Phạm Thị Mỵ - cô gái công binh Trường Sơn ngày nào giờ là một doanh nhân có uy tín. Chị luôn tìm cách giúp đỡ đồng đội và con cháu đồng đội...
BÀI VIẾT VỀ GƯƠNG SÁNG NỮ CỰU CHIẾN BINH TRƯỜNG SƠN
NHÂN NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM
CHUYỆN CỦA MỴ
Ngày ấy, Mỵ không thể nào quên cảnh ông bố người bạn ôm con bị bom sát hại, gào khóc. Mỵ lại càng không bao giờ quên cái ngày mẹ Mỵ bị bệnh trọng phải điều trị ở nơi bệnh viện sơ tán, mẹ mất ở bệnh viện, đưa mẹ đến nơi an nghỉ mà máy bay Mỹ quần đảo trên đầu ném bom cống Trà Linh, làm mọi người hốt hoảng kéo xe quan tài như chạy, mấy chị em theo không kịp. Thương mẹ, đêm về chị ôm em mà lòng căm thù lũ giặc Mỹ, nguyện sẽ trả thù lũ giặc mới hả lòng…
Đang học lớp 9 đi qua thị đội thấy đông người, Mỵ dừng lại xem - à họ tuyển quân, đúng rồi hôm qua tiểu khu đọc loa thông báo hoan nghênh những thanh niên viết đơn tình nguyện - tình nguyện thì Mỵ sẵn sàng. Nhưng 18 thì khó quá mình mới 16 tuổi - Không sao - cứ khai là được. Nhưng còn cân đo? cũng không sao - Mỵ sẽ nhờ mấy chị cùng khu phố Vọng Cung! Thế là trót lọt ! Mỗi cái tên Phạm Thị Mỵ là của mình - Cân đo là khoản gay nhất vì Mỵ có 34 kg - nhờ Hồng 47kg - cao 1m57! có giấy báo trúng tuyển, anh cán bộ thị đội xuống đòi gặp Mỵ để đưa, Mỵ bảo: “Chị cháu đi chợ, để cháu đưa cho”, phải nói vậy sợ lộ, vì Mỵ bé gầy).
Sáng ấy, mùa xuân năm 1973, Xuân mà sao rét thế, mưa xuân dày hạt, ở nơi tập trung gia đình, bạn bè nhận ra Mỵ ở cái dáng thấp nhất, bé nhất, nhưng có mái tóc dài nhất, với đôi mắt đen láy long lanh, giơ tay vẫy chào mọi người. Đến huyện Quỳnh Côi được 5 ngày thì bố lên thăm, đi làm hết giờ buổi sáng, bố xin phép nghỉ buổi chiều lên thăm con gái, mới gần 1 giờ chiều ông đã đạp xe tới nơi, cả tiểu đội reo: “Bố tiểu đội phó lên!” người dắt xe, người cầm quạt, quạt mát cho ông, vì lưng áo ông ướt sũng mồ hôi, Mỵ cầm khăn lau cho bố, ông bỏ chiếc làn mây ra: A - bồ kết, ổi bo, cơm nếp, ông bảo những thứ ấy là của các chị con, còn đây trong chiếc hộp sắt ông mở ra, ngoài là giấy bóng, trong là giấy báo. Kem! “bố chỉ có kem” Mỵ mời bác chủ nhà và đưa cho các bạn vừa mút vừa hỏi chuyện râm ran.
Ba tháng luyện quân, biết gấp chăn màn vuông vắn, hành quân mang nặng 30kg - bắn bia số 4, số 7, ném lựu đạn. Thế là lên đường. 10 ngày cả tiểu đội - trung đội còn hăng hái - Rồi một tháng hành quân, ôi cái quai ba lô như muốn cứa vai, nhiều bạn bỏ bớt đồ dùng. Hồng to thế mà ngày nào cũng tụt lại sau, Mỵ đã phải mang bớt cho 2kg thịt hộp, vẫn không theo kịp, Mỵ lại phải mang cho cả xuất gạo 5kg. Nhớ nhất là cái ngày vượt dốc Bò Lăn trời thì nắng - dốc ngược lại dài, đứa nào đứa ấy dốc ngược cả bình tông khát khô cả họng, Mỵ vẫn động viên chị em, động viên Hồng cố lên - Đến trạm giao liên - Mỵ cùng mấy chị khỏe đi xuống suối lấy nước, kiếm củi - không khi nào Mỵ nghỉ - ăn cơm xong, mắc võng - Mỵ còn hát bài ca “Hai chị em” “nổi lửa lên em”…! Cứ đi rồi cũng phải đến, đơn vị dừng chân ở gần sân bay Tà Cơn - Quảng Trị - Mỵ không biết trung đoàn 542 có mấy tiểu đoàn - Nhưng cái C14 (đại đội 14) được giao làm đường 14. Cứ tưởng được đi chiến đấu tải đạn hay làm giao liên, ai ngờ lại làm lính công binh, mở đường, đảm bảo giao thông, vượt đường 9 - vượt sông Ba Lòng, mở đường tránh động Cô Tiên - đường tránh vượt dốc con Mèo, sân bay A Lưới. Bom đạn, máy bay đủ loại rồi cũng quen, làm ngày, làm đêm, tránh rồi lại làm - Thông đường, thông xe là niềm vui là mục tiêu. Ghét nhất là: Mưa - mưa vắt cắn, mưa đất nở, mưa lũ bắc sông A Sáp, có gạo mà bờ Nam đói. Mưa đường lầy xe không qua được, cả đại đội phải chặt cây rừng rải “rong đanh” ở Bù Lạch, xe đi trên sạp cây hàng cây số. Ôi lính công binh rất kiên cường (nhất là lính nữ), đúng là “Tường đồng vách sắt”. Thế mà Mỵ và nhiều bạn gái khác rất sợ, sợ hơn đói rét, đó là (tóc rụng). Ra suối chải mà tóc rụng hàng mảng, có đứa hói cả đầu. Có lần nhìn bóng dưới suối, tóc rụng chỉ còn lưa thưa, Mỵ khóc rồi nhìn lên đỉnh Cô Tiên. Mỵ khấn xin Tiên cho lại tóc dài. Thế là chỉ vài tháng sau tóc Mỵ lại dài ra gần như cũ. Lần ấy qua được trọng điểm, trời sáng - lái xe dấu bên đường vào C14 nghỉ. Cái anh gầy còm mắt sáng hỏi: Có ai Thái Bình không? Các cô chạy tới: “Anh ở đâu - chúng em ở Thái Bình đây”. Mỵ không tới vẫn ngồi đun nước chè “dây leo” và ngừng giọng hát bài: “Tình em gửi trọn con đường”. Thế mà cái anh chàng Bản vẫn “tia” được cái cô tóc dài chấm kheo. Rồi như quen mui nghiện chè dây leo, lần sau 1 tuần, Bản giao hàng xong cố vượt về C14 nghỉ. Có lần còn kiếm cả nửa thùng xe củi để tặng các cô công binh. Rồi chiến dịch phát triển, Bản cùng đoàn chiến mã vào sâu. May mắn xuân 1975, Bản được cùng một số đồng đội chở hàng đặc biệt (Z) phục vụ chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Anh được tặng Huân chương và danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ.
Đ/c Bản hát bài "Tôi người lái xe”, đ/c Mỵ lên tặng hoa trong ngày vui mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc
Sau đại thắng mùa xuân 1975. Tháng 8, Mỵ cùng nhiều đồng đội ra quân. Mỵ xác định phải tìm được việc làm ổn định, nhưng khó quá. Cô viết đến hàng chục hồ sơ suốt 3 năm mà chưa xin được vào đâu. May sao tình cờ một buổi đi trên đường Bà Trưng, có tiếng gọi: Mỵ. Mỵ nhận ra thủ trưởng Lường - thủ trưởng mà Mỵ kính trọng như cha và luôn luôn sợ, vì ngày ấy đứa nào hơi “hý hóe” là chết với ông. Sau lần ông về xác minh lý lịch kết nạp Đảng, hiểu rõ hoàn cảnh, ông lại càng thấy thương quý Mỵ. Ông hỏi han tình hình vì trước đó ông bị thương ra Bắc và chuyển công tác về tỉnh. Ông trao đổi với vợ xin cho Mỵ vào là ngành thương nghiệp. Với bản chất người lính Cụ Hồ - người chiến sỹ Trường Sơn, được về “làm dâu trăm họ” nhưng Mỵ tận tình chu đáo, liêm chính nên được mọi người quý mến. Nhiều người muốn Mỵ là con dâu mình. Nhưng như ông trời đã định, cái anh chàng Bản ra quân về lái xe ở Công ty vật tư nông nghiệp. Sau 2 năm gặp lại nhau, Xuân 1981 hai người nên vợ thành chồng.
Một người truyền thống Trường Sơn - hai người nhân đôi truyền thống Trường Sơn. Xe phải có đường, như chồng phải có vợ, Bản - Mỵ một tổ ấm gia đình vượt khó vươn lên. Họ được đào tạo ở Trường Sơn chống Mỹ có ý chí. Họ nên vợ thành chồng biết làm kinh tế. Vượt nghèo khó, họ dạy cho con, cho cháu làm việc nghĩa tình. Công ty Tuấn - Dũng mang tên 2 người con yêu, cung cấp dầu ăn và thực phẩm cho nhân dân cả tỉnh, luôn được mọi người dành cho chữ tín. Ngoài việc cung ứng phục vụ, Mỵ Bản luôn luôn nghĩ về đồng đội. Mai - Nguyên, Hồng - Dần và nhiều chị em như người trong một nhà. Mỵ đã xếp sắp việc làm cho hàng trăm đồng đội và con cái họ, thu nhập ổn định. Vợ chồng Mỵ còn luôn trợ giúp anh chị em hội viên Trường Sơn khó khăn, nhưng không bao giờ cho biết cụ thể. Tôi ước đoán tổng cộng việc giúp đỡ giống vốn, thăm hỏi, tạo điều kiện gặp gỡ, thăm chiến trường xưa cũng có tới dăm bẩy chục triệu.
Với cách sống bình dị khiêm nhường, Mỵ Bản - đôi vợ chồng cựu chiến binh Trường Sơn cùng các con, các cháu được bà con và đồng đội yêu quý. Phạm Thị Mỵ hiện là Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh, Trưởng Ban liên lạc nữ Trường Sơn tỉnh - một con người của ý chí và nghĩa tình, một phụ nữ xuất sắc của phong trào “Hai giỏi” ở Thái Bình. Nguyễn Văn Bản là Phó Ban liên lạc chiến sỹ lái xe Trường Sơn tỉnh. Hai người vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được người ghi lưu bút ngợi khen. Được gặp Phó Chủ tịch nước, được Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. Có nhà thơ đã viết tặng Mỵ: Em ngoan em lại rất xinh/ Đảm đang hiền thục điều hành Công ty/ Vì gia tộc và vì xã hội/ Ai cũng khen em gái Trường Sơn.
|
VŨ HỒNG
|
|
35/70 tổ 5 - phường Bồ Xuyên TP. Thái Bình - tỉnh Thái Bình )
|