" Quá khứ hào hùng trên đỉnh Trường Sơn " - Hồi ký của Phạm Công Đoàn (Ngọc Cẩn) Nam Trực, Nam Định

Ngày đăng: 11:59 30/11/2015 Lượt xem: 601

 

QUÁ KHỨ HÀO HÙNG TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN

 

Hồi ký của Phạm Công Đoàn (Ngọc Cẩn)

(Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh

Xã Tân Thịnh – Nam Trực – Nam Định)

 

 

Ngày ấy lâu rồi, đã 50 năm trôi qua những quá khứ hào hùng của những ngày vô cùng gian khổ hy sinh cứ khắc sâu mãi vào từng trái tim khối óc của chúng tôi, những đội viên thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước mang tên Đại đội 263 của Đoàn thanh niên huyện Nam Trực cứ vang lên hào hùng mãi mãi nhưng suốt đời không thể nào quên.

Đầu năm 1965 tin thắng trận giòn giã từ Miền Nam thành đồng Tổ quốc liên tiếp báo về thì giặc Mỹ leo thang tăng cường đánh phá miền Bắc hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương đối phương với tiền tuyến lớn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của TW Đoàn hơn 500 lá đơn tình nguyện gửi về Huyện đoàn xin gia nhập Đội NTXP chống Mỹ cứu nước do TW Đoàn thành lập với số người tình nguyện nhiều. Huyện đoàn Nam Trực thành lập 2 đại đội TNXP lấy tên là 262 và 263 tôi ở đại đội 263 có hơn 200 đội viên trong đó có 2/3 là nữ. Nhiều đội viên chưa đủ tuổi đủ cân nên đi khám sức khỏe có anh chị em đã bỏ đá vào túi cho đủ cân hoặc khai thêm tuổi để được gia nhập đội như anh Phạm Quang Trung cùng xã với tôi, anh em trai hầu hết là học sinh đang ngồi ghế nhà trường phổ thông, cánh cửa của các trường chuyên nghiệp, đại học đang mở cửa chờ đón nhưng khi cả nước có chiến tranh, tạm cất sách vở, nghiên bút tình nguyện gia nhập đội để được ra chiến trường tham gia chiến đấu.

Chị em đa phần tuổi đời từ 16 - 20 cái tuổi trăng tròn, cái tuổi đáng lẽ ra chuẩn bị hành trang để bước vào cuộc đời làm vợ, làm mẹ, đảm đang thay chồng nuôi con đánh giặc. Nhưng theo lời kêu gọi của Bác Hồ “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Nêu cao tinh thần đấu tranh đánh giặc của  bà Trưng, bà Triệu các chị em nô nức lên đường không chút đắn đo.

Đại đội 263 chúng tôi lên đường với hành trang ba lô, lương thực, cuốc, xẻng nặng chĩu trên vai trong quyết tâm không gì lay chuyển nổi. Ngày nghỉ, đêm hành quân dưới bom đạn của giặc Mỹ suốt chặng đường 27 ngày đêm chúng tôi đã đến huyện Thanh Chương – tỉnh Nghệ An.

Nhiệm vụ của chúng tôi gấp rút mở đường 15B từ huyện Tân Kỳ đến bến phà Sèn. Hoàn thành tuyến đường 15B chúng tôi được lệnh di chuyển sâu vào phía Nam phải giữ bằng được để thông xe trên tuyến đường từ ngã ba Dân Chủ đến huyện Đô Lương. Muỗi vắt, ruồi vàng, ve rừng, ghẻ nở, hắc lào, cùng các thiếu thốn cứ liên tục hoành hành chúng tôi. Khổ nhất là các chị em nữ, về mùa mưa sống trong rừng núi không có lấy một tý ánh nắng mặt trời, quần áo phơi hàng tuần không khô. Trong cuộc sống muôn vàn khó khăn như vậy nhưng với tình thần của đội viên TNXP chúng tôi không nản chí luôn bám sát mặt đường trong lúc giặc Mỹ không ngớt đánh phá ác liệt, chúng tôi vẫn đảm bảo giao thông thông suốt.

Ngoài những giờ lao động vất vả và nguy hiểm ngoài hiện trường chúng tôi còn tranh thủ học tập văn hóa, tập quân sự đêm vẫn ca hát thực hiện “Tiếng hát át tiếng bom

Đầu năm 1967 do bị thua đau ở Miền nam giặc Mỹ lại càng tăng cường đánh phá Miền Bắc.

Nhiệm vụ của chúng tôi lại thêm nặng nề. Đơn vị chúng tôi được lệnh tiến quân vào Quảng Bình là nơi giặc Mỹ đánh phá ác liệt hơn so với ngoài Nghệ An. Đại đội chúng tôi đảm nhận giữ mạch giao thông trên đường 22B từ Quỳ Châu tắt ra Sông Gianh – Ba Đồn rồi vào QL1 trong đó có bến phà Quảng Liên ra Sông Gianh.

Sau khi địch phát hiện ra đường 22B bến phà Quảng Liên hứng chịu nhiều bom đạn địch nhất, cả ngày lẫn đêm không ngớt tiếng bom gầm rú nhưng chúng tôi cứ bám đường.

 

( Ảnh minh họa )

 

Đơn vị phải chia thành nhiều ca gian khổ nhất là tổ Phòng không, 5 chị em do Phạm Thị Hồng xã Nam Tân phụ trách phải trực cả ngày, đêm trên một quả đồi cao hơn 100m. Hồng là người chỉ huy rất thông minh và gan dạ. Nhiệm vụ chính của tổ là gác phòng không, báo động cho cả đơn vị trên tuyến đường biết khi có máy bay đến, bắn máy bay địch bằng súng 12li7 và súng AK khi chúng lao xuống đất cắt bom. Chị em còn xác định số bom rơi, số bom nổ, số bom chưa nổ rồi cắm cờ tiêu. Công việc hàng ngày của chị em quả thật gian khổ nguy hiểm. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày chốt trên cao ngay nước cũng không đủ uống nói chi đến nước dùng để sinh hoạt. Anh em nam đã đành, đối với chị em thì sự gian nan khổ càng gấp trăm ngàn lần. Đầu tháng 5/1967 giặc Mỹ tăng cường ném bom tọa độ. Từng tốp máy bay ào ào đến chút bom theo tọa độ sẵn rồi đi ngay. Chúng tăng cường thả bom nổ chậm làm cho ta khó phát hiện số bom nổ chậm. Ngày 20/8/1967 tổ Phòng không của Hồng báo về là đêm qua chúng thả rất nhiều bom ngoài số đã nổ còn hơn 20 quả chưa nổ mà Hồng đã xác định và cắm tiêu báo. Ban Chỉ huy do các đồng chí Lê Minh Hiếu xã Nam Điền làm đại đội trưởng, Phạm Thị Thoa xã Nam An làm Bí thư Chi bộ, Đỗ Đức Kha xã Nam Xá là Đại đội phó kỹ thuật, Lê Thái Xoang xã Nam An đại đội phó đã hội ý và đi đến quyết định thành lập đội phá bom nổ chậm. Ban Chỉ huy họp triển khai đến từng tiểu đội lấy tinh thần xung phong vào đội quyết tử đi phá bom. Nhưng để bảo toàn lực lượng Ban chỉ huy và Chi bộ chọn đồng chí Đỗ Đức Kha làm đội trưởng cùng tham gia có các đồng chí Quỳ xã Nam Minh, đồng chí Khổn xã Nam Phong, đồng chí Loát xã Nam Điền, đồng chí Xoang xã Nam An, đồng chí Hàn, Giọng xã Nam Mỹ, đồng chí Xuyến xã Nam Hoa và tôi xã Nam Thịnh. Rất nhiều sáng kiến đã được anh em trình bày để phá bom theo kiểu “thủ công” bởi vì cả đại đội chúng tôi cũng như tổng đội TNXP 39 chưa một lần học kỹ thuật về phá bom nổ chậm. Cuối cùng, sáng kiến của đồng chí Đỗ Đức Kha dùng bọc phá áp sát vào thân bom đốt dây cháy chậm kích thích bom nổ được áp dụng.

Sáng ngày 21/8/1967, tổ Quyết tử lên đường làm nhiệm vụ. Trước khi đi, đại đội đã long trọng làm lễ truy điệu như một cuộc tiễn đưa không có ngày về. Sáng hôm đó, tổ đã phá được 4 quả bom rất an toàn. Chiều phá được đến quả thứ 6 trong lúc đang nạp bộc phá vào thân bom thì bom bất ngờ nổ. Hai người con đầu tiên của quê hương là Đỗ Đức Kha và Lê Thái Xoang đã anh dũng hy sinh. Ngay tối hôm đó, trong buổi lễ truy điệu trọng thể hai người với lòng thương tiếc vô hạn, toàn Đại đội biến đau thương thành hành động quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Hôm sau, ngày 22/8/1967, noi gương hai liệt sỹ, tổ “Quyết tử” lại hăng hái lên đường phá tiếp những quả bom mà đồng đội hi sinh còn để lại. Tổ “Quyết tử”  biết rằng ra đi lần này sẽ có sự hi sinh như Kha và Xoang nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc và để trả thù cho đồng đội, buổi sáng hôm đó, Nguyễn Xuân Quỳ đã liên tiếp phá được 4 quả an toàn; buổi chiều đến quả thứ 5 quả bom sụt xuống lòng đất hơn 1m, đồng chí Khổn phải cầm hai chân để Quỳ chui sâu đưa bọc phá vào sát thân bom. Quỳ định châm lửa vào dây cháy chậm rồi ra sau nhưng chưa kịp thì bom đã nổ. Quỳ đã hy sinh, Khổn bị sức ép tung lên đồi. Sau tiếng nổ, tổ “Quyết tử” đã tìm thấy thi hài Quỳ, còn Khổn bị sức ép nặng phải đưa đi cấp cứu gấp. Thế là cả đại đội chúng tôi phải mất đi 3 chiến sĩ dũng cảm kiên cường, đã hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Noi gương 3 liệt sĩ tổ Quyết tử được bổ xung thêm người và phá nốt số bom còn lại. Tổng số bom nổ chậm tổ Quyết tử phá trong 3 ngày phá được 20 quả và đã thông xe thông đường. Tổng đội TNXP 39 đề nghị Chính phủ truy tặng Huân chương cho 3 liệt sĩ và Đại đội 263. Đến nay đại đội 263 và 3 đồng chí đã được Chính phủ tặng Huân chương lao động hạng ba.

Năm 1967 sau khi con đường 22B đã hoàn thành theo yêu cầu của nhiệm vụ mới, một số đồng chí nam chuyển vào bộ đội, một số chuyển vào tuyến trong còn lại đại đội 263 chúng tôi sát nhập với đơn vị 267 huyện Ý Yên thành đại đội 379 do đồng chí Lê Minh Hiếu làm Đại đội trưởng, đồng chí Đinh Thị Nhờn huyện Ý Yên làm Bí thư Chi bộ. Đại đội 379 gồm 8 tiểu đội trong đó 7 tiểu đội nữ, chỉ có 1 tiểu đội nam do tôi làm Tiểu đội trưởng. Nhiệm vụ chính của đại đội 379 chúng tôi là chốt lại trên đường 22B giáp bến phà Quảng Liên qua sông Gianh, nơi đây như là một cái túi đựng bom của địch, chúng thường đánh phá suốt ngày đêm hòng cắt đứt được tuyến đường 22B. Chúng thay đổi chiến thuật đánh. Trước đây chúng cho từng tốp lượn đi lượn lại để xác định mục tiêu nhưng giờ đây chúng thường đánh tọa độ bằng bom tấn và bom bi rất nguy hiểm, đôi khi tổ gác phòng không chưa đánh dứt kẻng báo động thì chúng đã ở đâu ào tới cắt bom rồi chuồn thẳng. Bình quân cứ 2 giờ đồng hồ lại có một trận bom trên đường 22B. Để đảm bảo toàn lực lượng đơn vị đã chia ra làm nhiều ca để thay nhau thường trực trên mặt đường 24/24 giờ trong ngày, san lấp hố bom sửa lại cầu cống thực hiện khẩu hiệu “Địch phá ta lại sửa” để thông đường. Sáng ngày 3/7/1968 tiểu đội tôi và tiểu đội đồng chí Khái xã Nam Minh đến ca trực ngoài mặt đường. Đang khẩn trương san lấp hố bom mà ca trước làm chưa xong thì kẻng báo động, một loạt bom tọa độ đã nổ xung quanh hai tiểu đội chúng tôi, khói lửa mù mịt, đất đá ào ào. Sau tiếng nổ rung trời chúng tôi kiểm tra quân số thì thấy thiếu 6 đồng chí nữ ở tiểu đội đồng chí Khái, công việc tìm kiếm, đào bới khẩn trương ngay. Người đầu tiên chúng tôi đào bới được ở 1 căn hầm là Loan người xã Nam Hùng hi sinh trong tư thế nửa người trong hầm, nửa người ngoài, tiếp đến chúng tôi tìm thấy Hẻn và Xuân hi sinh trong căn hầm bị sập. Cô Sửu người Nam An hi sinh ngay trên mặt đường, cô Vân bị bom hất xuống vực sâu hơn 20m, cô Sáo bị bom hất tung lên ngọn đồi cách nơi bom nổ hơn 30m. 6 chị em đã hi sinh chưa kịp đưa về đơn vị thì lại một chiếc máy bay F105 của Mỹ lao xuống chút một loạt bom bi xuống chỗ chỗ đơn vị đang đào bới nhằm tiêu diệt lực lượng. Thế là lại thêm 1 đồng chí Trường xã Nam Hồng hi sinh và hơn 10 đồng chí bị thương nặng trong đó có tôi bị thương bất tỉnh nhân sự được anh em đồng đội đưa đi cấp cứu gấp. Sau khi điều trị vết thương xong trở về đơn vị tiếp tục làm việc thì anh em kể lại. Sau trận đó 7 thi hài của đồng đội được đưa về nghĩa trang xã Quảng Liên huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình mai táng cẩn thận.

Ngay tối hôm đó cả đại đội chúng tôi trong không khí trầm nặng thương tiếc đau đớn làm lễ truy điệu 7 đồng chí với lòng căm thù giặc Mỹ sâu sắc. Trong 7 liệt sĩ đó có 2 đồng chí đã có quyết định kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam là đồng chí Loan và Sửu, còn Sáo và Vân đã làm hồ sơ đi học ở các trường chuyên nghiệp chỉ chờ ngày có giấy báo là lên đường.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đã thắng lợi hoàn toàn. Tổ quốc đã thống nhất và đang đổi mới xây dựng, Tổ quốc ta càng đàng hoàng to đẹp hơn. Các chiến sĩ đơn vị 263 ngày ấy nay đã chuyển động theo thời gian muôn hình muôn vẻ. Nhiều người phấn đấu nay đã trưởng thành là cán bộ của Nhà nước như đồng chí Trịnh Đình Hàn trung tá Cảnh sát Giao thông và nhiều đồng chí khác giữ các trọng trách khác như Giám đốc, Phó Giám đốc đều trưởng thành từ đội viên TNXP mà ra còn đại đa số anh em TNXP sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về với đời thường tham gia sản xuất xây dựng quê hương giàu đẹp mặc dù trên người còn mang đầy thương tích của những ngày tháng tham gia đội TNXP chống Mỹ cứu nước hào hùng khó quên nhưng không hề kêu ca, phàn nàn nhưng cũng có những chiến sỹ nữ trở về trong nỗi nỡ làng cô đơn không một lần làm vợ, làm mẹ vì họ đã hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc.

Sau khi đọc bài hồi ký của tôi là một chiến sĩ của đại đội 263 sau là đại đội 379 ngày ấy chỉ mong rằng Tổ quốc và nhân dân hãy luôn ghi nhớ công ơn của họ, những chiến sĩ cựu TNXP đã gian khổ hi sinh dám đương đầu với giặc cho đất nước thanh bình hôm nay.

 

( Ảnh minh họa )

Phạm Công Đoàn (Ngọc Cẩn)

Cựu TNXP CMCN - Đại đội 263 N39 Quảng Bình

Địa chỉ nơi ở: Thôn Duyên Hải - xã Tân Thịnh  huyện Nam Trực - tỉnh Nam Định

ĐT: 01683 613 296 - 0947 941 627

 

 

tin tức liên quan