Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn

Ngày đăng: 03:59 02/06/2015 Lượt xem: 703

                    SƯ ĐOÀN TRƯỞNG NGUYỄN LẠN

                                                Nguyễn Hoàng CCB 471

 

                                                    

                                                              Tư lệnh Nguyễn Lạn năm 1980

 

Tôi gắn bó với chiếc đài bán dẫn pin trung hiệu National Panasonic từ đầu năm 1970 đến giờ. Nó vẫn còn rất tốt, đủ cả bao da, tiếng nói vẫn trong và ấm. Hàng ngày tôi vẫn dùng nó để nghe tin tức. Mỗi lần mở đài nghe tôi lại nhớ Tư lệnh Sư đoàn 471 Bộ đội Trường Sơn Nguyễn Lạn. Tôi làm trợ lý cho ông trong những tháng ngày nóng bỏng giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Lần đầu được gặp ông chính là cuộc họp giữa Bộ tư lệnh 559 làm việc với Sư đoàn 968 bộ binh và Bộ Tư lệnh 471 do ông làm Tư lệnh. Sau kết luận của tướng Hoàng Thế Thiện, Tư lệnh Nguyễn Lạn bảo tôi nhanh chóng dự thảo kế hoạch đánh địch bảo vệ A Tô Pư và từ ngày ấy tôi thường xuyên được ông giao việc trực tiếp.

Mùa khô 1972, địa bàn của Bộ Tư lệnh 471 đảm trách rộng lớn. Hàng từ Bộ Tư lệnh 472 chuyển vào qua Binh trạm 35 được phân đi các hướng. Hàng qua Binh trạm 44 chuyển cho khu V; qua Binh trạm 36, Binh trạm 38 cho 470, cho B3, B2; qua Binh trạm 46, Binh trạm 47 vượt Cao nguyên Bô lô ven giao hàng cho B2 qua đất Căm pu chia. Địch đánh phá ác liệt cả trên không và mặt đất. Những GEM 41, 42, 45 của Thái Lan chiếm Pác soòng uy hiếp trực tiếp tuyến vận tải 471. Bộ Tư lệnh 471 theo lệnh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn phải rút bớt lực  lượng của các đơn vị để xây dựng Trung đoàn 59 bộ binh phối thuộc với Sư đoàn bộ binh 968 để giữ an toàn cho tuyến vận tải.

Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 471 được tăng cường lực lượng cán bộ cho cơ quan tác chiến hành quân. Các khu vực trọng điểm, các ngầm vượt sông đều được tăng cường các trung đoàn pháo cao xạ từ ngoài Bắc vào quản lý chặt chẽ bầu trời, tầm cao 57 ly rồi 37 ly rồi 23 ly 4 nòng. Tuy vậy tình hình vẫn không được cải thiện là bao. Hàng đêm xe bị bắn cháy, thương vong vẫn cao. Đêm Tư lệnh Nguyễn Lạn ngủ rất ít. Ông theo dõi kíp trực chúng tôi làm việc. Tôi trực ban tác chiến cùng hầm với trực ban thông tin Lê Hữu Áp. Áp cho tôi biết các kỹ sư Ban Thông tin đã lắp đặt cho Tư lệnh thiết bị để ông bất cứ lúc nào cũng có thể kiểm tra các cuộc đàm thoại của Sở chỉ huy.

Màn đêm buông xuống cũng là lúc bọn AC130 với kíp bay dầy dạn kinh nghiệm bay đêm với trang bị vũ khí sát thương, khí tài tìm kiếm mục tiêu luôn luôn được cải tiến, lùng sục bắn phá các tuyến vận tải của ta. Nếu như trước đây để ngăn chặn hoạt động trên tuyến của ta, ban ngày chúng dùng trinh sát cánh quạt OV10, OV2, L19, L20 tìm kiếm quân ta rồi dùng đạn khói chỉ điểm cho bọn phản lực cắt bom, ban đêm dùng pháo sáng, sáng như ban ngày để bắn phá. Thì giờ đây  bọn AC130 đã được trang bị khí tài hồng ngoại, khí tài tìm nhiệt, thu ánh sáng… dùng cỡ nòng 40 ly bắn đạn nổ phá, sau này chúng trang bị cả cỡ nòng 105ly gây cho ta nhiều thiệt hại. Bọn RF4 chụp ảnh ngày đêm kết hợp với bọn chỉ điểm  mặt đất dùng B52, B57 cắt bom tọa độ. Vòng lượn của bọn giặc lái săn đêm ngay trên đầu Sở chỉ huy. Tư lệnh Nguyễn Lạn liên tục yêu cầu báo cáo cho ông đội hình xe đi đến đâu có gặp trở ngại gì không… Có thời điểm ở Sở chỉ huy căng như dây đàn. Mọi phương án đã được Tư lệnh Nguyễn Lạn phê duyệt để đối phó với tình hình kể cả việc chiến đấu tại chỗ bảo vệ tài liệu cơ quan.

Tôi nhớ hôm tôi và Lê Nhâm cho đại đội cối 82 bắn đạn thật ở khu vực bản Sa Thư về. Chúng tôi báo cáo lại kết quả cuộc bắn thử với các đồng chí chỉ huy Ban Tác chiến. Đồng chí Nhâm Trưởng ban Cơ yếu đi ngang qua nhà Ban Tác chiến về thúc giục các đồng chí trong ban cất giấu tài liệu. Thì ra đồng chí Nhâm nghe chúng tôi báo cáo giả định tình huống địch theo đường 13 đánh chiếm Sa Thư thành ra là địch đã chiếm Sa Thư, nên mới ra lệnh cất giấu tài liệu. Chuyện nhầm lẫn này chẳng chê trách được ai vì đặc thù của cơ yếu là như vậy, không ai được phép tiếp cận tài liệu và công việc của họ. Điều đó cũng nói rõ ở thời điểm đó mọi người ở Sở chỉ huy luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu rất cao.

Địch đánh phá ngăn chặn tuyến chi viện của ta ác liệt cả trên không và trên bộ. Lực lượng chiến đấu của ta ít được bổ xung. Đợt bổ xung đáng kể nhất là lực lượng nữ quân nhân từ Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam Ninh… Bộ Tư lệnh khu vực 471 vẫn phải đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường. Nhiều đơn vị mới thành lập như Binh trạm 46, Binh trạm 47, Trung đoàn 59 bộ binh. Dưới sự chỉ huy  của Bộ Tư lệnh đứng đầu laf Tư lệnh trưởng Nguyễn Lạn, với sự tinh thông nghiệp vụ của các cơ quan tham mưu; tác động to lớn của công tác Đảng, công tác chính trị tư tưởng; sự đảm bảo vật chất chu đáo của cơ quan hậu cần… Bộ Tư lệnh khu vực 471 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao.

 

                                                         

                         Tư  lệnh Nguyễn Lạn trong cuộc họp Đảng ủy Sư đoàn tại Bến Giằng, Quảng Nam (ngoài cùng bên phải)

 

Trong những ngày căng thẳng đó, Tư lệnh Nguyễn Lạn điềm tĩnh, sáng suốt đưa ra những mệnh lệnh, chỉ thị đúng đắn mang lại hiệu quả rất cao. Là những trợ lý, chúng tôi học tập được rất nhiều từ tác phong, tính cách, tiếp cận công việc, nắm tình hình rồi ra những quyết định của ông. Cho đến giờ mặc dù ngày ấy đã lùi xa hơn 40 mươi năm, cánh trợ lý trai trẻ, đầy nhiệt huyết chúng tôi hồi ấy nay cũng đã sang tuổi 70. Song vẫn không quên được và sẽ không bao giờ quên những giờ phút được cùng tác nghiệp ở Sở chỉ huy Phù Trường  - Keng Nhang với Tư lệnh Nguyễn Lạn. Hôm nào địch đánh phá ác liệt, xe cháy, người thương vong đến giờ giao ban mà vẫn chưa nắm hết được tình hình, thì  cánh trợ lý chúng tôi từ trực: thông tin – tác chiến hành quân – vận chuyển – công binh – quân y… rất ngại tới giao ban, tới rồi thì rất mong mau chóng kết thúc. Bởi vì những ngày như thế Tư lệnh Nguyễn Lạn nói rất nhiều, truy trách nhiệm đến cùng và đưa ra những nhận xét, chỉ thị xác đáng. Nhiều câu hỏi của ông nghe ra rất vô lý với cánh trợ lý chúng tôi, nhưng ngẫm cho kỹ thì ra là những câu hỏi  đầy trách nhiệm, đầy tính nhân văn và làm cho ta suy nghĩ để tìm cách khắc phục. Đại loại như: - “Tại sao lại để nó đánh vào đội hình xe”?; “Tại sao chưa “vít cổ” được thằng AC130?”; “Tại sao đến giờ vẫn chưa biết thương binh đưa vào trạm tình hình sức khỏe ra sao?” vân vân và vân vân … Nghe ông hỏi thế trợ lý Nguyễn Mạnh Hùng trực quân y huých vào sườn Lê Hữu Áp trực thông tin nói nhỏ: “Vì thông tin nên chưa hỏi được”. Lê Hữu Áp lại lầu bầu: “Có mỗi đường trục ông nào cũng cần, tôi biết xan xẻ cho ai”… Ở những buổi giao ban, Tư lệnh Nguyễn Lạn thường rất ít ghi chép.  Ông thường hỏi rất cặn kẽ từng sự việc, truy đến cùng để tìm ra sự thực. Rồi từ đó ông ra những chỉ lệnh sử dụng lực lượng, phương thức hoạt động cho các lực lượng trên tuyến nhất là sử dụng lực lượng xe, cung đoạn, hàng hóa … đến kho bãi giải phóng xe đến lực lượng chiến đấu đánh địch, đảm bảo cầu đường…

 

                                                          

                                                                    Tư lệnh Nguyễn Lạn đi cùng đội hình xe.

 

Những quyết định của ông mới nghe rất mạo hiểm. Nhưng tổ chức thực hiện lại mang lại kết quả mỹ mãn, tiết kiệm được xương máu công sức của bộ đội. Nghiên cứu qui luật hoạt động của không quân địch nhận thấy khoảng thời gian giữa đêm chuyển ngày và ngày chuyển đêm không quân địch hoạt động ít hiệu quả. Ông quyết định cho xe chạy: “Lấn sáng, lấn chiều”. Quyết định này rất đúng đắn vì xe  chạy không cần đèn đảm bảo tốc độ tối đa, che mắt được bọn bay trinh sát vì sương mù, sương núi bao phủ. Nhận thấy đặc điểm địa hình, tình hình đường xá ở từng khu vực hoặc yêu cầu chuyển những mặt hàng cấp thiết cần nhanh chóng. Tư lệnh Nguyễn Lan ra chỉ thị chạy xe cung ngắn quay vòng hay cung dài hoặc đi thẳng. Những chỉ thị, quyết định này mang lại hiệu quả rất cao tránh được thương vong cho bộ đội. 

Tuy ít ghi chép nhưng ông rất nhớ những quyết định của mình. Từ máy 411 của ông, ông thường kiểm tra cánh trợ lý chúng tôi. Khi thì ông nhắc nhở phải nắm chắc hoạt động của địch, nhắc nhở các trung đoàn cao xạ 593, 45, 232 … bảo vệ các khu vực sẵn sàng đánh trả không quân địch. Khi thì ông ân cần thăm hỏi bộ phận phục vụ cho kíp trực ăn uống ra sao. Khi thì ông kiểm tra đội hình xe trên đường … Với cách nhìn nhận của cánh trợ lý chúng tôi khi ấy rất kính nể và có phần sợ ông, vì ông luôn luôn đúng. Làm việc quyết đoán với ý chí kiên quyết hoàn thành tốt nhiệm vụ, có kế hoạch tỉ mỉ, kiểm tra chu đáo mang lại hiệu quả rất cao.

Tôi dần dần trở thành trợ lý riêng cho Tư lệnh trưởng Nguyễn Lạn từ khi Sở chỉ huy Sư đoàn ô tô vận tải 471 về Sê Sụ. Ngày ấy việc chỉ huy ra lệnh mang nặng tính chất tổ chức quản lý, kế hoạch hóa cao độ. Không còn tổ chức trực ban tập trung như trước nữa. Không còn nhà hầm nửa chìm nửa nổi, mái lá kiên cố. Thay vào đó là các nhà bạt và lán trại xây dựng sơ sài sẵn sàng cơ động. Nhà giao ban giờ đây cũng diễn ra trong nhà bạt, không có bản đồ tuyến đảm trách như trước và số lượng người dự giao ban cũng rất hạn chế.

Ban Tác chiến khi xưa với đội ngũ sỹ quan dày dạn kinh nghiệm là thế giờ chỉ còn rất ít, không đủ đảng viên để thành lập chi bộ riêng phải ghép với Ban Thông tin (cũng được tinh giảm biên chế) thành một chi bộ. từ ngày 20 – 11 – 1974 tôi được cử đi tiền trạm với Tham mưu trưởng Nguyễn Thuận Quảng, tôi luôn luôn được công tác cùng anh. Khi về lại Sê Sụ tôi vẫn chưa được về ở cùng Ban Tác chiến mà ở cùng nhà bạt của Tham mưu trưởng, trực máy 471, gần nhà bạt của Tư lệnh.

Ngày 31 – 12 – 1794, bốn chiếc A37 từ phía đông bay tới lượn vòng rồi bổ nhào cắt bom đánh ngầm Sê Sụ. Cao xạ bắn trả mãnh liệt. Bọn A37 cắt hết bom rồi chuồn thẳng. Việc không quân ngụy Sài gòn cho máy bay đánh phá tuyến chi viện chiến lược trên đất Lào đánh dấu một nấc mới của cuộc chiến sau Hiệp định Pari. Cuộc chiến thực sự và mở rộng giữa ta và địch. Tuy nhiên ta cũng nhận thấy rõ khả năng hạn chế của Nguyễn Văn Thiệu không đủ lực để gây cho ta những khó khăn như trước. Bằng chứng là sau ngày 31 – 12 – 1974, bầu trời Sê Sụ không có không quân địch hoạt động. Tuyến vận tải của ta từ Sê Sụ qua đèo Anpun hiểm trở về vùng ngã ba biên giới đi dọc các tỉnh Kon Tum – Gia Lai – Đak Lak về Bù Gia Mập vẫn an toàn.

Bốn trung đoàn 17, 32, 33, 536 với gồm 20 tiểu đoàn xe của Sư đoàn vẫn hoạt động trải đều trên tuyến từ Sê Sụ vào Đông Nam bộ dài hơn 450Km. Mọi hoạt động theo đúng yêu cầu, đúng chỉ lệnh của cấp trên theo một kế hoạch đã được Bộ Tư lệnh Sư đoàn phê duyệt. Tuy nhiên việc nắm tình hình hoạt động trên đường của các đội hình xe, Sở chỉ huy không nắm được trực tiếp. Sau bốn ngày hoạt động đội hình xe quay về Sê Sụ nhận hàng mới biết được tình hình. Là con người hành động – hành động kiên quyết, Tư lệnh Nguyễn Lạn tìm mọi cách để nắm được tình hình để có quyết tâm sử dụng lực lượng. Công việc tưởng nhàn nhã lại hóa ra bề bộn. Nào điện đi, điện đến, nào khách lạ, khách quen, nào xin chỉ đạo, đến tiếp các cơ quan chỉ đạo cấp trên tới giao nhiệm vụ.  Những lúc công việc nhiều, phải giải quyết nhiều công việc ông thường cho gọi tôi ngồi sau ông ghi chép. Khi có việc phải đi ra ngoài hoặc xuống các trung đoàn, thị sát tuyến ông đều cho gọi tôi theo. Có thể vị trí làm việc của tôi gần chỗ ông mà cũng có thể ông cần tôi giúp việc.

Tình cảm của ông dành cho tôi ngày càng tăng. Khi biết tôi là giáo viên và sỹ quan pháo binh, ông ít khi gọi tên tôi mà thường gọi: “Ông giáo” hoặc: “Ông pháo nòng dài”. Một hôm ông gọi tôi lên giao nhiệm vụ nghe đài địch để nắm tình hình hoạt động của địch nhất là hoạt động đánh phá các đoàn xe của ta và tình hình thời tiết trên tuyến. Tôi cũng đã quen với công việc này. Sau khi giải phóng Đak Pét tháng 5 – 1974, tôi cũng được tham gia tiếp quản chi khu và cùng với đại đội bộ binh và một tiểu đoàn cao xạ 37 của Trung đoàn 45 chốt giữ Đak Pét. Dùng máy PRC25 (2w) của địch nghe rất rõ bon lái máy bay A37 đàm thoại bắn phá ta. Sau đó đài phát thanh của địch tuyên dương ngay phi đội X, phi đội Y lập chiến tích ở đâu… Từ đó bất cứ lúc nào rỗi tôi lại cắm tai nghe vào chiếc đài bán dẫn Panasonic pin trung tôi luôn đem theo bên mình từ năm 1970 khi còn chiến đấu trong đội hình pháo binh khu V chuyên đánh căn cứ địch. Cứ như thế mà thuộc các chương trình và giờ phát sóng loan báo tin chiến sự trong ngày của địch.

Ngày ấy nghe đài địch là một điều cấm kỵ với mọi cán bộ chiến sỹ. Tôi rất hiểu điều cấm kỵ này. Thông qua hệ thống phát thanh địch cũng như ta đều khai thác tối đa loại vũ khí này. Nhiều bài ca của Phạm Duy với những ca từ mùi mẫn dễ làm nản lòng người. Những việc Tư lệnh giao tôi lặng lẽ nghe nhập tâm rồi báo cáo riêng với ông. Cũng có thể vì nắm chắc hoạt động của địch nên ông mạnh dạn áp dụng đội hình trung đoàn trong ngày có chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ. Quả thực lúc ấy thế của ta rất mạnh. Tuyến vận tải hoàn toàn trong vùng kiểm soát của mặt trận giải phóng theo hiệp định Pari. Lực lượng cao xạ đủ mạnh đối phó có hiệu quả nếu quân ngụy gây hấn. Công tác bảo đảm xăng dầu theo đường ống đã vào tới Bù Gia mập rất thuận tiện cho tiếp xăng dầu cho các chiến xa. Lực lượng 471 lúc này cần nhất là giữ vững lòng tin, quyết tâm cao đảm bảo đủ quân số, đảm bảo hệ số kỹ thuật, thực hiện đúng kế hoạch là cầm chắc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tư lệnh Nguyễn Lạn giao cho tôi nghe đài địch để giúp ông nắm tình hình là quyết định rất mạo hiểm nhưng cực kỳ đúng trong lúc ấy để nắm tình hình. Tuy nhiên là sai nguyên tắc, sai quy định. Cũng vì thế mà có hôm đang nghe dở bản tin, sau đó lại có công việc đột xuất không kịp về họp chi bộ. Hôm sau bí thư chi bộ yêu cầu tôi viết kiểm điểm, anh Quảng biết chuyện can thiệp tôi mới thoát tội.

Các Sư đoàn bộ binh 968, 316, 320, 10 được lệnh nổ súng. Ngày 10.3.1975, ta làm chủ Buôn Mê Thuật, tiếp sau đó ngày 17.3 địch tháo chạy khỏi Kon Tum sau đó là Pley Ku theo lệnh “tùy nghi di tản” của chính quyền Thiệu. Tôi được đi theo Tham mưu trưởng Nguyễn Thuận Quảng tiếp cận những vùng mới giải phóng sau đó về đứng chân ở Buôn Mê Thuật trong doanh trại của sư đoàn 23 ngụy cùng với Sở chỉ huy sư đoàn. Đương nhiên cũng chấm dứt việc báo cáo nghe đài địch  hàng ngày cho Tư lệnh.

Những ngày ở Buôn Mê Thuật tôi vẫn luôn được Tư lệnh Nguyễn Lạn giao những việc đột xuất. Một hôm đã vào võng ngủ ông cho gọi lên gặp ông. Ông giao một phong bì tài liệu cho tôi chuyển ngay cho Sở chỉ huy Tiền phương 559 đóng ở phía đông thành phố. Đồng chí Đức lái xe đã ngồi trong xe chờ tôi xuất phát. Tôi trở về phòng khoác cặp tài liệu, sách khẩu các bin ngồi ghế trước, xe nổ máy ngược đường 14 xe lao đi trong đêm. Bàn giao xong tài liệu đã hơn 11 giờ đêm, chúng tôi lên xe ra về. Đêm yên tĩnh không một bóng người, không một chiếc xe nào trên đường. Xe đi hết ga lướt trên đường. Xe vừa qua ngã 6, tiếng “rụp ! rụp” đạn cày mặt đường tóe lửa ở phía trước.  Thì ra bọn tàn quân phía khách sạn Anh Đào bắn lén. Đức nhấn ga ra khỏi ngã 6 an toàn. Đêm 15.4.1975, khoảng gần 11 giờ tôi được chính Tư lệnh Nguyễn Lạn giao việc chỉ huy lực lượng vệ binh sư đoàn đi ứng cứu  các đồng chí xuống X340 bị phục kích ở gần Buôn Hồ. Nhận rõ tình hình nghiêm trọng, tôi đề xuất dùng hai xe “Đất” với hai tiểu đội trang bị đủ cơ số chiến đấu. Mười phút sau hai tiểu đội và hai xe “Đất” tập hợp đầy đủ. Tôi phân công nhiệm vụ, tín hiệu liên lạc hợp đồng giãn cách các xe… Tôi ngồi vào ca bin, xe nổ máy cũng là lúc được lệnh về vị trí xuất phát vì tình hình đã được kiểm soát. Các đồng chí X340 vướng mìn thương vong chứ không phải bị phục kích…

Ngày ấy mới giải phóng được ít ngày nếu có việc nổ súng chống lại quân ta thì mọi người chỉ cho rằng tàn quân ngụy còn sót lại gây ra, chứ chưa ai nói đấy là do bọn Fun rô gây ra như sau này ta phải mất nhiều năm mới dẹp được. Những việc đột xuất như thế Tư lệnh giao cho tôi thực hiện. Chứng tỏ ông rất công minh sử dụng người theo tính chất công việc, chứ tuyệt nhiên không có một ưu ái cá nhân nào.

Ngày 30.4.1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Sở chỉ huy sư đoàn đóng ở căn cứ thủy quân lục chiến Sóng thần, sau dời ra tổng kho Long Bình. Tôi trở thành trợ lý phụ trách văn phòng cho Bộ Tư lệnh sư đoàn. Chức danh này không có trong biên chế. Tôi làm việc này theo quyết định riêng của Tư lệnh. Hàng ngày ngoài công việc hành chính tôi luôn được các đồng chí trong Bộ Tư lệnh gọi tháp tùng công cán. Nhiều cuộc tháp tùng các tư lệnh với tôi vô cùng căng thẳng. Nhiều cuộc chỉ có ông, tôi và lái xe. Tôi rất lo an toàn cho ông. Tôi nhớ tối đầu tiên nhà thi đấu Phan Đình Phùng có biểu diễn thể dục dụng cụ do các vận động viên ngoài Bắc vào biểu diễn, ông cầm vé mời vẫy tôi theo. Vào nhà thi đấu ông vui vẻ cổ vũ vỗ tay tán thưởng bao nhiêu thì tôi lo bấy nhiêu. Thì ra ông rất mê thể thao. Tan buổi biểu diễn mọi người chen nhau ra khỏi rạp. Tôi nắm chắc dây an toàn khẩu K54 không rời khỏi ông. Ra đến đường có tiếng súng nổ, đạn vạch đường đỏ trời không hiểu đơn vị nào bắn và bắn vì lý do gì. Lực lượng bộ đội bảo vệ chạy rầm rập, B40, B41 lấy đạn ở tư thế bắn. Lên được xe ra khỏi cầu xa lộ nhằm hướng Biên Hòa xe lướt nhẹ tôi mới yên tâm…

Thế rồi Sở chỉ huy sư đoàn lại ra đóng quân ở khu Đồng Đế, Nha Trang. Tết Bính thìn đã cận kề. Phó Tư lệnh Nguyễn Tất Giới đặt hàng cho ông một bình dưa góp, Phó Tư lệnh Phạm Lê Hoàng thăm nhân dân nơi đóng quân tìm nguồn nước mắm nguyên chất. Tôi tới gặp Tư lệnh có ý xem thủ trưởng cần gì không. Nhìn thấy tôi ông gọi vào, ông cầm quyển báo ảnh lật tìm và đưa cho tôi xem bức hình chụp một cô gái rất xinh. Rồi ông nói về cái đẹp của người phụ nữ. Thì ra bề ngoài nghiêm khắc là thế nhưng ông cũng có những khoảng rất đa tình, yêu cái đẹp…

Tháng ba năm ấy tôi rời xa ông đi ôn thi đại học, rồi trúng tuyển vào học đại học Kinh tế quốc dân diện bộ đội gửi học. Tháng 10 năm 1980 tôi ra trường về công tác Cục Quân trang. Năm 1982 Cục trưởng Cục sản xuất Nguyễn Lạn vào thành họp biết tôi đang ở Cục Quân trang. Ông lại xin tôi về với ông ở Cục Sản xuất. Nhưng tôi đang theo học ở trường đại học ngoại ngữ, thế rồi tôi được đi học Liên Xô tại trường Lêningrat. Năm 1985 tôi mới về nước thì ông đã nghỉ hưu…

Giờ ông đã rời xa chúng ta mãi mãi. Mỗi ngày cầm chiếc đài nghe bản tin lại nhớ những ngày xa xưa và hình bóng Tư lệnh sư đoàn ô tô vận tải 471 Anh hùng như vẫn còn ở đâu đó rất gần gũi chúng ta. Cầu mong cho ông ở nơi xa bình an. Hàng năm những người lính của ông vẫn gặp mặt nhau, vẫn nhớ về ông – Tư lệnh sư đoàn: quyết đoán, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp cao cả của dân tộc: quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược bờ cõi đất nước ta, để xây dựng Việt Nam ta hòa bình thống nhất, dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ công bằng văn minh.

 

Nguyễn Hoàng CCB 471

Hà Nội, tháng 5/2015

tin tức liên quan