"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 40)

Ngày đăng: 10:03 20/09/2021 Lượt xem: 339
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 40)
Bài số 47
       
       NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO
       CHUYẾN ĐI BỘ ĐẾN NGÃ BA ĐÔNG DƯƠNG THÁNG 4 NĂM 1975

       Để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ Tư lệnh Trường Sơn cử Thượng tá Phạm tề, Cục phó Cục chính trị làm phái viên của Bộ Tư lệnh vào kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc Sư đoàn 565 bảo đảm cho hành quân cơ giới vào chiến trường. Lúc này đường Đông Trường Sơn đang xây dựng cơ bản, chưa thông suốt nên cơ động lực lượng, tăng pháo đi theo đường Tây Trường Sơn qua đất Lào vào chiến trường là chính.
       Trung tá Nguyễn Đức Lơi - Phó tư lệnh sư đoàn 565, đại uý Mông Văn Quắn, Thượng sĩ Hoàng Kiền, Thượng sĩ Nguyễn Văn Tuý đi tháp tùng đoàn, đi suốt chiều dài tuyến Tây Trường Sơn từ Bản Đông- Đường 9 đến Phi Hà ngã ba Đông Dương. Đến các đơn vị, Thượng tá Phạm Tề đều tập trung đơn vị phổ biến tình hình, tuyền đạt mệnh lệnh của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào ký ngày 7/4/1975 "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam, quyết chiến và toàn thắng". Khí thế cả Trường Sơn bừng lên hừng hực.
       Đi qua Sê Sụ mấy ki-lô-mét, gặp một đoàn xe của ta đang cháy ngùn ngụt, nhìn mà thật căm thù. Sau khi Hiệp định Paris ký kết, lực lượng phòng không rút hết về phía Đông, bao gồm Sư đoàn Phòng Không 377(có 6 trung đoàn), 12 trung đoàn độc lập, 28 tiểu đoàn của các Binh trạm trước đây. Hôm ấy không quân nguỵ Sài Gòn bay sang đánh vào đoàn xe, chặn đầu, khoá đuôi, bắn cháy hết 60 xe ô tô của ta, một tổn thất lớn cho Bộ đội Trường Sơn.
       * Không quân nguỵ Sài Gòn, tiền thân là những phi cơ ném bom nhỏ và cũ do quân đội Liên hiệp Pháp chuyển giao cho quân ngụy "Quân đội Quốc gia Việt Nam" sau khi rút khỏi Việt Nam, sau đó dần được bổ sung cải tiến bằng những phi cơ tối tân do Hoa Kỳ cung cấp với số lượng máy bay rất lớn, được xếp hạng sức mạnh thứ 4 trên thế giới và thứ 2 tại châu Á (chỉ đứng sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc) theo số lượng máy bay và binh sĩ. Lúc cao điểm Không quân ngụy có tới trên 2.300 máy bay và trực thăng các loại, tức là còn nhiều máy bay hơn không quân các cường quốc đương thời như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản... Nhưng từ khi Mỹ đưa quân sang chiến trường Đông Dương, lực lượng này bị Hoa Kỳ kiểm soát và khống chế việc chỉ huy các chiến dịch, khiến phi cơ chỉ có thể hoạt động giới hạn tại miền Nam Việt Nam, không được phép thực hiện những phi vụ thâm nhập sâu trong lãnh thổ miền Bắc Việt Nam cũng như 2 nước láng giềng là Lào và Campuchia. Đây là lần đầu tiên không quân Nguỵ Sài Gòn vượt qua biên giới tấn công các mục tiêu trên đường Trường Sơn trên lãnh thổ nước Lào. Điều đó cũng gây bất ngờ và tổn thất cho ta.
       Bom đánh trúng doanh trại Tiểu đoàn 41 công binh. Nhiều quả bom chưa nổ trên sân ngay đầu nhà chỉ huy tiểu đoàn. Toàn đơn vị vẫn tập trung nghe Thượng tá Phạm Tề phổ biến , quán triệt nhiệm vụ, động viên bộ đội mau chóng thông đường cho xe ra tiền tuyến.
       Do tắc đường, xe con không đi được, Thượng tá Phạm Tề và Trung tá Nguyễn Đức Lợi giao cho nhóm trợ lý chúng tôi cùng chỉ huy tiểu đoàn 41 đi bộ gần hai chục ki lô mét đến Phi Hà ngã ba Đông Dương, đến biên giới Kon Tum để đôn đốc bộ đội tập trung thông đường. Đêm hôm ấy bộ đội cùng nhau xông ra mặt đường khắc phục hậu quả đánh phá của địch. Tiếng máy húc ầm ầm, tiếng mìn phá đá vang vọng khắp núi rừng Tây Trường Sơn với khí thế thật hào hùng. Chúng tôi đi bộ suốt đêm, nghe đài thông báo mà rạo rực lòng người, quên hết cả mệt mỏi. Đường thông, những đoàn xe tăng, xe kéo pháo, ô tô chở quân, chở hàng lại nối đuôi nhau rầm rập suốt đêm ngày ra trận để giải phóng Sài Gòn, Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
       Đứng chân tại biển chỉ đường, hướng về phía trước là đất Việt Nam, con đường tiến vào giải phóng Sài Gòn, ngược về phía sau là đất nước Lào, con đường Trường Sơn đã đi qua nước bạn suốt 14 năm qua để chi viện sức người sức của cho Cách mạng miền Nam và giúp đỡ cách mạng hai nước Lào và Campuchia. Rẽ về bên phải là đất Campuchia, Đường Trường Sơn có giai đoạn đi qua 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia, đặc biệt là con đường C4 trước mặt tôi đây, con đường mà "Nhà tư sản" Đức Phương đã tìm cách mở ra. Nhớ đến con đường quá cảnh qua Campuchia và câu chuyện về "Ông chủ lớn" Đức Phương.

 

(Ảnh minh họa)
 
CON ĐƯỜNG “QUÁ CẢNH” CAMPUCHIA
       Sau sự kiện Vũng Rô năm 1965, đoàn tàu không số đã bị lộ . Việc chi viện vũ khí cho chiến trường Tây Nam Bộ là vô cùng khó khăn. Năm 1966, Trung ương quyết định mở ra hướng mới chuyển hàng qua cảng Sihanoukville của Campuchia. Lúc này Hoàng thân Sihanouk làm Quốc trưởng Campuchia có tư tưởng trung lập, thân thiện với Việt Nam. Các tàu chở hàng của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa viện trợ vũ khí trang bị, hậu cần cho Việt Nam cập cảng Sihanoukville. Ta thành lập Đoàn hậu cần 17, có kho để tiếp nhận hàng. Từ đây hàng được vận chuyển bằng đường bộ, đường sông, kênh rạch về chiến trường miền Tây Nam Bộ. Tất cả hàng cập cảng, quân đội Campuchia do tướng Lon Non cầm đầu lấy 1/3, còn 2/3 ta chở về nhưng phải hối lộ cho quân đội Lon non.
       Từ năm 1966 đến 1969 ta nhận được: 20.478 tấn vũ khí, 1.284 tấn quân trang, 731 tấn quân y, 65.810 tấn gạo, 5.000 tấn muối.
         Tiền chi lót đường là : 36.642.653,52 USD.

ÔNG CHỦ LỚN ĐỨC PHƯƠNG
       Một ngày tháng 7-1963, đang là học viên Trường Văn hóa Quân đội đóng ở Lạng Sơn, Trung tá Nguyễn Đức Phương được Bộ Quốc phòng gọi về Hà Nội nhận nhiệm vụ đặc biệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ: Đường Trường Sơn do Đoàn 559 đảm trách rất có hiệu quả trong việc chi viện sức người, sức của từ Miền Bắc vào Miền Nam, nhưng đang bị địch ngăn chặn, gặp rất nhiều khó khăn. Cần có thêm một tuyến đường nữa trợ giúp, bắt nguồn từ các tỉnh biên giới của nước bạn Lào và Campuchia giáp với vùng Tây Nguyên nước ta... Nhiệm vụ chính của Đoàn 763 do Trung tá Nguyễn Đức Phương làm Đoàn trưởng là tạo nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men để cung cấp cho chiến trường Miền Nam. Đoàn hoạt động độc lập, nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Bộ Quốc phòng. Đại tướng căn dặn:
       - Vào trong đó xa Trung ương, xa hậu phương, các đồng chí sẽ thiếu thốn đủ thứ. Các đồng chí cần đoàn kết, khéo làm ăn để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ. Đoàn được Bộ Quốc phòng cấp cho 30 người 30 con dao rựa, 10 kg hạt giống rau để làm “vốn” tăng gia và được giao 5 triệu kíp (tiền Lào) để sử dụng thu mua vũ khí, đạn dược, hàng hậu cần. 5 triệu Kíp (tiền Lào, hồi đó là một số tiền rất lớn). Một ngày cuối tháng 7-1963, Đoàn 763 lên đường.
       Sau gần ba tháng dầm mưa, dãi nắng đi bộ dọc theo dải Trường Sơn, Đoàn 763 đã đến địa điểm đóng quân. Đó là khu rừng ven sông Sê Kông thuộc huyện Xamakhisay, tỉnh Attapeu (Lào), cách ngã ba Đông Dương khoảng 60 km. Bên kia sông là Đồn Biên phòng Đôn Phầy của Campuchia. Đây là địa điểm rất thuận lợi cho đoàn trong thu mua và vận chuyển hàng hóa ở Lào và Campuchia, lúc bấy giờ còn trung lập, để chi viện cho chiến trường Miền Nam và vùng Hạ Lào.
       Cuối tháng 10-1963, Đoàn 763 điện về Bộ Quốc phòng: “Đã lập được 3 kho, bước đầu có 100 tấn lúa dự trữ”. Bộ trả lời: “Rất hoan nghênh. Chú ý khai thác thêm nguồn hàng mới trong lòng địch. Cần bao nhiêu tiền báo cáo”.
Nhận chỉ thị, Nguyễn Đức Phương nhờ bạn xoay xở giấy tờ hợp pháp để cử người vào buôn bán ở Pakxe, một thị xã giàu có, nhiều hàng hóa của tỉnh Champasack do Chính phủ Hoàng gia Lào thân Mỹ kiểm soát, với sự kết nối khôn khéo, kết quả thu mua vượt chỉ tiêu được giao.

TUYẾN ĐƯỜNG BÍ MẬT C4
       Năm 1964, tiếp tục phát huy thắng lợi đã đạt được, Nguyễn Đức Phương đề xuất với Bộ Quốc phòng cho mở đường buôn bán sang Căm Phu Chia và được Bộ đồng ý cho thành lập đơn vị mới có mật danh là “Ấp 97” sau đổi thành “K20”. Đơn vị có nhiệm vụ khai thác nguồn hàng ở Campuchia. Trung tá Nguyễn Đức Phương tiếp tục là Đoàn trưởng Đoàn K20, thuộc quân số của Binh trạm 37, Đoàn 559, nhưng nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Bộ Quốc phòng. Tuyến đường bí mật mang tên C4 theo đề nghị của anh, bắt nguồn từ Đồn Tà Ngâu, điểm cuối cùng của Binh trạm 37 (Đoàn 559) sang Đồn Biên phòng Đôn Phầy, đến huyện Xiêm Pạng (đều thuộc tỉnh Stung Treng, Campuchia). Từ đó nối xuống tận cảng Sihanoukville của Campuchia. Nhiệm vụ của K20 là phải lập ra cơ sở buôn bán tại chỗ dưới danh nghĩa một công ty; mở được tài khoản ngay trong hệ thống Ngân hàng của Campuchia để ta chuyển tiền vào; thu mua và chuyển hàng vào chiến trường Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
       Trung tá Nguyễn Đức Phương đã chọn vị trí đóng quân mới của K20 đối diện đất Lào, cách con sông Sê Công, đoạn đường từ Xiêm Pạng đến đồn Đôn Phầy của Campuchia 60 km. Ông chủ Đức Phương có trong tay 1.000 cu ly và 150 xe ô tô vận tải các loại. Ông đã chỉ huy đơn vị liên lạc được với Đoàn 17 của B2, đoàn nhận hàng viện trợ qua cảng Sihanoukville. Đồng thời móc nối được các nhà tư sản Hoa Kiều - Công ty Quách An, thuê xe của Công ty Hắc Lí chở gạo đơn vị thu mua được, chở thẳng từ Phnôm Pênh lên Đôn Phầy, và tổ chức cho các nhà buôn ở Xiêm Pạng, ở Stungtreng ùn ùn chở hàng lên cho ta.
       - Nhu cầu gạo cho bộ đội ở chiến trường Miền Nam ngày càng lớn. Năm 1968 địch tập trung đánh phá đường Trường Sơn vô cùng ác liệt, hàng không vận chuyển vào được. Nhiều đơn vị cấp Sư đoàn cũng không còn gạo, dù chỉ để nấu cháo cho bộ đội. Mục tiêu lúc này là, làm thật nhanh con đường dài 60 km nối Xiêm Pạng với Đôn Phầy để có đường chở gạo, cứu đói cho Bộ đội tại B2, Tây Nguyên và Bộ đội Đoàn 559. Đồng thời với việc tổ chức cho các nhà buôn ở Xiêm Pạng, Stung treng chở gạo lên Đôn Phầy được đặt ra cho đồng chí Nguyễn Đức Phương và K20 hai nhiệm vụ cùng một lúc. Với sự thương thuyết tài tình của “Ông chủ” Nguyễn Đức Phương, quan huyện Xiêm Pạng đã đồng ý để “Culi” của “Ông chủ lớn” (là các chiến sỹ của Trung đoàn Công binh 98) nhanh chóng, thần tốc hoàn thành con đường trong thời gian đặc biệt ngắn (chỉ trên 1 tháng). Nhờ có đường C4 nên Bộ Tư lệnh 559 đã kịp thời đưa xe ô tô vào lấy gạo của "Ông chủ lớn" Đức Phương mua của Campuchia để cứu đói khẩn cấp cho các đơn vị ở Tây Nguyên và Khu 5 trước mùa mưa. Lần đầu tiên, qua C4, đoàn 20 nhận được 3.000 tấn gạo kịp thời cứu đói cho bộ đội và đáp ứng đủ lương thực cho Bộ đội của chiến trường Nam Bộ, Tây Nguyên và Bộ đội Trường Sơn.
       Đồng thời, theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Trung tá Nguyễn Đức Phương đã chỉ huy đơn vị tổ chức mua xăng chuẩn bị cho chiến dịch. Trước yêu cầu của mặt trận, Ông đã cử cán bộ, chiến sỹ của đơn vị sang tận Thái Lan để mua xăng, móc nối với tướng tá ngụy ở Sài Gòn mua xăng dầu cho bộ đội ta. Chiến dịch mua xăng đã thắng lợi giòn giã, kịp thời cung cấp được xăng dầu cho các xe, thuyền, vận tải lương thực, vũ khí, đạn dược, quân trang ...phục vụ hậu cần cho các đơn vị tham gia những chiến dịch lớn của Quân giải phóng và Bộ đội Trường Sơn.
       Đặc biệt, trong chiến dịch lần này tại Campuchia, đồn Đôn Phầy gần như biệt lập, không có đường bộ, đường thủy cũng không sử dụng được, do có nhiều thác lớn, nước chảy xiết. Nhưng, chỉ sau vài tháng, đồng chí Nguyễn Đức Phương và đơn vị, đã khôn khéo, mưu trí, sáng tạo “biến” Đồn trưởng Sun, thành cầu nối để quân ta đến các tỉnh thành khác của Campuchia kéo nguồn hàng về đồn Đôn Phầy để ta thu mua. Cũng từ đây, đồng chí Nguyễn Đức Phương đã mưu trí mà K20 đã khai thông được đường thủy, mở ra một hướng vận chuyển mới bằng đường thủy qua Campuchia kết hợp đường bộ về Việt Nam, kịp thời cung cấp được một lượng lương thực, xăng dầu, quân trang... cho chiến trường Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
K20 còn vận chuyển “mặt hàng đặc biệt” là A12 (tên lửa vác vai) vào chiến trường B và nhiều lần đưa đón thành công, an toàn tuyệt đối các đoàn cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, các Đoàn đặc công của ta ra Bắc, vào Nam công tác.
       Năm 1970 do CIA của Mỹ phát hiện, gây ra cuộc đảo chính do Lon non cầm đầu lật đổ Sihanouk, " Nhà tư sản " Đức Phương ngừng hoạt động.
       Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc cho công tác hậu cần chiến lược mà Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh 559 giao cho. Tháng 3 năm 1974, đồng chí Nguyễn Đức Phương được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Hậu cần - Bộ Tư lệnh 559.
       Sau giải phóng miền Nam, từ 10/1976 - 12/1979, Thượng tá Nguyễn Đức Phương được Quân ủy trung ương và Bộ Quốc Phòng bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hậu cần - Tổng cục Kĩ thuật. Trong giai đoàn này đồng chí đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được thăng quân hàm Đại tá và được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN TRÊN ĐẤT CAMPUCHIA
       Đường Trường Sơn đi qua 4 tỉnh đồng bắc Campuchia từ năm 1970, năm 1973 chính phủ Campuchia dân chủ từ Trung Quốc về nước qua đường Trường Sơn được ta giúp đỡ . Về đến Campuchia, Khr me Đỏ quay ra phản bội, buộc ta phải chuyển hết việc vận chuyển về đất Việt Nam từ năm 1974.

TÔI ĐỨNG TRÊN NGÃ BA ĐÔNG DƯƠNG
       Năm 1970 tôi vào Trường Sơn, trở thành Chiến sĩ Công binh Trường Sơn, liên tục hoạt động trên Đường Trường Sơn, Chiến trường Tây Trường Sơn. Tôi đã đi hết các con đường ô tô bên Tây Trường Sơn và hôm nay những ngày cuối tháng 4 năm 1975 đứng tại ngã ba Đông Dương thật bồi hồi xúc động và tự hào.
Đứng trên ngã ba Đông Dương
Mồ hôi ướt đẫm con đường tôi đi
Nhìn vào bảng chỉ dẫn ghi
Hướng về phía trước quyết vì miền Nam
Trường Sơn xa nối lại gần
Đông dương ba nước tinh thần thêm cao
Đường vươn như mũi tên lao
Lòng son ý chí ánh sao sáng bừng
Phi Hà một ngã ba chung
Con đường đánh Mỹ đã cùng khắc sâu
Toả ra muôn ngả tuyến đầu
Quân dân đoàn kết dài lâu diệt thù.
       Chuyến đi bộ với những kỷ niệm thật sâu sắc trong Đời Quân ngũ- Chiến sĩ Trường Sơn của tôi. Năm 2002 được Bộ Quốc Phòng giao nhiệm vụ là Trưởng đoàn công tác sang khảo sát xây dựng dự án ATK giúp bạn, tôi đã đến Lạc Sao trên đường 8 đến điểm đầu đường Trường Sơn bên phía Tây, đi vào con đường chi viện chiến lược năm xưa với rất nhiều kỷ niệm sâu đậm trong đời. Năm 2015, chúng tôi Hoàng Kiền - Ngô Thị Khiếu cùng anh chị Trung tướng Phạm Hồng Lợi và anh chị Đại tá Bùi Xuân Trường, Đại tá Nguyễn Văn Minh đến thăm ngã ba Đông Dương. Đứng trên cột mốc ba mặt nhìn về ba nước, nhớ đến Bảng chỉ đường hướng đi ba chiến trường mà cách đây 40 năm trước với bao kỷ niệm trào dâng trong lòng.
 
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

(Còn nữa) 
 
tin tức liên quan