"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 48)

Ngày đăng: 04:41 28/09/2021 Lượt xem: 344
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 48)
Bài số 53
       
       NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO

       TRÈO LÊN CĂN CỨ PHA THÍ - HỦA PHĂN - LÀO
      Hành trình thăm chiến trường xưa, thăm nước Lào, chúng tôi lên thăm đỉnh núi Pha Thí, một chuyến đi đặc biệt có một không hai.
CĂN CỨ PHA THÍ
       Pha Thí một địa danh, một đỉnh núi cao trên đất nước Lào, một căn cứ quân sự của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, Một chiến thắng lớn Hiệp đồng Quân Binh chủng trong các trận đánh Pha Thí của Liên quân Việt - Lào. Tôi đã nghe đến Pha Thí từ lâu khi còn ở chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mong được đến tham quan nơi đây.
       Ngày 5 tháng 8 năm 1964, tổng thống Mỹ Johnson ra lệnh mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc Việt Nam. Để cung cấp radar cho các cuộc không kích, không quân Mỹ thiết lập các hệ thống kiểm soát không lưu chiến thuật ở miền Nam Việt Nam gồm Cần Thơ và núi Khỉ ở Đà Nẵng. Khi quy mô cuộc chiến phát triển, hệ thống kiểm soát không lưu chiến thuật tối tân được áp dụng, mệnh danh là radar MSQ-77, hệ thống mới cung cấp độ chính xác hơn cho những cuộc không kích đêm và thời tiết xấu. Giữa tháng Tư năm 1966 và tháng Tư năm 1967, không quân Mỹ xây dựng 6 hệ thống radar mới: 4 trải dài khắp miền Nam Việt Nam (Biên Hòa, Đà Lạt, Pleiku và Đông Hà)và 2 cái nữa ở Nakhon Phanom và căn cứ không quân Udorn, Thái Lan. Tầm hoạt động của radar khá xa mạng lưới radar này cung cấp hướng dẫn không lưu toàn bộ miền Nam Việt Nam , một phần lớn Lào và miền Trung Việt Nam. Để cho radar vươn xa hơn về hướng Bắc, không quân Mỹ tìm những địa điểm thích hợp ở Bắc Lào để đặt thêm một MSQ-77 cho phép máy bay Mỹ có thể tấn công tới Hà Nội, ngày, đêm dưới bất kỳ điều kiện thời tiết nào, Mỹ quyết định đặt một trạm radar trên đỉnh Phu Pha Thí, một trong những ngọn núi cao nhất tỉnh Hủa Phăn. Với triền dốc thẳng đứng và một chóp nhọn hoắt, đỉnh núi rất khó tấn công và nó ở trong vùng của người Hmong do Vàng Pao quản lý với các căn cứ lân cận.
       Trực thăng chuyển 150 tấn thiết bị từ Udorn đến đỉnh Pha Thí. Giàn radar mới khá hiện đại TACAN được lắp đặt. Giữa năm 1967 không quân Mỹ nâng cấp TACAN trên đỉnh Pha Thí thêm một hệ thống TSQ-81 để đạt được độ chính xác hơn nữa nhằm dẫn đường cho máy bay đặc biệt là B52 đánh phá Hà Nội.
       Pha Thí trên bản đồ hành quân của CIA có tên là Lima site 85. Không quân coi nó là một trung tâm không tiêu AN-MSQ-77. Với Hmong, nó được gọi là Núi Đá, 1 ngọn núi mọc lên giống như một lính gác khổng lồ trên miền đất phì nhiêu trồng trọt thuốc phiện ở Lào. Dân Hmong rải rác các đồi núi, cung cấp tin tình báo và mạng lưới phòng thủ đài radar cho Vàng Pao khỏi các cuộc đột kích dự kiến. Vàng Pao tin tưởng lực lượng của hắn có thể chống chọi được một cuộc hiệp đồng tấn công của đối phương .
       Để đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, đặc biệt bảo vệ Thủ đô Hà Nội, ta quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Pha Thí. Địa hình Pha Thí quá hiểm trở, núi cao 1786 mét, vách đứng không có đường lên. Xung quanh có 2500 quân lính Vàng Pao bảo vệ. Căn cứ này chỉ cách biên giới miền Bắc Việt Nam khoảng hơn 30 ki lô mét. Trên đỉnh núi Pha Thí Mỹ tổ chức một căn cứ có ba điểm A, B, C liên hoàn. Có đài ra đa kiểm soát không lưu. Có các trận địa pháo mặt đất 155 mm, pháo phòng không, lực lượng bộ binh bảo vệ, một bãi đỗ trực thăng, một sân bay đường băng ngắn cho máy bay vận tải tiếp tế.
       Quyết tâm tiêu diệt căn cứ Pha thí đã được Bộ tổng tư lệnh hai bên Việt - Lào thống nhất. Các trận đánh hiệp đồng Quân Binh chủng được triển khai.
       Để tiêu diệt căn cứ này ngày 12 tháng 1 năm 1968 Không Quân Việt Nam dùng 4 máy bay AN 2 tiến công, lợi dụng địa hình địa vật bay thấp, đến gần cứ điểm nâng độ cao ném bom vào mục tiêu thành công. Nhưng chỉ 2 chiếc ném bom rồi quay về, nên căn cứ này chỉ bị thiệt hại còn 2 chiếc mất tích, mãi sau này mới tìm thấy do đâm vào sườn núi. Sau cuộc tiến công này, địch đã bố trí thêm hệ thống phòng không bảo vệ.
       Trận đánh dứt điểm căn cứ này diễn ra ngày 11 - 3 - 1968 của liên quân Việt - Lào, mà nòng cốt là lực lượng của Trung đoàn 766, bao vây tiêu diệt quân Vàng Pao bảo vệ xung quanh cứ điểm ở chân núi.
       Do núi cao, vách đứng cơ động lên vô cùng khó khăn, không thể đưa bộ binh lên được. Phương án dùng Bộ đội Đặc công được triển khai.
       Đêm ngày 10, sáng 11 tháng 3 năm 1968 phân đội Đặc công 18 người đã leo lên đỉnh núi tiến công cứ điểm này, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, phá huỷ các trang thiết bị. Lực lượng Bộ binh phối hợp tiến công tiêu diệt hoàn toàn quân địch tại căn cứ Pha Thí. Pha Thí được giải phóng, đây là chiến thắng hết sức quan trọng của Liên quân Việt - Lào.
       Tuy vậy chúng ta cũng bị tổn thất lớn. Hai máy bay AN - 2 không trở về. Có hai giả thuyết đặt ra là máy bay đâm vào núi do bay thấp, hoặc quay lại kiểm tra mục tiêu bị đâm vào nhau rơi cả hai chiếc. Lực lượng bộ binh hi sinh nhiều do thiếu nước và mùa đông quá lạnh thiếu chăn nên bị chết khát và chết rét. Quân địch phòng ngự trên địa hình phức tạp, máy bay Mỹ ném bom gây thiệt hại cho quân ta.
       Trong hồi tưởng của CCB Mỹ sống sót có nói họ ý thức được thất bại và tính tới phương án chuyển quân và phá thiết bị vào sáng hôm sau. Nhưng họ đã không thể làm được điều đó vì cuộc tấn công cuối cùng đã diễn ra ngay trong đêm.
       Ngày 13 tháng 3 năm 2018 Bô quốc phòng CHDCND Lào và tỉnh Hủa Phăn đã tổ chức Hội thảo về chiến thắng Pha Thí tại Sầm Nưa. Các cơ quan Trung ương, địa phương có liên quan của hai nước tham dự, đặc biệt có năm cựu chiến binh Việt Nam trực tiếp chiến đấu có mặt, những nhân chứng trong chiến dịch. Cuộc hội thảo thành công tốt đẹp, tạo căn cứ để chiến thắng Pha Thí mãi mãi ghi vào lịch sử hào hùng của Liên minh chiến đấu Việt - Lào. Chiến thắng Pha Thí có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ miền Bắc Việt Nam trước các cuộc tập kích do không quân Mỹ gây ra.
       Năm 1976 tôi vào học lớp CS11 - Khoa Công trình Quân sự, năm học thứ 4 được đi theo Phó chủ nhiệm Khoa Công trình Quân sự - Nguyễn Thuận đang làm luận án nghiên cứu sinh Phó tiến sĩ về đề tài Qui hoạch công trình đối phó với máy bay B52.....Phó chủ nhiệm Khoa đã nghiên cứu các trận ném bom của máy bay B52 khi tập kích 12 ngày đêm vào Hà Nội tháng 12 năm 1972 ngay khi ấy trên thực địa. Một kết luận quan trọng rút ra là: máy bay B52 của Mỹ bay từ Thái Lan sang, do căn cứ Pha Thí bị tiêu diệt, không có ra đa dẫn đường nên chúng phải lấy mục tiêu núi Tam Đảo là điểm chuẩn, nó bay đến Tam Đảo, ngoặt xuống Hà Nội thả bom rồi bay về Thái Lan. Tất cả các vệt bom B52 đánh xuống Hà Nội đều có hướng thẳng với núi Tam Đảo. Điều đó làm cho tôi có mong muốn được lên thăm Pha Thí một lần.

LÊN THĂM PHA THÍ
       Đoàn cựu chiến binh Trường Sơn sang thăm nước bạn Lào, thăm tặng quà cho một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Hủa Phăn do TW Hội Trường Sơn chỉ đạo, Trung tâm thăm chiến trường xưa của Hội tổ chức, trong đó có kế hoạch lên thăm tặng quà cho bộ đội Lào tại Pha Thí.
       Ngày 21 tháng 10 năm 2018 chúng tôi lên thăm Pha Thí. Do địa hình khó khăn nên chỉ 5 người đi được trên tổng số 58 người dám đi thôi, gồm:
Thiếu tướng Hoàng Kiền - Trưởng đoàn 68 tuổi
Đại tá Nguyễn Đắc Thể - Phó đoàn 86 tuổi
Đồng chí Bun Lửa - Bí thư thứ hai Đại sứ quán Lào tại Việt Nam 55 tuổi
Nhà giáo Ngô Thị Khiếu - Thành viên 64 tuổi
Ngọc Hiếu phóng viên Đài truyền hình Việt Nam - 30 tuổi
Về phía Tỉnh đội Hủa Phăn - Lào gồm:
Đồng chí Trung tá Phó chính uỷ - BCHQS tỉnh
Đồng chí Trung tá - Trưởng ban đối ngoại
Đồng chí Trung tá - Phó chánh văn phòng
Ngọc Hải - Trung tá - Đội trưởng của Công ty Hợp tác kinh tế 705/QK2 đóng ở Sầm Nưa đi cùng với bạn.
       Hai xe ô tô hai cầu khởi hành từ Sầm Nưa lúc 7 giờ, 10 giờ đến Đại đội bộ binh 18 đóng ở chân núi, đồng chí Đại đội trưởng với 3 chiến sĩ mang theo súng AK đi bảo vệ đoàn. Đi bộ khá xa và cao, đến chân núi Pha Thí. Chúng tôi leo qua 1000 bậc thang sắt lên điểm A của Pha Thí. Cũng may có thang sắt BQP Lào mới cho làm nhân dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Pha Thí vào 10/3/2018 mới leo lên được đỉnh núi cao, vách đứng này. Tiếp tục leo bộ vẫn còn dốc cao lên mãi. Tiểu đội chốt trên đỉnh núi ra đón đoàn. Qua giới thiệu anh em nói rằng:
       Thiếu tướng Hoàng Kiền là vị tướng đầu tiên của Việt Nam và của thế giới lên đây ( trừ nước Lào).
       Đại tá Nguyễn Đắc thể 86 tuổi, là người cao tuổi nhất thế giới lên đến đây.
       Nhà giáo Ngô Thị Khiếu là Cô giáo đầu tiên trên thế giới lên đây.
      Nghe giới thiệu như thế chúng tôi rất vui và tự hào, mặc dù áo khoác ngoài đã đẫm mồ hôi trong khi trời rất lạnh gió rít vù vù.
       Chương trình tìm hiểu tham quan bắt đầu, chúng tôi đi hết khu vực đỉnh A và đỉnh B, không đến được đỉnh C do hết thời gian mà hiểm trở quá. Những dấu tích còn lại là sân bay đường băng ngắn, bãi đỗ trực thăng, Khung xác ra đa, xác khẩu pháo 155 mm, xác các máy phát điện, máy nâng hàng, xác máy bay trực thăng bị bắn rơi vv, Các hiện vật chỉ còn lại một số bộ phận nặng thôi, phần lớn dân đã thu hết sắt thép bán phế liệu. Đồng chí Bun Lửa chỉ đi gần đến đỉnh A là hết sức phải dừng lại, nhà giáo Ngô Thị Khiếu cấp cho lương khô ăn trưa. Chúng tôi quay phim, chụp ảnh kết thúc chuyến tham quan tìm hiểu. Lên đình núi cao hơn 1786 mét lạnh lắm, gió hút vèo vèo, vào thăm Tiểu đội chốt bảo vệ cứ điểm Pha Thí anh em phải đốt củi sưởi, thế mà áo véc của tôi ướt đẫm mồ hôi phải cởi ra vắt vai. Đặc sản có rượu sâm Pha thí, các chiến sĩ Lào mời đoàn khách Quốc tế Việt Nam, chạm ly Xăm ma khi - Vui đoàn kết, làm ba ly liền để lấy sức xuống núi.
       Đoàn xuống núi, về lại Đại đội 18, thăm tặng quà đơn vị, Thiếu tướng- Cựu chiến binh Việt Nam trao đổi với các đồng chí bên bạn ba vấn đề.
       Cần giữ lại những hiện vật chiến tranh, làm hàng rào bảo vệ, xây các bia di tích giới thiệu về thiết bị để sau này phát triển du lịch về di tích Lịch sử quân sự, giáo dục truyền thống chống ngoại xâm và chiến thắng Pha Thí cho các thế hệ mai sau.
       Cần xây bể chứa nước mưa khoảng 50 m3 mùa mưa dùng bạt hứng nước mưa mà dùng, ở đây mùa khô không có nước. Trong trận đánh Pha Thí năm xưa bộ đội ta đã hi sinh nhiều một phần do không có nước uống. Năm 1969 khi là thầy giáo cấp hai ở quê, tôi đã đọc một bài trên báo Nhân dân nói là : do thiếu nước, bộ đội ta đã phải uống nước tiểu của nhau, rồi vắt phân trâu phân bò lấy nước uống. Không có nước uống hai ngày là chết.
       Tăng gia sản xuất: Mùa mưa trồng rau đại trà, mùa khô đào hốc cạnh bể tắm, xây hố thu nước tắm giặt. Làm dàn trồng bầu bí mướp chỉ cần tưới gốc , thu lấy nước tắm giặt mà tưới, Tôi đã chỉ đạo Công binh Việt Nam làm ở biên giới, hải đảo nhiều rồi.
       Đại đội 18 tặng Thiếu tướng Hoàng Kiền bình rượu Sâm Pha Thí 10 lít rất quí. Đồng chí Thiếu tá- Đại đội trưởng - Sắp tròn 60 tuổi sẽ nghỉ hưu phát biểu: Bình rượu sâm trên đỉnh núi Pha Thí cao gần 1 nghìn tám trăm mét, sâm rất tốt, Đại đội 18 bảo vệ căn cứ Pha thí kính tặng Thiếu tướng Hoàng Kiền - Nguyên Tư lệnh Công binh Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng nước ngoài đầu tiên trên thế giới lên đỉnh Pha Thí.
       Tôi thay mặt đoàn phát biểu cảm tưởng của mình thật sự xúc động. Đại tá Nguyễn Đắc Thể dịch đầy đủ. Cho đến nay bình rượu sâm Pha Thí vẫn còn nhiều, giữ làm kỷ niệm lâu dài. Đến 16 giờ đoàn chúng tôi ăn trưa với cán bộ Đại đội 18. Hai bên giao lưu chúc nhau thật thắm tình đoàn kết hữu nghị Việt Lào. Đang ăn thấy lạnh ở cổ chân, vạch ra xem, giời ơi, con vắt chui qua tất vào cắn no máu to như ngón tay rơi xuống nền nhà, máu chảy chan ra, lau chùi mãi mới cầm được máu.
       Chuyến Đi Bộ leo lên đỉnh núi Pha Thí thật là ý nghĩa, một kỷ niệm sâu sắc trong đời.
Lên thăm Pha Thí đỉnh cao
Gió lạnh hun hút, thân trào nước ra
Việt Nam có đám người già
Hai Ông cùng với một Bà lên đây
Nhớ thời chống Mỹ chung tay
Chiến thắng Pha Thí hôm nay tỏ tường
Dẫu cho khó nhọc dặm trường
Quyết tâm leo núi kiên cường vượt qua
Thời gian nay đã lùi xa
Trận đánh Pha Thí mãi là Vinh quang
Lịch sử đã bước sang trang
Việt - Lào Đoàn kết vững vàng dựng xây.

KỶ NIỆM VỚI ĐẠI TÁ NGUYỄN ĐẮC THỂ
       Chuyến đi thăm chiến trường xưa, thăm nước Lào tôi được Trung tâm thăm chiến trường xưa của Hội Trường Sơn Việt Nam mời làm Trưởng đoàn lần đầu tiên đối với tôi, đi vào cuối tháng 10 năm 2014. Thấy ông cựu chiến binh già đeo theo cái trống dài tham gia biểu diễn văn nghệ rất nhiệt tình, nói tiếng Lào hơn gió. Tôi cũng võ vẽ tí tiếng Lào thế là kết nối nói chuyện với nhau. Ba chuyến đi Lào tiếp theo cùng với nhiều chuyến đi trong nước trong hoạt động của Hội Trường Sơn Việt Nam, chúng tôi càng gắn bó thân tình hơn.
       Cứ gặp nhau là Em chào Bác Thể!
       Bác Thể lúc chào trước lúc chào sau: Em chào thủ trưởng.
       Hai người cứ tranh nhau làm Em!
       Anh em bắt tay nhau thật là vui, thân tình.
       Thấy bác nói tiếng Lào giỏi, tôi hỏi Bác ăn mắm ngoé chắc phải mấy chục năm nhỉ?
       Em ăn có 52 năm Thủ trưởng ạ.
       Thế bác giỏi tiếng Lào là phải, Em có gần sáu năm thôi.
       Sinh năm 1932 tại Thanh Hoá, năm 1946 Nguyễn Đắc Thể theo gia đình tản cư sang Thái Lan. Năm 1951 anh tham gia thành lập các đội quân 81, 82, 83 quân tình nguyện Việt Nam từ Thái Lan về Lào chiến đấu cùng quân đội Pa thét Lào ở khu vực Thủ đô Viêng Chăn, lập nên chiến thắng đầu tiên ở Bản Cơn. Những năm tháng chiến đấu chống Pháp trên đất Lào vô cùng khó khăn gian khổ thiếu thốn, ba cùng với dân, tự túc đủ mọi thứ, chỉ có Bộ đội Cụ Hồ mới vượt qua được. Trong ba đoàn có Đoàn 83 Viêng Chăn là tiền thân của Trung đoàn Công binh 83 mà tôi có 8 năm công tác, làm Trung đoàn trưởng sau này. Hoà bình lập lại, đơn vị của Anh về Thanh Hoá. Khi chiến tranh chống Mỹ nổ ra anh lại sang Lào, thắng Mỹ anh về Việt Nam. Khi chiến chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra anh lại sang Bắc Lào làm nhiệm vụ. Cuộc đời quân ngũ Đại tá Nguyễn Đắc Thề gắn bó với đất nước Lào 52 năm. Tôi rất kính trọng và có tình cảm thật sâu sắc thân tình với anh từ năm 2014 anh 82 tuổi, nay 89 tuổi càng sâu đậm hơn.
       Chuyến lên thăm Pha Thí một kỷ niệm sâu sắc trong đời, mãi mãi nhớ đến Anh Đại tá Nguyễn Đắc Thể.

 
Ngày 6 tháng 9 năm 2021
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
Nguyên Tư lệnh Công binh.

 
(Còn nữa)
 
tin tức liên quan