Người chỉ huy ấm áp tình phụ tử của tôi

Ngày đăng: 11:09 29/10/2021 Lượt xem: 373
 
NGƯỜI CHỈ HUY ẤM ÁP TÌNH PHỤ TỬ CỦA TÔI

          Tôi từng nghe cha kể: “Ngày xưa có hai anh bạn chơi thân với nhau cùng vào lính. Cả hai đều chiến đấu rất dũng cảm. Một hôm, một trong hai người được thưởng phép, anh ghé thăm gia đình bạn. Bà mẹ bạn hỏi anh về tình hình con mình. Anh hồ hởi khoe: Bác ạ. Anh ấy chiến đấu rất dũng cảm. Trong một trận đánh, anh bị trúng tên. Sợ mũi tên có độc, ông tướng đã lấy miệng hút máu vết thương cho anh. Nghe vậy, bà mẹ bạn òa khóc: Thế này thì khổ rồi con ơi! Anh hỏi bà mẹ: Bác ơi. Anh ấy được chỉ huy yêu mến như vậy là rất vui, sao bác lại khóc? Người mẹ nói trong nước mắt: Được chỉ huy yêu mến như thế, chắc chắn nó sẽ bất chấp mũi tên hòn đạn, sẽ sẵn sàng lao vào nơi nguy hiểm nhất, rồi sẽ chẳng biết sống chết ra sao”. Kể đến đây, cha tôi kết luận: Trong quân đội, tình cảm cấp trên và cấp dưới là một trong những nhân tố tạo nên lòng dũng cảm của người lính. Vậy mới có câu “Tướng sỹ một lòng phụ tử”.
      Vào bộ đội, tôi mới thấm hết câu chuyện đó, vì tôi có người chỉ huy là anh Mai Trọng Phước. Anh là một người chỉ huy thương lính như con em, sáng tạo, luôn lắng nghe và tạo điều kiện cho cơ quan kỹ thuật chúng tôi xử lý thắng lợi các tình huống khi địch đánh phá vào tuyến ống. Một lần, tổ khảo sát chúng tôi lên đường để khảo sát tuyến tránh bờ nam sông Sê Bang Hiêng. Đó là một nơi đặc biệt nguy hiểm vì dày đặc bom từ trường. Biết chúng tôi chuẩn bị lên đường, dù đang bị cơn sốt rét hành hạ, anh vẫn yêu cầu công vụ dìu ra tận ngã ba đón chúng tôi. Anh dúi vào tay tôi lọ sâm Triều Tiên (chỉ cấp phát cho cán bộ cấp trung đoàn trở lên), và dặn: Đứa nào mệt thì ngậm cho lại sức. Nhìn Trung đoàn trưởng run rẩy đứng không vững, Tôi nhận lọ sâm mà không sao cầm được nước mắt. Một lần khác trên đường đi kiểm tra tuyến, tôi mệt quá ngủ vùi, khi tỉnh dậy, không thấy bộ quần áo bết bùn đất vắt ở đầu võng. Đang chưa hiểu vì sao thì thấy Trung đoàn trưởng ôm mớ quần áo vừa giặt từ bờ sông đi lên. Tôi hốt hoảng: “Ôi thủ trưởng, chúng tôi còn trẻ, chẳng giúp được thủ trưởng thì thôi, sao Thủ trưởng lại làm vậy!”. Anh cười rất tươi: “Mình không ngủ được, dậy sớm hơn, tiện thể giặt cho cậu, cũng là thể dục mà, có sao đâu!”. Tôi thực sự cảm động: Thiếu tá Trung đoàn trưởng 46 tuổi đã chăm sóc cho cậu Thiếu úy trợ lý 23 tuổi với tình cảm như cha đối với con.
      Tuy nhiên, đọng lại sâu sắc nhất với tôi là lời dạy của anh trong một tình huống tôi vấp ngã. Chuyện như sau:
Mùa khô 1970-1971, cùng với chiến dịch Đường 9-Nam Lào, các tuyến ống của Trung đoàn 592 đều bị đánh phá rất ác liệt. Trung đoàn đang chuẩn bị thi công tuyến nhánh K5c để đưa xăng từ Bản Cọ về đường 128. Với tư cách là Trưởng Tiểu ban kỹ thuật của Trung đoàn, khi xem bản thiết kế thủy lực tuyến của Diên, kỹ sư cùng học một lớp thời đại học, tôi thấy nhiều chỗ còn băn khoăn, nên quyết định đưa ra thảo luận trong Tiểu ban. Do sơ ý, bản thiết kế ấy rơi trên đường đi từ hầm của tôi đến phòng họp. Mấy chú lính ở đơn vị lên làm doanh trại cho trung đoàn bộ, không biết là giấy gì, nhặt được, tiện thể làm giấy toa let. Khi lên đến phòng họp, phát hiện ra tài liệu bị rơi, tôi và một nhân viên trong Tiểu ban lộn lại tìm, và thấy nó đã nhoe nhoét phân ở nhà vệ sinh. Tôi nói với cậu nhân viên: “Như vậy là bản thiết kế không mất, nhưng bẩn quá rồi, không cần nhặt lại nữa. Mình lên báo cáo để Trung đoàn trưởng biết”. Từ nhà vệ sinh, tôi lên thẳng phòng làm việc của Trung đoàn trưởng, thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Anh Phước nói: “Biết không mất là được rồi, nhưng cậu phải rút kinh nghiệm sâu săc về chuyện này đấy nhé”. Tôi cũng thông báo việc này trong Tiểu ban Kỹ thuật, và nhận khuyết điểm của mình. Mọi chuyện trôi qua, tuyến ống hoàn thành và vận hành an toàn. Sau lần ấy, tôi theo anh Phước ra Hà nội báo cáo tình hỉnh với Cục Xăng dầu Tổng cục Hậu cần về tuyến ống 559 trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Xong việc, tôi vào trước, anh Phước vào sau vì một số công việc dở dang. Vừa vào đến kho đầu tiên của Trung đoàn, tôi đã thấy Trung đội trưởng cảnh vệ cùng hai chiến sỹ chờ sẵn. Trung đội trưởng nói: “Chào anh Hậu, chúng tôi chờ để đưa anh về Trung đoàn bộ”. Nhìn ba người nai nịt vũ khí, tôi ngạc nhiên: “Tôi tự về được mà, sao phải đưa tôi về như áp giải tù nhân thế này?”. Trung đội trưởng nhẹ nhàng: “Anh thông cảm, chúng tôi được lệnh đón anh, và đảm bảo với cơ quan Chính trị đưa anh về đến Trung đoàn bộ. Lệnh này hình như liên quan đến việc anh làm mất một tài liệu tuyệt mật”. Tôi bàng hoàng, lục lọi trí nhớ, không biết mình đã làm mất tài liệu tuyệt mật gì. Hay chuyện này có lên quan đến bản thiết kế thủy lực tuyến nhánh K5c. Về đến trung đoàn bộ, tôi được dẫn thẳng tới một căn nhà nhỏ gần hầm Trợ lý Bảo vệ an ninh, một chú lính đứng gác ngay ở cửa. Chiều tối, Trung úy trợ lý Bảo vệ sang gặp tôi. Anh đưa tôi xem lá đơn tố cáo của Diên. Trong lá đơn khá dài, có một đoạn đọc mà “sởn gai ốc”: “đồng chí Hậu đã làm mất bản thiết kế tuyến nhánh K5c, đây là một tài liệu tuyệt mật, vì trong bản thiết kế đó có tọa độ của tất cả các kho và trạm bơm của tuyến. Nếu tài liệu này rơi vào tay địch thì sẽ là thảm họa cho Trung đoàn. Tôi chờ sự thành khẩn tự giác của đồng chí Hậu, nhưng đồng chí ấy đã cố tình che dấu. Bởi vậy, tôi làm đơn báo cáo việc này với Trung đoàn…”. Chờ tôi đọc xong lá đơn, anh trợ lý bảo vệ an ninh nhẹ nhàng: “Anh là kỹ sư, anh hiểu rất rõ tầm quan trọng của bản thiết kế. Đây thực sự là việc rất nghiêm trọng. Từ khi nhận được lá đơn này, Ban Chỉ huy Trung đoàn vô cùng lo lắng”. Tôi thuật lại câu chuyện cho anh, khẳng định là bản thiết kế ấy không mất, giải thích cho anh rằng đây chỉ thuần túy là bản tính toán thủy lực, không có lý do gì phải viết tọa độ kho và trạm bơm vào đây. Nghe xong, viên trung úy nói giọng nghiêm khắc hơn: “Anh nói, tôi biết vậy. Mà lúc xẩy ra việc, đáng lẽ anh phải báo cho chúng tôi chứ không phải là Trung đoàn trưởng. Giờ anh hãy viết tường trình”.  Tôi đã viết, không phải là một, mà ba bản tường trình. Có lẽ cơ quan an ninh muốn chắc chắn tôi không nói dối bất cứ tình tiết nào. Sau một tuần, tôi được “thả”, trở về Tiểu Ban kỹ thuật. Mọi người kể rằng sau khi có lá đơn tố cáo, cơ quan an ninh đã cùng họp với Tiểu ban nhiều lần về việc này. Mọi người đều khẳng định: không ai lại viết tọa độ kho và trạm bơm vào bản tính toán thủy lực, nhưng Diên khẳng định là có. Bởi vậy, vấn đề mãi chưa ngã ngũ. “Vậy Diên đâu rồi?” Tôi hỏi. “Nó bị sốt rét ác tính thể tâm thần, đập phá quá nên bệnh xá tạm nhốt vào một phòng riêng. Hôm nay đỡ, nó nhắn chuyển hộ cho nó cuốn sổ công tác”. “Để mình mang sang, tiện thăm nó luôn”. Tôi với cuốn sổ trên giá để đồ của Diên. Khi mở sổ ra, tôi thực sự kinh ngạc. Trong cuốn sổ, mấy trang viết mới nhất, Diên kể lại những việc đã làm với một cô giáo làng thời sinh viên sơ tán, rồi với một vợ bộ đội nơi đóng quân. Nó tả tỷ mỉ từng động tác, từng cảm giác, như truyện sex. Thậm chí có cả chuyện cười ra nước mắt: Chả là có lần tôi kể chuyện vui cho Diên: Một bác già vỗ vai tớ và bảo: Mấy thằng kỹ sư các cậu tán gái phức tạp bỏ mẹ. Theo tớ, các cậu thích cô nào, chỉ cần nói với cô ấy: “Anh yêu em tha thiết, thế mà em đéo biết”, nếu nó ưng cậu là xong luôn. Ai dè trong sổ, Diên viết rằng: Có những người thường dùng những lời đường mật để quyến rũ các cô gái, như Hồ Sỹ Hậu bạn tôi thường nói với họ rằng “Anh yêu em tha thiết, thế mà em đéo biết”.  Vậy là trước khi đi bệnh xá, Diên đã trong trạng thái không kiểm soát được hành vi của mình. Tôi không giận Diên, mà mơ hồ cảm thấy trong chuyện này mình cũng có lỗi. Khi tôi sang thăm Diên, một nhân viên bệnh xá mở khóa cho tôi vào. Thần sắc trong mắt Diên vẫn chưa trở lại như người bình thường. Nó bảo: “Cậu xin tớ, tớ sẽ nói lại với cơ quan an ninh để họ tha cho”. Tôi nói: “Bây giờ không phải chuyện của hai chúng ta nữa. Cậu hãy yên tâm chữa bệnh, cứ để tớ làm việc với cơ quan an ninh”. “Vậy cũng được. Tớ nhờ cậu gửi giúp ra Hà nội lá thư này”, nói rồi, Diên đưa tôi một tờ giấy nhàu nhĩ, chữ viết nguệch ngoạc. Tôi mở ra xem, đó là lá thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn, đề nghị điều tra ngay việc trong cơ quan Trung đoàn 592 có gián điệp vì họ vô cớ bắt giam một sĩ quan quân đội có nhiều cống hiến. Trong tình trạng thế này, tôi không thể giải thích, đành nhận lấy lá thư cho bạn hài lòng.
       Mươi ngày sau, anh Phước từ Hà Nội vào, và chuyện của tôi nhanh chóng kết thúc. Trung đoàm trưởng gọi tôi lên: “Nghe nói cậu bị “nhốt” một tuần?”. “Vâng”. “Qua chuyện này, cậu rút ra bài học gì?” “Dạ. Tôi đã quá đơn giản, đáng lẽ dù rất bẩn, vẫn phải giữ mấy mảnh giấy lại, vì đó là tài liệu công tác”. “Điều đó là cần thiết, chính mình cũng có lỗi vì chưa hình dung hết những phức tạp có thể xẩy ra. Sau khi nghe cơ quan Chính trị trình bày, mình khẳng định rằng cậu đã báo cáo, rằng nếu trong tài liệu ấy ghi tọa độ kho và trạm bơm thì nay tuyến đã bị đánh tan hoang rồi. Nói thật nhé, nếu đó không phải là ý kiến Trung đoàn trưởng thì sự nghi ngờ vẫn cứ lơ lửng treo trên đầu cậu. Về phía bản thân, cậu thấy còn điều gì cần rút kinh nghiệm nữa không?”. Thấy tôi lúng túng, anh nhẹ nhàng: “Có đấy, điều này mới quan trọng, đó là cách xử sự với bạn bè. Khi các cậu từ trường về đơn vị, trong lý lịch, Diên được ghi là cảm tình Đảng, còn cậu thậm chí chỉ là một sinh viên cần chú ý hơn về thái độ học tập. Nhưng vào chiến trường, ba năm qua cậu liên tục là Chiến sĩ Thi đua, rồi lại thành cấp trên của Diên, lại được ra Hà Nội công tác giữa lúc đơn vị đang chịu những trận đánh phá ác liệt. Điều ấy đã tác động nặng nề vào cái tôi của nó. Đến khi xẩy chuyện, đáng lẽ cậu phải xin lỗi Diên một cách sâu sắc, đằng này lại bỏ mặc bản thiết kế, công sức của nó trong nhà vệ sinh, chẳng khác nào coi công trình của bạn chỉ đáng làm giấy chùi đít, thì chắc chắn sự uất ức của Diên lên đến đỉnh điểm. Thêm vào đó, trạng thái tâm thần bất ổn khi phát bệnh, thì nó viết lá đơn ấy là dễ hiểu. Mình tin Diên viết lá đơn ấy trong tình trạng thần kinh đã mất kiểm soát”. Tôi lặng đi trước sự phân tích chí lý của Trung đoàn trưởng. Anh đã dạy tôi một bài học về tình người chân tình như một người cha dạy con. Tôi giận mình và thương Diên quá.
       Hết mùa mưa, Diên đã khỏi bệnh hoàn toàn. Cả hai chúng tôi được điều sang một đơn vị mới. Trên đường đi, Diên chủ động xin lỗi vì đã đẩy tôi vào vòng lao lý. Tôi nói: “Trong việc này tớ mới là người có lỗi. Tớ biết cậu viết lá đơn ấy trong tình trạng thần kinh đã mất kiểm soát. Đặt vào hoàn cảnh của cậu, chưa biết chừng tớ còn phản ứng nặng nề hơn”. Chúng tôi nhanh chóng thông cảm với nhau và cùng nhau đi tiếp những dặm đường ác liệt trên tuyến ống Trường Sơn.
      Năm ấy là năm duy nhất trong đời, tôi không được “Đảng viên bốn tốt”, đổi lại, tôi được một bài học sâu sắc.
Hòa bình, tôi không được công tác cùng đơn vị với anh Phước, nhưng tôi vẫn dõi theo mỗi bước thăng trầm của anh. Từ khi nghỉ hưu, anh tập trung công sức cho viêc nghĩa tình đồng đội. Vẫn là anh đó, con người nhân văn và tận tâm với mọi người. Ngoài chín mươi tuổi mà chẳng hề ngơi nghỉ, sẵn sàng cùng chúng tôi vào tận Quảng Bình, Quảng Trị để làm việc nghĩa tình. Anh thực sự có công lớn trong việc kết nối đồng đội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn với biết bao câu chuyện cảm động. Anh là anh cả của Bộ đội đường ống Trường Sơn chúng tôi.
                                                                                 
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu
Nguyên kỹ sư thiết kế, thi công
tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn.
 

tin tức liên quan