TÔI ĐƯỢC TỔNG ĐỘNG VIÊN THÁNG 3/1979
Phạm Thành Long
9 giờ sáng ngày 10/3/1979, Tổng Biên tập Lê Trân, gọi tôi vào phòng riêng của ông.
Ông không ngồi mà đứng lên, tiến ra phía cửa khi tôi đẩy cửa bước vào.
-Mời Thành Long ngồi. Ông bước về phía bàn làm việc rồi cầm lên một tờ giấy nhỏ.
-Vụ Tổ chức cán bộ vừa chuyển cho mình Quyết định Tổng động viên của Thành Long. Rồi ông đưa cho tôi.
Tôi hơn bàng hoàng, rồi cầm đọc rất nhanh tờ Quyết định Tổng động viên sĩ quan Phạm Thành Long do Chủ tịch UBND thành phố Trần Vỹ ký. Quyết định mới ký hôm qua – 9/3/1979. Trước 16 giờ chiều 10/3/1979, ông Phạm Thành Long phải có mặt tại Trường Quân chính Quân khu Thủ đô để nhận nhiệm vụ. Tôi ngẩng lên nói với Tổng Biên tập Lê Trân:
-Như vậy là em có 7 tiếng nữa để lên đường anh ạ.
-Mình muốn biết ý kiến của Thành Long về tờ Quyết định này. Ông hỏi lại tôi.
-Dạ em sẵn sàng lên đường anh ạ. Bộ đội Trường Sơn bọn em quen rồi anh ạ. Đất nước có giặc mà anh. Nghe tôi nói, khuôn mặt Tổng Biên tập như bừng lên. Có lẽ ông sợ tôi từ chối nhận quyết định như cách đây 2 ngày, một phóng viên văn nghệ của báo đã từ chối lệnh điều động tăng cường cán bộ cho ngành văn hóa tỉnh Cao Bằng. Nếu tôi từ chối thì đúng là làm cho lãnh đạo Báo Thiếu Niên tiền Phong thêm bẽ mặt với Ban Bí thư Trung ương Đoàn. Nhưng chuyện ấy đã không diễn ra với tôi. Thú thật, khi mới nghe đến tờ Lệnh Tổng động viên đối với mình vô cùng đột ngột. Tôi chưa chuẩn bị cho lần khoác áo lính lần thứ 2 của mình. Bởi vì, cách đây chưa đầy 2 năm, sáng 30/4/1977, tôi đến Tòa soạn số 5 Hồ Xuân Hương (cùng trụ sở với báo Thiền phong) để nhận công tác theo Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đoàn tiếp nhận tôi về báo làm phóng viên. Nhớ lại hành trình rời khỏi Cục Sản xuất Vật liệu, Tổng Cục Xây dựng kinh tế, Bộ Quốc phòng của tôi khá chật vật. Lần ấy, khi biết báo Thiếu niên Tiền phong cần tuyển phóng viên, tôi đã nộp hồ sơ và các bài viết, kèm theo một loạt ảnh tôi chụp các cháu thiếu nhi. 10 ngày sau, một cán bộ của Vụ Tổ chức cán bộ TƯ. Đoàn vào tận Ba La Bông Đỏ (Cục tôi đóng quân ở đấy) để tìm hiểu về tôi. 7 ngày sau, TƯ. Đoàn gửi Quyết định tiếp nhận tôi về báo TNTP. Đúng lúc Cục trưởng Nguyễn Lạn vừa cùng với Tướng Đồng Sĩ Nguyễn dẫn đầu các tướng lĩnh của Tổng Cục Xây dựng kinh tế thăm mấy nước XHCN Đông Âu tìm hiểu kinh nghiệm quân đội làm kinh tế trở về. Cụ Lạn gọi tôi lên:
-Này, ai cho cậu chuyển ngành hở? Tôi liền thưa:
-Dạ, Cục phó Trần Danh Hòa đã đồng ý xác nhận vào hồ sơ của tôi ạ.
-Này, cậu đang có triển vọng phát triển. Mà Cục cũng đang cần cậu. Không đi đâu hết. Tôi biết vì cụ Nguyễn Lạn rất quý mến tôi, từ ngày tôi phụ trách bản tin của Sư đoàn. Đã rất nhiều lần tôi được tháp tùng Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn trong nhiều chuyến công tác ở Trường Sơn nên cụ rất thích cung cách làm việc và viết lách của tôi. Cụ Lạn khẳng định lại một lần nữa:
-Cậu về suy nghĩ lại đi. Không chuyển ngành đâu đấy!
Trước thái độ cương quyết của tôi và lý do tôi trình bày “Ra ngoài cháu còn được đi nhiều nơi để tìm thuốc chữa bệnh nhiễm độc chú ạ”... Và ông cũng biết tôi là 1 trong 120 thương bệnh binh nặng được chuyển ra Bắc điều trị trên máy bay C130 đầu năm 1976…vì thế mà cụ Nguyễn Lạn đã đổi ý, đồng ý cho tôi chuyển ngành…Phải gần 2 tháng nữa mới tròn 2 năm tôi về báo TNTP nhận cộng tác. Nhanh quá! Không biết bao giờ tôi mới được quay lại cái nghề mà tôi yêu thích từ ngày học phổ thông. Vì thế tôi đã vào học trường Điện ảnh…
Một cuộc họp toàn cơ quan được nhanh chóng triệu tập. Bằng uy tín của mình, Tổng Biên tập Lê Trân đã cho làm thủ tục để Ban Bí thư TƯ. Đoàn cấp cho tôi chiếc Huy chương Vì Thế hệ trẻ. Ngày ấy, theo quy chế, phải công tác ở cơ quan TƯ. Đoàn 12 năm mới được xét. Vì lý lịch của tôi có 6 năm là Phó Bí thư Đoàn trường, Phó Bí thư Đoàn cơ sở, Bí thư Liên chi đoàn nhiều năm trong quân đội nên tôi thuộc diện đặc cách. Tại buổi họp mặt chia tay tôi, đích thân Tổng Biên tập đã gắn chiếc Huy chương Vì Thế hệ trẻ lên ngực áo tôi. Tuy mới về báo, nhưng vốn là một người lính, tôi sẵn sàng xung phong đi chụp ảnh, viết bài những nơi xa và khó khăn, hăng hái trong mọi việc tập thể…Vì, thế ai cũng quý. Tôi được bầu vào BCH Công đoàn của báo chi sau mấy tháng nhận công tác. Cuộc chia tay tôi thật cảm động. Nó khác với lần chi đoàn tiễn tôi lên đường nhập ngũ năm 1970.
Tôi gọi điện cho vợ tôi, lúc ấy công ty làm việc đang ở dưới Đuôi Cá, Thanh Trì. Khi nhận được tin của tôi, vợ tôi tưởng tôi nói đùa. Đến khi tôi phải khẳng định: Các sĩ quan dưới 30 tuổi đều được lệnh Tổng động viên hết. Em xin phép cơ quan về đi. 14 giờ anh phải rời Hà Nội lên Đông Anh tập trung rồi. Lúc ấy, vợ tôi mới tin. Khi tôi tái ngũ, con gái lớn của tôi là Phạm Diệp Anh mới 5 tháng tuổi.
16 giờ, xe ô tô con của cơ quan đưa tôi lên trường Quân chính Quân khu Thủ đô, đóng ở xã Nam Hồng, Đông Anh Hà Nội. Tôi được biết, Quân khu Thủ đô được thành lập. Tướng Đồng Sĩ Nguyên được phân công làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu. Quân khu Thủ đô thiếu cán bộ nghiêm trọng, vì thế những sĩ quan như tôi mới được gọi Tổng động viên...
Tình hình chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra sau 2 tháng, buộc quân đội Trung Quốc phải rút quân về nước. Tình hình đỡ căng hơn.
Thế là tôi gắn bó với xã Nam Hồng đúng 3 tháng dự khóa tập huấn sĩ quan dành cho lớp Tổng động viên. Đại đội 4 sĩ quan chúng tôi có 67 anh em của các đơn vị, cơ quan Hà Nội được lệnh Tổng động viên. Tôi đã hoàn thành xuất sắc khóa học với 3 bài kiểm tra thì 2 đạt điểm 10/10 (làm quyết tâm chiến đấu và kiểm tra kiến thức chính trị). Bài kiểm tra về hậu cầu chỉ đạt điểm 9. Tôi được điều về là trợ lý tuyên huấn Sư đoàn 321, Quân khu Thủ đô chuyên huấn luyện dự bị động viên…
Sau gần 2 năm tái ngũ, đến 1 tháng 8 năm 1980, tôi được điều về làm trợ lý tuyên huấn của Quận đội Đống Đa.
Đến 30/11/1980, do tình hình bệnh tật tái phát, cộng với nhiệm vụ Quốc phòng đã bớt căng thẳng hơn, nên Thủ trưởng Quân khu quyết định cho tôi chuyển ngành lần thứ 2 về lại báo TNTP công tác.
Thế là tôi kết thúc 20 tháng 20 ngày khoác quân phục lần thứ 2.