"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 23)

Ngày đăng: 04:09 03/09/2021 Lượt xem: 327
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 23)
Bài số 30

NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO NHỚ MÃI
Chuyến Đi Bộ đáng nhớ - Vượt Trường Sơn

         Ngày 19 tháng 8 năm 1970, thầy giáo Trường cấp hai xã Giao Tân - huyện Xuân Thủy - Tỉnh Nam Hà Hoàng Kiền lên đường nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện Tiểu đoàn 605 hành quân vào chiến trường đánh Mỹ...
       Từ Cự Nẫm - Bố Trạch - Quàng Bình chúng tôi đi ca nô lên biên giới, cũng không biết là sông gì vì đi ban đêm. Lên bờ có ô tô ba cầu đón. Mỗi Trung đội một xe, đêm tối mù mịt, xe có đèn rùa bò theo đường rừng lắc lư nhảy chồm chồm như xóc ốc. Một tiếng sau các chiến sĩ bắt đầu nôn oẹ ra, nhiều người nôn ra cả mật xanh mật vàng, trên xe duy nhất mình tôi là không bị nôn. Xe dừng, tất cả tụt xuống, tiếp tục đi bộ. Trời mưa nhỏ, đường trơn nhầy nhụa, dép cao su cứ trầy trật ra. Cả Trung đội bám nhau hành quân theo ánh đèn pin leo lét. Khoảng hai tiếng sau đến Trạm giao liên. Chúng tôi mắc tăng võng, bẻ cành cây chùi chân chứ làm gì có nước để rửa, leo lên võng ngủ. Đêm đầu tiên ngủ trên rừng Trường Sơn. Từ đây cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn bắt đầu.
       Đi theo đội hình Tiểu đoàn, trèo đèo lội suối, mỗi ngày một chặng, đến Trạm giao liên nghỉ đêm. Đường hành quân trơn dốc đứng, vực sâu, muỗi vắt nhiều vô kể. Cuộc hành quân vô cùng gian nan. Mỗi người đeo một ba lô quân tư trang, súng đạn, một bao tượng gạo, xoong nồi Tiểu đội phân công nhau mang. Đến Trạm giao liên nghỉ dừng chân, đào bếp Hoàng Cầm nấu cơm chiều ăn, mắc tăng võng ngủ đêm. Bình minh tỉnh giấc, nấu cơm ăn sáng, nắm mang theo ăn trưa cùng nước sôi cho vào bi đông uống dọc đường cả ngày. Hôm ấy đến lượt tôi nấu nước cho Tiểu đội, đang rót vào bi đông, bỗng dưng xoong nước đổ ụp xuống hai bàn chân, tôi kêu to lên, cả Tiểu đội chạy đến ứng cứu, các anh cán bộ khung cũng đến hướng dẫn xử lý. Cho tôi lên võng ngồi đưa hai chân vào xoong to, đổ gạo ở các bao tượng ra cho ngập đến ống chân, một tiếng sau nhấc ra bôi kín thuốc mỡ sau đó ngâm hai bàn chân vào chậu nước muối. Tôi nằm nghiêng trên võng lo suốt đêm, phen này mình phải ở lại tách khỏi Tiểu đoàn. Mờ sáng tôi nhấc chân ra, tôi đứng dậy reo lên: Hành quân được rồi! Thật là may. Sự cố đầu tiên ấy tôi nhớ mãi suốt đời.
       Qua các khu vực trọng điểm máy bay địch đánh phá, phải hành quân đêm, pháo sáng trên trời không giây nào ngừng. Chúng tôi chân bước nhanh, chạy vượt qua trọng điểm thật hồi hộp. Mồ hôi toát ra đầm đìa.
       Dọc đường đi qua các khu vực có bản làng của nước Lào, nhân dân ra đứng dọc hai bên đường trao đổi hàng hoá với Bộ đội. Dân cần đá lửa, mì chính, kim khâu, chỉ khâu; Bộ đội ta được phổ biến kinh nghiệm đều mang theo từ Miền Bắc để đổi lấy hoa quả, bí đỏ, bí xanh, rau các loại, có cả gà, thú rừng .... Hậu cần tại chỗ, quân dân hai nước thắm tình hữu nghị trên những cung đường Trường Sơn ra mặt trận.


Ảnh minh họa
 
       Tiểu đội tôi có anh Đặng Quý Thiều, người thành phố Nam Định. Anh học cùng lớp Trường Trung cấp Sư phạm với tôi. Sức khoẻ anh yếu quá. Hành quân bộ khoảng hai tuần anh không đi được nữa. Chúng tôi báo cáo lên trên để lại Trạm giao liên rồi quay ra, nhưng anh không chịu, cứ nhất định xin đi cùng vào chiến trường đánh Mỹ. Tinh thần của lớp Thanh niên thời ấy là như thế. Ba lô của anh Thiều được phân ra cho Tiểu đội mang giúp. Trong ba lô của tôi còn mang theo bộ sách toán - lý - hoá cấp 3 vào chiến trường tự học, ôn thi Đại học, vẫn nhận dắt anh Thiều suốt gần một tháng trời hành quân trên đường giao liên Trường Sơn. Đặng Quí Thiều chống gậy đi người không, gắng nâng bước trên con đường giao liên dốc đứng vực sâu, trơn trượt nhơm nhớp bùn nâu. Ngày nào hai chúng tôi cũng đi rớt lại phía sau cùng của đội hình.
       Hơn một tháng chúng tôi vào đến đường 9 Nam Lào, rồi được bổ xung cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
      Cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn theo đường giao liên vô cùng khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; nhưng khí thế lên đường vẫn hừng hực, hào hùng thôi thúc đoàn quân ra chiến trường đánh Mỹ ngụy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vào đến đường 9 Nam Lào đã là một một sự cố gắng lớn. Những đơn vị vào miền Đông Nam Bộ phải đi mất gần 6 tháng vượt Trường Sơn. Đến miền Tây Nam Bộ mất bảy tháng hành quân, chưa chiến đấu cũng xứng đáng được thưởng Huân chương rồi.
       Cuối năm 1970 dừng chân tại Trạm giao liên ở Bắc đường 9, giao quân cho Binh trạm 32. Đây là chuyến đi bộ gian nan nhất đời tôi.
VƯỢT TRƯỜNG SƠN
Tuổi đời mười tám đôi mươi
Trong như tiếng hạc lưng trời bay xa
Vai đeo khẩu súng AK
Ba lô con cóc đẫy đà trên lưng
Trường Sơn điệp điệp trùng trùng
Núi cao cao tới tận cùng mây xanh
Tinh thần ý chí sức thanh
Giục ta thôi thúc bước nhanh trên đường
Khó khăn gian khổ coi thường
Vững chân vượt dốc xuyên rừng trèo non
Dép cao su, đá núi mòn
Mũ tai bèo gọn để còn hành quân
Trạm giao liên điểm dừng chân
Bếp Hoàng Cầm vội đào gần suối khe
Cành cây thấy khói phủ che
Tiểu đội cơm nấu, ăn ... vê nắm tròn
Mỗi ngày một chặng đường mòn
Đêm đêm mắc võng ngáy giòn giấc say
Chăn đơn phủ ấm sương bay
Tăng che mưa nắng những ngày trường chinh
Đường vào tuyến lửa quang vinh
Thắm tình đồng đội, nặng tình nước non
Khó khăn gian khổ chẳng sờn
Bừng lên ý chí lòng son kiên cường
Cùng nhau hướng tới tiền phương
Dẫu cho bom đạn cản đường chặn ta
Mưa rừng, muỗi vắt, vàng da
Gian nan thử thách vượt qua một lòng
Mai ngày kháng chiến thành công
Trường Sơn huyền thoại mãi không phai nhoà
Tình đồng đội đẹp như hoa
Vào Nam đánh Mỹ, bài ca diệt thù.
       Trong 14 năm, từ 1959 đến 1973, đường giao liên, gùi thồ Trường Sơn đã hình thành và phát triển trên cả hai hướng Đông và Tây Trường Sơn, trong đó bên Tây Trường Sơn là chủ yếu. Nó có chiều dài hơn 3.000 ki-lô-mét trong đó có hơn 500 ki-lô-mét đường voi, ngựa, xe đạp thồ. Tuyến đường này đã tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn. Đã vận chuyển vào chiến trường hàng chục nghìn tấn vũ khí, khí tài, hàng chục nghìn tấn gạo cùng hàng quân nhu khác.
       Đến 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Mỹ ngừng ném bom trên toàn chiến trường Đông Dương. Đường Giao liên bộ, gùi, thồ cơ bản kết thúc nhiệm vụ, chuyển sang hành quân bằng cơ giới.
Năm 1974, các đơn vị giao liên đường bộ tổ chức thành hai Trung đoàn giao liên cơ giới gồm Trung đoàn 572 và Trung đoàn 573 bảo đảm hành quân cơ giới cho 40 vạn quân vào chiến trường tham gia cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
       Hệ thống đường giao liên Trường Sơn
Giao liên bộ: 13 Tiểu đoàn với 60 Trạm giao liên (mỗi Trạm giao liên tương đương cấp Đại đội)
Giao liên cơ giới: 13 Trạm ( năm 1973 thành lập 2 Trung đoàn).
Giao liên thuyền: 3 Trạm.
       Bộ đội giao liên, gùi thồ, những người chiến sĩ trên các cung đường mòn trên đỉnh Trường Sơn với “Đôi vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm”, bằng trí thông minh, lòng dũng cảm, mưu trí, tinh thần phục vụ thật tận tuỵ, đã tạo ra các Trạm giao liên bí mật, kín đáo suốt chiều dài đại ngàn Trường Sơn; là nơi dừng chân ăn nghỉ cho cho “khách”. Các Trạm giao liên tổ chức dẫn đường hàng ngày cho các đoàn quân trên đường ra mặt trận, nuôi dưỡng thương bệnh binh ốm đau khi hành quân qua trạm; đưa thương binh ra Bắc, đã đưa nhiều đoàn cán bộ cao cấp của Trung ương vào ra chiến trường. Giao liên Trường Sơn xứng đáng với 10 chữ vàng “Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường”.
       Chiến công lớn lao, sự hy sinh chịu đựng gian khổ của Bộ đội giao liên anh hùng để lại ấn tượng sâu đậm. Chiếc gậy Trường Sơn trên đường hành quân bộ, đoàn xe hành quân cơ giới thần tốc mãi mãi là hình ảnh tuyệt đẹp của người chiến sĩ giao liên Trường Sơn.

Ngày 27 tháng 8 năm 2021
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
(Còn nữa)
 
tin tức liên quan