"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 10)

Ngày đăng: 07:32 21/08/2021 Lượt xem: 347
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 10)
Bài số 16

NHỮNG CHUYẾN Ô TÔ ĐÁNG NHỚ BÊN LÀO
Chuyến Ô Tô đáng nhớ - Thăm nước bạn Lào, Thăm chiến trường xưa
       Tháng 8 năm 2014 tôi nhận quyết định nghỉ chờ hưu ở tuổi 64, tháng 10 nhận được điện thoại của Thuý Lành - Giám đốc Trung tâm thăm chiến trường xưa của Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh Việt Nam mời đi thăm nước Lào, thăm chiến trường xưa. Tôi trả lời là chưa lấy sổ hưu, chưa đi được. Mấy hôm sau cả Thuý Lành - Giám đốc và Quốc Đông - Phó Giám đốc cùng quê hương Nam Định đến thăm nhà tha thiết mời cả tôi và nhà tôi đi, Trung tâm đã đề nghị, có công hàm của Bộ ngoại giao nước Lào mời sang thăm nước Lào. Nể quá tôi điện cho Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới làm công văn báo cáo Bộ Quốc phòng, nhận được trả lời là cấp tướng đi nước ngoài phải được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý. Thông báo cho Trung tâm..., hai bạn lại đến nhà đề nghị, lần này có cả Đại tá Nguyễn Đắc Thể, cán bộ của Trung tâm cùng đến. Nể quá, nhất là bác Thể đã 83 xuân xanh rồi mà vẫn nhiệt tình đi thăm nước bạn Lào. Tôi nhận lời, lên gặp báo cáo trực tiếp Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trình bày cặn kẽ lý do, tôi chiến đấu bên Lào gần 6 năm trong chống Mỹ, hoà bình sang giúp bạn nhiều chuyến, nay các cựu chiến binh Trường Sơn muốn Thiếu tướng Hoàng Kiền dẫn đầu chuyến thăm... Nghe xong Bộ trưởng cũng giải thích qui định của trên và nói: riêng trường hợp của anh Kiền, trong mối quan hệ Việt Nam với Lào như anh em nên Bộ trưởng nhất trí cho đi, giao cho Thiếu tướng Ngô Quang Liên - Phó chánh văn phòng Bộ Quốc phòng ra thông báo.
      Đầu tháng 11 chiếc xe ô tô mang biển số Lào, phía trước xe có băng đỏ : "Đoàn Cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn - Quân tình nguyện Việt - Lào thăm chiến trường xưa" khởi hành từ nhà khách của Quân chủng Phòng Không- Không Quân trên đường Trường Chinh. Ba giờ rưỡi sáng đã gọi nhau dậy, đúng 5 giờ hành quân, Hà Nội - Vinh - Cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh, ngày đầu nghỉ đêm tại biên giới Hà Tĩnh. Ngày hôm sau qua cửa khẩu, đi thẳng ra quốc lộ 13, con đường xuyên ba nước Đông Dương xây dựng từ thời Pháp, đã được cải tạo nâng cấp khá êm, dọc quốc lộ 13 theo sông Mê Công, người dân bày bán rất nhiều cá khô đủ các loại, giá khá rẻ. Tối hôm đó nghỉ tại khách sạn Lát xa Vông, Thủ đô Viêng Chăn, phần lớn là người Việt Nam nghỉ tại đây. Sáng hôm sau đoàn đến thăm trao đổi với Hiệp hội Cựu chiến binh Quốc Gia Lào, Trung tướng Công an - Chủ tịch Hiệp hội Cựu chiến binh Quốc gia Lào phát biểu, giới thiệu về tổ chức, hoạt động của Hiệp hội Cựu chiến binh Quốc gia Lào. Thiếu tướng Hoàng Kiền - Trưởng đoàn phát biểu về Hoạt động của Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, hoạt động của Trung tâm thăm chiến trường xưa, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết hữu nghị thủy chung Việt Nam - Lào, hai bên trao đổi thân tình, tặng quà kỷ niệm. Qua trao đổi cho thấy một mô hình Cựu chiến binh của Bạn hoàn toàn khác Việt Nam. Việt Nam có Hội Cựu chiến binh, trong đó lực lượng chính là Bộ đội qua các cuộc kháng chiến. Bên Lào cả Bộ đội và Công an vào chung một Hiệp hội Cựu chiến binh. Chủ tịch Hiệp hội Cựu chiến binh là Cựu chiến binh Quân đội hoặc Công an, cơ quan Hiệp hội Cựu chiến binh bao gồm một số là cựu chiến binh, một số người đang công tác ở các cơ quan của Nhà nước được cử sang làm việc ở đây.
       Rất mừng tôi gặp lại Đại tá O Xả, nguyên Cục trưởng Cục Công binh quân đội nhân dân Lào đã nhiều lần gặp làm việc với nhau, hiện nay anh là Chánh văn phòng Hiệp hội Cựu chiến binh Quốc gia Lào.
      Buổi tối diễn ra cuộc giao lưu văn nghệ với Câu lạc bộ văn nghệ Việt kiều Xiêng khoảng tại Thủ đô Viên Chăn. Rất nhiều người Việt Nam sang sinh sống làm ăn tại tỉnh Xiêng Khoảng, sau đó họ về Viên Chăn cũng khá đông, gắn kết thành Hội Việt kiều Xiêng Khoảng tại Thủ đô Viên Chăn, họ lập ra các tổ chức trong đó có câu lạc bộ văn nghệ hoạt động rất đều đặn, mỗi tháng bà con gặp mặt một lần xem biểu diễn, giao lưu rất vui, thêm gắn bó tình quê hương trên đất bạn.
       Đoàn đi thăm các danh lam thắng cảnh tại Thủ đô Viên Chăn, chùa Thạt Luông, vị Sư trụ trì ở đây là người Việt kiều , thăm Khải hoàn môn, chợ đêm bên sông Mê Công rất hay.
       Đoàn lên thăm Kinh đô Luông - Pha - Băng, thăm cung Vua với kiến trúc rất đẹp, các đồ vật dát vàng có giá trị cao. Đặc biệt đến đây được hiểu thêm về lịch sử nước Lào.
       Luông-Pha-Băng là một tỉnh của Lào, thuộc địa phận miền bắc. Tỉnh lị của tỉnh có cùng tên, Louangphabang, từng là cố đô của Vương quốc Lan Xang trong suốt khoảng thời gian từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16. Vào năm 1995, nó được UNESCO xếp hạng Di sản Thế giới về kiến trúc, tôn giáo và văn hóa. Quá trình phát triển có sự pha trộn giữa kiến trúc nông thôn và thành thị trong nhiều thế kỷ, trong đó có ảnh hưởng bởi kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc vào thế kỷ 19 và thế kỷ 20.
       Louangphabang là cố đô của Lan Xang ("Vương quốc triệu voi") và là một trong những thành phố lâu đời nhất ở Lào, được thành lập khoảng 1.200 năm trước, đã trở thành thủ đô đầu tiên của Lào vào thế kỷ 14 khi vua Fa Ngum trở về từ Campuchia, nơi ông và cha của ông đã bị trục xuất bởi vị Vua trước tức là ông của Fa Ngum. Fa Ngum đã được sự hỗ trợ của quốc vương Khmer, đóng đô tại Siem Reap, cho đem theo hàng nghìn quân lính để giúp xây dựng vương quốc của chính mình.
       Năm 1353, vương quốc Triệu Voi được thành lập. Từ năm 1520, đất nước này mở mang nhanh chóng, bắt đầu đặt thủ đô tại Viêng-chăn. Cuối thế kỷ XVI, đất nước chia thành hai vương quốc – Luông Phra-bang và Viêng-chăn và một quốc gia Vương công –Chăm-pa-sắc. Năm 1779, bị Xiêm (Thái Lan) đô hộ. Đầu thế kỷ XIX, vương quốc Viêng-chăn sáp nhập vào nước Xiêm. Pháp can thiệp vào Lào năm 1893. Theo hiệp ước Lào-Xiêm, Lào nằm dưới sự bảo hộ của Pháp. Năm 1942, Nhật Bản đặt chân tới Vùng sông Mê-công. Năm 1945, Khởi nghĩa Viêng-chăn, thành lập Chính phủ độc lập. Năm 1946, Pháp lại chiếm Lào. Năm 1954, Pháp trao trả độc lập cho Lào theo Hiệp nghị Giơ-ne-vơ (1954). Tuy nhiên, Lào đã có nội chiến giữa các lực lượng Hoàng gia phản động thân phương Tây và những người Cộng sản Pa-thét Lào. Đến năm 1975, Pa-thét Lào tiếp quản Lào sau khi Mỹ rút đi. Chế độ quân chủ chấm dứt và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập. Từ năm 1990, Chính phủ bắt đầu tiến hành các cuộc cải cách và mở cửa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, các bộ tộc Lào đoàn kết giữ vững độc lập, chủ quyền, xây dựng một nước Lào văn minh, tiến bộ.
       Khi đoàn đi tham quan Bãi Phật, tôi tranh thủ đến thăm Cục Công binh Lào, được Lãnh đạo và cán bộ Cục Công binh đón tiếp thân tình, trao đổi để kết nối tiếp tục giữa Cục Công binh Lào với Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam.
       Đoàn thăm một số địa danh trong cuộc kháng chiến chống Pháp Đại tá Nguyễn Đắc Thể đã hoạt động, một số địa danh trong kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt đại tá Nguyễn Đắc Thể là Việt kiều Thái Lan, anh nhập ngũ vào Bộ đội Việt Nam từ năm 1951 bên Lào, đó là các đoàn 81, 82, 83 Viêng Chăn giúp cách mạng Lào trong chống Pháp. Chống Mỹ anh lại sang Lào, chống quân bành trướng phương Bắc anh lại sang Lào. Tổng số 52 năm chiến đấu công tác trên đất Lào, nói tiếng Lào như gió. Tuổi 83 đeo cái trống dài trên vai biểu diễn rất nhẹ nhàng uyển chuyển cùng Đội văn nghệ của đoàn giao lưu với Đội văn nghệ Việt kiều Xiêng Khoảng thật say sưa.
Chúng tôi kết thân với nhau qua chuyến đi này và ngày càng gắn bó.
       Trên đường hành quân theo đề nghị của đoàn, Thiếu tướng Hoàng Kiền nói chuyện về Đường Trường Sơn, về xây dựng và bảo vệ Trường Sa, về xây dựng Đường Tuần tra biên giới suốt quá trình chuyến đi với những thông tin bổ ích cho mọi thành viên. Trên đường về nghỉ lại nhà khách Cửa Lò của Quân khu 4, liên hoan giao lưu chia tay. Tôi đọc bải thơ dài về chuyến đi do tôi sáng tác được tất cả đoàn nhiệt liệt hoan nghênh…
Chuyến đi thật là vui và ý nghĩa.

 

Thiếu tướng Hoàng Kiền và Đại tá O Xả, nguyên Cục trưởng Cục Công binh quân đội nhân dân Lào 
 
Bài số 17

NHỮNG CHUYẾN Ô TÔ ĐÁNG NHỚ BÊN LÀO
Chuyến Ô Tô đáng nhớ - Thăm nước Lào, Thăm chiến trường xưa Thượng Lào
       Tháng 10 năm 2018 Trung tâm thăm chiến trường xưa của Hội Trường Sơn Việt Nam, Giám đốc Thuý Lành, Phó Giám đốc Quốc Đông mời chúng tôi Hoàng Kiền - Ngô Thị Khiếu đi thăm nước Lào, thăm chiến trường xưa khu vực Thượng Lào, lúc này đã nhận sổ hưu, đi vô tư. Vẫn 5 giờ sáng xe khởi hành từ nhà khách Quân chủng Phòng Không- Không Quân hướng vào Thanh Hoá. Đến thành phố Thanh Hoá dẽ tay phải lên cửa khẩu Na Mèo, đường đi lên biên giới miền tây Thanh Hoá mới khó khăn làm sao. Bảy năm làm đường Tuần tra biên giới tôi đi mòn lốp xe ô tô nên quen rồi, các Cựu chiến binh tuổi cao nay mới đi thì gian nan lắm. Cứ thấy mọi người xin túi bóng suốt, mùi cơm đang lên men xả ra rồi bao trùm dần lan toả khắp xe, kích thính nhau cùng nôn tập thể cho hoà đồng. Tôi đọc mấy câu thơ động viên các đồng đội.
Đường lên cửa khẩu Na Mèo
Quanh quanh uốn lượn núi đèo vực sâu
Ngược đường xe chở bương vầu
Rừng non thăm thẳm một màu lên xanh
Lắc lư du khách bộ hành
Đang đà ca hát phải đành ngồi yên
Đến cửa khẩu chín giờ đêm
Nhiều cụ sức yếu say mềm bỏ cơm.
       Đến cửa khẩu Na Mèo là 9 giờ đêm, ai cũng mệt trừ hai chúng tôi đi nhiều quen rồi, ăn tối nghỉ đêm tại đây.
       Sáng hôm sau làm thủ tục xuất cảnh, hai đồng đội quên hộ chiếu, lại không mang chứng minh thư, phải quay về. Lần đầu tiên đi ra nước ngoài, chuẩn bị mãi mới làm được cái hộ chiếu, mừng lắm, trước khi đi con cháu tổ chức liên hoan, nâng ly hăng quá, quên hộ chiếu để trong tủ chưa lấy ra. Nhìn hai anh nỗi buồn sâu thẳm trong lòng. Quay ra Hà Nội mới mệt chứ.
       Tôi gọi, đi theo tôi, vào đồn Na Mèo làm việc. Vào đến cửa đồn, anh em chạy ra chào đón niềm nở, bảy năm làm Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới, rất nhiều lần làm việc với Đồn, ăn ngủ với anh em ở đây, tình cảm gắn kết thân thương. Tôi trình bày trường hợp hai đồng đội thăm chiến trường xưa mà quên không mang hộ chiếu, đề nghị Đồn linh động cho sang thăm nước Lào thăm Chiến trường xưa. Đồn trưởng đồng ý giải quyết ngay nhưng về qua cửa khẩu khác thì không về được. Tôi đề nghị cứ viết cho hai giấy giới thiệu, về cửa khẩu khác tôi chịu trách nhiệm, thế là hai anh tươi cười phấn khởi lại lên xe tiếp tục hành trình. Đi vào mùa mưa, thật là gian nan. Chiều hôm ấy đến Sầm Nưa, Thủ đô kháng chiến của nước bạn Lào, mua vé đi tham quan, tôi giới thiệu về những công trình Việt Nam giúp Lào xây dựng ở đây. Trung đoàn Công binh 217 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh đã sang đây xây dựng công trình cho căn cứ Trung ương bạn. Từ năm 1964 đến năm 1968 hàng chục hang động được cải tạo, đường hầm được xây dựng từng bước đưa vào hoạt động. Hệ thống công trình đã góp phần bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ Lào hoạt động trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
       Đoàn vào thăm một số hang động chính, nơi làm việc của các vị lãnh đạo, nơi họp Bộ chính trị, hội trường Quốc hội... ai cũng có ấn tượng sâu sắc và cảm động.
Căn cứ địa cách mạng Sầm Nưa
       Trong số những địa danh lịch sử của đất nước Triệu Voi, không thể không nhắc tới Sầm Nưa, một căn cứ địa cách mạng nổi tiếng, nơi chở che, đùm bọc các Chiến sĩ cách mạng Lào hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó, có những người con ưu tú như: Cay-xỏn Phôm-vi-Hẳn, Hoàng thân Xu-va-nu-Vông, Khăm-tay Xi-phăn-Đon... Đây là nơi ra đời Đảng Nhân Dân cách mạng Lào, lực lượng vũ trang cách mạng Lào và Mặt trận Lào yêu nước. Sầm Nưa còn đi vào lịch sử của hai dân tộc Việt Nam - Lào như một biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị, đoàn kết và liên minh chiến đấu giữa hai nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
       Tháng 3-1946, Thực dân Pháp đưa quân tái chiếm nước Lào. Chính phủ cách mạng lâm thời Lào phải tạm lánh sang Băng-cốc, Thái-lan; một bộ phận trung kiên khác sang Việt Nam xây dựng cơ sở cách mạng Lào. Từ tháng 12-1946, lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã xây dựng được nhiều căn cứ và sau đó phát triển thành các chiến khu rộng lớn ở vùng tây, Thượng Lào và vùng đông-bắc Lào. Từ những đơn vị chiến đấu đó, ngày 20-1-1949, tại Lát-xa-Vông, xã Lào Hùng, huyện Xiêng Kho, tỉnh Hủa Phăn, Quân đội Lào It-xa-La tuyên bố chính thức thành lập Bộ chỉ huy đầu tiên do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-Hản làm Tổng chỉ huy. Đây là đội tiền thân của Quân đội Nhân dân cách mạng Lào.
       Sau những năm tháng chiến đấu gian khổ, được sự giúp đỡ hết lòng của Bộ đội tình nguyện Việt Nam, nhân dân các bộ tộc Lào đã giành được thắng lợi to lớn, buộc quân Pháp phải rút về nước, hòa bình được lập lại. Nhưng chưa được bao lâu, đế quốc Mỹ lại tiến hành xâm lược Đông Dương. Cuộc chiến đấu của nhân dân các bộ tộc Lào bước sang thời kỳ mới - thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương và để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Lào giành được thắng lợi hoàn toàn, trước hết, cần phải có Đảng cách mạng tiên phong lãnh đạo. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-Hản và các đồng chí Đảng viên Cộng sản ở Lào tập trung chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của một Đảng cách mạng chân chính Lào. Căn cứ địa Sầm Nưa được chọn là nơi tổ chức Đại hội thành lập Đảng từ ngày 22-3 đến 6-4-1955, với 25 đại biểu ưu tú tham gia. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-Hản, thay mặt cho Ban tổ chức và Ban trù bị Đại hội trình bày Báo cáo Chính trị thành lập Đảng. Báo cáo nhấn mạnh đến nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn mới là "đoàn kết, lãnh đạo toàn dân phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng". Báo cáo chính trị xác định rõ nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng Lào tiến lên, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc. Đại hội thảo luận và thông qua Điều lệ Đảng, lấy tên là "Đảng Nhân dân Lào". Đại hội bầu Ban chỉ đạo Trung ương Đảng do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-Hản làm Bí thư. Tại vùng đất này Mặt trận Lào yêu nước - Neo Lào Hắc xạt được thành lập (6-1-1956). Sự ra đời của Đảng Nhân dân Lào đã tạo sự biến đổi về chất trong tiến trình đấu tranh cách mạng Lào, đặc biệt trong giai đoạn cả nước đứng lên kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc tới thắng lợi hoàn toàn.
       Mảnh đất và con người Sầm Nưa còn mang một sứ mệnh Quốc tế quan trọng là căn cứ địa chung của hai nước Việt Nam - Lào trong suốt hai cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt chống đế quốc xâm lược để giành tự do, độc lập. Từ khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương lần thứ hai, bước chân của các đoàn quân Tây tiến từ Hà Nội ngược lên Tây Bắc, vượt biên giới sang Sầm Nưa đánh địch giúp bạn. Những đoàn quân mà Nhà thơ Quang Dũng đã mô tả trong bài “Tây Tiến”: “Đường đi thăm thẳm một chia phôi/ Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy”, để rồi “Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi” mãi mãi là một khúc ca hùng tráng về liên minh chiến đấu Việt Nam -Lào. Từ căn cứ địa cách mạng này, những đoàn quân chủ lực của ta luôn sát cánh cùng các đơn vị bạn tiến công địch ở Thượng Lào, chia lửa ở chiến trường Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, Đường Chín - Nam Lào, Trung Lào, nơi tiếng súng những tháng năm đánh Mỹ cứ vang rền theo chiến dịch. Sầm Nưa còn ôm trong lòng đất hàng nghìn linh hồn của những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh anh dũng trên đất Hủa Phăn vì sự nghiệp độc lập và thống nhất của cả hai dân tộc. Sầm Nưa và người con gái xinh đẹp vùng đất này đã trở thành nguồn cảm hứng cho người chiến sĩ quân tình nguyện, nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác bài hát nổi tiếng “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp”. Bài hát ca ngợi hình ảnh người con gái Lào đang say mê múa điệu Lăm-vông, một điệu múa dân tộc đặc sắc của đất nước Triệu voi với các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam bên đống lửa bập bùng, biểu tượng cho tình cảm gắn bó, đoàn kết keo sơn vốn đã tự rất lâu đời của hai nước, hai dân tộc Lào - Việt. Nó cũng trở thành bài hát truyền thống trong các cuộc gặp gỡ, giao lưu hữu nghị giữa Việt Nam - Lào và trong những ngày lễ hội ở Lào, nhất là tỉnh Hủa Phăn.
       Năm nay, đi cùng Đòan cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, Bộ đội Trường Sơn sang thăm Căn cứ địa cách mạng Sầm Nưa và tham gia các hoạt động thúc đẩy tình đoàn kết Việt Nam - Lào là dịp quý hiếm giúp đoàn hiểu sâu thêm về mối quan hệ gắn bó giữa hai nước. Nhiều bác trong Đoàn tuổi cao, sức yếu, có người đã hơn 80 tuổi, nhưng tinh thần còn rất hăng hái, chẳng quản ngại đường xá xa xôi, cách trở, giống như thời trai trẻ, quyết tâm quay lại vùng đất năm xưa để gặp các bạn Lào thân thiết đã từng kề vai, sát cánh chiến đấu bên nhau, đúng như câu thơ của Bác Hồ:
“Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
Việt-Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.”
       Vào thăm hang động, đường hầm tôi giới thiệu những công trình Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam đã tổ chức xây dựng giúp bạn để các thành viên trong đoàn hiểu và tự hào.
       Tối hôm ấy đoàn gặp giao lưu với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hủa Phăn, múa Lăm vông thật là vui, Đội văn nghệ của Trung tâm biểu diễn các tiết mục Việt- Lào thêm thắm tình hữu nghị. Sáng hôm sau đoàn vào thăm tỉnh đội trao đổi thân tình, tặng quà, thống nhất chương trình kế hoạch đi thăm các đơn vị trong tỉnh Hủa Phăn.
       Đoàn đi thăm Cánh đồng Chum, thăm hiện vật những chum đá nơi đây
      Cánh đồng Chum là một cảnh quan khảo cổ cự thạch ở Lào. Nó bao gồm hàng nghìn chum đá nằm rải rác dọc theo thung lũng và cánh đồng thấp của đồng bằng trung tâm thuộc Cao nguyên Xiengkhuang. Hầu hết chúng nằm thành từng cụm với số lượng từ một cho đến vài trăm cái chum.
       Cao nguyên Xiengkhuang nằm ở cuối phía bắc của Dãy Trường Sơn, dãy núi chính trên bán đảo Đông Dương. Nhà nghiên cứu người Pháp Madeleine Colani vào cuối những năm 1930 đã kết luận rằng, những chiếc chum này liên quan đến hoạt động chôn cất thời tiền sử. Cuộc khai quật của các nhà khảo cổ Lào và Nhật Bản trong những năm qua đã hỗ trợ cho giải thích này với việc phát hiện ra hài cốt của con người, hàng hóa chôn cất và gốm sứ trong các chum. Các nhà nghiên cứu (sử dụng phát quang kích thích quang học) đã xác định rằng những chiếc chum được đặt ở vị trí sớm nhất là vào khoảng năm 1240 đến năm 660 trước Công nguyên và là một trong những địa điểm thời tiền sử quan trọng nhất ở Đông Nam Á.
       Có tổng cộng hơn 90 địa điểm đã được phát hiện tại tỉnh Xiengkhuang. Mỗi một địa điểm có từ một cho đến bốn trăm chum đá. Chúng khác nhau về chiều cao và đường kính từ 1-3 mét, và tất cả đều được đẽo từ đá. Chum đá có hình trụ với đáy lớn hơn miệng.
       Các nhà khảo cổ tin rằng các chum này có niên đại 1500 đến 2000 năm, được những người thuộc nhóm Môn-Khmer mà nền văn hóa của họ ngày nay không được người ta hiểu biết thấu đáo làm ra. Phần lớn các hiện vật khai quật có niên đại 500 trước Công nguyên - 800 sau Công Nguyên. Các nhà Nhân loại và Khảo cổ học cho rằng có thể các chum này đã được sử dụng để đựng di cốt hoặc chứa thực phẩm.
       Các câu chuyện huyền thoại của người Lào cho rằng có những người khổng lồ đã từng định cư ở khu vực này. Theo một truyền thuyết khác, một vị Vua cổ đại tên là Khun Cheung - đã tiến hành cuộc chiến chống lại kẻ thù thành công. Ông đã cho tạo lập cánh đồng chum để ủ lên men và chứa số lượng lớn rượu gạo lao lao để ăn mừng chiến thắng.
       Người phương tây đầu tiên tiến hành khảo sát, nghiên cứu và ghi chép liệt kê các hiện vật của cánh đồng chum là một nhà khảo cổ học người Pháp tên là Madeleine Colani thuộc Viện Viễn đông Bác cổ (École Française d'Extrême Orient những năm 1930. Bà đã cùng với nhóm nghiên cứu của mình khai quật khu vực Cánh đồng Chum và phát hiện ra một hang động gần đấy với các di hài của con người, bao gồm cả xương và tro bị đốt. Các khai quật của bà là toàn diện nhất dù đã có những cuộc khai quật khác.
       Một quả bom của Mỹ đã phá hỏng một hang động trong thời kỳ chiến tranh xâm lược Việt Nam - Lào khi quân đội Pathet Lào sử dụng hang động làm căn cứ .
       Đoàn thăm tặng quà huyện đội Viêng Xay, một đơn vị bộ binh. Đặc biệt thăm tặng quà Trường phổ thông dân tộc nội trú , tặng nhà trường một bộ máy vi tính, một số vở học tập, một số dụng cụ thể thao gồm lưới bóng và bóng chuyền, một số đèn net. Hai bên giao lưu trao đổi tìm hiểu. Thiếu tướng Hoàng Kiền - Trưởng đoàn phát biểu về quá trình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào, được toàn thể Ban giám hiệu và các thầy cô giáo hoan nghênh. Tìm hiểu về cuộc sống của các thầy cô và các cháu học sinh còn rất nhiều khó khăn, phải lao động tự túc thêm lương thực, thực phẩm. Đây chính là nguồn cán bộ tương lai của nước Lào.
       Đoàn đến thăm tượng đài chiến thắng Việt - Lào mới khánh thành, đọc văn bia ai cũng tự hào về tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
       Đoàn được đồng chí Tỉnh đội phó tỉnh Hủa Phăn đưa đi thăm đơn vị bảo vệ căn cứ Pha - Thí, một điểm cao 1730 mét, căn cứ Ra đa của không quân Mỹ trước đây ta đã tiêu diệt .
Chỉ có 4 người lên được:
Thiếu tướng Hoàng Kiền 68 tuổi
Đại tá Nguyễn Đắc Thể 86 tuổi
Nhà giáo Ngô Thị Khiếu 64 tuổi
Đồng chí Bun Lửa - Bí thư thứ hai Đại sứ quán Lào tại Hà Nội về nước đón đoàn đưa đi thăm các nơi, nhưng anh không lên được đến đỉnh núi Pha Thí, "mất sức chiến đấu" giữa chừng.
       Đoàn thăm, tặng quà, ăn cơm trưa với đơn vị khi xuống chân núi. Đơn vị tặng Thiếu tướng Hoàng Kiền một bình rượu to ngâm sâm Pha Thí, vị tướng nước ngoài đầu tiên trên thế giới leo lên đỉnh Pha Thí. Bình rượu sâm Pha Thí uống đến nay vẫn còn nhiều.
       Kết thúc chuyến thăm, đoàn về theo đường qua cửa khẩu Lóng Sập - Pa Háng thuộc huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La. Đường về còn gian nan hơn lúc đi.
Đi từ Thanh Hoá - Na Mèo
Sang Hủa Phăn thấy núi đèo gian lao
Một tuần thăm nước bạn Lào
Về qua Pa Háng gian lao hơn nhiều
Chuyến đi thêm biết những điều
Hai cuộc kháng chiến bao nhiêu nghĩa tình
Chia tay về với gia đình
Đậm sâu kỷ niệm lòng mình xốn xang.

Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

(Còn nữa)
tin tức liên quan