NGÀY ẤY - KHÔNG THỂ QUÊN

Ngày đăng: 08:24 16/04/2016 Lượt xem: 621

 

NGÀY ẤY - KHÔNG THỂ QUÊN

(Thân tặng các bạn tôi, những đồng đội chung một ngày nhập ngũ)

 

 

                                                                                       Hồi ký của Hồ Thế Thắng

 

 

Phần I: BUỔI BAN ĐẦU

 

          Tôi nhớ như in buổi học hôm đó, đúng vào tiết thứ 3 đang học bài Giao thoa môn Vật lý lớp 9 (tương đương với lớp 11 bây giờ), đang chú ý nghe cô giáo Hạnh Sâm giảng bài thì cô giáo chủ nhiệm Kiều Nga bước vào. Cả lớp ngừng học, nghe cô đọc giấy gọi nhập ngũ, lớp 9E chúng tôi có 2 người là tôi và Nguyễn Khắc Hoà. Thời gian rất gấp cả lớp bàng hoàng không kịp liên hoan chia tay, chúng tôi gấp sách vở, tạm biệt lớp học thân yêu với nụ cười rớm nước mắt. Ra khỏi lớp 2 đứa chúng tôi tần ngần, tôi cố nhìn lại quang cảnh của trường và lớp học của mình.Nói là lớp học thực ra là một cái hầm nổi, xung quang đắp bùn đất dày, trên lợp tranh. Hình ảnh thân thương này theo suốt chúng tôi những năm tháng chiến trường. Đi bộ nhẹ nhàng như vậy đó, bạn tôi Trương Xuân Tân có câu thơ rất hay:

 

“Đi bộ đội nhẹ nhàng như chiếc lá

 Rơi nghiêng nghiêng trong đêm”.

         

          Cùng nhập ngũ một ngày, trường Cấp 3 Nghi Lộc 1 chúng tôi có các bạn sau: Tôi (Hồ Thế Thắng), Nguyễn Khắc Hoà, Võ Mạnh Nga, Trương Xuân Tân, Mai Đại Dũng, Nguyễn Ngọc Hùng, Phạm Đình Minh đều ở Nghi Hải và Nguyễn Bá Nhâm ở Nghi Phong.Hầu hết chúng tôi chưa đủ tuổi, phải khai thêm 1 tuổi.Cùng đợt này ở xã Nghi Hải chúng tôi có thêm Phạm Văn Thúc, Nguyễn Văn Đình, Nguyễn Văn Hoà, Trần Văn Cháu, Ngô Thanh Giáp và Võ Văn Hoà. Riêng làng Phương Thượng quê tôi có đến 8 người là Thắng, Khắc Hoà, Nga, Tân, Thúc, Võ Hoà, Giáp và Đình. Bây giờ các bạn: Nguyễn Khắc Hoà, Trần Văn Cháu, Nguyễn Văn Đình, Võ Văn Hoà đã rời xa trần thế .Cầu chúc linh hồn các bạn được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.

         

             Đúng ngày 13/01/1972 chúng tôi tập trung tại Sân vận động xã Nghi Trung nhận quân trang và hành quân về đơn vị huấn luyện. Lính Nghi Hải chúng tôi tất cả đều được vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 10, Đoàn 22. Chúng tôi đóng quân ở xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn, ven rừng cao su của Nông trường Đông Hiếu.Tuy  đã là lính nhưng thói tinh nghịch của tuổi học trò vẫn luôn đeo bám chúng tôi. Hồi đó bữa ăn của chúng tôi còn thiếu và chưa đủ no, tôi còn nhớ có đêm đến ca gác chúng tôi đi đào trộm sắn của dân nướng ăn, cũng có đêm lấy trộm bánh mỳ của nhà bếp… Huấn luyện gần 2 tháng chúng tôi bắn súng bia 100m, tôi nhớ Nguyễn Ngọc Hùng đạt 29 điểm được gắn hoa trên ngực, còn tôi chỉ được 26 điểm. Sau đó chúng tôi được về nghỉ phép ăn Tết Nhâm Tý (1972). Ngày về phép tôi mượn xe đạp về thăm lại trường nhưng chỉ tần ngần đứng ở xa quan sát vì lúc này đang là giờ học. Ăn Tết xong, ngày mùng 6 (âl) chúng tôi có mặt tại đơn vị để hoàn thành nốt một số khoa mục để vào chiến trường. Lúc này Nguyễn Khắc Hoà được cử đi học lái xe (ở đơn vị Hoà làm liên lạc đại đội). Giữa tháng 3/1972 chúng tôi làm Lễ xuất quân vào chiến trường tại buổi lễ Nguyễn Văn Đình bị cảm và ngất xỉu nên không cùng chúng tôi vào chiến trường đợt này.

         

              Chúng tôi đi bộ từ Nghĩa Thuận xuống Ga Cầu Giát, từ Ga Cầu Giát chúng tôi lên tàu hoả vào Vinh, từ Nghĩa Thuận về Vinh mất 2 ngày.Từ Ga Vinh chúng tôi đi bộ 4km về trạm giao liên Hưng Dũng, hành quân vào Nam tôi được cử làm A trưởng. Nhận nhà để nghỉ xong, chúng tôi tranh thủ chạy bộ về thăm nhà (từ Hưng Dũng về Nghi Hải chỉ 7km), tôi về nhà không gặp được bố tôi vì ông đi biển chưa về, sau đó chúng tôi quay lại đơn vị. Tại Hưng Dũng chúng tôi học cách mắc võng và đào bếp Hoàng Cầm. Hai ngày sau hành quân, từ Hưng Dũng tiểu đoàn chúng tôi đi bộ xuống Hưng Hoà, sát bên còn có 1 tiểu đoàn khác nước mắt chảy ròng: Đó là Tiểu đoàn người nhà tiễn con em vào chiến trường. Từ Hưng Hoà chúng tôi đi ca nô vào xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, ở Xuân Viên 1 ngày, hôm sau xe tải chở vào trạm giao liên ở xã Quảng Liên-Quảng Trạch-Quảng Bình.Ở đây cũng một ngày, hôm sau đi ca nô lên trạm T15 Cự Nẫm-Bố Trạch- Quảng Bình. Tại đây chúng tôi vào chiến trường bằng 2 đợt: Đợt 1 có: Ngọc Hùng, Mạnh Nga, Võ Văn Hoà đều Nghi Hải và Tuệ, Chí, Khương ở Nghi Hoà các bạn đều vào Binh trạm 28 và 42.Lúc chia tay, tôi có viết vào sổ tay của Võ Mạnh Nga 4 câu thơ (bập bẹ tập làm thơ):

 

HOA CHIẾN CÔNG

Đường con đi trải dài theo nỗi nhớ

Nhịp bước quân hành vang  tiếng quân ca

Đường con đi hoa chiến công lấp lánh

Con hái hoa này xin tặng mẹ thân yêu.

 

                  Đợt 2 những người còn lại, tiểu đội tôi có Phạm Văn Thúc, chúng tôi được xe tải chở vào ban đêm nên chúng tôi không quan sát được gì.Đường đầy ổ voi, xóc ghê gớm, chạy suốt 1 đêm và gần 1 ngày chúng tôi dừng chân ở trạm giao liên ở Ngã Ba Dân Chủ (địa danh này tôi thực tế không nhớ rõ nữa). Lần đầu tiên tôi mới biết thế nào là vắt, vì ngủ dậy buổi sáng tôi thấy quần tôi đầy máu và trên chân tôi còn mấy con vắt đen trũi mọng đỏ to gần bằng ngón tay út. Bắt đầu từ đây chúng tôi bước vào chiến trường.

         

           Đúng như câu thơ tâm lý mà truyền đơn rải: “Bốn tháng trời đêm nghỉ ngày đi/ Dày vạt gót áo sờn vai thấm lạnh…”, với 35 kg trên vai, chúng tôi vượt Trường Sơn. Tôi sững sờ khi đặt chân ở đầu nguồn sông Bến Hải, lúc này trong tôi trào dâng cảm xúc về những gì đã được học, về sự chia cắt Bắc – Nam, qua sông đặt chân lên đất Quảng Trị anh hùng, đường giao liên băng qua Đường 9.Chúng tôi leo Trường Sơn, có những đoạn đường mới mở chân người trước đạp đầu người sau, gian khổ lắm.Một số đồng chí không chịu được phải vất lại dọc đường chăn chiên và một số tư trang để nhẹ bớt đôi vai. Tôi nhớ vượt đèo Ngàn Lẻ Một, sáng leo đèo đến 2 giờ chiều mới đến đỉnh đèo.Đứng ở đây có thể nhìn thấy đồng bằng Trị Thiên rộng lớn.Gian khổ vậy nhưng tối đến khi mắc võng bên cạnh nhau lại trò chuyện râm ran, sau này nhớ lại tôi có viết:

 

“Đêm không ngủ lòng man mác nhớ

Kỷ niệm xưa ngày ấy ở chiến trường

Giữa rừng già đỉnh núi mờ sương

Xuyên kẽ lá trăng treo đầu võng

Mấy đứa thì thầm chuyện cô bạn dễ thương

A trưởng bảo thôi đừng lõng nhõng

Tranh thủ ngủ đi mờ sáng lại lên đường”

 

Đúng nửa tháng trời đêm nghỉ, ngày đi, hai ngày cuối chúng tôi phải ăn cháo đói meo. Tôi nhớ đồng chí đến nhận quân tại trạm giao liên giới thiệu tên là Phạm Viết Nguyện Đại đội trưởng. Chúng tôi được xếp lên xe để về đơn vị, xe chuẩn bị chuyển bánh tôi tia thấy có kho quân nhu bên cạnh.Tôi và Huyện người Nghi Thiết nhảy xuống đột nhập vác ngay 2 thùng lương khô 701 vất lên xe (đói quá mà), xe chạy thùng lương khô được khui ra. Tân thò tay vào trước lấy lương khô, rút tay ra bị ngay vết cứa sâu vào tay máu chảy nhiều, bây giờ vẫn còn sẹo.

         

              Từ đây toàn bộ anh em Nghi Hải và Nghi Hoà được biên chế vào Tiểu đoàn 39, Binh trạm 41, đó vào khoảng giữa tháng 4/1972. Tôi, Phạm Đình Minh, Phạm Văn Thúc cùng ở C2 do anh Phạm Viết Nguyện làm C trưởng, anh Vũ Khai làm Chính trị viên (anh Nguyện ở Khánh Sơn-Nam Đàn, anh Khai ở Thanh Lĩnh-Thanh Chương), bây giờ các anh vẫn khoẻ và chúng tôi thỉnh thoảng lại gặp nhau. Trương Xuân Tân về Trung đội 12ly7 của tiểu đoàn, Mai Đại Dũng, Trần Văn Cháu và Nguyễn Văn Hoà về C9. Một chuỗi ngày gian khổ, ác liệt nhưng đầy hào hùng, sống dậy trong lòng chúng tôi lời thơ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.  Một mùa mưa lầy lội, chúng tôi phải ứng cứu đường, chặt gỗ để chống lầy, vận chuyển đá để lát đường…Rồi sốt rét rừng, từng cơn rét run, ngoài nóng trong lạnh, chân tay rã rời, có người sốt rụng sạch cả tóc, uống thuốc ký ninh vàng mà ớn cả người, mỗi lần nhìn thấy thuốc là phát sợ, chưa hết phải tiêm Qui nin ở mông, mấy ngày sau vẫn không tan, đau ê ẩm. Đặc biệt là bệnh chán ăn, chỉ thèm đồ chua, lúc lên cơn mà vớ được mấy quả khế chua thì thật tuyệt vời. Đã là lính Trường Sơn thì sốt rét là cơm bữa, thú thật mới vào chiến trường ở độ tuổi 17 này hơn nữa lại là dân biển tôi thuộc loại khoẻ, sốt 40 độ vẫn ra mặt đường ứng cứu xe.

        

             Ngày 23/5/1972, 2 giờ chiều một chiếc máy trinh sát 2 thân OV10 lượn lờ khu vực A Lưới, bất chợt 1 loạt đạn pháo 37 ly vang lên nhằm vào máy bay nhưng không trúng. 5 phút sau một loạt đạn khói trùm lên khu vực Dốc Con Mèo – A Lưới, sau đó từng tốp máy bay F15, F4 thi nhau thả bom. Cả một cánh rừng già nguyên sinh khói bom mù mịt, cây gãy ngổn ngang. Chưa hết sau trận đánh phá ác liệt này là một đợt mìn vướng được thả xuống bao vây toàn bộ khu vực, lúc này vào khoảng 4giờ30 chiều. Một Đại đội 37ly của Binh trạm 28 và Trung đội 12ly7 của bạn tôi là Trương Xuân Tân và Phan Văn Thuỷ ngập chìm trong khói đạn và thương vong. Thuỷ hy sinh ngay tại chỗ cùng với 5 liệt sỹ khác.Thi hài các anh và các thương binh không đưa ra được vì bị mìn vướng bao vây. 6 liệt sỹ được đặt trên tảng đá lớn giữa dòng suối không tên chảy ngay dưới chân Dốc Con Mèo, trước mặt Địa đạo nơi trung đội của Tân đóng quân.

           

         Trung đội chúng tôi ngay chiều và đêm đó được lệnh phá vây. Do áo giáp và mũ sắt thiếu nên chúng tôi dàn thành 2 hàng.Hàng đầu mặc áo giáp và đội mũ sắt cầm sào ngắn hơn hàng sau không có giáp và mũ, cách phá mìn vướng cũng đơn giản nhưng yêu cầu phải thật cẩn thận và tỷ mẩn, không được bỏ sót bất cứ khoảng cách nào (mìn vướng giống quả bom bi, khi thả xuống nó có 4 sợi dây dù bung ra 4 hướng, chỉ cần chạm vào dây là mìn nổ, phạm vi sát thương khá rộng). Mãi đến gần sáng chúng tôi mới mở thông đường để đưa các thương binh ra ngoài. Năm 2009 về thăm lại chiến trường xưa chúng tôi về lại Địa đạo và đến thắp hương nơi đặt các thi hài liệt sỹ. Năm 2006 tôi cùng vợ và con trai đầu vào thăm nghĩa trang Trường Sơn đã tìm được mộ của Liệt sỹ Phan Văn Thuỷ, tôi đã về thông báo với các bạn và năm 2009 chúng tôi đã thắp hương cho Thuỷ và các liệt sỹ ở Nghĩa trang Trường Sơn.

          Sau trận này, tôi được điều về chốt ở các trọng điểm, các địa danh ở Đông và Tây Trường Sơn hầu hết đều có bàn chân tôi đặt đến, đó là Ngầm Li Tôn, Đèo 40, Bò Lạch, Dốc Thơm, Cha Ky, Bản Đông, Bãi Đá, Mường Noòng. Tôi còn nhớ Phạm Đình Minh bị bỏng thương nặng tại Bò Lạch vào tháng 7/1973, sau đó Minh được chuyển ra Bắc điều trị và chuyển ngành, may mắn sau này tôi và Minh cùng dạy học tại Trường THPT Nghi Lộc 3, hiện Minh đang dạy, cuối năm sau mới nghỉ hưu.Còn tôi do sức khoẻ đã nghỉ hưu năm 2011 theo NĐ 132. Tôi còn nhớ sau trận 23/5 đó tôi viết bài thơ sau:

 

ĐỢI ANH

Khi nào chim én lượn trời xanh

Con bồ câu trắng đến lượn vành

Đất nước thanh bình không bóng giặc

Ngày ấy em ơi hãy đợi anh

 

           Và đây là kỷ niệm không bao giờ quên, vào tháng 9/1972 tại Đèo 40 tôi gặp Nguyễn Khắc Hoà trong đội hình xe của Tiểu đoàn 871Gặp tôi Hoà ôm chầm lấy, hai đứa tôi khóc oà lên, Hoà kể cho tôi nghe về quê hương Nghi Hải thân yêu. Hoà nói quê mình là bãi cát trắng mệnh mông suốt từ Cửa Hội-Cửa Lò, máy bay Mỹ nó tàn phá cả khu rừng phi lao chắn cát biển suốt một dải có chiều dài 5km. Hoà về quê mà không gặp được gia đình (vì gia đình Hoà sơ tán ở xã Cao Sơn, Đô Lương), còn Hoà gặp được bố tôi, Hoà nói ông khoẻ, gia đình tôi sơ tán ở xã Nghi Phong gần cạnh Nghi Hải.Rồi Hoà kể một số chuyện về lớp 9E mà Hoà biết, chỉ có 30 phút thôi mà sao trong tôi dâng lên nỗi nhớ quê da diết. Sau này chúng tôi gặp lại nhau vài ba lần nữa ở các trọng điểm Tây Trường Sơn. Hoà ra quân năm 1978 và bị bệnh mất năm 1982 (đã có vợ và một con, con gái Hoà hiện đã lấy chồng và có hai cháu).

         

            Một kỷ niệm buồn cứ đeo đẳng tôi từ năm 1973 cho đến bây giờ. Hồi đó ở Bò Lạch, giữa trưa trời nắng chang, nghe tiếng nổ bùng, tôi và Phạm Văn Thúc chạy dọc theo bờ suối khoảng 1km thì gặp Trần Văn Cháu đang nằm bên bờ suối, một cánh tay nát nhừ máu chảy đầm đìa.Tôi băng tạm cho Cháu, sau đó tôi và Thúc thay nhau cõng Cháu xuyên rừng khoảng 4 km tìm đội phẫu của tiểu đoàn để cấp cứu, cánh tay của Cháu phải cắt đi.Sau này phục viên về Cháu không được thương binh, chúng tôi rất buồn, vì hồi đó Cháu ở C9 nên chúng tôi không thể bảo vệ quyền lợi cho Cháu được (Cháu bị thương khi dùng mìn ném cá cải thiện đời sống). Về quê do buồn bực nhiều chuyện, chuyện gia đình, chuyện xã hội Cháu đã tự tử, chúng tôi rất buồn, mong sao bạn siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.

 

Phần 2: BÀI CA BINH TRẠM

         

             Đến bây giờ tôi mới hiểu sự tài tình của Quân đội nhân dân Việt Nam khi thành lập các Binh trạm, mà không biết có tài liệu nào đánh giá và tổng kết về các Binh trạm của đường Trường Sơn năm xưa không. Binh trạm chỉ tồn tại đến sau khi ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam (27/01/1973). Có thể nói Binh trạm là Binh chủng hợp thành với quy mô nhỏ, BT có bộ binh, công binh, pháo cao xạ, thông tin, vận tải, giao liên, gùi thồ, Thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến và kho hàng. Hồi chúng tôi vào chiến trường được điều ngay về Binh trạm 41, cái từ Binh trạm xa lạ quá, dần dà tôi mới hiểu. Chúng tôi vào giữa tháng 4, lúc này bắt đầu mùa mưa, lán của trung đội tôi gần một đại đội dân công hoả tuyến, đại đội này toàn người Đô Lương-Nghệ An, có nhiều bác tuổi trên 45, và cũng có nhiều người tuổi 18 đôi mươi, nữ chiếm khoảng gần nửa đại đội. Về mùa mưa khổ lắm, quần áo giặt lâu ngày mới khô, nhất là chị em phụ nữ càng khó khăn và vất vả hơn nhiều. Công việc chủ yếu của dân công là đảm bảo cho một đoạn đường luôn được thông suốt dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Lúc này Mỹ đang tập trung đánh phá Miền Bắc, nên khu vực chúng tôi ít hẳn sự oanh tạc của máy bay, nhưng mưa làm đường lầy lội, trơn dốc, xe đi vào chỉ đi ban đêm lại chở nặng nên khó đi vô cùng, vì vậy mà dân công phải chặt gỗ lát hàng cây số đường để thông xe, gian khổ thế nhưng giọng hò vẫn vang lên, điệu ví dặm và đò đưa của xứ Nghệ lại ngân lên giữa đại ngàn hùng vĩ.

         

              Hồi đó tổ chốt của tôi gồm 3 người: Tôi, anh Nông Đình Tạ đi lính năm 1968 người dân tộc Tày, quê ở Bằng Cốc, Hàm Yên, Tuyên Quang và anh Nguyễn Văn Hiếu A trưởng quê ở Bình Lục, Nam Định. Người dạy tôi kỹ năng sống ở rừng là anh Tạ, anh dạy tôi từ cách đi, cách săn bắn các loại thú và đặc biệt là cách bắt cá ở khe bằng súng AK. Nói là gian khổ thật song về ăn uống thì tổ chốt chúng tôi 3 người nên ăn uống khá sang, lúc nào cũng có thịt hoặc cá và rau thì chúng tôi kiếm đủ loại. Tôi và anh Tạ thay nhau đi săn. Chúng tôi chỉ phải thức suốt đêm để trực và đưa đón các đoàn xe (đường chỉ có một chiều, vì vậy luôn ưu tiên xe vào), và trực canh chừng máy bay AC130, mà lái xe Trường Sơn rất sợ, vì nó hiện đại, phát hiện xe bằng tia hồng ngoại, cảm ứng nhiệt và khi bắn lại bắn bằng tia la de, chỉ một phát đạn đầu là trúng ngay xe.

 

             Ban ngày chúng tôi kiểm tra tuyến đường và báo lên trên nếu phát hiện bom nổ chậm, đoạn đường hư hỏng, thời gian còn lại tôi hay đi săn. Có một hôm tôi đi săn thì lạc vào lán của một đơn vị Hai Giỏi, là đơn vị gồm các chiến sỹ nữ của Quảng Bình, các chị tuổi từ 25 đến 30, vào Binh trạm 41 năm 1965 làm nhiệm vụ gùi thồ, các chị gọi tôi bằng anh, tôi rất ngượng, tôi biết các chị ít gặp các đơn vị bộ đội khác, vì gùi thồ toàn đi đường độc đạo vào xuống sâu tận đồng bằng và hầu hết đi vào đêm. Thực thiếu sót nếu tôi không nhớ lại chuyện là gặp được anh Võ Xuân Yêm lái xe của Binh trạm, anh người Nghi Hoà học trước chúng tôi 2 khoá, đi bộ đội trước chúng tôi 1 năm và là chú của Võ Mạnh Nga, lúc đó anh lái chiếc xe GAT mà chúng tôi thường gọi Con rùa vàng, tôi biết anh, song có lẽ anh không biết tôi (vì Nga hay kể về anh Yêm và đọc thơ tình của anh viết cho tôi nghe), sau này anh Yêm và Trương Xuân Tân đều ở E bộ E542 (E542 được thành lập sau khi giải thế Binh trạm, là trung đoàn công binh mà tiểu đoàn 39 tôi là đơn vị trực thuộc). Hồi đó gặp nhau ở chiến trường là quý lắm, anh em vui mừng kể chuyện cho nhau nghe. Tháng 3/1975 anh Yêm ra Bắc học Trường Sỹ Quan Công Binh, sau ở lại giảng dạy tại trường, hiện anh đã nghỉ hưu ở Bắc Ninh, thỉnh thoảng anh em có gặp nhau.  

         

           Tôi nhắc đến hình ảnh Dân công hoả tuyến và Hai giỏi nhằm để nói thêm về sự đa dạng trong lực lượng của Binh trạm, có lẽ chưa có nước nào tổ chức được quân đội kiểu này trong chiến tranh. Còn chúng tôi những người lính cầm súng thực sự nếu so với các chị Hai giỏi, các em các bác Dân công hoả tuyến thì nỗi chịu đựng gian khổ của các chị các bác còn hơn nhiều.

 

        BINH TRẠM LÀ MỘT DÀN ĐỒNG CA MÀ KHI CA LÊN THÌ KẺ THÙ PHẢI CÚI ĐẦU KHUẤT PHỤC.

 

Phần III: TÂY TRƯỜNG SƠN

 

         

            Bắt đầu bằng nhiệm vụ chốt Ngã tư Mường Noòng – Lào. Ngày 24/12 (âl), đơn vị tổ chức ăn Tết Quý Sửu (1973) cho tôi và anh Tính, anh Tính quê ở Yên Thành  để ngày 26/12 (âl) tôi và anh được lệnh sang Tây Trường Sơn.Cụ thể chốt ở Ngã tư Mường Noòng đây là ngã tư quan trọng nó là đường 22 (thường gọi là đường Coong le).Một hướng đi về BôLôVen, một hướng ra Bản Đông, một hướng đi Tây Nguyên-Việt Nam, một hướng phụ đi về Sông Bạc – Quảng Nam. Hai anh em chúng tôi đi bộ 2 ngày xuyên rừng thì đến nơi vào ngày 28 tết, chúng tôi chốt tại một cánh rừng le (cây le giống cây hóp Việt Nam nhưng đặc ruột và măng le là một món ăn rất ngon mà lính Trường Sơn anh nào cũng thưởng thức).Trời nắng nóng, toàn khu vực chỉ có một hố nước do 3 hố bom thả ngày trước, ăn uống và tắm giặt đều ở lấy nước ở hố bom này. Nhiệm vụ của chúng tôi là chỉ dẫn đường cho các Binh đoàn chủ lực đi sâu vào Tây Nguyên chuẩn bị cho giải phóng Miền Nam, chuẩn bị bãi nghỉ tập kết cho các đơn vị (ở đây chúng ta không có các trạm giao liên như Đông Trường Sơn). Các đơn vị chủ lực của chúng ta tranh thủ ngay sau khi Hiệp định Pari được ký kết là hành quân vào ngay chiến trường, qua tổ chốt của tôi có đủ các binh chủng. Nhìn quân đi mới biết lực lượng của chúng ta hùng hậu biết bao nhiêu, lúc này trong tôi như muốn nhảy theo một đơn vị để đi vào sâu hơn.

         

        Chiều ngày 28 tết tôi bắn được một con hoẵng khoảng 29kg, vừa lúc này có một trung đoàn pháo binh hành quân đến và nghỉ lại Mường Noòng, thịt con hoẵng được ban chỉ huy trung đoàn và 2 anh em chúng tôi làm gọn trong một bữa. Ngày mai trung đoàn hành quân vào Tây Nguyên, anh em để lại cho chúng tôi 2 bao thuốc lá Điện Biên, ngày 30 có tiếp 2 đơn vị đi vào, ngày mồng 1 Tết không có đơn vị nào, chiều mùng 1 Tết anh em tôi ăn cơm với rau tàu bay và muối trắng. Các Đoàn quân đi vào qua chúng tôi chỉ trong 1 tuần, ngày mùng 6/1 (âl), một chiếc xe GAT đến chở anh em tôi quay về đơn vị và lúc này anh em chúng tôi mới có bánh chưng để ăn.

         

         Tháng 4/1973 tôi, anh Hiếu và anh Tạ lại được lệnh chốt ở Ngã ba Bản Đông-Lào. Chốt ở đây lúc này hầu như máy bay Mỹ ít lai vãng, thỉnh thoảng mới có một đơn vị hành quân vào, tôi không nhớ tháng mấy nữa, chỉ biết tổ chốt chúng tôi được lệnh từ tiểu đoàn phải kiểm tra chặt chẽ đoạn đường để đón đoàn khách đặc biệt. Ngày hôm sau mới biết là Đoàn của ông Hoàng Xihanuc, khoảng 8 giờ tối, trăng rất sáng, đoàn xe bọc kín gồm 7 chiếc có 6 chiếc giống hệt nhau, chỉ một chiếc khác kiểu đến ngay hầm chốt của chúng tôi.Tôi mô tả một chút về hầm: Hầm đào rộng sâu hẳn xuống đất khoảng 20m2 kiểu chữ A, gỗ ken dày phía trên, trên cùng lấp đất và lát cỏ bình thường rất khó phát hiện.Hầm có 2 nhánh, một nhánh thoát hậu và một nhánh chính xuống hầm (để đào hầm này 1 tiểu đội làm mất 3 ngày).Trong hầm chúng tôi căng dù pháo sáng, sàn ngủ bằng nứa nhìn cũng sang lắm.

 

          Đoàn xe dừng lại và có 1 tổ 4 đ/c cầm súng chia 4 hướng, trên xe bước xuống một phụ nữ cao do trời trăng hơn nữa người này bước về phía cửa thoát của hầm nên chúng tôi nhìn tương đối rõ đó là đàn bà nước ngoài (hồi đó chưa biết người Âu hay Mỹ thế nào, chỉ biết là nước ngoài thôi).Sau này mới biết là bà hoàng Mô Nic. Một lúc sau đoàn xe chuyển bánh. Tôi cầm điện thoại báo về đơn vị là Đoàn đã đến và tiếp tục đi vào, đồng chí trực hỏi tôi là Đoàn có dừng không và có gặp được đoàn không, tính nghịch nổi lên, tôi trả lời là Đoàn có dừng và tặng cho A trưởng Hiếu một lọ nước hoa. Hôm sau anh Khai Chính trị viên điện cho anh Hiếu nói tặng lọ nước hoa cho mấy đ/c nữ nấu ăn của đại đội. Sau này gặp anh Hiếu ai cũng trêu xin chút nước hoa của Bà Hoàng Mô Nic. Hai tháng ở Bản Đông là 2 tháng nhàn và sướng nhất trong chiến trường, vì không phải lo về máy bay hay đạn pháo, vùng này lại nhiều gà rừng, hầu như ngày nào chúng tôi cũng có thịt gà rừng ăn (với tài thiện xạ của anh Nông Đình Tạ thì bách phát bách trúng), còn tôi cũng tàm tạm. Có những tối anh Hiếu trực còn tôi và anh Tạ đi bắt cá, chúng tôi dùng pin chữ A loại của thông tin to bằng cổ tay lắp bóng đèn đi soi ở suối, khu vực Bản Đông rất nhiều suối và cá cũng rất nhiều, một buổi tối chỉ cần 5 phát đạn là chúng tôi bắt được 5 con cá tràu to rồi. Rau rừng thì ăn rau lạc tiên, tàu bay và một loại lá giống lá bứa nấu canh chua hay mọc ở bờ suối.

 

           Từ Bản Đông đơn vị lại hành quân tiếp vào Bãi Đá (đây là đường tránh Coong Le chúng tôi gọi là đường 29C), đường này nối thẳng vào đường 45 về Dốc Con Mèo – A Lưới. Lúc này bên Đông Trường Sơn là mùa mưa, còn bên này là mùa khô, đường xe chạy bụi mù mịt, nguồn nước khan hiếm, cả chiến trường lúc này là một khoảng lặng chuẩn bị cho một trận bão lớn. Địa điểm đóng quân của đơn vị là căn cứ cũ, chỉ cần sửa sang chút ít là có nơi trú quân tuyệt vời, hơn nữa ở rừng nên vật liệu làm lán trại rất sẵn.   

 

          Ở đây chúng tôi nhận nhiệm vụ đặc biệt, cả tiểu đoàn phải vận chuyển xăng bằng gùi thồ. Đã một lần gùi xăng thì nhớ mãi, xăng được cho vào túi ni lông, mỗi túi chỉ 25kg, đặt lên lưng ấm mềm thấy dễ chịu, đường gùi cả đi về mất trọn một ngày đường rừng, ngày đầu tiên chỉ thấy mệt, ngày hôm sau phát hoảng vì thấy lưng của hầu hết anh em đều đỏ ửng, mặc áo bắt đầu thấy rát. Vậy hôm sau dù trời nắng đi gùi phải mặc thêm áo, gùi 3 ngày lại nghỉ một ngày. Đường gùi qua nơi đóng quân của tiểu đoàn bộ (tiểu đoàn bộ đóng quân ở đường tránh Bản Phường – Lào, cách Lao Bảo khoảng 25km đường rừng), trong đợt gùi này tình cờ tôi gặp anh Tùng tiểu đoàn phó người Nghi Hưng-Nghi Lộc, anh cho tôi 1 gói thuốc lá Trường Sơn và nửa gói thuốc lào Độc lập, nói thật đây là món quý nhất của chúng tôi trong chiến trường.

        

         Cái món thuốc lào này sáng dậy chưa đánh răng rửa mặt mà rít một hơi thì chao ôi thấy cả trời đất quay cuồng. Đường gùi xăng qua một số rẫy của đồng bào dân tộc Lào, họ trồng dưa giống dưa chuột nhưng quả to hơn, rất thèm nhưng không một đồng chí nào dám hái trộm. Đây là kỷ luật nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật xứng đáng. Thời gian gùi xăng khoảng hơn chục ngày, chiến dịch kết thúc. Toàn đơn vị chuẩn bị quay về Đông Trường Sơn phục vụ cho mùa khô 73-74.  

 

         Ngày trở lại Đông Trường Sơn cũng có kỷ niệm không bao giờ quên, đại đội 2 tôi xuất phát từ Bãi Đá – Lào, hành quân để về A Lưới theo đường 29C và đường 45. Ngày đầu hành quân, sau khi nghỉ ăn trưa, tiếp tục hành quân đến một quãng rừng toàn lau lách, nghe tiếng sột soạt cỏ tranh động mạnh, tiểu đội tôi đi đầu lập tức dàn quân, súng lên đạn sẵn sàng, khoảng trống hiện ra, một con bò rừng lông xám xuất hiện, thế là tôi và anh Tạ đồng loạt nổ 2 loạt đạn con bò bị trúng đạn vùng quay đầu chạy thục mạng, máu chảy thành vệt, chúng tôi đuổi theo, hơn 100m vượt qua một quả đồi nhỏ, anh Hiếu đi đầu lao lên trước, bất ngờ con bò tuy bị thương rất nặng vùng dậy lao thẳng vào anh, thế là cả người lẫn súng anh lăn tròn xuống dốc, anh Tạ nổ loạt đạn tiếp theo kết liễu nó. Con bò khoảng 2 tạ, đại đội phải dừng chân khoảng 2 tiếng để mổ thịt và mỗi người chúng tôi trên ba lô sau lưng phơi khoảng 2kg thịt bò để nhờ nắng sấy khô đưa về Đông Trường Sơn.

 

Phần IV: ĐÔNG TRƯỜNG SƠN  

         

        Sau 3 ngày hành quân từ Bãi Đá chúng tôi về A Lưới, cả một vùng rừng mênh mông bị chất độc hoá học làm trụi lá. A Lưới quê hương của A Vai và anh hùng Kan Lịch, đại đội tôi đóng quân ở Bò Lạch. Đây là ngã ba, một hướng đi về Huế (đường 71), một hướng đi Quảng Nam và ngược Quảng Nam là Khe Sanh (đường 14). Hơn bao giờ hết, tiếng súng cứ vọng về, một số cứ điểm của địch ở phía Tây Quảng Nam ta đã đánh và chiếm giữ. Nhiệm vụ mới cho đơn vị: Mở đường K (đường kín, đường này song song với đường 14). Yêu cầu mở đường lần này là làm sao xe chạy ban ngày mà máy bay địch không phát hiện được.

         

        Tuyến đường đã khảo sát và lộ trình của nó xuyên các dãy rừng rậm, chúng tôi mở đường rộng 3m, không dùng thuốc nổ để phá đá hoặc phá cây to, phía trên phải đan các cây lại với nhau để che kín đường ở dưới. Việc mở đường vô cùng khó khăn, vừa vất vả lại phải lo tránh các loại máy bay phát hiện. Bầu trời lúc nào cũng nghe tiếng rền rĩ của tiếng may bay trinh sát OV10 (loại 2 thân). Lúc này chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Miền Bắc đã kết thúc, nên địch tập trung không lực đánh phá dữ dội đường Trường Sơn, có những ngày chúng dùng B52 để rải thảm, khói mù mịt, cây gãy ngổn ngang, song không hề trúng vào nơi trú quân. Phải nói kỹ thuật hiện đại của Mỹ lại là điểm lợi dụng của bộ đội Trường Sơn, máy bay Mỹ thả phương tiện dò tìm mà chúng tôi gọi Cây Nhiệt Đới, cây này có màu xanh lá cây, một ăng ten, khi máy bay thả nó cắm sâu vào đất chỉ nhô cần ăng ten lên. Bộ đội mình nhặt nó và tập trung vào nơi mà chúng không ngờ là gậy ông đập lưng ông, đó là những đoạn đường mà việc mở đường gặp muôn vàn khó khăn, phải tiêu tốn nhiều nhân lực và thuốc nổ. Ta dùng máy nổ giống tiếng xe, rú ga…trung tâm phân tích thông tin của địch sau khi xác định toạ độ từ cây nhiệt đới bảo về, lập tức chúng có kế hoạch oanh tạc để chặn việc chi viện của ta vào chiến trường.

         

      Mở đường chúng tôi không ngại bom nổ chậm, vì bom dễ phát hiện, mà ngại nhất là mìn vướng và mìn lá, loại này giống cuộn băng cá nhân, dẹt mà xanh dễ lẫn với lá, nếu dẫm phải thì mất hẳn bàn chân. Chúng tôi phải tập trung thu nhặt đào một cái hố thả vào và đốt.

         

       Trong đợt mở đường này, tôi và Thúc gặp được mấy em đồng hương người Nghi Hải đó là em Thương, Chắt, Hằng, Thu các em ở E217 cũng tham gia mở đường lần này, gặp nhau vào tháng 8/1973, các em vui lắm, kể cho chúng tôi bao nhiêu chuyện về quê hương, trong đó chuyện Trung đội 12ly7 của các o dân quân bắn rơi máy bay Mỹ năm 1972…được gặp nhau trong chiến trường là vui lắm rồi, các em nhập ngũ tháng 5/1973. Bọn tôi rất thương các em, đối với bộ đội nữ ở chiến trường thì gặp muôn vàn khó khăn, nhất là về tình cảm, không hiểu các em có vượt qua nổi không? Đơn vị tôi có một đại đội TNXP, các chị ấy vào chiến trường trước chúng tôi, cả đại đội bị bệnh Ích tơ ri đến 70% (bệnh này khi lên cơn là xé tan quần áo, chỉ cần gặp một nam giới là ôm chầm lấy ngay…). Kỷ luật chiến trường hết sức khắc nghiệt, cẩm tuyệt đối chuyện quan hệ nam nữ. Ở E bộ trung đội thông tin cũng có vài cô bị bệnh này. Hồi đó nếu bọn tôi được nghỉ đi thăm các cô ở đơn vị TNXP, các cô mời bằng được ngồi cùng võng để trò chuyện, dù là nam nữ nhưng quan hệ hết sức trong sáng. Bây giờ các em ở Nghi Hải đã thành bà cả rồi, chúng tôi thường gặp nhau trong Hội Lính Trường Sơn.

         

       Do thiếu dụng cụ như dao, búa, rìu, tiểu đoàn thành lập tổ rèn gồm 2 người: Bác Phán người Nam Định (gọi bác vì đã 48 tuổi) và tôi, bác Phán có tay nghề về rèn, còn tôi có sức khoẻ, hơn nữa chỗ xe bị máy bay bắn cháy ở các trọng điểm tôi đều nhớ. Chúng tôi đến xe đổ tháo lấy các nhíp xe để về rèn dụng cụ. Công việc vất vả, nhàm chán: Đốt than, tìm nhíp, rèn. Tổ rèn ở ngay tiểu đoàn bộ, ở đây tôi gặp lại Mai Đại Dũng, Dũng điều về liên lạc tiểu đoàn, thay cho Tân đã về E bộ. Do kỷ luật chiến trường nên “Thương anh đó mà giả đò ngó lơ”, Dũng lại khác. Dũng rất thân với cô Lâm, y tá người Hải Dương, có một hôm anh Vĩnh người Khánh Sơn-Nam Đàn, Trợ lý chính trị tiểu đoàn sai Dũng xuống đun nước sôi cho thủ trưởng tiểu đoàn, buổi tối mà sau 2 tiếng Dũng vẫn chưa đưa nước sôi lên, anh Vĩnh xuống bếp kiểm tra thì thấy nồi quân dụng đã cháy, còn Dũng và Lâm đang ngồi tâm sự. Anh Vĩnh rất tế nhị, anh lại gần 2 đứa và nói: Này chúng mày làm cháy nồi quân dụng rồi, liệu tìm nồi khác mà đun ngay nước sôi cho thủ trưởng. Sau đó anh gặp riêng Dũng là đồng hương và khuyên không nên như thế nữa. Tôi biết chuyên này và trêu Dũng, Dũng chỉ cười và nói là quan hệ trong sáng.

         

      Hết đợt rèn, tôi về đơn vị làm nhiệm vụ bắc cầu, gần 2 tháng trời ngâm nước, chân chúng tôi bị dợt hết và móng chân bong cả. Việc bắc cầu tuy vất vả nhưng thật vui, tôi nhớ chúng tôi gặp một đoàn các cô của Khu uỷ Trị Thiên đi về căn cứ, lội suối qua chúng tôi, các cô mặc quàn áo bà ba, một số cô thì xắn cao quần để lội, một số thì để nguyên tay túm ở giữa quần kéo lên một chút, tôi buồn cười và cất tiếng trêu chọc: Này em ơi thả nó ra cho nó uống nước với, túm chặt nó ngạt thở đấy, có cô cũng không vừa, cô ấy đáp lại: Em định thả rồi nhưng gặp các anh nên phải giữ vì sợ thả ra nó cắn các anh.Cậu Uy người Hải Phòng đột nhiên nói: Đừng lo anh cho nó quả chuối ăn là nó thôi ngay mà, thế là cả hai bên cười oà. 

         

      Gần hết đợt làm cầu tôi bị sốt rét cao, sốt đến 41độ, gần 1 tuần không giảm, không ăn được, phải về trạm xá của trung đoàn điều trị. Thời gian điều trị ở trạm xá, tôi có vài lần sang E bộ thăm Tân và anh Yêm, ở E bộ có bàn bóng bàn, lúc này tôi đâu có biết chơi, thấy anh Yêm chơi bóng bàn rất khá. Gần chục ngày điều trị, tôi ra viện và trở về đơn vị. Thế là mùa khô 73-74 kết thúc với chiến dịch mở đường K thành công, lúc này xe có thể chạy cả ngày lẫn đêm, mùa mưa vẫn có thể chạy xe được. Mùa mưa này chúng tôi không phải chuyển sang Tây Trường Sơn, chiến dịch giải phóng Miền Nam sắp sửa mở màn, mọi vấn đề đề về binh lực, hậu cần ta đã chuẩn bị tương đối đầy đủ, chỉ chờ thời cơ mà thôi.

         

      Một mùa mưa nữa lại đến, mưa xối xả cả ngày đêm, rừng núi mịt mờ, lúc này chúng tôi không phải ở hầm nữa mà làm lán, trên lợp tăng, lán bằng nứa tre, sạp ngủ của chúng tôi bằng nứa. Việc vận chuyển lương thực hậu cần tương đối khó khăn, ở đây chúng tôi được bà con Pa cô đổi cho rau để ăn, rau cải đắng, ăn một lần thì nhớ mãi. Rau được trồng trên nương cọng nhỏ như chiếc đũa, lá nhỏ thon, ăn có vị hơi đăng đắng, ngòn ngọt, dòn và thơm (Năm 2009, vào thăm lại chiến trường xưa chúng tôi đã được ăn lại rau này).

         

      Mùa mưa này, đơn vị tôi chủ yếu bảo vệ và sửa chữa đường cho xe vận chuyển, có những đợt xe sa lầy, chúng tôi thật vất vả mới đưa xe vào được. Mùa mưa này tôi và anh Tạ ít đi săn hơn. Tôi nhớ lần cuối cùng đi săn là săn vượn, sau đợt này tôi không bao giờ dám ăn thịt khỉ hay vượn nữa. Sáng hôm đó trời nắng trong, tôi và anh Tạ đi sâu vào đại ngàn, đến khu rừng nguyên sinh, nghe tiếng vượn hót réo rắt vui tai, ngược chiều gió chúng tôi tiến lại gần cây cổ thụ.Nấp sau tảng đá, tôi thấy 2 con vượn lông hơi vàng xám, có đốm trắng trước ngực và trán, con vượn chồng đu ở cành cao.Vượn vợ ở cành thấp, trên tay chúng bế đứa con nhỏ.Vượn đực hú lên một tiếng rồi tung con cho vượn cái, hai chân sau quặp ở cành, hai tay trước vươn ra để bế con, cứ như thế trông vui mắt.Anh Tạ nhắm vào con vượn đực khi con vượn đực giang hai tay bế con chuẩn bị quăng cho vượn cái, anh Tạ nổ súng, viên đạn xé tan ngực, con vượn đực hú lên một tiếng não nùng lấy tàn hơi quăng con cho vượn cái.Vượn cái đón được con cũng hú lên não ruột, nước mắt chảy ra nhìn chồng lần cuối rồi tung mình bế con chạy mất. Tôi ôm súng về luôn không hề nhìn lại, một lúc sau anh Tạ đuổi kịp tôi và nói: Mình chôn con vượn rồi, cả hai chúng tôi lầm lũi quay về đơn vị.Chuyện này đến bây giờ tôi mới kể, nếu là thời đại ngày nay chắc là đi tù, nhưng hồi đó săn bắn trong chiến trường là chuyện bình thường.

 

 

PHẦN KẾT: Đồng đội và các bạn thân mến!

         

     Hồi ký của tôi chỉ là một góc rất nhỏ của chiến trường ngày ấy, có những kỷ niệm mà không thể kể ra cùng các bạn, đó là những sự hy sinh không đáng có ở chiến trường mà nhớ lại càng đau lòng. Hẹn đồng đội và các bạn tôi sẽ viết tiếp về chiến dich Hồ Chí Minh và những ngày sau giải phóng Miền Nam. Đại đội tôi vẫn còn một số đồng chí hy sinh và bị thương khi Tổ quốc đã hoàn toàn thống nhất.

        

      Hiện tại các bạn tôi trừ những đồng đội đã hy sinh, còn lại đã nghỉ hưu: Đại tá Trương Xuân Tân lữ trưởng Đoàn Công binh Hải Vân, Đại tá Võ Mạnh Nga giám đốc một công ty xây dựng của Binh đoàn 11, Đại uý Nguyễn Ngoc Hùng chuyển ngành năm 1994 làm Phó Ban A thành phố Vinh, Đại uý Võ Xuân Yêm do sức khoẻ nghỉ hưu năm 1994, Thượng uý Mai Đại Dũng, Trung uý Phạm Văn Thúc, Trung uý Ngô Thanh Giáp, Trung uý Trương Xuân Chí, Trung uý Nguyễn Đình Tuệ đã nghỉ hưu và chế độ bệnh binh. Tôi chuyển ngành năm 1987 với  quân hàm Trung uý về dạy học với hạ sỹ Phạm Đình Minh.  

tin tức liên quan