"Em bé Lào có tên Việt: Trường Sơn" - Ký ức chiến trường của Đỗ Quang Bình.

Ngày đăng: 07:20 27/11/2021 Lượt xem: 456
       Đỗ Quang Bình, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Yên Bái và là thành viên của Trang thơ “Những vần thơ và người lính”. Anh nguyên là Quân y sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 tham gia chiến đấu trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1971, đầu tháng 4 năm 1972 chiến đấu ở cao điểm 241, Tân Lâm cùng đơn vị bắt Trung đoàn 56 ngụy đầu hàng... rồi tiếp tục chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị... đến khi giải phóng miền Nam. Sau đấy là tham gia bảo vệ Biên giới phía Bắc, rồi ra quân. Đỗ Quang Bình có thời gian phục vụ trong các đơn vị thuộc Sư đoàn 304 và Sư đoàn 306 là 14 năm...    
       Đỗ Quang Bình có một kỷ niệm sâu sắc, trong thời gian đầu vào chiến trường, tại Nam Lào, với cương vị là một Y sĩ Tiểu đoàn, Đỗ Quang Bình đã xử trí thành công cho một phụ nữ Lào bị thương, lại sinh nở thành công “mẹ tròn con vuông”...
       Câu chuyện có tựa đề là: “Em bé Lào có tên Việt: Trường Sơn”sau đây được “tải ra” từ “phần mềm” ký ức không thể nào quên của Đỗ Quang Bình – Ký ức của người lính – Ký ức của tình hữu nghị chiến đấu giữa quân đội hai nước và hai dân tộc anh em Việt Nam - Lào…
       Ban Biên tập Báo điện tử Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc Trường Sơn.

 
 
Chân dung tác giả
 
EM BÉ LÀO CÓ TÊN VIỆT: TRƯỜNG SƠN
 
       Trong chuyến đi an dưỡng trước khi ra quân ở Sầm Sơn năm ấy, chúng tôi được ở gần với những thanh niên Lào đang theo học tại Trường Đại học quân y. Các em cũng đi nghỉ sau kỳ học. Biết chúng tôi là những người lính đã từng chiến đấu trên dải Trường Sơn và bên đất nước Lào. Vì thế các em thường đến nơi nghỉ của chúng tôi.  Trong những lần chuyện trò, cùng nhau đi tắm biển, chụp ảnh kỷ niệm… chúng tôi thêm gần gũi và hiểu về nhau hơn. Các em đều đã học văn hóa nhiều năm ở Việt Nam, rồi học tiếp lên đại học, nên các em nói tiếng Việt khá thông thạo.
       Trong một lần đi tắm biển, khi đang nằm chơi trên bãi cát, tôi tình cờ nghe một sinh viên Lào hỏi bạn:
- Trường Sơn ơi! Có gặp được ai quen không?
Nghe gọi: Trường Sơn, tôi chợt thấy có cái đấy quen quen… Tôi liền đến bên em sinh viên Lào, mà bạn gọi là      Trường Sơn ấy. Tôi hỏi thăm:
- Em tên là Trường Sơn có phải không?
- Dạ! Em trả lời. Tên bên Lào của em là Khăm Đi, còn Trường Sơn là gọi theo tên Việt Nam...
       Tôi sực nhớ về một kỷ niệm cũ… Nhưng biết đâu, lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên thì sao? Tôi hỏi:
- Em được đặt tên là Trường Sơn từ khi nào?
- Dạ! Em sinh viên Lào đáp. Mẹ em kể: Lúc sinh em, mẹ em được một chú Quân y bộ đội Việt Nam đỡ. Vì thế, cùng với tên Lào, mẹ đặt cho em thêm tên Việt Nam là Trường Sơn để làm kỷ niệm...
- Có phải em sinh năm “bảy mốt” (1971), còn mẹ em bị cụt một bàn chân? Tôi vội hỏi tiếp, để mong biết về em được rõ hơn.
- Dạ đúng cháu sinh năm “bảy mốt” và mẹ cháu bị cụt một bàn chân ạ!
       Trường Sơn đột ngột thay cách xưng hô. Em lại ngạc nhiên hỏi lại:
- Sao chú biết?
Để cho chắc chắn, tôi quyết định hỏi thêm:
- Em có biết tên chú bộ đội ấy?
- Dạ, tên là Mạnh ạ! Chú ấy là quân y Trường Sơn,  bộ đội Việt Nam. Mẹ cháu bảo thế.
Không thể nào sai nữa rồi. Cháu bé Lào ngày nào mới lọt lòng mẹ, được tôi đỡ, hiện giờ đang ở ngay trước mắt tôi. Nay đã là một chàng trai vạm vỡ, tóc xoăn, da hơi ngăm đen. Cháu đã ở tuổi hai mươi, sắp trở thành bác sĩ…          Xúc động trước hoàn cảnh bất ngờ được gặp lại cháu, tôi cũng đổi cách xưng hô:
- Ừ, chú đây! Chú Mạnh đây! Đầu năm “bảy mốt” chú đã ở Nam Lào, quê cháu!
       Trường Sơn reo lên:
- Trời ơi, Chú Mạnh! May quá, ơn trời đã cho con gặp được chú! Và cháu sung sướng hét to: “Mẹ ơi! Con đã gặp được chú Mạnh, bố nuôi của con, ân nhân của mẹ con mình!”
                                                                 ***
       ...Đầu năm 1971, thực hiện âm mưu “bóp nghẹt” cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam; Mỹ, ngụy mở Cuộc hành quân Lam sơn 719,  đánh vào vùng Đường 9 – Nam Lào. Đây là một trong ba cuộc tiến công quy mô lớn của địch nhằm đánh phá, cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của chúng ta từ gốc, hủy diệt cơ sở hậu cần chiến lược và làm cho lực lượng vũ trang ta ở miền Nam suy yếu, không thể tập trung đánh lớn trong mùa khô 1971 – 1972; để Mỹ dễ dàng thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, giành thế chủ động trên chiến trường.
       Để đập tan mưu đồ đen tối của địch, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân ủy trung ương đã quyết định mở Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào. Chiến dịch quy mô lớn, tác chiến hợp đồng binh chủng, nhằm tiêu diệt số lượng lớn quân địch, bảo vệ vững chắc tuyến hành lang chiến lược và hậu phương của ta, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch và đánh phá “bình định” của chúng.
       Cuối tháng 2 năm 1971, tên đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng Lữ dù 3, cùng với nhiều sĩ quan, binh lính ngụy Sài gòn bị bắt làm tù binh tại Bản Đông. Tiểu đoàn 6 chúng tôi, được lệnh bố trí phục kích tại cầu Tra – ki để chặn đánh tàn quân địch tháo chạy về nước. Tại đây, chúng tôi đã tiêu diệt hàng trăm tên lính dù nguỵ; bắn cháy, bắn hỏng hơn 50 xe tăng, xe bọc thép và ô tô các loại. Bắn rơi gần một chục máy bay trực thăng. Trong trận này, đồng chí Phạm Xuân Nga pháo thủ ĐKZ 82 li ở Đại đội 12, đã bắn liên tiếp 12 quả đạn, đã bắn cháy, bắn hỏng 9 chiếc xe các loại của địch. Chính trị viên Đỗ Văn Cố, đại đội 11 cùng 2 chiến sĩ, đã chặn đứng một mũi tiến công của địch, tiêu diệt hơn hai mươi tên, bắn rơi một máy bay trực thăng. Các anh đã được tặng thưởng Huân chương chiến công…
       Sau khi cuộc hành quân của ngụy Sài Gòn bị thất bại hoàn toàn. Mảnh đất Nam Lào im tiếng súng. Trước khi trở về đất nước, chúng tôi bắt tay vào tu sửa mộ phần của các đồng đội hy sinh. Khám chữa bệnh cho các bà con Lào bị thương, ốm đau; Chúng tôi cũng giúp đỡ sửa chữa nhà cửa của đồng bào bị hư hỏng do chiến tranh, để nhân dân Lào khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
       Trong những ngày đó, Quân y Tiểu đoàn 6 chúng tôi nhận được tin: một phụ nữ Lào bị thương nặng cần được cấp cứu. Khi đến nơi, tôi thấy gương mặt chị nhợt nhạt, một bàn chân dập nát, đang chảy máu. Người phụ nữ lại có thai, bụng to kềnh càng, đang muốn chuyển dạ đẻ. Trước tình trạng nguy cấp như vậy, tôi nghĩ: nếu khiêng cáng gấp chị về trạm phẫu cũng phải mất nửa ngày đường...Tính mạng chị không thể an toàn, hơn nữa lại còn đứa bé sắp lọt lòng…Bà con dân bản kéo đến mỗi lúc một đông.
       Có người nói bập bẹ tiếng Việt :
- “Nặng lắm, chết thôi”!
        Một già bản bảo tôi:
- “Để cho mẹ con nó chết thôi, không cứu được đâu”!…(Sau này tôi mới biết, ở vùng này, suốt từ kháng chiến chống Pháp đến nay, bộ đội Việt Nam và quân dân Lào đã từng phối hợp chiến đấu mấy chục năm, nên khá nhiều bà con Lào nghe và nói được tiếng Việt).
       Trước hoàn cảnh ngặt nghèo đó, tôi nói với già bản:
- Phải cố gắng cứu chữa cụ ạ, “còn nước còn tát”!
- Ừ! Bộ đội mày cố cứu xem có được không?
       Già bản đồng tình. Tôi cùng với Y tá khẩn trương băng bó cầm máu, truyền dịch nâng huyết áp và trợ sức cho chị. Hơn nửa giờ cấp cứu trôi qua, thể trạng người phụ nữ đã khá hơn lên; cơn đau đẻ của chị lúc này lại dồn dập hơn.
       Là một người lính, trước khi vào chiến trường tôi được học trung cấp quân y. Do yêu cầu cần bổ xung gấp một số lượng lớn nhân viên Quân y cho chiến trường, nên thời gian học của khóa chúng tôi bị rút ngắn lại. Những chuyên ngành không có nhu cầu nhiều ở chiến trường, như sản, nhi…phải cắt giảm bớt. Chúng tôi chỉ được giới thiệu khái quát ở trên lớp. Còn khi thực tập, chúng tôi chỉ quan sát nhân viên bệnh viện làm, chứ không được thực hành trên người bệnh.
       Bây giờ, trước một trường hợp phụ nữ sinh nở, đây là lần đầu trong nghề và cũng là lần đầu trong đời, tôi phải làm thủ thuật này. Chuyên môn về sản tôi học ở trường chẳng được bao nhiêu, lại chưa trực tiếp đỡ đẻ bao giờ… May mắn, đây là một ca đẻ có ngôi thai thuận. Sau hai, ba lần chị dồn sức rặn đẻ, bé trai đã ra khỏi lòng mẹ. Bàn tay tôi - người Chiến sĩ Quân y chiến trường, lâu nay chỉ quen việc băng bó vết thương, tiêm thuốc…cho đồng đội. Lần đầu đỡ đẻ, tôi hết sức căng thẳng, không tránh khỏi bỡ ngỡ, lúng túng. Đón đứa bé, tôi cảm thấy nó mềm nhũn, lọt thỏm trong hai bàn tay. Tôi chỉ sợ lỡ tuột tay, đánh rơi cháu thì chết. Nhưng đến lúc này, việc sinh nở đã “mẹ tròn con vuông”, mọi người ai cũng vui mừng. Sau khi quấn tã lót, ủ ấm cho cháu bé xong, tôi tiếp tục hộ tống cùng bà con đưa mẹ con chị để kịp phẫu thuật, điều trị vết thương.
       Hơn một tuần sau, gia đình đón chị về với một bàn chân bị cắt cụt. Bé trai, con chị trộm vía kháu khỉnh, khỏe mạnh. Biết tin chị về, chúng tôi đến gia đình thăm chị. Bà con dân bản tụ tập đến nhà chị cũng khá đông đảo. Cụ già bản hôm trước cũng có mặt. Cụ vui vẻ nói với chúng tôi cùng dân bản:
- Cảm ơn các con Quân y! Cảm ơn bộ đội Việt Nam!
       Rồi cụ hỏi tôi:
- Các con là bộ đội đơn vị nào?
- Dạ! Chúng con là bộ đội đơn vị Trường Sơn ạ! Tôi trả lời.
       Nhìn thẳng vào tôi, già bản lại hỏi:
- Tên con là gì?
- Dạ! Con tên là Mạnh ạ, tôi đáp.
       Và cụ đột ngột reo lên:
- A! Gọi con mày là thằng Trường Sơn nhé! Làm con nuôi bộ đội Mạnh có được không? Vừa nói, già bản vừa nhìn sang người phụ nữ Lào.
       Người mẹ trẻ Lào nhìn tôi, chị chắp hai tay vái liền mấy cái. Chị làm như vậy để tỏ lòng biết ơn, hay là biểu hiện sự đồng ý của chị, tôi không hiểu rõ. Còn tôi, trước tình huống bất ngờ đó, như một phản xạ tự nhiên, không biết nói gì hơn, tôi vội vàng đáp:
- Dạ! Vâng ạ!
       Mọi người ai cũng phấn khởi, nhiều người chắc không thể hiểu hết được câu nói lơ lớ bằng tiếng Việt ấy của cụ, cũng như những câu trả lời của tôi; nhưng tôi thấy ai cũng hớn hở thể hiện qua nét mặt của mình…
       Sau đấy, lưu luyến chia tay bà con Lào, tôi cùng đơn vị hành quân trở về Tổ quốc để tiếp tục cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc.
       ...Hai mươi năm đã trôi qua, kể từ ngày ấy. Năm 1972, chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, giải phóng Huế - Đà Nẵng. Năm 1975 tôi đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau đó là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Đến hôm nay, sức khỏe đã giảm, tôi được đơn vị cho đi điều dưỡng, để rồi đây trở về quê hương.

                                                       ***
       Trường Sơn lao vào ôm chầm lấy tôi. Sực tỉnh lại, cháu hơi lùi ra, nhìn tôi chằm chằm, như muốn để quan sát tôi cho được rõ hơn. Rồi Trường Sơn lại lao vào ôm chặt tôi, không muốn để tôi rời xa cháu nữa. Trường Sơn lại đổi cách xưng hô:
- Bố Mạnh ơi! Con không ngờ đã được gặp bố! Có lần, mẹ con bảo: “nếu ngày trước không được chú Mạnh Quân y bộ đội Trường Sơn cấp cứu, thì tính mạng mẹ chắc không còn và cũng không có con đâu”…
       Tôi an ủi:
- Cảm ơn con! Trường Sơn ạ! Trong hoàn cảnh ấy, nếu không gặp bố, mẹ con gặp ai đi nữa, thì cũng đều được giải quyết như thế cả thôi… Hai nước Việt - Lào tựa chung vào dãy Trường Sơn, người hai nước như anh em một nhà. Chúng ta cùng đánh một kẻ thù chung, nên phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, no đói có nhau, hoạn nạn có nhau...
       Trường Sơn kể:
- Sau ngày nước Lào được độc lập, học xong tiểu học, con được chọn vào đoàn học sinh Lào sang Việt Nam học tập. Trước khi lên đường, mẹ con dặn: “sang bên đó, chịu khó mà học tập, nếu con học được nghề Y thì tốt. Sau này có được nghề như bố Mạnh, con sẽ về chữa bệnh cho đồng bào ở quê hương, dân bản mình còn nghèo, bệnh tật còn nhiều lắm”…
       Khi con học lên đại học. Có lần con về nghỉ ở quê nhà, mẹ con còn tâm sự điều trăn trở lâu nay của mẹ con: “Không biết chú Mạnh qua chiến tranh có còn sống hay không? Nếu còn sống đến nay chú ở đâu? Chú Mạnh có còn mạnh khỏe hay không?... Chú Mạnh có nhiều ơn nghĩa với gia đình mình lắm. Mẹ nhận chú ấy là bố nuôi của con đấy. Giờ đây, con đã trưởng thành, sang Việt Nam con tranh thủ hỏi thăm, để xem có được tin tức gì về chú không con nhé”. Nhanh thật! Vậy mà con đã học ở Việt Nam hơn chục năm rồi...
       Tôi xúc động nói với Trường Sơn:
- Trái đất tròn mà! Thế là con đã thực hiện được điều mong ước của mẹ con rồi nhé. Bố chúc Trường Sơn học tập thành nghề, để mai ngày trở về chăm sóc sức khỏe nhân dân các bộ tộc Lào, xây dựng đất nước Lào ngày một phồn vinh, tươi đẹp. Khi nào về nước, con cho bố gửi lời chào tới mẹ con. Nếu có dịp, con đưa mẹ sang thăm đất nước Việt Nam và đến thăm quê hương bố...
                                                                ***
       ...Trời xế chiều, chúng tôi cùng trở về nhà nghỉ. Đêm đó, tôi thao thức không ngủ được. Tôi bồi hồi nhớ lại từng kỷ niệm trong cuộc đời quân ngũ; trong đó có những năm tháng chiến đấu trên đất bạn Lào, khi hai nước còn chung một chiến hào chống đế quốc Mỹ. Vì vậy, như một lẽ đương nhiên, nhân dân hai nước đã gắn bó keo sơn, giúp đỡ lẫn nhau, để cùng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù…Nhờ vậy, chúng ta có thêm thuận lợi, làm nên chiến thắng chung đánh thắng giặc Mỹ, đem lại hòa bình, độc lập cho hai đất nước Việt Nam và Lào.

 
Viết năm 2017.
Đỗ Quang Bình.

tin tức liên quan