" Một kỷ niệm không quên" - Trần Thanh Thị (CCB Sư đoàn 472 Bộ đội Trường Sơn)

Ngày đăng: 09:08 15/08/2016 Lượt xem: 597

MỘT KỶ NIỆM KHÔNG QUÊN

 

 

 

Trần Thanh Thị

(CCB Sư đoàn 472 Bộ đội Trường Sơn)

 

 

 

“ Cầu bắc xong rồi cầu ở lại với dòng sông

Ghi kỷ niệm những ngày gian khổ nhất”

 

         Cảm ơn Trung đoàn trưởng Nguyễn khải đã víết bài thơ này để nói lên một thời gian khó nhưng đẹp đẽ của những người chiến sĩ xây dựng  trên Trường Sơn

 

“ Bưng bát cơm nửa sắn, nửa ngô

Có giọt mồ hôi rơi trong lòng bát

Tay xúc cát, bàn tay phồng rát

Xe vữa lên cầu vữa lấm áo ai ...”

 

         Đọc bài thơ, trong tôi bao kỷ niệm một thời lại hiện về  dẫu rằng gian khổ nhưng cũng rất vinh quang và hạnh phúc.

 

        Tháng 8 năm 1978 tiết trời Thu mát mẻ. 22 chị em xã Nghĩa Thuận chúng tôi tuổi 18, 20 nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ và được điều vào các đơn vị xây dưng cầu đường trên Trường Sơn.

 

          Kỷ niệm về Trường Sơn và cuộc đời bộ đội thì nhiều lắm, nhưng cảm cảm giác bủn rủn chân tay, khó tả hồi tháng 11 năm 1979 lại hiện về như mới ngày hôm qua vậy.

 

         Hồi đó tôi ở đơn vị C3 Tiểu đoàn 54 , Trung đoàn 542 , Sư đoàn 472. Một buổi sáng mùa mưa, nhưng hôm đó không mưa. Toàn Tiểu đoàn tập trung về Km 381 để xây tường chắn chống sụt lở. Khoảng 9 giờ sáng, sương mù trên đèo vẫn còn nhiều, tôi thấy hiện tượng đất đá rơi lả tả. Tôi nhìn lên đồi không thấy ai làm gì trên đó. Tôi bảo Khoa (bạn nữ cùng tiểu đội): “ Không biết có ai làm gì trên đồi không mà đất đá rơi nhiều thế .” Đúng lúc đó  chúng tôi nghe tiếng  hô thất thanh rất to của Đại đội trưởng Đại đội 3, tất cả bỏ dụng cụ chạy ra khỏi khu vực thi công. Toàn đơn vị nhốn nháo chạy. Tôi và Khoa cùng chạy. Thoắt cái tôi không thấy Khoa đâu.. Tôi nhìn về phía sau thì thấy Khoa chạy lại lôi một đồng chí đang mắc kẹt ở móng chân tường chắn cao không lên được. Cũng lúc đó tôi nhìn lên đỉnh đồi, cả nửa quả đồi đang sụt xuống và một tảng đá to khổng lồ đang lăn và rơi đúng hướng của Khoa . Tôi hét lên : “ Khoa ơi, chạy đi”. Lúc đó Khoa đã lôi được đồng đội  và chạy về phía chúng tôi .Mải quá cả hai cùng ngã sõng xoài trên mặt đường. Như có một luồng điện lạnh sống lưng, chắc hai chị không  chạy kịp  nữa rồi . Tôi cố gắng chạy lại, không hiểu sao chân tôi không thể bước nổi. Rồi như cái lò so cả hai chị đều vùng dậy và chạy ra khỏi vùng nguy hiểm. Ầm  một tiếng va chạm tưởng như một quả bom nổ. Móng tường chắn đã kịp thời chặn ngay tảng đá lại . Và trong giây lát cả đoạn đường hàng trăm mét  đã bị một quả đồi đất đỏ quạch chắn ngang. Tôi nắm tay Khoa mà thấy tay mình cũng lạnh toát trong khoảng khắc cái sống và cái chết gần trong gang tấc Khoa đã dũng cảm cứu đồng đội mà không kịp nghĩ điều gì sẽ sảy ra.

 

       Tiểu đoàn trưởng Thanh Tùng người Hà Nội điểm danh quân số,thì thấy  thiếu Chính trị viên đại đội 3 liền ra lệnh cả Tiểu đoàn khẩn trương tìm kiếm và phát hiện Chính trị viên bị đất lấp ngang ngực . Mọi người tập trung đào bới đưa Chính trị viên đi cấp cứu kịp thời. Cả Tiểu đoàn xôn xao, bàn tán . Chỉ trong chớp nhoáng mà cả quãng đường biến thành quả đồi chắn ngang. Rồi mọi người xúm lại chỗ chị Khoa mà hỏi, mà cầm tay . Ai cũng nghĩ một người dong dỏng cao, gầy như chị Khoa  kia thì làm sao kéo nổi chị Danh lên nhỉ? Chị Danh người dân tộc Thổ, to béo thế sức mạnh nào mà chị Khoa kéo nổi bạn mình lúc lâm nguy? Điều gì khiến chị Khoa quên cả tính  mạng mình cứu đồng đội trong cơn nguy hiểm?  Sau này chị Khoa bảo : “ Đã là đồng đội thì sống chết có nhau”. Những năm sống trong quân ngũ chị Khoa là một chiến sĩ gương mẫu, sống chân thành với mọi người . Chị chia xẻ , động viên mọi người cùng vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ và năm nào chị cũng được bầu là Chiến sĩ thi đua của đơn vị Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 542.

 

         Hoàn thành nghĩa vụ các chị chiến sĩ nữ của bộ đội Trường Sơn năm xưa trở lại cuộc sống đời thường. Chị Khoa lại cùng chúng tôi tập hợp những người cùng nhập ngũ tháng 8 năm 1978 của xã Nghĩa Thuận thành lập Hội lính Trường Sơn của xã. Từ những ngày ban đầu còn nhiều khó khăn đến nay hoạt đông của Hội đã đi vào nề nếp ổn định. Dù hoàn cảnh của mỗi người khác nhau nhưng chị em trong Hội vẫn phát huy tốt bản chất của người lính Trường Sơn trong xây dựng cuộc sống mới. Chịu thương, chịu khó vươn lên làm giàu chính đáng. Đời sống của hầu hết các chị đều có kinh tế khá. Con cái các chị được học hành tử tế nhiều cháu vào Đại học, cao đẳng hoặc đi làm ở các Công ty có thu nhập ổn định . Các cháu ngoan ngoãn, không cháu nào rơi vào tệ nạn xã hội hoặc vi phạm pháp luật. . Gia đình chị Khoa là một trong 18 gia đình tiêu biểu điển hình của Hội lính 78 Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa , tỉnh Nghệ An chúng tôi. Đến thăm nhà chị ở đội 10 Nghĩa Thuận ngôi nhà năm xưa nay được xây lại khang trang , trong nhà đầy đủ tiện nghi. Bên cạnh cánh đồng lúa mênh mông có con mương nước trong lấy nước tưới cho cánh đồng.  Đây là nơi  chúng tôi thường tụ họp hằng năm nhân ngày nhập ngũ . Đến đây, chúng tôi được thưởng thức  hương vị của đồng quê, được nghe tiếng nước chảy như tiếng dòng suối của Trường Sơn. Chúng tôi lại cùng nhau ôn lại những kỷ niệm khó quên về đồng đội, về Trường Sơn, bổ xung cho nhau những kiến thức cần thiết của cuộc sống đời thường và kinh nghiệm làm kinh tế cùng những buồn vui về hạnh phúc gia đình.

 

         Có lần đến với chị, tôi nghe chị ru cháu, lời ru ngọt ngào, đằm thắm như đang tìm về ký ức, kỷ niệm xưa . Và tôi nhớ tới những lời thơ chân thật từ cảm súc của mình tặng đồng đội trong lần cùng về thăm lại chiến trường xưa:

 

 

Đồng đội mừng vui ngày hội tụ

45 năm ấy dãy Trường Sơn

Rừng núi nhấp nhô đèo uốn khúc

Sương mù bao phủ ướt tóc ai

Mưa về núi lở đường đi tắc

Em sợ anh về đá núi rơi

Bắp chuối, rau rừng, rau sắn muối

Anh vẫn đàn - em hát Trường Sơn

Đỉnh dốc Lò So, sân bay Khâm Đức

Thạch Mỹ, Cầu Xơi, Sư 472

In dấu ấn tuổi hai mươi năm ấy

Nay về lại quê hương tuổi ngũ lục tuần

Em vẫn thấy tim mình thổn thức

Như năm nào em ở giữa Trường Sơn’

 

 

tin tức liên quan