KỶ NIỆM TRƯỜNG SƠN NỬA THẾ KỶ
Hôm nay cùng dự hội nghị ở Hội Trường Sơn Việt Nam, gặp lại Thủ trưởng cũ của tôi - Thiếu tá Nguyễn Thuận Quảng - Binh trạm phó BT 32 năm 1971, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Ô tô 32 năm 1972… Trước lúc nghỉ hưu ông mang quân hàm Đại tá và nay là Chủ tịch Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 Anh hùng. Thế rồi bao kỷ niệm nửa thế kỷ trước bừng lên trong tôi.
Đại tá Nguyễn Thuận Quảng (bên trái) - Người Thủ trưởng cũ của tôi
* CHUYỂN TỪ BINH TRẠM 32 VỀ TRUNG ĐOÀN CÔNG BINH 30
Giữa năm 1972, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có phương án tổ chức lực lượng cho phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, chuyển các Binh trạm thành các Trung đoàn Binh chủng. Binh trạm 32 chuyển thành Trung đoàn ô tô 32, Binh trạm 30 chuyển thành Trung đoàn Công binh 30. Ban Công binh Binh trạm 32 được điều chuyển sang các Trung đoàn Công binh. Đại uý Đỗ Xuân Diễn - Binh trạm phó Binh trạm 32 phụ trách Công binh đã được điều đi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 từ mấy tháng trước. Trước khi đi, Thủ trưởng gặp, khen và động viên tôi cố gắng công tác, và nói: "Khi nào có quyết định, về Trung đoàn 6 với tớ nhé"! Tôi yên tâm chờ. Thượng uý Nguyễn Khánh Điệp - Trưởng ban lên Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn, Thượng uý Nguyễn Văn Tửu - Phó ban sang làm Binh trạm phó Binh trạm 14, từ mấy tháng trước, Thượng uý Nguyễn Văn Quyết Phó ban sang làm Tham mưu phó Trung đoàn Công binh 30. Các sĩ quan đi hết, chiến sĩ cũng đi hết, còn lại mỗi mình tôi, thật là sốt ruột. Tôi lên gặp Thiếu tá Nguyễn Thuận Quảng - Trung đoàn trưởng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn ô tô 102 Anh hùng, rồi làm Binh trạm phó phụ trách Vận tải Binh trạm 32, nay là Trung đoàn trưởng Trung đoàn ô tô 32.
Tôi hỏi:
- Sao em mãi không thấy quyết định đi đâu, Thủ trưởng?
- Cậu là do anh Diễn muốn đưa về Trung đoàn 6 giúp việc cho anh ấy, mà Trung đoàn 6 không thuộc Sư đoàn 472, phải qua Phòng Quân lực của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Thế cậu quân hàm gì?
- Báo cáo Thủ trưởng, em được thăng quân hàm từ Binh nhì lên Hạ sỹ năm 1971. Sau một năm nhập ngũ, từ chiến sỹ khảo sát rồi được giao làm thống kê cho Ban Công binh ạ.
- Thế thì về Trung đoàn 6 còn lâu lắm, thôi ở đây làm thống kê cho tớ.
- Em bên Công binh, không quen xe ạ!
Thế là ông gọi cơ quan quân lực đến trao đổi, báo cáo lên Sư đoàn điều Hạ sĩ Hoàng Kiền về làm thống kê bên Trung đoàn Công binh 30.
Mấy hôm sau có quyết định luôn. Thủ trưởng gửi tôi theo xe ô tô chở hàng vào, đi qua Trung đoàn 30. Lần đầu tiên tôi đi ô tô chạy ban ngày. Một năm đi khảo sát, trinh sát đường, tôi đi rất nhiều tuyến đường khu vực bắc - nam, từ đông sang tây đường 9 Nam Lào, nhưng toàn đi ô tô ban đêm, máy bay AC-130 nó săn tìm đuổi bắn nguy hiểm lắm. Hôm nay xe chạy trên đường kín dưới tán rừng già thật tuyệt vời. Đoàn xe nối đuôi nhau rầm rập tiến ra mặt trận khí thế hào hùng.
* MỞ ĐƯỜNG KÍN
Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức Hội nghị do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chủ trì. Sau khi nghe báo cáo và nghiên cứu các hoạt động của địch, đặc biệt là thủ đoạn đánh phá bằng máy bay AC-130, đồng chí Tư lệnh kết luận: Để tạo ra bước chuyển biến lớn trong công tác vận chuyển, tạo thế trận bất ngờ đối với địch, làm thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của ta, nhằm tăng cường tối đa khả năng chi viện cho chiến trường, mùa khô năm 1971 - 1972 ta phải sử dụng đường kín (sau thường gọi tắt là đường K) để thực hiện vận chuyển vào ban ngày. Muốn vậy, lực lượng Công binh cần phải chuẩn bị sớm, ngay từ đầu mùa mưa.
Hội nghị quyết định mở các trục đường kín đi thẳng đến các chiến trường. Lực lượng mở đường kín được điều động, bổ sung. Ngoài lực lượng đã có, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức thêm 2 Trung đoàn Công binh cơ động là Trung đoàn 6 và Trung đoàn 8. Trong đó Trung đoàn 8 chủ yếu là nữ công nhân giao thông chuyển sang. Đồng thời, Bộ tăng cường cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn Trung đoàn Công binh 217 từ chiến trường thượng Lào vào. Một số lượng lớn dân công hoả tuyến của 7 tỉnh Miền Bắc: Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Hưng cũng được tăng cường có thời hạn cho Trường Sơn.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho chiến trường ngày càng lớn, nhưng tuyến vận tải chiến lược lại chủ yếu là tuyến đường đất, chỉ bảo đảm vận chuyển khoảng 200 ngày trong một năm. Cần phải cải tạo rải đá, củng cố bến vượt cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nhưng nhu cầu trước mắt, cấp bách là cần mở đường kín. Trung đoàn 217 và một số đơn vị khác chuyển sang mở đường 24.
Với khí thế chiến thắng của mùa khô năm 1970-1971, ngày 15/7/1971, bốn Trung đoàn Công binh cơ động (4, 6, 10, 217) rầm rập tiến quân vào mở đường 24, tuyến đường kín đi thẳng từ km 6 đường 18 đến Kho K4 của Binh trạm 37.
Ngày 30/11/1971, toàn bộ tuyến đường 24 từ km 6 đường 18 đến km 22 đường 25 dài 299 km cơ bản được mở thông, trong đó 47 km đầu được rải đá, bảo đảm cho xe có thể hoạt động bình thường trong những ngày đầu và cuối mùa mưa .
Đến ngày 10/1/1072, tuyến đường kín 24 hoàn thành với tổng chiều dài 533 km. Các con đường kín tiếp tục được kéo dài, thêm các trục dọc, trục ngang, với tổng chiều dài lên tới 3.140 km. Thật kỳ diệu. Những đoạn đi qua địa hình trống trải, các đơn vị nữ Công binh làm các khung dàn bằng cây gỗ, lấy cành cây che phủ nguỵ trang, nhiều nơi lấy phong lan rừng treo lên nguỵ trang. Có đoạn, Công binh dùng dây rừng neo buộc các ngọn cây hai bên đường cho chụm vào nhau để tăng độ che phủ tán cây ngụy trang. Thật sáng tạo.
Đường kín hoàn thành, mở ra một giai đoạn mới, chuyển sang chạy ngày thật hiệu quả. Cơ bản đã loại được AC-130 cũng như các loại máy bay khác “ra khỏi vòng chiến đấu”. Đây là một quyết tâm, một sáng tạo đặc biệt của Bộ đội Trường Sơn.
* VỀ TRUNG ĐOÀN 30
Xuống xe ô tô, đi bộ một cây số là đến Sở chỉ huy Trung đoàn 30. Tôi vào chào và báo cáo Đại uý Nguyễn Văn Nhâm - Trung đoàn trưởng. Thời gian tôi đi khảo sát đường 32A, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 10 thi công, gặp ông nhiều lần, nên hôm nay ông nhận ra tôi ngay, Thủ trưởng bắt tay, hỏi một số việc rồi chỉ đường về Ban Tham mưu, gặp Thượng uý Lê Văn Ngữ - Trưởng Ban. Trưởng Ban tham mưu niềm nở tiếp nhận và giao nhiệm vụ ngay. Toàn Trung đoàn vẫn đang mở đường K, nhiều đoạn tránh, khí thế thật sôi nổi. Tôi làm thống kê, viết báo cáo giúp Tham mưu trưởng báo cáo Chỉ huy Trung đoàn, báo cáo lên trên, được các cấp tín nhiệm. Tham mưu trưởng Lê Văn Ngữ tín nhiệm giao cho nhiều việc của Ban Tham mưu cả công việc của trợ lý, đi công trường theo dõi thi công đường, xuống các đơn vị nắm tình hình, viết báo cáo, tham gia lập kế hoạch thi công. Đặc biệt vẽ sơ đồ theo dõi tiến độ thi công hàng ngày báo cáo giao ban được thủ trưởng Trung đoàn hoan nghênh. Mặc dù chỉ có mấy tháng nhưng tình cảm với Đại uý Nguyễn Văn Nhâm và Thượng uý Lê Văn Ngữ rất sâu đậm.
Chưa gặp nhau bao giờ, chỉ qua điện thoại và văn bản báo cáo, Thiếu uý Dương Ngọc Đường - Trợ lý kế hoạch của Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472 rất tín nhiệm tôi. Thế là cuối năm 1972, tôi có quyết định điều về Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472. Chia tay với Trung đoàn Công binh 30, với Đại uý Nguyễn Văn Nhâm, Thượng uý Lê Văn Ngữ thật là lưu luyến.
* GẶP NHAU TẠI THỦ ĐÔ
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của Binh chủng Công binh: 25/3/1946 - 25/3/2006, Bộ Tư lệnh tổ chức buổi gặp mặt các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công binh khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận tại sân cơ quan Bộ Tư lệnh. Khoảng 1.500 người về dự, rất nhiều đồng đội Công binh Trường Sơn. Trong chống Mỹ, đã có 11 Trung đoàn Công binh thuộc Bộ Tư lệnh Công binh điều vào chi viện cho chiến trường Trường Sơn. Với cương vị là Thiếu tướng - Tư lệnh Công binh tôi có bài phát biểu giới thiệu về truyền thống Binh chủng, chào mừng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công binh đã về dự. Đại tá Nguyễn Văn Nhâm, Trung tá Lê Văn Ngữ cùng tìm gặp, sau 34 năm, chúng tôi bắt tay, ôm nhau thật xúc động. Tôi mời hai Thủ trưởng vào phòng khách uống nước. Bác Nhâm nói: "Ông mới là Thủ trưởng của chúng tôi chứ"! Cùng cười, rất vui.
Từ đó kết nối liên lạc với nhau thường xuyên, tôi lên Hoà Bình thăm gia đình Đại tá Nguyễn Văn Nhâm - Nguyên: Sư đoàn trưởng Sư đoàn Công binh 565, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 30. Mấy năm sau, bác mất, tôi lên thăm, chia buồn với gia đình, thắp nén hương dâng lên anh linh Thủ trưởng cũ với bao niềm thương tiếc.
Thi thoảng tôi đến thăm gia đình Đại tá Nguyễn Thuận Quảng ở quận Cầu Giấy. Bác nguyên là: Phó tư lệnh Sư đoàn ô tô 471, Binh trạm phó Binh trạm 32, Trung đoàn trưởng Trung đoàn ô tô 32.
Mỗi dịp Tết, tôi lại sang Mê Linh thăm, chúc tết gia đình bác Lê Văn Ngữ thủ trưởng cũ ở Trung đoàn Công binh 30 Trường Sơn. Lần nào đến bác cũng mời các cụ cao niên trong xóm cùng đón khách, thật trân trọng. Tôi chúc tết, mừng tuổi các cụ, cùng nâng ly chúc sức khỏe nhau, thật vui vẻ, nghĩa tình. Khi tôi sang làm Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới, bác Ngữ điện thoại xin một bộ quân phục sỹ quan mùa đông. Năm 2012 tôi mời bác sang cơ quan may đo theo tiêu chuẩn của Thiếu tướng Hoàng Kiền, bác rất mừng, ngày lễ tết mặc vào đi dự lễ thật tự hào.
* TRUNG TÁ LÊ VĂN NGỮ MỘT CỰU CHIẾN BINH TRƯỜNG SƠN THẬT TRÂN TRỌNG.
Trung tá Lê Văn Ngữ ở xã Cẩm Khê - huyện Mê Linh - Hà Nội, Bác được tặng Huân chương hữu nghị của nước CHDCND Lào, nhân dịp xuân năm 2019 tôi sang thăm bác, anh Nguyễn Đức Đào - Chủ tịch Hội Trường Sơn kiêm Trưởng Ban LL quân tình nguyện Việt Nam tại Lào huyện Mê Linh đề nghị tôi trao cho bác để thêm phần trịnh trọng. Tôi nói bác được nhận trước, em cũng ở bên Lào 6 năm trong đó có gần 2 năm ở Sư đoàn 565 nhưng đến nay vẫn chưa được nhận, hồ sơ nộp hơn mười năm rồi. Bác cười rất vui.
Hôm nay ngồi với nhau đầu xuân, được tặng Huân chương hữu nghị của nước Lào, rất nhiều kỉ niệm trào dâng trong lòng - Bác thổ lộ:
Tôi đi bộ đội năm 1961, năm 1962 ở Sư đoàn 316 sang giúp Lào truy kích quân địch sang tận Thái Lan, sau đó nước sông lên to không về được phải nằm lại bên Thái Lan 6 tháng, tôi bị thương sau đó được đưa sang Trung Quốc điều trị và an dưỡng 6 tháng. Ở nhà tưởng là tôi chết mất tích rồi. Khi tôi về, đầu vẫn cạo trọc lốc, cả nhà không ai nhận ra .
Năm 1963 tôi vào chiến trường, thành Công binh Trường Sơn, ở Binh trạm 12, ở cửa khẩu, vô cùng ác liệt. Năm 1968 Mỹ nó dùng bom từ trường đánh xuống các trọng điểm, lúc đầu khó khăn lắm, tắc đường kéo dài. Sau khi Bộ cho người vào tháo bom nghiên cứu chế tạo ra máy phóng từ đặt trên xe bọc thép để phá bom từ trường. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên trực tiếp xuống giao nhiệm vụ cho tôi ngồi lên xe điều khiển máy phóng từ đi phá bom từ trường. Đơn vị làm lễ truy điệu sống. Kết quả phá bom thành công, không ai hi sinh, tôi được tặng thưởng huân chương chiến công...
Cuộc đời tôi cũng nhiều gian nan lắm. Năm 1978 xẩy ra sự kiện người Hoa, tí nữa mất Đảng. Tổ chức gọi tôi lên yêu cầu làm đơn xin ra khỏi Đảng. Có một anh nữa rủ tôi tự tử, tôi không nghe. Tội gì mà chết. Vấn đề liên quan đến người Hoa cũng rất gay. Ông nội tôi là địa chủ, họ không cho tôi đi học, tôi phải đi tu 3 năm ở Chùa, lớn rồi chứ không phải trẻ con đâu, sau đó xung phong đi bộ đội. Trong lý lịch quân nhân họ ghi trường hợp này không bao giờ được kết nạp Đảng, thế mới tức chứ. Tôi chiến đấu bao nhiêu Huân chương mà vẫn không được kết nạp Đảng. Tôi phải viết thư cho ông Hoàng Văn Thái can thiệp mới được đấy. Sao bác biết cụ Thái? Tôi đào hầm chỉ huy cho ông ấy ở Luông Nậm Thà bên Lào năm 1962 nên ông ấy quí tôi lắm, ông ấy giúp đỡ nhiều lắm.
Thế còn người Hoa thì sao?
Tôi bị thương bên Lào năm 1962, trên cho sang Trung Quốc điều trị và an dưỡng 6 tháng, có ghi vào lý lịch. Thế là họ nghi tôi có liên quan đến Trung Quốc, mình sang điều trị và an dưỡng chứ có làm gì. Tôi lại viết thư cho ông Hoàng Văn Thái mới không bị ép viết đơn ra khỏi Đảng. Ở Trường Sơn, sau khi chú lên phòng công binh sư đoàn 472, tôi sang làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 35. Sau chiến tranh tôi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 551 đi đánh Phun rô ở Tây Nguyên. Năm 1979 chiến dịch tiến công quân PolPot diễn ra, tôi lại chỉ huy đơn vị tham gia bảo đảm chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Sau đó tôi được đi học hàm thụ đại học để làm kinh tế, về làm Trung đoàn trưởng chỉ huy Trung đoàn 551 xây dựng căn cứ Cám Ranh cho Hải quân Liên Xô. Tiếp theo làm Trung đoàn trường Trung đoàn 14 xây đựng nhà máy thủy điện Hoà Bịnh. Được sang Liên Xô học máy khoan 6 tháng về thi công uy tín lắm.
Thế bác về hưu năm nào, quân hàm gì?
Còn nhiều chuyện lắm, khi xây dựng thủy điện Hoà Bình do tôi chỉ huy đơn vị làm tốt, được ông Phan Ngọc Tường – Bộ trưởng Bộ xây dựng cho đi học Liên Xô nhưng Bộ Quốc phòng không cho đi, tôi xin ra quân luôn, không nhận chức tước gì nữa, không nhận quân hàm đại tá 3 sao.
Sau đó tôi bị chảy máu dạ dày, năm 1986 ông Hoàng Văn Thái đến BV103 thăm tôi. Ông ấy vẫn không cho ra quân, nói cơ quan giữ tôi lại, cuối năm 1986 ông Hoàng Văn Thái mất. Thiếu tướng Võ Sở - Bí thư ĐU Binh đoàn 12 gặp tôi nói anh không nhận quyết định, quân hàm Đại tá chúng tôi trả về trên rồi. Tôi không có ý kiến gì, lương chả chênh nhau mấy, cứ xin về thôi. Năm 1987 tôi về hưu.
Khi tôi được tặng Huân chương Độc lập, đồng chí trưởng phòng cán bộ Binh đoàn 12 mời tôi lên làm việc đề nghị thăng quân Hàm thượng tá. Ông Lê Đình Số - Cục trưởng Cục cán bộ Bộ QP gặp tôi nói về hưu lâu quá rồi nên không thăng quân hàm được mà nâng lương thượng tá thôi.
Khen thưởng của tôi Huân chương các loại nhiều lắm, lẽ ra là Anh hùng LLVTND nhưng vì thành phần nên không được .
Tôi được tặng thưởng huân chương Độc lập, xã đem đến nhà trao cho tôi. Tôi đem lên Tổng cục CT trả, Trung tướng Lê Văn Hân – Phó CNTổng cục CT. Tôi quen vì ngày trước tôi về tuyển quân nhận anh ấy. Thế là anh ấy chỉ đạo tỉnh tổ chức trao, có Phó TLQK2, lãnh đao tỉnh Vĩnh Phúc, chị Trương Thị Mĩ Hoa về dự và trao cho tôi. Còn rất nhiều chuyện…
Tôi xin khoe với chú: tôi có 8 con, 4 trai, 4 gái, 7 Thạc sĩ, 1 Tiến sĩ. Có 10 đứa cháu thì 7 đã tốt nghiệp Đại học. Con trai tôi là Lê Văn Sang hiện nay là trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ của đài tiếng nói Việt Nam.
Năm nay 83 tuổi bữa nào cũng ăn 4 bát cơm nên bụng hơi to, cao 1 mét 65, nặng 71 cân. Bộ quần áo may đo chú cho giờ chật không mặc được.
Chả có bệnh gì.
Tôi về hưu tôi lập ra Hội Trường Sơn huyện Mê Linh , sau này mới giao cho chú Đào đấy.
- Thế là nhất bác rồi, xin kính chúc Thủ trưởng vui khỏe nhé.
- Cám ơn chú.
Tình cảm đồng đội một thời Trường Sơn của chúng tôi là thế đấy – Nó mãi gắn bó và cũng mãi sâu đậm!
Thiếu tướng Hoàng Kiền