Trung đội xuất kích - Ký ức còn mãi của Bùi Hoằng - Thanh Hóa

Ngày đăng: 10:04 15/06/2015 Lượt xem: 600

 

TRUNG ĐỘI XUNG KÍCH

 

     Cuối năm 1972 địch tăng cường đánh phá trên tuyến đường Trường Sơn, cũng như các cửa ngõ chúng nghi là quân ta sẽ vận chuyển hàng hóa, đạn dược chi viện cho các chiến trường miền Nam. Thời gian này đơn vị chúng tôi đang đứng chân tại khu vực ngã ba Dân Chủ, nơi mà Mỹ Ngụy mệnh danh là “yết hầu cộng sản”. Bởi lẽ các tuyến đường 10 và 16A sau khi vượt qua đây sẽ tiếp tục đi vào đường 9 hoặc sau khi vượt qua ngã ba Dân Chủ, qua sông Sê Păng Hiêng rồi đi tiếp vào Bản Đông. Cũng chính khu vực nay gần sát với vĩ tuyến  17 nằm trong khu vực mà Mỹ Ngụy cho rằng có thể cắt đứt được con đường vận chuyển của ta vào Nam. Vì thế tất cả các loại bom đạn kể cả máy bay B52 chúng đều trút xuống nơi này bất kể ngày đêm. Tuy ác liệt nhưng đơn vị chúng tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông đường cho những đoàn xe vào tiền tuyến. Nhiều đêm vừa trên tuyến về chưa kịp lên giường thì lại phải đi ngay, để cứu xe, cứu hàng, vận chuyển thương binh. Vào thời kỳ mùa mưa thì đường lầy trơn, kèm theo đất sụt, cây đổ gây tắc đường, nếu không có phương án tốt thì không thể thông đường. Vì vậy ban chỉ huy Đại đội thành lập trung đội xung kích, trung đội gồm những cán bộ chiến sĩ khỏe, nhanh có tinh thần sẵn sàng hy sinh. Trung đội được bố trí ở sát ngay trên tuyến tại km 69+500 đường10, trung đội có 25 chiến sĩ do đồng chí Phạm Văn Thống làm trung đội trưởng. Vị trí đóng quân của trung đội cách trọng điểm chưa đầy 100m, lán trại được làm theo kiểu hầm nửa chìm, nửa nổi bên trên lát gỗ, tre dày 50-60cm. Mỗi căn hầm như thế có diện tích chừng 9m2, cũng đủ cho sáu chiến sĩ nghỉ ngơi sinh hoạt. Tuy nhiên thời gian trên tuyến nhiều hơn ở lán trại, thế nhưng hễ lúc nào có mặt ở lán trại thì tiếng hát lại vang lên. Tuổi trẻ có khác, dù gian khổ vất vả, thiếu thốn đủ thứ nhưng tinh thần luôn lạc quan yêu đời. Rời tay cuôc, tay xẻng thì tiếng hát lại cất lên “ Ta đi mở đường theo tiếng gọi của tiền tuyến/ đem hiến dâng tuổi xuân cho mạch giao thông nói liền/ Xông pha ra đi vượt suối sa triền miên…” Có lẽ tuổi trẻ trên thé giới không có nước nào như tuổi trẻ chúng ta, trong gian khổ vẫn vui cười ca hát. Mà đúng vậy chính vì “Tiếng hát át tiếng bom” nên ở mọi con đường ra trận, ở mọi trọng điểm ác liệt thì đường vẫn thông, xe vẫn nối đuôi nhau ra chiến trường. Hòa chung với khí thế cả nước như vậy, nên trung đội xung kích của chúng tôi luôn dần đầu các phong trào phát động của đơn vị và của Tổng đội, hàng năm, hàng quí được tặng nhiều giấy khen. Đến cuối năm 1972 do yêu cầu của  cấp trên đơn vị chúng tôi được bàn giao cho Trung đoàn 99 công binh thuộc Bộ tư lệnh 559, đơn vị chúng tôi rời Tây Trường Sơn ra chốt giữ đường 15A, từ phà Long Đại đến ngã tư Thạch Bàn thuộc hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình. Rời núi rừng xuống đồng bằng, trung đội Xung kích chúng tôi lại được Ban chỉ huy đơn vị tăng cường về chốt tại phà Long Đại, phà Long Đại là một trọng điểm ác liệt trên tuyến quốc lộ 15A, mức độ ác liệt ở đây không kém gì ngã ba Dân chủ ở đường 10. Nơi này ngoài máy bay quần đảo trút bom thì pháo tầm xa từ ngoài biển thường xuyên bắn vào. Đến với Long Đại trung đội chúng tôi đóng quân tại đội Một, thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Thời kỳ này nhân dân trong thôn đi sơ tán chỉ có lực lượng thanh niên, dân quân bám chốt vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu. Một đêm cuối năm 1972 là một đêm đáng ghi nhớ, đó là nhân dịp ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, trung đội chúng tôi cùng với chi đoàn thanh niên địa phương và một đơn vị bộ đội thông tin đang tổ chức giao lưu văn nghệ. Cuộc vui mới bắt đầu thì Ngoài bến phà có báo hiệu, không ai bảo ai, chúng tôi khẩn trương lao nhanh ra bến phà. Tới nơi ngay bờ nam có một chiếc xe chở đầy hàng bị máy bay bắn rốc ket đang bốc cháy, phía sau hàng chục xe đang nối đuôi nhau qua phà. Tất cả mọi người lao vào dập lửa và khuân vác hàng ra khỏi xe, thì bống nhiên một tốp hai chiếc F4 lao xuống cắt bom, bắn xối xả vào đội hình chúng tôi, mọi người chỉ kịp lăn xuống vệ đường, ngớt tiếng bom lại lao lên cứu hàng, cứu xe. Cuộc chiến đấu với máy bay Mỹ giành giật từng giây, từng phút, khi khói bom tan dần và tiếng động cơ máy bay đã đi xa thì tiếng gà gáy sáng cũng cất lên. Chúng tôi khẩn trương băng bó vết thương và đưa đi cấp cứu những đồng chí bị thương, phía đông trời đã ửng hồng.

Thời gian qua đi trung đội chúng tôi lại bắt tay với những nhiệm vụ mới, với cung đường và cây cầu mới. Ấy vậy mà thầm thoát đã hơn bốn mươi năm, thời gian trôi đi nhưng những dấu tích của một thời chiến tranh vẫn còn đó và những kỷ niệm mãi không bao giờ phai./.

 

 

 

Bùi Hoằng

(Nguyên cs C449 TNXP Trường Sơn)

 

tin tức liên quan