Tiểu đoàn nữ quân nhân mới của Nghệ Tĩnh và Ninh Bình từ miền Bắc vào (d29, d35, d41); điều Trung đoàn bộ binh 39 do đồng chí Kiên làm Trung đoàn trưởng, thuộc Sư đoàn bộ binh 968 sang bảo đảm đường vận chuyển khi Sư đoàn 968 cơ động sang Tây Nguyên. Toàn Sư đoàn triển khai từ Bản Đông vào đến Phi Hà (Ngã ba Đông Dương), tập trung sửa đường bảo đảm giao thông cho cuộc hành quân đưa lực lượng vào chiến trường tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
       Tôi là trợ lý Phòng Công binh Sư đoàn 472, khi Sư đoàn rút về phía đông, để lại một bộ phận thành lập Ban Chỉ đạo Miền Tây trong đó có tôi. Khi thành lập Trung đoàn Công binh 576, tôi được điều về làm trợ lý kế hoạch Trung đoàn. Sau đó Sư đoàn 565 được thành lập, Tôi được Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh Sư đoàn 565 chọn điều về làm trợ lý Ban Công binh thuộc Phòng Tham mưu Sư đoàn.
       Thượng tá Phạm Tề, Cục phó Cục Chính trị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn làm phái viên của Bộ Tư lệnh vào kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc Sư đoàn 565 bảo đảm cho hành quân cơ giới vào chiến trường. Lúc này đường Đông Trường Sơn đang xây dựng cơ bản, chưa thông suốt nên cơ động lực lượng, tăng pháo đi theo đường Tây Trường Sơn vào chiến trường là chính.
      Trung tá Nguyễn Đức Lơi - Phó Tư lệnh Sư đoàn 565, đại uý Mông Văn Quắn, Thượng sĩ Hoàng Kiền, Thượng sĩ Nguyễn Văn Tuý đi tháp tùng đoàn, đi suốt chiều dài tuyến Tây Trường Sơn từ Bản Đông- Đường 9 đến Phi Hà ngã ba Đông Dương. Đến các đơn vị, Thượng tá Phạm Tề đều tập trung đơn vị phổ biến tình hình, tuyền đạt mệnh lệnh của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký vào ngày 7/4/1975 "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam, quyết chiến và toàn thắng". Khí thế cả Trường Sơn bừng lên hừng hực.
       Trên đường vào thị xã A tô Pơ, dọc theo quốc lộ 16, con đường làm từ thời Pháp thuộc, đường bằng, còn khá tốt. Mấy năm sống trong rừng núi âm u, nay mới nhìn thấy những cánh đồng lúa rộng bên nam đường, Bản làng trù phú tươi đẹp. Nhìn lên bên phải là Cao nguyên Bô lô Ven, một vùng đất cao bằng chạy dài theo suốt dọc đường mấy chục cây số.
       Đến thị xã A tô Pơ ven sông Sê Công mới giải phóng, quang cảnh thanh bình tươi đẹp. Sáng nghe tiếng Bộ đội Pha thét Lào hô : Nưng - xong - xam - xi, bồi hồi nhớ lại những ngày huấn luyện chiến sĩ mới, sáng nào cũng dậy ra sân kho hợp tác tập thể dục tập trung Đại đội, hô vang : 1, 2, 3, 4....
       Bên bờ sông những thiếu nữ váy hoa ra tưới rau thật là thơ mộng.
      Hôm sau quay về Sê Sụ. Được anh em Công binh tại bến phà kể là : cách đây mấy tuần, một đoàn xe 12 chiếc đi ra, đang vượt sông bằng ngầm thì một cơn lũ ập về, cuốn trôi hết cả đoàn xe, nhìn thấy mấy chiếc còn mắc vào các bụi cây. Các chiến sĩ lái xe bám vào các ngọn cây cao trên các gò nổi giữa sông, hôm sau nước rút mới vào được, may không ai bị thiệt mạng.
       Hôm nay qua sông bằng phà, đi đến trưa, trời nắng chang chang, xe pháo chạy rầm rầm, bụi bay mù mịt. Rừng khộp khô cằn, tìm mãi đến trưa mà không có nước nấu ăn. Dừng lại một vũng nước, tôi và Tuý, Hồng, lái xe đi nấu cơm. Chỉ có một vũng nước trên mặt kín đặc xác xúc vật chết thối rữa ra, do chúng khát nước đến uống rồi chết tại đây, loanh quanh mãi, Thượng tá Phạm Tề quát : gạt ra múc lên mà nấu, ở Nam Bộ có nơi người ta còn gạt phân ra múc nước lên nấu ăn được. Đành quay mặt đi gạt đống xác thối bùng nhùng múc nước lên nấu cơm ăn. Bữa ăn muộn còn ngon hơn cả mầm đá Vua ăn…
       Đi qua Sê Sụ khoảng hơn mươi ki-lô-mét, gặp một đoàn xe của ta đang cháy ngùn ngụt, nhìn mà thật căm thù. Sau khi Hiệp định Paris ký kết, chúng ta rút hết lực lượng phòng không về phía Đông. Hôm ấy không quân nguỵ Sài Gòn bay sang đánh vào đoàn xe, chặn đầu, khoá đuôi, bắn cháy hết 60 xe ô tô của ta. Thật đau xót vô cùng. Bom đánh trúng doanh trại Tiểu đoàn 41 Công binh. Nhiều quả bom chưa nổ trên sân ngay đầu nhà chỉ huy Tiểu đoàn. Đơn vị vẫn tập trung nghe phổ biến quán triệt nhiệm vụ. Giữa đêm hôm ấy Bộ đội cùng nhau xông ra mặt đường khắc phục hậu quả đánh phá của địch. Tiếng máy húc ầm ầm, tiếng mìn phá đá vang vọng khắp núi rừng Tây Trường Sơn với khí thế thật hào hùng. Đường thông, những đoàn xe tăng, xe kéo pháo, ô tô chở quân, ô tô chở hàng lại nối đuôi nhau rầm rập suốt đêm ngày ra trận giải phóng hoàn toàn Miền Nam.
       Trên hành trình chuyến đi, ngồi trên xe con Bắc Kinh đít vuông, ghế cứng, đường xóc quá hai mông đau nhừ mọc ra một đống mụn nhọt, không thể ngồi được mà phải ngồi xổm suốt cả tuần, thật là khó chịu và đau đớn vô cùng. Mãi đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn giải phóng, mừng quá rồi nó khỏi lúc nào không biết nữa…
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN TRÊN ĐẤT BẠN LÀO
       Đường dây 559 mở ra từ tháng 5 năm 1959 bên Đông Trường Sơn. Được sự thống nhất của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào, năm 1961 đường dây 559 lật cánh sang Tây Trường Sơn. Từ đường giao liên rồi phát triển lên thành mạng đường ô tô dọc ngang rộng khắp 7 tỉnh của Nam Lào. Từ năm 1961 đến năm 1975, đặc biệt trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đường ô tô bảo đảm cho vận chuyển chi viện chiến lược chủ yếu đi trên đất Lào, có 4 / 5 trục dọc và khoảng hai phần ba trong số 21 trục ngang nằm trên đất Lào. Đường mở đến đâu máy bay Mỹ đánh phá đến đấy, nhân dân các Bản làng tươi đẹp lại di rời sơ tán vào rừng sâu. Hàng triệu tấn bom đạn đủ các loại của giặc Mỹ ném xuống khắp núi rừng Trường Sơn, phá hủy đốt cháy các Bản làng. Hàng triệu lít chất độc hoá học rải xuống, những cánh rừng Lào bạt ngàn bị biến thành đất chết.
Bộ binh địch mở các cuộc tấn công, các chiến dịch đánh ra hành lang chiến lược rất ác liệt và liên tục không ngừng.
       Cuộc chiến tranh ngăn chặn diễn ra trên đất Lào cả trên không và trên bộ đã gây thương vong về sinh mạng, tồn thất về nhà cửa, ruộng nương, vật chất là vô cùng lớn cho nhân dân Lào.
       Quân đội Pa thét Lào, nhân dân các bộ tộc Lào cùng phối hợp, giúp đỡ Bộ đội Việt Nam đánh địch , mở rộng và bảo vệ vững chắc hành lang chi viện chiến lược Trường Sơn.
       Bộ đội Trường Sơn tăng gia sản xuất trên đất Lào để bảo đảm hậu cần tại chỗ, thu hái rau rừng, măng rừng, thu mua lương thực thực phẩm của nhân dân cung cấp để bảo đảm đời sống.
       Sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào đối với Bộ đội Trường Sơn là vô cùng to lớn . Có thể nói, nếu không được sự giúp đỡ của bạn Lào, không có đất Lào, Bộ đội Trường Sơn không thể hoàn thành nhiệm vụ chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
       Mối quan hệ Việt Nam - Lào thật là vĩ đại.
Không có con đường ấy
Không có Thắng lợi này.

Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

(Còn nữa)
tin tức liên quan