"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 45)
Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 45)
Bài số 51
NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO
ĐI BỘ VƯỢT TRƯỜNG SƠN LẦN THỨ HAI
( Bài số 51 được chia làm 3 phần đăng tải 3 kỳ) - Kỳ thứ hai:
ĐỒNG SỸ NGUYÊN
VỊ TƯ LỆNH TÀI BA CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN
Đêm cuối tháng 1 năm 1976 hôm ấy chúng tôi ngủ lại tại trạm gác đầu cầu treo Bản Đông, điểm đầu của tuyến đường Tây Trường Sơn, nơi có cây cầu treo Bản Đông mà chúng tôi được tham gia xây dựng, tuyến đường mà Tư lệnh bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đã quyết định xây dựng. Ra đứng giữa cây cầu, hai anh em cùng nhau nói chuyện nhớ đến vị Tư lệnh tài ba .
Tôi vào Trường Sơn cuối năm 1970, đầu năm 1971 rất vinh dự được tham gia đón Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên tại cơ quan Binh trạm 32. Ông có dáng người cao, đi ủng, đội mũ sắt . Thế là tôi được biết vị Tư lệnh của Trường Sơn huyền thoại từ đó. Vinh dự được nghe Thủ trưởng nói chuyện với cán bộ chiến sĩ cơ quan Binh trạm bộ, cứ thấy ông khịt khịt mũi, chắc do bị viêm xoang mũi. Ông chỉ đạo phát huy danh hiệu “Binh trạm vạn tấn”, cần đẩy mạnh vận chuyển vào chiến trường nhiều hơn nữa. Chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công của Mỹ ngụy vào tuyến đường Trường Sơn dọc theo đường 9, Binh trạm 32 nghiên cứu chuẩn bị tuyến đường tránh phía Tây. Sau này chúng tôi mới biết cụ thể về cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch và Chiến dịch phản công Đường 9 Nam Lào của ta. Sau đó tiểu đội khảo sát chúng tôi thuộc Ban Công binh của Binh trạm được giao nhiệm vụ đi khảo sát đường tránh. Chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào giành chiến thắng vang dội, có vai trò rất lớn của Bộ đội Trường Sơn, của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Từ đó tôi ngày càng hiểu sâu hơn về vị Tư lệnh tài ba - Cánh chim đại bàng của Trường Sơn huyền thoại.
ĐẠI BÀNG CỦA TRƯỜNG SƠN
Đầu năm 1967, Đại tá Đồng Sỹ Nguyên - Phó Chủ nhiệm Tổng cụ Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Tiền phương nhận quyết định của Bộ Quốc phòng điều vào làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559. Trên đường vào ông chú tâm kết hợp quan sát địa thế và cách đánh của địch ở các khu vực vượt khẩu, nên ông muốn đi xe ban ngày. Thật là chuyện lạ đối với cán bộ cao cấp. Người chỉ huy trạm giao thông không chịu. Ông phải thuyết phục mãi, đến mức ĐỔNG SỸ NGUYÊN nói, mình là Tư lệnh đi kiểm tra tuyến, ông mới được vượt qua trọng điểm lúc xế chiều. Đến Sở chỉ huy, ông tập trung nghiên cứu nguyên nhân không thành công của những năm trước. Ông rút ra những điều hết sức trăn trở: Thời tiết khô ráo ngắn mâu thuẫn với yêu cầu khối lượng chi viện ngày càng lớn; việc nắm địch quá chậm; cách tổ chức chỉ huy chưa ổn, thiếu thống nhất; đời sống bộ đội quá gian khổ, dịch bệnh uy hiếp khả năng duy trì sức chiến đấu lâu dài... Đặc biệt về tư tưởng chủ động tiến công giành thời cơ còn yếu....Sau khi cân nhắc kỹ mọi mặt, ông thuyết phục dời Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh vào khu vực trung tâm gần đường 9 (SCH Na Bo). Rồi ông trực tiếp thị sát các trọng điểm, đi ban ngày. Đây là một tác phong công tác đặc biệt của vị Tư lệnh Trường Sơn. (Đầu năm 1971 tại Binh Trạm 32 chúng tôi đón Tư lệnh vào ban ngày).
Trên cơ sở đó ông chỉ đạo thí điểm đội hình vận tải tập trung, lợi dụng địa hình thời tiết sương mù, các khe suối cạn, tranh thủ cho xe chạy ban ngày, chạy lấn từng đoạn. Sau đó Tư lệnh phóng xe thị sát toàn tuyến, dự các buổi giao ban của các Binh trạm, Trung đoàn... Khi quay về, Tư lệnh rút ra một loạt vấn đề phải sửa gấp: “Trước hết phải trang bị thông tin hữu tuyến điện đến từng đơn vị, từng trạm chỉ huy xe trên đường, đến các trận địa phòng không đánh địch. Sở chỉ huy các cấp phải đứng giữa đội hình chiến đấu, cán bộ chỉ huy phải trực tiếp ở khâu trọng yếu. Các cấp phải chấp hành nghiêm qui định báo cáo hàng ngày, trực tiếp báo cáo và nhận lệnh. Công binh phải bố trí lực lượng túc trực chống phá hoại, cấp cứu xe và người. Khẩn trương hạ độ dốc, mở rộng “cua”, làm nhẵn mặt đường. Các Binh trạm phải tổ chức đội hình vận tải tập trung đại đội, tiểu đoàn.... Các kho phải sửa chữa, cải tiến bảo đảm giải phóng xe nhanh đồng loạt....”. Là một cán bộ hành động, có óc thực tiễn cao, ông đặc biệt coi trọng việc bảo đảm đời sống cho bộ đội. Ông chỉ thị cho Cục Hậu cần, Quân y phải trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra việc bảo đảm ăn nghỉ trên đường, phòng bệnh, chống dịch hiệu quả.
Các mặt cải cách được phân công kiểm tra, đôn đốc chặt chẽ. Sau bốn tháng vừa chấn chỉnh vừa thực hiện kế hoạch nhiệm vụ, các Binh trạm như guồng máy, tăng tốc nhịp nhàng trong dây chuyền khổng lồ của Trường Sơn. Kết thúc mùa khô (1966-1967), cả hai tuyến trước và tuyến sau đều hoàn thành vượt chỉ tiêu Bộ giao. Thắng lợi đầu tiên của Tuyến chi viện chiến lược làm nức lòng mọi người. Hết cái lo nặng nề kéo dài.
Các chiến trường B đều gửi điện cảm ơn, chúc mừng, tỏ ý hy vọng năm tới còn vượt mức vao hơn. Các cơ quan Tổng cục, Bộ Quốc phòng nhiệt liệt biểu dương, hứa hẹn hỗ trợ cho BTL 559 phát huy thành tích. Các cơ quan nhà nước rất vui mừng, nhất là Ban Thống nhất Trung ương trực tiếp theo dõi việc chi viện nay đã hết lo. Đồng chí Trưởng ban thật phấn khởi, liền phái đoàn cán bộ vào tận nơi chào mừng, nắm khả năng thực thi của BTL559 trong mùa khô tới. Đặc biệt hơn nữa, Bác Hồ rất vui, tỏ lời khen ngợi. Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn quyết định biểu dương Đảng bộ 559 và toàn thể cán bộ chiến sĩ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thư khen, nhấn mạnh điều cần suy ngẫm: “Cũng những phương tiện vũ khí ấy và những cán bộ, chiến sĩ ấy, mùa khô này Đoàn 559 đã hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ lớn hơn”...
Tại hội nghị về công tác vận chuyển, cả hội trường nhìn lên tấm bản đồ lớn nghe Tư lệnh trình bầy. Những mũi tên đỏ ký hiệu xe vận tải lượn theo các trục giao thông ngang dọc như mạng nhện. Những mũi tên biểu hiện xuồng máy lượn theo những dòng sông quanh co. Tất cả lao xuống phía Nam, thọc sang phía Đông, rẽ về phía Tây. Hàng trăm ký hiệu trận địa cao xạ, chốt vây cứ điểm địch, trận địa giao thông băng qua “túi lửa”. Bên phải, bên trái treo những sơ đồ thông tin, tuyến hành quân giao liên, hệ thống kho tàng, kèm theo chỉ số nhập xuất đi các chiến trường, đồ thị thời tiết mưa nắng các vùng, sơ đồ bố trí mạng quân y, tổ chức nuôi quân trận địa giao thông toàn tuyến....
Tư lệnh Nguyên đưa đầu gậy trỏ vào bản đồ đến những trọng điểm, trình bầy mạch lạc, ngắn gọn từng vấn đề, kinh nghiệm với những kết luận sắc sảo...
“...Không quân Mỹ đánh phá trọng điểm kết hợp săn đuổi xe trên toàn tuyến, dù rất xảo quyệt vẫn mang tính qui luật. Nó rất mạnh, giầu tiềm lực nhưng tự thân vẫn bộc lộ nhiều mâu thuẫn. Chúng tập trung tối đa ngăn chặn cửa khẩu thì giảm tối thiểu các vùng nội tuyến. Gia tăng đánh ngày thì bớt đánh đêm và ngược lại. Máy bay bay cao thì đánh phá không chính xác, hạ thấp thì dễ bị súng phòng không tiêu diệt. Các thiết bị điện tử tinh xảo là chỗ dựa tin cậy của không quân Mỹ, nhưng khi bị lừa vẫn hành động như kẻ vô tri... Đó là những nhược điểm của nó để ta lợi dụng khoét sâu, đánh bại ý đồ của địch...”
Ông đưa ra một loạt vấn đề có tính nguyên tắc của Tuyến vận tải chiến lược: Phải tổ chức binh chủng hợp thành với bốn lực lượng: Vận tải - Giao thông - Bộ binh - Cao xạ ... Công tác bảo đảm cầu đường nhất định phải đi trước một bước... Cần định hình chiến thuật từng binh chủng trong chiến đấu hiệp đồng... Mở các chiến dịch vận tải tiến lên “Tổng công kích”, dứt điểm các hướng chi viện... Hơn bất kỳ nơi nào, ở đây phải sáng tạo nhiều thủ thuật nghi trang lừa địch, thu hút chúng vào các mục tiêu giả. Vô cùng khâm phục những sáng tạo của bộ đội ta đã dùng nước tiểu, ánh đèn, hơi nóng, màn khói, cả máy ghi âm... để lừa địch, làm cho hệ thống điện tử tự động hoá của Hoa Kỳ trở nên phản tác dụng... Cuối cùng ông kết luận rất gọn: Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh, ta nhất định thắng. Mùa sau sẽ lớn hơn mùa trước!
Tiếng hoan hô, vỗ tay rầm rầm. Các nhà báo tranh thủ ghi âm tốc ký, các ống kính lia theo các góc độ, bám theo Tư lệnh để phỏng vấn. Có lẽ lần đầu tiên họ hiểu đây là con đường huyền thoại.
Có chuyên viên sử học nói: Được nghe và nhìn kỹ tấm bản đồ hoạt động của Tuyến 559, mới hình đung được nhịp độ chiến tranh và thấy rõ được triển vọng của cuộc kháng chiến ở Miền Nam...Ông này quả đích thực là vị Tư Lệnh của con đường mang tên Bác.
Kết thúc Hội nghị, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chủ trương diễn tập “Phương án chiến dịch vận tải”. Cán bộ quân đội chẳng ai lạ việc diễn tập theo tình huống giả định. Đó là lấy thao trường làm chiến trường, còn đây là diễn tập trên chiến trường thật, ai cũng cảm thấy lạ. Các câu hỏi: Diễn tập thế nào?
Tư lệnh Nguyên đáp: “Phải làm thực sự, lấy chiến trường làm thao trường”. Lực lượng tham gia diễn tập gồm: Binh trạm 12, Binh trạm 9, Cơ quan BTL 559 và Tổng cục Hậu cần Tiền Phương. Đồng chí Tư lệnh và Chính uỷ làm chức trách Ban chỉ huy Binh trạm, các Binh trạm giữ cương vị phân trạm. Các cán bộ chỉ huy của Tuyến 559 và Tổng cục Hậu cần dự hội nghị làm phái viên chỉ đạo chiến dịch. Tiểu đoàn Thông tin triển khai ngay mạng hữu tuyến, vô tuyến, tiếp sức với các chốt chỉ huy. Mục đích chiến dịch “Tạo nguồn hàng tại bàn đạp vượt khẩu”. Thời gian chiến dịch là 30 ngày (từ mùng 9/10/1967). Không gian chiến dịch dài 195 km, gồm các trọng điểm: Thanh Lạng, Khe Núng, Ka Tang, Khe Ve...Do các tiểu đoàn cao xạ phối thuộc làm nhiệm vụ phòng không chiến dịch bảo vệ.
Đúng giờ “G”, Tham mưu trưởng phát lệnh cho các “Binh chủng” vào vị trí xuất phát. Một không khí náo nhiệt chưa từng thấy, “tập” lại là “thật”(!). Đầu mùa khô, máy bay địch quần đảo trinh sát từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình. Các trận địa bảo vệ trọng điểm buộc phải nổ súng hất địch lên cao. Các tiểu đoàn ô tô tranh thủ sáng có sương mù, chạy như cơn lốc vào địa điểm giao hàng; các đoàn xe chiến dịch nối nhau ùn ùn lao tới.
“Chiến dịch diễn tập đạt hiệu quả không ngờ: Khối lượng hàng sẵn sàng “vượt khẩu” tương đương với chỉ tiêu chi viện cho B3, B4 cả năm. Đặc biệt là qua một tháng kết hợp “thao trường với chiến trường”, đã chuyển biến hẳn phong cách chiến đấu, đưa các binh chủng vào “quỹ đạo hiệp đồng”. Một cuộc diễn tập rất độc đáo của vị Tư lệnh Trường Sơn.
Từ đây danh xưng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Tư lệnh Đoàn vận tải quân sự Quang Trung lan rộng khắp nơi rồi tiếp tục gắn với nhiều danh hiệu khác.
Năm 1968, khi địch đánh phá ngăn chặn ác liệt, không đưa được xăng dầu vào cho xe vận chuyển, ông đã báo cáo với Bộ Tổng Tư lệnh để triển khai hệ thống đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn - một con đường “huyền thoại” trong huyền thoại Trường Sơn.
Cũng từ năm 1967 hệ thống thông tin dây trần đã mở ra chạy dọc hai hướng Tây và Đông Trường Sơn, bảo đảm cho nhiệm vụ chỉ huy kịp thời, vững chắc, thông suốt. Đây cũng là một “huyền thoại” trong huyền thoại Trường Sơn.
Năm 1971, để đối phó với máy bay AC.130 vô cùng nguy hiểm, ông đã đưa ra ý tưởng mở đường kín, còn gọi là đường “K”. Nhờ có đường K đã “loại”được máy bay AC.130 cũng như các loại máy bay khác ra “khỏi vòng chiến đấu”.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, dưới sự chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương và Tổng Tư lệnh về làm đường cơ bản, Tư lệnh và Chính uỷ Trường Sơn chia hai hướng đi thi sát tuyến. Chính uỷ Đặng Tính đi tuyến hướng Tây, xe trúng mìn địch cài, đồng chí Đặng Tính và 5 đồng chí đi cùng hi sinh. Trọng trách đặt lên vai Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Ông đã chỉ đạo, tập huấn cho cán bộ chủ trì các đơn vị công binh từ cấp trung đoàn trở lên. Mặc dù không phải là kỹ sư cầu đường, nhưng khi được đọc bài giảng của ông, ai cũng thán phục. Nó vừa mang tầm chiến lược, chiến dịch vừa cụ thể về các mặt kỹ thuật biện pháp tổ chức thi công. Ông nói: Phải phát huy hiệu quả của mã lực như uy lực của xe tăng, hiệu quả của thuốc nổ như uy lực của pháo binh, cùng nhiều điều rất sâu sắc khác.
Đường Trường Sơn đã được xây dựng cơ bản và đặc biệt là cải tạo nhánh phía Tây kịp thời bảo đảm vận chuyển chi viện cho cuộc Tổng tiến công đại thắng Mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đi đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hơn tám năm công tác trên chiến trường Trường Sơn, tài thao lược và nhân cách của Ông đã toả sáng để cùng với cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, Quân đội giao phó, vận chuyển chi viện sức người, sức của cho cách mạng Miền Nam và giúp đỡ cách mạng hai nước bạn Lào và Campuchia.
MỘT SÁNG TẠO ĐẶC BIỆT VỀ TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG
Về tổ chức phát triển lực lượng và tăng cường trang bị kỹ thuật trong chiến đấu binh chủng hợp thành trên chiến trường Trường Sơn do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nghiên cứu đề xuất. Đây là một trong những sáng tạo độc đáo; mô hình tổ chức lực lượng và phương thức hoạt động này chưa hề có trong vận tải chi viện chiến lược ở Việt Nam.
Tư tưởng chỉ đạo của ông là sử dụng sức mạnh binh chủng hợp thành trên toàn chiến trường, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất vào một Bộ Tư lệnh. Coi trọng hệ thống chỉ huy, các Tham mưu trưởng: Tham mưu trưởng Tác chiến; Tham mưu trưởng Vận tải, Tham mưu trưởng Phòng không, Tham mưu trưởng Công binh....Chỉ huy sở làm việc 24/24 giờ với thông tin liên lạc thông suốt.
Việc xây dựng mô hình tổ chức lực lượng qua các giai đoạn như Binh trạm, Trung đoàn binh chủng, Sư đoàn khu vực, Sư đoàn binh chủng phát triển theo yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt là tháng 4/1973, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đề nghị Bộ cho thành lập 2 Sư đoàn ô tô vận tải và 6 trung đoàn độc lập, 4 Sư đoàn Công binh và 2 Trung đoàn cầu, 1 Sư đoàn phòng không và 6 trung đoàn độc lập, 1 Sư đoàn bộ binh và 2 trung đoàn độc lập, tiếp nhận 1 Sư đoàn phòng không phối thuộc, bỏ hình thức giao liên bộ chuyển thành hai trung đoàn giao liên cơ giới. Lúc này toàn chiến trường có trên 10 vạn quân, 8 sư đoàn, 21 trung đoàn binh chủng độc lập trực thuộc và 1 Sư đoàn phối thuộc của Bộ. Đây là một sáng tạo đặc biệt của Bộ đội Trường Sơn xuất phát từ ý tưởng của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.
TRƯỜNG SƠN là một chiến trường. Nơi đây đã diễn ra cuộc chiến ngăn chặn của không quân Mỹ với qui mô và mức độ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với bản lĩnh, trí tuệ và tài năng, ông đã chỉ huy các lực lượng của BTL Trường Sơn chống ngăn chặn, đánh bại cuộc chiến tranh ngăn chặn của không quân Mỹ trên đường đường Trường Sơn, lập nên những chiến công huyền thoại. Đảng, Nhà nước, Quân đội đã đánh giá đúng tài năng, bản lĩnh, nhân cách, những cống hiến của ông. Năm 1974, ông xứng đáng được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.
Nói chuyện với nhau về Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tạo thêm động lực về tinh thần và ý chí để Hoàng Kiền - Vi Văn Chúm tiếp tục hành quân vào Sa La Van.
TIẾP TỤC VƯỢT TRƯỜNG SƠN
Trong một ngày, đi ô tô gần trăm ki lô mét, cuốc bộ 50 ki lô mét cũng thấm mệt. Vào đơn vị quản lý cầu treo Bản Đông xin cơm ăn và nghỉ đêm. Từ Bản Đông vào đến bản Keng Xà Nhầy - Thị xã Xa La Van nơi Sư đoàn 565 đóng quân còn hơn 200 ki lô mét, đứng trên cầu treo Bản Đông nhìn vào hướng Sa La Van xa tít mù cũng ngao ngán , nhưng anh em động viên nhau quyết tiến . Xe khách chưa có, đường làm xong rồi, xe tải cũng không chạy, bên Việt Nam có các trạm giao liên đường sắt, đường bộ, bên Lào chịu chết, thật là gian nan. Chẳng có cách nào khác, quyết tâm cuốc bộ tiếp tục Vượt Trường Sơn thôi. Đi thêm hai ngày nữa trên đường, chẳng gặp chiếc xe nào cả, do có hai quả núi cao, đường ô tô vòng vèo qua dốc Thơm và đèo Phu la tuya, có lúc phải đi theo đường giao liên cũ cho gần, có lúc đi trên đường ô tô. Qua đèo Phu la tuya gần Sở chỉ huy Trung đoàn Công binh 34 gặp ô tô tải trên đường. Thế là bám xe vào thăm Trung đoàn, tôi làm trợ lý kế hoạch cho Tham mưu trưởng Nguyễn Duy Nghênh từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1974 ở đây, bây giờ anh lên chức Trung đoàn phó, đến chào Trung đoàn trưởng Đào Minh Trình, Trung đoàn phó Nguyễn Duy Nghênh được hai anh đón tiếp thân tình. Ngủ đêm tại Tổ kế hoạch Ban Tham mưu, hôm sau có xe về Sư đoàn hai anh em đi cùng. Vào đến đơn vị là đêm 30 tết, chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Bính Thìn năm 1976.
Lại theo bước tiến quân hành
Cùng anh Văn Chúm đã thành bạn thân
Đường dài rảo bước nhanh chân
Vượt qua Lao Bảo đến gần Bản Đông
Mỗi ngày một chặng nối thông
Cả tuần cuốc bộ ngóng trông Sư đoàn
Xa La Van thoảng hương lan
Rừng xanh hoa nở pháo ran đất trời
Thêm vui cái tết xa vời
Đón Xuân Bảy Sáu tại nơi đất Lào
Cuộc đời thêm trải gian lao
Mong chờ quyết định trên trao là về.
Thế là ăn tết Nguyên đán thứ sáu trên đất nước Cham Pa, nay mai sẽ về Việt Nam vĩnh viễn, biết bao giờ quay lại. Một kỷ niệm sâu đậm trong đời, làm sao mà không nhớ chuyến đi bộ này.
Năm Bảy mươi lên đường đánh Mỹ
Vượt Trường Sơn hào khí bừng bừng
Sáu năm chung sức hợp cùng
Con đường huyền thoại đón mừng chiến công
Nay về phép nghỉ xong trở lại
Vượt Trường sơn vẫn mải hành quân
Thế là đi bộ hai lần
Luyện tôi thêm vững đôi chân dặm trường
Đón xuân mới trên đường Thống nhất
Gần sáu năm nơi đất Chăm Pa
Quân dân đoàn kết một nhà
Việt - Lào hữu nghị bài ca nghĩa tình.
Có lẽ chẳng có ai đi bộ vượt Trường Sơn hai lần cả trong chiến tranh và trong thời bình như Hoàng Kiền và Vi Văn Chúm. Một kỷ niệm sâu sắc, nhớ mãi suốt đời.
Sau chuyến đi bộ vượt Trường Sơn lần thứ hai này, tình thân giữa Hoàng Kiền và Vi Văn Chúm càng thêm sâu đậm.
Hà Nội ngày 5 tháng 9 năm 2021
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
(Còn nữa)