Vẫn còn yêu nhau lắm - Nguyễn Hoàng - CCB F471

Ngày đăng: 07:59 04/03/2016 Lượt xem: 430

 

 

 

         “ Vẫn còn yêu nhau lắm “ - Không phải thế mà lại hơn cả thế … Tình đồng chí đồng đội; tình đồng hương và đôi khi có cả tình yêu luôn cựa mình trỗi dậy nơi chiến trường ác liệt đầy đạn bom và đầy sự khắc nghiệt của thiên nhiên … Những nữ chiến sỹ; nữ thanh niên xung phong năm xưa họ là những người:

 

“Thời con gái là thời cầm súng

Thời phá bom, xẻ núi, bắc cầu

Có một Trường Sơn tóc dài nương náu

Trong miền trời trùng điệp mây bay”

 

         Không! Vẫn chưa đủ - Trong cái tình đồng chí đồng đội; tình đồng hương… kia nó có ý nghĩa hơn và nặng tính nhân văn hơn ta không thể không nói đến họ - Những nữ chiến sỹ; nữ thanh niên xung phong, họ biết hy sinh tuổi xuân cho Tổ quốc; họ đóng góp phần quan trọng cho ý chí và tinh thần quyết thắng của “ Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến” Và hôm nay về với đời thường những gì một thời ở Trường Sơn vẫn hiển hiện trong tinh thần và ý chí của họ - “ Vẫn còn yêu nhau lắm “ đồng đội ơi!

 

 

         “ Vẫn còn yêu nhau lắm “ - Tác giả Nguyễn Hoàng CCB Sư đoàn 471 đã (xới) ký ức một thời Trường Sơn để rồi anh viết - Viết để nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) này thông qua Trang thông tin Trường Sơn gửi tặng những người phụ nữ tuyệt vời đã một thời “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” , trong đó có không ít những nữ chiến sỹ áo trắng trên chiến trường Trường Sơn nói chung và những nữ chiến sỹ áo trắng nay đang là Hội viên Hội TT Trường Sơn Sư đoàn 471 Khu vực Đông Bắc nói riêng.

 

 

VẪN CÒN YÊU NHAU LẮM

 

NGUYỄN HOÀNG – CCB471

 

         Lợi đã lội xuôi theo dòng suối khá xa rồi, mà vật cần tìm vẫn chưa thấy. Nước suối ngấm theo quần áo đã tới thắt lưng, Lợi bắt đầu thấm lạnh. Anh hoang mang, chẳng nhẽ bỏ cuộc. Làm tới thì tìm xuôi nữa hay lại lần tìm lên trên. Trên đầu chiếc OV10 thu hẹp vòng lượn, bọn F4 đã lượn vòng. Chúng lại đánh phá trọng điểm 109. Bom nổ dậy đất, tiếng súng máy cao xạ bắn trả từng đợt. Chừng mười phút sau chỉ còn tiếng OV10 vè vè xoi mói, bọn phản lực trút hết bom đạn đã về căn cứ. Ngoài tuyến có tiếng súng bắn báo thương vong. Lợi lại nghĩ đến Luân chân không đi dép tất bật chạy chữa cho thương bệnh binh. Chả là chiều qua cơn mưa to ập về, nước suối dâng cao chảy cuồn cuộn. Luân dò dẫm qua suối trượt chân mất một chiếc dép cao su theo dòng nước lũ đục ngầu cuốn đi.

 

        Lợi và Luân cùng quê Hà Bắc; Lợi Yên Thế; Luân Tiên Du. Chỉ nghe thế cũng đủ ngẫm ra hai miền quê trai tài, gái sắc. Lợi vào tuyến cũng đã được hơn 3 năm làm y tá ở viện này. Còn Luân cô Y sỹ mới được tăng cường về viện từ đầu mùa khô vẫn chưa qua thời kỳ “miễn dịch” sốt rét. Thật khéo sắp đặt cho đôi trẻ gần nhau. Làm việc Lợi chấp hành “y lệnh” của Luân, về lán nghỉ Lợi như người anh luôn chăm lo tới đứa em gái cùng quê. Thấy đẹp đôi bệnh nhân có ý gán ghép. Hai đứa bề ngoài lảng tránh song trong tâm cũng có thiện cảm về nhau. Khi kê đơn, thăm khám bệnh Luân mạnh mẽ bao nhiêu, thì Luân lại tỏ ra yếu đuối trước cuộc sống khắc nghiệt thiếu thốn ở Trường Sơn bấy nhiêu. Từ chiều qua mất một chiếc dép, không tìm đâu ra dép để thay thế, bước thấp bước cao Luân vẫn tất tả đi các lán thăm khám bệnh nhân. Tối về lán mấy chị em xúm vào lo cho cái chân trần của Luân. Từ lán con trai, Lợi để ý thấy hết. Không có dép ở rừng Trường Sơn rất nguy hiểm. Chính vì thế Lợi đã “xung phong” đi kiếm rau rừng cho nhà bếp, để có cớ tìm dép cho Luân.

 

         Từ sáng tới giờ lợi vẫn xuôi theo dòng nước, bắt đầu từ chỗ Luân trượt chân mất một chiếc dép. Gùi khoác trên vai, tay gậy, tay dao bám theo hai bờ suối lấy môn thục và móng ngựa cho vào gùi, mắt đảo quanh tìm kiếm dép cho Luân. Môn thục và móng ngựa đã đầy gùi, Lợi vui vì đã lấy đủ rau ăn cho bếp. Đã cuối mùa mưa, gạo tuyến ngoài chưa vào được, tiêu chuẩn chung toàn binh trạm là 1lạng6/người/ngày. Thương bệnh binh 6lạng/người/ngày. Môn thục tước cẩn thận chế biến thành thứ nộm ăn ngon hơn rau tàu bay. Chỉ ngại một nỗi ai không “ưa” là bị ngứa họng. Còn móng ngựa gọt vỏ ngoài ninh trên bếp hàng giờ, hớt bỏ bọt như bọt xà phòng, ăn như ăn củ chuối nhưng cũng đỡ đói.

 

 

 

         Lợi bắt đầu quay trở về tìm lại theo dòng suối. Trên đầu chiếc OV10 vẫn lượn qua tìm kiếm quân ta. Bay tới vòng thứ tư bất ngờ nó chúc mũi bổ nhào, hai bên cánh phụt ra hai luồng khói. Nó bắn rốc két thăm dò dọc suối, phía hạ lưu cách chỗ Lợi không xa. Nép vào khe đá, Lợi theo dõi vòng lượn của chiếc OV10, Lợi lại nghĩ đến Luân. Nhớ hôm hai đứa bị kẹt lại bắc Bạc cũng chịu những trận đánh phá như thế này. Chả là cuối mùa khô năm ngoái Lợi có tên trong danh sách được ra Bắc an dưỡng, nghỉ phép rồi áp tải hàng vào và cũng để cưới vợ luôn. Ở quê Lợi có người con gái tên Xuân.

 

         Lợi và Xuân “biết nhau từ thuở buông thừng”. Cùng lớn lên cùng học một lớp. Đến tuổi Lợi nhập ngũ vào Trường Sơn. Xuân học trung cấp sư phạm. Hai đứa vẫn thư từ cho nhau, hẹn ngày gặp mặt. Tưởng nói thế là đủ giữ nhau. Nào ngờ về đến nhà Lợi mới biết: Xuân đã cưới chồng. Chồng em là một cán bộ giảng dạy của trường Đại học sơ tán về làng. Thôi cũng mừng cho Xuân. Hôm tới thăm nhà Xuân, Xuân theo chồng về thăm quê, mẹ xuân nói với Lợi:

 

- Anh thông cảm cho em nó, con gái có thì mà.

- Con mừng cho Xuân mà! Thấy bác và các em khỏe mạnh là con vui rồi. Nói thế nhưng Lợi lại cảm thấy cay cay sống mũi.

 

         Chưa hết phép anh đã vào thanh Hóa nhập đoàn an dưỡng. Trong anh vang vọng: “Trèo lên cây bưởi hái hoa. Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em có chồng anh tiếc lắm thay”. Những ngày nghỉ an dưỡng Lợi lang thang trong làng xóm và vẫn nhớ về người yêu cũ. Đang đi Lợi nghe tiếng hát: “Trên trời ba mươi sáu thứ chim ơi là thứ chim …”. Tiếng hát miền quan họ không lẫn vào đâu được. Ai hát quan họ quê ta mà mượt mà đến vậy. Trong anh cảm thấy bớt cô đơn vì ở đây còn có đồng hương quê mình.

 

         Lệnh nhập tuyến, Lợi được giao áp tải một chuyến hàng chở thuốc và dụng cụ y tế vào cho viện. Hôm xe chuyển bánh, thật bất ngờ Lợi được thêm một người nữa cùng áp tải xe hàng, mà đặc biệt nữa là một nữ quân y sỹ trẻ trung xinh đẹp được bổ xung vào viện. Cô là Luân người hát “Trên rừng ba mươi sáu thứ chim …” mà Lợi đã từng nghe. Họ cùng quê và thân thiết ngay từ lúc gặp mặt. Chiếc Zin ba cầu còn thơm mùi nước sơn. Ca bin rộng rãi, lái, phụ xe có ý mời Luân ngồi ca bin với họ. Thấy hợp lý mà cũng để giữ sức khỏe cho cô, Lợi khuyên Luân ngồi ca bin với họ. Chả hiểu sao, khi xe chờ qua phà Bến Thủy Luân leo lên thùng xe. Hỏi, cô bảo cô thích ngồi trên thùng xe để ngắm nhìn sao trời. Lãng mạn thật, Lợi nghĩ.

 

         Trên thùng xe các thùng thuốc được xếp chặt chẽ bằng phẳng trải bạt lên chẳng khác giường nằm. Hai đứa ngồi dựa vào ba lô cá nhân căng phồng ngăn cách bởi cáng thương. Đường càng đi vào càng xấu. Xóc nghiêng ngả, chiếc cáng để ngăn cách thành bất tiện thành thử phải buộc chặt nó vào thành xe. Đường càng xốc càng làm cho họ gần nhau hơn. Mới đầu còn ngượng, sau quen dần thành bình thường. Rồi Luân kể chuyện của cô: Cô lớn lên trong một làng quan họ cổ, cô được truyền dạy những làn điệu quan họ từ tấm bé. Thấy cô hội đủ cả thanh lẫn sắc mọi người hướng cô theo con đường nghệ thuật. Song cô thích ngành y hơn. Tốt nghiệp trung cấp y, anh trai làng hơn cô ba tuổi con ông Chủ tịch huyện đặt vấn đề với cô, hứa sẽ thu xếp cho cô làm ở bệnh viện tỉnh. Cô từ chối. Từ chối không phải anh ta xấu trai hay gì đó. Ngược lại anh ta rất đàn ông đang làm việc ở ủy ban kế hoạch tỉnh, tương lai rất sáng sủa. Cái chính là cô muốn nhập ngũ vào Nam tìm anh trai đang chiến đấu trong đó.

 

         Càng đi vào tuyến trong đường càng xấu. Địch đánh phá ngăn cản ngày đêm. Những thử thách với cô y sỹ trẻ cũng tăng dần. Mới đầu chỉ là những vòng lượn của lũ phản lực Mỹ trên đầu và quầng sáng đèn dù phía xa với những tiếng nổ rền vang dội về. Vào sâu hơn nữa, xe vượt qua các trọng điểm: Cua chữ A, ngầm Tà Lè, đèo Phulênhích, ngã ba Lùm Bùm, ngã ba La Hạp. Hôm vượt ngầm Tha Mé, xe lên dốc 28 địch đánh vào đội hình xe. Luân một tay ôm chặt túi cứu thương, một tay không dời tay Lợi tin cậy. Đèn dù sáng như ban ngày xe chạy hết ga rồi thoát ra khỏi vùng đánh phá. Luân quen dần với lửa đạn, với khói lửa của chiến tranh. Cũng có thể từ cái gan lỳ bình tĩnh của Lợi bên cạnh truyền sang cô.

 

         Bị kẹt lại ở bắc ngầm Bạc, xe hàng rẽ vào đoạn suối cạn chờ tối công binh khôi phục lại ngầm đi tiếp. Trời sáng chiếc OV10 nghiêng ngó chỉ điểm cho lũ phản lực cắt bom. Hết đánh phá đèo Bản Long, chúng lại cắt bom đánh phá ngầm Bạc. Cả bọn nấp dưới gầm xe hàng theo dõi bọn chúng đánh phá. Chiếc OV10 lượn vòng ra xa, bất ngờ chớp nhằng trên đầu, tiếng rít của bọn F4 bổ nhào xen lẫn với tiếng rào rào bom bi rơi khỏi bom mẹ. Tiếng nổ đanh dài dọc tuyến, lá cành rơi rào rào. Đồng chí lái phụ bị thương, máu loang đỏ cả hai ống quần. Lợi nhanh nhẹn dùng kéo cắt bỏ ống quần đẫm máu bảo Luân băng vết thương cho đồng chí lái phụ. Luân run run xé mãi mới gỡ được cuốn băng, vừa băng nước mắt cô nhòe cả hai mắt, từ đó cả Lợi và Luân trở thành phụ xe…

 

         Chiếc OV10 bắn vài loạt rốc két nữa rồi bay về hướng đông. Lợi đeo gùi ngược nước dò dẫm tìm kiếm. Đi ngược nước nhìn rõ lòng suối với những tảng đá chắn dòng chảy, tạo thành dòng nước khi chảy siết, khi lòng vòng theo những vũng bị xói mòn. Lúc này Lợi mới để ý và nghĩ rằng mình đã xuôi theo dòng nước khá xa. Một chiếc dép cao su không thể bị trôi xa như thế được. Có thể nó bị mắc kẹt phía trên. Nhìn đám nấm rừng chân trắng muốt bên suối, Lợi lại nghĩ đến Luân hôm đi cấp cứu đại đội pháo binh bị ngộ độc nấm. Tổ cấp cứu của viện trong đó có Luân và Lợi xong công việc ở Đại đội pháo đã quá nửa đêm dò dẫm ra về. Khi đi qua khu chôn cất các đồng chí hi sinh, bọn chồn, sóc ăn đêm thấy ánh đèn pin nhảy ào. Bất ngờ hoảng Luân từ phía sau ôm chầm lấy Lợi chạm vào cò AK Lợi khoác trước ngực phát nổ. Đạn sạt mang tai. Y sỹ Đỉnh đi phía trước bấm đèn quay lại hỏi:

 

- Gì thế?

- Em bị ngã súng cướp cò ấy mà. Lợi lấp liếm.

 

         Tiếng động trên cành cây càng làm Luân hoảng thực sự. Luân bấu chặt cánh tay Lợi cố về tới lán …

 

         Đặt gùi xuống tảng đá, Lợi tháo chiếc dép đang đi thả trôi giữa dòng nước chảy siết. Chiếc dép vật vờ nghiêng ngả rồi mắc quai vào hàm đá và bị giữ lại giữa các tảng đá và ít có khả năng trôi xa. Đúng như suy đoán, Lợi tìm thấy chiếc dép của Luân mắc vào búi rễ cây ven suối, một đầu dây dép tụt quai đung đưa theo dòng nước. Gỡ chiếc dép ra, dùng sâu dép sỏ lại quai ngay ngắn bỏ vào gùi, phấn chấn Lợi băng ngược nước về bếp ăn.Còn cách con đường qua suối chỗ Luân trôi mất dép vài chục mét, Lợi thấy Luân và một tốp bệnh nhân trao đổi với nhau gì đó. Tới gần thì ra cậu Lâm bệnh binh chân trần cứ ấn đôi dép cho Luân. Thì ra Lâm bệnh nặng được ra tuyến ngoài chữa trị, muốn tặng dép mình cho chị Luân và Luân nhất quyết không nhận.

 

- Thôi khỏi! Thấy dép rồi – Lợi nói.

Lúc này mọi người mới quay sang, Lợi đang lấy chiếc dép tìm được đưa cho Luân.

- Thế thì tốt rồi! Chúng em đi. Các bạn đi hết chỉ còn lại Lợi và Luân. Khỏi phải nói Luân mừng đến mức nào rồi.

Tối họp chi đoàn, ra khỏi lán họp Luân có ý chờ Lợi:

- Em lại nợ anh chiếc dép rồi. Luân nói khi Lợi vừa tới.

- Nợ thì trả đi.

- Em biết trả gì cho anh bây giờ. Luân thật thà.

         Lợi định nói tiếp thì chính trị viên đi phía sau hắng giọng. Hai đứa im lặng cùng chính trị viên về lán …

*

*  *

         Về già nhất là các CCB đã từng ở Trường Sơn hay nhớ về những ngày đã qua. CCB các đơn vị chiến đấu cơ động nay đây mai đó. Họ ra đi theo các chiến dịch đánh địch giải phóng quê hương, “đâu có giặc là ta cứ đi”. Còn lính Trường Sơn quanh năm suốt tháng bám lấy cung đường, bám trọng điểm khắc phục khó khăn gian khổ, vượt qua hy sinh mất mát bám trụ để hoàn thành nhiệm vụ. Rừng Trường Sơn để lại bao kỷ niệm với những người lính bám trụ. Luân và Lợi còn có nhiều kỷ niệm khó quên ở rừng Trường Sơn. Tưởng chừng họ sẽ gắn kết với nhau thành cặp đôi tri kỷ như những cặp đôi khác. Song thật trớ trêu họ yêu nhau nhưng lại không lấy được nhau.

 

 

 Ảnh có tính chất minh họa

                                                                                                                          

         Mỗi độ xuân về các CCB Trường Sơn lại gặp nhau ở Hà Nội; Để kể cho nhau nghe về truyền thống hào hùng của bộ đội Trường Sơn, giúp đỡ nhau theo các chương trình: “Nghĩa tình đồng đội”. Lợi và Luân lại hát với nhau những làn điệu quan họ cổ. Năm nay họ hát “Con nhện giăng mùng”. Lợi cất tiếng hát: “Con nhện ới ơ … ớ mới giăng  ơ ơ ơ mùng …” Luân nâng Micrô tiếp theo: “Đêm năm canh …” tình tứ ngước nhìn Lợi. Những người ngồi hàng trên cũng thấy rõ đôi mắt mọng nước của cô. Và họ hiểu rằng: “Vẫn còn yêu nhau lắm”.

 

                                                                              Hà Nội, xuân 2016

 

 

tin tức liên quan