"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 09)

Ngày đăng: 09:17 20/08/2021 Lượt xem: 364
         Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 09)
Bài số 14

NHỮNG CHUYẾN Ô TÔ ĐÁNG NHỚ BÊN LÀO
Chuyến Ô Tô - Di chuyển Sở chỉ huy Sư đoàn 472 từ Mường Phìn vào Tà Ôi - Mường Nòong.
       Sau khi ký hiệp định Paris, Bộ Tư lệnh Trường Sơn triển khai kế hoạch xây dựng đường cơ bản bên Đông Trường Sơn và cải tạo nâng cấp đường bên Tây Trường Sơn. Thực hiện chấn chỉnh lại tổ chức lực lượng, thành các Sư đoàn Binh chủng. Các lực lượng cơ bản chuyển sang phía đông, phía tây có Sư đoàn 472 để làm đường từ Bản Đông qua Sa la Van đến Phi Hà ngã ba Đông Dương nối sang Công Tum.
        Tổ chức của Sư đoàn Công binh 472:
       Hai Trung đoàn xe 32 và 33 được điều động về Sư đoàn ô tô 471. Các Trung đoàn Cao xạ, Giao liên. Tiểu đoàn kho, Bệnh viện 48 cũng được điều động đi. Còn lại Tiểu đoàn thông tin, Tiểu đoàn sửa chữa được tổ chức lại gọn nhẹ hơn, Tiểu đoàn sửa chữa tập trung vào sửa chữa xe máy Công binh.
Tư lệnh - Đào Kim Sơn
Chính uỷ - Võ Sở, sau đó là Hoàng Cam
Phó Tư lệnh - Nguyễn Đức Lợi
Phó Chính uỷ - Nguyễn Văn Hiểu.
Cơ quan có các phòng : Tham mưu, Công binh, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật.
       Lực lượng làm đường cơ bản gồm hai Trung đoàn Công binh 34, 35. Tiểu đoàn 41, Tiểu đoàn 29 và Tiểu đoàn 71 trực thuộc Sư đoàn, làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông.
        Để chỉ huy các đơn vị thi công, Sở chỉ huy Sư đoàn di chuyển từ khu vực đông bắc Mường Phìn vào sâu phía trong bên bờ nam sông Sê na Nông. Đoàn xe Ô Tô mấy chục chiếc hành quân cơ động di chuyển cơ quan Sư đoàn bộ với quãng đường gần ba trăm ki lô mét qua ba con sông lớn: Sê băng Hiêng, Sê Công, Sê la Nông. Lúc này Mỹ đã ngừng ném bom trên toàn Đông Dương nên việc hành quân cơ động cũng thuận lợi và diễn ra theo kế hoạch. Đến bờ nam sông Sê na Nông, toàn cơ quan Sư đoàn tập trung làm nhà gỗ xẻ, lợp tôn, lá cọ. Tuy Không còn máy bay đánh phá, nhưng vẫn còn đang chiến tranh, Bộ Tư lệnh Sư đoàn chỉ đạo tất cả các nhà ở đều đào âm 1,2 mét, có hầm chữ A bên cạnh.
       Khi đào xuống mới phát hiện ra đây là bãi tha ma của Bản Tà Ôi - huyện Mường Nòong - Tỉnh Sa la Van, một bản có bệnh hủi. Nhà Ban kế hoạch- Thi công của Phòng Tham mưu Công binh chúng tôi đào lên chục bộ hài cốt, nỗi lo lắng bao trùm lên toàn bộ cơ quan Sư đoàn. Xem rộng ra xung quanh, rất nhiều mộ họ đặt nồi trên mặt đất rồi xếp đá xung quanh, không chăm nom tu sửa đắp lại, chó tha cả xương lên mang đi rải rác trong khu vực. Thế rồi truyền nhau nếu đi tiểu vào mả hủi sẽ bị lây, ai cũng sợ, không ai dám đi tiểu nơi bờ bụi. Doanh trại nhanh chóng ổn định để chỉ đạo chỉ huy các đơn vị tranh thủ mùa khô triển khai xây dựng đường ngay. Công tác kế hoạch được xây dựng khẩn trương , tôi là trợ lý kế hoạch, dưới sự điều hành trực tiếp của Phó ban Nguyễn Viết Toàn, sau là Trưởng ban, tập trung làm liên tục ngày đêm để báo cáo Bộ Tư lệnh, giao nhiệm vụ cho các đơn vị.
Đưa đoàn Chính phủ Campuchia Dân chủ về nước.
       Hiệp định Paris kí kết ngày 27 tháng 1 năm 1973. Mỹ ngừng ném bom trên toàn bộ chiến trường Đông Dương. Đoàn gọi là “Chính phủ Campuchia Dân Chủ” từ nước ngoài qua Trung Quốc rồi nhờ Việt Nam giúp đỡ theo đường Trường Sơn về nước. Khiêu Xăm Phon về trước, Iêng Xa Ri cùng đoàn Chính phủ lưu vong hơn ba chục người về sau. Họ về vào tháng 8 năm 1973, giữa trung tâm của mùa mưa vô cùng khó khăn. Bộ đội Trường Sơn rải quân chống lầy suốt từ Bản Đông đường 9 vào đến sông Sê Na Nông với chiều dài khoảng hơn trăm rưỡi ki lô mét. Đường lầy lội lắm, phải chặt gỗ lát nhiều đoạn cho xe đi. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 472 cử một Đại đội Công binh vượt qua sông sang ứng cứu. Một chiếc xuồng máy chở 18 cán bộ chiến sĩ Công binh bị lũ nhấn chìm, chết 12 người. Sau nửa tháng lũ rút, chúng tôi tham gia đi tìm mới thấy xác. Ta vẫn quyết tâm chống lầy, ghép phà đưa họ qua sông. Đoàn dừng chân tại Sư đoàn bộ Sư đoàn 472. Đường vào phía trong quá lầy lội không thể đi được, phải dừng chân ở Sư đoàn bộ một tháng liền. Trong điều kiện dã chiến, Sư đoàn nhường chỗ ở tốt nhất cho Đoàn. Họ mặc toàn đồ đen, quần áo đen, mũ nồi đen, đeo cái túi đen, đi dép đen. Ieng Sary to cao, mập, da đỏ như gà chọi. Đêm nào cán bộ chiến sĩ cơ quan Sư đoàn chứng tôi , có Chính ủy Võ Sở, Tư lệnh Đào Kim Sơn cũng giao lưu nói chuyện gọi nhau bằng đồng chí, thật vui vẻ, thân tình. Khi ngớt mưa, Bộ đội Công binh bảo đảm đường, phối hợp với các lực lượng khác đưa đoàn về đến Campuchia an toàn tuyệt đối.
       Trung Quốc viện trợ cho Bạn 200 xe ô tô Giải phóng chở theo 800 tấn vũ khí . Đầu năm 1974 Tiểu đoàn 990B thuộc Sư đoàn 571 do Đại uý Nguyễn Văn Vui chỉ huy đã vượt qua rất nhiều khó khăn trên chặng đường dài 1.200 ki lô mét đường rừng núi phức tạp, đi trên đường do Sư đoàn 472 bảo đảm trên đất Lào , bị phỉ tập kích, đưa đến Stung Treng giao cho bạn đầy đủ xe và hàng.
       Đồng thời Việt Nam cũng giúp đỡ bạn về vũ khí, hậu cần vận chuyển trên đường Trường Sơn để kháng chiến chống lại quân đội của Lon Non, giải phóng Phnom Pênh , giải phóng hoàn toàn đất nước Campuchia. Tình nghĩa của Việt Nam như thế đấy.
Ngày 15 tháng 8 năm 2021


Bài số 15
NHỮNG CHUYẾN ĐI Ô TÔ BÊN LÀO
Chuyến Ô Tô đáng nhớ - Rời Binh trạm 32 về Trung Đoàn Công binh 30.
       Giữa năm 1972, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có phương án tổ chức lực lượng cho phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, chuyển các Binh trạm thành các Trung đoàn Binh chủng. Binh trạm 32 chuyển thành Trung đoàn ô tô 32, Binh trạm 30 chuyển thành Trung đoàn Công binh 30. Ban Công binh Binh trạm 32 được điều chuyển sang các Trung đoàn Công binh. Đại uý Đỗ Xuân Diễn - Binh trạm phó Binh trạm 32 phụ trách Công binh đã được điều đi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 từ mấy tháng trước. Trước khi đi, thủ trưởng gặp khen và động viên tôi cố gắng công tác, khi nào có quyết định ra Trung đoàn 6 với tớ nhé. Tôi yên tâm chờ, đại uý Nguyễn Khánh Điệp - Trưởng ban lên Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn, Thượng uý Nguyễn Văn Tửu - Phó ban sang làm Binh trạm phó Binh trạm 14, từ mấy tháng trước, Thượng uý Nguyễn Văn Quyết phó ban sang Trung đoàn Công binh 30, các sĩ quan đi hết, chiến sĩ cũng đi hết, còn lại mỗi mình tôi, thật là sốt ruột. Lên gặp Thiếu tá Nguyễn Thuận Quảng - Trung đoàn trưởng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Ô tô 102 Anh hùng rồi làm Binh trạm phó phụ trách Vận tải Binh trạm 32, tôi hỏi!
- Sao Em mãi không thấy quyết định đi đâu thủ trưởng!
- Cậu là do anh Diễn muốn đưa về Trung đoàn 6 giúp việc cho ông ấy, mà Trung đoàn 6 không thuộc Sư đoàn 472, phải qua Phòng Quân lực của Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
- Thế cậu quân hàm gì?
- Báo cáo Thủ trưởng, em được thăng quân hàm từ binh nhì lên hạ sỹ năm 1971 sau một năm nhập ngũ, từ chiến sỹ khảo sát rồi được giao làm thống kê cho Ban Công binh ạ.
- Thế thì về Trung đoàn 6 còn lâu lắm, thôi ở đây làm thống kê cho tớ.
- Em bên Công binh, không quen xe ạ.
       Thế là ông gọi cơ quan quân lực đến trao đổi, báo cáo lên Sư đoàn điều Hạ sĩ Hoàng Kiền về làm thống kê bên Trung đoàn Công binh 30.
       Mấy hôm sau có quyết định luôn. Thủ trưởng gửi theo xe ô tô chở hàng vào, đi qua Trung đoàn 30. Lần đầu tiên đi ô tô chạy ban ngày, một năm đi khảo sát, trinh sát đường, tôi đi rất nhiều tuyến đường khu vực bắc nam, từ đông sang tây đường 9 Nam Lào nhưng toàn đi ô tô ban đêm, máy bay AC-130 nó săn tìm đuổi bắn nguy hiểm lắm. Hôm nay xe chạy trên đường kín dưới tán rừng già thật tuyệt vời, đoàn xe nối đuôi nhau rầm rập tiến ra mặt trận khí thế hào hùng .
          MỞ ĐƯỜNG KÍN
       Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức hội nghị do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chủ trì. Sau khi nghe báo cáo và nghiên cứu các hoạt động của địch, đặc biệt là thủ đoạn đánh phá bằng máy bay AC-130, đồng chí Tư lệnh kết luận: Để tạo ra bước chuyển biến lớn trong công tác vận chuyển, tạo thế trận bất ngờ đối với địch, làm thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của ta, nhằm tăng cường tối đa khả năng chi viện cho chiến trường, mùa khô năm 1971 - 1972 ta phải sử dụng đường kín (sau thường gọi tắt là đường K) để thực hiện vận chuyển vào ban ngày. Muốn vậy, lực lượng Công binh cần phải chuẩn bị sớm, ngay từ đầu mùa mưa. Hội nghị quyết định các trục đường kín đi thẳng đến các chiến trường do Bộ Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo.
       Lực lượng mở đường kín được điều động, bổ sung. Ngoài lực lượng đã có, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức thêm 2 Trung đoàn Công binh cơ động là Trung đoàn 6 và Trung đoàn 8, trong đó Trung đoàn 8 chủ yếu là nữ công nhân giao thông chuyển sang. Đồng thời Bộ tăng cường cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn Trung đoàn Công binh 217 từ chiến trường thượng Lào vào. Một số lượng lớn Dân công hoả tuyến của 7 tỉnh Miền Bắc: Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Hưng cũng được tăng cường có thời hạn cho Trường Sơn.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho chiến trường ngày càng lớn nhưng Tuyến vận tải chiến lược lại chủ yếu là tuyến đường đất, chỉ bảo đảm vận chuyển khoảng 200 ngày trong một năm. Cần phải cải tạo rải đá, củng cố bến vượt cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nhưng nhu cầu trước mắt cấp bách là cần mở đường kín. Trung đoàn 217 và một số đơn vị khác chuyển sang mở đường 24.
       Với khí thế chiến thắng của mùa khô năm 1970-1971, ngày 15 tháng 7 năm 1971, bốn Trung đoàn Công binh cơ động (4, 6, 10, 217) rầm rập tiến quân vào mở đường 24, tuyến đường kín đi thẳng từ km 6 đường 18 đến kho K4 của Binh trạm 37.
       Ngày 30 tháng 11 năm 1971, toàn bộ tuyến đường 24 từ km 6 đường 18 đến km 22 đường 25 dài 299 km cơ bản được mở thông, trong đó 47 km đầu được rải đá, bảo đảm cho xe có thể hoạt động bình thường trong những ngày đầu mùa mưa và cuối mùa khô.
       Đến ngày 10 tháng 1 năm 1972, tuyến đường kín 24 hoàn thành với tổng chiều dài 533 km. Các con đường kín tiếp tục được kéo dài, thêm các trục dọc, trục ngang với tổng chiều dài lên tới 3.140 km. Thật kỳ diệu. Những đoạn đi qua địa hình trống trải, các đơn vị nữ Công binh làm các khung dàn bằng cây gỗ, lấy cành cây che phủ nguỵ trang, nhiều nơi lấy phong lan rừng treo lên nguỵ trang. Có đoạn, Công binh dùng dây rừng neo buộc các ngọn cây hai bên đường cho chụm vào nhau để tăng độ che phủ tán cây ngụy trang. Thật sáng tạo.
       Đường kín hoàn thành, mở ra một giai đoạn mới chuyển sang chạy ngày thật hiệu quả. Cơ bản loại AC-130 cũng như các loại máy bay khác “ra khỏi vòng chiến đấu”. Đây là một quyết tâm, một sáng tạo đặc biệt của Bộ đội Trường Sơn.
        VỀ TRUNG ĐOÀN 30
        Xuống xe ô tô, đi bộ một cây số là đến Sở chỉ huy Trung đoàn 30, tôi vào chào và báo cáo Đại uý Nguyễn Văn Nhâm - Trung đoàn trưởng, thủ trưởng rất vui, tôi đi khảo sát đường 32A, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 10 thi công, gặp nhiều lần nên hôm nay ông nhận ra. Ông chỉ đường về Ban Tham mưu, gặp Thượng uý Lê Văn Ngữ - Trưởng ban, được thủ trưởng tiếp nhận niềm nở và giao nhiệm vụ ngay. Toàn Trung đoàn vẫn đang mở đường K, nhiều đoạn tránh, khí thế thật sôi nổi, tôi làm thống kê , báo cáo với Chỉ huy Trung đoàn, báo cáo lên trên được các cấp tín nhiệm. Chưa gặp nhau bao giờ, chỉ qua điện thoại và văn bản báo cáo, Thiếu uý Dương Ngọc Đường - Trợ lý kế hoạch của Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472 rất tín nhiệm. Thế là cuối năm 1972 có quyết định điều về Phòng Công binh Sư đoàn 472. Chia tay với Trung đoàn Công binh 30 với Đại uý Nguyễn Văn Nhâm, Thượng uý Lê Văn Ngữ thật là lưu luyến.
        GẶP NHAU TẠI THỦ ĐÔ
       Nhân dân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Binh chủng Công binh : 25/3/1946 - 25/3/2006, trước khi làm lễ kỷ niệm, Bộ Tư lệnh tổ chức buổi gặp mặt các thế hệ cán bộ chiến sĩ Công binh khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận tại sân cơ quan Bộ Tư lệnh Công binh ở Hà Nội, khoảng 1.500 người về dự, rất nhiều đồng đội Công binh Trường Sơn, trong chống Mỹ, đã có 11 Trung đoàn Công binh thuộc Bộ Tư lệnh Công binh điều vào chi viện cho chiến trường Trường Sơn. Sau bài phát biểu của Thiếu tướng Hoàng Kiền - Tư lệnh Công binh, một số người đến gặp chào hỏi, gặp lại Đại tá Nguyễn Văn Nhâm, Trung tá Lê Văn Ngữ sau 34 năm, bắt tay ôm nhau thật xúc động. Tôi mời hai thủ trưởng vào phòng khách uống nước. Bác Nhâm cười nói, ông mới là thủ trưởng của chúng tôi chứ, cùng cười rất vui. Từ đó chúng tôi kết nối, thi thoảng tôi lên Hoà Bình thăm gia đình Đại tá Nguyễn Văn Nhâm - Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Công binh 565, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 30. Mấy năm sau bác mất thật là đau buồn , lên thăm chia buồn với gia đình, thắp nén hương thơm dâng lên hương hồn Thủ trưởng cũ của tôi với bao niềm thương tiếc. Tết nào tôi cũng sang Mê Linh thăm chúc tết gia đình bác Lê Văn Ngữ, lần nào đến Bác cũng mời các cụ cao niên trong xóm đến chờ đón khách, chúc tết, mừng tuổi các cụ, nâng ly thật vui, sâu đậm nghĩa tình. Thi thoảng đến thăm gia đình Đại tá Nguyễn Thuận Quảng - Nguyên: Phó tư lệnh Sư đoàn ô tô 471, Binh trạm phó Binh trạm 32, Trung đoàn trưởng Trung đoàn ô tô 32, cùng quận Cầu Giấy, mãi sâu đậm nghĩa tình.

Ngày 16 tháng 8 năm 2021
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam


(Còn nữa)
 
tin tức liên quan