Tướng Đồng Sĩ Nguyên vị Tư lệnh tài ba của Bộ đội Trường Sơn - Phạm Thành Long

Ngày đăng: 08:08 04/03/2017 Lượt xem: 1.196
Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, mời các đồng chí đọc một bài viết cảm động về cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên...

 

TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN

VỊ TƯ LỆNH TÀI BA CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN

                                                                           Phạm Thành Long

                                  

          BBT: Nhân sinh nhật lần thứ 95 của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết “Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên – vị Tư lệnh tài ba của Bộ đội Trường Sơn” của đồng chí Phạm Thành Long. Bài viết này được rút ra từ cuốn sách “Trường Sơn và Đất nước” được tác giả bổ sung nhiều chi tiết mới.

Xin trân trọng giới thiệu với các đồng chí và bạn đọc.

 

          Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là Tư lệnh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn  trong thời gian lâu nhất 1967-1975 và là một trong hai vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

         Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Giao thông Vận tải; Đặc phái viên Chính phủ, Đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quốc lộ Hồ Chí Minh - Quốc lộ Trường Sơn.

Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, (còn gọi là Nguyễn Sĩ Đồng), sinh ngày 1 tháng 3 năm1923, tại làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, phủ Quảng Trạch, Quảng Bình, xuất thân trong một gia đình trung lưu. Song thân đồng chí là cụ Nguyễn Hữu Khoán và cụ Đặng Thị Cấp. Cụ bà Đặng Thị Cấp, sinh ngày 12 tháng 5 năm 1882, mất ngày 22 tháng 4 năm1982, thọ chẵn 100 tuổi. Chồng mất sớm, bà nuôi dạy 7 người con: 5 trai 2 gái nên người. Cả 5 người con trai đều tham gia cách mạng. Người con trai thứ 5 là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Người con thứ 6 là Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh, nguyên Phó Viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Học viện Hậu cần, Cục trưởng Cục đối ngoại Bộ Quốc phòng.

          Ngoài ra, một người cháu nội của cụ là Nguyễn Hữu Cường, con trai của người con thứ 3 Nguyễn Hữu Lượng, cũng là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội khoá XI.

         Cha đồng chí là cụ Nguyễn Hữu Khoán, mất năm 1933, là cháu nội của Nguyễn Trọng Đạm, một chỉ huy Cần Vương bị Pháp xử bắn ở Cửa Gianh Quảng Trạch, Quảng Bình.

Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên lập gia đình với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan. Hai vợ chồng sinh 4 con trai và 2 con gái đều thanh danh, thành đạt. Một người con trai của đồng chí là sĩ quan, hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.

         Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là con thứ 5 trong gia đình. Cha mất sớm khi đồng chí mới 10 tuổi. Thuở nhỏ, đồng chí được cha dạy chữ Hán và theo học chữ Quốc ngữ bậc tiểu học tại Thọ Linh, nay thuộc xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch. Chịu ảnh hưởng của truyền thống gia đình, đồng chí sớm đã có tinh thần chống thực dân Pháp. Năm 12 tuổi, đồng chí bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng dưới sự hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Huyên, bí danh là Tế - một cán bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương.

         Năm 1938, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng. Năm 1940, đồng chí được cử làm Bí thư chi bộ Trung Thôn, mật danh là chi bộ Bình. Cùng năm này, đồng chí tiếp tục theo học bậc trung học tại trường SaintMarie ở thị xã Đồng Hới. Một năm sau, đồng chí được phân công làm Bí thư chi bộ tại trường.

          Những hoạt động của đồng chí sớm bị chính quyền thực dân theo dõi. Vì vậy, khi đang học năm thứ 3 bậc Thành chung, đồng chí bị thực dân Pháp truy nã và phải chuyển vào hoạt động bí mật tại Lào và Thái Lan, hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước để gây dựng cơ sở.

          Năm 1944, đồng chí bí mật trở về Việt Nam  hoạt động, được phân công phụ trách Phủ ủy Quảng Trạch làm Chủ nhiệm báo Hồng Lạc và xây dựng chiến khu Trung Thuần, huấn luyện quân sự, tham gia Cách mạng Tháng 8.

         Sau Cách mạng tháng 8, đồng chí được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm Chỉ huy trưởng bộ đội Quảng Bình.

          Năm1946, đồng chí trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 1.

          Chiến tranh toàn quốc nổ ra, đồng chí được phân công làm Chính trị viên kiêm Tỉnh đội trưởng Quảng Bình. Trong thời gian 1947 - 1948, đồng chí chỉ huy nhiều trận tấn công quân Pháp, vì vậy, để tránh liên lụy đến gia đình, đồng chí đã dùng tên mới là Đồng Sĩ Nguyên - cái tên về sau gắn bó với đồng chí trong cuộc đời còn lại.

          Năm 1950, đồng chí được rút về Việt Bắc học lớp trung cao quân sự, sau đó được điều về Tổng Cục Chính trị  làm phái viên, biệt phái tham gia Bộ Tư lệnh cánh phối hợp Trung Hạ Lào trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954.

           Sau năm 1954,  đồng chí được điều về Bộ Tổng Tham mưu, phụ trách Cục Động viên dân quân. Năm1959, đồng chí được phong quân hàm Đại tá.

Năm1961, đồng chí được cử sang Trung Quốc học trường Cao cấp Quân sự Bắc Kinh. Năm1964, về nước và được đề bạt giữ chức vụ Tổng Tham mưu phó một thời gian ngắn, sau đó được điều về làm Chính ủy Quân khu 4 năm 1965, sau đó là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Hạ Lào.

          Cuối năm 1965, đồng chí bị thương, phải ra Hà Nội điều trị.

          Đầu năm 1966, đồng chí được cử giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần Tiền phương. Từ 1/1/1967, đồng chí chính thức làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559, thay Đại tá Hoàng Văn Thái. Đồng chí giữ chức vụ này đến năm 1976.

          Năm 1974, đồng chí được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

          Năm 1976, đồng chí được cử giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế. Sau đó lần lượt giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Năm 1979, đồng chí được điều trở lại quân đội, giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV.

          Từ năm 1982, đồng chí là Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị khóa V. Ủy viên Chính thức Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sảnViệt Nam  khóa VI. Từ 1986-1991 là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Sau khi thôi chức Bộ trưởng, đồng chí được giao nhiệm vụ Đặc phái viên Chính phủ, Đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, rồi là Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quốc lộ Hồ Chí Minh.

 

           Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm, thì Tướng Đồng Sĩ Nguyên có hơn 8 năm trên cương vị là Tư lệnh. Thời gian hơn 8 năm ông đảm nhận cương vị chỉ huy là ngần ấy năm Bộ đội Trường Sơn phải đối mặt với sự đánh phá ác liệt nhất của máy bay và bom đạn Mỹ; phải đối mặt với những thủ đoạn tàn bạo nhất, đối mặt với các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất mà Mỹ, ngụy sử dụng trên chiến trường Trường Sơn. Hơn 8 năm làm Tư lệnh là quãng thời gian mà ông phải nhận nhiệm vụ chi viện chiến trường nặng nề nhất, to lớn và quy mô nhất. Và cũng ngần ấy năm, ông và Bộ tham mưu của mình cùng đoàn quân với quy mô 9 Sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc đã vượt lên tất cả, ghi  đậm những dấu ấn to lớn của sự nghiệp chi viện cho các hướng chiến trường trong cuộc chống Mỹ, cứu nước của 3 nước Đông Dương.

           Trường Sơn từ một đơn vị chỉ với hơn 500 quân ngày đầu thành lập. 6 năm sau trở thành một đơn vị tương đương cấp quân khu. Từ năm 1970, dưới thời Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã phát triển lớn mạnh trở thành một chiến trường rộng lớn, chỉ huy tất cả các lực lượng quân đội ta trên chiến trường Nam - Hạ Lào. Trường Sơn không chỉ phát triển các lực lượng vận tải, công binh, pháo cao xạ, thông tin, giao liên, đường sông…mà còn phát triển 3 lực lực quan trọng khác, như: Đường ống xăng dầu, lực lượng giúp bạn và lực lượng bộ binh. Lực lượng đường ống – tạo nên một “dòng sông mang lửa” , một kỳ tích vĩ đại, “tiếp máu” cho các lực lượng vận tải đến tận miền Đông Nam Bộ. Lực lượng bộ binh được xây dựng ở tất cả các binh trạm trở thành lực lượng tác chiến hiệu quả tại chỗ bảo về hành lang vận chuyển. Lực lượng bộ binh chủ lực với một sư đoàn (968) thiện chiến đã tiến hành giải phóng vùng Nam Lào rộng lớn, bảo vệ an toàn toàn tuyến chi viện. Lực lượng chuyên gia giúp bạn được xây dựng ở tất cả các đơn vị từ các Binh trạm, Trung đoàn, Tiểu đoàn độc lập. Lực lượng này đã giúp bạn một cách toàn diện và hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc địa bàn đứng chân và giúp bạn phát triển toàn diện vùng giải phóng…

         Bộ đội Trường Sơn dưới sự chỉ huy của ông đã đối phó một cách thông minh, hiệu quả, sáng tạo nên nghệ thuật quân sự đặc biệt của quân đội ta trên Trường Sơn trong việc đối mặt thắng lợi với không quân Mỹ cùng mọi thủ đoạn và các loại bom đạn, trang thiết bị, vũ khí tối tân, hiện đại nhất thế kỷ 20.

          Hơn 8 năm chiến đấu trên Trường Sơn, ông đã có những quyết định sáng tạo về tổ chức lực lượng một cách phù hợp và đi trước yêu cầu phát triển nhiệm vụ chi viện chiến trường ngày một to lớn, nặng nề hơn và hiệu quả hơn. Việc thành lập các Sư đoàn khu vực rồi tiến tới tổ chức các sư đoàn binh chủng đã cho thấy tầm nhìn và tính hiệu quả của công tác chi viện. Với 2 sư đoàn xe ô tô vận tải chiến đấu (hơn 5.000 xe các loại) đã trở thành lực lượng cơ động hữu hiệu, bảo đảm cho các quân đoàn chủ lực hành quân thần tốc, thực hiện thành công mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, tạo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng phút, từng giờ xốc tới mặt trận, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất và toàn thắng!”. Chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: Nếu không có 2 sư đoàn ô tô vận tải chiến đấu (471 và 571) với hơn 5.000 xe của Bộ đội Trường Sơn thì quân đội ta không thể “thần tốc”  tiến công giải phóng Miền Nam như thực tế đã diễn ra. Và nếu không có Bộ đội vận tải Trường Sơn thì các lực lượng của các hướng chiến trường làm sao có thừa vũ khí, đạn dược để tấn công vũ bão xuống đầu kẻ thù khiến chúng kinh hồn bạt vía và tan giã ra nhanh chóng như thế… 

        Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, động đội tha thiết. Trong ông thấm đẫm truyền thống dân tộc. Ông hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha, những người thân yêu gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ chí cho người đã khuất. Hàng vạn đồng đội của ông đã nằm lại trên đại ngàn Tây Trường Sơn, cần phải được tìm kiếm để mang về Tổ quốc. Vì thế, Hiệp định Pari tháng 1/1973 vừa ký, ông đã đưa ra chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sĩ Trường Sơn nằm ở Tây Trường Sơn để đưa về nước bàn tại hội nghị Đảng ủy và Bộ Tư lệnh. Với tầm nhìn nhạy cảm và chiến lược của người chỉ huy, ông bảo: Nếu không có kế hoạch đưa gấp hài cốt liệt sĩ Trường Sơn về nước thì chỉ một thời gian ngắn sau, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt của đại ngàn Trường Sơn sẽ là cản trở lớn lao cho việc quy tập mộ liệt sĩ của chúng ta ở Tây Trường Sơn. Như thế là có tội với người đã khuất, có tội với người thân yêu của họ. Thế là từ tháng 3/1973, mệnh lệnh của ông đã được triển khai trên toàn lực lượng Trường Sơn. Các đơn vị từ cấp trung đoàn, binh trạm khắp chiến trường Trường Sơn trải dài trên địa bàn của 7 tỉnh Nam Lào đều phải tổ chức một lực lượng làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ để mang về đất Mẹ. Nhiệm vụ chi viện chiến trường thời kỳ này là vô cùng to lớn. Việc cắt ra một lực lượng và phương tiện để làm nhiệm vụ đặc biệt này là một khó khăn rất lớn. Nhưng việc nghĩa thì không thể ngừng…

         Từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã được ông vạch ra. Ông chỉ thị cho các cơ quan chuyên môn dành thời gian để thiết kế, xây dựng Nghĩa trang. Với tầm nhìn “đi trước thời đại”, ông đã chỉ đạo: Phải thiết kế, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trở thành một địa điểm tâm linh và văn hóa đặc biệt. Trong thời gian này, dù phải tập trung chỉ huy chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, ông vẫn kiên quyết bứt thời gian xuyên rừng, lội bộ cùng trinh sát công binh trực tiếp tìm địa điểm đặt nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Và tháng 3 năm 1975, ông là người bổ nhát cuốc đầu tiên động thổ xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn – một nơi mà như chúng ta đã thấy sau này: Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có một địa thế thật đắc đạo. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trở thành nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đẹp nhất, rộng lớn nhất đất nước. Vị trí mà ông quyết định đặt nghĩa trang Trường Sơn ngày nào quả là linh thiêng. Người ta bảo: Cây Bồ đề là cây của nhà Phật. Nơi nào có nhiều cây Bồ là nơi ấy linh thiêng. Sau khi xây xong nghĩa trang Trường Sơn, ở đây xuất hiện rất nhiều cây Bồ đề không phải do người trồng. Đó là điều rất đặc biệt, có lẽ chỉ có ở nghĩa trang Trường Sơn.

      Nhờ trái tim yêu thương, nhờ tầm nhìn của tướng Đồng Sĩ Nguyên, mà hôm nay chúng ta đã có Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn với tầm vóc, quy mô và sự linh thiêng không thể diễn tả hết bằng lời… 

 

***

        Sau khi nghỉ hưu, đồng chí tiếp tục dành tâm huyết cho Bộ đội Trường Sơn. Đồng chí là một trong những người có công trong việc đề suất ý tưởng và xúc tiến việc thành lập Hội. Đại hội Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam lần thứ Nhất (2011-2016), đồng chí được Đại hội suy tôn là Chủ tịch Danh dự của Hội.

 

         Trường Sơn luôn đau đáu trong tâm can và tình cảm của Tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ông không lúc nào không nghĩ tới việc sưu tầm, tôn tạo các di tích tiêu biểu của Trường Sơn. Ông luôn căn dặn lãnh đạo Hội và lãnh đạo Binh đoàn 12: “Thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết Trường Sơn không cho phép chúng ta chần chừ thêm nữa đâu. Chỉ ít năm nữa thôi chúng ta có muốn thì cũng không bao giờ còn có thể nhìn thấy những di tích gắn liền với sự huyền thoại của Trường Sơn Anh hùng đâu…”. Bởi thế mà ông luôn hối thúc những người có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện Đề án trình Nhà nước công nhận Di tích Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Ông đã gặp trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ nguyện vọng về việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét Quyết định công nhận Di tích Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Là vị Thủ tướng có tầm nhìn về vị trí và tầm vóc đặc biệt của Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh trong toàn bộ di sản vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Vì thế, Thủ tướng đã nói với Tướng Đồng Sĩ Nguyên: “Trường Sơn có vị trí và tầm vóc lớn lao như thế nào không ai phải bàn cãi nữa. Chú cứ yên tâm. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình Đề án ngày nào, cháu sẽ ký ngay ngày ấy”. Và như chúng ta đã biết, ngày 9/12/2013, Thủ tướng đã có Quyết định công nhận Di tích Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (với 37 điểm tích tại 11 tỉnh từ Nghệ An tới Bình Phước) là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Đây không chỉ là sự vinh danh mà còn là sự đánh giá đúng vị trí và tầm vóc của Trường Sơn – Đường hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc; đồng thời là tin vui và niềm vinh dự tự hào to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ, TNXP, dân công hỏa tuyến Trường Sơn. Và đây cũng là “thành quả” mà Tư lệnh Trường Sơn bấy lâu nay đau đáu, giờ đã trở thành hiện thực.

          Hơn 8 năm chỉ là một chặng đường của một đời người. Song những năm tháng chiếu đấu trên Trường Sơn là quãng đời đẹp nhất, thể hiện sự thăng hoa của bản lĩnh và trí tuệ của Tướng Đồng Sĩ Nguyên; và cũng là thời gian làm cho tên tuổi của ông sáng nhất - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại! Trường Sơn trở thành máu thịt và trong từng hơi thở của ông. Có thể nói, Trường Sơn đã gắn liền với tên tuổi của ông: “Trường Sơn – Đồng Sĩ Nguyên” và “Đồng Sĩ Nguyên – Trường Sơn”. Ông là một trong ít vị Tướng của Quân đội ta đã sống và chiến đấu trực tiếp trên chiến trường với thời gian nhiều nhất.

          Thời gian đã lùi xa 40 năm, nhưng hôm nay, cán bộ, chiến sĩ của Bộ đội Trường Sơn mỗi khi nhắc về ông đều với sự kính trọng và yêu mến chân thành. Ai cũng thích gọi ông bằng cái tên thân mật năm xưa: “Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên”! Mặc dù sau này ông được Đảng và Nhà nước trao cho những trọng trách rất cao, nhưng đồng đội và những người lính của ông vẫn dành cho ông tình cảm gần gũi, yêu thương, kính trọng vẹn nguyên của một thời rất đẹp và hào hùng trên Trường Sơn vĩ đại. Điều đó không phải ai cũng có được. Đó là phần thưởng vô giá đối với một CON NGƯỜI như ông. Thật quý biết bao !

          Người ta đã ví: Có rất nhiều tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp là “cây cao, bóng cả” của Trường Sơn. Thì, Tướng Đồng Sĩ Nguyên là “cây cao bóng cả” cao nhất, “tỏa bóng mát” lớn nhất của Trường Sơn huyền thoại!

 

                 PTL

(Có tham khảo tư liệu Tướng lĩnh Việt Nam)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan