NHỮNG CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI
TRÊN ĐẤT QUẢNG BÌNH
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là một tỉnh hậu phương trực tiếp của miền Nam, Quảng Bình giữ một vị trí xung yếu và quan trọng trên mặt trận giao thông vận tải chi viện tiền tuyến.
Nằm sát ở phía Bắc giới tuyến quân sự tạm thời, Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh là địa cầu của miền Bắc XHCN, là cửa khẩu của các tuyến hành lang vận chuyển chiến lược từ Bắc vào Nam. Không kể đường sông và đường biển, Quảng Bình có hai tuyến đường dọc và bốn tuyến đường ngang.
* Tuyến đường quốc lộ 1: Có chiều dài trên 112 km từ Đèo Ngang (giáp Hà Tĩnh) đến Hạ Cờ (giáp Vĩnh Linh), qua các sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Dinh và sông Nhật Lệ.
* Tuyến đường 15: Chạy dọc ven rừng Trường Sơn từ Tân Đức (Tuyên Hóa) đến bến Quang (Vĩnh Linh) dài 285 km, qua bến phà Xuân Sơn (Bố Trạch), Long Đại (Quảng Ninh) và Thác Cóc (Lệ Thủy), có 39 cầu cống và 37 ngầm qua khe suối, trong đó có ngầm Khe Rinh là một trong những trọng điểm ác liệt nhất, có đợt địch đánh liên tục 75 ngày đêm, mỗi ngày trung bình 10 trận. Bom đạn Mỹ đã phá hủy hoàn toàn một đoạn đường 500m chạy qua dãi đá vôi. Công trường 505 với 480 công nhân đã bám trụ mặt đường, bảo đảm thông đường, thông xe dưới làn mưa bom bảo đạn của địch.
* Tuyến đường 12A: Từ ngã ba Khe Ve (xã Hóa Thanh, huyện Tuyên Hóa) lên đèo Mụ Giạ giáp biên giới Việt Lào, có chiều dài 44 km. Đây là con đường xung yếu, độc đạo chạy men theo các vách núi cao. Trước năm 1966, đường 12A là con đường duy nhất vượt Trường Sơn nên bị đánh phá khốc liệt. Ở đây có những trọng điểm nổi tiếng như Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Cổng Trời và dốc đồi 37 v.v... Công trường 12, đội thanh niên xung phong 75 và binh trạm 12 đã bám trụ ở đây từ đầu cho đến kết thúc chiến tranh.
* Tuyến đường 20 Quyết thắng: Do yêu cầu chi viện chiến trường ngày càng lớn, ta đã mở thêm cửa khẩu thứ hai vượt đỉnh Trường Sơn để vừa phá thế độc đạo nhằm phân tán mật độ đánh phá của địch, vừa rút ngắn được cường độ vận chuyển từ phía Bắc xuống đường 9. Đó là con đường 20 xuất phát từ thôn Phong Nha (Bố Trạch) lên Cà Roòng, chọc thủng dãy đá vôi của Trường Sơn, nối liền với đường 128 ở ngã ba Lùm Phùm (Lào), có chiều dài 125 km. Đây là tuyến đường được khảo sát và thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt bị địch đánh phá suốt ngày đêm có thể nói mặt đường trộn lẫn máu và mồ hôi của các chiến sĩ Trường Sơn. Nhưng chỉ sau hơn 4 tháng, kể từ ngày 20-1-1966 tuyến đường đã hoàn thành vào ngày 15/6/1966. Hai trung đoàn công binh số 4, số 10 và tổng đội thanh niên xung phong số 25, gồm của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nam Ninh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tư lệnh 559 đã đảm nhận nhiệm vụ lịch sử này.
Bất chấp bom đạn ác liệt của địch, các chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong đã bám trụ mặt đường, lao động cật lực suốt ngày đêm, có chiến sĩ công binh đạt năng suất đào đất 14m3/ngày. Điểm thử thách lớn nhất là ở cây số 18 có một hòn núi chắn ngang, bên kia núi là một vực thẳm. Trung đoàn 10 công binh đã san bằng ngọn núi này và được tặng danh hiệu: “Đơn vị chọc thủng Trường Sơn’’. Tại cây số 16, sau một trận ném bom của đế quốc Mỹ, 12 nam nữ xung phong đã bị vùi lấp hy sinh trong hang đá.
Đường 20 có đến 8 trọng điểm. Báo chí thường gọi đó những “tọa độ lửa’’ mà ai vượt qua được sẽ trở thành một loại “thép đặc biệt’’ không bị nóng chảy. Trong đó ác liệt nhất là tập đoàn trọng điểm “A.T.P’’, tức là cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu - La - Nhích.
* Tuyến đường 10: Bị sa lầy trong cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam, đế quốc Mỹ ngày càng tăng cường đánh phá các tuyến đường giao thông vận tải và gây cho ta nhiều khó khăn. Tháng 4-1967, Trung ương quyết định mở thêm cửa khẩu thứ ba vượt Trường Sơn. Từ Km số 0 thuộc địa phận thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, đường 10 tách đường 15A "đâm" lên phía tây qua hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, vượt muôn trùng núi non hiểm trở, suối sâu, đèo cao, dốc đứng để tới đường 9, phía tây Bắc Quảng Trị. Đường 10 có chiều dài 72 km, khởi công tháng 4- 1967, hoàn thành vào năm 1968. Để có được đường 10, Bộ Giao thông Vận tải và Trung ương Đoàn đã huy động hơn 6.000 thanh niên xung phong (TNXP) của các tỉnh phía bắc tham gia mở đường. Đã có 200 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 700 người khác mang thương tật vĩnh viễn cho đường 10 được thông suốt. Lịch sử đường 10 ghi lại rằng: Tốc độ thi công cứ một ngày là một cây số, một cây số lại có 4 người hy sinh. Đường xuyên dưới tán rừng Trường Sơn, làm đến đâu, ngụy trang đến đó, yếu tố bí mật bảo đảm tuyệt đối. Tuy được giấu kín nhưng kẻ địch vẫn nghi ngờ, những phương tiện do thám của chúng ghi nhận dường như hai bờ bắc- nam vĩ tuyến 17 đang có điều gì đó chuyển động lấn sâu vào Quảng Trị. Cho đến giữa tháng 4- 1968, Mỹ Ngụy đã phát hiện ra đường 10. Từ đây, tất cả các phương tiện chiến tranh hiện đại như: bom phá, bom bi, rốc két, pháo hạm, bom nổ chậm, thám báo, biệt kích... đều tập trung phong tỏa đường 10. Lúc này, đường 10 không còn là con đường kín, càng tiến sâu vào nam cường độ bắn phá càng ác liệt. Lực lượng TNXP bám đường phần lớn là phụ nữ, tuổi đời mười tám đôi mươi. Rừng thiêng nước độc, tiến thêm một ki- lô- mét, dốc thêm cao, nước thêm độc. Có trung đội chị em bị đau bụng hàng loạt không rõ lý do. Trong những ngày mưa Trường Sơn kéo dài, các chị chỉ duy nhất một bộ áo quần dầm mưa bám đường, lâu ngày cơ thể sinh ra lở loét, thuốc đỏ là thứ thuốc duy nhất các chị có để chữa bệnh cho mình và đồng đội. Ông Nguyễn Văn Đệ, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn khóa III, nguyên Trưởng ban TNXP thời kỳ chống Mỹ, nhân dịp cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn (19- 5- 1959- 19- 5- 2009) nhớ lại: "Cuộc chiến tại đường 10 vô cùng ác liệt, ngoài mưa bom, bão đạn thì khẩu phần ăn mỗi người giảm dần, từ 24kg gạo/tháng xuống còn 10kg, 5kg và cuối cùng thì hết gạo, phải dùng rau rừng cầm hơi. Lãnh đạo Cục công trình I- Bộ Giao thông- Vận tải huy động tất cả xăng dầu sót lại đổ đầy 5 chiếc xe tải mở đường máu về hậu cứ xin gạo, lương thực tiếp tế. Xe chất đầy gạo trở lại đường 10, mọi người nín thở chờ đợi. Khi đoàn xe tới ngầm Dân Chủ (Âm Phủ), máy bay địch phát hiện cắt bom, chiến sỹ lái xe hy sinh, lương thực bị cháy hoàn toàn". Con Đường 10 nhuốm biết bao xương máu của lực lượng TNXP nhưng cuối cùng cũng hoàn thành. Ta đã có thêm tuyến đi chiến lược nối Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn để góp sức chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngay từ những ngày đầu triển khai mở tuyến, địch đã phát hiện được và tập trung đánh phá ngày đêm vì đây là con đường gần vĩ tuyến 17. Theo lời kể của đồng chí Cuộc chiến đấu trên đường 10 diễn ra quyết liệt, cuối cùng các lực lượng công binh, giao thông đã hoàn thành việc bạt núi mở đường. Vượt lên tất cả, vì Miền Nam thân yêu, ngày ngày hàng nghìn thanh niên trai trẻ vẫn bám trụ với "mưa bom, bão đạn” Vì vậy có câu thơ:
"Chưa đi chưa biết đường 10
Đi rồi mới biết sức người, sức ta... ’’
* Tuyến đường 16: Chạy từ ngã ba Thạch Bàn (Lệ Thủy) đến làng Ho, dài 40 km, con đường này được khởi công từ 1958, hoàn thành vào năm 1960 và đến tháng 6-1969 thì được sửa chữa nâng cấp để sử dụng vận tải cơ giới. Tiếp đó đường 16 được kéo dài từ làng Ho, vượt Trường Sơn từ phía Bắc sông Xê - Băng - Hiêng, có chiều dài 44 km, vận chuyển bằng xe thồ. Sau khi làm xong, 4.000 dân công Thanh Hóa đã được điều đến tuyến đường này để vận chuyển bằng xe thồ... Đường 16 có nhiều điểm xung yếu dốc Khỉ, đèo 1001, lúc đầu chỉ vận chuyển bằng xe thồ, nhưng về sau đã vận chuyển bằng xe cơ giới, trên cả toàn tuyến có chiều dài 84 km. Tuyến đường 16 đã chi viện đắc lực cho chiến trường Trị - Thiên từ năm 1969-1972. Ngoài hai tuyến đường dọc và bốn tuyến đường ngang, còn có nhiều đường tránh như đường 22A từ Kỳ Lâm (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) vòng qua phía Tây đèo Ngang đến Mũi Vích trên đường số 1 thuộc huyện Quảng Trạch. Đường này trên đất Quảng Bình có chiều dài 24 km. Đường 22B từ ngã ba Quảng Châu qua các xã Quảng Trạch, Quảng Lưu nối liền với tỉnh lộ 1 ở xã Quảng Trường có chiều dài 16 km. Đường Ba Trại từ bến phà Gianh vào xã Hạ Trạch, vượt qua rừng thông, nối liền với tỉnh lộ số 2 ở ngã ba Thị Lộc có chiều dài 11 km v.v...
Như vậy là trong kháng chiến chống Mỹ, hệ thống đường giao thông phục vụ tiền tuyến trên đất Quảng Bình kể các trục đường dọc, đường ngang vượt Trường Sơn, đường tránh và đường tỉnh lộ, các đường cộng lại có chiều dài trên 900 km, trong đó chỉ có tuyến quốc lộ 1A là đường cũ (122 km), còn lại là đường mới làm trước và trong khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại. Hệ thống đường đó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. /
Bùi Hoằng
Đương 20 Quyết Thắng.
Vị trí Bến phà Xuân Sơn năm xưa.
Cầu Long Đại trên Đường 10 - KM28.
Đường 16A nay là đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.
__________________
Bùi Văn Hoằng
Hà Bình-Hà Trung-Thanh Hóa
Email: hoang1592@gmail.com