Ngày 20/7/2016, Sư đoàn 472 sẽ kỷ niệm 45 năm thành lập. Hồi ức về một thời hào hùng để nhớ, để tiếp tục phát huy truyền thống của Sư đoàn Trường Sơn năm nào...
NHỚ MỘT THỜI HÀO HÙNG
(Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Sư đoàn 472)
Nguyễn Văn Vỵ
Nguyên cán bộ Tuyên huấn Sư đoàn 472
Tháng bảy này miền Trung nắng nóng. Gió Lào thổi vù vù. Ông mặt trời không biết thừa năng lượng hay sao mà trời không một gợn mây, "chang chang cồn cát" từ 5 giờ sáng đến tận 7 giờ tối. Nhiệt độ ngoài trời đều đều 38-39 độ C.
Đi trong cái nắng miền Trung, tôi lại nhớ đến cách đây 45 năm, cũng trong cái nắng chói chang tại khu rừng Lệ Ninh tỉnh Quảng Bình ngày 20/7/1971, Sư đoàn 472 của chúng tôi ra đời.
Xa lắm rồi những nhớ thương, kỷ niệm nhưng sao vẫn như ngày hôm qua đây. Lẫn trong đại ngàn Trường Sơn là những chàng thanh niên áo vải băng rừng vượt suốt, phá núi mở đường. Từ những đoàn quân gùi thồ tiến lên thành binh đoàn, thành một mặt trận chi viện cho chiến trường miền Nam, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đến hôm nay mỗi người một phương trời, bao đồng đội hòa trong đất mẹ, người còn tuổi đã cao ít khi được gặp nhau. Qua thông tin từ đồng đội, sách vở tôi ghi lại vài dòng về Sư đoàn 472 Bộ đội Trường Sơn - một thời đạn bom, một thời khói lửa chiến tranh để nhớ.
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 15 (Khóa II, đầu tháng 1 năm 1959) mở rộng tại Hà Nội do Bác Hồ chủ trì, ngày 19/5/1959, Thường Trực tổng Quân ủy Trung ương chính thức giai nhiệm vụ cho "Đoàn công tác quân sự đặc biêt" mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ 500 cán bộ chiến sĩ, lấy phiên hiệu là Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng; Ngày 19/5/1959 trở thành Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày thành lập Bộ đội Trường Sơn".
Với các tên: Đoàn 559 (5/1959); Bộ Tư lệnh 559 (3/4/1965); Đoàn vận tải Quang Trung (Tháng 7 năm 1967, Bộ Tư lệnh 559 tổ chức Mừng công lần thứ 3, đón nhận Huân chương Quân công Hạng Nhất. Đến thời điểm này các phương tiện thông tin đại chúng lần đầu tiên được phép tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của Đoàn 559 với tên gọi: "Đoàn vận tải quân sự Quang Trung"); Bộ Tư lênh Trường Sơn (tháng 10/1970, Quân ủy Trung ương quyết định đổi tên Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn, quy mô cấp Quân khu). Lúc này Bộ Tư lênh Trường Sơn có 25 Binh trạm (Binh trạm tương đương cấp Trung đoàn, bao gồm: 20 tiểu đoàn ô tô, 28 tiểu đoàn cao xạ, 38 tiểu đoàn công binh, 4 tiểu đoàn thuyền máy, 8 tiểu đoàn bộ binh, 11 tiểu đoàn giao liên, 1 tiểu đoàn sản xuất, 19 đôi điều trị, 1 xưởng đại tu ô tô, 5 xưởng trung tu ô tô, 68 đại đội độc lập, 1 trường đào tạo quân y) và 23 Trung đoàn trực thuộc, 3 xưởng đại tu ô tô và 4 viện quân y. Quân số khoảng 8 vạn cán bộ chiến sĩ và 7.000 thanh niên xung phong.
Bước vào mùa khô năm 1970-1971, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được Bộ Tổng Tham mưu, các Tổng Cục quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ. Về quân số, Bộ đã bổ sung 24.114 người, trong đó có nhiều lái xe, thợ kỹ thuật sửa chữa, thợ kỹ thuật đường ống; Bổ sung thêm 3.657 ô tô, 96 máy húc, 64 xe phóng từ, 188 xe ben. Về lực lượng làm đường cũng được tăng cường thêm 3 Trung đoàn; Lực lượng tác chiến được phối thuộc thêm 6 Trung đoàn phòng không...
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương phát triển thế tiến công của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, đầu năm 1971 Quân ủy Trung ương đã thông qua kế hoạch tác chiến năm 1972. Trên cơ sở đó, Quân ủy đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lênh Trường Sơn vừa bảo đảm nhu cầu chiến đấu trước mắt vừa phải lập chân hàng phục vụ lực lượng cơ động, phục vụ các chiến dịch; Cho phép Bộ đội Trường Sơn chấn chỉnh tổ chức để có thể phát huy sức mạnh của các binh chủng hợp thành trên toàn tuyến chi viện chiến lược.
Theo đề nghị cuả Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Ngày 20/7/1971, Bộ Quốc Phòng đã ra Quyết định số 110/QĐ-QP thành lập thêm 3 Bộ Tư lênh khu vực: 471, 472, 473 (Trước đó cuối năm 1970 đã thành lập BTL 470 và vào đầu năm 1971 thành lập BTL Hậu cứ 571), phân chia lại khu vực hoạt động của từng Bộ Tư lệnh và bổ nhiệm cán bộ phụ trách.
Theo Quyết đinh thành lập, Bộ Tư lệnh 472 (tương đương cấp sư đoàn), Bộ Tư lệnh được thành lập tại rừng cao xu Lệ Ninh tỉnh Quảng Bình gồm các binh trạm 30, 34, 45, 32 và một số đơn vị trực thuộc; Nhiệm vụ đặt ra lúc này của đơn vị là vận chuyển chi viện cho Quân khu Nam Lào, bảo đảm hành quân trên tuyến cho Quân khu 5, mặt trận Tây Nguyên, Nam Bộ. Phạm vi chiến trường mà Khu vực 472 phụ trách từ Đường số 9 tới Ngầm Bạc với chiều dài hơn 200km. Để đối phó với không quân địch, Sư đoàn đã triển khai đội hình xây dựng đường kín. Chỉ trong thời gian ngắn, đến cuối tháng 2-1972, hệ thống đường đã được xây dựng và cải tạo tương đối hoàn chỉnh. Các bến vượt sông Sê La Nông, Sê Băng Hiêng, Thác Hài… đã sẵn sàng. Các đơn vị xe từ chạy đêm nay đã chuyển sang chạy ngày là chủ yếu. Toàn tuyến bảo đảm đủ khối lượng hàng cho các hướng, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Bình Giã.
Phát huy chiến công của “trận mở màn”, Sư đoàn bước vào chiến dịch vận chuyển mùa khô 1971-1972 với nội dung chỉ đạo tổng công kích toàn diện, toàn tuyến. Để tăng thêm hiệu quả chiều sâu của tuyến chiến lược, Sư đoàn đã chủ trương tổ chức vận chuyển theo đội hình lớn, tập trung xe chạy ban ngày, vượt cung là chính, khi có điều kiện thì chạy thẳng, kết hợp linh hoạt đi thẳng với vận chuyển theo cung. Để giữ vững đường “kín”, ngầm “kín” chạy ngày, Sư đoàn đã tổ chức một số xe vận chuyển đêm để đánh lạc hướng mục tiêu của địch. Cùng với đó, lực lượng pháo cao xạ và tên lửa được bố trí ở các điểm vượt tập trung hạ máy bay địch. Lần đầu tiên Đại đội 14, Trung đoàn 591 đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay AC130 là đối thủ nguy hiểm nhất của tuyến chi viện chiến lược. Chỉ trong 2 ngày, Tiểu đoàn 26 bắn rơi 7 máy bay làm cho máy bay AC130 phải ngừng hoạt động trong nửa tháng, tạo điều kiện cho ta vận chuyển cả ngày lẫn đêm. Tổn thất xe giảm từ 20% xuống còn 1,2%, hiệu suất vận chuyển tăng gấp 3-4 lần so với trước.
Kết thúc mùa khô 1971-1972, tổng khối lượng hàng vận chuyển qua Khu vực 472 đạt hơn 3,6 vạn tấn, tạo chân hàng cho năm sau 8.000 tấn. Tiếp sau đó, đơn vị bước vào mùa vận chuyển 1972-1973 với khí thế mới. Năng suất vận chuyển tăng mỗi xe từ 15.500T/km lên 20.000T/km, khối lượng vận chuyển qua tuyến chi viện Tây Trường Sơn cho các chiến trường đạt hơn 5 vạn tấn, vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng kết chiến dịch vận chuyển trong 2 mùa khô này, Sư đoàn 472 được Bộ Tư lệnh chiến dịch tặng danh hiệu “Sư đoàn vận chuyển mùa khô vạn tấn” và một tiểu đoàn của Trung đoàn 102 đạt danh hiệu “Tuấn mã Trường Sơn”, 64 cán bộ, chiến sĩ được tặng danh hiệu Dũng sĩ.
Cũng trong mùa khô 1973-1974, Sư đoàn 472 còn vinh dự được giao nhiệm vụ khai thác gỗ quý để xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhớ lại kỷ niệm này, Thiếu tướng Võ Sở, lúc ấy là Chính ủy Sư đoàn 472 trong cuốn hồi ký “Đường về đất mẹ” có viết: “…Trường Sơn đại ngàn, gỗ đâu thiếu! Nhưng cái khó là phải tìm được gỗ tốt nhất. Sau hơn một tháng, chúng tôi cũng chọn được một xe gỗ quý, đưa ngay ra Hà Nội giao cho Ban Quản lý xây dựng Lăng. Chỉ là một chút công việc nho nhỏ, lặng thầm, song với cương vị là những người lính đang sống, chiến đấu trên tuyến đường mang tên Bác, chúng tôi cũng không giấu nổi niềm vui, đã góp phần vào sự nghiệp: “Để Bác Hồ sống mãi với no sông, đất nước, với nhân dân”.
Sau hiệp định Pa-ri năm 1973, đáp ứng tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới Sư đoàn chuyển từ Tây Trường Sơn sang Đông Trường Sơn vào cuối năm 1973 đầu năm 1974. (Từ Mừng Phìn, Mường Ta Ôi thuộc tỉnh Sa-van-na-khẹt nước bạn Lào về Cầu Xơi thuộc Quảng Nam); Gồm các Trung đoàn 10, 30, 35, 529, 99.
Trong chiến dịch Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các đơn vị thuộc Sư đoàn đã tham gia chiến dịch, Trung đoàn 99 (nay là Lữ đoàn 99) được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (10/1976).
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn 472, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được biết đến với các danh hiệu “Sư đoàn vận chuyển mùa khô vạn tấn”, “Tuấn mã Trường Sơn”.
Sau ngày đất nước thống nhất, Sư đoàn tiếp tục ở lại xây dựng đường Trường Sơn trên đoạn đường dài gần 200 km từ sông Bung đến Đắc Tô. Cuối năm 1982 đầu năm 1983, Sư đoàn chuyển quân ra Bắc.
Là đơn vị Công binh chiến lược cầu đường, có truyền thống đoàn kết quyết tâm cao, chủ động sáng tạo, phát huy sức mạnh tập thể, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được Bộ Tư lệnh chiến dịch phong tặng danh hiệu “Sư đoàn vận chuyển mùa khô vạn tấn”. 64 cán bộ, chiến sĩ được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 15 tập thể và 8 cá nhân của Sư đoàn được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 198 tập thể và 334 cá nhân được tặng thưởng Huân chương các loại. Tết Tân Dậu năm 1981, Sư đoàn đã được Đại tướng Văn Tiến Dũng – Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam ghi trong sổ vàng truyền thống Sư đoàn: “Tên tuổi Sư đoàn 472 đã gắn liền với tên tuổi của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử - Có thể tự hào rằng, Sư đoàn 472 xứng đáng là viên gạch hồng dựng nên tượng đài lịch sử Đường Hồ Chí Minh”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Sư đoàn 472 chuyển sang làm nhiệm vụ kinh tế, tiếp tục xây dựng cơ bản đường Đông Trường Sơn và thi công nhiều công trình quan trọng khác. Năm 1987, Sư đoàn 472 được điều chỉnh tổ chức thành Lữ đoàn 472, thuộc Binh đoàn 12. Tháng 4-1989, Lữ đoàn 472 có tên doanh nghiệp là Công ty xây dựng 472. Từ một đơn vị chiến đấu chuyển sang làm nhiệm vụ kinh tế, nhất là khi thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, tự hạch toán kinh doanh, khẳng định thương hiệu “472” trong cơ chế thị trường là một hành trình đầy gian nan, thử thách. Là đơn vị kế tục truyền thống Sư đoàn, để duy trì sự ổn định và phát triển, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn đã đề ra chủ trương đổi mới toàn diện, sắp xếp lại tổ chức, bảo đảm gọn, phù hợp với mô hình đơn vị làm kinh tế và lập được nhiều chiến công xuất sắc.
Tôi là một người lính của Sư đoàn 472, Bộ đội Trường Sơn, một trong điệp trùng trùng đồng đội thân yêu có những năm gắn bó với Trường Sơn. Hôm nay trên đất nước hình chữ S thân yêu, đồng đội tôi không biết ai còn ai mất. Các anh nằm lại Trường Sơn trong lòng đất mẹ (trong đó có cả người thân của tôi đến hôm nay vẫn chưa tìm được hài cốt). Nhân ngày thành lập Sư đoàn, đôi dòng viết lại cũng là nén hương tưởng nhớ, tri ân; Mong các anh phù hộ cho anh chị em đồng đội mình sức khỏe; Phù hộ cho đất nước mình thanh bình - khang thái - ấm no. Cho phép tôi chia buồn cùng gia đình các Thủ trưởng, đồng đội đã "về già"; Cũng là thăm hỏi chúc sức khỏe đến các vị Thủ trưởng, đồng đội hôm nay trên mọi miền đất nước.
Mình là lính một ngày, một đời được kêu là lính
Lính cụ Hồ, lính của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên
Trường Sơn xưa thăm thẳm đại ngàn
Nay xanh ngắt một màu thương nhớ.
Nhớ về ngày thành lập Sư đoàn 472 - Bộ đội Trường Sơn cũng là nhớ về một thời trai trẻ, gian khổ, giận hờn, đau thương nhưng thật hào hùng. Một thời đáng sống.
Đã sắp đến ngày 20/7 rồi đồng đội ơi. Ngày thành lập Sư đoàn 472 - Bộ đội Trường Sơn.
N.V.V
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ SƯ ĐOÀN 472
Tháng 1/1981 Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Văn Tiến Dũng vào thăm và làm việc với Sư đoàn 472. Trong ảnh (1) Đại tá Nguyễn Nhâm – Sư đoàn trưởng báo cáo với Đại tướng – Bộ trưởng tình hình mở đường Trường Sơn.
Đại tướng Văn Tiến Dũng – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trồng cây lưu niệm tại nơi đóng quân Sư đoàn 472 (Ngầm Xơi).
Lao dầm bắc cầu Thác nước trên Trường Sơn – tháng 5/1979.
Thạnh Mỹ - Một điểm di tích lịch sử Quốc gia – Trường Sơn ngày nay. Nơi đây từ năm 1974-1982 Trung đoàn 30, Trung đoàn 99 thuộc Sư đoàn 472 đóng quân mở đường Trường Sơn.
Một đoạn đường Trường Sơn đi qua nơi đóng quân của Sư đoàn 472 (1974-1983): Bản Ngói – Cầu Xơi.
Dấu tích nơi đóng quân của Sư đoàn bộ năm xưa…
Cầu Xơi nay trở thành dấu ấn lịch sử một thời hào hùng.
Đoàn CCB Sư đoàn 472 thăm và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Thạnh Mỹ, Khâm Đức nơi có đồng đội thuộc Sư đoàn 472 yên nghỉ. (Các liệt sỹ hy sinh khi mở đường Trường Sơn được quy tụ về đây).
Đoàn CCB Sư đoàn chụp ảnh kỷ niệm trong chuyến về thăm chiến trường xưa. 2 ảnh trên.
Cầu Thác nước trên Trường Sơn ngày nay.