Chùm lược thuật ký ức thời chống Mỹ của tác giả Vương Kiểm - Nam Định

Ngày đăng: 03:12 17/06/2015 Lượt xem: 612

 

CHÙM LƯỢC GHI KÝ ỨC THỜI CHỐNG MỸ

CỦA TÁC GIẢ VƯƠNG KIỂM - NAM ĐỊNH

 

 

CHUYỆN THẬT NHƯ ĐÙA
 

 

          Một hôm tôi sang thăm chiến hữu Bùi Đình Quang  - Ở tại 6 / 42 đường Tràng Thi, phường Trần Đăng Ninh, Thành phố Nam Định -  Bùi Đình Quang  nguyên là vận động viên thể công Quân Đội, nguyên chiến sĩ Công an tại Nam Định. Tôi hỏi anh Quang: Tấm ảnh tên Mỹ khỏa thân chụp với anh treo trên tường kia; xuất xứ tại đâu, năm nào?

- Anh thong thả trả lời: Năm 1962 tôi vào đội bóng đá Thể Công quân đội, năm 1964 tôi chuyển sang Công An Nhân Dân, đóng tại Nam Định. Năm 1967 đơn vị sơ tán về xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Hà. Khoảng 8 giờ sáng ngày 28/6/1967, thấy tiếng nổ lớn, sáng rực trên bầu trời, Lúc đó tôi trực chiến, chạy ra ngoài thấy máy bay giặc Mỹ rơi. Tôi xông đến chĩa súng ngắn vào tên phi công Mỹ. Nó run lẩy bẩy. Tôi trói nó, bắt nó cởi hết quần áo, thu súng ngắn, điện đài, dao găm.
 

Ngày 28/6/1967 tại xã Mỹ Hà, Mỹ Lộc, Nam Định - chiến sĩ Công An Bùi Đình Quang

bắt phi công Mỹ LaWrence William hải quân (CDR) sinh 10/1/1930.

 

          Phi công Mỹ có tên là LAWRENCE  WILLIAM - Hải quân (CDR) sinh 10/1/ 1930, số lính: 54.30.32 mang hàm trung tá, chỉ huy trưởng tốp bay. (Tấm ảnh trên lưu trữ tại phòng truyền thống Công An Nam Hà) Nếu không bắt nó cởi hết quần áo, thì rất nguy cho chúng ta. Vì điện đài của nó giấu trong quần hoặc áo, chỉ cần nháy một phát (điện đài) thì máy bay khác đến oanh tạc ngay và tìm cách cứu phi công. Đoàn dân quân ồ ạt xông đến. Nó càng hoảng hốt, mặt mày tái mét. Sáu máy bay AD6 của địch gầm rú trên bầu trời nhiều vòng, tìm kiếm phi công, không nhận được tín hiệu ở dưới đất, rồi cũng phải cút.
Tôi tò mò hỏi thêm anh Quang:
- “Anh lấy giây thừng đâu mà trói nó?
- “Ngày mùa, giây lạt bó lúa vương vãi quanh đây, thiếu gì!”
- “Anh biết sự việc sắp sẩy ra hay sao mà chuẩn bị sẵn cái khăn che “của quý” của nó để chụp ảnh?
- “Đấy không phải là khăn, mà là mảnh lá chuối xanh (ảnh đen trắng, không rõ mầu xanh), dùng dây chuối khô làm giải rút cho nó để chụp ảnh. Để cho nó trở về với tự nhiên - cái mốt mới bây giờ đấy. Thế cũng lịch sự rồi. Sau đó tôi giao tên phi công cho anh Nguyễn Biểu - Phó Giám đốc Công an Nam Hà, chuyển hắn về tỉnh đội Nam Hà.
Anh Quang cho tôi biết thêm: Vợ tôi là Đinh Thị Mai trước kia công tác tại phòng Phát hành báo chí Bưu Điện Nam Định, có em là Đinh Quang Hưng từng học tại CuBa 7 năm về ngành truyền hình. Anh Hưng cầm tấm ảnh của anh Bùi Đình Quang bắt phi công Mỹ đưa Chủ tịch Fidel Castro xem, Chủ tịch ca ngợi  “Người Việt Nam rất dũng cảm”. Học xong, anh Hưng về nước, công tác tại đài Truyền hình Trung ương.
Anh Quang nói với tôi: “Từ đó đến nay đã 48 năm, gần nửa thế kỷ, nước mình nhiều thay đổi, dân mình từ bùn lầy vươn lên. Tóc tôi bạc hết, có lẽ tóc viên phi công Mỹ cũng bạc. Gặp nhau, chẳng nhận ra nhau đâu. Nếu gặp nhau sẽ bắt tay nhau, khép lại quá khứ”.

          Câu chuyện có thật nhưng hơi dí dỏm và điểm nét hài hài anh em chúng tôi kể lại cho nhau nghe - Tôi ghi lại bằng mấy dòng mộc mạc chuyển đến các đồng chí và bạn đọc để chúng ta cùng thưởng thức một “ chiến công ” nho nhỏ của một chiến sỹ Công an nhân dân thời ấy - Một chiến công bằng một sáng kiến rất tinh vi hiệu quả nhưng thời ấy con người bình dị và trách nhiệm lắm , họ chẳng đòi hỏi công lao hay một bài viết tung hứng nào mà tất cả - Tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước … Còn hôm nay anh Quang nói “ … Nếu gặp nhau sẽ bắt tay nhau, khép lại quá khứ” - Một câu nói rất phù hợp với đường lối đối ngoại của Cách mạng Việt Nam ngày nay, khép lại quá khứ để cùng phát triển và bảo vệ nền hòa bình cho trái đất thân yêu này - Trái đất đang mong nhân loại toàn cầu hãy xích lại gần nhau và mãi mãi “ người biết yêu người ”.

 


                                                                                                                           

CHUYẾN ĐI NHỮNG NGƯỜI HAI PHÍA
 

 

          Tôi quen biết anh Nguyễn Xuân Hòa từ khi tham gia Hội Truyền thống Tổng Cục Chính trị tại thành phố Nam Định. Anh ở tại 13A khu ba tầng số 5, đường Phan Bội Châu, phường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định. Anh em tâm sự với nhau, chuyện trò trên trời dưới biển. Anh kể tôi nghe một  chuyện ngắn “Chuyến đi những người hai phía” – những chi tiết sẩy ra khi đưa phi công Mỹ từ tuyến lửa Quảng Bình về trại giam Hỏa Lò – Hà Nội, thời kỳ chống Mỹ cứu nước, xin chia sẻ cùng đọc giả:


          Năm 1966 quân dân ta bắn rơi máy bay Mỹ tại Quảng Bình. Một trung tá phi công Mỹ bị  bắt, Chúng tôi làm nhiệm vụ đưa hắn về khách sạn “Hilton Hà Nội”. Trên xe có anh Ngoạn - Trung tá, Trưởng phòng Dân quân,  Quân Khu bốn (thương binh cụt tay), anh phiên dịch và tôi làm nhiệm vụ lái xe. Xe đi đến ga Mỹ Lý, Diễn Châu, Nghệ An, bỗng tiếng nổ lớn, mảnh đạn xuyên vào đầu xe, tất cả đều “vô sự”. Tên trung tá Mỹ sợ quá, nằm rạp xuống sàn xe, tái mặt đi, run như cầy sấy. Một mảnh đạn làm thủng lốp xe. Tôi kích xe lên, thay lốp. Đang thao tác, bỗng nước tóe vào người. Lạ thật, trên xe không có suối, mà có tiếng róc rách… nước chảy, hay là ống xăng bị dò dỉ. Không… xăng không thể có mùi khăn khẳn. Té ra phi công Mỹ sợ quá, tè đầy nước ra bộ quần áo phi công dầy cộp của hắn, tràn xũng xuống giầy, lênh láng sàn xe. Hắn ăn uống nhiều chất bổ, tạo ra mùi rất khó chịu. Thứ mùi đấy, đâu phải chiếc kim, mà sao cứ chọc ngoáy vào mũi mình, nhức đầu buốt óc. Đi với hắn suốt đêm, khổ hơn nằm dưới hầm ẩm ướt một tháng. Nếu không tảy rửa, đi một đêm nữa, tôi sẽ bị nôn ọe, không vững tay lái, không làm chủ tốc độ, có thể gây nguy hại. Chúng tôi dự đinh thức trắng 3 đêm cơ mà, mới về tới Hỏa Lò. Tảng sáng đến nhà dân, tôi đưa bộ quần áo cho hắn thay. Thân hắn to, vừa sao cái cỡ quần áo quân đội mình. Tôi bắt hắn cởi hết quần áo, “trần như nhộng”, ngồi tô hô trong nhà, khép “của quý” lại. Rồi tôi đi giặt quần áo cho hắn. Tôi vắt bộ quần áo lên nắp ca bô xe, (xe chạy suốt đêm, ca bô vẫn còn nóng), chúng tôi lấy lá ngụy trang che lên, chỉ trong 2 giờ là khô. Mặc lại bộ quần áo thơm tho, hưởng không khí trong lành tự do, hết mùi bom đạn, hắn toét miệng cười. Để bảo đảm an toàn cho chuyến đi, khi ở nhà dân, dân quân gác ở ngoài, bí mật… không cho ai xem “khách  Mỹ”, Nếu dân ta biết có phi công Mỹ bị bắt, biết đâu người nào đó, vì lòng căm thù (gia đình họ bị máy bay sát hại), người ta không giữ được bình tĩnh… Đêm thứ hai lại lên đường hướng về phía Bắc. Đến dốc Bò Lăng (đường 15) trời sáng, chúng tôi vào nhà dân nghỉ. Nhân dân địa phương ủng hộ một rổ sắn. Luộc lên, mùi đặc sản vị quê thơm phức. Chúng tôi cho hắn ăn, vừa đói, vừa được thưởng thức đặc sản nơi xứ lạ, mắt hắn sáng lên như trẻ con thấy mẹ đi chợ, về…  cho quà, hắn ăn ngon lành, lắp bắp “thank you” nhiều lần. Tôi cho hắn  quả cam. Hắn nhìn tôi, lắc đầu. Tôi bổ ra ăn, đưa hắn. Có lẽ vì thèm và không sợ bị đầu độc, hắn chìa tay đỡ lấy, bỏ vào hàm én, nhai nghiến ngấu, không quên gật gật: “thank you”. Người Mỹ cũng lịch sự đấy chứ !


          Khi giao hắn cho trại giam Hỏa Lò, hắn cảm động - không bị đánh đập, không bị miệt thị, được ăn uống no nê, có người giặt quần áo cho, được bảo vệ chu đáo… Chúng tôi giao lại tư trang cho hắn. Hắn đăm đăm nhìn tôi, cầm chiếc đồng hồ ngần ngừ đưa về phía tôi, gật đầu và xì xồ mấy tiếng (có ý đa tạ tôi), tôi xua tay, không nhận. Hắn rơm rớm nước mắt, tỏ lòng cảm động. Chúng tôi đưa người khách “không mời mà đến” an nghỉ tại khách sạn Hilton Hà Nội. Nếu bây giờ gặp lại trung tá phi công Mỹ, nhắc lại “chuyện thật như đùa” thì sẽ phá lên cười với nhau, đồng thời “khép lại quá khứ”. Chắc hắn sung sướng lắm, cảm ơn lòng độ lượng khoan dung của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Cảm ơn các vị, các bạn quan tâm theo dõi .
                    
 

 

 

Vương Văn Kiểm

47 Tràng Thi, phường Trần Đăng Ninh, Tp.Nam Định 

ĐT: 0127.723.0806 Email: vuongkiemnd@yahoo.com.vn



 

tin tức liên quan