"Cha con tôi trên tuyến đường Trường Sơn năm ấy" - Truyện ký của Trần Khởi

Ngày đăng: 06:55 14/02/2022 Lượt xem: 523
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM
 
       Trần Khởi có 10 năm sống và chiến đấu trên chiến trường ( 1967- 1975).. Anh từng là chiến sỹ Công binh thuộc C2. D31, BT32, Đoàn 559 - Nơi Bố đẻ của anh ( ông Trần Văn Khôi) làm Chính trị viên Tiểu đoàn và sau đó ông làm Chủ nhiệm chính trị Binh Trạm 32. Vốn không thích nương nhờ bóng Bố, anh xin ra trực tiếp chiến đấu tại cao điểm Văng Mu - Nơi giặc Mỹ gọi " yết hầu con đường Trường Sơn". Đây  là túi bom, tọa độ lửa mà không quân Mỹ tạo ra để ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam…
       Những năm tháng chiến trường đã đễ lại trong anh biết bao nhiêu ký ức, bao kỹ niệm chẳng thể nào quên. Gần đây nhất Trần Văn Khởi cho ra mắt bạn đọc tập truyện ký " Cha và con lính trận" được NXBHNV ấn hành và được NXB Nhân Ảnh Uynecom USA tái bản và giới thiệu trên mạng Amazon toàn cầu, được bạn đọc trong ngoài nước, đặc biệt giới phê bình văn học khen ngợi.
        " Cha và con lính trận" - Cuốn sách phủ đầy 289 trang với 26 câu chuyện kể theo thể loại truyện và ký phản ánh chân thật hùng hồn sinh động cuộc sống chiến đấu và tình cảm đẹp đẽ của người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt là khắc họa hình ảnh của cán bô và chiến sỹ trên chiến trường Trường Sơn đầy ác liệt để rồi có được một huyền thoại của con đường mang tên Bác kính yêu – Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.
       Ban Biên tập Báo Điện tử Trường Sơn đang lần lượt giới thiệu tới các đồng chí và bạn đọc 26 câu chuyện kể trong cuốn sách " Cha và con lính trận" của tác giả Trần Văn Khởi.
         Xin trân trọng.

 
CHA CON TÔI TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN NĂM ẤY  
                         Truyện ký của Trần Khởi       
 
       Từ Binh trạm 15, đóng ở xã Cự Nẫm, miền tây huyện Bố Trạch, nhận thêm quân lương, cha con tôi lội suối băng rừng, đi trong mưa bom bão đạn của quân thù, ròng rã suốt mấy ngày đêm. Vượt qua cửa rừng, qua Cổng Trời, đèo Mụ Dạ, ngầm Ta Lê, đèo Phù La Nhích, thì đến binh trạm 32 đoàn 559. Đó là con đường xế sang nước bạn Lào, nằm ở phía Tây Trường Sơn. Nằm trong cụm trọng điểm ác liệt nhất mà địch tập trung đánh phá 24/24. Đó là cua chữ A, ngầm Phù La Nhích, Ta Lê, Cốc Mạc, đèo Văng Mu. Giờ đây, tôi trở thành người lính thực thụ, quân phục xanh màu cỏ. Tôi cảm giác mình đã trưởng thành, chẳng còn ngây ngô như buổi ban đầu. Nhất là đoạn đi qua Cổng Trời, bom rít trên đầu, mảnh đạn chiu chíu, tôi vẫn đứng ngắm cảnh, miệng lẩm nhẩm câu thơ. Lại khóc thét khi thấy vắt rừng bám lên người hút máu. Cả đôi khi, nghe thấy chim kêu vượn hú, lòng nhớ nhà khôn xiết.
       Chúng tôi vào nghỉ ở một ngôi nhà hầm. Mãi, thấy ba tôi vẫn chần chừ, tôi càu nhàu giục:
- Đi thôi ba! Sao ở đây lâu vậy?
       Ông cười:- Đi đâu nữa, mà đi !
Tôi nghi ngờ, hỏi lại:- Vậy cha con mình ở đây à?
       Ông gật đầu, rồi nhìn tôi không xúc động. Tôi bĩu môi thất vọng:
- Sao ba bảo con đi đánh Mỹ, đánh tận dưới đồng bằng cơ mà?
       Lúc đó, Đại tá Vũ Xuân Chiêm, Chính ủy Binh trạm 32, nãy giờ ngồi chằm hăm trên bàn giấy, ngước mắt nhìn tôi, cười
- Ở đây cũng đánh Mỹ chứ, cháu ! Ông quay sang nói với ba tôi - Anh cho cháu sang bên Ban tuyên huấn Binh trạm, ở đó cha con lại gần nhau...
       Tôi có chút chán nản, vì không ngờ đi đánh Mỹ, lại hóa ra ở nơi rừng sâu heo hút này, liền nài nỉ đại tá Chiêm:
 - Thưa thủ trưởng, cho tôi ra chiến đấu!
       Ông vẫn im lặng, không nói gì. Có lẽ ông thừa biết, những người lính trẻ đều mong muốn như vậy.
       Vài ngày sau, ba tôi quay về, xìa tấm giấy ra trước mặt tôi, nói
- Con được phân về đơn vị chiến đấu C2, giữ cao điểm Văng Mu!..
      Tôi nhảy cẫng lên, ôm chặt lấy ba tôi. Hơi nóng của ông truyền sang tôi rừng rực. Tôi biết, trong giờ phút trọng đại này, lòng ông không khỏi bùi ngùi lo lắng. Bởi ông đã quyết định ném đứa con còn thơ ngây vụng dại, mới mười bảy, mười tám tuổi đầu, chưa có một ngày huấn luyện quân ngũ, ra vùng “Tử Địa”, cao điểm Văng Mu ác liệt nhất. Nơi mà bọn địch thường gọi “Yết hầu đại lộ Hồ Chí Minh”. Nơi mà đồng đội, đồng chí của ông ngày đêm ngã xuống, để giành giật từng tấc đất, từng lối mòn, từng con đường, cho xe ra tiền tuyến...


Đường Trường Sơn - (Tranh minh họa)
 
       Sau này tôi mới biết : - Đây là cung đường ác liệt nhất của tuyến đường Tây Trường Sơn nằm xế sang Huyện Tà Khống, tỉnh Xiêng Khoảng mà tiểu đoàn 31, Binh trạm 32 của ông cụ nhà tôi nắm giữ . Đoạn đường có đên hàng chục km Từ Cốc Mạc , qua Km 110 Cao điểm Văng Mu đến ngã ba đường 9 . Trước đó ông Chu Xuân Diện làm Tiểu đoàn trưởng , còn ông cụ nhà tôi làm Chính trị viên tiểu đoàn . Đơn vị được phong tặng đơn vị AHLLVTND đầu tiên của đoàn 559 vào cuối tháng 8/1968 . Tiểu đoàn có 95 anh hùng liệt sỹ phần nhiều là thương binh . Riêng tại trọng điểm Văng Mu có 56 liệt sỹ và 157 xe của ta bị bom đạn địch bắn cháy và hư hỏng . Trong Hồi Ký của Trung tướng Đồng sỹ Nguyên nguyên Tư lệnh đoàn 559 có viết : " .... Xe dừng lại dưới chân cao điểm Văng Mu chờ thời cơ để vượt qua trọng điểm . Máy bay địch thả pháo sáng dày đặc, sáng trưng như ban ngày, nhìn lên cao điểm mịt mù lửa khói. Tôi theo dõi kỹ . Cứ sau 10 - 15 phút máy bay lại đến đánh bom . Chúng đánh liên miên suốt đêm ... Như vậy, trong khoảng thời gian ít ỏi đó, chỉ có những người lính can trường mới dám vượt qua. Và đêm nay đoàn của tôi - những người lính " cảm tử " đã vượt qua trọng điểm Văng Mu trong làn mưa bom bão đạn quân thù . Dầu chiếc xe Binh trạm 32 đưa đón chúng tôi đi trước mới vừa bị máy bay thù đánh cháy....." 
       Tôi được phân về tổ trinh sát của Đại đội. Nhiệm vụ của bọn tôi là trực chiến trạm Barie phía bắc đèo. Chúng tôi phải nắm chắc tình hình xe qua xe về. Nếu có tiếng súng báo tắc đường, thì chúng tôi kịp thời xử lý. Đèo Văng Mu trước đây cao ngợp mắt, cây cối um tùm, sau này máy bay địch phát hiện, đánh phá ngày đêm. Cảm giác quả đồi ngày một nhỏ lại, con đường qua đèo ngày một cao thêm. Từ dưới chân đèo nhìn lên, quả đồi lở loét, trơ trọi đỏ lòm. Trên đỉnh đèo lưa thưa vài thân cây bị bom phát trụi, chỉ còn gốc lởm chởm. Khói lửa ngút trời. Những chiếc dù pháo sáng của địch thả xuống ban đêm, giờ như những đàn cò trắng đậu kín cả đồi. Chẳng ai thèm nhặt.
Đường đi qua đèo độc đạo, đủ một chiều xe đi, lại khúc khuỷu quanh co. Chỉ cần lơi tay một chút, lơ mắt nhìn một chút, là xe lao xuống vực. Những đoàn xe qua đèo, nếu bị địch phát hiện, đánh cháy chiếc đầu, thì cả đoàn dồn ứ lại. Không có lối rẽ, đành đưa lưng ra hứng bom hứng đạn, và được anh em công binh cho ăn mìn, để lưu thông đường. Vực sâu và rộng dài như thế, nhưng chẳng còn đủ chỗ để chứa hàng trăm xe cháy xe hỏng, nên nó chất đống, chồm cao khỏi mặt đường.
       Vắt cơm nơi cao điểm này đều có trộn bụi đất, gang sắt bom đạn quân thù, và máu xương của đồng đội đồng chí. Thằng Hùng quê ở Thanh Hóa, bị một miếng cơm có mảnh bom, xơi tái luôn hai chiếc răng. Rồi thằng Quân, thằng Trọng, thằng Tấn, chết khi trên đường đi bới cơm cho lũ chúng tôi. Đại đội chết dần chết mòn. Số lính cũ còn lại, chỉ còn sáu thằng có mặt trên cung đường, may mắn trong đó có tôi... 
       Mùa mưa ở Trung Lào thật kinh khủng. Mưa thối trời thối đất. Mưa ròng rã suốt ngày suốt đêm. Mưa tuần này vắt sang tuần khác. Lưỡi mưa như lưỡi xẻng, liếm không thôi vào ta luy đường. Lại thêm bom đạn thù trút xuống, con đường thoi thóp, ngắc ngoải. Đường qua đèo sụt lở chỗ này đến chỗ khác.
       Đơn vị tức tốc thành lập tổ "đánh mìn cảm tử” để thông đường. Tôi xung phong vào tổ đó. Một thời gian, đã trở thành “Kiện tướng đánh mìn cấp một”. Tôi đánh một lúc mười lăm quả liền. Đánh xong, lũ chúng tôi lại hối hả san lấp đường, và không quên chỉa súng lên trời bắn ba phát, làm hiệu lệnh cho xe qua. Trên đèo, không có hầm tránh đạn. Cũng không thể làm được hầm. Bởi làm giờ này, thì giờ sau bom lại lấp. Thôi, đành may rủi với tấm lưng trần quả đồi hứng bom đạn. Thể xác, tâm hồn mỗi người lính ở đây, hòa với linh hồn, với đất đai con đường...
       Phía nam đèo, trung đội 2 dũng cảm kiên cường bám trụ, làm cầu cho xe qua. Vì mùa mưa, nước ngầm lên cao. Có ngày họ phải làm đến năm sáu lần. Làm xong, bom lại đánh. Họ lại làm. Những tên phi công Mỹ và những chiến sỹ công binh anh hùng C2, chẳng lạ lẫm gì nhau. Họ thi gan nhau, trừng trừng nhìn nhau, gờm nhau như các võ sĩ trên sàn đấu. Chỉ có hơn ba ngày đêm, mà trung đội bị máy bay địch nuốt hơn một nửa quân số. Quần áo, giày mũ chẳng kịp khô, cứ mặc ướt suốt mùa, rồi cũng quen dần. Sên vắt như những binh đoàn ra trận, hễ động chúng xông lên ào ào. Vắt chui vào tai, vào mũi, rúc cả vào màn, ngủ chung với lũ chúng tôi.
       Thấy tôi được đi báo cáo kinh nghiệm đánh mìn cấp một, Thiệp, bí thư chi đoàn, chẳng mấy ưa. Một bữa tôi ra mặt đường, hắn ta lục lọi ba lô tôi, tìm được bài thơ “Gác đêm” tôi viết tặng Mai, người bạn gái cùng lớp. Hắn quy tư tưởng “tiểu tư sản”, và đề nghị chi bộ hoãn kết nạp Đảng của tôi. Bài thơ có đoạn thế này:
“… Đêm khuya trong phiên gác
Người lính trẻ tương tư
Một nỗi buồn man mác
Lòng sướt mướt dòng mưa…
 
 … Súng trong tay làm thinh
Đi vòng quanh lán trại
Anh mơ ngày về lại
Trăng soi rọi bóng hình…”
       Được tin, tôi chẳng quan tâm lắm. Vì lúc đó, nói thật, tôi chưa hiểu mấy về Đảng. Tôi chỉ biết công tác tốt là được. Nhưng nhiều lúc nghĩ lại, tôi cảm thấy chua chát, đắng cay. Đúng như thằng bạn Phạm Xuân Thâu dặn tôi trước lúc lên đường: “Ở đâu cũng vậy! Đời là đố kỵ, ghen tuông và hiềm khích!” Tôi chủ quan, cứ nghĩ, mọi người đã chẳng tiếc máu xương. Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả cho miền Nam ruột thịt. Ai sức hơi đâu mà đố kỵ ghen tuông… Ấy thế mà ngược lại. Phạm Xuân Thâu nói đúng thật!
       Tôi được gặp ba tôi, tại hội diễn văn nghệ Binh trạm 32 (gần ngầm Ta Lê). Ông mừng rơn, khi thấy thằng con ông chững chạc, lớn khôn trong lửa đạn chiến tranh.
       Những chiến sỹ từ “Cánh Cửa Thép Văng Mu” mang về cho hội diễn những lời ca tiếng hát với sắc màu mới. Những tiết mục đó đều do tôi tự sáng tác. Mọi người rất thích vở hài kịch “Đèo Văng Mu”. Câu chuyện dí dỏm kể lại một buổi giao ban tại Lầu Năm Góc. Trong phòng có Tổng thống NichXon và tướng Oét Molen. NichXơn đang chăm chú nghe Oét giảng giải thuyết trình về đường mòn Hồ Chí Minh, y chỉ lên bản đồ và dùng bút vòng lại cao điểm Văng Mu. NichXơn gật gù rồi ra lệnh: "Phải tìm cách bóp nghẹt yết hầu đại lộ Hồ Chí Minh!”. Y nắm chặt tay đưa thẳng lên trời. Bỗng Lưu Đơn - Tham mưu trưởng không lực Hoa Kỳ, xòe hai cánh tay, làm động tác như máy bay chao liệng mấy vòng, rồi hạ ngay trước mặt hai người. Ông ta hớt hãi báo cáo: "Tuy chúng ta đánh phá ác liệt, nhưng xe Việt cộng vẫn liên tục đi qua cao điểm ngày đêm. Đánh sập cầu này, họ lại bắc cầu khác. Súng phòng không của Việt cộng bắn lên như mưa! Máy bay của ta bị rơi rụng nhiều. NichXơn tức giận: "Phải trực 24/24 giờ! Phải dùng B52, bom khoan trên một ngàn bảng! Phải thả bom từ trường, cây nhiệt đới và chất độc hóa học!" NichXơn đập tay xuống bàn: "Phải phá tan “Cánh Cửa Thép Văng Mu!” … Chuông điên thoại réo gắt, Oét Molen nghe một hồi lâu, rồi bảo: "Thưa Tổng thống, Cục tình báo cho biết, máy bay trinh thám và “cây nhiệt đới” thu được cả tiếng xe và tiếng hát của Việt cộng trên cao điểm Văng Mu! Nich Xơn bực bội, giậm chân: "Chúng hát những gì?" Oét molen thưa: - Chúng hát:
“Cầu phao bắc qua sông       
Ta nối mạch máu giao thông
Vượt lên sóng dữ dâng tràn mênh mông
Dù đạn bom ta vượt qua
Quyết mở đường cho xe qua....."
        NichXơn quăng mình xuống ghế, nói lẩm bẩm: "Tướng Giáp giỏi thật! Thật khó nuốt trôi trọng điểm Văng Mu này! Khó nuốt trôi một dân tộc anh hùng!.."
       Tôi quá bất ngờ, khi vừa diễn xong vở hài kịch, chúng tôi chưa kịp xuống, thì ông Đồng Sỹ Nguyên, Chính ủy Đoàn 559, đẩy ba tôi lên sân khấu. Hai cha con tôi ôm chầm lấy nhau trong tiếng vỗ tay như nổ tung hội trường. Chúng tôi cảm động rơi nước mắt. Có thể không khí hội diễn náo nhiệt ngay giữa trận mạc, tạo tinh thần lạc quan trong chiến đấu. Cũng có thể nội dung vở hài kịch dí dỏm, lạc quan mà vô cùng sâu sắc của người lính trên cao điểm bom, đã làm cho tâm hồn ai nấy rung động. Lúc đó, tôi cảm thấy hơi ấm tình cha con, tình đồng chí, đồng đội, hòa quyện vào nhau...
       Sau buổi diễn, ông có nói tới chuyện bài thơ rắc rối đó. Ông nhắc nhở, dặn dò như một lời bình: "Vì mới chân ướt chân ráo, vừa rời ghế nhà trường, thuộc thành phần tiểu tư sản, nên cái nhìn của tác giả trong bài thơ, đối với cuộc kháng chiến của dân tộc còn bị hạn chế. Tâm trạng người viết còn bi quan…" Tôi hỏi ba tôi: "Con vừa vào lính nhớ nhà, nhớ bạn bè, viết vậy không được sao ba?" Ông nói ngay: "Không được! Không được! Con thấy cả dân tộc đang ra trận, lớp cha trước lớp con sau, mang theo niềm tin chiến thắng!.."
       Tôi có chút bẽn lẽn, cụt hứng vì bị lời phê bình khéo của cha tôi. Bỗng lúc đó, Đào, một nữ chiến sĩ xinh đẹp trong tốp múa đoàn văn công Binh trạm, sang thăm ông cụ nhà tôi. Đào nói cười xởi lởi, xưng ba tôi bằng "cha", làm tôi đến phát thẹn. Sau này, tôi mới biết, ba tôi nhận Đào làm con nuôi. Cô nàng nhìn tôi tủm tỉm cười, quay sang nói với ba tôi:
- Anh ấy sang tác hay, cha hè? Cha cho anh ấy ở lại Đoàn văn công Binh trạm thôi...Ba tôi cười, rồi xầm xì với Đào:
- Thì con nói với nó coi?
        Mấy ngày ở đó, tôi thấy ông tất bật như nhà có đám ma. Ông đi đi về về làm tôi đến suốt ruột. Sáng hôm sau, ông dẫn tôi đến thăm Tổng kho AX43, một tổng kho lớn của đoàn 559. Và nghe phong phanh, người ta định chuyển ông về làm Chính ủy Tổng kho này. Kho được làm bởi một loạt nhà cỡ lớn, nửa nổi nửa chìm. Trong các nhà chất đầy súng đạn và lương thực, thực phẩm. Xung quanh được ngụy trang bằng rừng tre, rừng vầu. Chúng đang bị vàng úa, vì địch rải chất độc hóa học. Ông Tư lệnh kho nhìn tôi, rồi dí dỏm:
- Coi chừng, chứ máy bay Mỹ làm thịt luôn cả hai cha con đó! Ông cụ nhà tôi cười, nói với Tư lệnh:
- Tuy có vất vả về khâu vận chuyển, nhưng ta phải quyết làm kho chìm. Phải tìm nhiều bãi để phân tán hàng hóa, tránh thiệt hại...
       Bất ngờ, một loạt bom tọa độ xé tan núi rừng. Hai cha con nằm đè lên nhau. Cây cối, đất đá đổ rào rào. Tre nứa nổ lép tép. Lửa cháy lan vào khu kho. Tôi và ông cụ cùng anh em tổng kho lao vào giập lửa, cứu hàng, cứu những đồng chí bị bom lấp.
       Đến chiều, ông lại dẫn tôi đến thăm tiểu đoàn xe vận tải. Những chiếc Zin Ba Cầu rúc đầu vào rừng săng lẻ, nằm nín thở để chuẩn bị cho “trận đánh” đêm nay. Những người lính lái xe trẻ măng. Mặt lem luốc, áo quần nhếch nhác, bám đầy bụi đất, dầu mỡ, đang hối hả kiểm tra xe. Một người đang nằm dưới gầm xe thò đầu ra ngoài cười:
 - Chào thủ trưởng!
       Ông cụ vấn và đốt một điếu thuốc bọ, thứ thuốc lá quê tôi, cúi xuống cho vào mồm anh ta:
 - Đêm qua mấy chuyến?
       Anh ta bò ra khỏi gầm xe, nói nhỏ nhẹ:
- Một thôi, thủ trưởng ạ! Địch đánh rát suốt đêm, vượt qua trọng điểm thì trời gần sáng. Tiểu đoàn bị cháy năm xe, hai xe bị sa lầy, tám đồng chí hy sinh, bốn đồng chí bị thương nặng...
       Ông cụ lặng một lúc, rồi nói:- Bằng mọi giá, đêm nay, phải đi hai chuyến. Tất cả các binh trạm, tiểu đoàn công binh và pháo cao xạ, đã chuyển chỉ huy sở ra sát trọng điểm rồi. Đêm nay pháo binh sẽ hỗ trợ tối đa cho các đồng chí! ...
       Ông Cụ ngẫm ngợi một lúc rồi đưa bàn tay vỗ nhẹ vào vai anh ta vừa cười vừa khoe :
- "Sắp sửa sẽ có một con đường vận tải mới, có một không hai trong lịch sử vận tải quân sự Việt Nam và thế giới... " Tôi và đồng chí lái xe đứng trố mắt nhìn và đợi chờ có điều gì mới lạ của con đường vận chuyển mà lâu nay ta thường làm .
       Ông cụ nhà tôi cười bảo :
- "Xe vận tải đi được cả trên dây , khỏi phải làm cầu..." . Tôi và anh lái xe sững sờ, tim như vọt ra ngoài, tưởng như chuyện thần thoại , hoang tưởng đâu đâu ... .
       Ông Cụ thấy 2 chúng tôi đứng ngẩn tò te ông lại lục tìm tấm ảnh trong Xăccot ra khoe và nói :
- " Hôm qua mình vừa được BTL mời đi dự lớp Tập huấn cho các Binh trạm về kinh nghiệm " Xe đi trên dây , đứng nhìn mà lạnh cả người ! ... chỉ có lái xe Việt Nam , các anh hùng lái xe Trường Sơn mới làm được việc ấy, chứ vận tải thế giới đành chịu bó tay...." .
       Bọn tôi xúm lại xem ảnh, mà nghe rợn người, lạnh cả sống lưng... Người lái xe đứng nghiêm, giơ tay kiểu nhà binh, báo cáo: "Rõ!" Ông cụ đến cạnh một anh lính trẻ khác, đang ngồi dựa vào gốc cây. Khuôn mặt có vẻ buồn buồn, anh ta đang nuốt vội miếng cơm để chuẩn bị lên đường. Ông nhét vào túi anh ta gói thuốc lá "Điện Biên”, và hỏi:
- Đồng chí có linh cảm gì về chuyến đi đêm nay, sao?
        Anh ta đứng bật dậy cười, nói nhồm nhoàm:
- Thôi, cho em bắt tay tạm biệt thủ trưởng, chứ ngày mai không còn gặp lại đâu!
       Nghe anh ta nói, tôi nổi da gà. Họ đi vào cái chết nhẹ nhàng và đơn giản vậy sao? Ông cụ xoa đầu anh ta, nói:
- Lạc quan lên chứ!
        Cậu ta cười khà khà, chìa cái răng khểnh duyên dáng ra ngoài:
 - Thì em đang lạc quan đây, thủ trưởng ạ!
       Hai bàn tay anh ta cầm chặt lấy tay ông cụ tôi.
Hôm sau, tôi lại nghe ông tiểu đoàn trưởng báo cáo với ba tôi:
- Cái cậu lính trẻ, hôm bắt tay thủ trưởng ấy, hy sinh tại trọng điểm Văng Mu rồi, lúc 3 giờ sáng! Bom đánh trúng xe, chẳng tìm được xác...
        Ông cụ chau mày, rồi lặng đi. Trong chiến tranh, có những linh tính lạ lùng như vậy. Tôi bùi ngùi, nhìn đôi bàn tay cha tôi, như ngỡ thấy ở đấy còn lưu hơi ấm cái bắt tay của anh ta lúc chiều hôm qua… 
       Tính ra, đã tám tháng ròng rã, nay tôi mới có dịp gặp lại ba tôi, mới thấy được hình dáng, giọng nói, nụ cười của ông. Công việc cứ chồng chất theo năm tháng, làm tôi quên luôn ông. Trong giấc mơ cũng chỉ là chuyện thông xe, thông đường mà thôi. Ông chẳng mấy khi nhắc đến chuyện nhà. Có lẽ ông cũng như tôi, sợ nhớ nhà rồi bỏ quên nhiệm vụ. Tám tháng như hàng thế kỷ, tôi nếm đủ mùi gian lao cực khổ trên cao điểm Văng Mu này. Có thể nói, tôi khổ gấp vạn lần cuộc sống của ông, vì đó là công việc trực tiếp tay chân giữa trận địa ác liệt. Nhưng ông khổ hơn tôi vạn lần về trí não, để chỉ huy, đấu trí cùng quân thù hàng ngày, của một Phó Chủ nhiệm chính trị Binh trạm, trên một tuyến đường chiến lược... 
     Từ đó, tôi say sưa công tác, ngày đêm lăn lội trên mặt đường. Tôi quen dần hoàn cảnh sống. Chính hoàn cảnh nơi cao điểm Văng Mu ác liệt, đã rèn luyện tôi dạn dày với bom đạn chiến tranh.
Nhưng rồi, khát vọng được trực tiếp đánh Mỹ, lại thức dậy trong tôi. Đêm đêm những binh đoàn rầm rập ra trận, làm tim tôi như lửa đốt…
     Một đêm tháng tám năm 1968, dưới căn hầm chữ A, tôi nói khẽ vào tai Cừ, trung đội trưởng của tôi:
- Mày hẵng để tau đi! Tau trốn vào Nam đánh Mỹ...
        Cừ hốt hoảng:
- Mày mà đi, đơn vị và cả ông cụ của mày, kỷ luật tau đó.
       Chiều Cừ, tôi để lại mấy dòng thư cho ông cụ, và không quên dặn Cừ bỏ dưới gối nằm của tôi. Bức thư chỉ vỏn vẹn mấy dòng:
 “Ba thương yêu của con! Con có lỗi với ba nhiều. Ba đừng buồn đừng lo. Con đường vào Nam đầy gian lao thử thách, nhưng con đi đúng đường ba đã chọn.
       Chúc ba mạnh khỏe công tác tốt! Hôn ba”
       Văng Mu, ngày 27/08/1968
 
       Tôi ra đi, để lại đằng sau biết bao nhiêu sự nghiệp đã gieo trồng sắp đến mùa thu hoạch. Đại đội được trên đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng. Thôi chào C2, mới chưa đầy một năm, mà bom đạn thù gậm nhấm gần hết. Chào đồng đội, đồng chí những ngày sống chết bên nhau. Chào Văng Mu bất khuất kiên cường. Tôi bùi ngùi ngước nhìn lên cao điểm, những cuộn khói bom vo tròn, đùn lên như nấm...

 





 
tin tức liên quan