"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 30)

Ngày đăng: 04:17 10/09/2021 Lượt xem: 389
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 30)
Bài số 37

NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO

CHUYẾN ĐI KHẢO SÁT ĐƯỜNG VÀO KHO TRÊN ĐƯỜNG KÍN

       Đề đối phó với sự đánh phá của máy bay AC - 130, cuối năm 1971 tuyến đường kín được mở ra, một phương thức vận chuyển mới bằng ô tô từ chạy đêm sang chạy ngày trên đường kín là chủ yếu, một số xe vẫn phải chạy ban đêm trên đường hở để nghi binh . Hệ thống kho hàng của các Binh trạm cũng phải điều chỉnh cho phù hợp, đều phải chuyển về bám sát các trục đường Kín. Binh trạm 32 có hai kho, trong đó có một kho gần đường 128 B ở khu vực bắc đường 9, mới đi chuyển sang đường 32 A ( sau này là đường 24), đang xây dựng thì B52 đến thả bom bi nổ chậm, gần chục người thương vong. Tổ khảo sát Binh trạm 32 chúng tôi tham gia ứng cứu kho và thương binh, tử sĩ. Qua rà sát phát hiện ra địch đã thả các thiết bị trinh sát điện tử, tìm ra kho của ta nên cho B52 đến oanh tạc. Một trung đội Công binh của Tiểu đoàn 69 được điều đến cùng Tiểu đội khảo sát của Ban Công binh lùng sục rà soát thu hồi được hai loại.
       SPIKE BUOY: Cảm ứng âm thanh do máy bay thả xuống lẫn màu cây cỏ, lặng lẽ phát hiện mọi loại tiếng động báo về Trung tâm. Nó nhỏ như bao thuốc lá thôi, tìm nhặt gom lại một đống đốt.
        ASIT: Còn gọi là cây nhiệt đới. Đây là một thiết bị trinh sát điện tử thu tiếng động. Hình dáng của nó tròn dài, đầu nhọn, dùng máy bay bay thấp thả xuống các khu vực nghi có lực lượng của ta. Nó rơi cắm sâu xuống đất thò lên chiếc an ten có râu gồm 1 an ten đứng là an ten phát và 5 râu ngang là an ten thu trông giống như cây rừng nhiệt đới. Nó thu tiếng động phát ra báo về sở chỉ huy phân tích là xe hay đoàn người. Tìm thấy mấy chục cái, túm 5 râu an ten ngang vào râu an ten đứng buộc lại là nó mất tác dụng, đây là thiết bị trinh sát điện tử hiện đại nhất của Mỹ.
       Loại thứ ba: Nhìn lên cao có loại nó thả có dù con bám trên cành cây cao chót vót rất khó thu hồi.
       Vị trí này đã bị lộ do thiết bị trinh sát điện tử của Mỹ.
     Hệ thống thám báo tự động với thiết bị điện tử thả xuống đại ngàn Trường Sơn gồm 100 loại khác nhau. Người Mỹ mệnh danh là “thám tử dấu mặt”, “những kẻ gác đường”. Nó thả xuống khắp các nẻo đường, các cánh rừng, các con đường giao liên vv... Nó ngửi được mùi mồ hôi, mùi nước tiểu, các tiếng động và bức xạ nhiệt ...Tất cả mọi hoạt động của con người, xe, pháo đều bị chúng phát hiện báo về sở chỉ huy.


Giới thiệu về "Cây nhiệt đới" trong một chương trình đặc biệt của Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh
 
       Trung tâm thu thập tin tức đặt tại Nakhon Phanom - Thái Lan. Với 2 máy tính khổng lồ IBM- 360-65, Trung tâm quán xuyến toàn bộ những thiết bị điện tử đã rải xuống 40.000 km2 trên địa bàn Trường Sơn. Chúng kiểm soát từng vùng theo mã số, đánh hơi người, thu âm thanh theo các tần số, phát hiện những vật di động... xác định chính xác thời gian, địa điểm rồi thông báo tức thì cho các loại máy bay túc trực trên không thường xuyên được gọi là “diều hâu săn mồi”đến đánh phá. Chi phí cho toàn bộ hệ thống thám báo tự động này là 1,7 tỷ USD.
       Ban Công binh báo cáo khu vực kho đã bị lộ, Binh trạm Trưởng Đặng Văn Ngữ quyết định di chuyển kho đến địa điểm mới vào sâu nam đường 9 khoảng 15 ki lô mét. Đội khảo sát của Ban Công binh do Thiếu uý Nguyễn Minh Hương phụ trách, đồng chí Nhân tiểu đội trưởng, các chiến sĩ Kiền, Thìn ( Từ Liêm), Long ( Hà nội), Long ( Thanh Hoá ), Trường; có Trợ lý dân vận của Binh trạm Trần Văn Khiếng đi cùng. Quá trình khảo sát tìm đường đến địa điểm kho mới gặp một kho gạo, không thấy ai quản lý cả, gạo kê trên sàn gỗ có mái che, các bao bục ra chảy xuống đất một lớp dày cả gang tay, mọt nhiều lắm, chúng tôi vào xem thật là tiếc. Anh Khiếng nói có thể của ta hoặc của bạn bỏ quên khi chuyển quân đến khu vực khác. Trong kháng chiến chống Pháp, chiến sĩ Trần Văn Khiếng được giao nhiệm vụ coi kho hậu cần của quân tình nguyện Việt Nam ở Hạ Lào, Hiệp định Giơ ne vơ ký kết, quân đội Việt Nam rút về nước hết, anh vẫn ở lại, không có đài báo, không biết tin tức gì, cứ một mình ở lại coi kho. Đến năm 1961, đường dây 559 lật cánh sang Tây Trường Sơn, rồi mạng đường ô tô mở ra, anh mới gặp bộ đội ta, từ đó trở thành cán bộ dân vận của Binh Trạm 32. Anh tiếp tục công tác trên đường Trường Sơn bên đất Lào cho đến năm 1973 hiệp định Paris ký kết mới về nước. Đi công tác với Anh chuyến đầu, sau đó còn nhiều chuyến nữa, chúng tôi rất trân trọng và cảm phục Anh.
       Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ khảo sát đường vào kho mới, lực lượng công binh nhanh chóng mở đường để bộ đội kho triển khai . Đài quan sát lập ra để quan sát các hoạt động trên không của địch. Kho hàng của Binh trạm 32 đi vào hoạt động cùng với mạng đường kín mở ra, tạo nên một thế trận vận chuyển mới trên đường Trường Sơn.
       BỘ ĐỘI KHO HÀNG TRƯỜNG SƠN
Mạng đường vận chuyển chi viện triển khai nhiều tuyến, nhiều cung chặng trên khắp địa bàn Trường Sơn. Hệ thống kho hàng được hình thành và phát triển theo.
       Trên đường giao liên, gùi thồ, các kho được tổ chức ở các khu vực trạm giao liên.
       Khi chuyển sang vận chuyển cơ giới, lượng hàng đưa vào rất lớn, phải tổ chức các kho, tổng kho. Giai đoạn đầu việc vận chuyển được tổ chức theo Tuyến, có các Tuyến: 1,2,3. Tuyến 1 có Tổng kho 050 là nơi tiếp nhận hàng từ Miền Bắc vào, phía trong có Tổng kho Lùm Bùm. Tuyến 2 có Tổng kho S1 (Na Hy) và S4 (La Hạp).
       Giai đoạn tiếp theo tổ chức theo đội hình binh trạm. Cuối năm 1966, giải thể Tuyến, thành lập 7 Binh trạm, sau đó tách ra và thành lập mới nâng lên tổng số lên 25 Binh trạm, mỗi binh trạm tổ chức 1 đến 2 kho hàng, mỗi kho tương đương cấp đại đội. Giai đoạn ba tổ chức theo đội hình Sư đoàn khu vực, mỗi Sư đoàn có 1 tiểu đoàn kho. Giai đoạn bốn tổ chức theo đội hình Sư đoàn binh chủng. Hệ thống kho được tổ chức lại gồm Tổng kho ở Hướng Hoá - Quảng Trị và Tổng kho ở K94 Sê Sụ - Nam Lào. Qui mô mỗi Tổng kho tương đương cấp trung đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh để bảo đảm vận chuyển liên tục theo cung dài. Hệ thống kho hàng phát triển theo tổ chức lực lượng và tổ chức vận chuyển theo cung ngắn, cung dài trong từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các kho được lựa chon ở khu vực rừng già kín đáo, đường dẫn vào kho được nguỵ trang tránh địch trinh sát phát hiện. Kho được xây dựng dã chiến. Mùa khô chủ yếu hàng xếp trực tiếp xuống bãi đất được san gạt làm sàn, một số kho có mái che cho những loại hàng cần chống nước vào những ngày đầu mùa khô và cuối mùa mưa và dự trữ trong mùa mưa. Phần lớn các kho hàng sàn kho có chiều cao bằng với sàn xe ô tô để thuận lợi trong việc bốc vác hàng lên xe. Các kho hàng để theo chủng loại nằm khá cách xa nhau nhằm hạn chế thiệt hại nếu bị đánh phá.
Kho dược tổ chức ở cấp đại đội, rồi phát triển lên tiểu đoàn, trung đoàn. Bộ đội kho đa số là chiến sĩ gái, đôi vai lót đệm vác hàng từ xe vào hạ xuống, vác hàng chất lên xe đi tiếp vào tuyến trong. Họ lao động miệt mài suốt ngày đêm trong những mùa vận chuyển để những xe hàng kịp thời ra tiền tuyến. Tuy địa hình rất kín, nhưng với các thiết bị trinh sát điện tử hiện đại của Mỹ rải khắp các cánh rừng già Trường Sơn, chúng vẫn phát hiện ra rồi cho máy bay đến đánh phá rất ác liệt.
       Rất nhiều khu vực kho hàng đã bị đánh phá ác liệt. Bộ đội kho với chiến công thầm lặng, đã góp phần quan trọng trên Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.

KHO HÀNG TRƯỜNG SƠN

Chung tay trên một con đường
Vận chuyển chi viện chiến trường đấu tranh
Lực lượng binh chủng hợp thành
Đông - Tây hai hướng song hành dọc ngang
Những Tuyến, Binh trạm chở hàng
Từng cung, từng chặng kho tàng triển khai
Bốc lên, hạ xuống qua vai
Tuổi xuân phơi phới gái trai hợp cùng
Vũ khí, lương thực bổ sung
Hàng vào liên tiếp không ngừng, không ngơi
Ngày đêm thấm đẫm mồ hôi
Máy bay quần đảo bom rơi, đạn chần
Vững vàng ý chí tinh thần
Dẫu cho vai rách, áo quần bạc phai
Vai ngàn cân vẫn dẻo dai
Tiền phương chiến thắng nối dài nở hoa
Lửa hồng thôi thúc lòng ta
Nhanh tay kịp chuyến xe ra chiến trường
Trải qua mưa nắng gió sương
Bừng bừng khí thế kiên cường vượt lên
Tháng năm tôi luyện sức bền
Trường Sơn huyền thoại sáng tên Kho hàng
Chiến công thầm lặng vẻ vang
Đôi vai chiến sĩ vinh quang diệu kỳ.
 
Ngày 29 tháng 8 năm 2021
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.


(Còn nữa)
 
tin tức liên quan