Ký sự Nam Lào - Vũ Công Chiến

Ngày đăng: 10:21 16/12/2016 Lượt xem: 2.547

 

KÝ SỰ NAM LÀO

Vũ Công Chiến

CCB K19, E9, F968. ĐT: 0125 227 0302 - email. vcchien@gmail.com

Lời Tòa soạn:  Ban Biên tập vừa nhận được Ký sự Nam Lào của đồng chí Vũ Công Chiến, CCB Sư đoàn 968. Anh vừa cùng đồng đội có dịp trở lại thăm chiến trường xưa - Nam Lào - nơi mà năm xưa anh và đồng đội đã chiến đấu mở rộng vùng giải phóng cho Bạn ở các tỉnh Saravan, Atopơ, Boloven, Champasac và bảo vệ vững chắc hành lang phía Tây của Đường Trường Sơn. Biết bao kỷ niệm sống động về người về mảnh đất mà những năm tháng các anh đã chiến đấu nơi đây...Tình cảm của đồng bào các bộ tộc Lào vẫn vẹn nguyên hôm nay khi các anh có dịp trở lại... Thiên phóng sự dài của Vũ Công Chiến mà bạn đọc đọc sau đây sẽ đưa ta trở lại vùng đất Nam Lào thân thương với đầy ắp kỷ niệm không bao giờ quên không chỉ với Vũ Công Chiến mà còn với biết bao cán bộ, chiến sĩ các Binh trạm 33, 34, 35, 36, 38, 37, 50, 51... của sư đoàn 472, 471, Trường Sơn đã từng đứng chân nhiều năm trên mảnh đất Nam Lào.

Cám ơn CCB Vũ Công Chiến đã gửi "hồi ức và ghi chép sống động" về mảnh đất đã gắn liền biết bao máu xương, biết bao mồ hồi và chiến công của Bộ đội Trường Sơn chúng ta.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Ký sự Nam Lào của Vũ Công Chiến.

 

Chúng tôi, những người lính thuộc trung đoàn 9 Quân tình nguyện Việt - Lào đã rời xa vùng đất Nam Lào gần bốn mươi ba năm. Nếu tính đến cả sư đoàn 968 vừa là Quân tình nguyện, vừa là Bộ đội Trường Sơn, mà trong đó  trung đoàn 9 chúng tôi là trung đoàn chủ công, thì sự chia xa Nam Lào cũng đã hơn bốn mươi năm rồi.

Nam Lào không chỉ là "Một thời để nhớ", mà nó là cuộc đời, là tuổi trẻ của những người lính chúng tôi, khi mà bước chân đầu tiên vào đời là cuộc sống quân ngũ. Trận đánh đầu tiên, giây phút đầu tiên giáp mặt với cái chết của chúng tôi là ở mảnh đất Nam Lào này. Ở nơi đó, chúng tôi đã để lại nhiều đồng đội của mình "mãi mãi tuổi hai mươi", và có khi còn cả một phần máu thịt của mình nữa.

Giống như đất Việt Nam chia ba phần Bắc, Trung, Nam, đất nước bạn Lào cũng chia ba phần, nhưng là Thượng, Trung và Hạ Lào. Người miền Nam nước ta gọi vùng đất phía Nam nước bạn là Hạ Lào, sách vở miền Bắc cũng hay gọi đó là Hạ Lào, nhưng với chúng tôi thì tên gọi nghe thân thương hơn, đây là mảnh đất Nam Lào.

Đất nước Việt Nam ta không thể thống nhất, cuộc kháng chiến chống Mỹ không thể đi đến ngày thắng lợi cuối cùng, nếu như không có tuyến đường Trường Sơn 559 để tiếp tế sức người sức của cho miền Nam. Đường Trường Sơn đã trở thành huyền thoại.  Còn có biết bao điều bí ẩn  cần phải kể, mà chưa thể kể ra hết về Trường Sơn và Bộ đội Trường Sơn. Trong những điều cần phải kể đó, có những câu chuyện về những người lính tình nguyện Nam Lào thuộc sư đoàn 968 chúng tôi và nhân dân các bộ tộc Lào ở Nam Lào.

Cái tên Nam Lào có thể nói là thiêng liêng, là dấu ấn và kỷ niệm không bao giờ có thể nhạt phai đối với những người lính tình nguyện Việt Lào chúng tôi.

Vậy mà thời gian chúng tôi chia xa Nam Lào đã hơn bốn chục năm rồi. Rất nhiều lần gặp nhau, chúng tôi đã kể cho nhau nghe về chuyện lính, và không lần nào không nhắc đến Nam Lào. Nam Lào luôn ở trong tim chúng tôi.

Ước mong, khao khát và đợi chờ nhiều năm, tháng 11 năm nay (2016), hai mươi bảy người lính năm xưa của sư đoàn 968 ở khu vực Hà Nội mới hẹn hò, lên kế hoạch và tổ chức cùng nhau một chuyến "về thăm chiến trường xưa" ở miền đất Nam Lào.

Tất cả hì hục chuẩn bị, từ Hộ chiếu, sức khỏe cho đến kinh phí. Thực ra lính Hà Nội thuộc Sư đoàn 968 chúng tôi còn có nhiều nữa, nhưng vì lý do này khác không tham gia được, nên lần này chúng tôi chỉ có 27 người. Đoàn có cả lính E9, E19 và sư đoàn bộ, cùng vài đại đội trực thuộc sư đoàn. Anh Nguyễn Ngọc Nghĩa, lính Vĩnh Phúc nhập ngũ 1972 được cử làm trưởng đoàn. Riêng lính 4971 có 15 người, trong đó lính của E9 chúng tôi có tròn mười người. Thế là ngày 13 tháng 11, chúng tôi họp và thống nhất kế hoạch chuyến đi thăm "Nam Lào, chiến trường xưa" ở công viên Thống nhất.

Mặc dù biết nếu đi Nam Lào kiểu "phượt", chúng tôi sẽ lần mò được đến nhiều địa điểm ngày xưa cụ thể hơn, nhưng cách đi này chưa ai có nhiều kinh nghiệm, lắm rủi ro, nên chúng tôi quyết định tổ chức chuyến đi có sự đón tiếp và giúp đỡ của các bạn Lào.

Sau khi xin phép Sứ quán Lào, Bạn thống nhất lần này sẽ tiếp đón chung một đoàn lớn gồm hai đoàn nhỏ hợp lại. Đoàn ở Hà Nội chúng tôi có 27 người. Đoàn ở Nghệ An có 38 người. Nếu kể thêm cả 3 lái xe, thì tổng số thành viên trong Đoàn lớn chúng tôi là 68 người. Phụ trách chung sẽ là anh Trần Đình Tý, nguyên là tiểu đoàn phó K18 E9 vào thời điểm tôi ra quân cuối năm 1977. Sau này anh Tý cùng Sư 968 sang Lào lần hai, và làm đến trung đoàn trưởng một trung đoàn mới trong sư đoàn là E830. Năm 1990, anh Tý ra quân với quân hàm trung tá, lúc anh 41 tuổi.

Vì sẽ có một số buổi, bạn Lào đón tiếp trang trọng, cũng như đưa đi thắp hương tại một số nghĩa trang và đài tưởng niệm chiến sĩ Việt - Lào, nên có một yêu cầu chung là tất cả phải mang theo ít nhất một bộ quân phục. Nhiều người đã sắm quân phục từ những đợt gặp mặt hàng năm của lính nên rất yên tâm. Nhìn quanh, còn vài người trong đó có tôi, Lưu Quang Điền (trinh sát cối, DKB ở C hỏa lực), Phạm Hữu Giao (lính 12ly7 hỏa lực) là chưa có. Đã mấy chục năm rồi, mấy ai còn giữ được những bộ quân phục năm xưa nữa.

Phạm Hữu Giao ra phố Cửa Đông mua hàng của Xưởng may quân đội, sắm đủ thứ trọn bộ hết triệu bạc. Tôi với Điền rủ nhau ra phố Lê Duẩn, được mệnh danh là phố đồ của lính. Ở đây có mọi thứ, mọi cấp chất lượng. Tôi và Điền được hai bà bán hàng đã già, bán cho hai bộ quân phục cắm thùng kiểu lính với giá rất hữu nghị để "giúp các chú đi thăm kỷ niệm xưa" là 150 nghìn một bộ. Khi Điền hỏi vui tìm bộ quần áo vải Tô Châu, bà bán hàng bảo, "bây giờ có đặt mua 5 triệu cũng chẳng tìm ra".

Tôi và Điền đem về giặt đủ hai nước cho co, theo lời dặn của bà bán hàng, và cắt bớt vài phân gấu quần, thế là mặc vào trông y như lính ngày nào, tuy mặt có già.

Không hiểu sao khi mặc bộ quân phục vào người, ra soi trước gương, tôi bỗng thấy sững sờ. Một cảm giác xúc động bất ngờ trào dâng. Gã lính trong gương trông thật quen. Hắn cũng ngây ra nhìn tôi, vừa ngỡ ngàng, vừa thân thiện. Tôi bỗng thấy mạch máu trong người chảy rần rật. Hít một hơi thật dài, thấy mình như thành người lính trẻ năm nào. Khung cảnh hiện tại bỗng nhòe đi. Thay vào đó là loáng nhoáng cảnh núi rừng, cảnh quân đi trùng điệp. Rồi tiếng xung phong, tiếng bom pháo, tiếng súng nổ và khói lửa mịt mùng. Tôi như đang cắp AK chạy ào ào, nhảy băng qua những bờ đất, những hố sâu sát theo A trưởng Trọng …

Một lúc sau mới thở mạnh ra một cái. Lại nhìn thằng lính trong gương. Hóa ra đó là mình. Nhưng cái cảm giác bắp thịt nở ra, gân cốt căng lên thì vẫn còn dư âm lại rất lâu. Tôi đi ra cửa, nhìn ngoài trời, thấy mây trắng lững lờ trôi tít trên trời cao. Khung cảnh thanh bình đến lạ. Tiếng mấy con chim chào mào của mình  và của nhà hàng xóm ríu rít đua nhau hót.

Tôi bỗng chợt nghĩ. Hình như cái gọi là hội chứng chiến tranh có thật. Có điều nó không giống nhau với tất cả mọi người. Mỗi người cảm nhận nó theo từng cung bậc khác nhau. Có thể chỉ rất nhẹ, chỉ thoáng qua như một nỗi buồn ký ức, nhưng chắc chắn có thật. Hơn bốn mươi năm mặc lại bộ quân phục một cách nghiêm chỉnh mà thấy xao xuyến thế.

Tôi cởi bộ quân phục ra, xếp ngay ngắn trên giường rồi gắn vào đó mấy tấm trang trí. Tuy không quy định chặt chẽ, nhưng bọn lính 4971 chúng tôi ngầm xác định mấy thứ cần đeo: Tấm Huy chương của nước bạn Lào tặng để khẳng định thời chinh chiến bên Lào. Sau đó là Kỷ niệm chương của quân tình nguyện Việt Lào 301049, nó cũng xác định tư thế của lính tình nguyện. Sau đó là Kỷ niệm chương của lính đồng ngũ 4971 chúng tôi, một niềm tự hào riêng của cánh lính Hà Nội. Tất nhiên là còn Huy hiệu Cựu chiến binh nữa. Ngoài ra, ai muốn đeo thêm Huân chương khác nữa là tùy ý.

Vậy là mọi thứ đã xong, tạm biệt gia đình để lên đường thăm chiến trường xưa, nằm mãi tận nước Lào.

8 giờ sáng ngày 18 tháng 11 năm 2016, chúng tôi đã có mặt tại Cổng chính công viên Thống nhất phía Hồ Thiền Quang. Đoàn chỉ có 27 người, nhưng thuê hẳn một xe 45 chỗ cho thoải mái, để nếu ai mệt có thể xuống phía sau ngả lưng. Lái xe là anh Trường, con rể của Lộc "địa chủ" trong đoàn chúng tôi. Thế là có thêm trách nhiệm và tình cảm gia đình nữa, tha hồ vui và yên tâm.

Có lẽ rời quân ngũ đã mấy chục năm trời, nên tác phong quân sự có vẻ kém hơn trước nhiều. Vì thế, đến 8 giờ rưỡi mới hội đủ quân và lên đường. Nhưng chúng tôi cũng chẳng vội, vì đằng nào tối cũng phải dừng ở Vinh để hội quân với đoàn của Nghệ An. Lúc đứng chờ ở cổng công viên, mấy chú công an phường sở tại thấy xe chúng tôi đỗ có vẻ nghênh ngang, nên lò dò lại gần thám thính. Nhưng tấm băng rôn có dòng chữ "Đoàn cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam sư đoàn 968 về thăm chiến trường xưa" căng ở đầu xe đã làm mấy chú im phắc và lặn nhanh không ý kiến gì. Đúng là cần phải có cái băng rôn ấy để thể hiện tư thế đàng hoàng của đoàn lính chúng tôi, khi về thăm lại chiến trường xưa. Cái băng rôn ấy đã làm tròn sứ mệnh của nó. Không chỉ một lần, dọc đường khi đi và về trên đất Việt, cánh công an giao thông bên đường vừa thò đầu ra đường từ xa, nhưng thấy tấm băng rôn ấy, đều lùi sát vào bên đường nhìn xe qua. Có chú còn giơ tay vẫy chào chúng tôi.

Đường đi từ Hà Nội hôm nay thông thoáng, vì là ngày thường. Xe chạy theo đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Chỉ nghỉ giải lao dọc đường hai lần, đúng trưa, chúng tôi đã vào đến Thanh Hóa.

Chúng tôi ăn cơm trưa ở Nhà hàng Thượng Hà bên đường thuộc xã Quảng Trung, Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa, sát ngay cạnh cầu Yên. Sau đó lên đường đi Vinh luôn. Ngày đầu này chưa có gì đáng kể. Chuyện trên xe chỉ là chuyện tào lao trên trời dưới bể. Lính thì lúc nào mà chả thế. Mỏi mệt một tí thì lăn ra ngủ. Lúc thức thì tỉnh như sáo, chuyện như pháo ran. Nhiều lúc nghĩ cũng buồn cười. Cứ như được sổ lồng cả lũ vậy.

Gần bốn giờ chiều, chúng tôi vào tới Vinh, đến nghỉ tại khách sạn Sài Gòn Thương mại ở đường Quang Trung. Gần tối, anh Tý và anh Phan của đoàn Nghệ An đến chơi và ăn cơm cùng chúng tôi ngay tại khách sạn. Thủ trưởng Trần Đình Tý của K18 E9 chúng tôi năm nào, giờ trông cũng chả khác mấy. Gìà thì ai cũng già, nhưng giống như đi chung trên một chuyến tàu thời gian, nên nhìn nhau vẫn thấy nhiều nét quen. Dáng dấp và điệu bộ của anh Tý chả khác xưa, vẫn nói to và ào ào như ngày còn chiến tranh. Anh Tý cũng nhận ngay ra chúng tôi, vì hồi năm 1998, anh Tý cũng đã ra Hà Nội và đến thăm nhà mấy thằng lính Hà Nội chúng tôi. Thủ trưởng Tý báo một tin mà chúng tôi cho là hết sức đặc biệt. Thủ trưởng đã đi bước nữa (vợ trước của anh ấy mất đã hơn chục năm) và đã có thêm một cháu trai tròn 15 tháng tuổi. Con trai kém bố chỉ có 69 tuổi thôi. Mừng cho anh ấy và cũng thật đáng kính nể.

Hôm sau, ngày 19 tháng 11, hai đoàn hội nhập tại Quảng trường Hồ Chí Minh lúc 6 giờ sáng. Tất cả làm lễ xuất quân, thắp hương kính báo trước tượng đài Bác Hồ. Đoàn của Nghệ an có 40 người tất cả, đi hai xe: 35 chỗ và 15 chỗ, cũng rộng. Trong đoàn này có 13 nữ, đa phần là các nữ chiến sĩ Trường Sơn 559 năm xưa.

Sau khi hoàn thành thủ tục quan trọng này, chúng tôi lên đường. Vì trong đoàn Nghệ An có rất nhiều người thuộc các đơn vị của mặt trận Nam Lào và 559 (Bộ đội Trường Sơn), mà có rất ít người của sư đoàn 968, đặc biệt là ở E9, nên anh Tý sang xe đi chung với chúng tôi để trò chuyện. đồng thời dẫn đầu luôn.

Đường từ Hà Nội vào miền Trung vốn đã quen thuộc với nhiều người trong chúng tôi qua những dịp đi công tác từ nhiều năm trước, nên cũng không có nhiều chuyện lạ. Cảnh vật cũng vốn dĩ đã nhìn quen. Khi qua Hà tĩnh, chúng tôi có dừng lại tại khu công nghiệp Vũng Áng có Công ty Formosa. Thực chất là dừng ở chỗ lối vào thôi, vì khu công nghiệp này rộng tới gần 228 cây số vuông cơ mà (Bằng một phần tư diện tích của Hà Nội lúc chưa nhập Hà Tây về). Cảm giác đây không phải là Khu công nghiệp, vì vắng vẻ quá.

Anh Trụ là một trong hai lính già nhất trên xe (ngoài 70), nhưng còn rất khỏe và nhiệt tình. Chặng đường này do anh khuấy động  sự ồn ào trên xe. Anh hát liền mấy bài dân ca, giọng rất ấm. Tham gia trò chơi "xì điện", tôi cũng góp phần kể chuyện. Tôi đã kể câu chuyện "Vụ án con gà vàng và người lính đặc công" mà tôi đã viết và post lên mạng. Trong Hồi ức lính, tôi cũng có nhắc đến câu chuyện này. Ở trên chuyến xe của chúng tôi cũng chỉ có độ dăm người đã xem truyện này thôi.

Chặng đường đi của ngày thứ hai này rất lớn, trên 600 cây số, nên đoàn chúng tôi phải đi rất khẩn trương. Chỉ thỉnh thoảng mới dừng giải lao độ dăm phút là lại lên đường. Quá trưa, chúng tôi mới tới Thành phố Đông Hà. Tất cả vào ăn cơm trưa, loại cơm đĩa, tại một quán có tên là  "Cơm Âm phủ". Chả hiểu sao lại đặt cái tên nghe "ghê ghê" như thế. Quán nhỏ nên tuy có hai tầng, lại ăn cơm xuất, mà gần bảy chục người chúng tôi vào ngồi kín.

Tất cả ào ào ăn xong, người kịp uống nước, người không, lại khẩn trương lên đường. Trong đoàn có người không vào ăn cơm mà lấy lương khô ra ăn và ngồi ngoài quán bên đường uống cà phê. Lúc xe sắp chạy, thấy có cô gái ra chặn xe. Tưởng có gì ghê gớm, hóa ra cô gái ấy là người bán cà phê, chạy ra chặn xe để trả lại tiền thừa có hơn chục nghìn cho khách uống cà phê. Chợt thấy ấm lòng vì một nét văn hóa của người Quảng Trị.

Dù khẩn trương, chúng tôi vẫn dành thời gian rẽ vào Nghĩa trang Đường 9 thắp hương cho các liệt sĩ. Cũng chỉ được ít phút thôi, và cũng chỉ vào được nơi đây là đại diện, vì dọc theo khu vực đường 9, còn có biết bao nhiêu là nghĩa trang liệt sĩ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ và để thống nhất đất nước của chúng ta kéo dài 21 năm. Dù chẳng có nơi nào công bố chính xác, nhưng người ta cũng ước được chừng có tới trên một triệu liệt sĩ trong cả nước. Trên đất nước ta, có xã nào không có nghĩa trang liệt sĩ đâu.

Xe chúng tôi chạy theo mấy chục cây số dọc đường 9 để lên Khe Sanh, đi cửa khẩu Lao Bảo. Bây giờ mới được nhìn rõ, đường Hồ chí Minh sau khi chạy từ Bắc vào tới đường 9, phải mượn tới gần bốn chục cây số của đường 9 để chạy lên cầu treo Dakrong, rồi mới lại là đường mới chạy gần trăm cây số đến A Lưới, để nhập vào đường 14 cũ từ thời Việt Nam cộng hòa.

3 giờ rưỡi chiều, đoàn chúng tôi tới cửa khẩu Lao Bảo. Cán bộ cửa khẩu của ta sang ngồi chung một bàn bên cửa khẩu của Lào để thực hiện kiểu làm việc "một cửa" cho nhanh. Họ kiểm tra chung rồi thì bên ta cộp dấu vào hộ chiếu, chuyển cho bạn Lào cộp luôn một cái nữa là xong. Đoàn chúng tôi có tổ chức, và lại là đoàn CCB quân tình nguyện sang thăm nước bạn Lào đầy nghĩa tình, nên công an cửa khẩu cũng chỉ kiểm tra hộ chiếu theo danh sách chứ không kiểm tra nhận mặt từng người. Thậm chí họ cũng chẳng buồn đếm số người trên các xe.

Trong lúc chờ làm thủ tục xuất nhập cảnh, tôi thấy ở khu vực cửa khẩu có nhiều cô gái người Việt tới chào hàng đổi tiền Việt- Lào và bán các Sim điện thoại Lào. Vài người trong chúng tôi mua sim Lào và nạp tiền vào thẻ, tương đương khoảng trăm nghìn đồng tiền Việt. Số người đổi tiền Việt sang tiền Kip của Lào nhiều hơn. Một trăm nghìn tiền Việt đổi được 36 nghìn Kip tiền Lào. Như vậy là đơn vị tiền Lào có giá trị cao hơn đơn vị tiền Việt. Một kíp Lào bằng 2,7 đồng Việt Nam. Ai không đổi tiền thì thôi, còn lại mỗi người đổi chừng một hai triệu tiền Việt sang kíp Lào, có người đổi tới 5 triệu.

Hôm gặp mặt chuẩn bị đi Lào ở công viên Thống nhất, Bùi Thượng Toản (lính 4971, vào E19 của sư 968) nói là đã đi Lào lần trước, sang bên ấy tiêu tiền Việt và tiền Lào đều được. Thực tế không phải thế. Bên Lào, vẫn phải dùng tiền kíp của Lào để mua bán. Chỉ có ở Viên Chăn và Thượng Lào có nhiều người Việt, thì người Việt chấp nhận bán bằng tiền Việt, sau đó họ sẽ đổi lại tiền kip Lào sau.

Rời cửa khẩu Lao Bảo, đoạn đường trong ngày cần đi còn khoảng 200 cây số nữa mới tới thị xã Sa Vẳn của tỉnh Savanakhet, là nơi đầu tiên bạn Lào đón đoàn. Anh Tý nhận được điện báo, bạn sẽ đón ở ngã ba Mường Phìn, cách cửa khẩu hơn bốn chục cây số. Đi  gần 60 cây số để đón đoàn chúng tôi, các bạn Lào thật quá nhiệt tình. Thế là cả đoàn cứ theo đường số 9 thẳng tiến. Trên con đường này, trong tháng 2 và 3 năm 1971 đã diễn ra chiến dịch Đường 9 - Nam Lào với những trận đánh ác liệt của 3 sư đoàn, 3 lữ đoàn lính Sài Gòn với 5 sư đoàn Bắc Việt, mà hai bên đều có sự yểm trợ rất lớn của pháo binh và xe tăng. Lữ dù 3 Sài Gòn bị xóa sổ, đại tá chỉ huy Nguyễn Văn Thọ bị bắt sống. Chiến thắng này đã là một tiếng vang, nhưng cũng báo hiệu sắp tới ngày lứa lính 4971 chúng tôi nhập ngũ, chỉ riêng một đợt của Hà Nội mà gọi tới 1800 người.

Hồi đầu năm 1972 khi chúng tôi hành quân vượt Trường Sơn qua đây, con đường 9 như đường bỏ hoang, chỉ còn nền đất và hai bên mọc đầy lau lách. Hôm nay về thăm lại Nam Lào, đường số 9 là con đường trải nhựa phẳng lỳ, xe chạy được tới tốc độ sáu,  bảy chục cây số một giờ. Chẳng còn lại nét gì của bốn chục năm trước. Có chăng, chỉ là cảnh hai bên đường rất vắng vẻ, dân cư cực kỳ thưa thớt, hai bên rừng hoang đầy cỏ dại và lau lách. Đi tới vài chục cây số mới thấy bóng dáng rừng khôộc lá nhỏ, nhưng mọc thưa xen lẫn cỏ dại um tùm. Nhập nhoạng chiều, chúng tôi tới ngã ba Mường Phìn. Có ba người Lào đứng cạnh một chiếc xe bán tải chờ chúng tôi. Phụ trách họ là một người, giới thiệu là Chủ tịch Hội CCB Lào của tỉnh Savanakhet.

Cả đoàn xuống xe chào hỏi. Sau đó, tất cả chúng tôi kéo vào một khu tưởng niệm, nằm chếch ngay gần ngã ba Mường Phìn vài trăm mét về phía Đông Bắc. Đây gọi là khu Tượng đài hữu nghị Lào Việt.  Cạnh ngay đó có một sân gạch trưng bày một phần xác của một chiếc máy bay Mỹ. Cả đoàn vào thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ Việt Lào.

Khi chúng tôi ra xe, đi qua ngã ba Mường Phìn thì hoàng hôn đã tắt. Ở đây bây giờ có lẽ là một thị trấn. Nhà cửa khá nhiều, san sát nhau  nhưng vẫn toát lên sự vắng vẻ, giống như một thị trấn ngã ba đường ở miền Bắc Việt Nam hồi chiến tranh.

Ngã ba Mường Phìn chính là giao điểm của con đường 23 với đường số 9. Đường 23 của Nam Lào bắt đầu từ đây, chạy thẳng hướng Bắc Nam qua những dải đất bình nguyên hơn trăm cây số đến sông Sedon của Saravan. Sau khi vượt sông, nó đổi hướng chạy từ Tây sang Đông xuyên suốt qua thị xã Saravan, đến tận gần khúc ngoặt của sông Sedon. Từ đây, đường 23 lại đổi hướng Bắc Nam cho đến ngã ba Bản Bèng, lại chạy xiên hướng Đông Nam đến ngã ba Tha Teng thì trả lại hướng Bắc Nam cho đến tận Thị trấn Paksoong trên cao nguyên Boloven. Nếu tính theo độ dài thì từ Saravan về Paksoong cũng tới gần trăm cây số. Đi thêm 50 cây số nữa trên cao nguyên Boloven từ Paksoong về đến Pakse là kết thúc con đường 23.

Khá muộn, tầm hơn 8 giờ tối, chúng tôi mới tới thị xã Sa Vẳn. Các bạn Lào đưa chúng tôi đến một nhà hàng của người Việt. Tại đây, mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn. Tỉnh ủy Savanakhet tiếp đãi đoàn một bữa cơm thân mật. Đích thân Phó Bí thư tỉnh ủy đến tiếp chúng tôi. Các anh Lâm, anh Tý và Nghĩa trong Ban lãnh đạo ngồi cùng mâm với chủ nhà, sau khi hai bên đã có những bài phát biểu bày tỏ tình cảm của nhân dân tỉnh Savanakhet với các CCB quân tình nguyện đã từng chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng nước Lào.

Đoàn chúng tôi trao tặng các bạn Lào một bức trướng nhỏ thêu ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hơn 9 giờ tối, chúng tôi về nghỉ tại một khách sạn của Lào. Khu nhà chính xây đẹp, nhưng chỉ có vài phòng, chắc chỉ dành cho khách đặc biệt. Đoàn chúng tôi đông, được chia ra ở các phòng khách chỉ có một giường to cho hai người nằm, trong các dãy nhà một tầng như nhà cấp bốn. Số chị em được ưu tiên lên một dãy nhà hai tầng trông như nhà công sở. Vật dụng nghèo nàn. Chủ yếu là có giường đệm, có điều hòa, phòng tắm có nước nóng (loại đun nhanh) và có hai chai nước trắng. Nhưng với chúng tôi, thế cũng là đủ. Tôi và Điền ở chung phòng.

Ở đây thấy cũng có sóng Wifi, nhưng yếu. Giống như hôm ở Vinh, Điền lôi Ipad ra nối mạng để đưa tin lên Facebook, còn tôi nối mạng để chuyển tin nhắn về nhà qua Viber. Thấy tín hiệu yếu, cả hai mò lên phòng tiếp tân. Ở đây đã có vài lính lăm lăm Smartphone để nối mạng. Chưa được 5 phút, sóng Wifi tắt tịm. Cả bọn nháo nhác hỏi nhau, rồi vào hỏi lễ tân, thì được một câu trả lời đơn giản: "Nhân viên phòng có máy tính nối Internet vừa hết giờ làm ra về, phải cắt tất cả điện để đảm bảo an toàn". Quá đơn giản và quá rõ ràng. Tất cả quyết định lui về ngủ, vì cũng đã muộn rồi.

Sáng hôm sau, cả đoàn chúng tôi được dẫn đi ăn phở. Quán phở cũng của người Việt, nhưng chắc lần đầu tiên đón số khách đông cùng lúc thế này. Bánh phở là bánh đa khô trần vội. Phở ở nơi không phải là Hà Nội đã khác vị, ở đây càng khác hơn, thật khó tả chính xác nó là món gì. Nhưng ăn đối với chúng tôi lúc sáng thế này chỉ là phụ, nên bữa sáng trôi qua rất nhanh.

Đây là ngày đầu tiên theo chương trình ở Lào, còn với chúng tôi là ngày thứ ba. Bạn sẽ dẫn chúng tôi đi chơi vài nơi trong tỉnh sáng nay. Chúng tôi trả phòng khách sạn vì sau bữa ăn trưa sẽ đi luôn về Pakse. Lúc ra trả chìa khóa phòng, tôi và Điền phát hiện thấy một điều: Ở sảnh của phòng tiếp tân, người ta yêu cầu để giày dép bên ngoài, đi đất vào. Điều đó cũng có nghĩa là không thể đi giày dép lên mấy phòng trên gác của tòa nhà chính này. Có thể trên đó là phòng đặc biệt gì đó, chứ cũng chẳng phải là phòng nghỉ của khách sạn.

Nơi đầu tiên chúng tôi đến trong ngày là  Khu tượng đài tưởng niệm cố Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Tỉnh Savankhet cũng là quê hương của chủ tịch Kaysone. Có thể nói không sai, là vai trò và vị trí của Chủ tịch Kaysone đối với nhân dân Lào cũng giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân Việt Nam vậy. Thêm một thông tin nữa là từ năm 2005, thị xã Sa Vẳn được đặt tên là thị xã Kaysone Phomvihan (nhưng người ta vẫn gọi song song hai tên, giống như Sài Gòn và Tp. HCM của Việt Nam vậy). Tại đây, chúng tôi thắp hương tưởng niệm cố chủ tịch Kaysone, sau đó cùng nhau chụp ảnh. Khu tưởng niệm này rất rộng, phần sân phía trước rộng như một quảng trường.

Tiếp đó, chúng tôi tới thăm Khu lưu niệm Bác Hồ, xây dựng trong một khuôn viên khoảng một nghìn mét vuông ngay sát con đường chạy dọc sông Mekong, nhìn sang đất Thái Lan. Khu tưởng niệm nằm ngay cạnh một khu nhà như công sở nào đó, không có tường rào bao bọc riêng, Bia tưởng niệm thực chất là một phiến đá cẩm thạch to có in hình Bác Hồ và mấy dòng chữ ghi lại nội dung là năm 1929, Bác Hồ đã từ Thái lan sang đây. Phía trước khu tưởng niệm, ở bên bờ đường đối diện không có vỉa hè, mà chỉ là một bãi đất vừa phải chạy dọc xuống sông Mekong.

Địa điểm thứ ba chiếm nhiều thời gian hơn là khu cửa khẩu Lào Thái thuộc tỉnh Savanakhet. Bạn xin phép và dẫn đường cho đoàn chúng tôi đến cửa khẩu, chạy xe chầm chậm qua cầu Hữu nghị Thái Lào II sang đất Thái Lan, sau đó đến trước khu làm thủ tục Hải quan cửa khẩu của Thái thì quay xe lại. (Hiện nay ở Lào có 3 cây cầu bắc qua sông Mekong nối hai bờ Lào - Thái. Cả 3 cây cầu đều có tên là cầu Hữu nghị Thái - Lào, nhưng đánh số I, II, III theo thứ tự thời gian xây dựng).

Thực ra với Hộ chiếu cá nhân trong tay, nếu đi lẻ thì chúng tôi có thể dễ dàng làm thủ tục qua đất Thái Lan chơi, không cần xin Visa. Nhưng vì đoàn chúng tôi đi rất đông, tất cả lại đều mặc quân phục, đeo huân chương đầy ngực, nên nếu từng ấy người cùng làm thủ tục sang đất Thái Lan, dù chỉ là để chơi một ngày, thì có lẽ xảy ra chuyện nhạy cảm. Người Lào yêu quý bộ đội Việt là chuyện bình thường và đương nhiên, nhưng người Thái Lan chắc nhìn bộ đội Việt với con mắt khác. 

Lúc xe quay về, các bạn Lào cho phép đoàn dừng xe lại giữa cầu, xuống xe chụp ảnh.

Về đến khu vực cửa khẩu bên Lào, chúng tôi gặp những chiếc xe khách của Thái Lan đỗ ở đó. Chúng đều dài và cao hơn cái xe 45 chỗ Huyndai của chúng tôi đi. Toàn xe khách ngồi hai tầng, sơn màu rất sặc sỡ. Sau đó chúng tôi xuống xe nghỉ chơi loanh quanh và vào cửa hàng bán hàng miễn thuế ở đây. Một số người mua hàng, chủ yếu là mua rượu và thuốc lá.

Cửa khẩu của Lào ở đây xây rất to và đẹp. Phía Thái Lan cũng vậy, dù chúng tôi chỉ được nhìn chứ chưa đặt chân vào. Khác hẳn với cửa khẩu Lao Bảo của biên giới Việt - Lào, đất rộng nhưng nhà cửa không hoành tráng.

Rời cửa khẩu, chúng tôi về thăm khu chợ Savanakhet. Lúc này trời nắng chang chang, khá oi bức, nên nhiều người không vào chợ. Khu chợ này không thấy xây ki-ôt, mà tất cả đều chỉ là những sạp hàng che ô. Chợ này trông cũng láo nháo đủ thứ hàng từ khô đến tươi sống như chợ ở Việt Nam. Chúng tôi vào đây, chủ yếu chỉ chụp ảnh và xem chợ, nhưng không ở lại đây lâu. Một vài người mua chuối, loại chuối trông như chuối ngự của Việt Nam, nhưng quả khá to. Lúc ăn thì cũng thấy thơm như chuối ngự. Phạm Hữu Giao, lính 4971 mua một lố có 10 quả dưa chuột mà ôm nặng tay. Chúng tôi không lạ, vì đã biết tiếng đến loại dưa chuột Lào trên cao nguyên Boloven từ mấy chục năm trước rồi. Chỉ chục quả dưa chuột ấy thôi, mà bổ ra cả xe ăn tí tách hai hôm mới hết. Thế mới biết ngày xưa trai trẻ ăn khiếp thật. Mỗi lần ăn, một người phải xơi hết một hoặc hai quả, no õng bụng trong cảnh thiếu đói. Để rồi đến bữa lại thấy đói, sáng rực mắt nhìn cơm, vì dưa chuột toàn nước nên tiêu rất nhanh.

Thăm bốn nơi mà đã hết cả sáng. Chúng tôi trở về quán người Việt tối qua để ăn bữa trưa. Các món ăn bày ra lại i sì như tối qua, chẳng có thay đổi món gì cả. Ồn ào, nhộn nhạo thì sau nửa tiếng, chúng tôi cũng hoàn tất bữa trưa. Chúng tôi ngồi nghỉ trưa ít phút ngay tại quán.

Chiều nay, chúng tôi sẽ rời Savanakhet để đi Pakse, nơi ngày xưa chúng tôi hay gọi là Thủ phủ của Nam Lào. Đoạn đường 200 cây số trên quốc lộ 13, con đường chạy dọc theo sông Mekong, nhưng không hề gần mép sông, mà tít tận trong vùng bình nguyên khá cằn cỗi và đầy rừng khôộc.

Các bạn Lào của tỉnh Savanakhet chạy xe phía trước, dẫn và tiễn đoàn chúng tôi gần bốn chục cây số rồi mới chia tay. Đón và tiễn trên quãng đường rất dài, có lẽ đó là nét đặc trưng riêng của các bạn Lào dành cho đoàn CCB F968 chúng tôi.

Rong ruổi trên đường 13 trải nhựa phẳng lỳ, đường khá thẳng, lại không có các "xạ thủ bắn tốc độ" dọc đường, nên xe chạy bon bon rất nhanh. Cảnh vật hai bên cứ lướt qua vèo vèo. Thỉnh thoảng mới thấy có xe khách hoặc xe con chạy ngược chiều. Đặc biệt là có nhiều xe con  bán tải. Đến vài hôm sau gặp các bạn Lào ở các tỉnh khác, tôi mới có nhận xét chung là ở Nam Lào có nhiều xe con bán tải. Ngay cả các cán bộ tỉnh đi đón chúng tôi, cũng chạy loại xe này.

Ngày xưa, đoạn đường dài  200 cây số trên đường 13 này, từ Savanakhet về Mường Khoosedon, là một vùng hoang, vùng chết. Hầu như không có dân cư. Quân lính Fumi không đủ quân đóng dọc con đường này. Phía Pathet và lính Bắc Việt cũng không trú quân ở đây, vì nó chẳng có ý nghĩa chiến lược gì cả. Sư đoàn 968 bảo về nhánh Tây đường Trường Sơn là ở vùng gần biên giới cơ. Ngày xưa các lính đi mua lợn trong dân cho đơn vị, chỉ một phần nhỏ xuống mường Khoongsedon, còn lại chủ yếu là xuống Saravan.

Bây giờ trên con đường 13 này lác đác đã thấy có các bản dân nằm rải rác. Mỗi cụm chưa đến chục nóc nhà. Xung quanh những chỗ đó tôi nhìn thấy những nương lúa đã gặt, chỉ còn gốc rạ. Nếu xét trên cùng cung đường 200 cây số, thì dọc đường 13 này có nhiều bản hơn so với trên đường 9, nhất là trên mấy chục cây số gần biên giới ở Lao Bảo. Nhiều nhà dân hơn, nhưng cũng rất thưa thớt. Gần chỗ những bản đó, đôi lúc thấy người dân chạy những chiếc xe là đầu máy cày Công- nông, gắn theo một cái rơ-mooc chở người hoặc đồ linh tinh.

Nhưng về cơ bản, vùng đất bên đường 13 từ Savanakhet về Khoongsedon vẫn là vùng đất cằn, nhiều nhất là rừng cây khôộc lá nhỏ chạy dọc bên đường. Trong đó thấy thấp thoáng cột và đường dây điện lực chạy dọc quốc lộ 13.

Đi qua hết vùng đất Savanakhet, chúng tôi đi sang địa phận tỉnh Saravan. Cảnh vật vẫn gần giống như ở Savanakhet, nhưng thấy nương lúa của dân nhiều hơn, nhiều trảng trống hơn. Ngày xưa tác chiến ở Saravan, chúng tôi đánh địch ở phần phía Đông, khu vực quanh Thị xã và dọc sông Sedon, đoạn chảy theo chiều Nam Bắc. Chưa có lính nào được đặt chân lên con đường 13 này khi đó.

Xế chiều, chúng tôi đến Mường Khoongsedon. Đây là một huyện (mường) nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Saravan, sát gần sông Mekong. Huyện lỵ Khoongsedon nằm ngay trên đường 13.

Ngày xưa, trung đoàn 9 đã giải phóng Khoongsedon một lần vào năm 1971, cùng đợt với Sư 2 của tướng Nguyễn Chơn giải phóng Saravan. Giữa năm 1972, địch nống ra Saravan và chiếm lại Khoongsedon trong chiến dịch càn Sư tử đen. Sư đoàn 968 đã phải điều hai trung đoàn 19 và 39 đánh chiếm lại. Về E39, tôi chỉ nghe kể qua một đôi bài viết là E39 có đánh Phù Khống, một ngọn núi cao nằm phía Tây huyện lỵ của Khoongsedon. Còn E19 đánh Khoongsedon thì tôi đã gặp và nghe lính E19 kể nhiều. Anh em nói là đã tác chiến ở đây trong một đợt mùa mưa kéo dài tới 128 ngày. Hôm nay, trong đoàn của chúng tôi có hai nhân chứng. Nguyễn văn Hùng, lính 4971 đã bị thương lần đầu tại đây năm 1972. Người thứ hai là anh Võ Vi Lâm trong đoàn Nghệ An. Khi đánh Khoongsedon năm 1972, anh Lâm là khẩu đội trưởng DKZ. Sau này anh chiến đấu trong nhiều đơn vị thuộc Sư 968, ở Lào gần hai chục năm và đã có thời gian là tham mưu phó của sư đoàn 968.

Lúc xuống xe chờ bạn Lào tại đây, nhiều thanh niên Lào lại gần hỏi thăm. Khi biết chúng tôi là CCB thuộc F968 đã từng chiến đấu ở đây, họ rất vui, luôn nói lời biết ơn bộ đội Việt. Một thanh niên còn vào nhà đem ra một chai rượu Tây và một cái chén, mở chai rượu và rót mời lần lượt anh em lính quanh đó. Tình cảm người Lào với bộ đội Việt thật là thân thiện.

Một lúc sau, các bạn Lào ở tỉnh Chămpaxac đến và dẫn chúng tôi về Pakse.

Khi đến phía Bắc của Pakse, chúng tôi nhìn thấy thấp thoáng sân bay Pakse. Đây tuy gọi là sân bay quốc tế (vì có chuyến máy bay bay thẳng từ Hà Nội đến), nhưng nó như một sân bay dã chiến, một sân bay nội địa kiểu như sân bay Tuy Hòa của Việt Nam. Bé nhỏ, đường băng dài chỉ hơn 1600 mét và có rất ít chuyến bay hàng ngày.

Champaxac là tỉnh cực Nam của Lào. Pakse ngày xưa gọi là thủ phủ Nam Lào, là dinh lũy cuối cùng của quân Phumi. Ngày xưa, chúng tôi chiến đấu, có đến gần nhất cũng là ngã ba Lào Ngam trên đường 23 về phía Cao nguyên Boloven, còn cách Pakse hơn hai chục cây số. Chắn giữa Pakse và đường 232, khu vực Lào Ngam là Phù (núi) Chiêng, nằm cách trung tâm Pakse chừng 3 cây số về phía Đông. Tại đỉnh Phù Chiêng ngày ấy có một trận địa pháo của địch. Chính trận địa pháo này là chủ công chuyên nã pháo vào các khu vực nghi có chúng tôi quanh Huội Champi. Lúc có tác chiến, chính chúng cũng chi viện cho quân Lào và Thái khi gặp lính Việt. Đại đội hỏa lực của Lưu Quang Điền và Nguyễn Khiêm chuyên lấy phần tử và bắn DKB vào kiềm chế pháo địch ở đỉnh Phù Chiêng này. Mỗi ngày cũng chỉ có vài quả thôi, vừa bắn vừa nghe ngóng máy bay địch đến trinh sát. Nói chung là cũng chưa đủ sức chế áp địch, mà chỉ dọa là chính. Chẳng biết có diệt được tên địch nào không nữa.

Ngày ấy lính Hà Nội chúng tôi nhớ nhà, thường hay ngóng nhìn về phía Phù Chiêng và Pakse vào những chiều sương giăng đỉnh núi, để mơ về những ngôi nhà và ánh đèn điện giống như ở Hà Nội của mình. Nhưng đó là nơi chẳng thể nào đến được.

Pakse ngày nay rộng hơn, to hơn ngày xưa, nhưng cũng không thể to quá được, vì dân số Lào còn ít. Không phải người dân Lào nào cũng thích ra sống ở đô thị. Pakse vẫn chỉ là tỉnh lỵ của Champaxac, đồng thời cũng là huyện lỵ của huyện Pakse trùng tên. Nó chưa nâng cấp lên thành phố, như trào lưu thành phố hóa trong cơn lốc giống ở ta. Chính vì vậy mà cả một vùng đất Nam Lào rộng mênh mông nhiều người thèm muốn, vẫn chưa có lấy một thành phố nào.

Dọc đường vào Pakse, tôi nhận thấy ở đây chủ yếu là nhà thấp tầng. Nhà một  tầng là chủ yếu, sau đó đến nhà hai tầng. Nhà ba tầng cũng có một số. Đặc biệt là những tòa nhà cao tầng rất ít. Có thể đếm được các ngôi nhà 5 tầng trên đầu ngón tay. Vì thế đi trong phố mà không thấy bị choáng ngợp, bị ngập lút bởi nhà với nhà. Cũng chính vì thế, mà Pakse vẫn có nét vẻ thân thiện và thanh bình.

Chúng tôi nghỉ tại một khách sạn khá to và đẹp, nằm ngay bên trái đường 13, phía cuối Đông Nam Pakse, sát một chân núi. Không khí thoáng mát và cảnh quan đẹp. Khách sạn có tên Double Lotus Hotel, có chủ nhân là người Việt. Các phòng to đẹp và sạch sẽ, tiện nghi khá đầy đủ. Vẫn có hai điểm chung là các TV ở khách sạn của Lào vẫn chủ yếu dùng loại đèn hình ống tia CRT to tướng và nghèo nàn về kênh. Nhưng rất may là hôm đó nơi ăn cũng như nơi ở, là nhà hàng và khách sạn của người Việt, nên vẫn xem được trận bóng đầu tiên của vòng loại AFF Cup giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Myanmar với tỷ số 2-1 nghiêng về Việt Nam.

Ăn tối ở nhà hàng người Việt ngoài phố, và về xem nốt trận bóng đá, là kết thúc ngày thứ ba của chuyến đi. Ở Champaxac, chúng tôi tự ăn, bạn không tổ chức mời cơm.

Ngày hôm sau, chúng tôi khá rảnh rang đầu buổi sáng. Dậy sớm, ra ngoài ban công nhìn thấy cảnh mây phủ vờn trên đỉnh núi ngay sát khách sạn mà thấy bồi hồi. Nơi này mấy chục năm trước ước mơ mà không tới được đây.

Vì Double Lotus là khách sạn 3 sao, nên chúng tôi có bữa sáng tại khách sạn. Phòng ăn rộng rãi, tiền sảnh thoáng đãng. Có điều bữa buffet ở đây người ta dọn ra rất khiêm tốn. Những người xuống ăn chậm phải dọn sạch không sót lại một mẩu bánh mỳ, một lát cà chua nào cho tròn bữa.

Hôm nay, bạn Lào cũng đưa đoàn chúng tôi đi thăm cảnh của Champaxac. Vì xe 45 chỗ của chúng tôi rất rộng khi chỉ có 27 người, nên anh Tý sang xe chúng tôi ngồi, đồng thời điều thêm 6 chị nữa trong đoàn Nghệ An sang ngồi cùng. "Cho nó vui, tăng thêm tình thân", anh ấy bảo thế. Đó là sáu cô gái của binh trạm 14 Trường Sơn năm xưa. Trong số đó 2 người quê Nghệ Tĩnh, còn 4 người quê Hải Dương, nhưng nay định cư mỗi người một xứ. Người ở Quảng Ninh, người Vũng Tàu, Đà Lạt và cả ở thành phố Hồ Chí M

tin tức liên quan