Chặng ký ức khôn nguôi

Ngày đăng: 09:16 25/10/2015 Lượt xem: 527

   Chặng ký ức khôn nguôi

Có lẽ với những người lính đã trải qua chiến tranh thì cái được lưu giữ kỹ càng và sâu bền nhất trong lòng họ là ký ức về một thời đạn bom khốc liệt. Trên chuyến xe vào Quảng Trị hôm ấy, những cựu binh Trường Sơn đã có cháu gọi mình bằng ông, bằng bà thay nhau kể kỷ niệm chiến trường và say mê hát lại những ca khúc quen thuộc thời mười tám đôi mươi. Không ai nghĩ rằng họ đang ở độ tuổi sáu mươi, bảy mươi và có cụ đã tám mươi lăm.

Tôi là đại biểu được Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh mời theo đoàn về chiến trường xưa bởi từng có hai mươi hai năm làm lính Trường Sơn (1974 – 1996) cũng là nhà thơ nhà báo quân đội. Chuyến hành hương về những địa chỉ đỏ gắn liền với giai đoạn lịch sử vô cùng bi tráng Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước của dân tộc do Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Đoàn 559 nay là Chủ tịch Hội chỉ huy, cùng với hai Thiếu tướng, Phó Chủ tịch Hội: Hoàng Anh Tuấn, Trần Danh Bích. Tướng sĩ gồm 45 người, trong tâm trạng bồi hồi trở lại chiến trường xưa nhân dịp kỉ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn.
Tháng 5. Đường Hồ Chí Minh ngập tràn nắng hạ. Niềm vui được cộng hưởng, nhân lên trong lòng mỗi thành viên bởi đây cũng là dịp kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Điện Biên đã kết nối tới Trường Sơn, hai vùng đất lịch sử nổi tiếng hòa chung niềm tự hào to lớn cùng những thao thiết nhớ ơn những người đã ngã xuống vì độc lập tự do cho đất nước vinh quang. Khi lên xe, Đại tá Chánh Văn phòng Hội Trần Văn Phúc, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 đã hào hứng nói rõ điều đó, và sau đấy tôi đọc luôn bài thơ Điện Biên gọi tôi lên. Thơ ca trở thành nhịp cầu nối mọi người lại với nhau từ lúc khởi hành: Có phải tiếng hò kéo pháo gọi tôi lên/Hay ban trắng triền xuân còn đang đợi/Nậm Rốm tím sương chiều chờ tôi đến/Mường Thanh xanh líu ríu câu mời/Chưa biết hẹn cùng ai lòng đã núi/Mới Pha Đin đã bối rối Điện Biên rồi/Qua chót vót đỉnh rừng, thăm thẳm suối/Mây che mùa chiến dịch vẫn còn bay... Trong cuộc đi nghĩa tình này, ai cũng mang theo niềm tự hào Điện Biên – Trường Sơn, những chiến công kỳ tích có tầm vóc huyền thoại, tôi nghĩ thế, tin thế.

 

Cuối chiều. Qua hầm Đèo Ngang chục phút, chúng tôi đã có mặt ở Vũng Chùa. Lồng lộng trời. Mênh mang biển. Trời biển lồng lộng mênh mang. Những con sóng vỗ nhẹ vào bờ. Đảo Yến như bức bình phong xanh màu lá chắn giữ trước mặt. Con đường mới rải nhựa lên mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đông đúc người đến viếng Bác. Từ Bắc vào, từ Nam ra và cả dân ở đây nữa đến với Đại tướng như đến với người thân của mình. Trong nhân dân có Đại tướng, trong Đại tướng có nhân dân, không chỉ hôm qua, bây giờ mà mai sau vẫn cứ vững bền, sâu sắc như thế. Ở nơi dải đất hẹp nhất, mỏng nhất non sông mình có thêm một địa chỉ thiêng liêng để gửi gắm niềm tin vào sự vẹn tròn của lãnh thổ, sự tồn sinh muôn đời của dân tộc.
Hoa tươi xếp đầy bên mộ Đại tướng như một minh chứng giản dị và dễ thấy nhất về tình cảm của nhân dân đối với Người. Những vòng hoa và những cành hoa. Tôi đến bên Đại tướng, kính cẩn dâng hương và nhớ lại một kỷ niệm. Đoàn nhà văn quê Quảng Bình được Đại tướng tiếp tại ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng nên vui sướng và hồi hộp lắm. Đại tướng và phu nhân trò chuyện thân mật với chúng tôi, giọng của Bác vẫn vẹn nguyên âm sắc Quảng Bình. Khi chúng tôi đề xuất được chụp ảnh với Đại tướng, Bác cười nói: “Không ai được chụp riêng đâu nghe. Bây chừ, mỗi nhà văn được ngồi bên miềng và cô Hà một lần để chụp ảnh hỉ...” Tôi rưng rưng khi nghe Đại tướng nhấn mạnh mấy phương ngữ có gốc gác từ quê hương gió Lào cát trắng. Các nhà văn lần lượt thay nhau ngồi bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Đặng Bích Hà để chụp ảnh. Cuối cùng, ai cũng có một bức ảnh quý ghi nhận kỉ niệm đẹp của cuộc đời mình: được ngồi bên cạnh Vị tướng của nhân dân, Vị tướng của hòa bình, Vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.
Hành trình về Quảng Trị đau đáu những ký ức người lính. Thời thanh xuân của hầu hết các cựu binh đều gắn bó với Trường Sơn, với con đường mang tên Hồ Chí Minh và cả với đất nước Lào anh em. Trong những tháng năm bom đạn tơi bời, nắng mưa dữ dội, đói ăn thiếu mặc, sốt rét hành hạ... họ đã xẻ núi mở đường, bắc cầu làm ngầm, lái xe, bốc hàng... Họ là lính lái xe, lái máy ủi, lính cao xạ, lính công binh, lính đường ống, lính giao liên, lính bốc vác, lính quân y và không thể không có lính văn công... Chúng tôi bật cười sảng khoái khi nghe chuyện tiếu lâm đời lính của bác Thể 82 tuổi vốn là quân tình nguyện ở Lào, chuyện của anh Thanh, anh Tạo, anh Văn Thành, anh Đông... từng bám trụ nơi Trường Sơn đông nắng tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình. Lại bùi ngùi rưng rưng với những câu chuyện kể về sự mất mát hy sinh của nữ cựu binh Vũ Thị Thúy Lành, Giám đốc Trung tâm tổ chức về thăm chiến trường xưa Bộ đội Trường Sơn-Quân tình nguyện Việt-Lào, vốn là cây đơn ca ngâm thơ nổi tiếng trong Đội Tuyên văn Sư đoàn 968, chuyện đồng đội của chị Thành, chị Oanh, chị Hoa, chị Thủy, chị Hằng... Chuyện nối tiếp chuyện, hồi ức nối tiếp hồi ức, tưởng chừng không bao giờ dứt, không bao giờ cạn. Vui vẻ tếu táo đến độ cười vỡ ra cả xe. Buồn thương xót xa tới mức muốn gục vào vai người bên để khóc. Họ sống lại với Trường Sơn của thời Đường ra trận mùa này đẹp lắm hay một phần Trường Sơn trong họ bừng thức dậy tỏa ánh sáng trong trẻo ngời ngời. Họ trẻ lại cùng ký ức thời mười tám đôi mươi, dũng cảm rất mực nhưng cũng lạc quan vô cùng. Những người lính hồn nhiên ra trận, hồn nhiên chiến đấu, hồn nhiên lao động như bản anh hùng ca bình dị thấm đẫm chất lãng mạn của một thời xa xôi. Những bài ca đi cùng năm tháng, nốt nhạc và ca từ thấm mồ hôi và máu của bao người, như Bài ca Trường Sơn, Trường Sơn đông Trường Sơn Tây, Sợi nhớ sợi thương, Cô gái mở đường, Bài ca bên cánh võng… được họ hát lại. Một phần ký ức dội vang từ đó, tự nhiên như bay ra từ cây, chảy ra từ suối đại ngàn Trường Sơn.
Chúng tôi trở lại với những địa danh máu lửa nay đã trở thành di tích lịch sử thắm đỏ. Điều đáng nói nhất là có rất nhiều người đến viếng thăm, dâng hương hoa cho các liệt sĩ chúng ta. Nói như Olga Berggonltz, nữ thi sĩ Nga thì Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng. Không thể lãng quên sự hi sinh to lớn của những người con ưu tú của Tổ quốc đang nằm dưới mộ. Chiến thắng càng vĩ đại bao nhiêu thì sự hi sinh của đồng bào chiến sĩ càng to lớn bấy nhiêu. Xin thêm lần nữa đọc lên thơ Olga: Chiến thắng mang gương mặt khổ đau cùng cực. Chúng ta không giấu diếm ai nỗi đau thương mất mát chiến tranh. Thêm một lần trở lại chiến trường xưa những người lính thấm thía hơn giá trị vĩnh hằng của những dâng hiến cao cả.
Ngã ba Đồng Lộc. Đền thờ bến phà Long Đại. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường Chín. Thành cổ Quảng Trị. Cầu Hiền Lương. Những di tích lịch sử chúng tôi đến thắp hương dâng hoa. Dằng dặc, dày đặc những di tích lịch sử gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại. Nhìn mộ bia san sát trùng điệp mà không cầm được nước mắt. Bức tường khắc tên bộ đội, thanh niên xung phong hi sinh ở Ngã ba Đồng Lộc kín hết chỗ như là cánh cửa của cõi bất tử. Trên mộ của Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Võ Thị Hạ, Trần Thị Hường, Dương Thị Xuân trắng xinh những vành nón mới cùng với gương lược và quân phục “giấy”. Mười cô gái anh hùng hi sinh khi tuổi còn quá trẻ, người nhiều nhất là 24 người ít nhất mới 17. Con gái bao giờ cũng thích làm đẹp, đẹp từ mái tóc hàm răng đến áo quần. Sống hay chết đều thế cả. Các chị có nghe thấy không bài hát Cô gái mở đường của đồng đội hát trước mười nấm mộ trắng trưa nay?
Ngước nhìn mây trắng trời xanh tôi nghe rất rõ những bao la của quá khứ. Linh hồn của hàng chục liệt sĩ là bộ đội Tiểu đoàn 6 cao xạ, thanh niên xung phong C16, C130 trên bến phà Long Đại năm xưa, linh hồn của 10.333 liệt sĩ quây quần bên nhau trong Nghĩa trang Trường Sơn, linh hồn của 9.500 người lính Sư đoàn 308, 304, 312, 968, 324, 320 cùng với những du kích cán bộ cách mạng địa phương ngã xuống ở Đường Chín Nam Lào đang nằm trong Nghĩa trang Đường Chín đã bay lên, đang bay lên, sẽ bay lên chấp chới trong bầu trời Tổ quốc. Ngày, họ là mây trắng trời xanh. Đêm, họ là trăng sao lấp lánh. Quảng Trị có hai nghĩa trang linh thiêng mà không có một nấm mộ nào. Đó là Thành cổ và sông Thạch Hãn. Cỏ Thành cổ xanh, xanh lắm, xanh ngằn ngặt như là những nỗi niềm chưa nói hết và có lẽ chẳng bao giờ nói hết. Những nén hương thắp trên đài tưởng niệm gió đưa khói tỏa bốn bề, mùi thơm cũng tỏ mờ hiện khuất. Tám mươi mốt tấm lịch bằng đồng ứng với tám mươi mốt ngày đêm khốc liệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972, ở nơi chưa đầy bốn cây số vuông mà phải hứng chịu một lượng bom đạn của kẻ thù tính ra tương đương với 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hirosima, nước Nhật, trong thế chiến hai. Không ít sinh viên đã ngã xuống nơi đây. Mỗi ngày một đại đội hi sinh, đó là một con số không hề nhỏ. Không bài toán xác suất nào, không định lý nào có thể tính đúng sự hi sinh của những người lính quả cảm. Họ vào trận đánh với dự cảm mình sẽ không trở về, mãi mãi không được trở về với mẹ hiền, với vợ yêu những vẫn không hề nao núng chùn bước. Thật diệu kỳ và cũng đầy huyền bí khi người dân nơi đây đã tìm thấy những bức thư như thế này từ lòng đất trộn đầy mảnh bom mảnh đạn. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng ở bên mẹ, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau...Ngày thống nhất, em hãy vào Nam tìm anh. Đường đi như sau: Đi tàu vào Thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hi sinh...Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng...Đấy là những dòng thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh ở xóm 1 xã Lê Lợi huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình vốn là sinh viên năm thứ tư Khoa Xây dựng, khóa 13, Đại học Bách khoa Hà Nội viết cho mẹ và vợ anh trước khi đi làm nhiệm vụ. Bức thư bị vùi trong đất mấy chục năm và được người dân Thành cổ tìm được vào ngày 28 tháng 10 năm 2002. Còn bao nhiêu tâm tình như thế nữa đang cất giấu trong lòng đất Thành cổ, hèn chi cỏ ở đây xanh đến nao lòng...
Nước Thạch Hãn mùa này trong xanh. Chúng tôi ra bến thả hoa thắp hương. Vũ Thị Thúy Lành lội xuống sông thắp mấy nén nhang lên cái lư hương đặt dưới nước. Mặt sông xập xòa bóng chiều. Mười phút, hai mươi phút, rồi ba mươi phút trôi qua, chị vẫn đứng yên như hóa đá trước dòng sông đang mải miết chảy về xuôi. Phải cho người lội xuống vỗ mạnh vào vai, Lành mới sực tỉnh. Đôi mắt đỏ hoe, giọng Lành nửa thức nửa mê: “Ban đầu tôi thấy màu nước trắng, sau đó chuyển qua đỏ tươi. Văng vẳng bên tai tôi tiếng đàn ông trẻ, rất nhiều tiếng đàn ông trẻ: Em đừng lên vội nhé...Ở với các anh thêm chút nữa, em gái...”. Ký ức vẫn thường trộn lẫn thực hư như thế cũng giống lúc Văn Thành đứng hát cho đồng đội nghe giữa Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn anh nghe được rất nhiều lao xao, anh thấy được rất nhiều bóng áo cỏ bên cạnh. Âm dương hòa trộn vào nhau, có trong nhau như sự bất tử của các liệt sĩ và lòng thương nhớ khôn nguôi của người đang sống.
Đó là gì nếu không phải là sự giao hòa của quá khứ với hiện tại, là sự liên thông trên đại lộ xưa nay với những chất liệu vô hình nhưng thật bền chặt dẻo dai có tên gọi là ký ức. Ký ức của những người lính đủ tạo dựng sinh động một thời đã qua, một Trường Sơn hùng vĩ, một con đường mang tên Hồ Chí Minh huyền thoại./.

Bút ký của Nguyễn Hữu Quý

 

tin tức liên quan