Kỷ vật ngày cưới - nữ chiến sĩ quân y Trường Sơn
Bà Nguyễn Thị Hồng Diệu tham gia bộ đội tháng 11 năm 1967 sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp y Hà Bắc. Năm 1968, đơn vị của bà được lệnh hành quân vào chiến trường. Bà được biên chế về Đội điều trị 14, Binh trạm 12. Sau Mậu Thân 1968, quân Mỹ dốc sức mở những trận càn quét trả thù ở khắp miền Nam và gia tăng các phi vụ đánh phá miền Bắc. Máy bay B52 đánh phá cực kỳ man rợ cả ngày lẫn đêm vào các trận địa pháo, các trọng điểm và vào bất cứ nơi nào chúng nghi ngờ. Thậm chí nghĩa trang của Đội điều trị 14 cũng bị đánh đi đánh lại tới 3 - 4 lần. Thương bệnh binh nhiều vô số, được chuyển đến Đội điều trị bằng ô tô (vào ban đêm) và bằng cáng. Các đội phẫu thuật lưu động cũng được thành lập và luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường. Công việc nhiều như vậy nhưng bà Diệu luôn tâm niệm trong lòng lời dạy của Hồ Chủ tịch “người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như là mẹ hiền” và bà luôn suy nghĩ “những chiến sĩ đã hy sinh một phần xương máu của mình ở chiến trường thì mình phải bù đắp chút gì đó để họ đỡ đi phần nào cảm giác đau đớn về thể xác”. Vì vậy, bà ngày đêm túc trực bên giường bệnh, săn sóc cho các thương binh từ bữa ăn đến giấc ngủ. Cảm phục tấm lòng của người nữ y sĩ, các đồng chí thương binh quý mến và tặng bà nhiều món quà nhỏ làm kỷ niệm. Trong đó, có những mảnh dù pháo sáng mà trước đây khi thu được họ cũng đã chia nhau đắp để chống lại cái lạnh thấu xương của núi rừng Trường Sơn.
Ngoài nhiệm vụ chăm sóc, điều trị, mổ xẻ, cấp cứu thương bệnh binh ở Đội điều trị hay Đội tiểu phẫu, những cô tiên “áo trắng” như bà Diệu còn mang những lời ca, tiếng hát tới các trận địa pháo để động viên các chàng trai “chân đồng vai sắt” hoặc trực tiếp tham gia làm đường cùng với công binh, TNXP khi đường bị tắc nghiêm trọng. Cũng chính trong cuộc chiến vô cùng ác liệt và gian khổ ấy mà nhiều mối tình đã nảy nở ở Binh trạm 12. Họ đến với nhau cởi mở, nhanh chóng và thật tình. Nhiều đám cưới lẻ tẻ được tổ chức trong hang đá hoặc ở “hội trường âm”. Bà Diệu và một vài đôi uyên ương như: Chung - Tào, Lâm - Tỵ, Cam - Phúc… được tổ chức cưới tập thể đơn giản vào ngày 29/4/1972. “Đám cưới thời chiến đã phải thật giản tiện, đám cưới ở chiến trường thì lại càng giản tiện hơn, chỉ có hoa rừng, chút kẹo lạc, lương khô, thuốc lá, văn nghệ nhưng rất vui và cũng không kém phần trang trọng. Được cái tình cảm đồng đội thì quý lắm cháu ạ”. Bà bồi hồi nhớ lại.
Trong ngày cưới, bà được đồng đội tặng nhiều món quà nhỏ nhưng chỉ còn giữ được cái ấm tích này. Vừa nói bà vừa cầm chiếc ấm đưa cho chúng tôi. “Chiếc ấm này là của một động đội trong đơn vị làm để tặng cô chú vào đúng ngày cưới. Anh ấy tự gò từ mảnh ống đạn pháo sáng thành chiếc ấm và cầu kỳ khắc lên thân ấm hình tiên ông, hai người hầu và hình con hươu. Bên trên là 4 chữ Hán “Tứ hỉ tề lai” với ý nghĩa mong có 4 điều vui đến”.
Còn chiếc chăn dù này, vào những đêm đông trực chiến, khi gió bấc thổi vù vù từng cơn lùa qua những phên liếp. Trong buồng bệnh, các anh em bệnh binh đã đi nằm. Bà đã dùng 18 múi dù mà các đồng chí thương binh tặng khâu thành chiếc chăn 6 lớp rất ấm. Bà còn xin các chị em khác vải đỏ để khâu viền cho chắc và đẹp. Khâu xong chiếc chăn bà để dành đắp trong ngày cưới của mình và bác sĩ Đỗ Ngọc Kiểm (29/4/1972) ở chiến trường. Từ đó đến nay, chiếc chăn vẫn là kỷ vật thiểng liêng mà bà nâng niu gìn giữ, không để rách mà chỉ bị sờn mép vải và những vết ố màu của thời gian.
Những kỷ vật trên không chỉ là minh chứng cho sự tham gia của bà Nguyễn Thị Hồng Diệu trong kháng chiến chống Mỹ, mà nó là kỷ vật thiêng liêng mà bà đã tự tay làm và được tặng trong ngày cưới của mình. Hai người con của bà cũng lớn lên từ hơi ấm của chiếc chăn trong những năm tháng bao cấp khó khăn. Vậy nên bà cất giữ chúng rất cẩn thận. Khi tặng lại chúng cho Bảo tàng Bắc Ninh bà rất xúc động và lưu luyến như chia tay với đứa con tinh thần của mình.
An Ngọc - Bảo tàng Bắc Ninh