"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 39)
Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 39)
Bài số 46
NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO
VÀO RỪNG CHẶT TRE LÀM NHÀ, BẮT CÁ - VE CẮN NHỚ ĐỜI
Để chuẩn bị cho Chiến dịch tiến công Tây Nguyên, yêu cầu khẩn trương khôi phục sửa chữa tuyến đường Tây Trường Sơn, lúc này đường Đông Trường Sơn đang xây dựng cơ bản mới thông từng đoạn. Trung đoàn Công binh 576 được thành lập để cùng Trung đoàn 34 bảo đảm giao thông cho chiến dịch Tây Nguyên và cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Cuối năm 1974, đầu năm 1975 tôi cùng bộ phận cán bộ Trung đoàn 34 về tham gia thành lập Trung đoàn 576. Sở chỉ huy Trung đoàn đóng ở bắc đường 16 gần Bản Phồn. Lúc này bộ phận kế hoạch thi công mới có 5 người, bốn trợ lý là Vi Văn Chúm, Đỗ Quốc Cường, Trần Văn Chỉnh, Hoàng Kiền và một nhân viên thống kê. Yêu cầu nhiệm vụ rất khẩn trương, toàn cơ quan tập trung làm nhà trên mặt đất bằng tre nứa, bộ phận kế hoạch thi công 5 người dẫn nhau vào rừng lấy vật liệu về dựng nhà. Suốt Chục Ngày vào rừng tre chặt tre vác về. Mùa khô bên Lào nắng nóng lắm, cởi trần ra vác tre về mồ hôi nhễ nhại, anh em quyết tâm rất cao để hoàn thành nhà sớm còn triển khai công tác kế hoạch, thi công. Nhà có kết cấu cột, kèo bằng tre to, đòn tay bằng tre vừa, lợp cũng bằng tre to bổ băm dải ra, xung quanh nhà thưng bằng nứa chẻ, anh em đều quen tay nên làm rất nhanh. Nhà hoàn thành, chúng tôi triển khai kế hoạch cho các đơn vị thi công sửa chữa đường ngay. Ba tiểu đoàn 29, 35, 41 được bổ sung hai tiểu đoàn nữ chiến sĩ Nghệ Tĩnh và Ninh Bình tập trung thi công với khí thế rất cao.
Nhà làm sau một tháng, tre lợp mái bị khô nó co lại nhìn thấy trời, mấy anh em lại vào rừng đi xa hơn chặt tre già hơn về băm ra lợp bổ sung. Hôm ấy gặp một đội đang sửa chữa đường ống, có người đồng hương tỉnh tôi, anh em nói chuyện mới biết đây là đường ống xăng dầu bên Tây Trường Sơn. Thế là đường ống xăng dầu đang vươn xa vào miền Đông Nam Bộ để bảo đảm đủ cung cấp xăng dầu cho cuộc Tổng tiến công sắp tới, qua đó chúng tôi cũng biết được tình hình đang chuẩn bị cho chiến trường thật khẩn trương.
Đi sâu một đoạn nữa thấy một đoạn suối cạn cá nhiều lắm, phần lớn là cá chuối, miền nam gọi là cá lóc, miền trung gọi là cá trầu, cá trê cũng nhiều, hai anh em lội xuống mò nhưng nước còn sâu hơn một mét nên không bắt được.
Tranh minh họa
CHƯƠNG TRÌNH BẮT CÁ
Lần trước đã phát hiện ra vũng tôm, Hoàng Kiền cùng Vi Văn Chúm đã cắt màn cũ làm vó cất vó tôm cung cấp cho cơ quan Trung đoàn cải thiện mấy tuần liền. Nay thấy vũng cá mới nhiều, hấp dẫn làm sao, đêm về thao thức , tìm cách bắt cá về cải thiện chung.
Phương án 1 câu cá: Dùng thép nung đỏ uốn lưỡi câu, cứ chiều ăn cơm xong là đào giun làm mồi, hai anh em Kiền - Chúm mang theo đèn pin đi câu cá. Đi qua cánh rừng già, rừng tre khoảng bốn ki lô mét đến "hồ cá" trên suối can, ngồi câu giật lia lịa, khoảng một tiếng đồng hồ là vài ki lô gam mang về, cả cơ quan Ban Tham mưu trung đoàn cải thiện chung. Cá trầu suối mùa hè không có thức ăn nên con nó nhỏ câu lâu lắm, phải nghĩ cách khác.
Phương án 2 nơm và dậm: Hôm sau tranh thủ đi chặt tre về đan nơm và đan dậm, tôi gọi mấy anh em đồng hương đến giúp, Nguyễn Tiến Dũng nhân viên lái ca nô ban Khí tài Vật tư, Vũ Văn Ẩn nhân viên quản lý, Trần Duy Phan Nhân viên Cơ yếu, Trần Văn Đức nhân viên Ban Hậu cần có mặt chẻ nan, vót nan theo hướng dẫn của thợ cả Hoàng Kiền.
Bốn năm giúp bố đan lát nay khơi dậy trong lòng nhớ đến nghề đan năm xưa .
BỐ TÔI
Ốm mà chẳng được nghỉ ngơi
Mới buông bát đũa đã dời vót nan
Nắng mưa cần mẫn ngồi đan
Rổ rá thúng mủng dần sàng mẹt nia
Đó lờ nơm vó sớm khuya
Làng trên xóm dưới phân chia bán đều
Công nhiều tiền chẳng bao nhiêu
Con đan cùng bố mỗi chiều mỗi đêm
Ban đầu phụ giúp làm thêm
Học dần con thuộc êm đềm “từng trang”
Tuổi thơ mơ đến dần sàng
Bố đan mẹ bán giao hàng con đi
Gần xa lối lạ quản chi
Ngày đêm tất bật xá gì nắng mưa
Ai cần ai gọi là đưa
Đôi chân thoăn thoắt sớm trưa kịp thời
Chỉ trong hai ngày tranh thủ ngoài giờ và buổi tối một cái nơm, một cái dậm đã hoàn thành. Tôi rủ mấy anh em đi bắt cá, tất cả đều bận, cuối cùng chỉ có hai thanh niên Kiền và Chúm lên đường. Anh Chúm quê ở Thạch An - Cao Bằng không quen lắm, tôi hướng dẫn úp nơm, Kiền dùng dậm mò. Cá quẫy ầm ầm trong nơm trong dậm, bắt mỏi tay, hơn cả bắt cá trong ao, cá trê, cá chuối nhiều lắm, mấy chục phút là đây túi dăm ki lô gam mang về tặng bếp cơ quan Trung đoàn . Mỗi ngày nước lại cạn hơn, cá dồn lại càng dễ bắt, chưa bao giờ trong đời bắt cá thích như những ngày này, cũng tới hơn một tuần, cá vẫn còn nhiều lắm. Tự nhiên tôi thấy trong người có ba chỗ đau, đau ở sau lưng nơi bả vai bên trái, đau ở mi dưới của mắt trái, không mở mắt ra được, đau ở bìu, cả ba nơi đều đau và sưng to lên. Sờ sau lưng thấy có vật gì cưng cứng, lấy móng tay bấm dứt ra nhìn, con gì đây các anh ơi, anh Chúm đến xem bảo con ve, con này nó cắn là đau mà độc lắm đấy, ve cắn chứ không phải ve sầu kêu. Nhờ anh Chúm, nhìn vào mi mắt thấy con ve no máu mọng căng tròn nhưng nó không nhả ra, phải dùng cao sao vàng bôi vào mấy lần nó mới nhả ra. Còn một con cắn vào chỗ hiểm cũng gay, sưng to đau lắm, cũng bôi cao sao vàng năm lần nó mới chịu nhả ra. Thế là ba con ve cắn, lần đầu tiên ở rừng Trường Sơn. Loại ve này nhỏ mỏng dính có nhiều chân, có vòi, bám rất chắc nọc độc của nó tiêm vào gây bệnh cho người và động vật.
Thôi không đi bắt cá nữa, lo công việc và ở nhà để chữa các vết ve cắn.
Đi bộ qua rừng le
Ba con ve nó cắn
Mắt lưng và chỗ hiểm
Suốt đời sẹo chưa liền.
Vào Trường Sơn làm nhiệm vụ khảo sát đường, mở đường trong gần sáu năm, có ba loại động vật gặp nhiều nhất đối với chiến sĩ Trường Sơn nói chung nhất là Công binh gồm : Muỗi, Vắt, Ve; cả ba loại ấy tôi bị cắn cả. Riêng muỗi a nô phen thì trong rừng nhiều vô kể, trong suốt gần sáu năm từ ngày trên đường hành quân vượt Trường Sơn tháng 11 năm 1970 đến tháng 4 năm 1976 về nước, gần 2 nghìn ngày tôi uống thuốc phòng sốt rét không bỏ một ngày nào, ban đầu là ký ninh, tiếp theo là Ni va quyn , đến viên phòng 2, sau cùng là viên phòng 3. Thế là trọn vẹn ở chiến trường không bị cơn sốt rét nào. Ra Bắc bỏ thuốc phòng, khi vào học tại Trưởng Đại học Kỹ thuật Quân sự bị một cơn sốt rét duy nhất, cũng biết thế nào là sốt rét. Bị vắt cắn nhiều lắm, nhiều nhất là buổi đi lấy măng bị hai chục con vắt "làm thịt no máu", nhớ mãi, nghĩ lại vẫn còn sợ rùng mình lên. Bị ba con ve cắn đến nay vẫn để lại vết sẹo. Vết sẹo ở lưng còn cái vòi con ve, để lại cục sưng như hạt gạo, thi thoảng vẫn ngứa. Cắn vào mi dưới mắt trái, chất độc của nó làm cho mắt mờ đi, hiện nay mắt phải thị lực 9/10, mắt trái có 5/10. Cắn vào chỗ hiểm bây giờ thi thoảng vẫn còn ngứa rồi sưng lên.
Chuyện đi vào rừng những năm ở Trưởng Sơn là như thế, làm sao mà quên được những ngày đi chặt tre làm nhà, đi bắt cá bị ba con ve cắn để lại ba vết thương suốt đời.
Sáu năm chiến đấu ở Trường Sơn
Mưa bom bão đạn chí không sờn
May mắn Trời che về nguyên vẹn
Ba vết thương ve mãi vẫn còn
Ngày 3 tháng 9 năm 2021
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
(Còn nữa)