"60 năm ngày ấy - Mở đường Hồ Chí Minh trên biển", TG: Phạm huy Chương

Ngày đăng: 09:28 21/10/2021 Lượt xem: 284
60 NĂM NGÀY ẤY - MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN
Bài viết KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN ( 23/10/1961 – 23/10/2021)
Phạm huy Chương
 
         Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, cùng với tuyến đường vận tải chiến lược xuyên dãy Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển, một kỳ tích độc đáo của bộ đội hải quân, làm nên tuyến đường “huyết mạch” hết sức trọng yếu chi viện cho chiến trường để quân và dân ta đánh thắng kẻ thù xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


(Ảnh minh họa) 

 
         Trước yêu cầu của cách mạng miền Nam bước sang một giai đoạn mới. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá II) họp tại Hà Nội, xác định con đường giải phóng miền Nam là “Con đường cách mạng bạo lực”. Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, tháng 5-1959, Tổng Quân uỷ Trung ương quyết định thành lập Phòng nghiên cứu hoạt động chi viện quân sự cho chiến trường miền Nam.
         Thực hiện chủ trương của Đảng và Quân uỷ Trung ương, ngày 19-5-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập. Ngày 1-6-1959, Tiểu đoàn 301 trực thuộc “Đoàn 559” ra đời. Tiểu đoàn có nhiệm vụ mở tuyến vận tải xuyên Trường Sơn để chi viện vũ khí, trang bị, lực lượng cho chiến trường miền Nam.
        Đến tháng 7-1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển. Tiểu đoàn gồm 107 cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành 2 đại đội, đóng quân tại thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn lấy tên là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Phương tiện vận tải ban đầu của đơn vị là 4 chiếc thuyền gỗ có trọng tải từ 15-20 tấn. Thuyền có 2 đáy, phía dưới để vũ khí, phía trên để lưới và dụng cụ đánh cá nhằm cải trang thành thuyền buồm đánh cá miền Nam.
         Cuối năm 1959, công tác chuẩn bị cho vận chuyển đã cơ bản hoàn thành. Đại đội 1, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên chở 5 tấn vũ khí và thuốc chữa bệnh cho chiến trường Khu V, địa điểm cập bến là chân đèo Hải Vân. Chuyến đi có 6 người: Đồng chí Nguyễn Bất, Đại đội trưởng Đại đội 1 làm Thuyền trưởng; đồng chí Trần Mức làm Thuyền phó; 4 thành viên còn lại là: Huỳnh Ba, Nguyễn Sanh, Huỳnh Sơn, Nguyễn Nữ.Để giữ bí mật, lợi dụng lúc thời tiết xấu, gió mùa đông bắc, 18 giờ ngày 27-1-1960 (tức 30 Tết Canh Tý) thuyền nhổ neo. Đêm đầu tiên, thuyền chạy thẳng ra vùng biển quốc tế, với ý định từ đó sẽ đi dần vào chân đèo Hải Vân. Hôm sau, gió to, sóng lớn, thuyền có nguy cơ bị lật, 6 người kiên trì chèo chống nhưng thuyền vẫn cứ dạt về phía Nam và bị gãy một lái. Ngày thứ 3, thuyền trôi vào Cù Lao Ré tỉnh Quảng Ngãi. Mọi người định chèo thuyền ngược ra thì tay lái còn lại gãy nốt. Lúc này, tàu tuần tiễu của địch và tàu đánh cá của dân ra biển ngày một đông, nếu ở vùng biển này lâu sẽ bị lộ, thuyền trưởng Nguyễn Bất quyết định thả 5 tấn súng đạn và thuốc chữa bệnh xuống biển để xóa dấu vết. Tuy không có chứng cớ rõ ràng nhưng 6 thủy thủ của ta vẫn bị địch giam và tra tấn để khai thác thông tin. 5 thủy thủ đã hy sinh, duy nhất đồng chí Huỳnh Ba còn sống  đã được trao trả năm 1974. Chuyến đi đầu tiên không thành công. Nhận thấy việc dùng thuyền buồm gỗ chở vũ khí vào chiến trường bằng đường biển rất nhiều khó khăn và không an toàn, Quân ủy Trung ương quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động. Trong khi chờ đợi trên tìm phương án mới, Tiểu đoàn 603 giải thể, các đại đội chuyển về Tiểu đoàn 301 làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn.
         Đầu năm 1960, cùng với Phong trào Đồng khởi Bến Tre, cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và phát triển lực lượng của các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ, yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng vận chuyển vũ khí, hàng hóa để chi viện cho chiến trường. Lúc này, tuyến đường bộ trên dãy Trường Sơn đã mở và hoạt động hiệu quả nhưng chưa vươn tới các địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Tổng Quân ủy tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu V.
         Trong khi chưa có lực lượng để làm nhiệm vụ vận chuyển trên biển chi viện cho miền Nam, Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam đang phát triển.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương. Từ  năm 1961 đến giữa năm 1962, 6 thuyền của các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa đại diện cho đồng bào Nam Bộ đã ra tới miền Bắc. trực tiếp đề đạt nguyện vọng với Trung ương xin được chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam. Những người con kiên trung của thành đồng Tổ quốc đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bí thư thứ nhất Ban châp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương gặp mặt, ân cần thăm hỏi, động viên. Những chuyến vượt biển thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam.
          Trước đòi hỏi yêu cầu của phong trào cách mạng giải phong miền Nam thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương. Ngày 23-10-1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP do Thứ trưởng Hoàng Văn Thái ký thành lập Đoàn 759 vận tải thủy. Đồng chí Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Cơ quan của Đoàn gồm có Ban Tham mưu, Ban Chính trị, Ban Hậu cần. Lực lượng của Đoàn ban đầu có 38 cán bộ, chiến sĩ; trong đó 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V vừa điều ra. Đoàn có nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Đoàn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tư lệnh, lấy nhà số 83 Lý Nam Đế (Hà Nội) làm trụ sở. Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh. Sự ra đời của Đoàn 759 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển. Ngày 23-10 trở thành ngày truyền thống của Đoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay đồng thời là Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.
         Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến biển, đảo và Hải quân. Đền đáp lại tình cảm ấm áp và lời dạy quý báu của Người, Hải quân nhân dân Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trong đó có kỳ tích vận chuyển hang ngàn tấn vũ khí, phương tiện kỹ thuật, hậu cần và đưa nhiều cán bộ, chiến sĩ vào miền Nam chiến đấu. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển ấy đã có nhiều chiến sỹ hải quân là những thủy thủ chiến đấu ngoan cường đã anh dũng hy sinh bảo vệ những “con tàu không số” vượt qua mưa bom bão đạn của quân thù chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Tiêu biểu những chiến công, gương chiến đấu hy sinh của các chiến sỹ hải quân, những con tàu không số trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đó là: Sự kiện tàu 143 do thủy thủ Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng, rời bến ngày 1/2/1965 vận chuyển 63 tấn vũ khí vào bến Lộ Diêu tỉnh Bình Định, đến ngày 10/2/1965 trên hải trình cập điểm hẹn giao hàng, bến Lộ Diêu mất an toàn, cấp trên chỉ đạo tàu 143 chuyển hướng vào Vũng Rô. Sau khi giao hàng xong trước 3 giờ sang ngày 16/2/1965 theo đúng kế hoạch, thì tàu bị hỏng máy phải chữa đến 5 giờ sang, buộc tàu phải nằm lại tại bãi vũng chùa. Bị máy bay trinh thám của địch phát hiện chúng đã gọi nhiều máy bay trực thăng đến thả pháo mù và bom xăng vào mục tiêu, đồng thời huy động nhiều tàu chiến và hai tiểu đoàn bộ binh mưu toan tóm gọn toàn bộ thủy thủ tàu 143. Phương án phá hủy tàu đã được triển khai. Phối hợp với bộ đội, du kích bến vũng Rô, các thủy thủ tàu 143 đã kiên cường chống trả các đợt tấn công của địch. Với quyết tâm cao nhất, hơn nửa tấn thuốc nổ đã được đưa vào đúng vị trí của thân tàu phá hủy trong đêm 17/2/1965, rồi thoát khỏi vòng vây địch.  Đó là: tàu không số mang phiên hiệu 41 chở hơn 40 tấn vũ khí vào Phổ An, huyện Phổ Đức tỉnh Quảng Ngãi, đêm ngày 26/1/1966 khi những kiện hang cuối cùng vừa thả xong tại điểm hẹn thì sóng lớn đánh gãy chân vịt con tàu. Trước tình hình đó thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh lấy quốc kỳ cuốn chặt vào cổ rồi chỉ huy các thủy thủ bơi trước vào bờ, rồi ra lệnh cho máy trưởng mở hết giới hạn kỹ thuật chân vịt, cho tàu 41 lao thẳng về phía hai tàu của địch sau khi kích nổ bộc phá dưới hầm tàu, sau dó thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và máy trưởng rời tàu sau cùng. Khi chân vừa chạm bờ thì nghe tiếng nổ ầm vang cả một vùng, tàu 41 đã phá hủy. từ phía biển địch dội pháo vào bờ, làm thuyền phó Dương Văn Lộc hy sinh, 19 thủy thủ còn lại ngược đường rừng ra Bắc an toàn. 7 năm sau sự kiện đó, ngày 11/1/1973, tập thể tàu 41 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu đơn vị AHLLVTND, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh vinh dự được phong tặng AHLLVTND. Đó còn là cuộc chiến đấu kiên cường của “ tàu không số” 235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy, tàu 235 rời bến Hải Phòng ngày 27/2/1968, vận chuyển nhiều tấn vũ khí, thuốc y tế vào bến Hòn Hèo. Sau hải trình vất vả, đêm 29/2/1968 tàu 235 vào tới khu vực bến Hòn Hèo thì vấp phải tàu tuần tra của địch. Thuyền trưởng nguyễn Phan vinh bình tĩnh chỉ huy thủy thủ trên tàu sẵn sang chiến đấu, đồng thời chỉ huy tàu khôn khéo đánh lạc hướng địch vào biển ninh Phước bên chân núi hòn Hèo nhanh chóng thả những kiện vũ khí bọc kín ni non xuống biển để bộ đội dân công ra vớt sau. Hơn 1 giờ sau phát hiện hướng chạy của tàu ta. Địch huy động 7 tàu chiến của tăng tốc rượt đuổi và bao vây, chúng gọi cả máy bay đến giội pháo sáng và bắn rốc két, các thủy thủ trên tàu đã dùng DKZ giội thẳng về phía địch khiến một tàu bốc cháy. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra ác liệt, 5 thủy thủy trên tàu 235 đã hy sinh, 9 người khác bị thương, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh  vẫn bình tĩnh bám buồng lái, tính phương án kích bộc phá dưới hầm trước rồi cho tàu 235 lao thẳng vào tàu địch, nhưng không may tàu hỏng máy. Nguyễn Phan Vinh chỉ huy các thủy thủ đưa các tử sỹ, các thương binh bơi vào bờ trước, số còn lại cùng rời tàu vào bờ để phá hủy tàu. Khi các thủy thủ vừa vào đến bờ thì tàu 235 nổ tung, địch huy động nhiều hơn hai tiểu đoàn bộ binh với nhiều tàu chiến, cả máy bay yểm trợ bao vây kín cả vùng núi hòn Hèo. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ xung phong ở lại cầm sung đánh trả quân địch tới viên đạn cuối cùng và đã hy sinh để bảo vệ an toàn cho đồng đội rút khỏi vùng bao vây try sát của địch.
         Chiến công và thành tích vẻ vang của đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
         Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống mở đường Trường Sơn trên biển, viết lại những sự kiện trên, xin được coi là những nén hương thơm thắp nên để ghi tạc và tưởng nhớ tới công ơn của các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển và các anh hùng liệt sỹ đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ  và thống nhất tổ quốc.

 
PHẠM HUY CHƯƠNG
tin tức liên quan