"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 35)

Ngày đăng: 12:47 15/09/2021 Lượt xem: 335
         Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 35)
Bài số 42

NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO

CHUYẾN ĐI BỘ NHỚ MÃI - RA ĐƯỜNG 9 THĂM CHI, CHÁU VÀ BẠN

       Tháng 8 năm 1974 Sư đoàn Công binh 472 chuyển về phía đông, để lại một bộ phận thành lập Mặt trận Miền Tây, đơn vị có Trung đoàn Công binh 34, ba tiểu đoàn độc lập 29, 35, 41. Mặt trận Miền Tây xuống đóng quân cùng sở chỉ huy Trung đoàn 34 để chỉ huy Trung đoàn 34 và ba tiểu đoàn độc lập. Tôi trong số 9 người ở lại của Mặt trận Miền Tây xuống làm trợ lý cho Ban chỉ đạo và trợ lý kế hoạch của Trung đoàn 34. Trung đoàn 34 tập trung thi công mặt đường và cầu cống đường Tây Trường Sơn từ Bản Đông vào đến Phi Hà - Ngã ba Đông Dương. Ba sư đoàn Công binh: 470, 472, 473 tập trung xây dựng Đường cơ bản phía Đông Trường Sơn.
       Là trợ lý kế hoạch của Trung đoàn Công binh 34 tham gia cùng anh Cường xây dựng kế hoạch, trực tiếp ra công trường theo dõi kết quả thi công của các đơn vị bao gồm 17 đại đội trực thuộc nên cũng nhiều việc. Tối thứ bảy ngày 2 tháng 11 năm 1974, Tôi nhận được điện thoại của chị Đỗ Thị Khêu là nhân viên tổng đài của Trung đoàn Công binh 531 đang thi công đường số 9, có cháu Răm, bạn Nhung cùng Trung đoàn. Ở chiến trường biết tin người nhà cùng vào chiến trường là mừng lắm. Hôm sau ngày chủ nhật mùng 3 tháng 11 năm 1974 tôi được nghỉ và xin Trung tá Nguyễn Đức Lợi, Thượng uý Nguyễn Duy Nghênh thêm ngày thứ hai để ra đường 9 thăm mọi người. Cuốc bộ từ Sở chỉ huy Trung đoàn 34, qua Dốc Thơm, đèo Phu la tuya ra đến Bản Đông đường 9 gần ba chục ki lô mét, đường đang thi công cát đá nhiều chỗ còn ngổn ngang, cầu treo Bản Đông chưa xong, dọc đường đếm Km 16 một chiếc cầu thép Belay dài gần ba mươi mét mới bắc xong, chiếc máy húc đi qua, cả máy và cầu sập rơi xuống sông, đứng nhìn ngao ngán, đành phải cởi quần áo bơi sang. Ra đến đường 9 đã xế chiều, gặp Binh nhất Đỗ Thị Răm đang thi công mặt đường đá dăm tưới nhựa trên đường 9, chú cháu gặp nhau mừng lắm. Một tiểu đoàn nữ chiến sĩ mới của tỉnh Nam Hà bổ sung vào Trường Sơn năm 1973 để làm đường cơ bản. Ông nội cháu Răm là anh ruột mẹ tôi, chiều hôm ấy về đơn vị của cháu ăn cơm, thấy cháu là Tiểu đội trưởng vất vả, chú có chiếc đèn pin Trung Quốc tặng cháu để ra công trường làm đường cả ban đêm. Nghe tin, bạn Trần Nhung là y tá cơ quan Trung đoàn xuống thăm, anh em sau bốn năm gặp lại nhau mừng lắm, chị Đỗ Thị Khêu bận trực tổng đài không xuống được, bố chị Khêu là anh trai mẹ tôi, chị em chỉ nói chuyện qua điện thoại thôi, rất mừng , gặp anh Trung quê Lý Nhân - Nam Hà, người yêu của chị Khêu. Qua cháu Răm nói chuyện được biết tình hình gia đình, họ hàng, làng xóm, quê hương mọi việc ổn cả, thật vui mừng. Gặp lại Trần Nhung, bao kỷ niệm bừng lên trong lòng, đêm hôm ấy nằm ngủ cùng nhau tâm sự suốt đêm. Chúng tôi Hoàng Kiền, Trần Nhung, Nguyễn Văn Tại cùng nhập ngũ ngày 19 tháng 8 năm 1970, cùng một tổ ba người, ngủ chung một giường, huấn luyện ba tháng rồi hành quân vào chiến trường đến đường 9 Nam Lào bổ sung cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Mỗi người một đơn vị, sau bốn năm nay gặp lại Nhung, còn tại không biết giờ ở đâu, nghe tin chiến đấu trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào ở Bản Đông này bị thương nặng.

 

(Ảnh minh họa)
 
       Chiến tranh ác liệt, kể cho nhau nghe bốn năm trên đường Trường Sơn - Chiến trường Trường Sơn nhiều lần thoát nạn, gặp lại nhau hôm nay là thật may mắn.
       Hôm sau tham quan một đoạn đường 9 đang thi công đường nhựa từ Lao Bảo đến Bản Đông, mặt đường rất đẹp. Tiếp tục hành quân về, lội qua ngầm Bản Đông vào, tuyến Tây Trường Sơn mặt đường không có nhựa mà chỉ rải đá dăm, tưới nước rồi lu lèn thôi.
       Gần nửa thế kỷ đi qua, nay ngồi ôn lại kỷ niệm chuyến đi bộ này, nhớ lại cuộc đời, cuộc sống của những chiến sĩ Trường Sơn ngày ấy mà bao điều sâu nặng trong lòng. Chiến tranh kết thúc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mọi người ra quân trở về quê hương, chỉ có mình tôi và anh Trung vẫn tiếp tục con đường quân ngũ.
       Hoà bình tôi đi học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự ra trường thành kỹ sư công trình về Hải quân công tác, sau đó đi học tại Học viện Lục quân ra trường về Trung đoàn Công binh Hải quân 83 công tác, rồi làm trung đoàn trưởng gần 8 năm, năm nào cũng vào Vĩnh Long một hai lần, đều ghé thăm gia đình Đại uý Đỗ Quang Trung - Chị Đỗ Thị Khêu cùng đồng đội Trường Sơn. Thế rồi anh mắc bệnh hiểm nghèo ra đi mới hơn năm mươi tuổi, thật là thương tiếc.
       Năm 1997 tôi về Bộ Tư lệnh Công binh công tác, mới có điều kiện về quê đến thăm nhà hai bạn Trần Nhung, Nguyễn Văn Tại. Nhung ra quân về quê làm y tá chữa bệnh cho nhân dân tại nhà, cuộc sống cũng vất vả, ốm nặng rồi mất ở tuổi ngót sáu mươi. Đến thăm Nguyễn Văn Tại, nhìn bạn, thấy cảnh nhà Tại thật là thương. Trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971, anh chiến đấu dũng cảm bảo vệ chốt, bị thương nặng đưa về tuyến sau, rồi ra Bắc an dưỡng phục viên. Ít lâu sau phát bệnh mặt mũi chân tay sùi hết cả ra, đi phải chống gậy, về nhà mất hết giấy tờ, chẳng có chế độ gì. Tôi giúp xin lại giấy xác nhận của Binh đoàn 12, làm việc với các cơ quan từ xã tới tỉnh Nam Định, Quân khu 3, được đi khám thương tật. Anh khai có 8 vết thương trong người, họ khám còn 7, một vết đã liền sẹo, thế là cho thương binh hạng bét, mỗi tháng được hơn chín trăm nghìn đồng. Tôi về đến thăm nghe thấy mà lắc đầu. " Thời gian qua đi, mọi vết thương rồi sẽ lành", sau nửa thế kỷ mới được khám thương mà họ coi như vừa bị thương để khám, không có quà cáp gì, không biết nói năng xin xỏ nên chịu thế, đồng đội chúng tôi ai cũng chung ý kiến: những người thầy thuốc khám cho anh ấy không có lương tâm. Hưởng chế độ được một năm vài tháng thì anh ấy ra đi, tiền trợ cấp không bõ công đi làm chế độ.
       Do chế độ thấp nên vợ cũng không được hưởng gì khi chồng mất.
Nhà dột không có tiền sửa, tôi và anh Trần Thanh Tú cùng đồng đội Trường Sơn vận động đồng đội bạn bè ủng hộ sửa lại mái nhà cho chị ở đến hết đời. Trong đó con trai tôi ủng hộ bạn của bố 10 triệu, cựu chiến binh Trường Sơn Nguyễn Thị Bình và chồng là Cựu chiến binh Hải quân Nguyễn Khắc Dụng ủng hộ 10 triệu, cùng các đồng đội nữa đủ tiền lợp mái tôn chống dột.
       Cháu đỗ Thị Răm về quê chuyển nghành làm thương nghiệp, khám được chế độ chất độc da cam, vừa qua họ cắt mất, nhờ chú Kiền gặp Giám đốc Sở Lao động- Thương binh- Xã hội tỉnh xem xét vẫn không được. Mỗi lần về quê gặp cháu cứ phàn nàn, đi cùng đợt vào Trường Sơn năm ấy, tất cả chị em có chế độ chất độc da cam hết, mỗi mình cháu bị cắt, nghe thật mủi lòng.
       Thế là chuyến đi bộ cả đi cả về bảy chục cây số năm ấy, thăm, gặp 5 người thì ba "Chàng trai Trường Sơn" đã ra đi cả, còn lại chị Khêu và cháu Răm của tôi. Chất độc màu da cam đã làm cho ba chiến sĩ Trường Sơn ra đi sớm, mỗi lần nhắc đến Đường 9 Nam Lào, nhớ lại các đồng đội của mình mà cứ bùi ngùi thương tiếc, chiến tranh là như thế.
 
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

(Còn nữa)

 
tin tức liên quan