Ông Nguyễn Kiên sinh ngày 4-7-1945 tại thôn Nội Linh, xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, trong gia đình có truyền thống cách mạng. Bà nội ông là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thái, bố và bác của ông đều hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1962, ông Kiên vào học tại Trường Y sĩ Nam Định. Năm cuối của khóa học, được biết quân đội lựa chọn các sinh viên trường y tổ chức huấn luyện riêng để chuẩn bị lực lượng tăng cường cho chiến trường miền Nam, ông đã tình nguyện tham gia. Sau khi tốt nghiệp, năm 1966, ông nhập ngũ và được biên chế về Sư đoàn 341, Quân khu 4. Đến năm 1968, ông được điều động về Bộ tư lệnh 559. Suốt từ năm 1968 đến 1975, ông đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại nhiều binh trạm trọng yếu của bộ đội Trường Sơn. Những năm tháng ấy, ông đã trải qua nhiều cái Tết trên chiến trường nhưng đặc biệt có hai cái Tết để lại trong ông những khắc khoải...
|
Ông Nguyễn Kiên (thứ tư, từ phải sang) và đồng đội ở Bệnh xá của Trung đoàn 529 (Sư đoàn 473, Bộ đội Trường Sơn) tại Tây Ninh (năm 1978). Ảnh tư liệu
|
Ông Kiên kể: “Khoảng thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tuất 1970, Mỹ-ngụy tổ chức nhiều đợt tấn công ác liệt trên toàn tuyến chi viện Trường Sơn, khiến bộ đội ta thương vong nhiều. Vì vậy, công tác cứu thương của những chiến sĩ quân y vốn đã bận rộn lại càng nhiều áp lực. Chúng tôi hầu như không có phút giây nào ngơi nghỉ do thương binh, bệnh binh chuyển về nhiều. Hồi đó, tôi ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 161, Binh trạm 27, đóng quân tại khu vực Đường 16, quanh trọng điểm 500, 300. Đêm 29 và ngày mồng Một Tết, địch tăng cường bắn phá nên số thương binh chuyển về liên tục tăng. Trong lúc chiến sự ác liệt, chẳng còn ai để ý đến Tết nữa, chúng tôi vừa tập trung cứu chữa thương binh, vừa phải cơ động để tránh bom đạn địch. Cho đến chiều mồng Hai Tết, sau khi tạm thời sơ cứu và di chuyển các thương binh về nơi an toàn, tôi mới về hầm trú ẩn. Sau nhiều ngày thức trắng, tôi gần như kiệt sức, vừa đói vừa buồn ngủ. May sao về đến nơi, được đồng đội đưa cho phần thức ăn ngày Tết, có cả thịt gà nữa. Đang ăn miếng thịt gà mà tôi ngủ quên lúc nào không hay, ngủ dậy vẫn thấy miếng thịt đang cầm trên tay”.
|
Ông Nguyễn Kiên cho cháu nội xem những trang nhật ký thời chiến tranh của mình.
Ảnh: LA DUY
|
Sau vài giờ nghỉ ngơi, ông Kiên tiếp tục đi kiểm tra tình hình thương binh ở các đơn vị, đồng thời mang bánh kẹo đến cho anh em cùng nhau đón Tết. Giữa chiến tranh ác liệt, dù nhiều người bị thương nhưng tinh thần của những người lính Trường Sơn vẫn kiên cường, lạc quan. Họ đã cùng nhau trải qua cái Tết đặc biệt trong căn hầm của trạm phẫu với những vết thương còn rỉ máu mà nụ cười vẫn nở trên môi. Bất chấp ngoài kia bom đạn kẻ thù rình rập. Chỉ vài ngày sau đó, cơn sốt rét rừng hành hạ khiến ông Kiên sốt hơn 40 độ C, mê man. Ông tâm sự: “Kể cũng lạ, giữa lúc thần trí mông lung do sốt cao, đồng đội đều bận làm nhiệm vụ, không còn ai ở hầm nghỉ mà tôi vẫn tự lấy ven và tiêm thuốc cho mình. May sao tôi đủ sức chiến thắng bệnh tật để rồi lại tiếp tục công việc cứu chữa thương binh”.
Đến Tết Nhâm Tý 1972, nơi đóng quân của Đại đội 2 bất ngờ bị địch đánh bom khiến 2 chiến sĩ hy sinh, 2 chiến sĩ khác bị vùi lấp bởi đất đá. Ông Kiên cùng bộ phận quân y và các lực lượng của Tiểu đoàn 161 lập tức chia nhau đào đất để cứu đồng đội. “Chúng tôi vừa cuốc nhẹ vừa áp tai xuống đất để nghe xem có tiếng động của đồng đội mình không. Đang đào thì nghe thấy tiếng kêu nhỏ. Tôi và đồng đội dùng cuốc cào nhẹ để tránh làm bị thương các anh. Cào một lúc thì thấy chân của hai đồng chí ở tư thế úp lên nhau. Anh em mừng rỡ thi nhau đào nhanh, cốt sao lộ mặt, mũi để thở. Khi chúng tôi đào đến nơi thì chỉ một đồng chí còn sống tên là Phú, đồng chí còn lại đã hy sinh. Tôi nhanh chóng tiêm thuốc cho Phú dễ thở. Vài giờ sau, khi Phú tỉnh lại, câu đầu tiên Phú hỏi tôi là về đồng đội của mình. Khi nghe tôi thông báo tin buồn, Phú đã bật khóc!”, ông Kiên nhớ lại trong niềm xúc động.
DUY TIÊN
(PS st theo Sự kiện và nhân chứng)