"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 36)
Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 36)
Bài số 43
NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO
CHUYẾN ĐI BỘ RA LÙM BÙM GẶP BẠN CHĂN TRÂU
Cuối năm 1970, sau ba tháng hành quân bộ vượt Trường Sơn, đến khăm Muộn- Nam Lào dừng chân để giao quân cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Hôm sau có người ra tìm gặp, anh giới thiệu là Trần Ngọc Canh, ở thôn Tồn Thành bên trên làng Bỉnh Di, cùng xã Giao Thịnh với tôi, anh em bắt tay nhau mừng lắm, anh nhận rồi dẫn tôi về Ban Công binh Binh trạm 32. Sau hơn một tháng ngủ võng, đêm đầu tiên được ngủ trên giường dưới hầm trên Đường Trường Sơn. Tất cả cơ quan Binh trạm ở dưới hầm hết, hầm đào dài 5 mét, rộng 3 mét, sâu 2, 5 mét, nóc lát bằng gỗ tròn đường kính 30 cm, có khe lấy ánh sáng, đắp đất dày 1 mét, có hầm chữ A nối liền để phòng tránh bom đạn. Hầm đủ kê 4 cái giường bằng tre ở 4 góc cho 4 người ngủ, nhà nào cũng thế, cuộc sống ngủ hầm bắt đầu từ đây.
Hai hôm sau, sáng sớm có người đến gọi lên thủ trưởng gặp. Tôi lên mặt đất, anh Tân dẫn sang nhà Đại uý Đỗ Xuân Diễn- Nguyên Trưởng Ban Công binh mới bổ nhiệm Binh trạm phó phụ trách Công binh. Thủ trưởng cho gọi ba chúng tôi lên, anh Chính trợ lý, anh Bảo tiểu đội trưởng Tiểu đội khảo sát và Hoàng Kiền chiến sĩ mới cùng có mặt nhận nhiệm vụ. Trưởng, Phó Ban Công binh đi công tác xa cả, Thiếu uý Nguyễn Viết Tân - Bí thư chi bộ phụ trách.
Thủ trưởng nói: máy bay AC-130 nó bắn dữ quá, mấy đêm nay đêm nào toàn Binh trạm cũng cháy gần hai chục xe ô tô. Sáng nay các cậu đi từ đây theo đường 128 B ra đến ngã ba Lùm Bùm, trinh sát đường, nghiên cứu các vị trí làm đường xương cá để cho xe tránh vào khi có máy bay AC-130. Tôi biết cậu Kiền là thầy giáo cấp hai mới vào, đem giấy bút đi vẽ lên sơ đồ về báo cáo ngay nhé. Các cậu đến ngã ba Lùm Bùm là điểm cuối của Đường 20 Quyết thắng đấy. Sau đó Thủ trưởng nói chuyện với anh em về đường đi và trọng điểm Ta Lê.
Tôi ở Ta Lê, là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh chốt giữ Ta Lê, ác liệt lắm, thông được Ta Lê mới về đây làm Trưởng Ban Công binh rồi lên Binh trạm phó được mấy ngày thôi.
Năm 1964, không quân Mỹ tập trung đánh phá đường 12 rất ác liệt. Việc vận chuyển vượt qua cửa khẩu sang Lào vô cùng khó khăn. Để phá thế độc đạo, Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo mở con đường vượt cửa khẩu thứ hai là Đường 20 Quyết Thắng. Đường 20 Quyết Thắng là một trục ngang dài 123 ki-lô-mét, từ Phong Nha - Sơn Trạch - Quảng Trạch - Quảng Bình, vượt biên giới sang Tây Trường Sơn đến Lùm Bùm - huyện Bua La Pha - tỉnh Khăm Muộn – Lào. Một đường ngang có ý nghĩa hết sức quan trọng. Mở con đường này thể hiện ý chí và quyết tâm đánh Mỹ của quân và dân ta. Trên tuyến đường này 3 trung đoàn công binh, 4 Đội thanh niên xung phong của các tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Hà và hơn 100 cán bộ công nhân của Bộ Giao thông Vận tải và được tăng cường đội thi công cơ giới số 6 với các máy húc máy gạt. Quân số 8.000 người, tổ chức thành 2 công trường: Công trường 20 thi công từ Phong Nha sang. Công trường 128 thi công từ Lùm Bùm về. Lực lượng thi công ngày đêm trần mình ra đào đất, đục xuyên núi đá, nhanh chóng đưa toàn tuyến vào sử dụng. Công sức của các lực lượng mở con đường này là vô tận, là dời non lấp biển, xứng đáng với danh hiệu “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”. Từ 21 tháng 1 năm 1966 đến ngày 5 tháng 5 năm 1966, đường 20 Quyết thắng hoàn thành, tạo ra thế trận vận chuyển mới. Không quân Mỹ đã tập trung đánh phá vô cùng ác liệt tạo ra tập đoàn trọng điểm A-T-P tức là cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu la nhích.
Sau này, trong một lần vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn năm 1973, thăm đường 20 Quyết Thắng, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã vô cùng thán phục. Đại tướng gọi Đường 20 - Quyết Thắng là một kỳ công - kỳ tích - kỳ quan.
Tổ công tác chúng tôi lên đường khảo sát xác định các vị trí làm đường xương cá trên đường 128 B ngay, đi đẫy ngày ra đến Lùm Bùm hoàn thành công việc, ba anh em vào trạm điều chỉnh giao thông còn gọi là Barie nghỉ đêm. Đến đây gặp anh đồng hương cùng tỉnh, anh ấy nói có anh Vọng ở đội đường ống xăng dầu đang thi công đường ống cách đây năm cây số, cứ theo đường mòn này là tới. Thế là ăn cơm chiều xong tôi, tôi xin anh Chính cho ra thăm bạn, sáng mai về sớm. Một mình đi bộ vượt một quả núi cao đi năm cây số đường rừng ra tìm anh Vọng ngay. Hai anh em cùng xóm, nhà cách nhau dăm chục mét, bố anh mất sớm, mẹ đi bước nữa, ở với ông bà ngoại đi chăn trâu từ bé, chả được đi học ngày nào. Anh cầm đầu lũ "tẻ tâu" trong làng, tôi có 4 năm chăn trâu cắt cỏ, nhưng được hai năm, anh Vọng đi bộ đội sớm từ năm 1965 vào Trường Sơn luôn. Anh em gặp nhau mừng lắm, tâm sự, tìm hiểu về công việc, anh vào bộ đội được đi học bổ túc hết lớp 4, trước cáng thương binh trên đường giao liên, từ năm 1968 chuyển sang làm Đường ống xăng dầu.
Từ cuối năm 1968 đến trước Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, bộ đội đường ống xăng dầu Trường Sơn đã xây dựng và quản lý vận hành một hệ thống đường ống hoàn chỉnh vững chắc, liên hoàn cả Đông và Tây Trường Sơn, suốt dọc Tuyến chi viện chiến lược vươn sâu đến tận miền Đông Nam Bộ, tiếp cận tất cả các chiến trường, dài 1967 km với 75 kho xăng dầu lớn nhỏ, trữ lượng 39.000 m3, có sức bơm 600 đến 800 m3/ngày đêm, đáp ứng yêu cầu bảo đảm xăng dầu hết sức to lớn cho Tuyến chi viện chiến lược và các chiến dịch mùa Xuân 1975. Ngày 20/1/1975 dòng xăng đường ống đầu tiên đã vào đến kho Ô 29 Ô Ranh, đông Nam Bộ (giáp biên giới Việt Nam - Căm Pu Chia). Đặc biệt 21 giờ 30 ngày 14/3/1975, xăng dầu đường ống Trường Sơn đã vào đến kho Ô 30 Bù Gia Mập. Từ đây xăng dầu được chuyển tiếp đến kho Làng 7 và Làng 9 ở thượng nguồn Sông Bé bảo đảm đầy đủ nhu cầu xăng dầu cho binh khí kỹ thuật của đại quân từ cánh Tây tiến về Sài Gòn.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn nói : Hệ thống đường ống “Đã thực sự thỏa mãn kịp thời cho vận tải, đảm bảo yêu cầu cơ động cao của các quân, binh chủng với mọi quy mô, mọi thời gian, mọi địa điểm, phục vụ đắc lực cho các chiến dịch”. Đặc biệt trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Bộ đội xăng dầu đã đáp ứng kịp thời, đầy đủ cho hàng vạn lượt xe mỗi ngày chở quân và binh khí kỹ thuật cơ động trên Tuyến vận tải chiến lược, trong chiến dịch Tây Nguyên và đại quân cánh Tây trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bộ đội Đường ống Trường Sơn đã can trường vượt qua mọi gian khổ hy sinh, bằng trí tuệ, mưu trí sáng tạo, làm chủ phương thức vận chuyển xăng dầu hiện đại, chiến thắng địa hình vô cùng khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, sự đánh phá vô cùng ác liệt của không lực Hoa Kỳ. Những trận máy bay phản lực đánh phá, những trận oanh tạc của pháo đài bay B52, tổn thất rất lớn về đường ống, xăng dầu và sinh mạng. Bom đạn đánh trúng, xăng dầu cháy bùng lên như dòng sông mang lửa. Các chiến sỹ đường ống vô cùng dũng cảm, không sợ gian khổ hi sinh, khắc phục hậu quả để xăng dầu cứ cuồn cuộn chảy ra chiến trường.
Năm 1976, thắng Mỹ nguỵ được nghỉ phép về quê, tôi ra thăm bác Điều chị gái bố tôi, thấy anh Vọng ở đây, anh em bắt tay nhau mừng lắm. Biết ngay là anh đã lấy chị Đậm, chị gái họ cùng tuổi với tôi, anh em kết nối gắn bó thân tình. Mấy năm sau tôi đi phép cũng ra thăm bác Điều, buổi tối ngồi nói chuyện bác kể chuyện về anh Vọng - chị Đậm, nghe mà cười vỡ bụng.
Tối hôm ấy thấy thằng Vọng dắt cái Đậm ra. Đến ngõ đã gọi to: u ơi u!
Cái gì đấy!
Con giả cái Đậm cho u đây.
Chị Đậm tôi vào mắt đỏ hoe.
Bác bảo: chắc lại cãi nhau về con cái, tiền nong chứ gì, nhà tôi chật rồi không có chỗ chứa, anh chị dẫn nhau về nhà đi, mai u ra giải quyết ....
Mấy hôm sau tôi ra thăm anh chị, ngồi nói chuyện.
Anh lên tiếng: anh đi bộ đội vào Trường Sơn 10 năm tròn, về không có chế độ gì mà cả làng, cả xã, cả huyện này họ được hết. Đi vay tiền làm chế độ mà không được, tiền mất tật mang, đông con, rồi cãi nhau.
Chị lên tiếng: tôi đã bảo anh, nhà nghèo thôi không đẻ nữa , anh cứ bắt đẻ cho đủ: Vượt - Lên - Mãi - Trên - Bạn - Ơi, thế là cãi nhau dắt vợ đi giả.
Anh lên tiếng, nói thế cho vui chứ giả gì, giả ai! Thôi đến thằng Bạn là dừng, không có Ơi nữa.
Năm nào cũng thế, cứ gần tết Nguyên Đán tôi về làng thăm chúc tết người thân nội ngoại bốn bên, ra thăm anh chị. Trước Tết Tân Sửu 2021 về quê tôi ra thăm chị.
Chị hỏi:
Cậu mừng thọ chưa?
Em được các hội mừng rồi, gia đình không tổ chức.
Sao không mừng cho các chị đến chúc mừng cậu.
Thôi, chờ nếu trời cho sống đến 80 sẽ mừng.
Chị có mừng không?
Có được đâu mà mừng, năm ngoái tìm mãi không thấy chứng minh thư, đem nộp sổ hộ khẩu sinh năm 1951 họ bảo chưa đến tuổi nên không cấp giấy cũng không được tiền.
Năm nay tìm thấy chứng minh thư sinh năm 1950 nộp cho ông phụ trách Hội người cao tuổi của xóm, chờ mãi thấy họ bảo quá tuổi rồi không được mừng .
Sao lại khai thế?
Chị có biết gì đâu, học hết lớp 3 cùng với cậu, thi lên lớp 4 trượt rồi nghỉ, bây giờ có biết cái thổ tả gì đâu, họ ghi cho thế nào thì là thế chứ chị có biết đâu.
Thế mừng thọ được những gì?
Được cái bằng Mừng Thọ và 200 nghìn, có cái bằng treo ở nhà nhìn thôi, chứ chị cũng chẳng có tiền mà tổ chức cỗ bàn gì cả.
Nghe chị nói mà mủi lòng.
Tôi điện cho ông phó chủ tịch Hội người cao tuổi xã, phụ trách thôn có ý kiến liền nêu vấn đề.
Ông ấy hứa sẽ họp BCH Hội người cao tuổi xã có ý kiến giải quyết ngay chiều nay.
Chị kể tiếp, số nhà chị nó đen cậu ạ.
Anh đi bộ đội vào Trường Sơn về, gần mười năm đi đánh Mỹ mà chẳng có chế độ gì cả. Bị ung thư, cậu xin cho giấy xác nhận ở Trường Sơn, về làm hồ sơ. Cũng vướng mắc hết chỗ này đến chỗ khác nên không được.
Cậu biết cả rồi đấy.
Bố mẹ anh ấy mất sớm, ở với ông bà ngoại, chăn trâu cắt cỏ, mù chữ rồi đi bộ đội.
Khi làm hồ sơ chỗ thì Trần Văn Vọng, chỗ thì Trần Bình Vọng, thế là cứ lằng nhằng mãi chả được.
Em biết rồi, hai anh em cùng chăn trâu cỏ mà, anh hơn vài ba tuổi cầm đầu lũ trẻ trâu trong làng, chăn con trâu đực cổ vại hung dữ lắm, thế rồi anh đi bộ đội rất sớm.
Vào được đi học bổ túc văn hoá thoát nạn mù chữ lớp bốn, thắng Mỹ trở về quê làm đội trưởng đội sản xuất, nhưng văn hoá có hạn nên cũng xin nghỉ.
Năm nào về quê tôi cũng đến nhà thăm anh chị, hai anh em ngồi tâm sự, anh cứ phàn nàn về việc đi bộ đội Trường Sơn gần chục năm về mà chẳng có chế độ gì.
Tôi vào Trường Sơn sau Anh, gặp Anh là chiến sĩ đường ống xăng dầu Trường Sơn, góp phần làm nên "Con đường huyền thoại trong Trường Sơn huyền thoại ".
Anh kể, nhà đông con giai mà khó khăn quá. Anh chị sinh ra toàn con trai, đặt tên cho là Vượt Lên Mãi Trên Bạn Ơi, mới đến thằng Bạn là hết, thiếu thằng Ơi nên vẫn cứ nghèo khó, hai con trai lại ra đi sớm để lại đàn cháu nên càng khó khăn hơn.
Xem lại giấy tờ và là người trực tiếp biết về anh, tôi lên Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 gặp Thiếu tướng Đỗ Giang Nam - Tư lệnh Binh đoàn trình bày, anh Nam xem hồ sơ, chỉ đạo cơ quan làm giấy xác nhận có thời gian hoạt động trong khu vực quân đội Mỹ rải chất độc hoá học.
Cậu về quê hướng dẫn các cháu đi làm chế độ cho bố. Hồ sơ không khớp, giấy này là Trần Bình Vọng, giấy kia là Trần Văn Vọng, lên đến huyện là hết đường đi. Tôi lên gặp các anh lãnh đạo của huyện Giao Thuỷ, và Phòng Lao động Thương binh Xã Hội của huyện nhờ giúp đỡ, vẫn vướng cái tên đệm Văn với Bình.
Tôi nhờ người quen đưa đến gặp anh Hoàng Đức Trọng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội của tỉnh Nam Định nhờ giúp giải quyết, anh ấy đi vắng, gặp qua điện thoại, trình bày cụ thể, anh Trọng hướng dẫn về làm công văn từ xã xác nhận ông Trần Văn Vọng và ông Trần Bình Vọng là một, Phòng tư pháp của huyện xác nhận là được, tôi điện thoại nhờ phòng Tư pháp, được ủng hộ ngay, nhưng thủ tục các bước lâu quá. Hồ sơ lên đến tỉnh, phải qua Hội đồng giám định y khoa, tôi hướng dẫn cháu lên gặp hội đồng trình bày hoàn cảnh bố cháu bị ung thư nằm liệt không lên được. Hội đồng về tận nhà xác minh thì anh ấy vừa đưa ra đồng xong, thế là hết, cũng chẳng được gì.
Chị nói, cả làng, cả xã ai cũng bảo anh là người thiệt nhất, cống hiến mà chẳng được tí chế độ gì, giá họ quan tâm giúp đỡ tích cực thì có chế độ giờ chị cũng được mỗi tháng mấy trăm. Tôi cũng nghe bà con làng xóm nói như thế, mà đúng như thế thật .
Chị than phiền thêm, chó cắn áo rách.
Đã không được tiền lại còn mất 15 triệu nữa chứ.
Sao lại mất?
Chó nó ăn mất.
Chó nào?
Trước đây mấy thằng nó bảo đưa tiền nó chạy cho, chạy không được, đòi nó trơ mắt ếch ra, có thằng đi tù như con chó trong chuồng rồi.
Ngày ấy giá nghe Cậu thì không mất, Anh vay tiền cậu chạy chế độ, cậu nói vay làm gì thì cậu giúp, chứ vay mà chạy chọt cậu không giúp. Thế là mất thật .
Bây giờ ung thư được chế độ thì họ không tận tình giúp đỡ.
Nghĩ rằng nghành Lao động Thương binh Xã hội các cấp chưa làm tròn trách nhiệm với dân với nước, phát hiện, tìm biện pháp giải quyết mới là đạo lý của nghành.
Nghĩ mà thương chị tôi, cùng tuổi chơi với nhau từ bé.
Thế bây giờ làm gì?
Chị nấu rượu đi bán hàng ngày.
Đi xa không?
Đi dăm sáu cây số!
Đi xe gì?
Đi bộ chứ xe cộ gì.
Thôi đi bộ cho khoẻ, không bị tiểu đường, mỡ máu, gút, thận, huyết áp.
Nhìn khuôn mặt nhăn nhúm hết cả mà thương chị tôi quá đi.
...
Chị cám ơn cậu năm nào cũng quan tâm đến chị và các cháu.
Chúc chị ăn tết vui khoẻ nhé.
Buổi chiều, BCH Hội người cao tuổi xã đã họp, điện thoại cho tôi thông báo, có một số trường hợp như thế, chứng minh thư và sổ hộ khẩu không khớp nhau là ngành thương binh xã hội không công nhận tuổi để mừng thọ.
Thế thì suốt đời không được mừng thọ à.
Qui định như vậy ạ.
Các ông máy móc quá, người trần mắt thịt sống sờ sờ ra ngay trong xóm làng xã chứ có đâu xa lạ.
Nhưng là qui định của ngành Lao động, Thương binh, Xã hội Thiếu tướng ạ.
Tôi điện thoại trao đổi nửa tiếng đồng hồ, ông tổ trưởng của xóm, ông phụ trách thôn, ông chủ tịch Hội người cao tuổi của xã, tất cả đều trả lời : không thể thay đổi được quyết định của nghành xã hội quê ta.
Mãi hôm sau, nhận được điện thoại : Cuối cùng Hội người cao tuổi quyết định cấp bằng chứng nhận người cao tuổi cho bà ấy, nhưng không được tiền tặng hai trăm nghìn đồng của nhà nước.
Nghĩ mà ngao ngán quá đi thôi
Lại thương anh mất vào mùa mưa, đúng ngày lụt, nghĩa trang nước ngập mênh mông, phải quai đê dùng máy bơm tát nước để chôn cất.
Tôi viết một bài đăng lên Facebook, có cháu Chí - Giám đốc Công ty Đại Dương
và bạn cùng quê Giao Thuỷ biết được và qua Trung tá Nguyễn Hồng Quân cùng đơn vị cũ với tôi kết nối, đầu Xuân Tân Sửu 2021 các doanh nhân trẻ về quê, tôi đưa các cháu ra thăm và tặng quà chị 2 triệu đồng và sẽ tặng mấy cái quạt nữa. Nhà mới sửa do được trợ cấp chế độ gia đình nghèo, cùng anh em con cháu ủng hộ thêm.
Chị cũng mừng để cố gắng sống vui cùng con cháu.
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
(Còn nữa)