"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 43)

Ngày đăng: 03:49 23/09/2021 Lượt xem: 298
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 43)
Bài số 50
       
       NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO

       VỀ MAU ĐÓN CHÍNH UỶ ĐẶNG TÍNH

       Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris ký kết, cả Trường Sơn bừng lên niềm vui mừng phấn khởi vô cùng . Trước 12 giờ đêm ngày 26 tháng 1, khắp núi rừng Trường Sơn không ngớt tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom rơi đạn nổ ầm ầm. Xe ô tô của ta bị cháy, đường xá kho tàng bị phá hủy, thương vong đêm nào cũng xảy ra, có đêm hàng chục ô tô bị bắn cháy trên khu vực đường 9 nơi tôi làm nhiệm vụ. Pháo cao xạ của ta bắn lên đỏ rực trời, máy bay Mỹ bốc cháy đâm xuống núi rừng Trường Sơn khắp các trọng điểm.
       Đúng 0 giờ ngày 27 tháng 1, toàn bộ bầu trời Trường Sơn im lặng lạ kỳ, không một tiếng động nào cả trên trời và dưới đất, núi rừng im phăng phắc, chỉ nghe tiếng côn trùng, chim kêu vượn hót gần xa. Tôi vào Trường Sơn từ cuối năm 1970, ngủ hầm từ đó cho đến khi ký hiệp định Paris, đêm 27 tháng 1 năm 1973 là đêm đầu tiên được tự do ngủ trên mặt đất, "Hoà bình" đã đến với núi rừng Trường Sơn.
       Để ngăn sự chi viện của Hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh ngăn chặn bằng không quân với qui mô và mức độ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Tất cả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật tối tân hiện đại nhất đã được chúng sử dụng trên chiến trường Trường Sơn. Hơn 4 triệu tấn bom đạn đánh phá xuống đường Trường Sơn trên hơn 7 triệu tấn đã sử dụng trên toàn chiến trường Đông Dương. Cuộc chiến ngăn chặn trên chiến trường Trường Sơn bắt đầu từ ngày 18 tháng 11 năm 1964, kết thúc ngày 26 tháng 1 năm 1973, ác liệt nhất từ năm 1968 sau khi Mỹ ngừng ném bom Miền Bắc để ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, chúng tập trung đánh phá đường Trường Sơn cho đến trước khi ký hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973.
       Hiệp định Paris được ký kết, mở ra một giai đoạn mới cho Bộ đội Trường Sơn. Chủ trương xây dựng cơ bản, cải tạo nâng cấp đường Trường Sơn bắt đầu triển khai.
       Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472 được cùng cố phát triển để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Trung tá Nguyễn Đức Lợi vẫn là Trưởng phòng, Thiếu tá Nguyễn Văn Thụ được bổ nhiệm làm phó phòng, có ba ban, trợ lý chính trị, tổ quản lý và nuôi quân. Đại uý Lê Công Vấn làm Trưởng Ban Kế hoạch- Thi công, sau thời gian ngắn tách thành hai ban, Ban Kế hoạch do Đại uý Nguyễn Viết Toàn làm Trưởng ban, Ban Kỹ thuật do Đại uý Nguyễn Khánh Điệp làm Trưởng ban, sau đó Đại uý Đào Minh Trình Thay, Ban Thi công do Đại uý Lê Công Vấn làm Trưởng ban. Ban Xe máy, Khí tài, Vật tư do Đại uý Tạ Đức Nhường làm Trưởng ban. Có một Đại đội Khảo sát trực thuộc phòng và các bộ phận phục vụ. Các kỹ sư Giao thông được điều động từ miền Bắc vào khá đông, cùng lứa tuổi với tôi có các kỹ sư Lê Đình Chính, Nguyễn Văn Tuý, Vũ Văn Huấn đều là Thượng sĩ . Trung uý Dương Ngọc Đường - Trợ lý kế hoạch được bổ nhiệm chức vụ mới ở đơn vị, tôi là nhân viên thống kê được giao nhiệm vụ thay anh Đường làm trợ lý kế hoạch, Tổ Thống kê của Ban kế hoạch có 4 nhân viên do đồng chí Nguyễn Văn Cựu phụ trách, các nhân viên Quang, Sơn, Hùng.
       Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 472, Phòng Tham mưu Công binh tổ chức hai đoàn đi thị sát các tuyến đường để báo cáo phương án cải tạo nâng nâng cấp.
       Tổ 1 Trợ lý Vi Ngọc Đón - Tổ trưởng, Trợ lý Nguyễn Văn Tự tổ phó, Tiểu đội khảo sát do đồng chí Nguyễn Đức Đào - Tiểu đội trưởng phụ trách. Nhiệm vụ trinh sát đường 128 từ Bản Đông đến Bản Phồn.
       Tổ 2 do Trợ lý Vi Văn Chúm tổ trưởng, Trợ lý Hoàng Kiền tổ phó, Tiểu đội khảo sát do Tiểu đội trưởng Nguyễn Đình Tặng phụ trách. Nhiệm vụ trinh sát đường từ Mường Phìn theo đường 23 đến Thà Teng, Bản Phồn, dài 208 ki lô mét. Ngày 18 tháng 3 bắt đầu, kế hoạch đến 30 tháng 3 hoàn thành về đến sư đoàn. Cuộc hành quân bộ trinh sát đường đi về 416 ki lô mét cũng đủ để rèn luyện đôi chân. Toàn đội tích cực khẩn trương đi đo chiều dài ghi chép là chính, những đoạn có yêu cầu cần mở rộng sửa chữa mới đo đạc sơ bộ thôi, mỗi ngày bình quân 35 ki lô mét, thật cố gắng. Trên đường về chúng tôi ghé vào Trung đoàn 39 trên đường 23, cách Sở chỉ huy Sư đoàn khoảng tám mươi ki lô mét, nhận được tin đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn do Chính uỷ Đặng Tính dẫn đầu vào thăm làm việc với sư đoàn về nhiệm vụ cải tạo nâng cấp đường Tây Trường Sơn. Chúng tôi về ngay, đi hơn một ngày rưỡi cật lực về kịp số liệu để Bộ Tư lệnh Báo cáo với Chính uỷ.

VỚI ĐẠI TÁ CHÍNH UỶ ĐẶNG TÍNH
       Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Mỹ ngừng ném bom trên toàn bộ chiến trường Đông Dương, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Ngày 5 tháng 3 năm 1973, Quân ủy Trung ương đã triệu tập Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính uỷ Đặng Tính ra Hà Nội giao nhiệm vụ xây dựng đường cơ bản chiến lược Đông Trường Sơn, chuẩn bi cho kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đảng ủy, BTL Trường Sơn quyết tâm tổ chức triển khai xây dựng ngay. Hai đoàn cán bộ được tổ chức đi thị sát tuyến. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên dẫn đầu đoàn đi tuyến phía Đông Trường Sơn. Chính ủy Đặng Tính dẫn đầu đoàn đi tuyến phía Tây Trường Sơn, cùng đi có Trung tá Nguyễn Thúc Yêm - Phó Cục trưởng Cục Công binh Trường Sơn cùng cán bộ các cơ quan Bộ Tư lệnh Trường Sơn, các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ. Đoàn vào thăm Sư đoàn 472, tại Sở chỉ huy Sư đoàn cách đông bắc Mường Phìn hơn chục ki lô mét, Chính uỷ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ toàn cơ quan Sư đoàn. Tổ Công tác chúng tôi tức tốc đi bộ về để kịp báo cáo tình trạng đường và nghe Thủ trưởng nói chuyện. Lúc ấy Sư đoàn mới làm hội trường bằng gỗ khá rộng rãi khang trang, nhưng chính uỷ không vào hội trường mà nói chuyện ngoài sân dưới bóng cây râm mát, thoáng đãng, toàn cơ quan tập trung nghe đông lắm. Ông thông báo tình hình thời sự, chủ trương của Bộ Chính trị , Quân Uỷ Trung ương về nhiệm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhiệm vụ của Bộ đội Trường Sơn nói chung, Sư đoàn 472 nói riêng, nhiệm vụ xây dựng cải tạo tuyến đường Tây Trường Sơn do Sư đoàn 472 đảm nhiệm rất nặng nề khẩn trương. Ông đã truyền tinh thần, niềm tin, khí thế, quyết tâm cho bộ đội để nhanh chóng triển khai nhiệm vụ bảo đảm cho vận chuyển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong giai đoạn mới. Với tác phong nhanh nhẹn, vui tươi, gần gũi, thân tình, ông đã để lại cho cán bộ chiến sĩ cơ quan Sư đoàn 472 sự kính trọng quí mến và tin tưởng. Ông giới thiệu các văn nghệ sĩ: nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhà thơ Chế Lan Viên, nhạc sĩ Trịnh Quý...nói chuyện với cán bộ chiến sĩ toàn cơ quan, cổ vũ động viên tinh thần cho bộ đội chuẩn bị bước vào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Một tốp của Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn biểu diễn một số tiết mục văn nghệ đặc sắc. Chỉ có nửa ngày thôi, Chính ủy và Đoàn đã tạo nên bầu không khí sôi nổi, tin tưởng, quyết tâm cao cho toàn cơ quan Sư đoàn 472 bước vào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
       Sau đó đoàn đi thị sát tuyến đường sẽ cải tạo nâng cấp bên Tây Trường Sơn, rồi lên thăm Sư đoàn Bộ binh 968 đang đóng quân trên Cao Nguyên Bô Lô Ven. Trên đường lên thị xã Pắc Sòong xe bị trúng mìn, đại tá Đặng Tính cùng 5 người hy sinh, vào ngày 3-4-1973, thật là đau xót.
      Trên chiếc xe con có: Đại tá Đặng Tính - Chính Uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Thượng tá Vũ Quang Bình - Chính Uỷ Sư đoàn 968, Trung tá Nguyễn Thúc Yêm - Phó Cục trưởng Cục Công binh Trường Sơn, Nhạc sĩ Trịnh Quý, đồng chí y sĩ và đồng chí lái xe. Một tổn thất lớn cho Bộ đội Trường Sơn, vô cùng thương tiếc. Cả Trường Sơn lặng đi trước mất mát này. Người đau đớn nhất chính là Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên. Ông gạt nước mắt nói: phải lập tức tìm mọi cách đưa thi hài Chính ủy ra Hà Nội, còn ông vẫn chỉ đạo bộ đội Trường Sơn nắm chắc tay súng, chuẩn bị xây dựng Đường cơ bản trong giai đoạn mới, nhiệm vụ trọng trách lúc này đặt cả lên vai Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.
Đón chào Chính ủy Trường Sơn
Đại tá Đặng Tính chẳng sờn nguy nan
Các văn nghệ sĩ cùng đoàn
Kiểm tra dọc tuyến băng ngàn vượt sông
Đường lên thị xã Pắc sòong
Bon bon vượt dốc bụi hồng nắng rơi
Bỗng dưng tiếng nổ xé trời
Địch cài mìn bẫy xe rời bắn tung
Chính ủy, đồng đội ngồi chung
Sáu người tất cả đi cùng hi sinh
Nỗi đau tang tóc thương tình
Gian nan thêm nặng chương trình dựng xây
       Đại tá Đặng tính tên thật là Đặng Văn Ty (1920-1973), ông tham gia cách mạng và giữ nhiều trọng trách ở các cơ quan và trong quân đội. Năm 1971 ông được điều về làm chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn theo đề nghị của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên khi ra Hà Nội làm việc với Quân ủy Trung ương. Thượng tướng Song Hào - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trực tiếp nói với vị Tư lệnh Trường Sơn rằng: “Trong các Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, các Chính ủy quân khu, quân chủng, anh muốn xin ai thì Quân ủy sẽ quyết cho người đó”. Vốn từng biết tới Đặng Tính từ thời chống Pháp, Đồng Sĩ Nguyên xin Đặng Tính. Ngày 24/10/1971, Đặng Tính chính thức nhận nhiệm vụ Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
       Tháng 10/1971 Đại tá Đặng Tính lên đường vào chiến trường nhận nhiệm vụ làm Chính Uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn, mang theo quyết tâm của Bộ chính trị và Quân Uỷ Trung ương giành thắng lợi trong năm 1972. Lúc này Bộ Tư lệnh Trường Sơn được giao nhiệm vụ bảo đảm chi viện hậu cần cho yêu cầu tác chiến, đồng thời chuẩn bị tích cực bảo đảm cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Do được rèn luyện, trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến, với tầm nhìn xa, rộng, chỉ sau một tháng vào tuyến đường Hồ Chí Minh, Đại tá Đặng Tính đã viết một bài báo với đầu đề: Đường Hồ Chí Minh với thời đại. Bài báo đã đánh giá rõ vai trò của tuyến đường, nghiên cứu các hình thức vận tải để có hướng tiếp tục phát triển xây dựng tuyến đường, bảo đảm vận chuyển chi viện chiến lược sức người, sức của cho các chiến trường. Từ ngày vào Trường Sơn, ông đã tham gia một số chiến dịch lớn, đi suốt từ Đông Trường Sơn sang Trường Sơn để chỉ đạo, động viên Bộ đội hăng hái thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Ông cùng Phó tư lệnh Hoàng Kiện chỉ đạo hai cụm tác chiến: Cụm Hạ Lào và cụm Đường số 9.
       Cuối năm 1972, được không quân Mỹ yểm trợ, binh đoàn cơ động nguỵ Lào mở gọng kìm tiến công các khu vực chốt giữ của ta. Đầu tháng 10 năm 1972, địch chiếm được thị trấn Mường Pha Lan trên đường số 9 phía tây Mường Phìn. Ở hướng hạ Lào địch chiếm lại Sa Ra Van, cắt đứt đường 23.
       Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã mở chiến dịch tiến công địch. Lực lương gồm Sư đoàn 968, các đơn vị của Sư đoàn 472 cùng quân đội Pa Thét Lào đánh chiếm lại Mường Pha Lan, Thị xã Sa Ra Van, giải phóng hai thị xã Pắc Soòng, Pắc Xế, chiếm cao nguyên Bô lô Ven, một khu vực rất quan trọng, đánh bại âm mưu của địch đánh cắt đường Trường Sơn ở phía tây.
       Bộ binh Trường Sơn bao gồm Sư đoàn 968, 2 trung đoàn độc lập và các đơn vị bộ binh thuộc các binh trạm, sư đoàn là lực lượng chủ động phối hợp với quân và dân Bạn, với các chiến trường của ta, các lực lượng trên tuyến đánh bại các chiến dịch tiến công lấn chiếm vùng giải phóng của Bạn, các chiến dịch tiến công vào hành lang vận chuyển chiến lược của ta. Tạo điều kiện mở rộng chính diện và chiều sâu vùng căn cứ địa Nam Đông Dương, bảo vệ vững chắc Tuyến chi viện chiến lược- Đường Hồ Chí Minh trong mọi tình huống. Sau 128 ngày ta đã giành chiến thắng hoàn toàn.


Ảnh: Đại tá Đặng Tính ngồi giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tá Đồng Sỹ Nguyên
 
       Tuy thời gian sống chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn chưa dài, song Chính Uỷ Đặng Tính đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng tuyến đường, góp phần vào thắng lợi của Bộ đội Trường Sơn. Không chỉ là một Chính ủy giỏi, ông còn là một người anh, người bạn thân thiết với cán bộ chiến sĩ Trường Sơn. Những lúc rảnh rỗi ông cắt tóc, lợp lán cho chiến sĩ, nói chuyện thời sự và đọc thơ cho bộ đội nghe, luôn tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cán bộ chiến sĩ. Ông đến tận nơi các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, hỏi thăm sức khỏe, đời sống, tình hình công việc và gia đình ....Trong lòng những cán bộ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn hôm nay vẫn còn ghi dấu biết bao kỷ niệm về Chính ủy Đặng Tính trong công tác và cuộc sống. Dưới mưa bom bão đạn, phải đối mặt với gian khổ, nguy hiểm, hi sinh, nhưng Chính uỷ Đặng Tính vẫn biến những cảm xúc của mình thành thơ để tặng cán bộ chiến sĩ, bạn bè và gửi vợ con nơi hậu phương. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ngoài những chiến công, Chính uỷ Đặng Tính còn để lại hơn 100 bài thơ. Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, con gái Chính uỷ Đặng Tính là Đặng Thị Mai Phương đã in xuất bản tập thơ của Cha mình, rất ý nghĩa. Tôi được tặng hai quyển, một quyển qua Hội Trường Sơn Việt Nam với cương vị là Phó chủ tịch, một quyển là cùng cựu học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, chị học trước tôi mấy khoá, gửi tặng tôi, thật vui mừng trân trọng.
       Là cán bộ cao cấp, có tiêu chuẩn ăn riêng, nhưng ngày nào ông cũng gọi lái xe ăn cùng. Mùa đông ông được một phích nước "ưu tiên" buổi sáng, nhưng ngày nào ông cũng gọi anh em phục vụ đến chia đều cho mỗi người một ca.
       Chính uỷ nói chuyện với chúng tôi khi về thăm Sư đoàn 472: hồi công tác ở Bộ Tư lệnh Phòng Không - Không Quân, ông nhiều lần được gặp Bác Hồ, được Người trực tiếp dạy bảo, ông động viên cán bộ, nhân viên cơ quan Sư đoàn 472 cần thường xuyên trau dồi kiến thức văn hoá, nhận thức chính trị và ra sức học tập tấm gương đạo Đức cách mạng của Bác Hồ, lời căn dặn của Chính ủy Đặng Tính tôi nhớ mãi trong lòng. Tự nhiên ông "đã cười", với nét mặt lúc nào cũng vui tươi, làm cho ai được tiếp xúc với ông cũng cảm thấy gần gũi kính mến.
       Mỗi chuyến đi công tác, ông đều nhắc lái xe phải chuẩn bị tinh thần , xe cộ cho thật tốt "chúng tôi có hoàn thành nhiệm vụ hay không, một phần là nhờ ở các đồng chí". Trên đường Trường Sơn đi qua các trọng điểm Cua Chữ A, Ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, với bao trọng điểm khác nữa vô cùng ác liệt ông đều bất chấp nguy hiểm, dừng lại khá lâu quan sát địa hình, tìm hiểu thực tế, thăm hỏi, động viên bộ đội, thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ tại chỗ.
       Với gia đình, qua chị Đặng Thị Mai Phương, một sỹ quan, kỹ sư quân sự được đào tạo tại Học viện Kỹ thuật Quân sự được biết ông là người cha tuyệt vời.
       Khi con gái út đi thi bắn đạn thật được 27 điểm, con gái về khoe với bố. Thế là ông xé ngay một tờ báo viết mấy câu thơ tặng con gái: Bố viết cho bài báo / Báo biếu bố lịch này / Bố thưởng gửi cho con / Trong kỳ bắn đạn thật / Hai bảy điểm ba viên.
       Khi hy sinh, Chính ủy Đặng Tính đã có quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ông cũng là người được dự kiến phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Từ những đóng góp xuất sắc của ông, sau khi hi sinh, ông được truy tặng Huân chương Quân công Hạng nhất, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào tháng 6/2010.
       Chính ủy Đặng Tính là Đại biểu Quốc Hội khoá III và khoá IV.
      Tên thật của ông là Đặng Văn Ty, sinh năm 1920 tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Đông. Ông tham gia cách mạng năm 1944 trong tổ chức Thanh niên Cứu quốc, là một trong những người sáng lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông vào Đảng năm 1945, tiếp đó tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Bắc Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đảm nhiệm các chức vụ: Bí thư tỉnh ủy Hải Dương (1946); Chính ủy Mặt trận đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng (1950-1951); Chính ủy Liên khu 3 rồi Tư lệnh kiêm Phó Bí thư khu Tả Ngạn Sông Hồng (1951-1953); Cục trưởng Cục dân quân; Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu; Cục trưởng Cục Không quân (1954-1962). Khi Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập năm 1962, Đại tá Đặng Tính được bổ nhiệm làm Chính ủy, tướng Phùng Thế Tài làm Tư lệnh. Chính hai ông đã là những hòn đá tảng góp phần xây dựng lên truyền thống vẻ vang của bộ đội Phòng không - Không quân.
       Đối với mỗi người chiến sĩ Trường Sơn, Đặng Tính luôn là người vô cùng gần gũi. Ở đâu có bom đạn ác liệt, ở đó có nụ cười đặc trưng của Chính ủy ngay bên cạnh hố bom. Tại Ba Lòng - Quảng Trị, tháng 3/1972, khi đợt bom B52 rải thảm vừa dứt, bộ đội Công binh ào xuống sửa đường đã thấy Chính ủy Đặng Tính ở đó rồi. Cởi quần dài buộc lên cổ, hòa vào đội hình chiến sĩ Công binh vác đá lấp hố bom, Chính ủy như người cha, người anh, người chị, người bạn thân thiết của bộ đội Trường Sơn. Ông cắt tóc cho thương binh, lợp lán cùng chiến sĩ, nói chuyện thời sự như một báo cáo viên và đọc thơ, làm thơ như một nhà thơ đích thực. “Binh chủng” đặc biệt -“Binh chủng văn nghệ sĩ” Trường Sơn huyền thoại có công rất lớn của Chính ủy Đặng Tính. Chính ông chủ trương đưa các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, điêu khắc, nhạc sĩ, văn công, tuyên văn, với các tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác tại chỗ, biểu diễn tại chỗ, trực tiếp cổ vũ, động viên tinh thần quyết chiến quyết thắng cho cán bộ chiến sĩ, góp phần hun đúc và xây dựng phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Trường Sơn - Bộ đội cụ Hồ. Trường Sơn cũng là chiến trường có nhiều bài hát nổi tiếng nhất, nhiều trường ca ca ngợi nhất, nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh nhất. Chính sự xum xuê của các loại hình văn học nghệ thuật khắc họa cuộc chiến đấu vẻ vang của bộ đội Trường Sơn đã cho thấy sự tất thắng của đoàn quân chính nghĩa. Nhiều tác phẩm về Trường Sơn đến bây giờ vẫn được người đọc yêu mến. Ở Trường Sơn ngày đó máu vẫn đổ nhưng lời ca, tiếng hát, văn thơ luôn luôn được ngân lên. Tiếng bom dẫu gầm vang đến mấy vẫn không thể giết được những câu thơ ở Trường Sơn. " Tiếng hát át tiếng bom " đã sôi động bừng lên hơn nữa. Chính sự cân bằng ấy, từ thẳm sâu cách nghĩ của vị Chính ủy đã góp phần để Bộ đội Trường Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Có thể nói chính họ đã làm nên diện mạo văn học nghệ thuật chống Mỹ. Văn nghệ sĩ Trường Sơn đến hôm nay đội ngũ vẫn điệp trùng như những ngày còn bom đạn trong những cánh rừng. Ký ức của hàng chục vạn bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong từ những tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời ở Trường Sơn, phục vụ người chiến sĩ và nhân dân cả nước, mãi đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hôm nay có công không nhỏ của vị Chính ủy tài danh.
       Trong suốt thời gian chiến đấu anh dũng của bộ đội Trường Sơn trên tuyến đường mang tên Bác, bộ đội ta đã phải đối mặt với mọi thủ đoạn, mọi phương tiện và vũ khí tối tân nhất của đế quốc Mỹ. Để đưa được một cân hàng, một khẩu súng vào chi viện cho miền Nam, chúng ta đều phải trả giá bằng xương máu. Bộ đội Trường , thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đã chiến đấu kiên cường, giành giật từng thước đường với lời thề Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc; Còn người còn xe, còn hàng; Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường; Coi dây như ruột, coi cột như xương. Bộ đội Trường Sơn đã làm nên hệ thống giao thông huyền thoại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 20 nghìn km đường cơ giới, có hơn 3000 ki lô mét đường kín. Vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm chi viện cho các hướng chiến trường. Địch dùng mọi thứ để hủy diệt tuyến đường Trường Sơn. Ta vừa đánh địch vừa mở rộng tuyến đường chi viện cho miền Nam ngày càng vững chắc. Bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng vùng rộng lớn; bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay. Mở 3000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn; chuyển hàng vạn thương binh từ các chiến trường ra hậu phương nuôi dưỡng và hàng ngàn thiếu nhi ra Bắc học tập. Xây dựng 1960 ki lô mét đường ống xăng dầu, sử dụng 500 ki lô mét đường sông có 446 ki lô mét phải phá thác, xây dựng hơn 3000 ki lô mét đường dây trần, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược .
       Chỉ nhìn vào những con số đó đã thấy toát lên tài trí và mưu lược của Bộ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn trong đó có phần công sức của Chính ủy Đặng Tính.
       Tôi được gặp và nghe Ông nói chuyện có một lần và nghe một số cán bộ kể lại, tôi cảm nhận được là: Chính ủy Đặng Tính giản dị mà sâu sắc. Ông là người xuống từng trọng điểm, nơi nào khó khăn nhất ông đều có mặt. Ở mặt trận Quảng Bình, đã nhiều lần Ông trực tiếp đi ca-nô, khảo sát các tuyến đường sông. Khi ấy, ở khu vực vời Hồng Thủy là khu vực đồng trũng có dòng sông Kiến Giang chảy qua mùa nước ngập mênh mông, ca nô đi thường mắc cạn khiến địch phát hiện bắn phá thương vong lớn. Chính ủy Đặng Tính nói bằng mọi cách phải thông vời Hồng Thủy và bằng kinh nghiệm dân gian của bà con vùng ven biển ông đã cho cắm vè để khắc phục. Chính ủy còn nói vui: Ở vời Hồng Thủy tuyệt đối không có tư tưởng nửa vời.
       Năm 1973 ấy, vừa được nghe Chính ủy nói chuyện, hôm sau có tin ông mất, Tôi lặng đi trước sự mất mát vô cùng đau thương này, khi mới nhận được sự truyền tâm từ vị Chính ủy đặc biệt xuất sắc vui tươi và kính trọng. Một nỗi đau vô cùng xót xa, mãi đến hôm nay vẫn thương tiếc Ông.
       Đường Trường Sơn đã làm nên huyền thoại.
Không có con đường ấy
Không có thắng lợi này.
       Đề làm nên Huyền thoại ấy, hơn hai mươi nghìn người đã ngã xuống trên Đường Trường Sơn, hơn ba mươi nghìn người bị thương, hàng chục nghìn người bị nhiễm chất độc hoá học của đế quốc Mỹ.
       Cá nhân tôi cũng như nhiều cựu chiến binh Trường Sơn có mong muốn hai vấn đề:
       1.Truy phong quân hàm Trung tướng cho Đại tá Đặng Tính.
       2.Tuy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

 
Hà Nội ngày 4 tháng 9 năm 2021
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

(Còn nữa)
 

 
tin tức liên quan