" Ngày mai anh lên đường" - Bài hát một thời của Thanh niên

Ngày đăng: 09:28 24/02/2017 Lượt xem: 4.728

“NGÀY MAI ANH LÊN ĐƯỜNG”,

BÀI HÁT CỦA MỘT THỦA THANH NIÊN

 

Lê Lợi

Cựu chiến binh Sư đoàn 968

 

 

         Ngày 17 tháng 2 năm 1979, hơn nửa triệu quân Trung Quốc bất ngờ tấn công toàn tuyến Biên giới Việt Nam. Khi ấy tôi chưa tròn 17 tuổi, đang là học sinh lớp 10 trường cấp III Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định của tỉnh Hà Nam Ninh, lúc đó giáo dục phổ thông chỉ có 10 năm.

 

         Cả trường sôi sục khí thế, lúc đó tuổi trẻ chúng tôi sục sôi tinh thần chống giặc ngoại xâm, tạm gác việc học văn hóa và thay vào đó là những buổi tập quân sự với những cây gậy và vành lá ngụy trang được tết bằng nhũng chiếc lá của cây xà cừ to tướng ở sân trường. Chiếc áo ngắn tay vải Tô Châu mà anh trai cả, nguyên là Chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam ở Cánh Đồng Chum (Lào) thời chống Mỹ những 6 năm mang về cho tôi, khi này có tác dụng trước con mắt thèm thuồng của các bạn.

 

         Hầu như cả trường, khối học sinh lớn hơn, lớp 9, lớp 10 chúng tôi đều viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc đến thế hệ chúng tôi được lặp lại, những bài học của chương trình Lịch sử không ngờ được tái hiện trong thế hệ chúng tôi, cuộc chiến đấu của lòng tự trọng dân tộc lòng yêu nước được đánh thức. Tuy nhiên chỉ đến khi kết thúc năm học, sau khi thi tốt nghiệp cấp 3, khóa chúng tôi lần lượt lên đường nhập ngũ.

 

 

         Thời kỳ này có nhiều bài hát hay về chiến tranh Biên giới cả phía Tây Nam và phía Bắc ra đời, đó là “Chiều biên giới”, “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Tình ca người thợ mỏ”, “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh”, “Chiều dài Biên giới”, “Chúng con lên đường hình Tổ quốc trong tim”, “Lời tạm biệt lúc lên đường”, “Bài ca Biên giới”, “Hãy yên lòng mẹ ơi”, “Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện”… nhưng có lẽ bài hát “Ngày mai anh lên đường”, thơ của Lê Giang, nhạc Thanh Trúc được chúng tôi yêu thích nhất.

 

         Đất nước hòa bình chưa được bao lâu, tháng 4-1977, bọn Pôn Pôt bắt đầu dùng những đơn vị vũ trang lớn tiến công ác liệt vào biên giới Tây Nam, tàn sát dã man dân ta. Căm thù tội ác của giặc, hàng vạn thanh niên lên đường nhập ngũ. Xúc động trước cảnh những chàng trai tạm biệt người thân, lên đường bảo vệ Tổ quốc, nhạc sỹ Thanh Trúc sáng tác ca khúc “Ngày mai anh lên đường” theo bài thơ của Lê Giang. Khác với những bài hát thủa chống Mỹ, những bài hát được sáng tác trong giai đoạn này vừa có tính hào hùng, vừa trữ tình, riêng bài hát “Ngày mai anh lên đường” với giai điệu nhẹ nhàng, lưu luyến mà tràn đầy niềm tự hào thể hiện được tình cảm người Chiến sĩ trẻ tạm biệt quê hương, ngày mai ra tiền tuyến, mà vẫn tin ở người hậu phương “ lại đón anh về đẹp mùa hoa chiến công”…

 

         Bài hát có 2 lời, cung rê thứ, mở đầu chậm rãi, tôi xin ghi lại để bạn đọc biết nhạc cụ có thể đàn và hát được:

 

         Lời 1. Màn [Dm] đêm buông trên đường, hàng me lung linh ánh đèn,  Đêm [Gm] nay đi bên em giữa lòng thành [F] phố yêu [Bb] thương Ngày [D7] mai anh lên [Gm] đường, ngày mai anh ra chiến trường  Để [F] lại em yêu [Dm] dấu có khoảng trời rừng núi Lung [Gm] linh ngàn vì [C] sao sáng trên [F] đường hành[A7] quân diệt [Dm] thù 

 

    Lời 2. Dù [Dm] xa nhau muôn trùng, mùa thu xôn xao lá vàng  Em [Gm] ơi anh xa em vẫn gần thành [F] phố thân [Bb] thương Bàn [D7] tay em xây nông [Gm] trường, bàn tay em gieo lúa vàng Gửi [F] tình lên biên [Dm] giới có khoảng trời thành phố  Mênh [Gm] mông và trong [C] xanh với bao [F] người bạn [A7] thân tâm [Dm] tình

 

         Ca khúc mang nhiều chất tự sự, tâm tình như trò chuyện cùng người nghe, làm chúng tôi thích thú, say mê, nó không gò bó bởi tiết tấu. Trong sinh hoạt buổi tối hàng ngày ở đơn vị, khi thì họp tổ, khi Tiểu đội, lúc Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn, khi thì Chi đoàn Thanh niên, sau những bài hành khúc quen thuộc như: “Đoàn Vệ quốc quân”, “Tiến bước dưới quân kỳ”… là đến “Ngày mai anh lên đường”. Chúng tôi say sưa hát bởi muốn gửi tâm tình của mình qua lời hát, kể cả người chưa từng có mảnh tình vắt vai ở xứ Nam Lào xa xôi, chưa biết đến khi nào được về đất mẹ.

 

         Điệp khúc:

 

         1. Như [Dm] hoa phong lan chờ [Gm] đợi, mưa [F] gió không phai tàn Người [Eb] về nhụy hoa ngát [A] hương, em [Bb] ơi em [A7] lại đón anh [Dm] về 

 

         2. Như [Dm] hoa phong lan chờ [Gm] đợi, mưa [F] gió không phai tàn Người [Eb] về nhụy hoa ngát [A] hương, em [Bb] ơi em [A7] lại đón anh [Dm] về Đẹp [A7] mùa hoa chiến [Dm] công

 

 

         Cho đến tận bây giờ, khi mà chiến tranh biên giới đã lùi xa 38 năm, mỗi khi giai điệu bài hát này vang lên, tôi như sống lại thủa trẻ với bao kỷ niệm của anh lính quân tình nguyện, nhiều năm cùng đồng đội ở Sư đoàn 968 Bộ binh giữ yên phên dậu của Tổ quốc ở phía Tây, để những người lính đồng đội tôi yên tâm chiến đấu ở mặt trận biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược. Thế hệ chúng tôi không bao giờ lãng quên kỷ niệm của một thời đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc.

 

17/2/2017

BsCKI Lê Lợi,

Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Nam Định,

Cựu chiến binh Sư đoàn 968

tin tức liên quan