NHỚ MỘT NHÀ THƠ CỦA TRƯỜNG SƠN
Nhớ một nhà thơ của Trường Sơn: "Hết rau rồi anh có lấy... em không?"
Phạm Tiến Duật là một đỉnh cao của thơ ca chống Mỹ, một con Đại bàng của Trường Sơn, một tầm vóc thơ ca hiện đại của một cuộc kháng chiến “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” mà thơ anh khiến thanh niên nô nức lên đường, của một cuộc kháng chiến mà “Thế đấy giữa chiến trường/tiếng bom nghe rất nhỏ” đầy lạc quan và ý chí chiến đấu. Anh cũng là một giọng điệu thơ ca riêng đậm chất người lính, trước bom đạn, bạc trắng vì chất độc hóa học không còn một cỏ cây, những cô gái TNXP vẫn lạc quan, tinh nghịch, vẫn vỗ tay hát với những chàng lái xe:"Hết rau rồi anh có lấy em không ?". Ông Tố Hữu, ông Lê Đức Thọ ngày ấy rất yêu thơ Phạm Tiến Duật, đã từng có ý định xây dựng người lính trẻ này thành một Thủ lĩnh thanh niên (Bí thư TW Đoàn), ông Tào Mạt xếp nhà thơ trẻ này vào “ Ngũ tướng thơ ca Việt nam”, bao gồm các thi nhân Tố Hữu, Chế Lan Viên , Huy Cận , Xuân Diệu và ...Phạm Tiến Duật!
Với tôi, anh là một người lính đi trước cùng ở đơn vị Cục vận tải quân sự. Các anh - bao gồm anh Phạm Tiến Duật, anh Trần Nhương cùng là người Phú Thọ, cùng tốt nghiệp sư phạm, cùng được nhập ngũ một ngày để rồi làm giáo viên dạy văn hóa cho các Chiến sỹ lái xe. Nhưng theo anh Trần Nhương: “Một thời gian Duật được giao nhiệm vụ nhân viên Câu lạc bộ, giữ một kho nào đài Orionton, phim ảnh, pin, vải, giấy. Duật vốn Nghệ sỹ nên việc quản lý kho rất lỏng lẻo, nhiều khi phát cho đơn vị không ghi sổ sách, hoặc ai xin gì cũng cho. Thế là thâm hụt kho vật tư Câu lạc bộ, Duật bị phê bình và chuyển sang Đội chiếu bóng của Cục. Phạm Tiến Duật là người thuyết minh phim loại giỏi, anh hoạt ngôn, lắm khi bịa thêm làm cho lính nhiều phen cười vỡ bụng. Hồi ấy hay chiếu phim Liên Xô có nhiều cảnh lính uống rượu, Duật bịa: “Nào làm chén quốc lủi” . Đang phim Tây lại dùng ngôn ngữ dân gian ta chen vào nên rất tức cười. Không thể kể hết những câu pha trò của Duật trong những buổi chiếu phim…
Tôi nhớ vào năm 1967, tôi chuyển vào Thanh Hóa công tác tại Ban Chính trị Binh trạm 10, có lần Duật vào chiếu phim tại Binh trạm. Ngày ấy anh vừa viết xong bài thơ Lửa đèn, Duật ghi tặng cho tôi bản đánh máy. Tôi đọc thơ Duật mà thích quá:” Anh cùng em sang bên kia cầu/ nơi có những miền quê yên ả..”
Tôi nhớ trước khi tôi nhập ngũ, được gặp anh Phạm Tiến Duật ở nhà anh Nguyễn Trọng Định ( sau này anh Nguyễn Trọng Định hy sinh ở chiến trường Quảng Đà), được nghe anh Duật đọc thơ -Thơ về người lính và chỉ có thơ về người lính thôi, đã thấy rất mê rồi. Vào Bộ đội, lại được cùng Cục vận tải quân sự với anh, đi Binh trạm nào, đến đơn vi nào cũng được nghe nhắc về anh, được nghe đọc thơ anh, càng thấy thích lắm. Nhất là khi anh vào Bộ tư lệnh Trường sơn. Anh sớm trở thành Thần tượng của những người lính trẻ chúng tôi . Và sau này, thực sự anh trở thành một thần tượng thơ ca cho cả một thế hệ trẻ miền Bắc ngày ấy. Còn riêng với tôi, thơ anh quyến rũ, tâm phục khẩu phục đến mức tôi không dám làm thơ nữa, dù trước đó tôi đã có một số bài thơ in báo. Có Phạm Tiến Duật rồi, ai còn dám làm thơ nữa nhỉ? Tôi cứ vân vi nghĩ như thế!
... Lại nhớ năm 1970, tôi ở chiến trường Lào ra Hà Nội công tác, được đến dự đám cưới của anh ở nhà Nhạc sỹ Trần Tiến. Anh Trần Tiến ở đoàn Ca múa Hà nội vào mặt trận Trường sơn biểu diễn, gặp và yêu quý anh Phạm Tiến Duật, thành một đôi bạn thân , và sau đó về Hà Nội đã đứng ra tổ chức lễ cưới cho anh Phạm Tiến Duật ngay ở nhà mình - phố Nam Bộ giữa lòng Hà Nội lấy một cô giáo dạy văn người Hà Nội. Ở đây tôi gặp nhiều Văn nghệ sỹ, toàn những người như cách gọi bây giờ là “ Sao”. Thế nhưng ngôi sao sáng nhất chính là anh Phạm Tiến Duật - một người lính từ mặt trận ra. Tất cả quây quần xung quanh anh, nâng rượu mừng được gặp anh, mừng được nghe anh đọc thơ, mừng cho hạnh phúc đôi lứa của anh. Tôi thầm nghĩ đời người được một lần như thế cũng đã là sướng lắm !
Hôm ấy, tôi được ngồi bên anh Đỗ Chu tiếp mẹ anh Duật từ Thanh Ba Phú thọ về dự đám cưới của con “Tóc bà trắng, vầng trán cao, dáng rất thanh nhã. Anh Duật giống mẹ - Sau này anh Đỗ Chu kể lại- Bà cụ cùng chúng tôi ngồi bên khung cửa mở rộng nhìn xuống con đường hẹp đang có những chuyến xe điện leng keng chạy đi chạy lại. Vầng trăng càng khuya càng sáng. Mẹ anh Duật hỏi tôi đứng tuổi gì, tôi thưa mẹ con tuổi Giáp thân, bà lại nói Duật chính ra phải tính là tuổi Canh Thìn, đi học khai bớt một tuổi. Nó có lớn mà sợ chẳng có khôn, tính tình lại mơ mộng viển vông từ bé, cháu tuy ít tuổi hơn những vẫn cứ là một lứa, cháu nhớ săn sóc Duật. Tôi nắm bàn tay gầy guộc của bà, bàn tay các bà mẹ chúng ta đều thế, lủng củng những đốt những ngón. Một bàn tay của bà mẹ đồng rừng, từ thượng du xuống phố lặng lẽ và rụt rè. Bàn tay một người đã sinh ra cho đất nước một Nhà thơ lớn từ những năm anh mới ngoài 20 tuổi. Tôi nói với bà không một chút do dự rằng, anh Duật là niềm tự hào của đất nước, mẹ chớ lo lắng gì cả. Chữ nho có bộ Duật, duật ở đây không phải con cò, duật là cây bút, Phạm Tiến Duật là cây bút quý nhà họ Phạm… Bà cụ vỗ vỗ vào tay tôi nhẹ nhàng cười, ông ấy nhà tôi đặt tên cho nó đấy, bố Duật nhiều năm dạy học, làm Hương sư rồi Tổng sư, nhiều lần đã giải nghĩa tên nó cho tôi nghe như anh nói hôm nay…”
"Mẹ ơi anh Duật là niềm tự hào của đất nước ta mẹ ạ". Vâng, đúng như thế, từ ngày ấy và mãi sau này, như lời anh Đỗ Chu, người viết truyện ngắn hay nhất của thế hệ anh Duật, thì anh Phạm Tiến Duật bao giờ cũng là niềm tự hào của đất nước, niềm tự hào của mỗi người lính, niềm tự hào của mỗi chúng ta. Anh là một đỉnh cao của thơ ca chống Mỹ, là một con Đại bàng hùng vĩ của Trường sơn, và nơi ấy, mỗi đỉnh núi cao, mỗi cánh rừng sâu, như vẫn còn tạc trên vách đá, vẫn còn vọng trong tiếng gió rừng những bài thơ bất hủ của anh ...
“Anh đưa em sang bên kia cầu/ Nơi có những miền quê êm ả/ Nơi đêm đêm ngọn đèn thắp trong kẽ lá...”…
Vâng, đã hơn 10 năm nay anh sang bên kia cầu... Anh Duật ơi, nhớ anh nhiều lắm!
CCB Châu La Việt
(PS sưu tầm)