TẤM ẢNH VÀ BÀI THƠ
TRONG TÚI ÁO NGỰC
Năm 1968, tại trận chiến đấu giữa ta và địch trong một khu rừng đại ngàn của Trường Sơn (thuộc Liên khu 5), nhiều chiến sĩ ngã xuống để giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong số đó có một chiến sĩ không ai biết tên tuổi, quê quán của anh. Chỉ biết trong túi áo ngực anh có một tấm ảnh nhỏ cỡ 6cm x 9cm.
Người trong ảnh là một nữ công nhân, mặc áo trắng, quần yếm xanh, tay cầm chiếc thoi dệt vải. Mặt sau của ảnh có bài thơ chép tay.
“Đợi anh vợi mùa Xuân
Chẳng thấy anh trở lại
Chỉ thấy chim én về
Và hoa đào vẫy mãi
Tay vít một nhành hoa
Níu áo mùa Xuân hỏi:
"Vì người công tác xa
Xuân ơi Xuân có đợi?"
Xin một nụ trên cành
Ủ kín vào thương nhớ
Em để dành mùa Xuân
Đợi anh về mới nở”.
Bao nhiêu nhung nhớ, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu nỗi niềm và hy vọng, người con gái ấy đã gửi gắm cả vào từng câu, từng chữ. Đọc bài thơ lên, ta có cảm giác như đang lắng nghe tiếng lòng sâu lắng, da diết nhưng cũng hết sức mãnh liệt của cô gái gửi cho người chiến sĩ trẻ ngoài chiến trường. Thương người phương xa, cô gái níu một nhành hoa xin mùa xuân hãy đợi người về rồi hãy nở.
Thời gian có chảy trôi, dù bao khó khăn gian khổ, hy sinh nơi chiến trường, thì niềm tin và tình yêu ấy vẫn mãi mãi rạo rực, đợi ngày khai hoa, kết quả. Đó chính là động lực để người chiến sĩ vững tay súng, là sức mạnh để cô gái lao động, sản xuất xây dựng hậu phương. Tình yêu đôi lứa đã được hòa quyện một cách sâu sắc vào tình yêu quê hương đất nước. Nội dung của của bài thơ khiến bao trái tim người đọc phải rung động, thổn thức và suy ngẫm về tình yêu, khát vọng để mùa Xuân của đất nước mãi xanh tươi./.
(Phạm Sinh sưu tầm theo “Vang mãi khúc quân hành”)