Chuyện của chính trị viên 3 tàu không số Anh hùng
Nguồn:QĐND Online
Cựu chiến binh Trần Ngọc Tuấn năm nay đã 83 tuổi, hiện đang cư trú tại một căn nhà cấp 4, nằm sâu trong hẻm 9A Đặng Tất, TP Nha Trang (Khánh Hòa) là nhân vật đặc biệt mà chúng tôi gặp trong hành trình “đi tìm địa chỉ đỏ”. Ông sinh ra ở Hiệp Đức (Quảng Nam) và từng là Chính trị viên, Bí thư chi bộ của 3 tàu vận chuyển vũ khí vào Nam theo đường Hồ Chí Minh trên biển. Điều đặc biệt nhất là, cả 3 chiếc tàu ấy đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Trận chiến đấu oanh liệt
Bây giờ, trước mặt chúng tôi là CCB Trần Ngọc Tuấn, người từng tham gia vận chuyển hàng, vũ khí vào Nam bằng những con tàu không số huyền thoại thông qua đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường khiến quân đội Mỹ tìm mọi cách ngăn chặn, nhưng không có kết quả.
CCB Trần Ngọc Tuấn thắp hương trên bàn thờ Bác Hồ tại nhà riêng. Ảnh Công Thao.
Trò chuyện về “thời oanh liệt” đã qua, CCB Trần Ngọc Tuấn không giấu được cảm xúc về những ký ức sâu thẳm. Ông chia sẻ, hầu hết cán bộ, chiến sĩ quả cảm ở Đoàn tàu không số khi xưa đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Và ông kể về cuộc đời của mình. Khi tròn 20 tuổi, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tháng 5-1953, ông được phân công về đơn vị “tình nguyện quân” Hạ Lào rồi liên tục tham gia chiến đấu trên các mặt trận. Từ cuối năm 1963, ông được cấp trên điều về Đoàn 759 (Đoàn tàu không số) và đảm nhiệm chức danh Chính trị viên, Bí thư chi bộ các tàu không số mang mật danh 56, 55 và 43. Trong Hồi ký của mình, CCB Trần Ngọc Tuấn ghi: “Mỗi chuyến đi đều có 3 tiêu chí: "Sẵn sàng đi - Sẵn sàng chiến đấu - Sẵn sàng hy sinh". Nhưng cũng rất vinh dự, vì trước lúc xuất phát thường xuyên được Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến động viên. Sự quan tâm đặc biệt và tình cảm ấy là động lực giúp tôi cùng đồng đội nỗ lực vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Trong những câu chuyện mà ông kể thì trận chiến đấu hào hùng của cán bộ, thủy thủ tàu 43 tại vùng biển thôn Qui Thiện, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) là đặc biệt và đáng nhớ nhất.
“Đây là lần đầu tiên tôi kể về chuyến đi của tàu 43, vừa vận chuyển hàng và vừa phối hợp chiến đấu rất kiên cường. Tôi nhớ rất rõ 17 cán bộ, thủy thủ của tàu. Đó là Thuyền trưởng là Nguyễn Đắc Thắng, Tôi là Chính trị viên, kiêm Bí thư chi bộ, 2 Thuyền phó trẻ là Sáu Đức và Thơm, hàng hải là Xuân Ruệ, máy tàu gồm Trọng Tài và Đăng Năm, báo vụ gồm Ngọc Hoa và Đình Thọ, cơ yếu Xuân Nghinh, y tá là Nho Tòng và các thủy thủ như Văn Rãi (Kiểm), Qúy, Hóa và Hoành…
Tàu nhận lệnh chở 37 tấn vũ khí vào chiến trường Khu V. Xuất phát và sau bao ngày chống chọi với bão to sóng lớn trên biển, vào lúc rạng sáng ngày 1-3-1968, khi tàu chúng 43 đến cách thôn Qui Thiện, Phổ Hiệp, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) khoảng 25 hải lý thì bị địch phát hiện. Đây là vùng phòng thủ ngăn chặn của địch, phía Đường 1 quân địch đồn trú dày đặc. Cả con tàu lọt vào giữa chảo lửa liên hoàn đạn pháo trên đất liền, từ phía hạm đội 7 và trên máy bay... dồn dập nã đạn hòng hủy diệt quân ta để cướp tàu.
Trước tình hình đó, tôi viết bức điện chuyển cho báo vụ phát, báo cáo về Sở chỉ huy nội dung: “Tàu 43 gặp địch vây đánh, quyết đánh trả, hủy tàu”. Từ đây, không thể mong đợi chi viện của đơn vị bạn… Rất nhanh, Thuyền phó Đức làm nhiệm vụ hủy tài liệu. Vũ Xuân Ruệ một tay lái tàu, tay kia cầm quả thủ pháo giơ cao trước mặt: “Báo cáo Chính trị viên tôi sẵn sàng tiêu diệt địch”.
Ảnh chụp 14 cán bộ, chiến sĩ tàu 43 sau khi được Bác sĩ Đặng Thùy Trâm điều trị và chăm sóc đã trở ra miền Bắc an toàn.
Ông tiếp tục luồn lách trong con tàu và nhận thấy tất cả anh em đều đã sẵn sàng “quyết tử”. Lúc này trước mũi con tàu có hàng chục tàu địch, có 2 tàu cao tốc lao đến… đợi tàu địch cách khoảng 300m ta nổ súng diệt ngay chiếc đi đầu, chiếc còn lại tháo chạy… tàu ta chỉ nhằm lao về hướng có bờ. Địch chuyển hướng pháo kích tấp nập, Ruệ đã bị thương rất nặng, tuy ngã xuống sàn ca bin, nhưng tay vẫn ghì chặt vòng lái, y tá băng bó chưa xong thì Ruệ đã hy sinh.
Tiếp đó đến Võ Nho Tòng cũng bị trúng đạn và hy sinh. Dứt pháo kích, tàu địch lại lao vào tàu 43. Trong khi đó, máy bay địch trút đạn như mua xuống tàu của ta. Chiến sĩ trên tàu dùng súng máy phòng không 12,7mm đáp trả kiên cường và hạ được 3 máy bay HU1A rơi xuống biển. Tiếp đó, ta sử dụng khói mù để che mắt địch, hết khói mù thì dùng bom chìm, đây là vũ khí đánh chặn địch rất lợi hại…
Đến 4 giờ 45, tàu 43 đã vào gần bờ. Ngay lập tức, cán bộ, thủy thủ đưa liệt sĩ vào bờ, cấp cứu người bị thương, số còn lại tiếp tục triển khai phương án đánh trả lại địch. Trước sự bao vây khép kín từ nhiều phía, lực lượng địch lại quá đông nên chỉ huy tàu thống nhất quyết định, cho tổ cảm tử đánh bộc phá hủy tàu. Thời điểm đó ông Tuấn cùng với Kiểm, Hoành đến hầm hàng, hàn, lắp chính xác 3 loại kíp nổ vào bộc phá, đặt đồng hồ gạt kim định giờ 30 phút…rồi lệnh rời tàu xuống biển, bơi vào bờ. Kiểm lại bị trúng đạn, do sóng to nên Kiểm đã bị nhấn chìm, anh em cố tìm nhưng không thấy… Sức đã kiệt, bộc phá sắp nổ, không còn cách nào khác, cán bộ, chiến sĩ phải nhanh chóng dìu nhau vào bờ. Thế rồi một tiếng nổ vang trời, cột nước dựng cao…con tàu đã được hủy để xóa dấu vết, nhưng riêng Kiểm đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển đất mẹ Quảng Ngãi.
Ngay sau khi lên bờ, cán bộ, thủy thủ tàu 43 nhanh chóng chiếm lĩnh các điểm an toàn, tìm cách liên lạc và được du kích thôn Qui Thiện, nhờ giúp đỡ. Sau gần một tuần tất cả những người bị thương (trong đó có ông Tuấn) đã được đưa về bệnh xá của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm điều trị vết thương (trong cuốn nhật ký của mình, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã nhiều lần nhắc đến tên ông Tuấn về những ngày điều trị tại bệnh xá).
Kể đến đây giọng ông trùng xuống khi gợi nhắc về những người đồng đội đã kiên gan sát cánh trong trận chiến đó. “Ta đã không để con tàu lọt vào tay địch, bắn rơi 3 máy bay, bắn chìm 1 tàu địch và 2 tàu khác bị thương và có 3 người hy sinh là anh Ruệ, anh Tòng và anh Kiểm”.
Giữ mãi nghĩa tình đồng đội
Đến nay, gần 60 năm tuổi Đảng, ông vui sướng vì cả 3 con tàu huyền thoại một thời ông làm Chính trị viên, kiêm Bí thư chi bộ Đảng (56, 55 và 43) đều đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân, riêng tàu 43 có Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và thuyền phó Sáu Đức cũng đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.
Điều làm ông day dứt nhất đó là: “sau mỗi chuyến đi, những lần buộc phải phá hủy tàu, rồi lại trở ra Bắc. Những đồng đội không đủ sức gắng gượng vì đói rét, bệnh tật nên có người đã hy sinh dọc đường, nhiều người còn rất trẻ, có người mới cưới vợ được vài tháng... Còn những người may mắn hơn, phải mất khoảng 7 tháng sau mới về được đơn vị ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) trong tình trạng sức lực suy kiệt, mang nhiều loại bệnh. Dẫu vậy, tinh thần vượt biển lại được bùng lên rất nhanh sau đó lại được lệnh lên đường, đồng đội lại gấp rút chuẩn bị cho một chuyến đi mới” - ông rớm nước mắt chia sẻ.
Kiên trung trong đấu tranh, trở về với đời thường, người chiến sĩ tàu không số năm xưa Trần Ngọc Tuấn vẫn luôn giữ vững cốt cách, tinh thần của một người lính Cụ Hồ. Mới đây, niềm vui trong ông như được nhân đôi, đó là tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử: Điểm cập bến tàu không số 43, tại bãi biển Qui Thiện, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ. Đồng thời ông đang nóng lòng mong đợi đến ngày 23-10 tới đây, kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, ông sẽ ra thăm lại chiến trường xưa, nơi mà ông đã cùng 17 cán bộ, chiến sĩ trên tàu không số 43 chiến đấu anh dũng và thắp nén hương tưởng nhớ đến 7 đồng đội đã anh dũng hy sinh tại đây, trong đó có 3 người ở tàu 43, 2 người tàu 198 và 2 người tàu 41).