"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 33)

Ngày đăng: 10:03 13/09/2021 Lượt xem: 374
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 33)
Bài số 40

NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO
CHUYẾN ĐI TÌM MỎ VẬT LIỆU - GẶP LỢN LÒI - THĂM HAI CHÁU BÉ NGƯỜI LÀO

       Sau ngày ký hiệp định Paris - 27 tháng 1 năm 1973, sư đoàn 472 chuyển thành Sư đoàn Công binh làm đường Tây Trường Sơn, Sở chỉ huy của sư đoàn chuyển vào bờ nam sông Sê na nông cạnh đường 22. Nhiệm vụ cải tạo nền đường, làm cầu cống vĩnh cửu kết hợp cầu cống gỗ, mặt đường làm đá dăm nước. Quá trình thi công công thấy đá dăm sản xuất không kịp, kết cấu mặt đường không bền, xe chạy vẫn bong tróc nhiều. Phòng Công binh Sư đoàn nghiên cứu đưa ra phương án kết hợp làm mặt đường cấp phối đồi. Trưởng phòng Nguyễn Đức Lợi giao cho Ban kế hoạch và Ban thi công đi tìm mỏ cấp phối đồi. Đại uý Nguyễn Viết Toàn - Trưởng Ban kế hoạch cử trợ lý Hoàng Kiền đi. Trưởng Ban Thi công cử Trợ lý Vi Ngọc Đón và Vi Văn Chúm đi. Chuẩn bị xuất phát thì gặp đợt mưa lớn, do ảnh hưởng của cơn bão bên Việt Nam, áp thấp nhiệt đới tràn sang Nam Lào mưa tầm tã, nước sông Sê la nông lên cao ngập cả vườn rau tăng gia, sân nhà ở của cơ quan. Anh Toàn Trưởng Ban kế hoạch cho anh em lấy màn cũ làm lưới kép bắt tôm cá nhiều lắm, Hoàng Kiền, Nguyễn Đình Cựu, Trần Văn Sơn, Nguyễn Ngọc Quang hăng hái lội kéo vó, thế là mấy ngày liền no tôm cá. Tổ nuôi quân Phạm Thị Mạc, Nguyễn Thị Yến, Trần Thị Son, mỏi tay làm cá, cả Phòng Công binh liên hoan cá sông Sê la nông.
       Gần tuần sau mới lên đường, anh Đón chuyển sang tổ đi phía nam, Vi Văn Chúm, Hoàng Kiền phải vượt qua sông Sê la nông sang bờ bắc. Mùa mưa nước chảy xiết ca nô không đẩy được, Phân đội Công binh vượt sông phải căng một sợi cáp to ngang sông neo vào gốc cây to hai bờ, dùng hai ròng rọc làm pu ly đấu dây cáp vào hai đầu phà, dùng dây tời cho phà sang sông, vất vả lắm. Chúng tôi ra phà không chở, phải điện cho Trung uý Trần Văn Khuê - Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 29 phụ trách Vượt sông, anh là Trợ lý Phòng Công binh mới xuống đơn vị, đồng hương thân thiết với tôi, anh trực tiếp ra bến phà điều hành mới sang được. Qua sông tiếp tục hành quân khoảng hai chục ki lô mét nữa, dẽ tay phải đi vào rừng lên quả đồi cao, anh Chúm đi trước, bỗng nghe tiếng kêu to: Kiền ơi hỗ trợ tao với. Tôi chạy gấp lên, thấy anh Chúm đang chiến đấu với con lợn lòi to lắm, anh đứng trên mỏm đá cao, con lợn lòi bên dưới cứ lao lên anh lại dùng gậy đập đẩy nó xuống, tôi đến giúp sức cũng là lúc con lợn bị đánh kiệt sức không lao lên được nữa. Chúng tôi tìm được mỏ cấp phối đồi, anh Chúm đánh chết con lợn lòi thoát nguy hiểm thật là mừng. Đến đơn vị thuộc Tiểu đoàn 29 báo cho anh em vào khiêng lợn về làm thịt liên hoan, con lợn hơn sáu chục ki lô gam. Đêm hôm ấy ngủ lại đơn vị, anh em quê hương đến chơi nói chuyện ở Bệnh viện 48 có người cùng quê ở Nam Ninh, vào chiến trường gặp đồng hương gần nhà là quí lắm. Quyết định hôm sau về vào thăm Bệnh viện 48 gặp đồng hương, khi nào ốm đau sang đây còn nhờ giúp.

QUÂN Y TRƯỜNG SƠN
       Bộ đội Trường Sơn phải chống chọi với nhiều mối đe dọa đến sức khoẻ, không có sức khoẻ thì không thể chiến đấu và chiến thắng. Môi trường khí hậu, thời tiết khắc nghiệt phát sinh rất nhiều bệnh tật, Cuộc chiến chống ngăn chặn bằng không quân và bộ binh của Mỹ nguỵ diễn ra vô cùng ác liệt. Thương vong do vũ khí đủ loại của địch gây ra rất lớn. Bộ đội Quân y Trường Sơn một lực lượng quan trọng được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển chung của chiến trường Trường Sơn. Lực lượng Quân y được tổ chức từ cấp đại đội trở lên; cấp trung đoàn, binh trạm có Đội điều trị; cấp sư đoàn có Bệnh xá, Trạm phẫu thuật Tiền phương. Trên toàn tuyến có 4 bệnh viện khu vực để bảo đảm cho toàn chiến trường. Bên Tây Trường Sơn có 3 Bệnh viện 46; 47; 48. Bệnh viện 48 là bệnh viện khu vực trực thuộc BTL, sau năm 1973 sáp nhập lại nằm trong biên chế của Sư đoàn 472, đóng tại Mường Nòng phía bắc ngầm X7. Năm 1974, các đơn vị cơ bản rút về phía đông, Sư đoàn 472 vẫn ở bên phía tây, Bệnh viện 48 được chuyển sang phía Đông, sáp nhập Bệnh viện 47 vào, vẫn lấy tên là Bệnh viện 48, trực thuộc Sư đoàn 470.
       Bên Đông Trường Sơn có Bệnh viện 59, đóng ở khu vực Quảng Bình để bảo đảm cho cơ quan Bộ Tư lệnh và các đơn vị trên hướng phía đông.
      Tính đến năm 1972, hệ thống Quân y Trường Sơn với 4 bệnh viện, 30 Đội điều trị, 90 Đội phẫu thuật, 16 Bệnh xá. Quân số: 5.749 cán bộ, nhân viên quân y, trong đó có: 214 bác sỹ, 1.188 Y sĩ, 4.018 Y tá, 14 Dược cao, 131 Dược trung, 184 Dược tá. Hệ thống Quân y Trường Sơn được bố trí rộng khắp để bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội và cứu chữa thương binh kịp thời. Quân y Trường Sơn đã chăm sóc sức khoẻ, điều trị cho hàng trăm nghìn người bị sốt rét, sốt rét ác tính trên núi rừng Trường Sơn, bao gồm cả bộ đội Trường Sơn và lực lượng hành quân vào ra chiến trường, còn là tuyến sau của một số chiến trường. Bộ đội quân y luôn luôn sẵn sàng, có pháo hiệu cấp cứu là xông ra mặt đường băng bó, đưa thương binh về ngay đội phẫu thuật xử lý kịp thời. Đã cứu chữa cho 32.000 thương binh trong điều kiện địch đánh phá vô cùng ác liệt. Đội ngũ cán bộ bác sĩ, y sỹ, y tá đã làm việc tận tình hết lòng vì đồng đội. Lực lượng còn có xưởng dược sản xuất thuốc Quân y Trường Sơn, có Trường y để đào tạo y sỹ, y tá cho Trường Sơn. Bộ đội Quân y Trường Sơn đã góp phần quan trọng bảo đảm sức khoẻ cho các lực lượng chiến đấu góp phần vào thắng lợi chung của Bộ đội Trường Sơn.
       Chúng tôi vào thăm bạn đồng hương ở Bệnh viện 48 của Sư đoàn, là bệnh viện khu vực. Gặp anh em quê hương mừng lắm, ăn cơm trưa nói chuyện, được biết ở Bệnh viện đang nuôi dưỡng hai cháu bé người Lào .

BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN VỚI HAI CHÁU BÉ LÀO
       Chuyện xảy ra vào tháng 5 năm 1973, cán bộ chiến sĩ Đội điều trị Binh trạm 37, thuộc Sư đoàn 470 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn đang chuẩn bị ăn cơm trưa thì có một ca cấp cứu, do anh bộ đội Pha thét Lào cùng mấy người dân chuyển đến, một sản phụ bị tím tái và đang thoi thóp thở. Với lời khẩn cầu gấp gáp: “Các đồng chí bộ đội Việt Nam ơi, xin các đồng chí cứu vợ con tôi”.
       Bỏ bữa cơm, rất khẩn trương các bác sĩ, y sĩ, y tá đã hết sức cố gắng chạy chữa nhưng người mẹ đã không qua khỏi, vì chị đã bị kiệt sức, chỉ kịp phẫu thuật cứu được hai bé trai từ trong bụng mẹ.
Anh Bun Ma đau đớn, khóc ròng nói qua nước mắt: “Cám ơn các đồng chí bộ đội Việt Nam đã rất nhiệt tình giúp đỡ, tuy không thể cứu được mẹ, nhưng còn hai đứa bé, tuy cứu được nhưng bây giờ biết nuôi nấng chăm sóc làm sao đây, bố thì đang chiến đấu nay chiến trường này, mai chiến trường khác, gia đình chẳng còn ai thân thích, nếu tôi đem các cháu về thì chúng nó cũng chết mất thôi, trăm sự nhờ các đồng chí chăm sóc nuôi nấng hộ, ơn này tôi không bao giờ quên”.
       Ban chỉ huy hội ý và điện báo cáo lên cấp trên, Sư đoàn điện xuống chỉ đạo Binh trạm nhận hai cháu bé và chăm sóc thật chu đáo. Hai cô y tá giỏi được giao trực tiếp nuôi dưỡng hai cháu. Trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn của chiến trường, nhưng các cháu đều được đơn vị dành cho những chế độ ưu tiên đặc biệt. Tên hai cháu ban đầu được đặt là Ba và Bảy (Vì các cháu được sinh ra tại Binh trạm 37). Sau đó hai cháu được chuyển ra Bệnh viện 48, thuộc Sư đoàn 472 đây, đổi thành Quang và Trung, là tên của Đoàn vận tải quân sự Quang Trung, mật danh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn hồi đó. Tuy vất vả gian khổ nhưng các cô, các chú trong Bệnh viện 48 luôn dành cho các cháu tình thương yêu trìu mến nhất. Cô y tá Hoàng Thị Cúc, quê Hoàng Hóa - Thanh Hóa được phân công chăm sóc cháu Quang và cô Nguyễn Thị Thập, quê Đan Phượng - Hà Tây chăm sóc cháu Trung. Cả hai cô tuy chưa có gia đình, nhưng với tấm lòng của người phụ nữ Việt Nam, các cô đã là những người mẹ tuyệt vời và dành trọn tình thương yêu với hai cháu. Giữa rừng già Trường Sơn, trong khói lửa đạn bom được nghe tiếng trẻ thơ sao mà thân thương làm vậy. Các cháu đã trở thành những đứa con cưng, là niềm vui chung của cả đơn vị. Chúng tôi đến thăm hai cháu, thật là thương.
       Giữa năm 1974 Sư đoàn 472 chuyển sang phía đông, Bệnh viện 48 cũng di chuyển sang phía Đông Trường Sơn. Ban chỉ huy Bệnh viện điện báo cáo cấp trên xin ý kiến chỉ đạo, nhận được chỉ thị nếu tình huống khó khăn quá thì trả các cháu cho phía bạn. Thời gian quá gấp và điều quan trọng hơn các cháu còn quá bé, mới chưa đầy tuổi rưỡi. Các cô và chỉ huy đơn vị đã đề nghị chuyển các cháu ra Bắc. Cấp trên nhất trí, nhưng vấn đề là ai bảo lãnh các cháu, ra Bắc rồi giao cho ai. Sau một đêm suy nghĩ, Chính uỷ Đỗ Thế Nhung xin nhận cháu Quang làm con nuôi và bàn với với Chủ nhiệm khoa nội Bác sĩ Lâm Văn Chiến nhận đồng ý nhận cháu Trung làm con nuôi.
       Bộ Tư lệnh Sư đoàn cho phép điều động ngay một xe ô tô chở hai ông bố nuôi, cùng hai cô y tá, một quân y sĩ đi kèm để chăm sóc và giải quyết mọi tình huống bất trắc có thể xẩy ra trên suốt cả chặng đường dài ra Bắc.
Sau mấy ngày đêm vật lộn trên các cung đường, đoàn hộ tống cũng đã về được đến Ninh Bình và Thái Bình, quê hương của hai ông bố nuôi, làm mọi thủ tục giấy tờ, khai sinh lại cho các cháu, bàn giao với hai gia đình và chính quyền địa phương.
       Cách đây hơn chục năm, qua sự chỉ dẫn của cựu chiến binh Trường Sơn Nguyễn Phương Thoan, là nhân chứng lịch sử quê ở Nghệ An, đài truyền hình Việt Nam đã phối hợp với đài Truyền hình quốc gia Lào có cầu truyền hình trực tiếp về cuộc hội ngộ đầy cảm động giữa hai cháu, hai gia đình và các đồng đội, các nhân chứng lịch sử của hai đất nước Việt - Lào và đã cho xe chở hai gia đình Quang và Trung cùng một số cựu chiến binh sang Lào để gặp lại gia đình và người thân của hai cháu mà các cháu chưa hề một lần biết mặt.
GẶP LAI HAI CHÁU NGƯỜI LÀO


Ảnh: Thiếu tướng Hoàng Kiền gặp lại hai em bé người Lào năm xưa (1973) tại Trường Sơn - Nam Lào.
 
       Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh Bệnh viện 48 tổ chức gặp mặt kỷ niệm tại Bảo Tàng Đường Hồ Chí Minh, tôi đến dự gặp lại hai cháu người Lào sau gần nửa thế kỷ, thật là xúc động. Hai cháu đưa cả vợ con đến dự, ai cũng vui mừng xúc động.
Gần nửa thế kỷ đã qua
Hôm nay gặp lại bài ca sáng lòng
Mặt trời vẫn mọc đàng đông
Nghĩa tình Lào- Việt mãi không phai mờ.
       Cám ơn Thượng tá Nguyễn Đức Tín - Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Bệnh viện 48 đã tổ chức lễ kỷ niệm và đón hai gia đình cháu Quang và Trung từ Thái Bình và Ninh Bình lên dự, thật vui cảm động và ý nghĩa.
      Cám ơn Ban chấp hành Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam do Đại tá Phạm Văn Lý - Chủ tịch đã họp bàn, các Uỷ viên BCH nêu vấn đề hai em bé Lào năm xưa, trong đó có Uỷ viên BCH danh dự - Hoàng Kiền.

 
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

(Còn nữa)
tin tức liên quan